Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Lễ hội

  • Tư Miền Biển
Trong vài thập niên gần đây, cụm từ “lễ hội” được dùng nhiều đến mức... 'loạn xà ngầu'; nhiều trường hợp lại có thêm cái đuôi “truyền thống” nữa. Thế nhưng, vài lần tôi cắc cớ, hỏi thử mấy nhà tổ chức thì họ ngắc ngứ, không biết việc họ đang làm là cái... "lễ" gì!
Cùng với sự lạm phát “lễ hội” thì danh từ kép “hội hè” ít khi nghe nhắc tới. Mặc dù trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học (NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội - 1988) chỉ có mục từ “hội hè” mà không hề có mục từ “lễ hội”.
Lâu nay, chắc bạn đọc thường nghe nói tới “lễ hội đâm trâu” của các dân tộc ở Tây nguyên. Thực ra, đâm trâu chỉ là một nghi thức, một ‘tiết mục’ trong những dịp ăn mừng nào đó của một gia đình hay buôn làng như các ngày cúng mừng lúa mới, mừng nhà mới, lễ bỏ mả... người ta giết trâu ăn mừng. Sau nghi thức đâm trâu, họ xẻo thịt dâng cúng thần linh trước khi chia phần cho mọi người cùng ăn uống, ca múa với nhau. Tập quán này hình thành từ truyền thống gắn bó cộng đồng buôn làng, mọi việc đều chia sẻ với nhau, cùng làm cùng hưởng. Thế thôi, chẳng phải là ngày hội và tự thân việc đâm trâu không phải là lễ.
Trong vài thập niên gần đây, có những hoạt động văn hóa do cơ quan, đoàn thể... tổ chức hội thi, hội diễn như một công tác của họ, nhưng dựa vào các tập quán sinh hoạt cộng đồng người Tây nguyên và gọi đó là những lễ hội. Những sự kiện đó mang tính “sân khấu hóa” hoạt động ngoài trời, hoàn toàn không đúng - thậm chí là không phù hợp - với bản chất, ý nghĩa của sự việc mà chỉ nặng phần trình diễn. Trong một số trường hợp, bà con người dân tộc Tây nguyên đóng vai trò diễn viên, múa may cho đám đông khán giả từ nơi khác đến xem vì hiếu kỳ và phục vụ cho các nhà nhiếp ảnh, quay phim... là chính.
Ảnh: Huỳnh Công Bá (TPHCM)