HƯƠNG VƯỜN CŨ - Quách Tấn

NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN

2007 
_____________________________________

Nhấp chuột vào các mục dưới để mở trang sách.



_______________________________________________________________________


Lời Tựa



Trong 25 năm nay tôi viết được bốn tập thi thoại:
- Trường Xuyên Thi Thoại
- Những Bức Thư Thơ
- Trong Vườn Hoa Thơ
- Câu Chuyện Thi Ca
Những Bức Thư Thơ chưa hoàn kết.
Trong Vườn Hoa Thơ cũng đã được an bài.
Nên xin thưa riêng về Câu Chuyện Thi Ca Trường Xuyên Thi Thoại.

TRƯỜNG XUYÊN THI THOẠI viết tại Bình Định, thời Kháng Chiến chống Pháp, trong khoảng 1945-1947. Viết để giữ lòng khỏi bị xáo trộn theo những cuộc xáo trộn khắp chung quanh.
CÂU CHUYỆN THI CA viết tại Khánh Hòa, thời Hậu Chiến trong khoảng 1965-1967. Viết cho Đài Phát Thanh Nha Trang phổ biến mỗi chiều thứ bảy, theo lời yêu cầu ông bạn Quản Đốc, hầu giúp vui cho những thính giả chuộng văn chương.
Hai tập văn nhắm hai mục đích khác nhau và viết trong hai hoàn cảnh cũng khác nhau. Hai bên lại cách nhau đến hai mươi năm. Song tánh chất vẫn không khác, ý thú cũng không khác. Nên để cho gọn, tôi dồn hai tập lại làm một, và lấy tên, sau khi tu lý chỉnh tề, là HƯƠNG VƯỜN CŨ
Gọi là HƯƠNG vì những thơ trích dẫn, đa số là hoa trong Vườn Thơ Việt Nam còn tồn tại sau bao nhiêu thử thách của thời gian.
Và gọi là CŨ vì hầu hết số thơ ấy là thơ Đường luật, và các tác giả phần đông là cổ nhân hoặc thời nhân đã tạ thế.

Tức là HƯƠNG VƯỜN CŨ nặng về thơ xưa, về thơ của các thi nhân đã thuộc về dĩ vãng.
Những bài thơ xưa tôi trích lục, lắm bài khác với nhiều sách hiện hành, hoặc vài ba câu, hoặc năm bảy chữ. Đó là tôi nghe truyền vậy nên chép vậy. Và chép vậy vì nhận thấy văn thông hơn ý thuận hơn các câu các chữ trong sách. Đôi khi thấy cần lắm mới biện bạch, còn thì chỉ ghi chú những chỗ dị thù.

Và ký tải thi nhân, tôi không chú trọng đến thời đại sau trước. Bởi viết thi thoại chớ không phải thi sử, nên chỉ tùy ngộ tùy nghi. Tôi cũng không đi sâu vào tâm hồn, bàn rộng về tài nghệ của từng vị. Vì đó là công việc của các nhà phê bình, các nhà khảo cứu. Tôi tự biết không đủ sức nên không dám cưu mang. Tôi chỉ làm con bướm lượn vườn hoa. Không bỏ qua một giống hoa nào, một đóa hoa nào đã vào mắt. Vì:
Hoa nào hoa lại không hương sắc
Một cánh hoa tươi một mảnh tình.

Nhưng chỉ dừng cánh lâu lâu những khi bị mật ngon quyến rũ. Và trải lòng hút mật cũng chỉ hút lấy vị chớ không hút tận cùng hút triệt để như ong.
Cho nên những nhận xét, những ý kiến tôi đưa ra không có gì mới lạ, sâu sắc. Tuy nhiên, nêu lên những gì, viết ra những gì, tôi đều suy kỹ nghĩ chín. Thời chiến cũng như thời bình, không bao giờ tôi dám khinh suất. Vì sợ người không bằng sợ lương tâm.

Song ca dao có câu:
Ngựa bốn chân leo đèo còn vấp,
Người đời sao khỏi gặp tai ba.
Gấm thêu năm bảy thức hoa,
Gấm còn mắc nhạp, huống nữa là duyên em.

Tôi, học thức không vững bằng chân ngựa leo đèo, khả năng không bì kịp tay hoa thêu gấm, thì cũng như người đời, cũng như duyên em, tránh sao cho khỏi vấp khỏi nhạp.
Hầu mong chữa sai lấp khuyết, kính xin bạn xa gần mở lượng Nữ Oa gởi cho xin nhiều nhiều đá.

