Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Đâu rồi "Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu" ?!


  • Mai Lĩnh
Về miền Tây Nam bộ, có rất nhiều địa danh gợi sự tò mò cho du khách. Từ những địa danh được thừa nhận chính thức, thành tên một đơn vị hành chính như “thị trấn Một Ngàn” (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho đến những địa danh du lịch như “búng Bình Thiên” (An Giang), “bưng Đá Nổi”, “lung Cột Cầu” (Cần Thơ).

Cổng chính, nhìn từ ngoài vào.

Cổng chính, nhìn từ trong ra. Bên trái ảnh là bãi đậu xe bỏ hoang cỏ mọc cao.
Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu là một di chỉ, thắng cảnh nổi tiếng ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Di chỉ này được phát hiện do sự tình cờ khi người ta đào mương, lên liếp trồng cây, hoặc do một số người mò cua, bắt cá, xúc tát trong những lung, bàu, mương rạch tự nhiên đã nhặt được một số mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá... có niên đại thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo (vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII).

Vào những năm 1990, Viện Khảo Cổ trung ương đã cử đoàn khảo sát đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền để tiến hành thăm dò, khai quật nhằm tìm hiểu thêm về nền văn minh cổ của cư dân Phù Nam từng tồn tại cách đây trên dưới 1.500 năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Những hiện vật tìm được ở quanh vùng này hiện được trưng bày tại Nhà bảo tàng Cần Thơ. Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học và những tư liệu, thư tịch cổ, người ta đã đủ cơ sở khẳng định rằng: trước người Chân Lạp đã từng có một sắc dân với nền văn minh, văn hóa Hindu gốc Nam Á xuất hiện, sinh sống, định cư và mất đi trên vùng lưu vực sông Mekong một thời gian khá lâu.

Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu, theo dân gian truyền khẩu, xưa kia là một vùng đầm lầy hoang dã. Người ta đã gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 2, 3m dưới lớp phù sa thực vật. Người ta cũng phát hiện nhiều tảng đá xanh hình khối chữ nhật đã được gia công, "nổi" lên trong cái ao của khu di tích hiện nay. Cùng với những di vật bằng gốm, đồng, vàng; cùng với những xương thú lớn đã hóa thạch... Các chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có một cụm cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành một cộng đồng khá phồn thịnh.

Giữa khoảng sân rộng chia ra hai lối, bên trái là nhà thủy tạ, nơi ăn uống và có phòng đờn ca tài tử, bên phải có lối đi ra sau hồ câu cá. Án trước gốc cổ thụ có ba chiếc ghế xi măng được in chữ lớn, cho biết đó là quà tặng của Tiến sĩ TRỌNG BẰNG, Nhạc sĩ THANH TÙNG và Biên đạo múa, NSND PHI LONG. 
Bên ngoài cổng chính, một hàng chín chiếc ghế xi măng cũng được ghi tên 9 nghệ sĩ tên tuổi tặng cho khu du lịch.
 Sau khi được phát hiện, các hiện vật đều được đưa vào nhà bảo tàng còn hiện trường đã trở thành “miếng mồi ngon” cho hoạt động kinh doanh du lịch. Ngày nay, du khách tìm đến nơi sẽ nhanh chóng nhận ra là “miếng mồi” đó bị khai thác không vì lợi ích cộng đồng.

Bưng Đá Nổi, lung Cột Cầu không còn một nét cảnh quan nào gợi nhớ đến giá trị của một di chỉ văn hóa Óc Eo mà được đầu tư, xây dựng thành khu “du lịch sinh thái” với các trò giải trí tương tự bất cứ khu du lịch miệt vườn nào ở đồng bằng sông Cửu Long (câu cá, ăn nhậu, đờn ca tài tử, v.v...). Kiểu đầu tư này chỉ thu lợi nhuận cho chủ nhân (có tiền đầu tư và quyền lực thâu tóm “quyền sử dụng đất” hiện trường di chỉ) nhưng vô tình đã đánh mất một “sản phẩm du lịch” có giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, có thể đem lại lợi ích dài lâu cho ngành du lịch địa phương mà đối tượng thụ hưởng là cộng đồng.

