Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

ZULU DC với QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG

  • ZuluDC
Linh tính bảo tôi mở cửa.
Khi vừa chạm vào tay nắm, tôi nghe tiếng vỗ ầm ầm bên ngoài, người đưa thư trao cho tôi một bao lớn màu trắng, dán tem gần phủ kín hai mặt. Nhìn tên người gởi, tôi sững sờ và ngạc nhiên, ngạc nhiên món quà đến từ Việt Nam. Ngạc nhiên vì đây là món quà của cô em, một cô em rất hiền, rất thân thiết, chúng tôi thường trao đổi qua trang facebook.

Món quà, trong xúc động, tôi nghĩ đến “QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”. Quả nhiên, trong thân tình chúng tôi đọc được ý nghĩ của nhau, hạnh phúc như sớm mai nhìn bông hoa mới nở, như khi nhận món quà đúng với ý mong.

"Quảng Trị - Đi nhớ về thương" là một tập ký sự ảnh, in trên giấy couché, khổ 25 x 25 cm, của Phạm Đình Quát (Hội Nhà Văn xuất bản 2016).
Trong nhiều thể loại, ảnh ký sự đa dạng và phong phú nhất. Nhiếp ảnh gia, ngoài khả năng chuyên môn, điều quan trọng hơn là một tâm hồn nghệ sĩ, say mê công việc, một kiến thức tổng quát về xã hội, nhân văn, lịch sử và địa lý, để qua ống kính, những hình ảnh đời thường trở thành nghệ thuật, mang tính nhân văn, làm cho tác phẩm có ý thức để chuyển tải điều mình muốn nói đến với quần chúng.

Ký sự ảnh là một công trình văn hoá đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Một tác phẩm ký sự ảnh được đánh giá là thành công, khi tác giả thể hiện được tính cách riêng, bản lĩnh và sở trường của mình, làm sao tấm hình đập vào mắt người thưởng ngoạn cái thông điệp mình muốn nói, làm sao cho mọi lằn ranh nghệ thuật không thể nhạt nhoà lẫn vào nhau.
Tôi viết về một món quà, món quà lại là một tác phẩm nghệ thuật, chỉ nhân danh chính mình, trong khi đúng sai thuộc về quần chúng, nghĩa là giá trị tác phẩm được nhìn nhận qua quá trình giáo dục, sinh hoạt xã hội, và sự hiểu biết của từng cá nhân. Trên quan niệm đó, chúng ta vào “QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”.

Mở tập ảnh, cảm giác đầu tiên là sự xúc động, tôi chớp mắt liên tục mới nhìn rõ từng trang. Đã mấy lần, tôi xem lại từng tấm hình từ đầu tới cuối, tác giả trình bày tác phẩm theo cảm xúc riêng, nhưng không kém phần mĩ thuật và nghệ thuật. Tự nhiên, trong mơ hồ, tôi nghĩ đến Công Chúa Huyền Trân, ngày xưa trên đường vu quy, có lẻ công chúa ghé cửa Tùng, cửa Việt, ước gì con dân Quảng Trị chúng ta có một nơi thờ phụng, hay ít nhất ghi lại một tấm hình cho các thế hệ tương lai.

Với chủ đề “QUẢNG TRỊ - ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG”. Một chủ đề gần như ca dao, huyền thoại, ta có cảm giác như Truông Nhà Hồ ở đâu đó, và chúng ta không thất vọng ở Phạm Đình Quát, dù điều kiện khắt khe, dù thời gian eo hẹp, dù cách trở tác giả đã đưa chúng ta về với Quảng Trị bằng mắt nhìn của người có tấm lòng

tha thiết với quê hương, của những kỹ năng nhiếp ảnh. Phạm Đình Quát không những chụp được nắng, được gió, Phạm Đình Quát còn chụp âm thanh, anh còn chụp hình ảnh của những quá khứ chiến tranh…

Khi gấp tập ký sự ảnh lại, tôi không có ý phê bình các bức ảnh, lòng tôi như bị tấm lòng của tác giả cuốn hút theo. Có lẻ khi ráp ống kính vào máy ảnh, trong lòng Phạm Đình Quát (PĐQ) cũng đang ráp lại từng mảnh quê hương. Điều đó thể hiện rõ nét qua trình bày ở hình bìa, màu vàng cam nhạt, đậm dần, đậm hơn nữa về phía hình của 2 tầng Đầu đao màu xám rất đậm, bên cạnh là ngút ngàn xa, mặt trời hực lửa. Hình ảnh vừa cổ kính vừa khốc liệt. Chỉ có vậy, tập ảnh đã đưa chúng ta về với quê hương, thức dậy hồi ức để cùng PĐQ nao lòng theo “Đi nhớ, về thương”. Ảnh của PĐQ là nỗi lòng chan hoà trong kỷ niệm, anh ghi lại cả tiếng nước vang trên mặt sông.

Ký sự ảnh nghiễm nhiên là tài liệu của một nơi chốn, một giai đoạn lịch sử. Nhiếp ảnh gia, khi mang máy ảnh là tự mang vào mình

sứ mạng của người làm văn hoá, trách nhiệm gắn bó với từng màu sắc, con mắt và cả ngón tay nữa. Văn hoá là vẻ sáng, vẻ đẹp, một nghệ sĩ chân chính, tài năng khi tác phẩm của mình tác đông vào đời sống, làm sao cho đất nước, con người càng ngày càng tốt đẹp hơn. Những hình ảnh mang tính tiêu cực, nhạy cảm, những hình ảnh gợi lại quá khứ đau buồn của dân tộc, lại là thứ mà nhiếp ảnh gia thèm như thèm ly nước ở giữa sa mạc.
Ở đây, tôi có cảm giác như nhiều khi tác giả cũng phân vân, cũng dằng co với nghệ thuật, khi đưa những tấm hình vào tập ảnh, không có hình ảnh nào gợi cho ta sự hiềm khích, chống đối nhau, khi đất nước đang cần sự đoàn kết để tạo sức mạnh của dân tộc.

Như đã nói ở trên, ký sự ảnh “Quảng trị đi nhớ về thương” hình thành từ một tấm lòng của tác giả với một quê hương chiến tranh nghiệt ngã và tàn khốc nhất của lịch sử Việt Nam, qua ống kính của PĐQ tất cả đều hiền hoà, bình yên. Quê hương trong mắt PĐQ là kỷ niệm, là một quá khứ được nuôi nấng
bằng tình cảm đặc trưng của người Quảng Trị.
Phần nhiều, những hình ảnh trong Quảng Trị đi nhớ về thương là hoài niệm về một quá khứ êm đềm, nên thơ, tình tự được PĐQ thức dậy như nhớ lại một cơn mơ đẹp.

Điều chúng ta trân trọng ở đây là khi tác giả lặn lội lên tận đầu nguồn sông Thạch Hãn, nơi xuất phát “Mồ hôi của đá” một thắng cảnh, mà cũng là một địa danh vốn được ghi chép là một dòng sông có nguồn nước trong lành nhứt thế giới.

Tuy giới hạn ở khổ giấy 25 x 25 cm, nhưng tập ảnh chứa đựng bao nhiêu là hình ảnh gợi nhớ, gợi thương. Từ rừng xuống biển, từ Bến Hải đến Diên Sanh, từng nơi chốn là từng gắn bó, không riêng chi người Quảng trị, là một tác phẩm nghệ thuật, mọi người nên thưởng lãm, để cùng với tài hoa của tác giả, chúng ta chia sẽ nghệ thuật nhiếp ảnh thời đại kỹ thuật số (digital) với kỹ năng và tay nghề lão luyện của một nhiếp ảnh gia can qua hai thời đại. Ước chi hình ảnh được trình bày trên khổ giấy 30 x 40 cm, tập ảnh sẽ giá trị nhiều hơn.

Mong sao chúng ta còn được thưởng thức nhiều hình ảnh đẹp của nhiếp ảnh gia Phạm Đình Quát.

ZuluDC

"Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" (CLV)


  • Nguyễn Văn Anh
Mình mới nhận được tập sách kí sự bằng hình ảnh của Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát gởi tặng có tựa đề QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG. Nói kí sự chắc không ổn mà phải nói là "Kí ức Tuổi Thơ" của tác giả được tái hiện qua hơn 160 hình ảnh về vùng đất Quảng Trị thân thương của anh ấy - Nơi mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tạm dừng chân mà tính toán cho cuộc Nam tiến vĩ đại để có được dãi giang sơn gấm vóc ngày nay với "Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành- Với tiếng hát êm đềm trong những đêm thanh..." 

