Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

“Ẩn số” Phan Phụng Thạch

  • Phạm Đình Quát
Thầy Phan Phụng Thạch
Niên khóa 1965 - 1966, lớp đệ Lục 3 học ở phòng đầu gần sân vận động, dãy nhà quay mặt ra đường Quang Trung (nối dài); thầy Phan Phụng Thạch dạy môn Toán làm giáo sư hướng dẫn. Năm học trước, giáo sư hướng dẫn là cô Hảo, dạy Văn - là một phụ nữ dịu dàng, gần gũi, không khí sinh hoạt, học hành trong lớp đầm ấm như một gia đình. Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, cái lớp toàn nam sinh này đã trổ mòi quậy phá trong giờ học. Lớp học nằm xa khuất tầm mắt phòng giám thị, một đám con trai bước vào tuổi dậy thì - cái tuổi không muốn làm “con nít” nhưng cũng chưa đủ chững chạc để làm “người lớn”; nhưng nguyên nhân chính, có lẽ do thầy giáo hướng dẫn quá hiền lành, ít nói và hay vắng mặt, bỏ giờ lên lớp.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Chi lạ rứa!

Nguyễn Thị Hoàng (*)
  • Nguyễn Thị Hoàng 
Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!

Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.
Tác phẩm đầu tay của NTH.


Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
Mà chi lạ rứa hè, ai hiểu nỗi!

Tui không điên cũng không hề bối rối,
Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường,
Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ?

Tui cũng muốn có một người tri kỷ,
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng!
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa?

Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô!
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.

___________________________________________________________________

(*) Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - bút danh Hoàng Đông Phương - sinh năm 1939, quê ở làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bà học trường Đồng Khánh (Huế) rồi vào Đại học Luật và Văn khoa Saigon nhưng bỏ ngang sau năm thứ 2. Sau đó, có thời gian bà dạy học, viết văn, làm thơ.
Nổi tiếng với tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết Vòng tay học trò (năm 1966). Một số tác phẩm khác: Về trong sương mù (1967) - Trên thiên đường ký ức (1968) - Một ngày rồi thôi (1969) - Nước mắt (1969) - Cho đến khi chiều xuống (1969)…

* Nguồn: https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/10/07/nha-van-nguyen-thi-hoang-nguoi-dan-ba-dep/

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Vườn cò Bằng Lăng

  •  Mai Lĩnh
Trước đây, khách du lịch đi trên tuyến đường từ Châu Đốc về Cần Thơ thường ghé tham quan vườn cá sấu ở Long Xuyên rồi mới ghé qua vườn cò Bằng Lăng. Nay thì chỉ còn vườn cò là địa chỉ thu hút khách du lịch vào mỗi buổi chiều trên tuyến đường này.

Vườn cò Bằng Lăng là một trong những sân chim lớn và hấp dẫn nhất trong số các sân chim khác ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sân chim này ở xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cách thành phố Cần Thơ 52km theo quốc lộ 91 đi Long Xuyên. Vườn rộng hơn 2 héc ta và có trên hàng chục ngàn con chim, cò, cồng cộc… sống chung trong vườn lẫn với hàng ngàn chim các loại. Chỉ riêng cò, ở đây có nhiều loại như cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng hơn 1 kg.



Du khách có thể đi bằng ghe xuồng chạy ra sông Hậu rồi cặp theo con rạch nhỏ dẫn vô vườn cò hay có thể đi xe mô tô, xe đạp men theo con đường bê tông dưới hàng tre rợp bóng mát uốn lượn theo dòng kênh rạch hiền hòa.



Thời gian ngắm cảnh vườn cò thích hợp nhất vào khoảng 5 giờ chiều. Đây là thời điểm cò tìm về tổ. Chúng hạ cánh ngược với hướng gió, chúng chao cánh, lượn qua lượn lại rồi sà xuống trên những cành cây đong đưa theo gió.



Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen chiếm khoảng 80% số chim ở vườn này. Một con nặng chừng nửa kg.


Thời gian cò về mỗi chiều kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, những con đi ăn xa về muộn thường bị chiếm chỗ, phải tìm chỗ đậu xa những cặp “vợ chồng” để tránh đòn ghen thường rất dữ dội.
Trong vườn cò có một tháp quan sát cao khoảng 10 mét, từ đó, du khách có thể ngắm nhìn, chụp ảnh những đàn cò bay về vườn sau một ngày kiếm ăn khắp nơi.

Thăm vườn cò, trò chuyện với ông Bảy Thuyền (Nguyễn Ngọc Thuyền) chủ nhân khu vườn này, du khách sẽ được nghe những câu chuyện kể thú vị về cò và các loài chim ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Bảy Thuyền có lối nói giản dị nhưng rất có duyên và nhiều thông tin, kiến thức thực tiễn về đời sống các loài chim.
________________________________
Đã đăng trên The Saigon Times Online.

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Chợ sò Hà Thủy

  • Đỗ Thành 
Chợ sò Hà Thủy. Ảnh: Huỳnh Nam

Đất Bình Thuận xưa rày vốn có nhiều thắng cảnh. Từ thuở nao, người ta đã biết đến bãi Thương Chánh, lầu ông Hoàng, sở Muối, sông Cà Ty, bến cảng Tuy Phong, bãi biển Mũi Né, đảo Phú Quý... Ngoài ra, Bình Thuận còn có những nơi ít người chú ý nhưng có sức hấp dẫn với những tay du lịch bụi và những người say mê nhiếp ảnh. Chợ sò Hà Thủy là một ví dụ. 