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Núi đồi quanh làng Mai Lãnh








  • Bài và ảnh: Đoàn Văn Trí


Năm 1965, tỉnh Quảng Trị có thêm quận Mai Lĩnh (*). Lần đầu nghe được địa danh này, bọn học sinh chúng tôi cũng có tìm hiểu và chỉ biết được rằng quận nầy được thành lập thay cho quận Ba Lòng và đặt tên theo một ngọn núi ở vùng thượng nguồn sông Thạch Hãn. Từ đó, chúng tôi nghe quen dần biểu tượng “Non Mai - Sông Hãn” nhưng chỉ thấy sông mà không thấy núi. Rồi cuộc chiến ở vùng địa đầu ngày càng khốc liệt, chẳng ai có dịp lên thượng nguồn thưởng thức vẻ đẹp của cặp đôi Sông Hãn - Non Mai. Tôi đã quên dần biểu tượng này và chỉ còn nhớ địa danh “chi khu Mai Lĩnh”, nằm ngay đầu đoạn quốc lộ 1 mới (Long Hưng - Mỹ Chánh), lúc đó còn gọi là “cải lộ tuyến”, làm xong khoảng năm 1969.
Chỉ vậy thôi, cho đến năm 2016, sau khi xem tập ký sự ảnh “Quảng Trị Đi Nhớ Về Thương” rồi có dịp cùng tác giả Phạm Đình Quát trò chuyện nhiều về thiên nhiên của Quảng Trị và cùng đặc biệt chú ý đến địa danh Mai Lĩnh, hẹn sẽ thực hiện một chuyến du khảo, ngắm Non Mai - Sông Hãn. Sau thời gian cùng tìm kiếm, trao đổi tài liệu, hỏi thăm một số người từng sống ở vùng chiến khu Ba Lòng thuở xưa... cuối tháng 4-2017, chúng tôi cùng với mấy người bạn ở địa phương cùng tìm vào thôn Khe Luồi, xã Mò Ó, huyện Krong Klang, nơi ngày xưa có ngôi làng Mai Lãnh.

Tới thị trấn Krong Klang
Đây là lần đầu tiên tôi tới thị trấn này, hơi bất ngờ vì thấy nó cũng khá bề thế, hiện đại (các quán café có wifi, cô lái đò dấu cái Iphone dưới nón phát nhạc phục vụ khách sang sông... Tỉnh lộ 588A từ ngã ba thị trấn huyện, nối với QL9 vào tận Ba Lòng dài 17km trải bê tông, ô tô hay xe máy đều chạy thoải mái. Nhưng tiếc là do nhà quán xây ven sông chắn mất tầm nhìn nên tôi không có được cảm giác vỡ òa khi tới đoạn đường 9 gặp sông Thạch Hãn mà tôi hằng tưởng tượng.
Từ ngã ba thị trấn Krong Klang rẽ vô con đường nhỏ ra bờ sông chỉ vài trăm mét, chúng tôi gửi xe máy rồi qua sông bằng đò máy. Sông Thạch Hãn đoạn chạy sát thị trấn (rồi men theo QL9 về phía tây, qua cầu treo Dakrông) có lòng sông hẹp nhưng khá sâu. Qua sông rồi leo lên một dốc nhỏ, đi thêm một đoạn khoảng hơn 500m là vào xóm Mai Lãnh, thuộc thôn Khe Luồng, xã Mò Ó.
Dân cư ở đây hiện nay phần lớn là người dân tộc nhưng không cư trú lâu đời, có gặp một người già nhưng ông này lại mới quay về từ Quảng Bình sau 1975. Không gặp được ai biết chính xác núi Mai Lĩnh là ngọn núi nào. Chỉ biết khe…, đôộng …

Tuy nhiên họ cũng cho biết là cư dân Mai Lãnh xưa có một nghĩa địa riêng nhưng phần lớn lăng mộ đã được cải táng và di về làng Cổ Thành. Theo người dẫn đường đi theo đường chính của thôn, xuống khu rẫy, băng ngang qua một sân trường đi thêm một đoạn, chúng tôi tìm thấy một khu đất hình chữ nhật có bờ bao rõ ràng kích thước 60x30m, vẫn còn một số bia mộ phần lớn ghi quê quán người dưới mộ là làng Cổ Thành. Đặc biệt có một lăng mộ lớn, nằm chính giữa cạnh phía tây bắc, vị trí trang trọng, còn nguyên vẹn do mới được trùng tu, bia mộ ghi:
  
