Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Đền thờ và di tích Hai Bà Trưng tại Hà Nội (Bài 3)


Đền Hát Môn


Bài 1: Vãn cảnh hôm nay, nhớ chuyện xưa.
Bài 2: Thần tích Trưng Vương và ngôi cổ miếu bên bãi sông xưa.

(Xin click vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)

Đường trên đê đi qua cổng ngoài của đền Hát Môn, bên phải là bãi sông Hát Giang xưa. Ảnh chụp tháng 11/2010. 

Năm 43, đại quân của Mã Viện tràn sang đánh phá, các thành lũy rơi dần vào tay giặc. Hai Bà Trưng phải thu quân về thành Phong Châu, nhưng rồi không đủ sức thủ thành, Hai Bà quyết định hội quân các nơi về Hát Môn, cho chôn giấu ấn tín, làm lễ giải binh rồi Hai Bà cùng gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Sau thời gian dài, ngôi đền được trùng tu, xây dựng thêm nhiều lần. Hiện nay đây là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lâu đời nhất và hiện có quy mô, kiến trúc lớn nhất trên cả nước. (Hiện có 103 đền, miếu thờ Hai Bà Trưng và các tướng của Hai Bà).

Cổng ngoài đền quay ra hướng Bắc, ảnh chụp tháng 9/2013.

Từ trong đền nhìn ra cổng ngoài, lên dốc ra đường đê. Ảnh chụp tháng 9/2013.
Sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam với ngôi đền cổ này đến rất chậm sau thời gian rất dài tính toán nhiều yếu tố với sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng may là ngôi đền có từ xa xưa này không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và suốt chiều dài lịch sử hàng năm, người dân Hát Môn luôn thành kính, tôn sùng sự linh hiển của ngôi đền và rất tự hào là địa phương đã khởi phát cuộc nổi dậy vĩ đại của nhân dân do Hai Bà Trưng lãnh đạo.


Nhiều năm trước đây, sự kiện lễ hội chính (mang tầm quốc gia) hàng năm vào ngày giỗ Hai Bà Trưng đều được tổ chức tại Đền Đồng Nhân, nơi đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia từ năm 1962. (Đền Hạ Lôi ở Mê Linh được công nhận là DTLS-VH quốc gia từ năm 1980. Ngay cả ngôi miếu ở phường Bạch Đằng cũng được công nhận là DTLS-VH quốc gia từ năm 1994). Đền Hát Môn được xếp hạng DTLS-VH quốc gia năm 1991 và được nâng lên thành Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013) và từ đó, ngôi đền và cảnh quan chung quanh mới nhận được những sự hỗ trợ, đầu tư cần thiết và xứng đáng.

Đền quay hướng Tây Nam, gồm các hạng mục kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách …

Cổng vào khu vực cúng tế của đền (Nghi môn nội) chỉ mở ra vào những ngày lễ, hội. Ảnh chụp tháng 9/2013.

Tương truyền ngôi đền Hát Môn xây vào thời Tiền Lê (thế kỷ X). Sau nhiều lần trùng tu, diện mạo hiện tại mang dấu vết nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ XIX. Từ hai ngả đường đê hướng về cổng đền, trước đây có hai tấm bia đề chữ "Hạ mã" nhắc nhở các quan binh xưa kia qua đây phải xuống ngựa, đi bộ qua cổng đền (khoảng 20 năm nay không biết vì sao đã dẹp mất).

Hai bên cổng đền có đắp nổi đôi câu đối:
Đồng trụ chiết hoàn Giao Lĩnh trĩ 
Cẩm Khê doanh hạc Hát giang trường. 
Đông Tỉnh dịch:
Đồng trụ còn hay gãy, núi Lĩnh vươn ngút ngàn
Cẩm Khê vơi rồi đầy, sông Hát dài tít tắp.


Quán Tiên nằm chếch bên trái đối diện cổng ngoài đền

Quán Tiên, tháng 4/2013

Quán Tiên, tháng 4/2019


Quán Tiên: Như một am nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội quân tại đàn Thề (khởi binh), bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên (từ rất xa xưa) để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.

Miếu Tạm ngự: nằm phía trước bên phải đền chính, có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Công trình kiến trúc này là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.

Nghi môn ngoại: có niên đại khởi dựng vào thời Nguyễn, được làm theo kiểu tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Phần lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Từ nghi môn theo triền đê xuống bên trái là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình) mới xây dựng gần đây.

