- Phạm Đình Quát
Thầy Phan Phụng Thạch |
Niên khóa
1965 - 1966, lớp đệ Lục 3 học ở phòng đầu gần sân vận động, dãy nhà quay mặt ra
đường Quang Trung (nối dài); thầy Phan Phụng Thạch dạy môn Toán làm giáo sư hướng
dẫn. Năm học trước, giáo sư hướng dẫn là cô Hảo, dạy Văn - là một phụ nữ dịu
dàng, gần gũi, không khí sinh hoạt, học hành trong lớp đầm ấm như một gia đình.
Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, cái lớp toàn nam sinh này đã trổ mòi quậy
phá trong giờ học. Lớp học nằm xa khuất tầm mắt phòng giám thị, một đám con
trai bước vào tuổi dậy thì - cái tuổi không muốn làm “con nít” nhưng cũng chưa
đủ chững chạc để làm “người lớn”; nhưng nguyên nhân chính, có lẽ do thầy giáo
hướng dẫn quá hiền lành, ít nói và hay vắng mặt, bỏ giờ lên lớp.
Cuối năm,
tức là sắp hết đệ nhất lục cá nguyệt (bây giờ gọi là học kỳ 1), thầy Thạch nghỉ
liên tục mấy tuần. Cả lớp nhốn nháo, lo mất bài. Bàn với vài bạn trong lớp, tôi
viết lá đơn, thay mặt lớp đệ Lục 3 lên nộp thầy Giám học, xin thay giáo sư môn
Toán. Mấy ngày sau, thầy Thạch đi dạy lại, học sinh mới biết thầy bị bệnh. Tuyệt
nhiên, thầy không nhắc gì đến lá đơn của chúng tôi nên lúc ấy tôi nghĩ chắc là
thầy không biết. Sau này, có lần thầy chủ động nhắc chuyện ấy và nói “Các em đã
làm đúng”.
Một lần, lúc
cả lớp đang làm bài tập, thầy ra đứng lặng im ở hành lang khá lâu, mắt dõi nhìn
về hướng đông bắc, nơi đang có mấy chiếc phản lực đang nhào lộn, liên tục bắn
phá mục tiêu không xa thị xã, tiếng nổ dội về xen tiếng gầm rú của động cơ. Làm
bài xong, tôi ra hành lang, đứng bên thầy. Thầy nói: “Vùng đó là quê tôi, làng
Đạo Đầu”. Nghe vậy, tôi quên mất mục đích ra thưa thầy, cả lớp đã làm xong bài
tập. Và cũng từ lúc ấy, tôi bắt đầu chú ý về những điều riêng tư của thầy.
Trước đó,
tôi không hề nghĩ thầy Thạch là người Quảng Trị ‘chính gốc’, bởi từ giọng nói đến
từ và ngữ điệu của thầy ‘pha’ chút miền Bắc nên khi biết quê thầy ở Đạo Đầu tôi
rất ngạc nhiên. Phong thái, dáng dấp của thầy cũng khác hẳn các đồng nghiệp người
Quảng Trị và người Huế. Dù thầy là người có khuynh hướng sống hòa đồng, thân
thiện với mọi người nhưng đối với tôi, thầy luôn “khác” mọi người, sự khác biệt
đó là một bí ẩn, tạo nên hấp lực khiến tôi càng tò mò. Thầy ít nói, nói nhỏ nhẹ,
âm điệu không bộc lộ tình cảm vui-buồn- mừng-giận... đôi mắt nấp sau đôi kính cận
dày càng khiến người nói chuyện khó “bắt mạch” cảm xúc của thầy. Nụ cười trên
môi thầy càng hiếm hoi; nhưng khi cười lại có chút gì đó như “bẽn lẽn”, những nụ
cười rất hiền.
