Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Tiếng rao


Trời mưa lất phất dầm dề đã ba ngày. Nước sông chuyển màu phù sa trên nguồn đổ về, leo lên lấp xấp mặt đường nhựa. Thằng Hòa kìm cây tre dưới bắp vế chân trái, hai tay cố kéo cái rớ lên khỏi dòng nước chảy xiết qua chiếc cầu sắt. Mặt nó giãn ra khi thấy mấy con cá giãy mạnh làm rung cả lưới rớ.

Bỗng nó nghe một giọng trầm quen, “Khá hè! Phải chi tui còn trẻ như eng thì cũng đỡ”. Hòa ngoái lại, “Chào chú, bữa ni trời lạnh, chắc bánh mì bán đắt hí?”.
- “Khung biết răng mà mơi chừ, tui chưa bán được ổ mô hết!”, câu nói kết thúc bằng tiếng thở dài yếu ớt.
Hòa nhìn ông lão với ánh mắt thương cảm với chút ngạc nhiên. “Răng lạ rứa?! Trời mưa lạnh, bánh mì bán đắt chớ. Thôi, ông ráng lên nghe”.

Ông già ở xóm Chùa, bà con thường kêu là “ông Nậy” là tên thằng con đầu của ông. Hồi trước ông chơi phong cầm (accordion) trong ban nhạc của tiểu khu, mang cấp bậc trung sĩ nhất sau hơn chục năm đi lính địa phương quân nhưng nghe nói, sau năm 1975 cũng phải đi cải tạo vì là “hạ sĩ quan tâm lý chiến”. Mấy chục năm nay ông bán cà rem vào mùa nắng và bánh mì vào mùa mưa.

Ông già trùm tấm ni lông to, phủ lên cái bao bố hai lớp đựng bánh mì vác sau vai. Thỉnh thoảng, ông xốc cái bao bố vác trên vai, tấm ni lông lại đẩy ngược chiếc nón lá chúi về trước.
Chợt nghe tiếng rao “Cà rem đê. Ai cà rem khô..ô..ng”, Hòa thả cần rớ, chạy theo kêu “Ông ơi, ông bán bánh mì mà”. Hắn nhìn sắc mặt ông già sạm xanh vì đói đang xếch lên nụ ... cười méo xẹo, “ Ờ hè, tui quên. Hèn chi không ai mua!”.

(Mai Lĩnh ghi theo lời kể của một người bạn gặp ở Nha Trang, những ngày mưa cuối tháng 7/2014).

Chợ đêm Chiang Rai, Thái Lan

  • Mai Lĩnh
Chiang Rai là một tỉnh thuộc cực bắc Thái Lan, giáp với các tỉnh Phayao, Lampang và Chiang Mai. Sông Kok (Maenam Kok) chảy từ tây sang đông dọc theo biên giới Thái và Myanmar rồi nhập vào sông Mê Kông tại huyện Chiang Saen, tạo ra một ngã ba sông biên giới với Lào và Myanma, vùng đất trồng cây anh túc khét tiếng là Tam Giác Vàng. Ngày nay, Chiang Rai trở nên hấp dẫn du khách bốn phương, một trong những điểm đến được ưa thích là chợ đêm của thành phố Chiang Rai.

Nằm ở trung tâm thành phố Chiang Rai, khu chợ đêm có vị trí thuận tiện cho hầu hết du khách đến mua sắm và giải trí.





Đường phố quanh khu chợ đêm luôn sạch và thoáng, thoải mái và an toàn cho mgười đi bộ dạo phố, mua sắm.
Trong một khoảng sân rộng, đêm đêm có những ban nhạc biểu diễn và bán nhiều món ăn truyền thống của vùng bắc Thái. Người dân địa phương và đông đảo du khách ngồi nhâm nhi cốc bia hoặc các loại nước giải khát trong một khung cảnh thân mật, thư giãn tuyệt với.
Ở đây, hàng hóa rất phong phú, thái độ người bán hàng lịch sự, thân thiện, tuy nhiên hướng dẫn viên khuyên du khách nên trả giá khi mua hàng dù nhiều mặt hàng có giá bán khá rẻ.