Đàn Thề: được xây dựng mới ở phía trước nghi môn nội, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, đặt trên nền cao hơn mặt sân 65cm, trổ năm bậc lên, mặt hướng vào đền khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Phía trước đàn thề đặt các tượng voi và ngựa bằng đá.

Đàn thề, được phục dựng trước nghi môn nội. Chính giữa là cột đá thề. Ảnh chụp tháng 9/2013.



Đàn Thề 

Tượng voi, ngựa chầu quanh sân Đàn Thề

Cột đá thề, đối diện nghi môn nội khu đền. (Tháng 6/2013)




















Nghi môn: gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng.

Nhà bia: hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút.

Tả/ hữu mạc: mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột.

Nhà bia bên phải

Nhà Tiền Tế, nhìn từ nhà Hữu mạc. Tháng 6/2017

Nhà Tả mạc và nhà bia bên trái.

Nhà đại bái
: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam - hạ tứ”, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát. Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng …, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.

Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu“thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”.



Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.
Cụ thủ từ giúp khách hành hương dâng lễ (25/6/2017)

Bên sau nhà Tiền tế là nhà Đại bái.
Gò Giấu Ấn: ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.

Nhà khách: gồm năm gian, kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái tạo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên” cột trốn.

Gò Giấu Ấn. Tháng 4/2019

Gò Giấu Ấn. Tháng 9/2013
Đền Hát Môn hiện lưu giữ, bảo tồn được nhiều đồ thờ cúng cùng hoành phi, câu đối nói lên khí phách, tinh thần quật khởi và công đức của Hai Bà đối với non sông xã tắc. Chính giữa đền treo một bức đại tự đề 4 chữ 樂 雄 正 統 (Lạc Hùng chính thống). Tại tòa tiền tế và thiêu hương có lỗ bộ và các hương án, cửa võng thiếp vàng lộng lẫy. Trong hậu cung đặt hai long ngai bài vị của Hai Bà.
Ngoài ra, trong đền còn nhiều cổ vật khác có giá trị lịch sử và mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê-Nguyễn. Máu Hai Bà và chiến sĩ tô thắm non sông, vì vậy toàn bộ đồ thờ cũ ở đền Hát Môn đều sơn màu đen, kiêng màu đỏ. Trước kia, người đến tế lễ cũng như dự hội ở Hát Môn đều không được ăn vận quần áo, trang phục màu đỏ (nếu có thì phải để ở ngoài đền).

Trong nhà Đại Bái

Hương án trong nhà Đại Bái

Bàn thờ chính ở Hậu Cung. (Nơi rất hạn chế ra vào)
Lễ hội đền Hát Môn diễn ra mỗi năm 3 lần vào các ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp.

Khu nhà dành cho khách hành hương
Nhà khách. Ảnh chụp tháng 9/2013
Lễ hội mồng 6 tháng Ba tổ chức vào ngày hoá sinh của Hai Bà Trưng, là lễ hội chính hằng năm. Đây là một dịp có rất đông khách thập phương trẩy hội. Trong ngày hội, dân làng cúng Hai Bà bằng những mâm đầy các đĩa bánh trôi. Bánh trôi dâng lên phải có đủ 100 viên. 
Đặc biệt, dân làng Hát Môn không làm và không ăn bánh trôi trong thời gian từ mồng 4 tháng Chín đến ngày mồng 6 tháng Ba năm sau.

Mái các công trình đều được thay mới nhưng vẫn giữ
theo kiểu cũ. Ảnh chụp tháng 9/2013

Mảnh sân bên trái khu đền, lối đi ra gò Giấu Ấn. Ảnh chụp tháng 9/2013
Lễ hội mồng 4 tháng Chín là kỷ niệm ngày Hai Bà làm lễ xuất quân. Trong ngày này sẽ diễn trò múa cờ với sự tham gia của các trai làng.

Lễ hội ngày 24 tháng Chạp là lễ Mộc dục (tắm tượng) được tổ chức rất trang nghiêm. Để chuẩn bị cho lễ Mộc dục, làng Hát Môn chọn 20 tráng đinh, vào nửa đêm ngày 23 sang ngày 24 rước tượng Hai Bà từ trong hậu cung ra nhà Dội (nhà tắm tượng). Cùng lúc đó, dân chài Hát Môn, cũng gọi là vạn Hát, sắm sửa thuyền chở lọ (hoặc bình, ang, hũ) đựng nước ra giữa sông Hồng lấy nước về nhà Dội để làm lễ. Gọi là tắm tượng nhưng người ta chỉ lau phủ bụi bặm trên tượng, rồi dùng khăn nhúng nước (thường pha hương hoa, lá thơm) để lau lần nữa. Sau cùng, rước tượng về bày thờ ở hậu cung.

