Hương Vườn Cũ 36.E




Ở An Nhơn còn một vị túc nho, đối với hai cụ Nguyễn thuộc hàng hậu bối, nổi tiếng về Quốc âm mà sỹ phu trong tỉnh Bình Định không ai không kính mộ. Đó là thầy cử HUỲNH BÁ VĂN.

Thầy Huỳnh con cụ cử Huỳnh Lý, người làng Thạnh Danh. Đậu tú tài lúc 18 tuổi, khoa Quí Mão, năm Thành Thái thứ 15 (1903), khoa sau tức khoa Bính Ngọ, năm Thành Thái thứ 18 (1906), đậu cử nhân. Đi thi hội hai khoa, không đậu, ở nhà làm thuốc.
Thầy cử Huỳnh Bá Văn sở trường về Văn Tế. Hạ bút thành văn, không cần sửa chữa, nhưng tế người nào thì những đức tánh buổi bình sinh của người ấy đều lột được đầy đủ.
Tánh tình của thầy thì điềm đạm trầm mặc, nhưng văn chương lại ngấm ngầm vị chua chát mỉa mai. Nhiều bài, lời lẽ lại có phần gay gắt, độc địa.
Được truyền tụng nhất là những bài có giọng châm phúng, hý lộng. Như văn tế con chuột sập bẩy chết, văn tế con có chết, văn tế cô bán nước mắm chết đàng, vân vân…
Xin trích đôi câu làm mẫu:

- Văn tế chuột:
Nhớ linh xưa:
Mắt tỏ làu làu,
Da đen trạy trạy.
Lúc nhúc những xù những xạ, tuy khác hình hài,
Nhộn nhàng rằng lắc rằng sành, vẫn trong nòi nảy.
Mở mặt cũng râu mày với thế, xoi thềm khoét lẫm ngập lòng tham;
Mập mình nhờ máu mỡ nhà dân, núp kín leo cao nhiều chước quỉ.
Ức chi đó phòng gây sự hiện, lăng nhăng vì chữ vô nha;
Lớn chừng mô mà phải kêu ông, kiêng nể vì câu hữu xỉ.
…………………………………

- Văn tế cóc:
Nhớ cóc xưa:
Đôi mắt lõ vờ,
Bộ lưng tròn trúc.
Bình rĩnh bụng dường bụng ếch, màn trời không nằm giếng ngó dòm;
Nhám sì da tựa da voi, chiếu đất sẵn trải thềm lăn lóc.
………………………
Cóc đi đâu bỏ hiêu chiu chít cho nên nỗi hiêu đứng hiêu than!
Cóc đi đâu bỏ nhái mồ côi cho nên nỗi nhái ngồi nhái khóc!
Xuống xóm dưới đêm không nghe tiếng, nghe chăng những tiếng ễnh ương;
Lên làng trên ngày chẳng thấy hình, thấy chỉ thấy những hình óc nóc!
………………………
Phận an phận không hề đi guốc, ai khéo bày ra chuyện trớ trêu?!
Thân thử thân há dám leo thang, ai nỡ đặt chi lời ghẻ chóc?!
………………………

Những bài văn tế như trên làm ra để ám chỉ những nhân vật có quyền có thế nhưng bất liêm bất chính hay vô học vô tài… ở trong tỉnh. Đó là giá một nơi đánh một ngả. Kẻ bị châm chích dà căm gan cũng phải nuốt giận, chớ không thể cùng quyền thế sẵn có để trả thù.

Người Bình Định, phần đông đều có tánh thích hài hước, châm biếm. Trên môi thường chực sẵn một nụ cười mim mỉm, một câu nói vui vui hoặc cay cay…, trong bụng thường chứa sẵn một câu chuyện tiếu lâm làm cho người đương buồn đương giận cũng phải bật cười, hoặc làm cho giật mình những người có tật… Bởi vậy hầu hết các nhà văn nhà thơ Bình Định, kẻ ít người nhiều, ai cũng mang tánh chất địa phương của nghìn xưa để lại.