Hàng hóa đủ loại được trưng bày trong cửa hàng, trên sạp bày thành hàng chen chúc khắp chợ. Hàng mỹ nghệ, quần áo, đồ thổ cẩm, trang sức vàng bạc, đồ trang trí bằng gỗ... đến từ các làng nghề ở địa phương và từ nhiều nơi trong nước.




Nhiều người bán hàng thủ công, mỹ nghệ, tự sản xuất một số mặt hàng và họ tranh thủ thời gian thưa khách để làm hàng tại chỗ.
Những con búp bê thiếu nữ Thái trong trang phục truyền thống sặc sỡ là món quà lưu niệm rất được du khách phương Tây ra chuộng.
Ngoài hàng hóa nội địa rất phong phú, hàng ngoại nhập cũng chiếm số lượng đáng kể, nhất là hàng sản xuất ở Lào và Trung Quốc. Tại đây giá cả nhiều loại rẻ bất ngờ do thuế suất bằng 0 (thị trường mở cửa đối với 4 nước ASEAN là Thái Lan - Singapore - Indonesia - Malaysia).




Hai cô gái trẻ có một sạp trong chợ đêm làm nơi nhận vẽ chân dung (phóng lớn từ hình mẫu là ảnh chụp) và bán các chân dung nghệ thuật vẽ bột than trên giấy. 


Cô gái ngồi vẽ ngay tại sạp tranh của mình, một tay cầm bút, tay kia cầm bức tranh, không có giá vẽ - một tư thế không mấy thuận tiện - nhưng dường như điều đó không khiến cô mất tập trung cho công việc.


Cạnh đó, một họa sĩ trẻ người gốc Hoa cũng lặng lẽ, chăm chú thực hiện những bức tranh vẽ bút lông, mực Tàu, chủ yếu về đề tài tre, trúc... đơn giản nhưng rất được du khách phương Tây ưa chuộng.





Khoảng 12,5% dân số tỉnh Chiang Rai là người dân tộc thiểu số, sống ở miền núi như Karen, Akha, Lisu, Meo, Muser... Chợ đêm thành phố Chiang Rai có nhiều sạp bán hàng dệt thổ cẩm, thảm trang trí, trang phục, túi xách v.v... của những người miền núi.














Chiếc nón lá Việt Nam cũng xuất hiện tại chợ đêm Chiang Rai, được bán với giá 99 bath (01 bath = 600 đồng; tỉ giá vào tháng 3/2010).



Trong một góc chợ, một cô gái chăm chú nghe người phụ nữ trẻ (bên trái ảnh) tiên đoán tương lai của cô qua những lá bài Tây.

Mùa... bướm vui vẻ!

Núi Dương Đông, Phú Quốc, tháng 5-2007.
Trên những phiến đá trải đầy lá khô, những đàn bướm với 'trang phục' sặc sỡ rập rờn lượn lờ rồi đáp xuống, chúng 'chạy' quanh, rượt theo nhau cho đến khi gặp 'tri âm'. Cũng có những con lẻ bạn, buồn chán, sải cánh nằm một mình trên phiến đá...





Thành cổ Quảng Trị

  • Mai Lĩnh
Ngôi thành cổ rộng 16 hecta nằm ở góc đông bắc thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Trước khi diễn ra trận đánh khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972, thành vẫn nguyên vẹn rồi sau đó gần như bị san phẳng, vùi lấp hàng vạn thi hài chiến sĩ trận vong. Ngày nay, thành cổ được bảo tồn như một chứng tích chiến tranh, một nghĩa trang không có nấm mồ và là một điểm đến của du lịch tâm linh.

Năm 1827, vua Minh Mạng cho xây thành trì kiên cố với tường thành cao hơn 9 mét, dưới chân dày 12 mét, xây bằng gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi và mật mía. Thành có 4 cửa; cửa tiền hướng nam, cửa hậu hướng bắc và hai cửa hữu, cửa tả quay về hướng tây, hướng đông. Trong ảnh, cửa tiền (hướng ra đường Lý Thái Tổ) bị sập hoàn toàn trong chiến tranh, nay là cửa duy nhất được xây mới và trở thành lối ra vào chính của thành cổ Quảng Trị.
Tường thành bao quanh hình vuông, bốn góc nhô ra thành bốn pháo đài cũng có hình vuông; bên ngoài thành có hào nước bao quanh. Trước năm 1972, trừ bờ hào phía bắc, ba phía còn lại đều bị nhà dân xây bít và lấn ra hào; ngày nay bốn mặt thành đều được thông thoáng, xây tường hào bao quanh sát chân thành và đường phố bên ngoài rất đẹp. Ảnh: góc thành về hướng đông nam.


