Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

ZULU DC với QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG

  • ZuluDC
Linh tính bảo tôi mở cửa.
Khi vừa chạm vào tay nắm, tôi nghe tiếng vỗ ầm ầm bên ngoài, người đưa thư trao cho tôi một bao lớn màu trắng, dán tem gần phủ kín hai mặt. Nhìn tên người gởi, tôi sững sờ và ngạc nhiên, ngạc nhiên món quà đến từ Việt Nam. Ngạc nhiên vì đây là món quà của cô em, một cô em rất hiền, rất thân thiết, chúng tôi thường trao đổi qua trang facebook.

Món quà, trong xúc động, tôi nghĩ đến “QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”. Quả nhiên, trong thân tình chúng tôi đọc được ý nghĩ của nhau, hạnh phúc như sớm mai nhìn bông hoa mới nở, như khi nhận món quà đúng với ý mong.

"Quảng Trị - Đi nhớ về thương" là một tập ký sự ảnh, in trên giấy couché, khổ 25 x 25 cm, của Phạm Đình Quát (Hội Nhà Văn xuất bản 2016).
Trong nhiều thể loại, ảnh ký sự đa dạng và phong phú nhất. Nhiếp ảnh gia, ngoài khả năng chuyên môn, điều quan trọng hơn là một tâm hồn nghệ sĩ, say mê công việc, một kiến thức tổng quát về xã hội, nhân văn, lịch sử và địa lý, để qua ống kính, những hình ảnh đời thường trở thành nghệ thuật, mang tính nhân văn, làm cho tác phẩm có ý thức để chuyển tải điều mình muốn nói đến với quần chúng.

Ký sự ảnh là một công trình văn hoá đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Một tác phẩm ký sự ảnh được đánh giá là thành công, khi tác giả thể hiện được tính cách riêng, bản lĩnh và sở trường của mình, làm sao tấm hình đập vào mắt người thưởng ngoạn cái thông điệp mình muốn nói, làm sao cho mọi lằn ranh nghệ thuật không thể nhạt nhoà lẫn vào nhau.
Tôi viết về một món quà, món quà lại là một tác phẩm nghệ thuật, chỉ nhân danh chính mình, trong khi đúng sai thuộc về quần chúng, nghĩa là giá trị tác phẩm được nhìn nhận qua quá trình giáo dục, sinh hoạt xã hội, và sự hiểu biết của từng cá nhân. Trên quan niệm đó, chúng ta vào “QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”.

Mở tập ảnh, cảm giác đầu tiên là sự xúc động, tôi chớp mắt liên tục mới nhìn rõ từng trang. Đã mấy lần, tôi xem lại từng tấm hình từ đầu tới cuối, tác giả trình bày tác phẩm theo cảm xúc riêng, nhưng không kém phần mĩ thuật và nghệ thuật. Tự nhiên, trong mơ hồ, tôi nghĩ đến Công Chúa Huyền Trân, ngày xưa trên đường vu quy, có lẻ công chúa ghé cửa Tùng, cửa Việt, ước gì con dân Quảng Trị chúng ta có một nơi thờ phụng, hay ít nhất ghi lại một tấm hình cho các thế hệ tương lai.

Với chủ đề “QUẢNG TRỊ - ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”. Một chủ đề gần như ca dao, huyền thoại, ta có cảm giác như Truông Nhà Hồ ở đâu đó, và chúng ta không thất vọng ở Phạm Đình Quát, dù điều kiện khắt khe, dù thời gian eo hẹp, dù cách trở tác giả đã đưa chúng ta về với Quảng Trị bằng mắt nhìn của người có tấm lòng

tha thiết với quê hương, của những kỹ năng nhiếp ảnh. Phạm Đình Quát không những chụp được nắng, được gió, Phạm Đình Quát còn chụp âm thanh, anh còn chụp hình ảnh của những quá khứ chiến tranh…