Tương túc y quan nhi chỉnh bái
Phục kỳ tứ hải dĩ vi xuân. [1]

Viết tại Nha Trang, ngày Phật Đản năm Tân Hợi
(9 tháng 5 năm 1971)
QUÁCH TẤN
______________________________________________________


SÁCH THAM KHẢO

Tùy Viên Thi Thoại của Viên Mai.
Thi Pháp nhập môn của Mân Đàm Du.
Cựu Thi Lược Luận của Lương Xuân Phương.
Văn Đàm Bảo Giám của Trần Trung Viên.
Thi Văn Việt Nam và Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo của Hoàng Xuân Hãn.
Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Đổng Chi.
Úc Viên Thi Thoại của Đông Hồ.
Trung Quốc Văn Học Sử của Nguyễn Hiến Lê.
Giai Thoại Làng Nho và Chơi Chữ của Lãng Nhân.
Tản Đà Thi Văn Tập của nhà xuất bản Á Châu.
Hương Bình Thi Phẩm của Hoàng Trọng Thược.
Thi Sỹ Nam Trung và Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan.
Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh.
Quốc Văn Đời Tây Sơn của Hoàng Thúc Trâm.
Nữ Lưu Văn Học Sử của Sở Cuồng.
Nữ Thi Hào Việt Nam của Phan Xuân Độ.
Hồn Thơ Đất Việt và Trần Quí Cáp của Lam Giang.
Thơ Quốc Cấm của Thái Bạch.
Danh Nhân Bình Định của Bùi Văn Lăng.
Phép Làm Thơ của Diên Hương.
Văn học Việt Nam của Phạm Văn Diêu.
Chu Mạnh Trinh của Bùi Giáng.
Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Đại Nam Nhất Thống Chí.
Tây Hồ Chí…




PHỤ LỤC

BÀI TỰA TẬP TRƯỜNG XUYÊN THI THOẠI


(Tập Trường Xuyên Thi Thoại sửa chữa và hoàn tất khoảng đầu năm Đinh Hợi (1947). Tập Hương Vườn Cũ cũng sửa chữa và hoàn tất khoảng đầu năm Tân Hợi (1971). Và hai bài tựa cũng đều viết vaò ngày lễ Phật Đản. Một sự trùng hợp lý thú. Trường Xuyên Thi Thoại đã nhập vào Hương Vườn Cũ, nên chép lại bài tựa để làm duyên).
-o0o-

Đương khi nước nhà lắm việc, kẻ làm trai ai cũng ra góp sức góp công. Riêng tôi lực yếu tài ương, đành lui vào thôn xa nương ngày tháng.
Vườn dâu xanh lá, ruột con tằm những mong kéo dài mối tơ. Song ngoài trời hết mống liền giông, chín khúc khó vương thành kén.
Chim kêu hoa rụng, lắm lúc thật là buồn! Nước biếc non xanh, ngắm lâu cũng thành chán! Bắt chước Trần Hy Di ngủ trăm ngày một giấc, “tỉnh ra hỏi đã thái bình chưa”. Nhưng mắt luyện chưa quen, nhắm lâu cay khó chịu. Lại học Túy Ngâm Tiên Sinh, ngâm say say ngâm, mờ mờ mịt mịt, để cho “mộng thân thế, vân phú quí, mộ tịch thiên địa, thuấn tức bách niên”. Nhưng rượu vốn không hay, uống nhiều đắng khó chịu.
Tìm không còn thú chi hơn nữa, bèn đem câu chuyện Thơ ra viết chơi. Riêng hềm sách thiếu bạn thiếu, nương vào đâu cho khỏi lỗi Bắc Nam?! Nhớ câu “mặt giấy bút sa…”, đã viết lại thôi viết. Nhưng rồi nghĩ lại:
- Chuyện thế gian chắc đâu là phải là trái. Công đây: Tội đó. Cần chi. Huống hồ chỉ để mà chơi thì phải đấy cũng không phải là công, mà trái đấy cũng không ai bắt tội.
Thế là: Tơ vò tìm thấy mối, đường xa gặp được xe. Lòng trút e dè, bút nhẹ cân nhắc. Hứng khi nào viết khi nấy, không hạn không kỳ. Thích thế nào, viết thế ấy, bỏ phép bỏ tắc. Đọc một mình, ngâm một chắc, sổ sổ khuyên khuyên. Vỗ đôi vế nhịp đôi đùi, hỉ hỉ hả hả:
Vị tất ngộ nhân thiên tải hạ
Chỉ năng ngu ngã bách niên trung [2]

Tri âm ai nhắn nhe cùng
Đèn xanh một ngọn trống thùng năm canh

Viết tại cố hương Trường Định ngày Phật Đản năm Đinh Hợi (1947)

Quách Tấn




[1] Câu kết bài phú BÁI THẠCH VI HUYNH của Phan Sào Nam.
    Nghĩa là: Sửa khăn áo chỉnh tề kính lạy
                    Lại cầu mong bốn bể đều xuân.
[2] Thơ Nguyễn Thượng Hiền, nghĩa là:
                Nghìn thu chưa dễ lầm ai
Mua vui ngày tháng không ngoài trăm năm