Đường Lý Thái Tổ ngày nay, nhìn từ cổng chính (hướng nam) thành cổ.








Sau 81 ngày đêm bị vùi dập đạn bom (từ 28/6 đến 16/9/1972), chỉ còn một đoạn hơn chục mét tường thành sát cửa hậu (quay về hướng bắc) còn được bề cao hơn đầu người, cửa thành đổ sụp phần trên, vòm cửa ra vào vẫn nguyên. Trong ảnh, cửa hậu vẫn được giữ nguyên như sau chiến trang, các loại dây leo phủ kín bờ thành và vòm cửa.



Ở góc đông bắc bên trong thành có khu nhà lao giam giữ tù nhân chính trị do người Pháp xây dựng từ năm 1929 và tồn tại cho đến 1972. Ngoài các phòng giam bình thường, hầm đá là nơi biệt giam tù nhân trong điều kiện ác nghiệt nhất. Trong ảnh, hầm đá bị sập một góc cho thấy những ô biệt giam chật hẹp.



Trước năm 1972, người dân Quảng Trị không nói đến từ "thành cổ" (bởi thành lũy nào cũng là kiến trúc cổ, nửa sau thế kỷ XX, các công sự phòng thủ không còn xây theo kiểu này). Chỉ từ trận chiến năm 1972, cái tên "Thành Cổ Quảng Trị" trở nên nổi tiếng như một nỗi hãi hùng về sự chết chóc. Mỗi tấc đất ở thành cổ đều có bom đạn và xác người. Trong ảnh, hào dọc theo bờ thành phiá đông, xa xa là đường dẫn vào cửa tả. Cũng cần phân biệt tên gọi di tích Thành cổ với Cổ Thành - nằm sát thị xã Quảng Trị, cách thành cổ khoảng 1km - là tên một làng thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong.

Khu thành cổ là một phần của quần thể di tích Thành cổ và sông Thạch Hãn, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia của Việt Nam. Toàn bộ diện tích trong thành được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đã nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng...




Một đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở thành cổ được xây dựng ở vị trí trung tâm. Tượng đài hình tròn tượng trưng nấm mồ cho những người đã mất. Kiến trúc thể hiện thế lưỡng nghi, tầng trên là dương, dưới là âm có khoảng trống thông nhau.






Phía tây thành cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn ngày nay là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông.




Tháp chuông (ảnh) được khánh thành vào ngày 29-4-2007; chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm... vọng tưởng linh hồn các liệt sĩ. Quả chuông đồng có chiều cao 3,9 mét, đường kính 2,15 mét, trọng lượng gần 9 tấn, được treo trên tháp có chiều cao gần 10 mét.








Quảng trường Thành Cổ nối liền không gian giữa thành cổ với sông Thạch Hãn. Nơi đây có nhà tưởng niệm liệt sĩ nằm ven bờ hữu ngạn sông Thạch Hãn.







Đối diện với quảng trường thành cổ, bên bờ tây, tả ngạn sông Thạch Hãn cũng có nhà và bến thả hoa đăng.






Dòng sông Thạch Hãn, cũng là nơi hy sinh của không biết bao nhiêu chiến sĩ. Vào các ngày lễ lớn hàng năm, như Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chính quyền địa phương tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm liệt sĩ đồng thời ở hai bên bờ sông.
Quanh năm, đồng bào, du khách khắp nơi cũng đến đây hành hương, đặc biệt vào dịp rằm tháng Bảy "xá tội vong nhân" để tưởng nhớ và cầu nguyện cho chư vong linh sớm siêu thoát. Chiều chiều, ngồi bên bờ sông Thạch Hãn ngắm cảnh hoàng hôn xuống, những người dân Quảng Trị xa xứ trở về thường có những cảm xúc bồi hồi, hoài niệm về vùng đất mẹ trong những ngày lửa đạn đã qua.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Chợ nổi Phong Điền

  • Mai Lĩnh

Chợ nổi Phong Điền nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông Nam, trên sông Cần Thơ, đoạn qua địa phận xã Nhân Ái, huyện Phong Điền. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến sau 8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần. Hàng hóa mua bán ở đây chủ yếu là nông sản, rau trái…, đây là một điểm tham quan hấp dẫn, hình ảnh đặc trưng của sông nước miền Tây.