Cầm sách trên tay, với tâm trạng nôn nóng, mình lật từng trang xem vội, mắt dán vào hình ảnh cau, tre, mây nước, trời trăng, chợ khuya, làng tế, cổ thành, sông Ô Lâu, sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn, Mưa lụt, trâu trên đồng, hương khói trong đình, đèn chong trong am miếu, trẻ thơ, cụ già, độn, rú cát, chùa làng, Thánh địa La Vang, những dấu tích về một thời bom đạn... mà lòng thấy rưng rưng. Lúc này, má bầy trẻ không biết vô tình hay cố ý lại cho nghe Duy Khánh hát: "Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa. Con sông xưa, thành phố cũ...", rồi lại nghe Xuân An hát bài "Bỏ làng ra đi" của Phạm thế Mỹ... Mắt nhìn, tai nghe mà như thấy được cảnh tre pheo vàng vọt, cảm được cái khô rát của gió Lào, cái lạnh buốt xương của "mùa gió bấc"...

Đêm mưa dầm
Cơn gió bấc
Liếp mành run bần bật
Ngọn đèn khuya... hiu hắt mẹ con gà...
Xin Thầy
Tay nải đi xa
Cái nghiên mực cũ
Mái nhà nhện giăng
Cột kèo câu chữ khai tâm
Cái áo tơi lá rét đông đồng chiều
Xin em
Giàn mướp xiêu xiêu
Xóm trưa im ắng phiêu diêu tiếng gà
Xin Làng
Sương khói phôi pha
Mái đình rêu phủ én tà tà bay...
Xin cụ lý lại - Cái cày
Dạo trâu ăn lúa phải này nọ kia
Sông đêm trăng chảy đầm đìa
Đàn bầu Trùm Nghệ giữa khuya tiếng buồn
Xin sư cụ một hồi chuông
Ngày Xuân theo Mẹ qua truông...lễ chùa
Xin trẻ thơ
Chữ Y...tờ...
Mãi vui đơm đó, đặt lờ... quên trâu
Xin O Lài chiếc áo nâu
Và xin lũ bạn chăn trâu cái diều..." 

Mà ở đời có xin thì có cho, có vay, có nợ thì có trả... Ấy vậy mới ra người tử tế !
Nghĩ cũng lạ ! Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát - Nói trộm vía, mình nghĩ anh ấy như một cái giàn bếp quê nhà ám khói. Ám khói bởi bếp một thời chỉ chụm củi nè và rơm rạ. Khói nó ám vào giàn bếp cũng như cái kí ức tuổi thơ với đất và người vùng quê Quảng Trị nơi mà suốt 15 năm trời ở đó anh được sống, được chơi đùa và được lớn lên. Cái kí ức tuổi thơ ấy nó ám vào anh với hơi hướm vùng đất ấy - Quảng Trị.

Mình nhớ không lầm thì anh ấy gốc người Sơn Tây, mãi ngoài Bắc. Bây giờ lại ở vào cái tuổi U70, lại đang mang trong người cái bệnh khớp, bệnh gout, kiêng khem đủ thứ, chẳng ăn uống được gì nhiều... Vậy mà sao thế nhỉ ? Sao lại chờ đến mùa gió Lào hay đến mùa lũ lụt lại mặc áo, xỏ giày, vác máy đi. Khi đi tàu, khi đi xe, khi đi ghe, khi lội bộ, khi bò trên núi đá... để có được chút kí ức tuổi thơ mong tìm lại mà bấm máy. 
Lại từ phương Nam mò về Quảng Trị đến 5 lần, mỗi lần khoảng mươi ngày ăn bờ, ngủ bụi... Chi vậy hè ? Nghiệp ư ? Nợ ư ? Trời khuya thì lạnh,vác máy ra ngồi ở cổ thành,chờ trăng lên. Ngồi hơn mấy tiếng đồng hồ thì trăng mới nhú. Trăng vừa nhú thì mây đen cũng vừa che và... mưa. Lại xong om, lại vác máy về, lại xoa dầu, lại uống thuốc... Đúng là nợ ! Một món nợ ân tình sâu nặng - như anh nói - về "Quảng Trị đi nhớ về thương". Sách in đẹp, giấy tốt.  

Chúc mừng anh với dải đất miền Trung Việt Nam bề ngang không được rộng, người đa phần là gầy nên không nặng kí... Có chăng là nặng nghĩa, nặng tình...!

Mình không thích thơ Chế Lan Viên, ngoại trừ tập Điêu Tàn. Nhưng xem sách của Mai Lĩnh - Phạm đình Quát, lại chợt nhớ trong bài "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ ấy có mấy câu hay chứ nhỉ:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn...
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...
                                            (Chế Lan Viên) 

Giới thiệu tập sách ảnh của Phạm Đình Quát

  • Nguyễn Khắc Phước
Hơn 10 chuyến đi từ TP HCM đến Quảng Trị trong mọi thời tiết, từ mùa đông mưa phùn gió bấc, đến mùa hè gió Lào nóng bỏng, từ Ô Lâu, Hải Lăng với đồng lúa mênh mông đến Hiền Lương, Gio Linh với giếng cổ Gio An kỳ bí và những đám ruộng xà lách xon xanh rờn, từ thượng nguồn sông Thạch Hãn đến núi rừng Lao Bảo, bằng tình yêu quê hương đậm đà tha thiết, Mai Lĩnh vừa ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên, đó là bộ ảnh với gần 200 ảnh nghệ thuật với tựa đề: Quảng Trị Đi Nhớ Về Thương.
 
Trong những năm làm việc cho Tạp chí eChip và sau đó là Thời báo Kinh tế Sài gòn, Mai Lĩnh đã ôm ấp ý tưởng phải làm một cái gì đó cho Quảng Trị, nơi anh đã sống suốt thời thơ ấu, nơi đầy ắp kỷ niệm thân thương với gia đình, bà con xóm giềng, bạn bè, thầy cô, nên ngay khi vừa được nghỉ hưu, anh đã dành toàn tâm trí và thời gian để thực hiện ước mơ của mình.
 
Cầm máy ảnh từ những năm 1970, Mai Lĩnh là người rất cẩn trọng về tác phẩm của mình. Mỗi tấm ảnh phải lột tả được vẻ đẹp thiên nhiên, nếp sinh hoạt, nét văn hóa, lịch sử, lễ hội, ẩm thực … của người dân Quảng Trị, được chụp lúc ở một thời khắc, góc máy thích hợp nhất, được anh và các một số nhiếp ảnh gia và họa sĩ thân hữu cùng chọn lựa.
 
Nhà thơ Đỗ Trung Quân có câu: Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người.” Nỗi nhớ quê không chỉ thoáng qua mà đêm đêm hình ảnh quê hương thường hiện về trong giấc mộng, như Vũ Hoàng Chương đã viết: “Tâm hương đốt nén linh sầu / Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.” Thế thì đây, Quảng Trị Đi Nhớ Về Thương sẽ là những hình ảnh từ trong giấc mơ của bạn được hiên thực hóa và đang nằm trong tay, thỏa mãn niềm khao khát bấy lâu.

Từ đây, trên quê hương thứ hai, trong những buổi họp mặt cà phê với bạn bè, bạn có thể chứng mình rõ ràng rằng Quảng Trị không phải là nơi nghèo nàn khô hạn, trái lại, trù phú, xanh tươi, hiền hòa và đẹp một cách lãng mạn. Khi xem tập ảnh này, con cháu các bạn chắc chắn sẽ hãnh diện về quê cha đất tổ và sớm muộn gì chúng cũng về thăm. 

Biết đâu một ngày nào đó du khách ghé thăm Thành Cổ sẽ ngạc nhiên thấy tập sách ảnh đẹp về Quảng Trị này được bày bán ở quầy hàng lưu niệm, liền mua ngay một cuốn để kỷ niệm và rồi tìm cách trở lại để viếng thăm. Cũng có thể vì tấp sách này mà sở Du Lịch Quảng Trị nghĩ ra những tua đi thuyền ngược dòng Thạch Hãn hay xuôi về Vĩnh Định, ngược dòng Ô Lâu (như tác gỉa tập sách này đã từng đi) để ngắm đến mãn nhãn một vùng trời nước bao la và thưởng thức những món ăn đặc sản đánh bắt từ vùng đầm phá còn vẻ hoang dã nguyên sơ.
 

NKP (30-5-2016)

QUẢNG TRỊ - ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG

  • Bùi Phước Vĩnh
Đây là tựa đề một bộ sưu tập ảnh của Phạm Đình Quát - người đã dành nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị thân yêu, dù anh không phải là người con gốc QT.
Thời gian sinh sống trên đất QT không lâu nhưng cho đến tận bây giờ những ký ức về QT vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào hơn 40 năm về trước, những ngõ ngách trong thành phố cho đến những xóm làng quê xa xôi anh còn nhớ rất rõ.

Với tâm huyết đó anh đã không quản ngày nắng đêm mưa lặn lội lên non xuống biển khắp mọi miền để thưc hiện cho được bộ ảnh về đất nước và con người Quảng Trị , đây quả là một kỳ công mà chỉ người nào có tâm huyết mới làm được.