PHỤNG VỊ
THỦY TỔ
(TIỀN KHAI KHẨN)
TRẦN LƯU QUẬN
NGUYỄN QUÝ CÔNG
THẦN HỒN CHI LĂNG MỘ
====
HẬU DUỆ CÁC TỘC
NGUYỄN-PHAN-LÊ
CƯ DÂN CŨ CỦA LÀNG MAI LÃNH
ĐỒNG PHỤNG LẬP
Ngày 25-4, Tân Mão (2011)

(Hình 1)

Bia cho biết đây là lăng mộ của "Ngài Tiền Khai Khẩn" (qui dân lập làng) của làng Mai Lãnh. Nguyễn Quý Công không phải là tên thật (theo phong tục thì không ghi tên thật của người chết) mà ghi như vậy thì có thể hiểu rằng người dưới mộ họ Nguyễn, là nam nhân, mất sau 50 tuổi. Trần Lưu Quận là quê quán nhưng do người xưa thường ghi quê quán theo các quận bên Tàu (họ Nguyễn ghi Trần Lưu Quận) nên việc ghi Trần Lưu Quận ở đây không giúp phân biệt là gốc Hoa hay Việt.
Như vậy, chúng tôi biết chính xác vị trí của làng Mai Lãnh xưa, nhưng nay qua nhiều thay đổi chỉ còn lại tên xóm Mai Lĩnh (không biết có được ghi chính thức trong hồ sơ của xã Mò Ó không)

Đi ngắm và chụp hình Non Mai - Sông Hãn
Quay lại thị trấn Krong Klang, chúng tôi ăn vội bữa trưa và sau đó theo TL588A, dọc tả ngạn sông Thạch Hãn trực chỉ Ba Lòng nhưng cũng dự kiến là chỉ cần chạy qua khỏi cầu tràn thêm một đoạn nữa thôi (chỉ còn cách Ba Lòng vài cây số), mục đích là để chụp hình núi Mai Lĩnh theo những vị trí có góc nhìn khác nhau. (Núi Mai Lĩnh đề cập ở đây là ngọn núi được Phạm Đình Quát ghi chú trong tập ký sự ảnh QTĐNVT).
Trước khi lên đường, chúng tôi đã đọc kỹ bài “Non Mai” của Yến Thọ (Tạp chí Cửa Việt số 207,tháng 12 năm 2011); nhưng nói thực, dựa theo mô tả vị trí núi Mai Lĩnh trong bài này rồi đem so trên bản đồ thì chúng tôi chịu, không thể xác định cái núi “bí hiểm” này nằm ở đâu?!

Trên đường, ghé vào nhà 1 cán bộ trẻ của xã Triệu Nguyên (bí thư xã) hỏi thăm về địa danh Mai Lĩnh thì anh này cũng chẳng biết gì nhiều dù anh có cho biết là đang tham gia biên soạn về lịch sử xã Triệu Nguyên; còn núi Mai Lĩnh thì hoàn toàn chưa nghe bao giờ (!).

Vào đến Km 10 và Km 11 (tính từ Ba Lòng ra, đoạn đường đèo quanh co) chúng tôi bắt đầu chụp hình, các ống kính đều quay về phía hữu ngạn thu hình ảnh núi đồi ven sông, dĩ nhiên là ngọn núi hình chóp vẫn đươc ưu tiên. Riêng tôi, để dễ xem lại tôi làm 1 clip thu hình núi sông từ xóm Mai Lĩnh cho tới đỉnh núi hình chóp, tức là từ xã Mò Ó cho đến xã Triệu Nguyên, đồng thời chụp theo khiểu panorama 4 hình để về ghép lại.

Đến ngầm sang Ba Lòng thì thấy núi hình chóp không giống hình chóp nữa (tôi không ngạc nhiên vì đã biết trước hình dạng của ngon núi nhờ đã xem bản đồ quân sự của vùng này (trước 75) và “bay” qua đây nhiều lần khi du hành bằng Google Earth (GE).

Chạy thêm một đoạn đến cầu Khe Cau, tưởng rằng sẽ gặp góc nhìn tốt nhất về đỉnh núi nhưng vì đến ngay chân núi rồi thì cây cối, nhà cửa che hết tầm mắt.