Xin nói thêm về chuyện ở đền Hát Môn, ông bà nội của người viết bài này, cụ ông tên hiệu là Phúc Tiên (1885-1963) và cụ bà tên hiệu là Diệu Yến (1887-1970) vốn là nông dân nhưng cả hai cụ đều có theo học chữ Hán và cùng tham gia vào việc làng, việc cúng tế, dâng lễ ở đền Hai Bà (đó là chuyện khá đặc biệt, nhất là với phụ nữ nông thôn miền Bắc thời trước những năm 1950). Theo lời thân phụ tôi, ông Hương Nga (1911-1989) kể lại, vào những dịp hội đền ngày xưa, các chàng trai chưa vợ, con gái chưa chồng mới được tuyển chọn tham gia đội ngũ bưng mâm quả rước lễ hay các hoạt động khác trong lễ hội. Việc dâng hương lễ bái do các cụ trực tiếp thực hiện và mọi người thường giữ mình tinh tấn, chay tịnh, tránh xa mọi thị phi, tửu sắc hàng tháng trời trước ngày vào tế lễ Nữ vương và các tướng.

Tượng chó (?) canh giữ cửa đền.
Đền Hai Bà ở Hát Môn nổi tiếng là nơi rất linh thiêng. Gặp lúc thiếu ăn sinh liều, kẻ trộm lẻn vào đền lấy đồ thờ, ra khỏi nghi môn “tự” ngồi xuống vòng tay ôm chặt pho tượng con chó giữ đền cho đến sáng hôm sau, cụ thủ từ đến gọi dân làng ra, tên trộm mới buông tay ra đứng lên được. Từ đó, kẻ trộm quanh vùng không dám bén mảng.
Ngôi đình làng Hát Môn xưa nằm giữa đồng lúa phía tây, cách đền Hai Bà chừng 300 mét bị lính Tây ở đồn Phùng (*) đốt cháy rụi, đến nay vẫn chưa xây dựng lại được. Ngôi đền Hai Bà Trưng không hề bị xâm phạm hay ảnh hưởng chiến sự qua cả hai thời kỳ chiến tranh với Pháp và Mỹ. Có một lần, hơn chục lính Tây vào đền đập phá hoành phi câu đối, xé cờ quạt… ở nhà đại bái rồi bỗng cả nhóm cùng quay ra, đưa hai tay chắp phía trước và lũ lượt nhảy ùm xuống hồ nước trước đền mà chết nước (từ cổng ngoài trên đê xuống dốc, hồ nằm bên trái).

Trên mặt đê cũng là đường làng, hai bên cổng đền ngày xưa có hai bia “Hạ mã” nhắc nhở mọi người xuống ngựa khi đi qua cổng đền. Tất cả các đám rước, đám tang đi qua đều thu cờ xếp lọng, trống chiêng ngừng tiếng để tỏ lòng nghiêm kính khi đi qua đền.

Đến nay, người dân Hát Môn vẫn giữ sự tôn kính, ngưỡng vọng nhị vị Nữ vương như chư thánh hộ trì cho dân lành. Bất kỳ người nào đi làm ăn, sinh sống ở xa, mỗi lần về quê đều đến dâng lễ, dâng hương ở Đền Hai Bà trước khi bái lễ tổ tiên ở nhà thờ họ, trước khi viếng nghĩa trang thăm mộ thân nhân quá cố, sau cùng mới đi thăm họ mạc, láng giềng. Từ xưa, các vị thủ từ vẫn hàng ngày quét dọn, lo việc nhang khói và tiếp đón khách viếng đền quanh năm.

Tháng 4/2019
Thủy đình, tháng 6/2017

Thủy đình nhìn từ đường đê. Ảnh chụp tháng 9/2013


Chiều 21/9/2013

Tháng 4/2019




































Mâm bánh trôi. Hàng bánh ở chợ phiên
Hát Môn sáng ngày 25/6/2017
Nguồn: 
http://www.dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=926&c=25

http://vanhien.vn/news/Di-tich-quoc-gia-dac-biet-Den-Hat-Mon-34692
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng




(*) Phùng thuộc huyện Đan Phượng, Hà Đông, nằm sát con đê ngăn với Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây. Đồn Phùng cách trung tâm Hà Nội 30km, cách đền Hát Môn khoảng 5km.