Chúc mừng Quát đã thực hiện được tâm nguyện của mình, và cũng xin cám ơn tác giả qua đó những người con QT có thể tìm thấy lại hình ảnh thân quen của quê hương mình.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và bạn bè thân hữu ủng hộ cho bộ sưu tập ảnh “Quảng Trị đi nhớ về thương” của Phạm Đình Quát.

Bùi Phước Vĩnh
28-5-2016

KÝ ỨC & TUỔI THƠ

  •  Bá Hân
Tôi và anh giống nhau ở chỗ là cùng có tuổi thơ và thời niên thiếu ở “khúc ruột miền Trung”, miền đất “nắng cháy, mưa dầm”. Những năm 1960-1970, khoảng thời gian mảnh đất này sôi sục biết bao những sự kiện, biến cố chính trị, chiến sự mà đỉnh điểm tang thương là những ngày tết Nguyên Đán năm Mậu Thân ở Huế và cuộc di tản đẫm máu vào mùa hè 1972 trên “Đại lộ kinh hoàng” của người Quảng Trị.

Trong cái nhìn hồn nhiên, vô tư của những đứa bé sinh ra vào thập niên 1950, những cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chỉ đơn giản là những ngày được... nghỉ học (!); thậm chí những sự kiện đấu tranh của người lớn lúc ấy như đem “bàn thờ ra đường” cũng thấy vui như ngày hội, bưng đoại (tô) cơm ra ngồi ăn bên cạnh cái “bàn thờ tranh đấu” ấy mà thấy thích thú...

Những chuyện ấy tưởng như đã lắng sâu trong ký ức tuổi thơ bỗng nhiên hôm nay lại vỡ òa trong tôi một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, lắng đọng, bồi hồi... sau khi xem ký sự hình ảnh “Quảng Trị đi nhớ về thương” của anh Phạm Đình Quát. Những cảm nhận bằng hình ảnh về miền đất đầy ắp kỷ niệm qua con mắt của một người con xa xứ đã hơn nửa thế kỷ phải lang bạt nhiều nơi vì cuộc sống nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về Quảng Trị với bao hoài niệm thân thương.
Anh khiêm tốn bộc bạch: “Đó là thời gian đủ cho một đứa trẻ quan sát, cảm nhận cuộc sống, khai phóng tư duy và hình thành nhân cách...”.

Tấm lòng và tình cảm của anh đối với Quảng Trị khiến tôi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình và bỗng giật mình vì nhận ra là tôi vẫn chưa làm được điều “bình thường” như anh.
Tập sách của anh như một lời nhắc nhở cho tôi.

Thay cho lời cám ơn, xin được xiết chặt bằng cái bắt tay trái trong tinh thần Hướng Đạo sinh để chúc mừng anh.

Saigon, tháng 6/2016










Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Một tư liệu về nhà thơ - triết gia Phạm Công Thiện


Chuyện Một Người Đàn Bà... Năm Con” của Lê Khắc Thanh Hoài.

  • TS Phạm Trọng Chánh

Nhà thơ-triết gia Phạm Công Thiện [1941-2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc. 
Người viết: Anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa giáo, kẻ khác viết: Anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy triết học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa học Nhân văn, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai? Dạy triết học tại một đại học Pháp mà không cần một văn bằng nào?

Đâu là sự thật, đâu là huyền thoại?

Được chị Lê Khắc Thanh Hoài tặng cho quyển tiểu thuyết đầu tiên của chị: “Chuyện Một Người Đàn Bà Năm Con”, tôi đọc say mê, với lối văn giản dị trong sáng tôi đọc một mạch, tôi không ngờ chị viết hay và hấp dẫn như thế về cuộc đời khổ đau gian truân của chị với một thi nhân, triết gia mà thời niên thiếu tôi đã từng say mê tác giả: “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Phạm Công Thiện”.

Sách trang bìa hình tháp Eiffel Paris, nơi xảy ra câu chuyện và bức chân dung chị Lê Khắc Thanh Hoài ký tên Phạm Công Thiện vẽ, ngày anh tỏ tình cùng chị, chị không giấu tên người bạn đời. Người đàn bà có năm con cùng triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện kể lại cuộc đời mình dẫn nhập bằng cuộc đối thoại với cháu ngoại, mừng sinh nhật bà, trao phong bì: một bài thơ bằng tiếng Pháp và lì xì 10 euro cho bà, vì thấy bà ngoại nghèo quá thật là dễ thương, ngộ nghĩnh và cảm động. Từ đó chị kể lại cuộc đời mình qua 13 năm sống chung. Thời gian mà anh sang Pháp năm 1970, từ bỏ áo nhà tu Thích Nguyên Tánh và sau năm 1985 anh sang Mỹ, cư ngụ tại Los Angeles và qua đời tại Houston.

Tuổi học sinh trung học, tôi say mê khi đọc Phạm Công Thiện, tôi biết về thơ Apollinaire, Rimbaud, Pierre Emmanuel… về các triết gia mới Tây phương qua anh.

Bây giờ thì tôi viết về anh qua truyện kể của chị Thanh Hoài, nhìn anh qua những vidéo các buổi nói chuyện của anh. Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời hiện tượng Phạm Công Thiện, một thời làm mưa làm gió tại miền Nam những năm 1966 -1970. Và dư âm những mưa gió ấy tại hải ngoại từ 1970 đến năm 2011. Tôi muốn hiểu Phạm Công Thiện là ai? Anh là một thiên tài thần đồng, hay một một Trạng Quỳnh của một thời? Những kiến thức anh lấy từ đâu?

Nguyên do gì anh đã mê hoặc cả một thế hệ tuổi trẻ miền Nam trong thời điểm đó. Đâu là sự thật của đời anh, đâu là huyền thoại do anh và mọi người thêu dệt. Những người Phạm Công Thiện quen biết tôi đều có dịp gặp gỡ: từ chùa Hải Đức Nha Trang, đến Paris, đến Viện Đại học Vạn Hạnh: họa sĩ Vĩnh Ấn, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ Nhị Tay Ngàn đến Hòa thượng Minh Châu - viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Thiền sư Nhất Hạnh, chị Thanh Hoài - người bạn đời từng chung sống với anh 13 năm và có 5 con với anh.

Chị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Huế, con một vị bác sĩ nổi tiếng tại Huế trong Phong trào Tranh đấu Phật giáo miền Trung, năm 1963 từng bị tù dưới chế độ Ngô Đình. Năm 1969 chị học Triết học Đông phương tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1970 chị lên đường sang Bruxelles du học. Gặp và kết hôn với Phạm Công Thiện tại Paris. Chị Thanh Hoài còn là một nhạc sĩ đàn dương cầm, từng học Trường Quốc gia Âm mhạc Huế, tác giả nhiều CD và hàng trăm nhạc phẩm.

Trước nhất Phạm Công Thiện là một nhà thơ: tập “Ngày Sinh Của Rắn” in năm 1988, có những bài thơ đẹp, và lạ lùng:
VI

tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt.

VIII

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông.

Anh nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đã công tác viết bài cho tạp chí Bách Khoa - một tạp chí nổi tiếng giới trí thức miền Nam thời bấy giờ, anh thông thạo 5, 6 ngoại ngữ, một quyển sách anh được Nguyễn Hiến Lê giới thiệu. Nguyễn Hiến Lê là một học giả tự học viết khoảng 60 quyển sách từ sách: Tự học làm người, Rèn luyện nhân cách, đến Triết học Trung Hoa. Một kiến thức đáng kính phục.

Có lẽ Phạm Công Thiện đã học phương pháp tự học và làm việc của học giả Nguyễn Hiến Lê. Muốn học một ngôn ngữ, học bằng cách dịch quyển sách mình ưa thích, mỗi ngày đều đặn, chỉnh tề, ngồi vào bàn viết… lúc đầu khó khăn, sau thành thói quen viết dễ dàng nhanh chóng. Tôi hiểu anh không nói ngoa, anh đã viết 20 quyển sách thời niên thiếu và đốt đi. Đó là cách tập luyện viết sách, đọc một quyển sách mình mô phỏng theo, viết một quyển tương tự, ban đầu mình chịu ảnh hưởng nhiều từ từ mình tạo ra một phong cách riêng, tiến đến một sáng tạo hoàn toàn.

Anh giỏi tiếng Pháp. Anh có tài dịch thơ lưu loát và quyến rũ. Anh đọc các triết gia Tây phương và các thiền sư Phật giáo và diễn tả lại gọn gàng dễ hiểu. Anh đáp ứng được nhu cầu giới trẻ đương thời đang muốn mở ra tiếp xúc với Tây phương nhưng không đủ vốn liếng ngôn ngữ để đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức văn chương Tây phương từ sau cuộc tiếp xúc với văn chương lãng mạn thời Thơ mới với Baudelaire, Edgar Poe… Các triết gia hiện sinh, hiện đại như thế nào? Anh đáp ứng được một nhu cầu muốn tìm hiểu của đương thời.