Lần đầu tiên được tận mắt nhìn cặp đôi Non Mai - Sông Hãn, thấy đúng là danh thắng của Quảng Trị. Bức tranh toàn cảnh tạo nên vẻ đẹp khó tả nhất là đối với một người không thuộc giới văn thơ. Hùng vĩ nhưng dịu êm, núi sông, trời nước, ruộng nương một màu xanh ngút ngàn. Cảm giác khoan khoái dù trời nắng gắt. Núi không cao nhưng chập chùng, sông không rộng nhưng uốn lượn với dòng chảy nhẹ, điểm một vài con đò nhẹ nhàng trôi. Khung cảnh làm tôi nhớ lời một bài hát tiếng anh: “… Once there were valleys, where river used to run Once there were blue skies with white clouds high above…” (Green field)

Thực tình mà nói, núi Mai Lĩnh (theo phỏng đoán của PĐQ trong tập ký sự ảnh) có tôn thêm vẻ đẹp nơi đây từ một số góc nhìn nhưng có những lúc không nhìn về đỉnh núi này ta vẫn thấy đẹp. Đứng trên ngầm Ba Lòng, nhìn lên, nhìn xuống thượng, hạ nguồn tả ngạn, hữu ngạn đều đẹp. Hình như một người cùng đi không thèm chụp hình ngọn núi mà chuyên lấy toàn cảnh nên dù chỉ dùng Ipad vẫn ghi được những khung hình xuất sắc.

Hình (2) chụp thực địa từ vị trí Km 11, TL 588A

Hình (3) trích từ Google Earth, từ vị trí Km 11, TL 588A với: độ cao +70 mét

Hình (4), chụp từ đoạn ngầm Ba Lòng (đập tràn qua sông Thạch Hãn)
Hình (5),  trích từ Google Earth, nhìn từ đoạn ngầm Ba Lòng ở độ cao +100 mét.


(Hình 6)
Hình (7)
(H.8) 
 Hình (9), Panorama (Từ Triệu Nguyên đến Mò Ó). So sánh hình chụp thực địa và hình trích từ Google Earth
Sau khi xem lại hình chụp panorama, tôi thấy có thêm một đỉnh núi khá cao ở phía sau (phía nam) làng Mai Lãnh nên khảo sát lại trên GE thì thấy đỉnh nầy cao 813m, đỉnh bên Triệu Nguyên cao 801-802m, có 1 đỉnh khác bên Ba Lòng cũng cao trên 800m nhưng thuộc núi Đá Bàn.
 Từ đoạn  đường chữ U nhìn thấy cả 2 đỉnh : đỉnh 802m bên trái (theo PĐQ), đỉnh  813m gần làng Mai Lãnh xưa nhưng bị che khuất nhiều và có thể là đỉnh núi nằm lấp ló phía sau đỉnh đươc chỉ trong hình, đỉnh 802 gần sông hơn và ít bị che khuất.
Lý do không thể xác định vị trí núi Mai Lĩnh theo mô tả trong bài “Non Mai” của Yến Thọ vì tác giả không trình bày bằng bản đồ. So bản đồ với mô tả (tóm tắt trong bảng bên dưới) thì cũng chịu. Mong các bạn thử kiểm tra lại xem tôi có nhầm chỗ nào không?

Hình (10)

Theo mô tả của Yến Thọ, tác giả bài Non Mai (đã dẫn trên), thì vị trí đỉnh núi Mai Lĩnh thuộc địa phận xã Mò Ó (trước đây thuộc xã Triệu Nguyên); từ trung tâm huyện Krong Klang, vị trí núi ở về phía tây nam (tức là hướng cầu treo Dakrông). Ngược lại, nếu từ đỉnh núi thì thị trấn huyện Krong Klang ở về phía đông bắc và QL14 trên địa phận Trại Cá, Ta Long nằm về phía tây.

Trong bản đồ, tôi có chấm thêm trên bản đồ mấy vị trí: KK (Krong Klang), ML (xóm Mai Lĩnh), đỉnh 813 và đỉnh 802.
Xếp chung mô tả 3 vị trí trong 1 bảng thì đỉnh núi Mai Lĩnh trong bài Non Mai không trùng với hai đỉnh cao hơn 800m ở vùng này.
Vị trí của
Thuộc xã
Nhìn từ thị trấn huyện
Nhìn từ đỉnh núi
Quốc lộ 14 
Năm trong khu vực Mai Lĩnh
Căn cứ Mỹ cũ
Từ Xuân Lâm nhìn thấy
trên đỉnh có khoảng đất trống
đỉnh núi ML trong bài Non Mai
Mò Ó
thì núi ở về phía tây nam
thị trấn huyện ở phía đông bắc
đoạn Trại cá Ta Long ở phía tây
không
đỉnh 813
Dakrông
nam
bắc
đông nam
căn cứ   Henderson
nhưng bị che khuất nhiều
không
đỉnh 802
Triệu Nguyên
đông nam
tây bắc
nam
không
không
trông giống tảng đá lớn

