Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Đền thờ và di tích Hai Bà Trưng ở Hà Nội (Bài 1)


Vãn cảnh hôm nay, nhớ chuyện xưa 

(Xin click vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)

Tranh dân gian Đông Hồ
Cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên của dân tộc Việt. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đánh đuổi được lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ (tương đương một phần Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay), mang lại độc lập cho người Việt trong thời gian ngắn ngủi (3 năm) giữa một giai đoạn đen tối hàng ngàn năm nô lệ đã trở thành một điểm son đáng tự hào, đánh thức tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc.

Thân mẫu của Hai Bà Trưng là bà Man Thiện, người ở Ba Vì (Sơn Tây) được xem là hậu duệ bên ngoại của Hùng Vương và có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tập trung quân về khu vực gần cửa sông Hát Giang, một chi lưu phía hữu ngạn sông Hồng, chảy qua làng Hát Môn và nối với sông Đáy. Tháng 2 năm 40, Hai Bà Trưng tổ chức Hội Thề ở Hát Môn, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa được sự ủng hộ, góp sức của các Lạc tướng khắp nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ nên nhanh chóng thu phục 65 thành trì và lên ngôi vua, xưng hiệu Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.


Ba năm sau, nhà Đông Hán sai Mã Viện đem đại binh sang đánh. Dân tộc Việt lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.
Dòng Hát Giang chảy qua giữa làng Hát Môn
Đất bồi đắp bãi sông nay đã thành đồng
Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, theo chính sử Trung Hoa thì hai bà đã bị tử trận. Nhưng theo tục truyền thì vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết. Trước khi trầm mình, Trưng Vương đã sai chôn giấu ấn tín bên trong con đê sông Hát, nơi về sau nhân dân lập đền thờ Hai Bà.
Các tài liệu cổ của Trung Hoa đề cập đến hai chị em Bà Trưng khá ngắn gọn, được tìm thấy trong hai chương của Hậu Hán Thư – chính sử Trung Hoa về thời nhà Hán từ năm 6 đến 189 - chép về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ở quyển 86 của Hậu Hán Thư, phần “Tây Nam di liệt truyện” có viết:
Vào năm Kiến Vũ thứ 16 thời Hán Quang Vũ Đế, ở quận Giao Chỉ có hai người đàn bà là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã nổi loạn và tấn công thủ phủ của quận. Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, bà là vợ của Thi Sách. Bà ta là một chiến binh dũng mãnh. Tô Định Thái thú của quận Giao Chỉ đã dùng luật pháp để kiềm chế bà ta, nhưng bà ta lại càng chống đối hơn. Những tộc trưởng Man Di ở quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố theo phò bà ta, đã đoạt được 65 thành trì và trở thành Nữ vương. Chính quyền của quận Giao Chỉ và các quận khác chỉ có thể phòng thủ để tự bảo vệ mình.

Bộ sử cổ nhất của Việt Nam đề cập đến Hai Bà Trưng là Đại Việt sử lược. Theo sách này, thời Việt Nam còn là Giao Chỉ, Trưng Trắc là con gái Lạc tướng ở huyện Mê Linh, lấy chồng là Thi Sách ở huyện Chu Diên.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh. Chồng bà Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Khi lên ngôi, Hai Bà mới đổi sang họ Trưng.

Ngoài các sách sử nói trên, các sử gia ngày nay phải dựa vào các nguồn khác từ truyền thuyết, thần phả, thần tích lưu truyền trong dân gian.

Truyền thuyết xác nhận quê nội Hai Bà ở làng Hạ Lôi và quê ngoại Hai Bà ở làng Nam Nguyễn thuộc huyện Ba Vì (Sơn Tây). Mẹ Hai Bà là Man Thiện, người được biết đến qua thần phả, còn được ghi với tên gọi Trần Thị Đoan.

Hát Giang ngày nay chỉ còn là di tích
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam và cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của Hai Bà được coi là niềm tự hào về lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của người Việt. Hai Bà và các tướng lĩnh được thờ cúng tại nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã); trong đó, lớn nhất là Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (trước đây từng thuộc Sơn Tây, Hà Sơn Bình, Hà Tây, nay thuộc về Hà Nội) và Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nay là thuộc về Hà Nội).

Xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, vốn thuộc tỉnh Sơn Tây, nhiều lần bị nhập rồi tách, nhập… vào Hà Sơn Bình, Hà Nội, Hà Tây và bây giờ lại thuộc về Hà Nội. Vào thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, vùng Ba Vì và Phúc Thọ cũng thuộc đất Phong Châu. Hát Môn, Phúc Thọ là xã và huyện thuộc Sơn Tây giáp ranh với huyện Đan Phượng của tỉnh Hà Đông, có thời gian vùng này đều thuộc về tỉnh Hà Tây (Hà Đông+Sơn Tây).

Nguồn tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%9Fi_ngh%C4%A9a_Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng

Mời xem tiếp Bài 2: Thần tích Trưng Vương và ngôi cổ miếu bên bãi sông xưa