Lê Khắc Thanh Hoài

Thuở còn học sinh trung học tại Phan Thiết, tôi và anh Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ, thường gặp nhau bàn về những điều Phạm Công Thiện viết. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh Việt Nam, thân phận thanh niên rồi sẽ đi lính, rồi sẽ chết trên chiến trường như bao bạn bè. Trong không khí thành thị miền Nam thời đó, thanh niên cần một lối thoát ra khỏi không gian tù túng, mơ ước một chân trời khác, đọc được Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng, tên tuổi các triết gia Hy Lạp, triết gia bên Tây, tên tuổi nghe mù mờ, có người tóm lược giảng giải nên lấy làm thích thú. Lâu lâu lại khen chữ nghĩa, tâng bốc văn hóa Việt Nam, làm hừng chí tự tin dân tộc. Phạm Công Thiện nổi danh trên mảnh đất trống tư tưởng đó.

Phạm Công Thiện là một người quyến rũ, có sức thôi miên người đối thoại. Chị Thanh Hoài viết tr. 167:
«Gặp chàng là gặp người bằng xương bằng thịt, không phải là người trong văn chương tiểu thuyết. Chàng rất chân thật, không giả dối kệch cỡm. Chàng phản ảnh đúng những gì Chàng viết. Thẳng thắn. Táo bạo. Nẩy lửa. Sức hút dữ dội. Quyến rũ lạ lùng. Người đối diện chỉ còn biết buông xuôi và… trôi theo bấp bênh cùng Chàng!
Phải rồi! Bấp bênh và vô định! Tự dưng nàng linh cảm mãnh liệt điều đó. Đến với chàng là chấp nhận bấp bênh và vô định. Không chờ đợi, không đòi hỏi. Vô điều kiện. Là quăng bỏ quá khứ và tương lai. Là phiêu lưu không cần địa bàn định hướng. Chỉ có một chiếc kim chỉ nam là tấm lòng, là con tim, là sự thành thật. Đó mới là kho tàng vô giá».

Thời tôi và chị Thanh Hoài đi du học, số nam sinh viên luôn luôn đông hơn nữ, tỷ lệ có thể đến 1/20. Được một cô sinh viên du học xinh đẹp mới qua là có ít nhất hàng tá chàng trai Việt chạy theo. Các gia đình thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, gửi con gái đi du học với niềm hy vọng: nếu nó học không xong cũng hy vọng có được tấm chồng trí thức, bác sĩ, kỹ sư, tương lai bảo đảm. Con gái nếu không thành công thì có con rể vinh hiển cũng được nơi nương tựa yên ổn. Chị Thanh Hoài đã từ chối bao kỹ sư, bác sĩ đến với chị để nghe tiếng gọi của trái tim yêu một thi sĩ, một triết gia, âu cũng là một sự lựa chọn cho cuộc đời gian truân của chị.

Phạm Công Thiện là ai? Anh được đào tạo từ đâu? Hay anh là một thiên tài, đã học từ bao nhiêu kiếp trước, nay sinh ra đã trở thành một triết gia không cần học ai?

Theo tiểu sử, anh sinh ra từ một gia đình theo đạo Công giáo, anh theo học một trường tư thục Công giáo dạy bằng tiếng Pháp, anh được cha mẹ mướn người dạy kèm học tại tư gia, nhưng năm 1963, anh ra Nha Trang quen biết với nhà thơ Quách Tấn. Quách Tấn đưa anh đi thăm viếng chùa Hải Đức, nơi đây anh tập thiền và quy y thọ giới Sa di, pháp danh Nguyên Tánh với Thầy Trí Thủ, một vị cao tăng Phật giáo.

Phạm Công Thiện không viết hồi ký nên không rõ anh có bằng Tú tài II hay không, nhưng giỏi sinh ngữ như anh việc thi thí sinh tự do, lấy bằng Tú tài toàn phần không phải là chuyện khó, rất nhiều học sinh học trường Pháp, thi thí sinh tự do lấy bằng Tú tài II Ban Sinh ngữ Văn chương trường Việt thật dễ, các môn triết học, sử địa chỉ cần học một lượt cũng được trung bình là kỳ thi qua trót lọt. Triết học lại là môn anh Thiện ưa thích, lại quen viết bằng tiếng Việt. Để có học bổng tại Viện Đại học Yale, để đi du học Hoa Kỳ khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện phải có bằng Tú tài toàn phần hạng Ưu hay Bình. Phạm Công Thiện xong B.A (cử nhân) tại Yale, và chuyển sang Columbia, nơi thầy Nhất Hạnh từng học thì anh bỏ học ra đời.

Trong quyển “Hố Thẳm Tư Tưởng” (Lá Bối, Sài Gòn xuất bản 1968), trong bức thư cho Nhị Tay Ngàn, chương đầu Phạm Công Thiện viết:

«Thời gian tao ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học tao học, như trường Đại học Yale và Columbia, chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp ta đã sống nghèo đói thế nào thì mày đã biết rõ rồi, những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris, vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư trường Đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hégel, và Heidegger hay Héraclite».

«Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê su hiện ra đứng giảng trước mặt tao cũng không thèm nghe nữa. Tao là học trò của tao và chỉ có tao là thầy của tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không muốn ai làm thầy của tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lập đi lập lại vô ý thức hay có ý thức, trí thức 15 xu, ái quốc nhân đạo 35 xu, triết lý tôn giáo 45 xu…

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hégel hay Karl Marx. Không cần phải đọc Khổng Tử, Lão Tử. Không cần phải đọc Upanisads và Bhagavad Gita. Chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nội tại tiếng Việt Nam là bỗng nhiên nhìn thấy tất cả đạo lý, triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sâu trong ba tiếng Việt đơn sơ như: Con, Cái, Chay, Cháy, Chày, Chảy, Chạy và còn bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta bỏ quên một cách ngu xuẩn
».

Phạm Công Thiện, sang Pháp, anh ghi danh ở Rennes, Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước nhưng rồi không thuận với anh, ông lên Paris khoảng năm 1966. Lúc này tại Paris, Thầy Nhất Hạnh lập Hội Phật tử Việt kiều Hải ngoại, chi bộ Pháp do anh Võ Văn Ái làm tổng thư ký, trụ sở tại Maison Alfort, ngoại ô Paris. Phạm Công Thiện thân thiết với anh Ái và cùng ở nơi này.

Năm 1966, Hòa thượng Minh Châu đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại học Vạn Hạnh. Gặp Phạm Công Thiện, thầy thuyết phục anh làm lễ xuất gia, thọ giới Tỳ kheo cho anh, Đại đức Thích Nguyên Tánh và đưa anh về Viện Đại học Vạn Hạnh.
Phạm Công Thiện phụ trách Khoa Khoa học Nhân văn; sáng lập tạp chí Tư Tưởng, và soạn chương trình cho Viện Đại học Vạn Hạnh.

Niên khóa 1968-1969; Thanh Hoài học môn Triết Đông với Thầy Nguyên Tánh.
Năm 1970, Thanh Hoài lên đường đi du học tại Bruxelles. Cũng năm này Phạm Công Thiện đi dự một Hội nghị Phật giáo cùng Hòa thượng Minh Châu, anh xin ở lại ghi tên làm luận án tiến sĩ. Tại Paris, Thanh Hoài gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn. Thanh Hoài quyết định bỏ Bruxelles, sang Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cuộc sống phiêu lưu đầy gian nan, sống với học bổng của anh trong 4 năm. Sau đó anh xin được một việc làm văn phòng Đại học Toulouse. Nhân có một chân phụ giảng trống, anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được giáo sư hướng dẫn giới thiệu ‘Sinh viên ưu tú xuất sắc hạng nhất, bốn năm cao học đã hoàn tất’ (tr 252).

Điều này chứng tỏ Phạm Công Thiện đã xong văn bằng tốt nghiệp Ecole Pratique des Hautes Etudes (tương đương với Master) tại Sorbonne, và học xong một năm D. E. A. Diplôme Etudes Approfondies (theo tổ chức đại học Pháp lúc đó, ngày nay đã đổi thành Master I, Master II và bỏ văn bằng tiến sĩ đệ tam cấp và tiến sĩ quốc gia, chỉ còn một văn bằng tiến sĩ duy nhất). Anh làm việc này giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là giảng sư (Maître de Conférence) tại Đại học Toulouse II. Công việc tạm ổn định, chị Thanh Hoài sinh năm con, bốn cháu trai và một cô gái út, quần quật với bầy con: đưa rước đi học, ăn uống tắm rửa, bếp núc, chị còn làm việc ráp linh kiện cho hãng máy bay Airbus, nhưng Phạm Công Thiện lại rơi vào vòng nghiện rượu, sống cuộc sống đầy bè bạn, quên mất chuyện gia đình.