Nhà Mộc Dục ở cạnh chợ làng Hát Môn, cách đền Hai Bà hơn 1km, nơi diễn ra
nghi thức tắm tượng vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm. Ảnh chụp ngày 21/9/2013.

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Đền thờ và di tích Hai Bà Trưng ở Hà Nội (Bài 2)


Thần tích Trưng Vương và ngôi cổ miếu bên bãi sông xưa



(Xin click vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)

Miếu nằm bên ngoài đê sông Hồng thuộc phường Bạch Đằng, cách Đền ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng về phía Đông chừng 1km. Xưa, nơi đây là vùng đất của làng Đồng Nhân Châu (Châu mang nghĩa là châu thổ, là vùng bãi bồi ven sông). Ngôi miếu và đền Hai Bà Trưng này có lịch sử liên quan với nhau, ngôi miếu này được coi là nơi khởi nguồn của ngôi đền Đồng Nhân.


Miếu được dựng từ năm 1160 đời vua Lý Anh Tông ở phường Bố Cái, tức là bãi Đồng Nhân, bên bờ sông Hồng. Đến năm 1819, đất phía Bắc làng Đồng Nhân Châu bị xói lở, dân làng dời miếu tới làng Hương Viên, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương, dựng trên nền trường Giảng Võ của triều Lê. Khi người Pháp xây dựng Viện Pasteur, lại một lần nữa đền di chuyển vào giữa làng và tồn tại đến ngày nay ở 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng hiện nay.

Theo văn bia do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840, hiện còn dựng trước đền có đoạn: “Tại làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, từ xưa có lập đền thờ Hai Bà ở bãi sông. Về sau sông lở, dân làng chọn được một nơi ở Võ Miếu, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, được vua Gia Long ban cấp hơn 6 mẫu để lập đền làm nơi hương đèn phụng thờ. Việc ấy được vua xuống chỉ chuẩn y”.

Như vậy, đền Đồng Nhân ngày nay là hậu thân của ngôi miếu thờ Hai Bà ở Đồng Nhân Châu xưa, nay thuộc phường Bạch Đằng. Một số cư dân sống ngoài bãi sông Hồng cũng dời nhà theo đền mới, rồi lập đình và chùa ở hai bên đền, trở thành xóm Chùa. Về thời điểm dời đền thì sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích có nêu đó là năm Gia Long thứ 18, tức năm 1819 (thế kỷ XIX).
Đoạn sông Hồng ở Đồng Nhân Châu xưa, xa xa là cầu Vĩnh Tuy

Nhưng sông Hồng do quá trình lở và bồi diễn ra theo chu kỳ nên ở bãi Đồng Nhân dân vẫn bám trụ nối tiếp cư trú sinh sống cho đến nay. Ngôi miếu thờ Hai Bà ngày xưa được người địa phương tiếp tục bảo tồn, trùng tu nhiều lần.

Do vậy có hai nơi thờ Hai Bà Trưng rất gần nhau cùng tồn tại ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhưng thực chất cũng chỉ là một. Tuy vậy, để phân biệt, dân Đồng Nhân cũng có ý gọi đền ngoài bãi là Miếu Hai Bà, còn ở trong phố là Đền Hai Bà (tức là đền Đồng Nhân).
Thêm chú thích

Miếu Hai Bà Trưng có quy mô kiến trúc nhỏ, khiêm nhường, nằm tại số 680 đường Bạch Đằng, quay hướng Đông, nhìn ra sông Hồng. Cổng được xây dựng theo kiểu tam quan, tứ trụ, đỉnh 2 trụ lớn đắp hình 4 chim phượng, đỉnh 2 trụ nhỏ đắp hình nghê. Miếu kết cấu theo kiểu chữ “ đinh” (J), đại bái 3 gian 2 dĩ, hậu cung 1 gian; 2 dãy nhà dải vũ, mỗi dãy 3 gian nằm đối diện nhau trên khu vực sân trước của miếu. Các di vật, đồ thờ còn bảo lưu được không nhiều, tiêu biểu nhất là long ngài bài vị thờ Hai Bà, bộ kiệu long đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; 1 đạo sắc phong thời Lê, niên hiệu Chính Hòa 1 (1680).






