Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

"Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" (CLV)


  • Nguyễn Văn Anh
Mình mới nhận được tập sách kí sự bằng hình ảnh của Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát gởi tặng có tựa đề QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG. Nói kí sự chắc không ổn mà phải nói là "Kí ức Tuổi Thơ" của tác giả được tái hiện qua hơn 160 hình ảnh về vùng đất Quảng Trị thân thương của anh ấy - Nơi mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tạm dừng chân mà tính toán cho cuộc Nam tiến vĩ đại để có được dãi giang sơn gấm vóc ngày nay với "Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành- Với tiếng hát êm đềm trong những đêm thanh..." 

Cầm sách trên tay, với tâm trạng nôn nóng, mình lật từng trang xem vội, mắt dán vào hình ảnh cau, tre, mây nước, trời trăng, chợ khuya, làng tế, cổ thành, sông Ô Lâu, sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn, Mưa lụt, trâu trên đồng, hương khói trong đình, đèn chong trong am miếu, trẻ thơ, cụ già, độn, rú cát, chùa làng, Thánh địa La Vang, những dấu tích về một thời bom đạn... mà lòng thấy rưng rưng. Lúc này, má bầy trẻ không biết vô tình hay cố ý lại cho nghe Duy Khánh hát: "Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa. Con sông xưa, thành phố cũ...", rồi lại nghe Xuân An hát bài "Bỏ làng ra đi" của Phạm thế Mỹ... Mắt nhìn, tai nghe mà như thấy được cảnh tre pheo vàng vọt, cảm được cái khô rát của gió Lào, cái lạnh buốt xương của "mùa gió bấc"...

Đêm mưa dầm
Cơn gió bấc
Liếp mành run bần bật
Ngọn đèn khuya... hiu hắt mẹ con gà...
Xin Thầy
Tay nải đi xa
Cái nghiên mực cũ
Mái nhà nhện giăng
Cột kèo câu chữ khai tâm
Cái áo tơi lá rét đông đồng chiều
Xin em
Giàn mướp xiêu xiêu
Xóm trưa im ắng phiêu diêu tiếng gà
Xin Làng
Sương khói phôi pha
Mái đình rêu phủ én tà tà bay...
Xin cụ lý lại - Cái cày
Dạo trâu ăn lúa phải này nọ kia
Sông đêm trăng chảy đầm đìa
Đàn bầu Trùm Nghệ giữa khuya tiếng buồn
Xin sư cụ một hồi chuông
Ngày Xuân theo Mẹ qua truông...lễ chùa
Xin trẻ thơ
Chữ Y...tờ...
Mãi vui đơm đó, đặt lờ... quên trâu
Xin O Lài chiếc áo nâu
Và xin lũ bạn chăn trâu cái diều..." 

Mà ở đời có xin thì có cho, có vay, có nợ thì có trả... Ấy vậy mới ra người tử tế !
Nghĩ cũng lạ ! Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát - Nói trộm vía, mình nghĩ anh ấy như một cái giàn bếp quê nhà ám khói. Ám khói bởi bếp một thời chỉ chụm củi nè và rơm rạ. Khói nó ám vào giàn bếp cũng như cái kí ức tuổi thơ với đất và người vùng quê Quảng Trị nơi mà suốt 15 năm trời ở đó anh được sống, được chơi đùa và được lớn lên. Cái kí ức tuổi thơ ấy nó ám vào anh với hơi hướm vùng đất ấy - Quảng Trị.

Mình nhớ không lầm thì anh ấy gốc người Sơn Tây, mãi ngoài Bắc. Bây giờ lại ở vào cái tuổi U70, lại đang mang trong người cái bệnh khớp, bệnh gout, kiêng khem đủ thứ, chẳng ăn uống được gì nhiều... Vậy mà sao thế nhỉ ? Sao lại chờ đến mùa gió Lào hay đến mùa lũ lụt lại mặc áo, xỏ giày, vác máy đi. Khi đi tàu, khi đi xe, khi đi ghe, khi lội bộ, khi bò trên núi đá... để có được chút kí ức tuổi thơ mong tìm lại mà bấm máy. 
Lại từ phương Nam mò về Quảng Trị đến 5 lần, mỗi lần khoảng mươi ngày ăn bờ, ngủ bụi... Chi vậy hè ? Nghiệp ư ? Nợ ư ? Trời khuya thì lạnh,vác máy ra ngồi ở cổ thành,chờ trăng lên. Ngồi hơn mấy tiếng đồng hồ thì trăng mới nhú. Trăng vừa nhú thì mây đen cũng vừa che và... mưa. Lại xong om, lại vác máy về, lại xoa dầu, lại uống thuốc... Đúng là nợ ! Một món nợ ân tình sâu nặng - như anh nói - về "Quảng Trị đi nhớ về thương". Sách in đẹp, giấy tốt.  

Chúc mừng anh với dải đất miền Trung Việt Nam bề ngang không được rộng, người đa phần là gầy nên không nặng kí... Có chăng là nặng nghĩa, nặng tình...!

Mình không thích thơ Chế Lan Viên, ngoại trừ tập Điêu Tàn. Nhưng xem sách của Mai Lĩnh - Phạm đình Quát, lại chợt nhớ trong bài "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ ấy có mấy câu hay chứ nhỉ:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn...
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...
                                            (Chế Lan Viên)