«Và nơi ngôi biệt thự xinh xắn đó, nơi mà đáng lý ra chỉ có hương hoa và sắc màu của một vị ngọt là hạnh phúc, thì trớ trêu thay, nơi đây suốt bảy năm trời chỉ mang một vị đắng. Vị đắng của khổ đau. Vị chua chát của rượu… Chàng đã thỏa hiệp với con ma rượu.

«Anh không thấy gì hứng thú vì cứ phải lải nhải triết lý để kiếm tiền nuôi vợ con». «Anh chỉ là chiếc bóng đằng sau bầy con. Điều này cũng làm anh đau khổ. Lải nhải triết lý xong thì anh chỉ còn biết lè nhè».
«Thì giờ của em dành cho con quá nhiều và em đã bỏ rơi anh. Hay là em tránh né anh..?»
Tránh né anh vì em ghê sợ mùi rượu. Vậy anh hãy ngừng uống rượu.

Đúng là lẩn quẩn không lối thoát!

Bảy năm trời trôi qua trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát đó, nơi cái biệt thự màu hồng đó. Nàng thì vẫn cứ xoay mòng với bầy con năm đứa. Chàng thì cố gắng làm tròn công việc dạy học, cho dù nỗi chán chường mỗi ngày một chồng chất, nhưng bọn sinh viên vẫn ào ào tới càng ngày càng đông hơn, giới trí thức trong tỉnh lần lần nghe tiếng và bạn bè lũ lượt kéo đến càng nhiều hơn. Những buổi trà dư tửu hậu lại tiếp nối nhau. Khói thuốc vẫn mịt mù lan tỏa. Mùi rượu vẫn nồng nặc xông lên.

Cho đến cái ngày mà giọt nước đã tràn đầy ly thì cái vòng lẩn quẩn đó tự động ngừng quay».

Một ngày Thanh Hoài bị suyễn nặng, ho vì dị ứng phấn hoa, nhờ anh đi mua thuốc. Anh ra đường gặp bạn bè rủ đi ăn nhậu, quên mất chuyện thuốc cứu cấp cho vợ, sáng hôm sau mới về mang một hộp trứng, hỏi thuốc, anh quên mất.

«Sáng hôm ấy, vì quá mệt, nàng đưa toa của bác sĩ nhờ Chàng ghé tiệm thuốc mua giùm Nàng. Mười lăm phút, hai mươi phút, ba mươi phút trôi qua, Nàng ngong ngóng Chàng về đưa thuốc cho đỡ nghẹt thở. Rồi một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua vẫn không thấy bóng Chàng. Nửa ngày trôi qua. Một đêm trôi qua. Nàng vẫn ngong ngóng. Nhưng vẫn không thấy bóng chàng đâu. Một đêm đã trôi thật quá dài, quá dài tưởng như bất tận. Không ngủ được vì ho, vì nghẹt thở. Nàng đã trải nghiệm cảm giác thế nào là kề cận cái chết. Nàng không đủ sức để tức giận, vì nàng nghĩ nếu chết trong sự tức tối, chỉ tự mình hại mình, sẽ không được đầu thai tốt, lại còn rơi vào đọa xứ nữa không chừng! Chi bằng cứ thản nhiên, chấp nhận số phận và thanh thản niệm Phật. Đây là điều cần làm trong lúc này, chẳng phải là sự tức giận!

Nàng nhắm mắt chờ thần chết rước đi. Nhưng không, không được! Nàng sực tỉnh! Mà kia mình đã quên mất bầy con, mình chết thì chúng sẽ ra sao đây? Mình có thể bỏ chúng để ‘tiêu diêu’ nơi phương trời nào đó được chăng? Từ bỏ cái thân thể bệnh hoạn khổ sở thì mình cũng hết nợ với thế gian này, nhẹ nhàng thanh thản cho mình, nhưng không thể chỉ nghĩ đến mình mà quên bầy con. Không được rồi, không đúng rồi. Không, mình phải sống, phải ngồi dậy, đứng thẳng và không còn nghẹt thở. Mình phải tự bảo vệ mình, không thể buông xuôi! Mình nhớ đã từng được dạy dỗ ‘thân người khó được’, phải bảo vệ nó cơ mà! Không sát sanh, không hại vật, nhưng khi nguy cơ đến thì cũng phải biết tự bảo vệ để không mất mạng chứ! Có thể nào chết dễ dàng như vậy được? Không, ta phải sống!

Khi trời vừa tờ mờ sáng thì Nàng nghe tiếng cửa mở. Chỉ cần thấy dáng bộ xiêu vẹo, ngả nghiêng của Chàng là nàng thừa hiểu tất cả. Trông Chàng còn thê thảm hơn cả Nàng nữa! Thôi thì chẳng còn gì để hỏi, để nói, để trách nữa. Chắc chắn là không có thuốc cho Nàng rồi.
Dù gì thì Nàng cũng đã quyết định rằng Nàng phải sống, Nàng phải thở, Nàng phải đứng thẳng dậy và đi tiếp.
Nhưng đoạn đường đi tiếp của Nàng chắc chắn là sẽ không đi cùng Chàng. Không vì tức giận hay oán trách, mà chỉ vì không còn giải pháp nào khác hơn.
Thế là Nàng lặng lẽ sắp đặt cuộc ra đi của Nàng. Rồi đến ngày hôm đó, không báo trước, không nói năng. Nàng âm thầm dắt bầy con ra khỏi ngôi biệt thự màu hồng».

Thanh Hoài quyết định chia tay cùng anh, chị thu xếp cùng năm con ra đi. Phạm Công Thiện cũng mất việc đại học vì khế ước không được gia hạn và ghế giảng sư cũng không còn, anh được Hòa thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc tế Phật Giáo tai Los Angeles. Anh lại trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè.

Tại xã hội Pháp nuôi nấng năm con không phải là điều dễ dàng, thường mỗi gia đình chỉ dám có 2, 3 con. Thanh Hoài vừa làm mẹ, vừa làm cha, khi dạy đàn dương cầm, khi làm quản gia và các công việc khác, nuôi năm con cho đến khi trưởng thành, thành người: cậu trai đầu tốt nghiệp École Normal Supérieur, rue d’Ulm, tiến sĩ vật Lý, giảng dạy vật lý Viện Đại học Paris Orsay. Cậu thứ hai tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại tại Bordeaux, giám đốc thương mại; cậu thứ ba tốt nghiệp trường Mỹ thuật tại San José, Hoa Kỳ, họa sĩ; cậu thứ tư giống bố ở chỗ thích triết học và cô gái út bác sĩ nhi khoa. Chị có đầy đàn cháu nội, cháu ngoại.

Phạm Công Thiện qua đời năm 2011 tại Houston, các con đều sang dự đám tang cha.
«Nhờ âm nhạc, qua âm nhạc, bà luôn luôn đi sát cạnh cuộc đời, ở trong cuộc đời, thăng hoa cuộc đời, biến những nỗi buồn thành niềm vui, những chán chường thành lạc quan yêu đời, cô đơn thành cảm thông chia sẻ».

Đứa cháu ngoại đã hỏi chị:
– «Bà ơi! Bà có giận ông ngoại không?
– Bà chẳng hề giận!
– Thực ra, con cũng thấy thương ông ngoại làm sao ấy.
Cháu bà giỏi lắm, các cậu và mẹ con cũng thế, luôn yêu thương ông ngoại, không hề ghét bỏ hay trách móc.
– Mỗi lần gặp lại ông, con chỉ muốn ôm ông hôn và không cần phải nói nhiều. Con biết ông không hề có ý làm khổ bà, vì chính ông là người khổ trước tiên nếu phải làm khổ ai… Ông ngoại vẫn luôn bảo tụi con phải yêu thương bà hết mực, vì nhờ bà mà mẹ con, các cậu con nên người. Có điều ông vẫn nghĩ là bà còn giận ông!
– Con có nghĩ như vậy khi bà kể chuyện cho con?
– Không, con nghĩ bà vẫn còn yêu ông ngoại!
– Thực ư? Chính bà cũng không biết!»

Khép lại trang sách tôi ngẫm nghĩ. Tiếc là sách bằng tiếng Việt, nếu viết bằng tiếng Pháp, các cháu nội, cháu ngoại chị Thanh Hoài đọc được sẽ nghĩ rằng: ông bà mình thiếu thông tin cho nhau. Nếu ông đi đâu, điện thoại cho bà một tiếng, hay nếu có điện thoại di động, bà gọi ông nhắn ông đem thuốc về gấp thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tiếc thay oan Quan Âm Thị Kính nằm ở chỗ, thời ấy chưa có dao cạo râu: Thị Kính phải vác con dao phay to tướng cắt râu cho chồng. Bà giận ông vì thời ấy chưa có điện thoại di động. Nếu không bà sẽ điều khiển từ xa ông chồng triết gia lãng trí hay quên của mình.
Các cháu Việt Nam sinh ra tại Pháp xem xong vở tuồng Quan Âm Thị Kính thường tức tối và hỏi: Où est sa bouche? Cái miệng bà Thị Kính ở đâu? Sao bà không nói? Sao ông không nói? Tiếc thay khi ông bà giận nhau các cháu chưa ra đời!