Xem trên bản đồ quân sự của vùng quanh làng Mai Lãnh thấy lạ: nhiều núi lớn nhỏ khác nhau đều có tên: Núi Đá Bàn, Đông Ca Lư, Núi Ba Hồ, Đông Riang Tuan (605), Núi Giang Gió, Động Ba Le (1102), 2 ngọn núi mà 1 trong 2 được cho là núi ML thì 1 lại không có tên mà chỉ ghi là đỉnh 818 (tương ứng với đỉnh 802 trên GE) và 1 thì ghi Động Chó (chắc là Ché) duới thấp mà không ghi gì ở đỉnh (các chữ lớn màu nâu là tên các cứ điểm của lính Mỹ, chữ đỏ là do tôi ghi thêm, độ cao trong bản đồ này không giống độ cao trong GE, trong bản đồ thường cao hơn 10-20m). Bản đồ kiểu nầy thường được lấy từ bản đồ gốc của Nha Địa Dư Quốc Gia.
 
Hình (11)

Phải chăng Núi Mai Lĩnh không có địa danh chính thức vào thời VNCH?

Ngoài ra trên bản đồ địa hình này cũng cho thấy về phía tây nam Krong Klang trong khoảng 10km không có ngọn núi nào (kiểm tra lại trên GE cũng vậy).

Hình (12)

Về chuyện người địa phương gọi động này, động kia có khi muốn nói tới các đồi nhấp nhô ven sông, vì theo tiếng Quảng Trị, “động” nhưng thực ra là “đô-ộng”(có thể đọc theo giọng Huế như ‘độn”) đồng nghĩa với “đồi” (phương ngữ Quảng Trị không có chữ “đồi”). Người địa phương sinh sống, canh tác ven và trên các đô-ộng mà không quan tâm lắm đến các điểm cao nên không gọi núi này núi nọ. Nếu ai không biết chuyện này sẽ nghĩ ở Quảng Trị có hang động khắp nơi. Có điều núi Ta Linh cao trên 1700m vẫn được gọi là “đô-ộng Voi Mẹp” chắc là vì nhìn từ sườn đô-ộng Ca-lư thì thấy nó như thế này, giống con voi nằm nhưng trông không cao lắm!

Cũng có thể chỉ người đồng bằng mới phân biệt giữa núi và đồi (đô-ộng), còn người trung du miền núi thì đồi hay núi gì cũng được gọi là “đô-ộng”.

Thử bàn vài giả thuyết thay cho lời kết
Qua mấy chuyện khó hiểu trên, tôi nghĩ ra một giả thuyết khác về chuyện núi ML: Có thể do vấn đề ngôn ngữ đã làm cho ngọn núi trở thành bí hiểm.

Ban đầu, khi mới đến ngụ cư ở vùng này, ngài tiền khai khẩn tự đặt tên Mai Hoa cho trang trại của mình vì ở đây có nhiều hoa mai. Về sau khi dân số phát triển, do biết chăm sóc cây mai nên hoa mai ngày một nhiều, đã biết cách điều khiển để mai nở đúng dịp tết…

Đến một  thời đã có nhiều người Hoa di cư sang VN (dạng người Minh Hương, ban đầu vẫn nói tiếng Hoa) đến cư ngụ nhiều vùng Cam-Lộ, Cùa và có thể cả ở Mai-Lĩnh. Một ngày xuân, hoa mai nở rộ khắp làng thành cả rừng mai, những người nói tiếng Hoa (khách) tán dương cảnh này: "Cái lày là Mei-lin dzồi chứ sao còn là Mai Hua, tiên sinh khiêm tốn quá” và chủ (người Việt, biết nói tiếng Hoa) cũng hưởng ứng: “Phải lắm! gọi là Mai Lĩnh  thì mới xứng”. Và từ đó phường Mai Hoa đổi tên thành phường Mai Lĩnh.

