Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Chùa cổ Chúc Thọ - Ngôi chùa của người chết!



Cù Lao Phố - những điều mắt thấy, tai nghe.

(Bài 1)
  • Mai Lĩnh
Tên chùa viết rất nhỏ trên bức tường bên phải cổng vào chùa, còn lại toàn chữ Tàu.

Ở Việt Nam, từ xưa, chùa là nơi cư ngụ của những người xuất gia tu hành, thuyết giảng Phật pháp và là nơi các Phật tử lui tới tu học, đảnh lễ Tam Bảo. Cảnh chùa thường là không gian thanh tịnh, trầm mặc và tôn nghiêm. Khi được anh Phạm Hoài Nhân đưa đến thăm chùa Chúc Thọ (số 542A2, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa), tôi quá ngạc nhiên vì những điều trông thấy, đến nỗi không muốn bước vào bên trong, gặp những người đang bận rộn trong đó.
Ngoài cái cổng chùa - cũng rất khác thường - mọi thứ chung quanh không có gì mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ dù đã qua nhiều lần trùng tu. Chen chúc chung quanh khuôn viên chùa là mồ mả đủ kiểu, thuộc nhiều niên đại khác nhau. Cư dân cạnh chùa cho biết, đây là một trại hòm lớn và là một cơ sở dịch vụ mai táng… đắt hàng. Họ nói, sinh hoạt trong chùa này hoàn toàn không giống các ngôi chùa khác, không thuyết pháp, kinh kệ công phu hàng ngày cũng không; nhà sư chỉ chuyên đi cúng cho các đám tang!

Cũng tại đây, tôi được biết người dân Cù Lao Phố xưa nay vẫn gọi đó là chùa Thủ Huồng, hoặc chùa Sau (ý là ngôi chùa này nằm sau lưng chùa cổ Đại Giác). Tên chính thức của chùa này ban đầu là Chúc Đào, về sau mới đổi thành Chúc Thọ. Cái tên chùa Chúc Thọ nghe nó “là lạ, kỳ kỳ” thế nào ấy khi nằm giữa một vùng mồ mả chen chúc nhau (không có sự sắp xếp, quản lý như các nghĩa trang) và thực tế là một cơ sở dịch vụ mai táng “kinh doanh khép kín”.
Mồ mả đủ kiểu chen chúc vây quanh chùa Chúc Thọ!

Quá thất vọng vì nhìn thấy những điều kỳ quái nhưng tôi lại rất thích thú khi được nghe anh Phạm Hoài Nhân kể chuyện “Ông Thủ Huồng”.

Ngoài ngôi chùa này trên Cù Lao Phố (xã Hiệp Hoà), vùng Biên Hòa còn có một số địa danh (1) gắn liền với nhân vật Thủ Huồng: cầu Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng (làng Mỹ Khánh, phường Bửu Hòa). Người Biên Hoà còn truyền khẩu câu ca:

Ai ơi có đến Nhà Bè,
Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng.

Tất cả đều liên quan đến những chuyện kể nhiều phần thêu dệt như huyền thoại về cuộc đời ông Võ Thủ Hoằng (2) (đọc trại thành Huồng), người đứng ra tạo lập ngôi chùa này, là một nhân vật có thật vào đầu thời nhà Nguyễn. Chuyện kể rằng, Thủ Hoằng làm một chức quan nhỏ nhưng vốn là kẻ gian xảo, đa mưu, ông đã dùng nhiều thủ đoạn vơ vét, chiếm đoạt khá nhiều của cải, ruộng đất của dân chúng. Khi vợ chết, ông làm ma chay linh đình. Sau đó, ông thôi việc quan, về sống cuộc đời trưởng giả. Nhớ thương vợ ông tìm đến chợ Mãnh Ma (là nơi người sống và người chết có thể gặp nhau, âm dương giao hòa vào lúc nửa đêm vào mùng Một tháng Sáu hàng năm). Tại đây, Thủ Huồng gặp vợ và được vợ dẫn xuống âm phủ. Thủ Huồng chứng kiến những người sống gian ác trên thế gian bị trừng phạt nặng nề sau khi chết. Trong dãy ngục tối của địa phủ, Thủ Huồng thấy một cái gông rất lớn bỏ trống; hỏi thì được biết cái gông đó được làm sẵn dành sẵn cho Thủ Huồng, một kẻ ác đang còn trên dương thế.