Khép lại đọc trang cuối bìa tập sách là lời Phạm Công Thiện viết khi gặp nhau lần cuối: «Ở nơi chốn hỗn loạn, ở nơi tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng mà tiếng nhạc của em vẫn có thể vang lên những âm thanh của dịu dàng đằm thắm, bay bổng cao vút tận chân trời, từ cái điều Không Thể mà vẫn Có Thể. Hãy gọi đó là Giai Điệu Của Cái Điều Không Thể».

Khép lại trang sách chuyện kể một cuộc tình, hai cuộc đời không trọn vẹn cùng nhau đến cuối đời. Nhưng lời kể chuyện trong trẻo, thanh thoát khiến cho chúng ta vẫn còn nghe vang lên một dư âm tiếng đàn dương cầm chị Thanh Hoài.

Xin giới thiệu tiểu thuyết “Chuyện Một Người Đàn Bà Năm Con” của Lê Khắc Thanh Hoài do NXB Thời Đại xuất bản tại Hà Nội và Sài Gòn cùng độc giả trong và ngoài nước. Qua câu chuyện một kinh nghiệm sống cuộc đời, chị đã vẽ ra một khung cảnh người Việt trên đất Pháp, nó cần thiết cho các bạn trẻ, cho phụ huynh khi con em lên đường du học. Truyện còn giúp ta hiểu hơn về Phạm Công Thiện một nhà thơ, một triết gia một thời danh tiếng tại miền Nam Việt Nam.

  • Phạm Trọng Chánh
(Tiến sĩ Khoa học Giáo dục, Viện Đại học Paris V Sorbonne)

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Chùa Một Cột.


  • Trần Hàm Tấn
Chùa Một Cột được xây dựng tại phố Ngọc Thanh, Hà Nội, trước đó thuộc đất làng Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Tên gọi ban đầu của ngôi chùa là chùa Diên Hựu, sau đổi thành chùa Một Cột. Lịch sử ngôi chùa được ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư: “…Mùa đông, vào tháng 10 năm 1049 [sau Công nguyên], chùa Diên Hựu được xây dựng sau giấc chiêm bao của vua [Lý Thái Tông] thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa.

Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu… (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 37 m- Mộc bản triều Nguyễn).

Năm 1080, vua cho đúc một chiếc chuông lớn cho chùa, nhưng đúc xong thì chuông không kêu. Vì không muốn tiêu huỷ nên người ta đem chuông ra để ngoài ruộng rùa. Do đó, chuông được người dân gọi là Chuông Quy Điền.

Chùa Một Cột (1896)
Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho đào hồ ở quanh cột đó có toà sen, gọi là hồ Linh Chiểu. Vào tháng 10, Hai toà tháp lợp mái trắng được xây dựng. Hàng tháng, vào ngày mồng 1 và ngày rằm, người ta tổ chức lễ tại chùa. Ngày lễ 8 tháng 4 (Lễ Phật đản) được tổ chức cả ngày. Nhà vua đến dâng lễ cầu hạnh phúc và tiến hành nghi lễ tắm Phật.

Tuy nhiên, một tư liệu khác về ngôi chùa này là thác bản văn bia số 20917 của Thư viện Viện Viễn đông bác cổ. 

Tư liệu này có ghi: “…Nước Việt ta xưa trong thành Long Biên có một cái hồ hình vuông. Năm đầu niên hiệu Hàm Thông Đường, dựng một cái cột đá giữa hồ, trên cột xây một tòa lầu ngọc, trong đó đặt tượng Quan âm để thờ cúng. Khí đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến triều Lý xây dựng Kinh đô ở đây cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính, nên càng linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử nối dõi, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Quan âm mời lên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn cho sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Nhất Trụ để mở rộng việc thờ cúng, làm sáng tỏ sự tôn sùng…”

Nhờ có tấm bia ở chùa mà ta biết chính xác Chùa Diên Hựu được xây dựng trước thời Cảnh Trị (1663-1671) và vào thời nhà Lý. Theo bản rập văn bia số 350 của Việt Viễn Đông Bác cổ, bia có niên đại năm Thiệu Trị 7 (1847), Tổng Đốc Hà Nội và Tổng đốc Ninh Bình Đặng Văn Hoà thấy ngôi chùa bị phá huỷ đã cho quyên góp tiền để sửa chữa và trùng tu tượng Phật. Chùa được mở rộng và có thêm hành lang hai bên. Công tam quan và gác chuông cũng được xây dựng.

Một bản rập văn bia khác số 345, bia có niên đại năm Giáp Tý, năm Tự Đức 17 (1864) cũng chép việc sửa chữa ngôi chùa và 2 viên tổng đốc đã cung tiến lương bổng để trung tu chùa.

Năm 1922, Thống sứ Bắc Kỳ cho trích ngân sách để trùng tu chùa dưới sự giám sát của Trường Viễn Đông Bác cổ. Việc trùng tù này không làm thay đổi diện mạo ban đầu của ngôi chùa. Ngôi chùa được đưa vào danh sách các công trình lịch sử, được Viện Viễn Đông Bác cổ bảo vệ theo Nghị định số 16 ngày 5 tháng 5 năm 1925.

Có nhiều nghiên cứu và tư liệu về chùa Một Cột.Chùa Một Cột đã tồn tại cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Lý và trở thành một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

  • Nghiên cứu của Trần Hàm Tấn [1], đăng Trên Tạp chí Dân Việt Nam, bản tiếng Pháp.
Đỗ Hoàng Anh (lược dịch)
__________________________________________________

[1] Trần Hàm Tấn (1887-1957), người quê Hưng Yên, sinh ra tại Hà Nội. Ông làm việc cho Viện Viễn đông bác cổ từ năm 1913, ở đó ông chép lại sắc phong của các đình chùa nổi tiếng và rập văn bia. Sau đó, ông từng làm thầy giáo rồi lại trở lại làm việc tại Viện Viễn Đông bác cố năm 1920. Ông làm việc ở đó liên tục đến khi nghỉ hưu rồi tiếp tục làm hợp đồng cho tới khi mất năm 1957. Ông đã có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu và các công trình tôn giáo tín người, tiêu biểu như: Chùa Trán Quốc, Đền Trấn Vũ, Đền Ngọc Sơn, Chùa Một Cột, Chùa Lý Quốc Sư, Văn Miếu…

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Nghệ sĩ Tòng Sơn – “đệ nhất khẩu cầm” của Việt Nam