Câu chuyện thần tích với hai pho tượng đá

Về câu chuyện hai pho tượng đá được tìm thấy ở Đồng Nhân Châu, có nhiều tài liệu theo những nguồn khác nhau kể lại nên không tránh khỏi những điều dị biệt. Trong bài này, xin trích từ các bài đã đăng trên báo Hà Nội Mới và những chuyện tôi từng được nghe thân phụ kể lại lúc sinh tiền.

Theo hai bài đã đăng trên báo Hà Nội Mới: “Hà Nội có hai nơi thờ Hai Bà Trưng” (http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/1000_nam_thang_long/161151/ha-n7897%3Bi-co-hai-n417%3Bi-th7901%3B-hai-ba-tr432%3Bng) và “Giới thiệu về Miếu Hai Bà Trưng” (https://haibatrung.hanoi.gov.vn/di-tich-tren-dia-ban-quan/-/view_content/441056-gioi-thieu-ve-mieu-hai-ba-trung.html) đều trích dẫn Sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích (số A.837 của Viện Hán Nôm) như sau:
Sau khi Hai Bà bị mất tích trên sông Cái (sông Hồng), thì hóa thành tượng đá ngồi trên dòng nước, thường vọt ra khí sáng, trôi mãi đến khúc sông bãi Đồng Nhân (Đồng Nhân Châu). Đêm đêm tỏa sáng thấu trời, dân sở tại kinh dị và thuyền bè không dám đến gần. Một đêm, phường chài đậu bên bến nghe văng vẳng tiếng nói: ‘Thuyền các ngươi ô uế, nên lui xuống hạ lưu’.
Nhà vua lúc đó là Lý Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Dân bãi Đồng Nhân lấy vải đỏ đón các bà vào thì thấy tượng đá cao lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Vua bèn giáng chỉ truyền cho dân làng này dựng đền thờ hai cỗ tượng các bà ở bên sông. Việc này là vào năm Đại Định thứ 3 (tức 1142)”.






Những khác biệt trong chi tiết không quan trọng thì có thể hiểu và chấp nhận được, nhưng sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích của Viện Hán Nôm lại nói “Hai Bà bị mất tích trên sông Cái” đã phủ nhận việc Hai Bà chủ động thực hiện hành động gieo mình xuống Hát Giang tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc Hán thì quả là không thể chấp nhận! Thà như sách sử của giặc Tàu cho rằng chúng đã bắt Hai Bà rồi đem về Lạc Dương xử trảm theo mong muốn của triều đinh nhà Hán.

Ngoài sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích, theo sách Đại Nam nhất thống chí, cũng cho thấy là, muộn nhất là vào năm 1142, bên bờ sông Cái đã có làng Đồng Nhân với tên gọi là Đồng Nhân Châu, tức bãi Đồng Nhân, nơi đó có đền thờ Hai Bà. Nói cách khác, đền Hai Bà hiện diện ở bãi Đồng Nhân (phường Bạch Đằng) từ thế kỷ XII.

Cũng viết về chuyện hai pho tượng, một bài khác cũng trên báo Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/1000_nam_thang_long/6497/mi7871%3Bu-hai-ba-tr432%3Bng-ben-song-h7891%3Bng) lại viết:
Miếu Đồng Nhân (còn gọi là miếu Hai Bà Trưng) có từ thế kỷ XII, ở cạnh sông Hồng. Theo truyền thuyết, sau khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Hát Giang, khí anh linh kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi đến thời Lý mới tới vùng Thăng Long. Một đêm đầu tháng hai, pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị, trước bãi Đồng Nhân. Các làng quanh đấy thấy vậy tranh nhau ra khấn để vớt tượng về thờ nhưng chỉ dân làng Đồng Nhân vớt được.
Biết chuyện, vua Lý Anh Tông sai dân dựng miếu thờ Hai Bà ở ngay bến sông làng Đồng Nhân, lại phát đôi ngà trang trí cho hai voi thờ. Dân làng được cấp 36 mẫu tự điền, được miễn phu phen, tạp dịch để lo việc thờ cúng. Những năm trời đại hạn, các vua Lý đến miếu Hai Bà để cầu đảo, thường ứng nghiệm”.