Sau đó, trở về xứ Trấn Biên, Thủ Huồng thay đổi cách sống. Ông ra sức giúp đỡ người nghèo khó, mạnh tay bố thí, cúng ruộng và tiền cho chùa, cho làng, chia cho thôn xóm, đến Cù Lao Phố dựng chùa thờ Phật. Đặc biệt, trong các việc làm giúp người, ông làm một chiếc bè lớn, trên dựng nhà có đủ chỗ nghỉ ngơi, sẵn nồi niêu, củi, gạo, mắm, muối... cho những người nghèo khó lỡ độ đường có thể tạm trú đôi ba bữa mà không phải trả tiền. Ngã ba sông có chiếc bè từ thiện đó được gọi là ngã ba Nhà Bè.

Không biết thời đó, ông Thủ Hoằng có được ai giúp sức làm PR không hay do công lao của ông với dân chúng quá lớn nên huyền thoại Thủ Huồng còn kéo dài sang kiếp sau: Hoàng tử nhà Thanh bên Tàu - sau này lên làm vua lấy hiệu là Đạo Quang (1821-1851) - khi vừa sinh ra, giữa lòng bàn tay có hàng chữ: “Đại Nam, Biên Hòa, Thủ Hoằng”. Triều đình nhà Thanh cử sứ giả qua tìm hiểu lai lịch và dâng cúng chùa Chúc Đảo ba pho tượng Phật bằng gỗ trầm hương (3).

Những chuyện mang màu sắc đậm huyền thoại, nhiều điều hư cấu về một nhân vật có thật cho thấy tình cảm và sự ngưỡng vọng tôn kính của dân chúng qua nhiều thế hệ với ông Thủ Huồng và thể hiện lòng tin về triết lý nhân quả cũng là điều tốt cho dân gian.
__________________________________________________________

(1) Con rạch chạy ngang qua đường Tân Vạn vòng qua quốc lộ 1A đi Sài Gòn, do Thủ Huồng sai vét nên gọi là rạch Thủ Huồng. Chiếc cầu đá trên đường gần sông Đồng Nai đi Tân Vạn cũng gọi cầu Thủ Huồng, vì nhờ ông mới có. Còn chỗ ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nơi mà Thủ Huồng cho kết bè nổi để cho dân thương hồ có nơi ăn nghỉ đợi chờ con nước, sau biến thành chợ trên sông. Do đó cái tên bến Nhà Bè, sông Nhà Bè, huyện Nhà Bè... chính là để ghi dấu "cái nhà bè" trên khúc sông vừa kể.

(2) Theo Wikipedia thì tên thật của ông là Võ Hữu Hoàng.
(3) Năm 2003, anh Phạm Hoài Nhân vào viếng chùa thì thấy ba pho tượng Phật được sơn phết như kiểu tượng gốm (hoặc gỗ thường, tượng gỗ trầm thì chẳng ai "nỡ" sơn phết như vậy). Anh hỏi thăm những người trong chùa thì chẳng ai hay biết gì về chuyện vua nhà Thanh cúng dường tượng Phật ngày xưa (?!).

Tham khảo:
http://dongnai.vncgarden.com/tu-lieu-ve-con-nguoi-dhong-nai/truyen-thuyet-thu-huong
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A7_Hu%E1%BB%93ng http://www.tamgiaodongnguyen.com/TruyenDao/SuTichNhaBe.htm