  • Đông Kha

Từ những năm thập niên 1950 trở đi, làng văn nghệ Sài Gòn xuất hiện một nghệ sĩ được gọi là “quái kiệt”, khi ông có biệt tài vừa thổi harmonica vừa uống bia hay ăn chuối, hoặc thổi cùng lúc 2 chiếc kèn bằng mũi. Đó là nghệ sĩ Tòng Sơn – “đệ nhất khẩu cầm” của Việt Nam.
Nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh ra năm Canh Ngọ 1930 ở miền Tây Nam Bộ. Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày chạy giặc và sống trong hoàn cảnh nghèo khổ.
Nghệ sĩ Tòng Sơn
Cơ duyên đến với bộ môn thổi kèn harmonica của Tòng Sơn là từ năm 16 tuổi, trong lúc chạy loạn, ông đã vô tình lượm được cây kèn harmonica của một lính Pháp đánh rơi trong đống đổ nát. Từ thời điểm đó, ông cũng như là đã “lượm” được chính cuộc đời mình, vì đó là một bước ngoặt rất lớn.
Bị tò mò, thu hút bởi những âm thanh phát ra từ cái harmonica, cứ rảnh rỗi ông lại lôi kèn ra thổi, từ những âm ngắt quãng, hụt hơi cho đến những đoạn ngân dài hơn… Ông phát hiện ra mình có sự nhạy cảm với âm thanh và hợp với loại kèn này, từ đó trở đi đã trở thành vật bất ly thân của mình. Thời điểm thập niên 1940, hầu như không có người dạy thổi harmonica nên ông chủ yếu tự mày mò sau khi học vỡ lòng với ông cậu biết sơ sơ về kèn.
Vì lận đận mưu sinh cơm áo nên nghệ sĩ Tòng Sơn đến với nghệ thuật khá muộn. Năm 1950, rời quê miền Tây để lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in, ông không quên mang theo cây kèn “lượm mót”. Ngày đi làm, đêm về chàng thanh niên 20 tuổi lại trút nỗi buồn xa nhà vào chiếc kèn. Ông nói rằng chỉ thổi vì yêu thích chứ chưa bao giờ có ý nghĩ trở thành một nghệ sĩ. Nhưng với sự động viên khích lệ của bạn bè, ông vẫn chuyên tâm luyện tập.
Vài năm sau đó thì may mắn mỉm cười, ông được trúng tuyển cuộc thi “Tuyển lựa tài tử” do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức, chính thức bắt đầu con đường nghệ thuật đang mở rộng thênh thang trong bối cảnh đời sống văn nghệ tự do cởi mở và rất sôi động ở Sài Gòn thời đó.
Tên tuổi Tòng Sơn bắt đầu nổi tiếng, ông nghĩ ra nhiều cách biểu diễn để thu hút khán giả, kết hợp giữa âm nhạc và tạp kỹ.
Trong một lần được đi xem nghệ sĩ harmonica người Mỹ đến Sài Gòn biểu diễn rất điêu luyện và được khán giả tán thưởng rất nhiệt liệt, ông có quyết tâm làm một cái gì đó để chứng tỏ người Việt không thua kém. Ông tập vừa ăn chuối vừa thổi kèn, nhưng ban đầu không dám đem ra biểu diễn. Trong một lần về biểu diễn ở Cần Thơ, ông đánh bạo giở ngón nghề đã khổ luyện trong thời gian dài ra, không ngờ được khán giả đón nhận. Ông có tự tin hơn và mang về Sài Gòn biểu diễn, đạt được thành công ngoài mong đợi.
Nhân đà đó, nghệ sĩ Tòng Sơn mày mò tìm chiêu mới, đó là vừa uống nước ngọt vừa thổi. Năm 1957, trong tiệc cưới của ca sĩ Duy Mỹ trong ban Tam Ca Sao Băng, nhóm bạn của Tòng Sơn là nhạc sĩ Khánh Băng, Phùng Trọng đề nghị ông “nâng cấp” màn biểu diễn: thay nước ngọt bằng bia. Sau đó, những tiết mục của ông đã được công chúng xếp vào danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ tôn xưng là “quái kiệt” như Ba Vân, Trần Văn Trạch. Đó là một vinh dự rất lớn, vì danh hài Tùng Lâm trong thời đỉnh cao cũng chỉ được gọi là “tiểu quái kiệt” mà thôi.
Nghệ sĩ Tòng Sơn ước tính rằng trong cuộc đời biểu diễn hơn 70 năm của mình, ông đã ăn hơn 10 tấn chuối, hàng chục nghìn chai bia qua các màn diễn.
Tòng Sơn trở thành sao hạng A trong làng giải trí miền Nam, được mời đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới qua các nước như: Lào, Campuchia, Mỹ, Nhật, Pháp, Ý, Đức, Úc… Thời đỉnh cao của mình, mỗi ngày ông nhận đến 5 show diễn, tiền cát-sê mỗi tháng ít nhất là 200.000 đồng, tính theo giá vàng thời đó thì ông có thể mua được cả trăm cây vàng trong vài năm sự nghiệp. Nhưng tất cả những vinh quang rực rỡ đó chấm dứt vào năm 1975.
Tâm sự trên một bài báo, ông cho biết:
Nếu tui biết tiết kiệm thì đã không phải sống cảnh “nay đây mai đó” như bây giờ. Thời vàng son với nghề, tiền tui kiếm được dư mua nhà to nhà lớn ở đất Sài Gòn này. Nhưng mà lúc đó cứ nghĩ mình còn trẻ, sức lực, tài nghệ và cả khán giả ủng hộ nên tui chẳng tính đến đường lui lúc cuối đời”.
Năm 2020, nghệ sĩ Tòng Sơn tròn 90 tuổi, sống một mình trong phòng trọ khoảng 13 mét vuông tại con hẻm ở quận 3. Tuổi già bệnh tật, ông không đủ sức đi diễn nhiều để trang trải cuộc sống như trước. Ông từng lập gia đình nhưng đã ly hôn. Hiện vợ cũ ông sống ở nước ngoài. Ông có 10 người con, nhưng đều nghèo túng, không giúp nhiều cho cha.
Năm 2018, ông từng phải nhập viện vì nhiều bệnh tuổi già: huyết áp, suy nhược cơ, tim mạch… và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ.
Đông Kha
Mời các bạn thưởng thức tài nghệ của nghệ sĩ Tòng Sơn >>> https://youtu.be/Dyb9Gn3rYZ8
__________________________________________________
Nguồn: https://www.facebook.com/ly.le.71404/posts/3302522039811347 

Tủ Sách Vương Hồng Sển


  • Vương Hồng Sển
Cụ Vương Hồng Sển
Nhiều người, thiên tư phú tánh, biết làm thi phú từ bé thơ. Người thì vừa tu oa đã là ông hoàng bà chúa! Người chơi sách không đẻ bọc điều như vậy. Cũng có người tốt phước hưởng của phụ ấm hoặc có sẵn tủ sách của cô bác cha mẹ lưu truyền lại. Nhưng phần đông, tự tạo lấy mình và phải trọng tuổi mới hiểu thấu đáo thú chơi sách và biết giá trị bộ nào hay, bộ nào dở. 
Có khi khác vì một dịp may nhờ một cơ hội thuận tiện, khi nghe đồn trong một buổi dạ hội hay tiếp tân. Khi thấy trong mục quảng cáo trong tờ báo hoặc nhơn khi đi xem một cuộc triển lãm, viếng viện bảo tàng hay vào thư viện công cộng rồi nảy ra ý sưu tầm và chơi sách.

Từ thưở nhỏ, tôi đã là một con sâu đọc sách. Tôi đọc bất luận sách, truyện, thơ, tuồng, đọc để mà đọc. Lúc ấy tôi như con tằm ăn lá dâu, ăn để mà ăn, ăn thật nhiều, thật no chứ chưa biết kén lá ngon lá tệ. Sách đẹp, sách đóng bìa khéo tôi chưa biết thưởng thức, vì khi đọc, tôi đọc bất cứ nơi nào, trên giường, trên võng, kẹt sân. Đi đâu tôi cũng có thủ sẵn một xấp giấy, một cuốn sách để đọc và đọc như thế, sách đóng bìa đẹp chỉ là bề bộn. Mình sợ hư, sợ rách đã bớt hứng thú không ít vậy. Năm ra trường, lập gia đình, trước tiên tôi mua sách nhưng cốt ý để khỏi mượn nhờ chớ cũng chưa có lập tâm sắm sách như tiền nuôi heo bỏ ống.

Năm 1926, gia đình tan rã lần đầu mà cũng lần đầu tiên tôi nhìn thấy cuốn sách là một bạn tốt, tốt hơn vợ và bạn trai nhiều. Nhờ trả phố, bán đồ thập vật để theo ở đậu ăn cơm tháng cho thêm tự do, tôi có một số tiền lưng khá gọi là lớn vào thời ấy: một ngàn bạc năm 1926. Vừa đúng lúc báo “L’Impartical rao bán một tủ sách của một học giả Pháp vừa từ trần. Tôi làm gan tìm nhà hỏi mua. 
Tôi gặp một bà đầm già, chồng vừa mất, nay định về Tây an hưởng tuổi nhàn nên muốn bán đi bớt phân nửa số sách của chồng để lại. Tủ sách gồm lối hai ba trăm quyển, chia ra làm hai bộ y như nhau:
Một bộ bìa da đỏ, mạ vàng, bà chỉ cho xem nhưng nói trước nhứt định không bán vì bà muốn giữ lại làm kỷ niệm của chồng. 
Tôi nhìn kỹ, quyển nào cũng còn mới, không lem luốc, thêm có phần đẹp đẽ, sắc sảo nữa là khác. Tôi tiếc quá, trong bụng thầm muốn nài trả giá cao để mua sách như vầy cho khỏi sợ vi trùng truyền nhiễm. Nhưng bà lắc đầu, chỉ cho tôi bộ thứ hai, độ non một trăm quyển, y hệt như bộ trước, duy khác là lớp đóng bìa da đen, lớp đóng bìa vải đen. Xem có phần xấu xí, hư tệ hơn bộ kia. Bà nói đây là bộ sách của chồng thường dùng trong khi nghiên cứu và viết lách. Như cần dùng, bà sẵn lòng để rẻ.