Nhưng khổ nổi, hồi đó chưa có chữ quốc ngữ dùng mẫu tự latin để phiên âm như bây giờ mà phải dùng chữ Hán. Người Hoa và những người có biết chút tiếng Hoa thì sẽ ghi là · với nghĩa là rừng mai và vẫn đọc là Mai Lĩnh, người không biết chữ cũng gọi theo là Mai Lĩnh, nhưng người biết chữ Hán mà không biết tiếng Hoa thì có thể đọc là Mai-Lâm. Dù sao thì khi nói, mọi người đều gọi là phường Mai Lĩnh hoặc làng Mai Lĩnh và ca ngợi vẻ đẹp của núi sông ở Mai Lĩnh và coi toàn bộ núi đồi quanh đó là núi Mai Lĩnh.

Triều đình Huế cũng nghe về danh thắng này và cử quan ra Quảng Trị tuần thám, quan thì giỏi chữ Hán nhưng không biết nói tiếng Hoa nên phán: “Mai Lĩnh phải viết như thế này mới đúng ”. Quan viết như là phiên âm mà không nghĩ đến nguồn gốc của tên Mai-Lĩnh. Về sau có quan khác (chức nhỏ hơn) thắc mắc về chuyện này thì quan lớn thấy cũng đúng, nhưng ỷ thế lớn và thâm nho hơn nên quan lớn bảo: "Tao viết thế là để mọi người đều đọc là Mai Lĩnh và tiện thể để tả hình dáng ngọn núi luôn” và gán cho chữ Mai lĩnh (枚嶺) nhiều ý nghĩa giống với một ngọn núi dễ thấy nhất. Không biết người Hoa và người làng Mai Lĩnh họ có công nhận ý kiến của quan lớn không nhưng quan nhỏ thì phải thưa “Dạ đúng là cao kiến”.

Có lúc tên đã lên bản đồ nhưng vị trí không thể chính xác với cách vẽ bản đồ thời đó và sách cũ chỉ ghi được Mai Lĩnh Sơn như sau: Núi Mai Lĩnh ở phía tây huyện Thành Hóa (cuối trang 157 Đại Nam Nhất Thống Chí).

Cũng trong trang này ghi rõ núi Mang và núi Mai Lĩnh là 2 núi khác nhau. Lại có thêm núi Mai Đàn? (có thôn Mai-Đàn bên vùng Cùa)

Trong dân gian, các bậc thức giả Quảng Trị cũng thấy rằng trong Huế có sông Hương-núi Ngự thì  Quảng Trị cũng có Non Mai Sông Hãn và rồi ghi Mai Sơn mà không ghi Mai Lĩnh Sơn trong các câu đối, văn tự… và cũng né được việc tranh cãi về chữ Mai Lĩnh.
Non Mai-Sông Hãn đẹp thật nhưng lại như “Cô gái ngủ trong rừng” nên chỉ có giới trí thức, thân hào, nhân sĩ ở Quảng Trị quan tâm. Triều đình nhà Nguyễn có vẻ cũng quên dần Non Mai-Sông Hãn. Thời VNCH, có ông tỉnh trưởng Đông quan tâm tới vùng này theo cách khác. Rồi sau 1963, cái tên Mai Lĩnh lại được quan tâm và quận Mai Lĩnh ra đời dưới thời ông Hoàng Xuân Tửu.

Tuy vậy vẫn có vẻ như núi Mai Lĩnh chưa được chính thức chấm tọa độ và đặt tên bởi Nha Địa Dư Quốc Gia và cho đến bây giờ vẫn chưa xác định rõ: Non Mai là một ngọn núi thôi hay là cả vùng núi đồi quanh làng Mai-Lãnh xưa?
Gần như mù chữ Hán, đành phải dùng Google dịch.

Xin cảm ơn các bạn đã chịu khó xem và phát hiện giúp các sai sót. Đa tạ!
___________________________________________________________
(*) Theo Nguyễn Đình Tư chép trong sách "Non Nước Quảng Trị", NXB Đại Học Quốc Gia TPHCM-2011, trang 145: Quận Mai Lĩnh được thành lập theo Nghị định số 880-NV, ngày 11-6-1965 của phủ Thủ tướng VNCH, bao gồm 6 xã (30 thôn) của quận Hải Lăng (Quảng Trị, Hải Trí, Hải Quy, Hải Thượng, Hải Phú, Hải Lệ) và một xã của quận Triệu Phong (Triệu Thượng).