Thử vào Wikipedia tìm thông tin (https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_%C4%90%E1%BB%93ng_Nh%C3%A2n) thì thấy tác giả nào đó viết rất ngắn gọn như sau: Thần tích thành lập. “Tương truyền sau khi Hai Bà Trưng tử tiết ở sông Hát đã hóa thành tượng đá, trôi đến Thăng Long thì rẽ nước nhô lên. Nhân dân xã Đồng Nhân đưa về lập đền thờ”.

Bây giờ, Mai Lĩnh xin kể lại những điều về câu chuyện hai pho tượng đá với lên từ sông Hồng từng được nghe thân phụ kể cho nghe khi tôi còn đi học. Cha tôi (1911 – 1989) xuất thân từ một gia đình nông dân có truyền thống Nho giáo, ông thông thạo chữ Hán, còn chữ Quốc ngữ chỉ vừa đủ để đọc sách. Nhà ở ven đê, cạnh ngôi đền thờ nhị vị Trưng Vương, hướng nhìn ra dòng Hát Giang chảy qua giữa làng Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng trầm mình tuẫn tiết sau khi phải rút quân binh về đây vì không đủ sức chống lại đại binh của Mã Viện.

Suốt nhiều thế kỷ, người dân Hát Môn và người dân ở Đồng Nhân (thậm chí cả dân Hạ Lôi, Mê Linh) vẫn tranh cãi nhau rằng ngôi đền thờ Hai Bà Trưng của làng mình phải được coi là nơi chính thức có vinh dự thờ phụng nhị vị anh hùng dân tộc, Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Mê Linh là quê nội của Hai Bà, cũng là nơi đóng đô, xưng vương sau khi Hai Bà đánh đuổi Tô Định về Tàu, làm chủ vùng Lĩnh Nam. Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ, rất gần với Ba Vì là quê ngoại và các hoạt động liên lạc, tổ chức lực lượng kháng chiến, dẫn đến hội thề khởi binh chống giặc đều diễn ra ở Hát Môn, nhất là đây cũng là nơi Hai Bà chọn làm nơi chôn giấu ấn tín, giải binh trước khi tuẫn tiết.
Nhưng dân Đồng Nhân viện dẫn việc họ mới chính là nơi đã “được Hai Bà phó thác” việc thờ phụng, từ mấy chữ “Đồng Nhân phụng sự” chạm sau lưng hai pho tượng đá vớt được dưới đoạn sông Hồng ở Đồng Nhân Châu. Thân phụ tôi cùng một số nhân sĩ địa phương được dân làng tín nhiệm, giao việc tìm hiểu thần tích của Hai Bà ở Đồng Nhân.

Hát Giang là một chi lưu hữu ngạn sông Cái (sông Hồng), nối với sông Đáy, chảy về hướng Ninh Bình. Nơi Hai Bà trầm mình gần cửa Hát Giang nối với sông Hồng về phía thượng nguồn so với vị trí Đồng Nhân Châu. Khi ngư dân Đồng Nhân phát hiện hai pho tượng đá, họ tìm mọi cách vớt tượng lên nhưng không được. 
Rồi một vị bô lão uy tín trong làng nằm mơ thấy có người mách bảo: Phải dùng lụa hồng quấn quanh tượng (thay vì dùng dây chão buộc như đã làm) và chỉ những nam nhân giữ mình tinh tấn mới được lặn xuống, chỉ cần kéo nhẹ tượng sẽ nổi lên. Dân làng lập hương án, làm theo chỉ dẫn và đưa được tượng lên bờ nhẹ nhàng. Điều quan trọng là mọi người đều nhìn được bốn chữ Hán chạm sau lưng cả hai pho tượng “Đồng Nhân phụng sự”. Sau đó, vua Lý Anh Tông cho dựng miếu thờ ở Đồng Nhân Châu như đã nói trên.

Mời xem tiếp Bài 3: Đền Hát Môn.

Đền thờ và di tích Hai Bà Trưng ở Hà Nội (Bài 1)


Vãn cảnh hôm nay, nhớ chuyện xưa 

(Xin click vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)

Tranh dân gian Đông Hồ
Cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên của dân tộc Việt. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đánh đuổi được lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ (tương đương một phần Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay), mang lại độc lập cho người Việt trong thời gian ngắn ngủi (3 năm) giữa một giai đoạn đen tối hàng ngàn năm nô lệ đã trở thành một điểm son đáng tự hào, đánh thức tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc.

