Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

KÝ ỨC & TUỔI THƠ

  •  Bá Hân
Tôi và anh giống nhau ở chỗ là cùng có tuổi thơ và thời niên thiếu ở “khúc ruột miền Trung”, miền đất “nắng cháy, mưa dầm”. Những năm 1960-1970, khoảng thời gian mảnh đất này sôi sục biết bao những sự kiện, biến cố chính trị, chiến sự mà đỉnh điểm tang thương là những ngày tết Nguyên Đán năm Mậu Thân ở Huế và cuộc di tản đẫm máu vào mùa hè 1972 trên “Đại lộ kinh hoàng” của người Quảng Trị.

Trong cái nhìn hồn nhiên, vô tư của những đứa bé sinh ra vào thập niên 1950, những cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chỉ đơn giản là những ngày được... nghỉ học (!); thậm chí những sự kiện đấu tranh của người lớn lúc ấy như đem “bàn thờ ra đường” cũng thấy vui như ngày hội, bưng đoại (tô) cơm ra ngồi ăn bên cạnh cái “bàn thờ tranh đấu” ấy mà thấy thích thú...

Những chuyện ấy tưởng như đã lắng sâu trong ký ức tuổi thơ bỗng nhiên hôm nay lại vỡ òa trong tôi một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, lắng đọng, bồi hồi... sau khi xem ký sự hình ảnh “Quảng Trị đi nhớ về thương” của anh Phạm Đình Quát. Những cảm nhận bằng hình ảnh về miền đất đầy ắp kỷ niệm qua con mắt của một người con xa xứ đã hơn nửa thế kỷ phải lang bạt nhiều nơi vì cuộc sống nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về Quảng Trị với bao hoài niệm thân thương.
Anh khiêm tốn bộc bạch: “Đó là thời gian đủ cho một đứa trẻ quan sát, cảm nhận cuộc sống, khai phóng tư duy và hình thành nhân cách...”.

Tấm lòng và tình cảm của anh đối với Quảng Trị khiến tôi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình và bỗng giật mình vì nhận ra là tôi vẫn chưa làm được điều “bình thường” như anh.
Tập sách của anh như một lời nhắc nhở cho tôi.

Thay cho lời cám ơn, xin được xiết chặt bằng cái bắt tay trái trong tinh thần Hướng Đạo sinh để chúc mừng anh.

Saigon, tháng 6/2016