Khi gấp tập ký sự ảnh lại, tôi không có ý phê bình các bức ảnh, lòng tôi như bị tấm lòng của tác giả cuốn hút theo. Có lẻ khi ráp ống kính vào máy ảnh, trong lòng Phạm Đình Quát (PĐQ) cũng đang ráp lại từng mảnh quê hương. Điều đó thể hiện rõ nét qua trình bày ở hình bìa, màu vàng cam nhạt, đậm dần, đậm hơn nữa về phía hình của 2 tầng Đầu đao màu xám rất đậm, bên cạnh là ngút ngàn xa, mặt trời hực lửa. Hình ảnh vừa cổ kính vừa khốc liệt. Chỉ có vậy, tập ảnh đã đưa chúng ta về với quê hương, thức dậy hồi ức để cùng PĐQ nao lòng theo “Đi nhớ, về thương”. Ảnh của PĐQ là nỗi lòng chan hoà trong kỷ niệm, anh ghi lại cả tiếng nước vang trên mặt sông.

Ký sự ảnh nghiễm nhiên là tài liệu của một nơi chốn, một giai đoạn lịch sử. Nhiếp ảnh gia, khi mang máy ảnh là tự mang vào mình

sứ mạng của người làm văn hoá, trách nhiệm gắn bó với từng màu sắc, con mắt và cả ngón tay nữa. Văn hoá là vẻ sáng, vẻ đẹp, một nghệ sĩ chân chính, tài năng khi tác phẩm của mình tác đông vào đời sống, làm sao cho đất nước, con người càng ngày càng tốt đẹp hơn. Những hình ảnh mang tính tiêu cực, nhạy cảm, những hình ảnh gợi lại quá khứ đau buồn của dân tộc, lại là thứ mà nhiếp ảnh gia thèm như thèm ly nước ở giữa sa mạc.
Ở đây, tôi có cảm giác như nhiều khi tác giả cũng phân vân, cũng dằng co với nghệ thuật, khi đưa những tấm hình vào tập ảnh, không có hình ảnh nào gợi cho ta sự hiềm khích, chống đối nhau, khi đất nước đang cần sự đoàn kết để tạo sức mạnh của dân tộc.

Như đã nói ở trên, ký sự ảnh “Quảng trị đi nhớ về thương” hình thành từ một tấm lòng của tác giả với một quê hương chiến tranh nghiệt ngã và tàn khốc nhất của lịch sử Việt Nam, qua ống kính của PĐQ tất cả đều hiền hoà, bình yên. Quê hương trong mắt PĐQ là kỷ niệm, là một quá khứ được nuôi nấng
bằng tình cảm đặc trưng của người Quảng Trị.
Phần nhiều, những hình ảnh trong Quảng Trị đi nhớ về thương là hoài niệm về một quá khứ êm đềm, nên thơ, tình tự được PĐQ thức dậy như nhớ lại một cơn mơ đẹp.

Điều chúng ta trân trọng ở đây là khi tác giả lặn lội lên tận đầu nguồn sông Thạch Hãn, nơi xuất phát “Mồ hôi của đá” một thắng cảnh, mà cũng là một địa danh vốn được ghi chép là một dòng sông có nguồn nước trong lành nhứt thế giới.

Tuy giới hạn ở khổ giấy 25 x 25 cm, nhưng tập ảnh chứa đựng bao nhiêu là hình ảnh gợi nhớ, gợi thương. Từ rừng xuống biển, từ Bến Hải đến Diên Sanh, từng nơi chốn là từng gắn bó, không riêng chi người Quảng trị, là một tác phẩm nghệ thuật, mọi người nên thưởng lãm, để cùng với tài hoa của tác giả, chúng ta chia sẽ nghệ thuật nhiếp ảnh thời đại kỹ thuật số (digital) với kỹ năng và tay nghề lão luyện của một nhiếp ảnh gia can qua hai thời đại. Ước chi hình ảnh được trình bày trên khổ giấy 30 x 40 cm, tập ảnh sẽ giá trị nhiều hơn.

Mong sao chúng ta còn được thưởng thức nhiều hình ảnh đẹp của nhiếp ảnh gia Phạm Đình Quát.