Ngày nay, hệ thống đường bộ đã mở rộng khắp những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố Cần Thơ và hầu hết vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục nhóm họp theo tập quán và là nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước.



Trái cây theo mùa và đủ loại nông sản được mua bán, trao đổi hàng ngày qua hình thức vận chuyển đường sông, rất thuận tiện cho nông dân miệt vườn. >>







<< Dưa hấu được bán quanh năm ở chợ nổi.



Sinh hoạt mua bán diễn ra rất sôi động nhưng không ồn ào, phức tạp như các chợ trên đất liền. >>

Bên cạnh những thuyền mua bán nông sản và các loại hàng hóa khác, những chiếc xuồng nhỏ bán cà phê, các loại nước giải khát, hủ tiếu, cháo lòng… cũng len lỏi phục vụ tận nơi cho bà con trong chợ.


Chợ nổi cũng có các cây xăng lưu động và xưởng sửa chữa các loại động cơ nổ, máy ghe… Trong ảnh, người phụ nữ này tranh thủ ăn bữa sáng khi cập thuyền bên hông xưởng cơ khí và chờ đợi sửa máy thuyền. >>






<< Có một đặc điểm ở các chợ nổi là mọi giao dịch diễn ra trước mắt mọi người; hàng giao xong, tiền mặt trao tay, chợ nổi không có nạn móc túi, giựt xách như trên cạn.
Chiếc thuyền lớn này vừa bán hết hàng, người vợ ngồi trên mui đang hỏi mua bộ áo gối mới, trong khi người chồng đang nạp tiền điện thoại di động vừa mua của “tiệm tạp hóa” là chiếc xuồng nhỏ cập bên hông.





<< Đối với một số người mua bán ở chợ nổi, chiếc thuyền vừa là cửa hàng kinh doanh vừa là chỗ cư ngụ của gia đình họ. Trong ảnh là một cửa hàng bán áo quần may sẵn.



Khách du lịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ, hầu như không ai bỏ qua một tour sông nước hấp dẫn xuất phát từ bến Ninh Kiều vào chợ nổi Phong Điền từ sáng sớm, sau đó len lỏi vào những kênh rạch ngắm nhìn cảnh miệt vườn sống nước, vườn dâu, ca cao, mít và nhiều loại trái cây của huyện Phong Điền. >>
Các nhà nhiếp ảnh thường dùng đường bộ vào Phong Điền để săn ảnh chợ nổi này trước (từ 4g đến 8g), sau đó chạy ngược ra chợ nổi Cái Răng, thường đông trễ hơn (từ 7g đến 10g). Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối nông sản lớn trên sông Cần Thơ, họp cạnh chân cầu Cái Răng (quốc lộ 1A) và lộ Vòng Cung. Từ chân cầu Cái Răng (cách Cần Thơ 6km), rẽ phải vào lộ Vòng Cung đi 11km là tới chợ nổi Phong Điền.
__________________________________________________
Đã đăng trên The Saigon Times Online với bút danh Bảo Thư.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Nghĩ trên đường về

  • Đỗ Thành - Mai Lĩnh
Sihanouk Ville là thành phố cảng biển duy nhất của Campuchia được xây dựng vào cuối thập niên 1950. Nơi đây có nhiều ưu điểm để phát triển du lịch không thua kém Phuket hay Pataya của Thái Lan hoặc Nha Trang, Vũng Tàu của Việt Nam. Có vẻ như chỉ mới những năm gần đây, hạ tầng cơ sở du lịch mới được chú ý đầu tư trở lại sau thời kỳ Khmer Đỏ.
Bến du thuyền nằm cạnh cảng thương mại Shihanouk Ville

