Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nụ cười Angkor

  • Phạm Hồng Sơn
Một bộ ảnh có hơn 30 tấm là quá nhiều, rất dễ bị nhàm chán nhưng con số này thực sự chưa đủ để thuật lại những gì diễn ra trên sân khấu rạp Angkor Coex với chương trình nghệ thuật Nụ cười Angkor (Smile Of Angkor) ở Seam Riep. Tôi phải làm nhiều đợt để chọn ra số ảnh này từ 250 tấm ảnh được ... chụp “trộm”.


Theo quy định, khán giả không được ghi hình trong rạp. Mục đích của nhà tổ chức biểu diễnbảo vệ bản quyền và lợi ích kinh doanh của họ. Người chụp ảnh hoặc quay video bị phát hiện sẽ được nhắc nhở bằng cách chiếu đèn laser vào... mặt. Người vi phạm nhiều lần, sẽ bị bảo vệ mời ra ngoài.

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Một chút tâm tư ngày đầu năm mới

  • Đỗ Thành

Tôi khởi sự gõ những dòng đầu tiên này khi đồng hồ tại San Jose California chỉ 7:32 tối mùng Hai, năm mới Ất Mùi, trong khi ở bên kia nửa địa cầu đã bước qua ngày cuối của chu kỳ 3 ngày Tết cổ truyền trên quê hương.
Những ai may mắn đã tìm về sum họp với gia đình - hoặc còn một nơi để về vui với mẹ cha, anh chị, thân nhân - thì đã được về, để cùng nhau chia vui mấy ngày xuân và sau đó lại lên đường tha hương tìm cuộc sống kéo dài hơn 300 ngày nữa.
Những ai mùa Tết này không tìm ra một tấm vé, hay vì bất cứ một lý do nào khác đành phải ngậm ngùi ở lại nơi trọ, chen chúc trong những chỗ tạm bợ, chia sẻ với nhau nỗi nhà, nhớ quê thì tình trạng đó cũng gần qua, hoặc sắp qua.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Độc đáo giếng đá cổ ở Gio An

  • Trần Bình - Mai Lĩnh
Mạch ngầm phun lên ở mội nước giếng Bà, thôn Hảo Sơn. Ảnh: Mai Lĩnh
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, cuộc sống nhân dân và bộ mặt làng xã đã thay đổi, nhưng Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) còn giữ được hệ thống di tích vô cùng quý giá. Đó là những giếng đá có thể do người Chăm tạo tác từ cuối thế kỷ XII, khi mật độ dân cư còn thưa thớt.

Bao năm nay, nhiều du khách đến Gio Linh theo quốc lộ 1A thường rẽ vào tỉnh lộ 75 để lên viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hầu như không ai biết là mình đang đi qua một vùng quê độc đáo: xã Gio An với 16 giếng đá cổ, di sản của nền văn minh xếp đá độc nhất vô nhị.

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Chợ ... đèn pin

  • Phạm Đình Quát
Không phải là chợ chuyên bán đèn pin mà vì chợ này nhóm họp khi trời còn tối đen, người bán hàng phải dùng đèn pin để cho khách mua xem hàng và thấy nhau mà giao dịch.
Hàng ngày, chợ đông từ trước 4g sáng, khi trời sáng hẳn thì chợ đèn pin giải tán, trả lại “mặt bằng” là đoạn đầu đường Quang Trung ra bờ sông Thạch Hãn, cạnh chợ thị xã Quảng Trị.

Người mua không phải là các bà nội trợ mà họ mua rồi bán lại ở các chợ nhỏ; kiểu như đây là “chợ đầu mối” chuyên về nông sản, nguồn hàng từ các làng quanh thị xã.

Nha Trang - chợ cá xưa và nay

  • Tư Miền Biển

Chợ cá Cửa Bé ở phường Vĩnh Trường
Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa lòng thành phố này. Đường Bến Cá nằm ven sông Kim Bồng xưa, gần chợ Phường Củi (nay là chợ Phương Sài); còn đường Hàng Cá và Bến Chợ nằm bên hông chợ Đầm, xưa là bờ đầm Xương Huân, đã bị lấp để xây chợ vào năm 1969. Hơn nửa thế kỷ trước, thuyền bè đi biển về vào cập bến khá sâu trong khu vực nay là nội thành. Sông Kim Bồng bị lấp dần qua thời gian, mất đi một thủy lộ có ý nghĩa di tích lịch sử vì đó là con sông dẫn vào nơi từng là xưởng đóng thuyền của chúa Nguyễn (nay vẫn còn con đường mang tên “Thủy Xưởng” và ngọn đồi “Trại Thủy”), cũng là nơi đã từng xảy ra những trận thư hùng giữa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh những năm cuối thế kỷ XVIII (*).

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Ba ngày sống giữa vòng vây con gái

  • Phương Hà

Đã ba năm làm lính rồi ba năm làm phóng viên chiến trường Trị-Thiên-Huế, tôi tự cho mình là thông thuộc mọi con đường giữa rừng già mênh mông, kéo dài từ rừng thông đặc chủng giáp Quảng Nam đến thượng nguồn sông Bến Hải - nơi thời đó, trên danh nghĩa vẫn là giới tuyến hai miền Bắc-Nam. Vì thế, ít khi tôi bám giao liên để đến các đơn vị quân chủ lực hay xuống đồng bằng viết về chiến tranh du kích. Sắp đến Tết Mậu Thân, tôi được cấp trên phái ra tỉnh đội Quảng Trị để chuẩn bị nhận một nhiệm vụ mới. Cũng như mọi lần, tôi lại ra đi một mình.