ZuluDC

"Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" (CLV)


  • Nguyễn Văn Anh
Mình mới nhận được tập sách kí sự bằng hình ảnh của Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát gởi tặng có tựa đề QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG. Nói kí sự chắc không ổn mà phải nói là "Kí ức Tuổi Thơ" của tác giả được tái hiện qua hơn 160 hình ảnh về vùng đất Quảng Trị thân thương của anh ấy - Nơi mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tạm dừng chân mà tính toán cho cuộc Nam tiến vĩ đại để có được dãi giang sơn gấm vóc ngày nay với "Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành- Với tiếng hát êm đềm trong những đêm thanh..." 

Cầm sách trên tay, với tâm trạng nôn nóng, mình lật từng trang xem vội, mắt dán vào hình ảnh cau, tre, mây nước, trời trăng, chợ khuya, làng tế, cổ thành, sông Ô Lâu, sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn, Mưa lụt, trâu trên đồng, hương khói trong đình, đèn chong trong am miếu, trẻ thơ, cụ già, độn, rú cát, chùa làng, Thánh địa La Vang, những dấu tích về một thời bom đạn... mà lòng thấy rưng rưng. Lúc này, má bầy trẻ không biết vô tình hay cố ý lại cho nghe Duy Khánh hát: "Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa. Con sông xưa, thành phố cũ...", rồi lại nghe Xuân An hát bài "Bỏ làng ra đi" của Phạm thế Mỹ... Mắt nhìn, tai nghe mà như thấy được cảnh tre pheo vàng vọt, cảm được cái khô rát của gió Lào, cái lạnh buốt xương của "mùa gió bấc"...

Đêm mưa dầm
Cơn gió bấc
Liếp mành run bần bật
Ngọn đèn khuya... hiu hắt mẹ con gà...
Xin Thầy
Tay nải đi xa
Cái nghiên mực cũ
Mái nhà nhện giăng
Cột kèo câu chữ khai tâm
Cái áo tơi lá rét đông đồng chiều
Xin em
Giàn mướp xiêu xiêu
Xóm trưa im ắng phiêu diêu tiếng gà
Xin Làng
Sương khói phôi pha
Mái đình rêu phủ én tà tà bay...
Xin cụ lý lại - Cái cày
Dạo trâu ăn lúa phải này nọ kia
Sông đêm trăng chảy đầm đìa
Đàn bầu Trùm Nghệ giữa khuya tiếng buồn
Xin sư cụ một hồi chuông
Ngày Xuân theo Mẹ qua truông...lễ chùa
Xin trẻ thơ
Chữ Y...tờ...
Mãi vui đơm đó, đặt lờ... quên trâu
Xin O Lài chiếc áo nâu
Và xin lũ bạn chăn trâu cái diều..." 

Mà ở đời có xin thì có cho, có vay, có nợ thì có trả... Ấy vậy mới ra người tử tế !
Nghĩ cũng lạ ! Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát - Nói trộm vía, mình nghĩ anh ấy như một cái giàn bếp quê nhà ám khói. Ám khói bởi bếp một thời chỉ chụm củi nè và rơm rạ. Khói nó ám vào giàn bếp cũng như cái kí ức tuổi thơ với đất và người vùng quê Quảng Trị nơi mà suốt 15 năm trời ở đó anh được sống, được chơi đùa và được lớn lên. Cái kí ức tuổi thơ ấy nó ám vào anh với hơi hướm vùng đất ấy - Quảng Trị.

Mình nhớ không lầm thì anh ấy gốc người Sơn Tây, mãi ngoài Bắc. Bây giờ lại ở vào cái tuổi U70, lại đang mang trong người cái bệnh khớp, bệnh gout, kiêng khem đủ thứ, chẳng ăn uống được gì nhiều... Vậy mà sao thế nhỉ ? Sao lại chờ đến mùa gió Lào hay đến mùa lũ lụt lại mặc áo, xỏ giày, vác máy đi. Khi đi tàu, khi đi xe, khi đi ghe, khi lội bộ, khi bò trên núi đá... để có được chút kí ức tuổi thơ mong tìm lại mà bấm máy. 
Lại từ phương Nam mò về Quảng Trị đến 5 lần, mỗi lần khoảng mươi ngày ăn bờ, ngủ bụi... Chi vậy hè ? Nghiệp ư ? Nợ ư ? Trời khuya thì lạnh,vác máy ra ngồi ở cổ thành,chờ trăng lên. Ngồi hơn mấy tiếng đồng hồ thì trăng mới nhú. Trăng vừa nhú thì mây đen cũng vừa che và... mưa. Lại xong om, lại vác máy về, lại xoa dầu, lại uống thuốc... Đúng là nợ ! Một món nợ ân tình sâu nặng - như anh nói - về "Quảng Trị đi nhớ về thương". Sách in đẹp, giấy tốt.  