Khách Âu Mỹ đến đây chưa nhiều dù có cảng biển và sân bay đã lâu. Du khách đến từ các nước Asean và vùng Đông Á còn hiếm hoi. Tuy nhiên, lượng khách nội địa về đây khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ.
So với lượng khách đến Sihanoukville, số hàng quán có vẻ hơi nhiều. Các món hải sản tươi sống là một trong những điều hấp dẫn nhất của thành phố. Tất nhiên, cũng không thiếu những nơi phục vụ các món ăn nước ngoài - như các món của Việt, Thái, Úc, Pháp, Ấn Độ, Đức, Anh, Ý... có cả pizza, cafe espresso. Ban đêm, có nhiều tụ điểm nhộn nhịp, hàng quán mở cửa rất khuya như trên đồi Đài Khí tượng, chợ ẩm thực đêm trong khu vực trung tâm và các bar ngoài bãi biển Ochheuteal, Serendipity, Victory.
Cây thốt nốt trên cánh đồng bao la, hình ảnh quen thuộc dọc đường

Mỗi làng đều có cổng chào na ná nhau về kiểu dáng

Tượng đài các loài thú được coi như biểu tượng từng địa phương
Tượng trâu kéo xe ở Bavet




















Thời gian không đủ để chúng tôi đặt chân đến nhiều điểm tham quan khác ở Sihanouk Ville như nhà máy bia Cambrew - nơi sản xuất bia Angkor, bia Bayon, các sản phẩm của Pepsi; thánh đường Hồi giáo Iber Bilkhalifah của cộng đồng người Chăm; nhà thờ Thiên Chúa giáo St Michael, xây dựng năm 1962 ở chân núi Sihanouk Ville và chưa có dịp ngắm mặt trời lặn từ bãi biển Victory.
Đêm trước khi chia tay Sihanouk Ville, tin Thi mất cháu bé khiến chúng tôi suy nghĩ khá nhiều. Con bệnh vào cấp cứu nhưng vì cuộc mưu sinh, anh ta vẫn phải chạy xe kiếm tiền; điều đó dễ hiểu, nhưng thái độ tận tình, chu đáo của anh ta khiến chúng tôi thực sự áy náy, thương cảm. Nếu có dịp trở lại thành phố này, chắc chắn chúng tôi sẽ tìm gặp lại Thi, một lái xe hiền lành, chất phác và nhiệt tâm với công việc.
Đêm ấy, chúng tôi đi nằm sớm; sáng ra cà phê cà pháo rồi lệt bệt xách hành lý ngồi chờ, không còn cái hào hứng như khi đến, dù một ngày ở thành phố này chúng tôi cũng thấy hài lòng. Nhà xe hẹn đón lúc hơn 07g30 mà phải đến 08g45 mới thấy xe trung chuyển đến. Tập trung ở phòng vé hôm trước, lại chờ một lúc đến gần 09g30 xe đường dài mới lăn bánh.
Nếu chuyến đi nào cũng đầy háo hức thì chuyến về nào ít nhiều cũng thấy nhuốm bâng khuâng. Bao hình ảnh chồng chất, bao kỷ niệm chập chờn, những khuôn mặt, những nụ cười, những dáng chắp tay búp sen, những ân tình hướng dẫn, rồi Sophia ở Siem Reap và Thi ở Sihanouk Ville và năm ngày tung tăng đường phố gần như không có tiếng còi xe... khiến chúng tôi quên bẵng không khí đinh tai điếc óc, thỉnh thoảng lại giật mình toanh toách ở Việt Nam.
Chẳng cần nói ra, chúng tôi nhìn nhau và ngầm hiểu là trong thâm tâm mỗi người như đang có ý hẹn ngày trở lại xứ Chùa Tháp. Cứ nghĩ đến những công trình kiến trúc đền đài, nhưng nét cười đầy ắp bóng Apsara, những hình ảnh lịch sự nhịn nhường nhau giao thông trật tự, những câu chào thân thiện... chắc chẳng ai không nghĩ đến một lần quay trở lại.
Rùa được coi là linh vật may mắn,
đặt cạnh tay lái xe khách
Tiếng là mua vé xe chạy suốt, nhưng đến Phnom Penh lại cũng phải sang xe. Chiếc xe khởi hành từ Phnom Penh về TPHCM có hơn 40 ghế nhưng chỉ có 11 người khách vẫn chạy một mạch đến gần cửa khẩu Bavet mới tấp vào quán ăn bữa cơm chiều trước khi qua biên giới.
Ngồi trên xe, tôi nghĩ miên man về sự phát triển của du lịch Campuchia trong hơn chục năm qua. Ngoài Siem Reap và quần thể Angkor được tổ chức khai thác dịch vụ khá tốt và văn hóa ứng xử của người dân Khmer, dường như còn nhiều tiềm năng vẫn chưa được khơi dậy đúng mức.
Dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia có khá nhiều cửa khẩu, nhưng chỉ có cửa khẩu Mộc Bài - Bavet có tuyến xe khách chạy suốt qua biên giới, còn các cửa khẩu khác chỉ có người dân vùng biên qua lại nhiều. Theo tôi nếu cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang) có tuyến xe khách chạy suốt từ TPHCM hay từ Cần Thơ đi Sihanouk Ville, chắc chắn du khách Việt sẽ đến các tỉnh ven biển phía Nam Campuchia nhiều hơn. Lúc đó sẽ hình thành tuyến tham tham vòng tròn (tour), đi qua cửa khẩu Bavet - Mộc Bài, về qua Xà Xía - Hà Tiên hoặc ngược lại.
Xe đưa đón công nhân