Sau năm đệ
Lục, tôi không còn học thầy Thạch nữa nhưng lại có nhiều cơ hội gần gũi thầy
nhiều hơn. Chính thầy là người đã “tập” cho tôi vào quán cà phê; thầy không hút
thuốc nhưng bảo “Quát cứ hút thuốc nếu thích”. Có điều lạ là mãi sau này tôi mới
biết tên thật của thầy là Phan Ngọc Thạch, còn hồi đó từ các thầy cô trong trường
và cả chính thầy chỉ nhắc đến bút danh của thầy là Phan Phụng Thạch như tên gọi
chính thức, dù chẳng bao giờ thầy đọc thơ mình cho học trò nghe trong giờ học...
toán. Thật khó hình dung chàng thanh niên gầy gò, khô khan, sống lặng lẽ với đồng
lương thầy giáo môn Toán ấy lại là một thi sĩ có cuộc sống nội tâm mạnh mẽ, một
tâm hồn trong sáng, nhưng nhiều dằn vặt...
Thầy Phan Phụng Thạch và Phạm Đình Quát trong một kỳ trại của đoàn Thanh niên HTT Quảng Trị (1969). |
Hai thầy
trò chúng tôi có nhiều kỷ niệm như một đôi bạn trong sinh hoạt và những chuyến
công tác xã hội của tổ chức Hồng Thập Tự; trong đó, kỷ niệm nhớ đời với tôi là
những ngày hai thầy trò cùng thực hiện tờ Đan Tay số 2 (đặc san của Phân bộ Hồng
Thập Tự tỉnh Quảng Trị). Số Đan Tay đầu tiên, anh Phạm Văn Hạng đảm nhận phần
trình bày, không biết lúc làm số 2, họa sĩ bận chuyện gì mà thầy Thạch kéo tôi
vào. Thầy đánh máy stencil, tôi viết tựa bài và vẽ minh họa, trình bày các
trang ruột đặc san. Một tuần lễ liền tôi đến nhà thầy, tối thức khuya làm việc,
ban ngày đến trường, lúc rảnh hai thầy trò lại ra quán cà phê - thỉnh thoảng có
thầy Dạ Thảo đi cùng.
Đó là thời
gian giúp tôi hiểu nhiều về “nhà-thơ-dạy-toán” này qua những điều thầy bộc bạch.
Lúc ấy, thầy Thạch là người duy nhất biết ý định rời trường, xa Quảng Trị của
tôi vào cuối năm đó (1969) mà ngay cả với gia đình, tôi vẫn chưa hé một lời. Có
lẽ những dự cảm bất an về thân phận của đứa học trò sắp phải xa gia đình đã khiến
thầy - vốn ít nói, quen sống khép kín - bộc bạch những suy nghĩ về nhân sinh,
thế thái và... tình yêu một cách nhẹ nhàng như muốn giúp tôi thêm chút hành
trang vào đời. Thầy không nói về gia đình mình, không bàn về triết lý (lúc ấy,
đọc và bàn về các tác phẩm của Phạm Công Thiện, Sigmund Freud, Albert Camus, J.
Krishnamurti, Hermann Hesse... đang là chuyện ‘thời thượng’ trong giới học
sinh, sinh viên miền Nam), nhưng những suy nghĩ về cuộc sống của thầy đã giúp
ích tôi rất nhiều sau này. Và mãi gần đây, tôi ngạc nhiên khi biết là năm tôi
xa Quảng Trị, thầy Thạch mới 27 tuổi và đau lòng hơn, 4 năm sau thầy ra đi khi
mới 31 tuổi.
Sau này,
mỗi lần ra Đà Nẵng tôi vẫn thường hỏi thăm về nơi an nghỉ của thầy nhưng không
ai biết và tôi vẫn tưởng thầy còn ở đâu đó bên bờ biển gần Ngũ Hành Sơn. Nhưng cơ
duyên rồi cũng đến. Một ngày đầu tháng 7-2014, tôi đã được đến bên mộ của thầy
Thạch (ở xóm Bầu, làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) trong một khu
lăng mộ của họ tộc) và gọi thầm “Thầy ơi. Anh ơi!”. Xin dâng nén hương muộn
màng, thành kính tưởng nhớ thầy giáo của đứa em, đứa học trò nay tóc đã bạc màu
thời gian.
Khu lăng mộ gia tộc họ Phan trong nghĩa trang làng Đạo Đầu. Trong ảnh là anh Phan Ngọc Bích, bào đệ thầy Thạch. |
Đến khi tóc bạc trò mới gặp lại thầy sau 45 năm xa cách. |