- Bài: Nguyễn Đặng Kỳ
- Ảnh: Mai Lĩnh
Nhìn các bạn trẻ đi “phượt” thích lắm, nhưng nghĩ đến tuổi tác và sức khỏe của mình mà ngại. Hai bạn già chúng tôi đắn đo mãi, cuối cùng cũng quyết định làm một chuyến gần để thử sức mình, coi như tự kiểm tra sức khoẻ.
Xuất phát lúc 7g30 từ Bình Chánh (Saigon), hai người trên một chiếc Honda trực chỉ Gò Công theo quốc lộ 50. Dù đã đi, đã biết khá nhiều nơi xa hơn nhưng vùng đất Gò Công (chỉ cách Sài Gòn 60 km) vẫn khiến chúng tôi háo hức vì chưa từng đặt chân đến. Nơi đây được gọi là miền gái đẹp, là quê hương của hai vị hoàng hậu nổi tiếng dưới triều nhà Nguyễn (bà Từ Dũ vợ vua Thiệu Trị và bà Nam Phương vợ vua Bảo Đại).
Sau khoảng hơn một giờ đã đến cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Long An và Tiền Giang. Chiếc cầu khá lớn, bắc qua sông Vàm Cỏ; đứng trên đỉnh cao của cầu lồng lộng gió mà thấy thương cho mấy bà già bán vé số, có lẽ họ chờ bán cho những khách du lịch dừng lại trên cầu để chụp hình như chúng tôi.
Qua khỏi cầu Mỹ Lợi khoảng 10 km đã đến thị xã Gò Công. Những hàng cây hoa sò đo nở rộ khoe sắc dọc con đường Nguyễn Trãi, một trong những con đường chính của thị xã như mời gọi du khách hãy đến với Gò Công. Sau khi ghé quán cà phê cóc ven đường để nghỉ chân và hỏi thăm, chúng tôi vào tham quan lăng Hoàng Gia, nơi có đền thờ và mộ phần của cụ Phạm Đăng Hưng, thân phụ của bà Từ Dũ (Từ Dụ) Thái Hậu; ông ngoại của vua Tự Đức. Đền thờ xây từ thế kỷ 19 và đã tu sửa nhiều lần nhưng cũng còn giữ được nét cổ kính.
Mộ của cụ nằm bên trái cùng hướng nhà thờ trên gò đất đơn sơ không cầu kỳ như những ngôi mộ người ta làm gần đây. Không gian yên tĩnh, u tịch nơi đây với nét cổ kính của đền thờ và lăng mộ làm lòng tôi chùng xuống, xao xuyến nghĩ về triều đại mấy trăm năm, từ chúa đến vua đã có công lớn trong việc mở ra một cõi trời Nam cho dân tộc Việt.
Trong khoảng sân trước ngôi mộ đức quốc công có hai nhà bia nằm hai bên, bên trái có một bia đá lớn, trên đầu là một cây thánh giá, bên dưới là những hàng chữ Pháp. Ngạc nhiên, hỏi người trông coi ở đây mới biết đây chính là tấm bia có “số phận” lạ lùng mà tôi từng đọc trên báo từ hơn 30 năm về trước: Khoảng 1858, 1859 vua Tự Đức giao cho hai ông Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn một bài văn bia ca ngợi công đức của đức quốc công Phạm Đăng Hưng, rồi cho khắc vào tấm bia này, chở vào Gò Công để dựng trong lăng.
Khi ghe chở tấm bia vào đến cửa biển Cần Giờ bị quân Pháp (lúc này đang đánh thành Gia Định) bắt giữ và chiếm đoạt. Sau đó, một sĩ quan người Pháp là đại úy Barbe bị nghĩa quân của Trương Định dùng mỹ nhân kế phục kích giết chết (câu chuyện được dựng lại trong vở cải lương "Nàng Hai Bến Nghé" sau này) người Pháp đã dùng tấm bia này khắc chồng lên bài văn bia chữ hán những chữ Pháp nội dung như sau: Phía trên là cây thánh giá, phía dưới là những hàng chữ (có chữ đã mờ không đọc được, có chữ không rõ lắm) như sau: QI-GIT .BARBE CAPITAIN. D INFANTERIE DE MARINE. ......… 7 DECEMBRE 1860. SOUVENIR DE SES CAMARADES (*). Tấm bia này được dựng trên ngôi mộ của đại uý Barbe trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Saigon). Năm 1983 nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi phải di dời (nay là công viên Lê văm Tám), hài cốt của Barbe được đưa về Pháp, tấm bia bị vứt lăn lóc trong nghĩa trang, sau đó được phát hiện và đã được đưa về bảo tàng Lịch sử Thành phố cất giữ và mãi đến năm 1998 do thỉnh nguyện của gia tộc họ Phạm và được sự đồng ý của chính quyền (tỉnh Tiền Giang và TPHCM), tấm bia đã được đem về dựng lại nơi mà đáng lẽ nó có mặt trên 100 năm trước!