Bia, nước ngọt 'đi' xe du lịch xịn











Khi đi ngang khu công nghiệp Tai Seng Bavet Sez thuộc đặc khu kinh tế Bavet, tỉnh Svay Rieng gặp đúng giờ tan ca, suốt dọc dài gần 10km, chúng tôi gặp hàng đoàn xe tải nhỏ chở công nhân về. Trước cổng Tai Seng Bavet Sez có quốc kỳ của nhiều nước, còn nhiều đám đông đứng chờ xe. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của họ - phần đông là nữ - lên xe đứng chen chúc trong những chiếc xe bọc khung hoặc lưới thép chung quanh như cái rọ mà thấy thương.
Đến cửa khẩu, mọi thủ tục nhà xe lo hết, khách chỉ việc theo vào phòng, đợi nghe gọi tên thì nhận lại hộ chiếu của mình. Công việc nhoáng tí là xong vì cách giải quyết của phía bạn hợp lý, ai đến trước phục vụ trước, không phân biệt khách đoàn hay khách đi lẻ. Dân đi buôn chuyến, dân từ sòng bạc về, dân tứ xứ, dường như ai cũng đã quen nên thản nhiên đứng chờ.
Anh em chúng tôi nhận hộ chiếu, xem xét lại và được nhà xe dặn đừng cất vội vì còn qua thủ tục kiểm bên phía Việt Nam. Đoạn này mới thấy nhiêu khê, mất thì giờ.
Và đây, trở lại với vùng trời quê hương, đèn đã lấp lóe ánh điện, đường phố rộn rịp, xe cộ chen lách nhau đi, tiếng còi xe lại thi nhau chọc vào tai, cả chiếc xe chúng tôi đi suốt buổi trên đất Campuchia im lặng, về đến đây cũng hòa chung vào những lần bấm vô tội vạ trên đường phố.
Xe qua Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn và lừ đừ vào thành phố. Cửa hàng thi nhau mở, đèn chớp lập lòe, những loa đua nhau gào inh ỏi, xe cộ chen chúc nhau như đan cửi...
Xe dừng bến cuối, chúng tôi xuống xe, vội vàng như chạy trốn. Nhảy lên xe ôm chạy vèo về khu nhà trọ gần ga Sài Gòn, lo vệ sinh cá nhân, kiếm cái gì bỏ bụng rồi lăn kềnh ra ngủ. Sáng hôm sau, vào mua vé tàu trở về phố biển Nha Trang.
Những người nghèo không có mặt bằng kinh doanh thường dùng kiểu xe độ thế này để 
bán lưu động. Ở Campuchia, người nghèo may mắn là những phương tiện thô sơ 
của họ không bị cấm lưu thông và cũng không thấy xe cảnh sát đi hốt đồ đạc 
của dân buôn bán lề đường.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH LƯU NIỆM CHUYẾN ĐI CAMPUCHIA

Đặt chân lên đất Campuchia, cửa khẩu Bavet

Chụp ảnh in lên vé tham quan khu di tích Angkor













Thỉnh thoảng, bác Đỗ Thành lại ngồi điều hòa hơi thở lấy lại sức

Trên tầng cao nhất của Bayon


Trên đỉnh Kulen