Chúc mừng anh với dải đất miền Trung Việt Nam bề ngang không được rộng, người đa phần là gầy nên không nặng kí... Có chăng là nặng nghĩa, nặng tình...!

Mình không thích thơ Chế Lan Viên, ngoại trừ tập Điêu Tàn. Nhưng xem sách của Mai Lĩnh - Phạm đình Quát, lại chợt nhớ trong bài "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ ấy có mấy câu hay chứ nhỉ:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn...
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...
                                            (Chế Lan Viên) 

Giới thiệu tập sách ảnh của Phạm Đình Quát

  • Nguyễn Khắc Phước
Hơn 10 chuyến đi từ TP HCM đến Quảng Trị trong mọi thời tiết, từ mùa đông mưa phùn gió bấc, đến mùa hè gió Lào nóng bỏng, từ Ô Lâu, Hải Lăng với đồng lúa mênh mông đến Hiền Lương, Gio Linh với giếng cổ Gio An kỳ bí và những đám ruộng xà lách xon xanh rờn, từ thượng nguồn sông Thạch Hãn đến núi rừng Lao Bảo, bằng tình yêu quê hương đậm đà tha thiết, Mai Lĩnh vừa ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên, đó là bộ ảnh với gần 200 ảnh nghệ thuật với tựa đề: Quảng Trị Đi Nhớ Về Thương.
 
Trong những năm làm việc cho Tạp chí eChip và sau đó là Thời báo Kinh tế Sài gòn, Mai Lĩnh đã ôm ấp ý tưởng phải làm một cái gì đó cho Quảng Trị, nơi anh đã sống suốt thời thơ ấu, nơi đầy ắp kỷ niệm thân thương với gia đình, bà con xóm giềng, bạn bè, thầy cô, nên ngay khi vừa được nghỉ hưu, anh đã dành toàn tâm trí và thời gian để thực hiện ước mơ của mình.
 
Cầm máy ảnh từ những năm 1970, Mai Lĩnh là người rất cẩn trọng về tác phẩm của mình. Mỗi tấm ảnh phải lột tả được vẻ đẹp thiên nhiên, nếp sinh hoạt, nét văn hóa, lịch sử, lễ hội, ẩm thực … của người dân Quảng Trị, được chụp lúc ở một thời khắc, góc máy thích hợp nhất, được anh và các một số nhiếp ảnh gia và họa sĩ thân hữu cùng chọn lựa.
 
Nhà thơ Đỗ Trung Quân có câu: Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người.” Nỗi nhớ quê không chỉ thoáng qua mà đêm đêm hình ảnh quê hương thường hiện về trong giấc mộng, như Vũ Hoàng Chương đã viết: “Tâm hương đốt nén linh sầu / Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.” Thế thì đây, Quảng Trị Đi Nhớ Về Thương sẽ là những hình ảnh từ trong giấc mơ của bạn được hiên thực hóa và đang nằm trong tay, thỏa mãn niềm khao khát bấy lâu.

Từ đây, trên quê hương thứ hai, trong những buổi họp mặt cà phê với bạn bè, bạn có thể chứng mình rõ ràng rằng Quảng Trị không phải là nơi nghèo nàn khô hạn, trái lại, trù phú, xanh tươi, hiền hòa và đẹp một cách lãng mạn. Khi xem tập ảnh này, con cháu các bạn chắc chắn sẽ hãnh diện về quê cha đất tổ và sớm muộn gì chúng cũng về thăm. 