Đường Trường Sơn trăm ngả nhưng luôn có một trục chính - một lối mòn khác hẳn bởi nhiều bàn chân vào ra hơn các lối mòn khác. Sau một ngày leo dốc, vượt suối giữa mù mịt mưa bụi, sắp chạng vạng, tôi dừng lại sát mé một con suối nước không sâu nhưng khá rộng, đây đó còn nguyên dấu vết của những người đến trước với tro than giữa các hòn đá đầu trọc, với cọc phụ mắc võng mà dây rừng buộc còn ứa nhựa.

Con dê “tìm trai”

  • Phương Hà

Từ mặt trận về tòa soạn, như thường lệ, tôi ngược dòng suối nhỏ nước từ đâu trong lòng núi chảy ra, rỉ rả ngay cả giữa mùa gió Lào hun hút luồn qua Đông Trường Sơn. Tòa soạn Báo Quân Giải phóng của Quân khu Trị - Thiên - Huế, nơi tôi làm phóng viên đóng ở lưng chừng ngọn núi này, đã khá lâu chưa phải chuyển cứ, vì thông thường để tránh bị máy bay Mỹ với công nghệ trinh sát điện tử tối tân nhất phát hiện, cứ một vài tháng, thậm chí có khi “chưa ấm chỗ”, chúng tôi phải di dời nơi trú quân.

Saigon một thời

  • Đỗ Thành

Tôi sính dùng ý “một thời” để gọi Saigon, mảnh đất thân yêu đã lưu lại trong tôi rất nhiều hình ảnh và kỷ niệm đẹp.  Bởi vì chợt một chiều nào đó em gái Saigon đã ghé lại thăm tôi trong chiếc áo dài thiên thanh, hay màu vàng óng ả, hoặc màu đỏ của phượng vỹ.
Tôi chưa đến độ lãng mạn nhìn em Saigon “uống ly chanh đường, thấy môi em ngọt” hay “Nắng Saigon anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”... Ông thiên sanh không phú cho tôi cái tài để ca tụng em, người con gái Saigon.

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Mẹ con

  • Hoàng Đằng

Như thường lệ, ăn tối xong, ông Kha, bà Hiền lên phòng khách xem TV. Ông Kha 65 tuổi, bà Hiền cũng gần 60. Hai ông bà xưng hô với nhau “anh, em” ngọt xớt, chứ không như ở trong khu phố này, đa số dân sống bằng nghề lao động chân tay, do vất vả, mệt nhọc, sử dụng ngôn ngữ cộc lốc - thậm chí cộc cằn. Những cặp vợ chồng ngang tuổi ấy hay nhiều hơn thường gọi nhau “ông mụ”; những cặp trẻ hơn thường gọi nhau “mi, tau”.

Ông Kha là giáo viên hưu trí; bà Hiền làm nghề buôn bán, có một sạp hàng quần áo buôn bán rất chạy trên chợ.

Chờ chồng

  • Hoàng Đằng

- Cháu tìm mô đó ... pha cho mự méng nước, mự khát từ đầu hôm đến chừ mà không biết nhờ ai. Mự thều thào khi thấy tôi bước vào.

Mự già yếu, bị tai biến nằm liệt giường từ hơn một năm nay.
Mự ở cái lều nhỏ dựng sâu trong vườn nhà một đứa cháu gọi bằng o. Cỏ và cây mắc cỡ ràng rịt lối nhỏ vào nhà. Nhà yên tĩnh lắm - cái yên tĩnh bất tiện đối với cảnh sống cô đơn.
Mự “hồi tôn” về với người ruột thịt, hy vọng sau khi chết linh hồn có người hương khói.
                                    
Mùa thu năm Ất Dậu (1945), mặt trận Việt Minh giành chính quyền cả nước. Ở làng, bộ máy chính quyền mới được thành lập để thay các hương chức thời phong kiến. Một trung đội dân quân tự vệ ra đời để bảo vệ chính quyền cách mạng. Thanh niên trong làng cả nam lẫn nữ đều hăng hái tham gia lực lượng vũ trang này.

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Thủy chung như... cá ngựa!

  • Mai Lĩnh

Từ nhiều thế kỷ trước, người Trung Hoa đã dùng cá ngựa để trị chứng hói đầu, bệnh suyễn, chứng bất lực tình dục. Cũng từ lâu, ở châu Âu, người ta dùng cá ngựa để kích thích quá trình tạo sữa cho phụ nữ. Bây giờ, cá ngựa còn là phương thuốc phòng, chữa chứng xơ cứng động mạch và tăng cường "sức chiến đấu" cho quý ông trong chốn phòng the. Chả thế mà chỉ tính riêng ở Trung Quốc, có năm đã tiêu thụ đến 6 triệu con cá ngựa.

Vì đâu nên nỗi?

  • Hoàng Đằng

Anh luôn ở trong nhà. Việc đi ra ngoài đơn giản thế mà, đối với anh, cũng không được.
Cánh tay phải co rút, khuỷu tay thành một góc vuông, bàn tay cong queo nằm ngang ngực, bàn chân bên phải kéo lết, nhấc không lên, muốn di chuyển, anh phải chống gậy. Quần áo nhàu nát, trông không được sạch sẽ, đầu tóc rối bù xù, anh mới 50 tuổi mà dáng dấp như một ông cụ 80.