Những tay săn ảnh thường muốn đi vào ngõ ngách của mọi địa phương để quan sát và ghi hình cuộc sống và công việc làm ăn thường ngày của người dân tại chỗ, thể hiện sắc thái văn hóa và nét riêng của mỗi địa phương.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Lễ hội

  • Tư Miền Biển
Trong vài thập niên gần đây, cụm từ “lễ hội” được dùng nhiều đến mức... 'loạn xà ngầu'; nhiều trường hợp lại có thêm cái đuôi “truyền thống” nữa. Thế nhưng, vài lần tôi cắc cớ, hỏi thử mấy nhà tổ chức thì họ ngắc ngứ, không biết việc họ đang làm là cái... "lễ" gì!
Cùng với sự lạm phát “lễ hội” thì danh từ kép “hội hè” ít khi nghe nhắc tới. Mặc dù trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học (NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội - 1988) chỉ có mục từ “hội hè” mà không hề có mục từ “lễ hội”.
Lâu nay, chắc bạn đọc thường nghe nói tới “lễ hội đâm trâu” của các dân tộc ở Tây nguyên. Thực ra, đâm trâu chỉ là một nghi thức, một ‘tiết mục’ trong những dịp ăn mừng nào đó của một gia đình hay buôn làng như các ngày cúng mừng lúa mới, mừng nhà mới, lễ bỏ mả... người ta giết trâu ăn mừng. Sau nghi thức đâm trâu, họ xẻo thịt dâng cúng thần linh trước khi chia phần cho mọi người cùng ăn uống, ca múa với nhau. Tập quán này hình thành từ truyền thống gắn bó cộng đồng buôn làng, mọi việc đều chia sẻ với nhau, cùng làm cùng hưởng. Thế thôi, chẳng phải là ngày hội và tự thân việc đâm trâu không phải là lễ.
Trong vài thập niên gần đây, có những hoạt động văn hóa do cơ quan, đoàn thể... tổ chức hội thi, hội diễn như một công tác của họ, nhưng dựa vào các tập quán sinh hoạt cộng đồng người Tây nguyên và gọi đó là những lễ hội. Những sự kiện đó mang tính “sân khấu hóa” hoạt động ngoài trời, hoàn toàn không đúng - thậm chí là không phù hợp - với bản chất, ý nghĩa của sự việc mà chỉ nặng phần trình diễn. Trong một số trường hợp, bà con người dân tộc Tây nguyên đóng vai trò diễn viên, múa may cho đám đông khán giả từ nơi khác đến xem vì hiếu kỳ và phục vụ cho các nhà nhiếp ảnh, quay phim... là chính.
Ảnh: Huỳnh Công Bá (TPHCM)

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội xưa


Những tiếng rao không chỉ chứa đựng giai điệu ngọt ngào, trong nó còn có cả hương thơm, mùi vị, màu sắc, có tính kích thích tất cả các giác quan của chúng ta.

Tiếng rao của những người bán hàng rong khiến cho phố phường tại các đô thị của Việt Nam trở nên rất sinh động. Điều này khiến cho những người nước ngoài cảm thấy thú vị. Tuy vậy, rào cản ngôn ngữ thường khiến cho họ không hiểu gì cả.

Để “giải mã” những âm thanh đặc biệt kể trên, vào năm 1929, tác giả Pháp F. Fénis đã xuất bản một cuốn sách mỏng có tiêu đề “Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội” (Les marchands ambulants et les cris de la rue à Hanoi). Cuốn sách gồm 40 trang đã mô tả khá đầy đủ về các loại hình hàng rong và tiếng rao tương ứng ở Hà Nội thông qua hình ảnh và khuôn nhạc minh hoạ.

Những hình vẽ minh hoạ trong ấn bản này do các học viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Tô Ngọc Vân - người sau này trở thành hoạ sĩ nổi tiếng của Việt Nam - thực hiện.

Gió mùa ở Ninh Thuận là gió gì?


Chiều thứ Ba (18/11/2014) khi đi ngang địa phận tỉnh Ninh Thuận - suốt từ ga Tháp Chàm (khá xa biển) cho đến vùng bờ biển Cà Ná - nhìn qua cửa kính tàu lửa, tôi thấy hai bên đường, những cây dừa, dương liễu và các loại cây thấp hơn đều nghiêng hẳn về phía nam bởi gió thổi mạnhk liên tục. Cảnh vật trông như mùa gió Nam ở Phú Yên hay gió Lào ở Quảng Trị. Do ngồi trong toa tàu kín nên tôi không biết nhiệt độ bên ngoài thế nào.

Gọi cho một đồng nghiệp ở Phan Rang, mười phút sau được cho biết đó là gió ‘nồm’; theo một người dân địa phương, đây là gió mùa ở vùng này. Khoảng một giờ sau, bạn đồng nghiệp lại cho biết, vài người khác ở Phan Rang bảo đây là gió ‘bấc’.

Xưa nay, gió nồm dịu mát và mang độ ẩm từ phía đông nam thổi vào mùa hạ; còn gió bấc (tức là gió mùa đông bắc) đưa khí lạnh từ phương bắc xuống, thường không có sức gió mạnh như vậy.

Mở cổng thông tin của UBND tỉnh Ninh Thuận và Wikipedia ra tìm cũng không thấy nói chính xác tên gọi ngọn gió thổi mạnh liên tục theo hướng bắc nam này gọi tên là gì. Đành... chờ, khi có điều kiện sẽ tìm hiểu sau vậy!
Ảnh trên chụp phía bên phải đoàn tàu đang chạy hướng vào Sài Gòn. Các ảnh dưới chụp bên trái đoàn tàu.