Biết đâu một ngày nào đó du khách ghé thăm Thành Cổ sẽ ngạc nhiên thấy tập sách ảnh đẹp về Quảng Trị này được bày bán ở quầy hàng lưu niệm, liền mua ngay một cuốn để kỷ niệm và rồi tìm cách trở lại để viếng thăm. Cũng có thể vì tấp sách này mà sở Du Lịch Quảng Trị nghĩ ra những tua đi thuyền ngược dòng Thạch Hãn hay xuôi về Vĩnh Định, ngược dòng Ô Lâu (như tác gỉa tập sách này đã từng đi) để ngắm đến mãn nhãn một vùng trời nước bao la và thưởng thức những món ăn đặc sản đánh bắt từ vùng đầm phá còn vẻ hoang dã nguyên sơ.
 

NKP (30-5-2016)

QUẢNG TRỊ - ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG

  • Bùi Phước Vĩnh
Đây là tựa đề một bộ sưu tập ảnh của Phạm Đình Quát - người đã dành nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị thân yêu, dù anh không phải là người con gốc QT.
Thời gian sinh sống trên đất QT không lâu nhưng cho đến tận bây giờ những ký ức về QT vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào hơn 40 năm về trước, những ngõ ngách trong thành phố cho đến những xóm làng quê xa xôi anh còn nhớ rất rõ.

Với tâm huyết đó anh đã không quản ngày nắng đêm mưa lặn lội lên non xuống biển khắp mọi miền để thưc hiện cho được bộ ảnh về đất nước và con người Quảng Trị , đây quả là một kỳ công mà chỉ người nào có tâm huyết mới làm được.

Chúc mừng Quát đã thực hiện được tâm nguyện của mình, và cũng xin cám ơn tác giả qua đó những người con QT có thể tìm thấy lại hình ảnh thân quen của quê hương mình.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và bạn bè thân hữu ủng hộ cho bộ sưu tập ảnh “Quảng Trị đi nhớ về thương” của Phạm Đình Quát.

Bùi Phước Vĩnh
28-5-2016

KÝ ỨC & TUỔI THƠ

  •  Bá Hân
Tôi và anh giống nhau ở chỗ là cùng có tuổi thơ và thời niên thiếu ở “khúc ruột miền Trung”, miền đất “nắng cháy, mưa dầm”. Những năm 1960-1970, khoảng thời gian mảnh đất này sôi sục biết bao những sự kiện, biến cố chính trị, chiến sự mà đỉnh điểm tang thương là những ngày tết Nguyên Đán năm Mậu Thân ở Huế và cuộc di tản đẫm máu vào mùa hè 1972 trên “Đại lộ kinh hoàng” của người Quảng Trị.

Trong cái nhìn hồn nhiên, vô tư của những đứa bé sinh ra vào thập niên 1950, những cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chỉ đơn giản là những ngày được... nghỉ học (!); thậm chí những sự kiện đấu tranh của người lớn lúc ấy như đem “bàn thờ ra đường” cũng thấy vui như ngày hội, bưng đoại (tô) cơm ra ngồi ăn bên cạnh cái “bàn thờ tranh đấu” ấy mà thấy thích thú...

Những chuyện ấy tưởng như đã lắng sâu trong ký ức tuổi thơ bỗng nhiên hôm nay lại vỡ òa trong tôi một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, lắng đọng, bồi hồi... sau khi xem ký sự hình ảnh “Quảng Trị đi nhớ về thương” của anh Phạm Đình Quát. Những cảm nhận bằng hình ảnh về miền đất đầy ắp kỷ niệm qua con mắt của một người con xa xứ đã hơn nửa thế kỷ phải lang bạt nhiều nơi vì cuộc sống nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về Quảng Trị với bao hoài niệm thân thương.
Anh khiêm tốn bộc bạch: “Đó là thời gian đủ cho một đứa trẻ quan sát, cảm nhận cuộc sống, khai phóng tư duy và hình thành nhân cách...”.

Tấm lòng và tình cảm của anh đối với Quảng Trị khiến tôi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình và bỗng giật mình vì nhận ra là tôi vẫn chưa làm được điều “bình thường” như anh.
Tập sách của anh như một lời nhắc nhở cho tôi.

Thay cho lời cám ơn, xin được xiết chặt bằng cái bắt tay trái trong tinh thần Hướng Đạo sinh để chúc mừng anh.

Saigon, tháng 6/2016