(Hình 10): https://l.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Fdakrong.quangtri.gov.vn%2Findex.php%2Fvi%2Fgioi-thieu%2FBan-do-hanh-chinh%2FBan-do-huyen-Dakrong-7%2F&h=ATMexcqBymnO8BIIzx5dCmtyxeRocR6632vMVJfWFPHSYkWOaFCuLHGpcHU1BbhVxu3JHnXCM2XqCf7uLSJP8ILBZhdKrMhbPZsW9fJcpVVOHNVqDWJvtPHFmYnZK9ASNvJeZzSBWtByEA

(Hình 11): https://l.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Fwww.506infantry.org%2Ffiles%2F2114%2F0745%2F8993%2Fquangtrimap.jpg&h=ATMexcqBymnO8BIIzx5dCmtyxeRocR6632vMVJfWFPHSYkWOaFCuLHGpcHU1BbhVxu3JHnXCM2XqCf7uLSJP8ILBZhdKrMhbPZsW9fJcpVVOHNVqDWJvtPHFmYnZK9ASNvJeZzSBWtByEA

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Về Rạch Giá viếng lăng cụ Nguyễn

  • Mai Lĩnh


Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hay còn gọi là Đình thần Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) tọa lạc ở số 08 đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, phía tây khu trung tâm thành phố Rạch Giá, là ngôi đền thờ có sớm nhất và lớn nhất trong số chín ngôi đền thờ ông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (1).

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27-10-1868 tại chợ Rạch Giá, những người dân yêu kính ông đã bí mật lập bàn thờ ông trong miếu thờ Ông Nam Hải (cá voi hay cá ông).
Ban đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá do dân chài dựng nên bên dòng sông Kiên và rạch Lăng Ông (2), cách bờ biển độ hơn trăm mét.

Qua lần trùng tu vào năm 1881, ngôi đình đã khang trang hơn. Nhưng để có diện mạo như ngày hôm nay, đình thần Nguyễn Trung Trực được khởi công xây dựng vào ngày 20-12-1964 và khánh thành ngày 24-02-1970, do kiến trúc sư Nguyễn Văn Lợi thiết kế, toàn bộ kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp. Nhân dịp này, nhân dân địa phương dựng tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng sơn đen, đặt trước khu "chợ nhà lồng" Rạch Giá.

Đình thần được xây dựng theo kiểu chữ tam (三), gồm có chánh điện, đông lang và tây lang.
Cổng đền có ba cửa (tam quan), cổ kính với mái ngói hai tầng trang trí hình "lưỡng long tranh trân châu" trên nóc. Hai bên là đôi câu đối bằng chữ Quốc ngữ được đắp nổi sơn vàng trên nền đỏ, là hai câu trong bài thơ điếu Nguyễn Trung Trực của Huỳnh Mẫn Đạt:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Thái Bạch dịch thơ:
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.


Qua khỏi cổng, là một lư hương lớn bằng đá, và bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng, có màu nâu đỏ. Trước đây, tượng thờ này đặt trước khu "chợ nhà lồng" Rạch Giá, nay sơn lại màu nâu đỏ, và được dời vào đây (3).

Kế đến là ngôi chánh điện được thiết kế với mái ngói cong bốn góc, ở các viền góc đều có trang trí hoa văn hình rồng và lá cúc. Mặt trước chánh điện có hai trụ cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột.

Trong chánh điện, cột và kèo đều bằng bê tông. Đền có tất cả mười cột, mỗi cột đều có chân hình bát giác, phía trên có đắp nối hai lớp cánh sen. Ngoài ra, ở nơi đây các hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng, làm cho các nơi thờ vừa trang nghiêm vừa lộng lẫy.

Trong chánh điện có rất nhiều bàn thờ, lần lượt từ ngoài vào trong có các bàn thờ chính như sau:
  • Bàn thờ Chánh soái Đại càn.
  • Bàn thờ ba mươi vị anh hùng dân tộc.
  • Long đình cùng di ảnh (ảnh nhỏ) Nguyễn Trung Trực.
  • Bàn để di ảnh (ảnh lớn) Nguyễn Trung Trực.
  • Bàn thờ Chư vị.
  • Bàn thờ Chư vị hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu huyền thất tổ.
Gian cuối ngôi đền có ba ngai thờ chính:
  • Ngai chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực. Phía trên bệ thờ, có bức hoành ghi bốn chữ: Anh Khí Như Hồng (英气如虹), ca ngợi khí tiết hào hùng của ông sáng như cầu vồng bảy sắc.
  • Phía bên trái có ngai thờ chung thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky.
  • Phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân.
  • Đông lang và tây lang, có các bàn thờ: Tây hiến, Đông hiến, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ.