Các cụ ngày xưa có tiếng nghiêm nghị, thỉnh thoảng cũng để lộ tánh hý lộng tự nhiên. Cụ nghè Nguyễn Trọng Trì còn để lại bài văn “Bà Xã tế ông Xã” có thể dùng làm bài thuốc trị bệnh tham nhũng hiện thời:

Ôi thôi!
Ba tấc lưỡi còn khua, dáo dác đầu ruồi sự nghiệp;
Một phút hơi vắng thở, bơ vơ sừng ếch công danh.
……………………
Nhớ lương nhân xưa:
Điêu ngoa thật giỏi,
Mưu sự đều lanh.
Hăm dọa thôn dân phách lạc,
Nhác hù kiêu ngụ đều kinh.
……………………
Ối, thôi thôi!
Đãy tư nang miệng thắt lại rồi, ngày tựa cửa buồn thôi sáu khắc;
Thước trường đạc tay không đo nữa, đêm dũ màn lụy ứa năm canh!
Thương là thương: Ngân thuế phù thâu, cha đem về cho con đứa lớn đứa nhỏ, mà nay cha bỏ con thơ chiu chít chốn trần hoàn, diêu vọng Hành sơn vân sắc ám!
Tiếc là tiếc: phì điền bao chiếm, chàng dành riêng cho vợ mẫu chín mẫu mười, mà nay chàng bỏ vợ dại bơ vơ nơi dương thế, diêu chiêm Tương thủy trúc ba sanh!
Hay chàng ăn của dân của xã đã nhiều, sợ ngày sau trầm nơi khổ hải, nên dục độ thác cửu, qua Tây phương cùng Thích Già Di Lặc tụng king, nay núi Thứu mai vườn Tỳ, ngỏ khoái lạc ẩn thân Thiên Trúc;
Hay chàng ăn của miễu của đình chi đã lắm, sợ ngày sau sa chốn mê xuyên, nên pháp ngoại di gian, sang Bồng Đảo cùng Thiết Quày Đồng Tân uống rượu, sớm non Thần tối biển Thánh, ngỏ tiêu diêu tá diện Châu dinh.
………………………

Cụ nghè  Nguyễn Trọng Trì là một tay cự phách của Bình Định. Tác phẩm của cụ đều được sỹ phu đương thời thán phục. Bài văn tế trên đây rất được truyền tụng. Song văn chương khúc mắc chớ không được nhẹ nhàng trôi chảy như văn chương thầy cử Huỳnh Bá Văn. Cho nên mặc dù cụ nghè là bậc tiền bối, cụ vẫn khen ngợi cụ cử là bậc tài ba.
Phần đông các cụ khác trong tỉnh cũng thế.
Cho nên thường thường ở Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước, hễ có cuộc tế lễ long trọng, đều mời thầy cử Huỳnh Bá Văn đến soạn văn tế, mặc dù trong địa phương có người rành nghề. Như lễ Phần huỳnh của cụ Đào Tấn ở Vịnh Thạnh, tất cả các bài chúc văn đều do một tay thầy cử soạn.
Vì vầy nên văn tế của thầy làm ra rất nhiều, song không biên chép lại, nên hiện không còn được mấy lăm!
Thầy mới mất năm 1934.

Lúc nhỏ tôi nghe lóm được một giai thoại về thầy.
Tánh thầy vốn điềm đạm trầm mặc, như trên đã nói. Nhưng trong văn chương, nếu xem cho kỹ, vẫn đều có ớt có chanh, hoặc ít hoặc nhiều, khi kín khi hở, chớ rất ít bài hoàn toàn ngọt ngon.
Để trêu tức chơi, một người quen ở Bình Khê nói:
- Thầy Cử vừa làm thuốc hay, vừa làm văn tế có tài, thật là nhất cử lưỡng tiện. Nếu giỏi về địa lý nữa thì thân chủ được nhờ biết bao nhiều.
Thầy cười:
- Vì chơi dao nên bị đứt tay! Nhưng ông cũng nên cẩn thận kẻo có ngày uống vào chỗ mẻ đó.
Ai đã từng nghe chuyện tiếu lâm thì thấy rõ ẩn ý trong hai lời nói. Kể cũng ký thú.
Văn tế có tài, chắc thơ cũng bặt thiệp. Nhưng trong sách Danh Nhân Bình Định không thấy chép bài nào, mà ngoài nhân gian cũng không nghe ai đọc. Trong tỉnh Bình Định, hễ nói đến thầy cử Huỳnh Bá Văn, thì ai nấy cũng đều nhắc đến văn tế.