Thân mẫu của Hai Bà Trưng là bà Man Thiện, người ở Ba Vì (Sơn Tây) được xem là hậu duệ bên ngoại của Hùng Vương và có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tập trung quân về khu vực gần cửa sông Hát Giang, một chi lưu phía hữu ngạn sông Hồng, chảy qua làng Hát Môn và nối với sông Đáy. Tháng 2 năm 40, Hai Bà Trưng tổ chức Hội Thề ở Hát Môn, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa được sự ủng hộ, góp sức của các Lạc tướng khắp nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ nên nhanh chóng thu phục 65 thành trì và lên ngôi vua, xưng hiệu Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.


Ba năm sau, nhà Đông Hán sai Mã Viện đem đại binh sang đánh. Dân tộc Việt lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.
Dòng Hát Giang chảy qua giữa làng Hát Môn
Đất bồi đắp bãi sông nay đã thành đồng
Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, theo chính sử Trung Hoa thì hai bà đã bị tử trận. Nhưng theo tục truyền thì vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết. Trước khi trầm mình, Trưng Vương đã sai chôn giấu ấn tín bên trong con đê sông Hát, nơi về sau nhân dân lập đền thờ Hai Bà.
Các tài liệu cổ của Trung Hoa đề cập đến hai chị em Bà Trưng khá ngắn gọn, được tìm thấy trong hai chương của Hậu Hán Thư – chính sử Trung Hoa về thời nhà Hán từ năm 6 đến 189 - chép về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ở quyển 86 của Hậu Hán Thư, phần “Tây Nam di liệt truyện” có viết:
Vào năm Kiến Vũ thứ 16 thời Hán Quang Vũ Đế, ở quận Giao Chỉ có hai người đàn bà là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã nổi loạn và tấn công thủ phủ của quận. Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, bà là vợ của Thi Sách. Bà ta là một chiến binh dũng mãnh. Tô Định Thái thú của quận Giao Chỉ đã dùng luật pháp để kiềm chế bà ta, nhưng bà ta lại càng chống đối hơn. Những tộc trưởng Man Di ở quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố theo phò bà ta, đã đoạt được 65 thành trì và trở thành Nữ vương. Chính quyền của quận Giao Chỉ và các quận khác chỉ có thể phòng thủ để tự bảo vệ mình.

Bộ sử cổ nhất của Việt Nam đề cập đến Hai Bà Trưng là Đại Việt sử lược. Theo sách này, thời Việt Nam còn là Giao Chỉ, Trưng Trắc là con gái Lạc tướng ở huyện Mê Linh, lấy chồng là Thi Sách ở huyện Chu Diên.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh. Chồng bà Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Khi lên ngôi, Hai Bà mới đổi sang họ Trưng.

Ngoài các sách sử nói trên, các sử gia ngày nay phải dựa vào các nguồn khác từ truyền thuyết, thần phả, thần tích lưu truyền trong dân gian.

Truyền thuyết xác nhận quê nội Hai Bà ở làng Hạ Lôi và quê ngoại Hai Bà ở làng Nam Nguyễn thuộc huyện Ba Vì (Sơn Tây). Mẹ Hai Bà là Man Thiện, người được biết đến qua thần phả, còn được ghi với tên gọi Trần Thị Đoan.

Hát Giang ngày nay chỉ còn là di tích
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam và cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của Hai Bà được coi là niềm tự hào về lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của người Việt. Hai Bà và các tướng lĩnh được thờ cúng tại nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã); trong đó, lớn nhất là Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (trước đây từng thuộc Sơn Tây, Hà Sơn Bình, Hà Tây, nay thuộc về Hà Nội) và Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nay là thuộc về Hà Nội).

Xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, vốn thuộc tỉnh Sơn Tây, nhiều lần bị nhập rồi tách, nhập… vào Hà Sơn Bình, Hà Nội, Hà Tây và bây giờ lại thuộc về Hà Nội. Vào thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, vùng Ba Vì và Phúc Thọ cũng thuộc đất Phong Châu. Hát Môn, Phúc Thọ là xã và huyện thuộc Sơn Tây giáp ranh với huyện Đan Phượng của tỉnh Hà Đông, có thời gian vùng này đều thuộc về tỉnh Hà Tây (Hà Đông+Sơn Tây).

Nguồn tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%9Fi_ngh%C4%A9a_Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng

Mời xem tiếp Bài 2: Thần tích Trưng Vương và ngôi cổ miếu bên bãi sông xưa