Rời lăng Hoàng Gia chúng tôi đến thăm đền thờ và lăng mộ anh hùng dân tộc Trương Định nằm gần chợ Gò Công. Lăng và mộ nằm giữa khu dân cư đông đúc được tôn tạo khang trang, sạch sẽ. Ông nguyên người tỉnh Quảng Ngãi theo cha làm quan vùng Gia Định, ông được phong chức Quản cơ Phó Lãnh binh Gia Định. Sau khi ký hòa ước 1862 với Pháp, triều đình Huế buộc bãi binh, nhưng ông không nghe theo và được dân chúng theo phò, xưng danh Bình Tây Đại Nguyên Soái lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp. Suốt mấy năm quân của ông đã đánh quân Pháp từ Gò Công, Mỹ Tho, Gia Định cho đến Biên Hòa, Đồng Tháp… làm cho quân Pháp không lúc nào yên. Tháng 8/1864, Huỳnh Công Tấn phản bội, đưa lính Pháp đột kích đánh úp căn cứ của ông tại đám lá tối trời, nay thuộc xã Gia Thuận. Bị Thương ông rút gươm tự sát. Sau khi ông mất, thi hài được bà vợ thứ của ông là Trần Thị Sanh, là em con cô cậu với Từ Dũ thái hậu và là người giàu có tiếng trong vùng đem về và xây lăng ở chỗ hiện nay, đến nay được tu sửa nhiều lần.
Đứng trước mộ của người anh hùng lại nghĩ đến chuyện giặc đang ngày ngày lăm le xâm lấn đất nước chúng ta, lòng tôi cứ băn khoăn không biết lúc này chính quyền có như thời Tự Đức không. Trước bọn xâm lăng mà cứ hết thương thuyết rồi đến thương lượng để cuối cùng là mất nước về tay quân thù, buộc những người nghĩa khí như Trương Định phải tự đứng lên chống giặc.
Rời biển Tân Thành, chúng tôi đi Mỹ Tho, đoạn đường chỉ trên ba mươi cây số nên chạy thong thả hơn một giờ sau đã đến. Điểm dừng là ngôi chùa cổ Vĩnh Tràng độc đáo.
Nằm ngay trung tâm thành phố, chùa rộng hằng hecta lại mang một phong cách kiến trúc rất lạ. Bên trong mang dáng cổ như các ngôi chùa khác nhưng các hàng cột bên ngoài lại mang phong cách cổ La Mã, đứng phía trước nhìn vào, bên dưới cũng là những hàng cột phong cách La Mã nhưng bên trên lại trang trí hoa văn như những chùa Thái Lan, Khmer. Phải chăng do nằm trong vùng là thuộc địa của người Pháp, lại ở giữa vùng đất của người Việt và Khmer ở trộn lẫn với nhau nên có kiến trúc như vậy chăng?! Đằng trước và 2 bên hoa được trồng và chăm chút rất đẹp. Gần đây một số tượng Phật lớn được tôn tạo như tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Di Lăc và Phật Thích Ca nhập niết bàn chiếm một vùng đất lớn. Được biết đây là ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ đơn sơ mà thôi. Kiến trúc hiện tại được các vị trụ trì sau này xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20.
Rời chùa Vĩnh Tràng, định đi Rạch Gầm, Xoài Mút, nơi vua Quang Trung đã đánh tan mấy vạn quân Xiêm, nhưng nghe nói còn xa lắm nên thôi, thẳng đường về Rạch Miễu để qua Bến Tre. Qua khỏi cầu Rạch Miễu, ghé vào khu du lịch Cồn Phụng nơi ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam tu ngày xưa. Từ nơi đón du khách, chiếc thuyền máy khá lớn nhưng chỉ đứa hai chúng tôi chạy dọc sông Tiền một đoạn khá xa. Đây chỉ là một nhánh nhỏ của sông Tiền nhưng cũng đã khá rộng, hai bên bờ toàn dừa nước. Thuyền chạy nhanh nước bắn tung tóe trước mũi cứ nghĩ không biết có bao nhiêu giọt nước từ xứ Tây Tạng xa xôi huyền bí mang hơi hướm của Hy Mã Lạp Sơn về với lữ khách này. Đến Cồn Phụng lại phải mua vé 10 ngàn một người sau khi đã mua vé đi thuyền hết 100 ngàn một người. Nơi đây chẳng có gì đặc biệt, tham quan chỉ để cảm nhận được cái “điên”, cái ngông của một trí thức Nam bộ.
Ven sông Tiền |
Hoàng hôn trên sông Tiền |
Ba Tri là một huyện vùng xa giáp biển. Từ TP Bến Tre đến Ba Tri phải đi qua huyện Giồng Trôm, xa khoảng trên 30 km,nhưng ở đây có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh như lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu; Phan Thanh Giản; Võ Trường Toản, sân chim Vàm Hồ, đình Phú Lễ...