Hằng năm, vào các ngày 27, 28 và 29 tháng Tám âm lịch, tại đền thờ đều có lễ hội trọng thể kỷ niệm ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực.
Dân gian địa phương có câu:
Dù ai buôn bán gần xa,
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.

Ngoài các nghi lễ cổ truyền như rước sắc thần, lễ dâng hương, cúng tế tại đình... còn có hoạt động văn nghệ, vui chơi hội hè của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer (thường có hoạt cảnh tái hiện hai chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực, như trận đồn Rạch Giá và trận Nhật Tảo), các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, thi nấu ăn, thi múa lân, xe hoa, thả hoa đăng trên dòng sông Kiên...

Nét độc đáo và riêng biệt của Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là những người đến đình cúng, viếng, chiêm bái không chỉ được ăn, uống, xem văn nghệ miễn phí, mà còn được ngủ nghỉ, khám bệnh bốc thuốc miễn phí. Đây cũng chính là điểm đổi mới, thu hút của lễ hội.
Mộ Nguyễn Trung Trực nằm trong khuôn viên, từ cổng nhìn vào, ở bên trái đình. Ngôi mộ bằng xi măng, hình chữ nhật, mà phía sau là một tấm bia cao khoảng 2m, rộng hơn 1m, trên khắc chữ: Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868). Ở góc phải mộ có một tảng đá nhỏ ghi ngày đặt viên đá đầu tiên xây mộ là là ngày 18-10-1986.

Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận mộ và đền Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Từ cổng nhìn vào ở bên phải đình, có phòng trưng bày những hiện vật có liên quan đến cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo. Ngoài ra, ở đây còn có phòng khám, chữa bệnh bằng thuốc nam miễn phí được thành lập năm 1989.

Nguyễn Trung Trực là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ đứng lên khơi dậy phong trào yêu nước, chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Chiến công của ông vang dậy khắp nơi. Hiển hách nhất là chiến công đốt cháy tàu Esperance (Hy Vọng) của Pháp năm 1861 trên vàm Nhật Tảo (Long An) và trận đánh tiêu diệt đồn Rạch Giá của Pháp năm 1868. Sau lần đốt được tàu L’Espérance, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa.

___________________________________________________________________

(1) Anh hùng Nguyễn Trung Trực được thờ phụng ở các tỉnh An Giang (đình Long Giang, huyện Chợ Mới; đình Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn); tỉnh Hậu Giang (huyện Long Mỹ); tỉnh Sóc Trăng (đình Long Phú, đình An Lạc, huyện Kế Sách và đình Phú Lộc, huyện Thạnh Trị); tỉnh Bạc Liêu (đình An Hòa, huyện Giá Rai) v.v...
Ngoài ra, ông còn được thờ ghép trong nhiều ngôi đình làng ở Nam Bộ, và được nhiều người tôn kính thờ tại nhà.

(2) Rạch Lăng Ông chỉ là một rạch nhỏ ở xóm Phủ (do chữ ngư phủ nói tắt). Vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (năm nào chưa rõ), có một con cá ông chết ở nơi này, nên dân chúng lập miếu thờ, tức đình thần Nguyễn Trung Trực hiện nay. Về sau, rạch này bị lấp để làm thành đại lộ Tự Do.

(3) Năm 2000, người ta đã cho làm một tượng mới bằng cũng bằng đồng nhưng có kích thước lớn hơn, sơn màu xám để thay thế; và khu "chợ nhà lồng" mà sau này nó còn có tên là "Khu thương mại", cũng đã di dời nơi khác để nơi đó trở thành công viên.

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Nước và cuộc sống dân nghèo

  • Mai Lĩnh
Chuyện muôn thuở: Người sống trên sông vẫn ... không có nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày, dù ngay giữa mùa mưa.
Dù đã biết trước cảnh sống khó khăn một cách vô lý này rồi nhưng khi nhìn thấy, tôi vẫn bất nhẫn quá: Một bà bầu rửa chén, một bà mẹ tắm cho con... chỉ cách nhau vài mét, nước kênh nay không chỉ có phù sa mà còn chở nặng chất thải từ "sự nghiệp hiện đại hóa đất nước".