Bia tiểu sử cụ Đồ Chiểu |
Hương án trong đền thờ |
Đền thờ Lục tỉnh nghĩa sĩ chống Pháp |
Lăng của cụ Nguyễn Đình Chiểu được nhà nước dựng bề thế nguy nga ngay giữa thị trấn. Đằng trước là cổng tam quan, tiếp đến là cái sân rộng cỏ xanh mơn mởn được cắt xén cẩn thận, cách tam quan khoảng 50m là một bi đình với tấm bia bằng đá lớn ghi tiểu sử của cụ, kế đó là nhà thờ với bức tượng bán thân và những câu thơ, văn của cụ trên những hàng cột, trên tường là những phù điêu tả cảnh nhân dân chống Pháp. Phía sau nhà thờ cụ Đồ là môt căn nhà ngói nhỏ đơn sơ thờ Lục tỉnh nghĩa sĩ chống Pháp cùng thời với Cụ như các cụ Thủ khoa Huân, Thiên Hộ Dương … Bên trái nhà thờ là những ngôi mộ đơn sơ của gia đình cụ, trong đó có mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh con gái của cụ.
Đối diện lăng mộ là đền thờ |
Mặt trong bình phong |
Đền thờ cụ Phan Thanh Giản |
Mộ nhà giáo Võ Trường Toản cùng phu nhân và con gái |
Cách mộ cụ Phan khoảng 300 mét là mộ và nhà thờ, nhà tưởng niệm của cụ Võ Trường Toản được xây dựng khá bề thế lớn hơn mộ cụ Phan nhiều. Được biết cụ là một nhà giáo nổi tiếng với nhiều học trò danh tiếng như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh… Cụ rất được các chúa Nguyễn trân trọng nên khi mất cụ được ban tước hiệu: "Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Tiên Sinh". Người đương thời đều nể phục tư cách cũng như tài năng của cụ. Nguyên cụ đã mất từ năm 1792 được an táng ở Bình Dương, sau hòa ước 1862 cụ Phan không nỡ nhìn ngôi mộ của bậc xử sĩ lại nằm trong vùng của người Pháp nên đã di dời mộ vợ chồng cụ Võ cùng với mộ người con gái về chôn cất trên đất nhà của gia đình mình.
Qua phà bến Thủ, theo đường DT 883 về thị trấn Bình Đại cách khoảng 10km, đường rộng, rất tốt, thỉnh thoảng mới có chiếc xe chạy qua. Mới đi một đoạn, từ xa thấy tượng Phật Di Lặc của chùa Vạn Phước.
Chùa được xây dựng trên khu đất rộng hàng chục hecta với nhiều hạng mục đang trong quá trình xây dựng. Thấy chùa này nhớ đến mấy ngôi chùa trên đường Sài Gòn - Vũng Tàu, cứ tưởng như vào các cung điện. Không biết người ta xây chùa lớn như vậy để làm gì, nếu như phục vụ cho hằng ngàn Phật tử đến tu như chùa Hoằng Pháp ở Hốc Môn thì không nói, đằng này có lẽ xây lên để khoe, để cho oai ? Nếu để tiền đó giúp đời thì biết bao người đỡ khổ. Đức Phật ngày còn tại thế có cần cái chùa nào lớn đâu.
Vào quán cơm bình dân tại thị trấn Bình Đại ăn trưa, nghỉ ngơi đôi chút sau đó đến phà Bình Tân gần đó để vượt sông Cửa Đại qua Tiền Giang. Đây là bến phà do nhà nước mở chỉ mới khai trương ngày 30 tết Đinh Dậu vừa rồi. Sông cửa Đại rộng mênh mông, con phà lớn chạy mất cả mấy chục phút mới qua hết. Trời trưa nắng nhưng gió biển lồng lộng thổi làm mát cả người như muốn mời goi du khách đến thăm. Thế là đã đến huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang, do bến phà mới mở nên đường dẫn đang làm, không được tốt. Từ đây đến bến phà Chùa để qua sông Cửa Tiểu khoảng 5km. Sông cửa Tiểu bề rộng chỉ bằng nữa Cửa Đại, nhưng bà con ở đây cho biết sông rất sâu nên tàu lớn đều theo sông này lên thượng nguồn.
Qua bến đò Chùa là đã về đến Gò Công Tây, từ đây về thị xã Gò Công chỉ mười mấy cây số và khoảng 4 giờ chiều chúng tôi đã về đến nhà kết thúc một chuyến đi nhiều thú vị, đã khám phá được nhiều cái mới. Điều đọng lại trong lòng chúng tôi là sự nhiệt tình, vui vẻ của bà con miền Tây. Những tấm lòng đó chúng tôi không bao giờ quên.
Phà Bình Tân qua sông Tiền ở Cửa Đại |
__________________________________________________________________________
(*) Tạm dịch: "Nơi an nghỉ Barbe Đại úy thủy quân lục chiến. Tử trận trong cuộc phục kích ngày 07 tháng 12 năm 1860. Kỷ niệm của các người bạn".