Tôi lật thử xem thì sách không vừa bụng, phần nhiều có gạch bút chì xanh đỏ lăng nhăng và thêm bớt nhiều chỗ nhiều đoạn bằng chữ viết tay quằn quèo. Bìa sách cũng đã đúng tuổi, lùi xùi tơi tả, không ưng ý chút nào. Tôi giả đò chê sách hư, sách rách và nói chỉ thích bộ trước bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng mua. Bà nghe tôi chê, có ý sợ tôi bỏ đi thì không còn ai xử giùm bà mớ sách dư xài ấy, nên bà hạ giọng thiết tha:
– Sách nầy không đâu có. Mua không phí tiền đâu mà sợ! Chồng tôi xưa trọng dụng nó và quý vô ngần. Thầy không mua, tôi đem về Pháp sẽ hiến cho thư viện quốc gia. Chỉ vì thân già, một bộ mang đi cũng đủ nhọc, hai bộ thì nó bận chân vướng cẳng thêm cho gì. Như thầy ưng mua, tôi tính nới, dứt giá một trăm sáu chục đồng (160$) tám mươi bốn cuốn sách.

Ối là rẻ, Chúa ơi là Chúa!! Tôi mừng quá, lật đật chi tiền và không quên ép bà biên cho ba chữ nay còn để dành trong hồ sơ:
Saigon le 30 Aout 1926
Recu de Monsieur Vuong Hong Sen
La somme de Deux cent soixante piasters pour la vente de 84 livers provenant de la bibliothèque de mon mari – y compris le grand Dictionnaire chinois de Mr de Guignes, édition de 1913, don’t le prix est de Cent piastres
Je dis 84 livres. Signé: Vve J.C.BOSCQ
(Timbre de quittance de 0$12)

Đọc tờ biên nhận, nay đã biết chồng bà tên J.C Boscq. Nếu đã hài danh, hài tánh mà các bạn vẫn không quan tâm đến nhơn vật này thì việc cũng nên tha thứ, tha thứ cho tuổi trẻ trung của các bạn mà tôi thèm thuồng. Tha thứ cho lối hành văn lẩn thẩn quên nói lão chết đã ba mươi ngoài năm ai tài nào nhớ nổi!

Kỳ trung ông Boscq nhà ở một con đường với anh Nguyễn Hiến Lê trên Tân Định (nay là đường Huỳnh Tịnh Của) là môn đệ của cụ Trương Vĩnh Ký, lão thông Nho học, nói giỏi tiếng Việt từng cộng sự với ông Diệp Văn Cường và Nguyễn Văn Mai. Ông vốn là thông dịch quan của Tòa tư pháp, tác giả quyền “Méthode de lecture Boscq”, lại là một nhà chơi sách khét tiếng thời ấy.

Không dè với hai trăm sáu chục bạc, tôi nghiễm nhiên trở nên người nối nghiệp cho ông để cất giữ những sách hư rách và bụi bặm nhưng quý vô giá đối với thời buổi hiện tại. Và nhờ có duyên kiếp trước, rõ lại những sách bà đầm mang về Pháp tuy còn mới nhưng tên tuổi không nhiều như những sách tôi mua được. Gồm những bộ có chữ ký và chữ viết của các soạn giả đồng thời với ông Boscq như các cụ Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký… Tôi dạn thêm và hỏi bà còn những gì muốn bán cho gọn nữa chăng?

Khi ấy bà đưa tôi vào văn phòng của chồng bà, tôi thấy sách mà ngốt nhưng toàn những bộ dễ kiếm, có tiền là mua được ngay từ bên Pháp chuyển sang. Tôi để ý và hỏi nài được quyển tự điển Hoa – Pháp – Latinh (Dictionnaire chinois – francais – latinh) của de Guignes, tôi mua một trăm bạc về sau bán ra được hai ngàn năm trăm đồng (sau 1954). Tự điển de Guignes in năm 1813, cho ta biết nếu hoàng đề Napoleon không thất trận Waterloo, có thể dám đánh luôn để thâu đoạt Trung Hoa và Việt Nam cũng chưa biết chừng. Vì chưa chi mà Napoleon đã sai sứ thần tại Bắc Kinh, de Guignes, dọn cho người biết văn hóa và tiếng nói Trung Quốc: hoặc Napoleon toàn thắng sẽ làm bá chủ hoàn cầu hoặc ông bại trận vì tay kiệt xuất Anh quốc rồi các thuộc địa Pháp sang qua tay Hồng mao và cuộc thế miền Đông Nam Á tế Á đổi khác sớm hơn bây giờ.

Nhưng không giỏi gì xây dựng trái đất bằng chữ “nếu”, trở lại thực tế, khi ra về, tôi thấy bỏ xó kẹt một gói giấy nhựt trình, tuy chưa biết trong ấy gói những sách gì, tôi cứ hỏi mua. Bà đưa nghiêng mắt liếc sơ gói giấy rồi lên giọng đài các:
“Ối! Đó là sách chữ Tàu, không biết nói gì ở trỏng! Tôi không định bán, nhưng cũng không biết bao nhiêu mà định. Thầy mua sách tôi đã nhiều, cứ lấy về chơi. Tôi cho thầy đó”

Cám ơn, từ giã, ôm về, chải bụi, o bế và xem kỹ: Mẹ ôi! Đó là bộ “Hoàng Việt luật lệ đời Gia Long”, mỗi quyển có ấn chữ son “Khâm sai đại thần”. Sau tôi tra cứu và hỏi thăm, gặp ông Cao Văn Sự Đốc phủ, từng biết ông Boscq, ông Sự cho tôi rõ, ông Boscq lãnh của thầy là Trương Vĩnh Ký bộ sách có chữ ấn son “Khâm Sai Đại Thần” nầy vốn là sách quý do binh Pháp lấy được nơi đồn Khải Tường của đại tướng Nguyễn Tri Phương, như vậy bà Boscq đã biếu tôi một bộ sách vô giá (1-2-1989)
Nói chí đáng, những sách tôi mua thì tôi cho rằng quý; đến ngày nay sau trận loạn 1945-1946, sách vở trở nên khan hiếm, chớ trước năm 1945, những nhà chơi sách lo sắm sách Pháp, Montaigne, Anatole France, Jules Romains chớ ít để ý đến sách khảo về văn minh Trung Hoa. Trước nhà ga Sài Gòn, có nguyên một dãy phố lầu của các chú bán lạc son những sách nữa sạc mà đâu có ai ngó ngàng đếm xỉa?

Chính tôi mua tại đó nhiều bộ rẻ mạt: bộ sử Việt của Trương Vĩnh Ký, ba quyển ba hào (0$30), bộ Abrégé de l’histoire d’Annam của Alfred Schreiner, còn mới, năm cắc (0$50), quyển sử Việt de Launay, một cắc (0$10)

Mấy năm binh Nhật tràn lan đất Việt có nhà Tín Mỹ dọn một căn phố lớn Gia Long, bán kính với Huê kiều, toàn những sách cũ mua nới đem về o bế lại. Làm ăn đương xân xẩn, kế bị bom nổ, mạnh ai về xứ nấy, khi trở lên, nhà Tín Mỹ dẹp hồi nào không ai hay biết. Lão Tín Mỹ mê cá ngựa bị ngựa đá, tiêu tùng, mất tích luôn từ đó.

Đường Gia Long, ngang bộ kinh tế ngày nay có nhà tầm tầm thỉnh thoảng bán sách của người Pháp phát mãi. Cả đống sách của trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de L’École Francaise d’Extreme-Orient) một xe bò chở không hết, bán ra không đến năm chục bạc (50$). Không như ngày nay, một bộ môn đầy đủ của tập san nầy, từ năm 1901 trở lại đây, nếu có, bán không dưới hai trăm ngàn bạc! Năm ni 1989 có bạc triệu cũng không mua được (1-2-1989)

Tôi còn nhớ một năm nọ, giáo sư Neumann từ trần, ông là nhà chơi sách khét tiếng Sài Gòn, sách đem pháp mãi, nhiều bộ tròm trèm một ngàn bạc, buổi ấy (lối 1940) ai cũng cho rằng bán được tiền.
Ngoài ra còn nhiều nhà Pháp chơi sách cẩn thận, nhưng khi thôi ở bên nầy thì chuyển chở về xứ… Có nhiều ông như quan năm Seé, mỗi tuần mỗi nhận từ Pháp sách mới, rọc coi rồi bày bán đường Tự Do không để dành. Trái lại cựu thống đốc Nam Kỳ, Pagès, mua sách loại đắt tiền, sai thơ ký rọc bằng dao tre, sách càng lùi xùi thơ ký càng mau thăng chức. Sách ông Pagès nhà đóng sách Nguyễn Văn Châu ăn tiền bộn nhưng sau không biết ra sao.

Tạp chí Xưa & Nay số tưởng nhớ Vương Hồng Sển
Trong giới người Việt biết yêu sách, tôi có quen một ông, tánh tình hiền lành nhưng rất khó đối với sách: quyển nào anh em mượn, trả về có chút hư hao, ông không nói gì, sai đem bán lấy tiền đắp thêm mua cuốn mới. Đó là ông Đoàn Quan Tấn.

Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp nắp ôm đồm từ những quyển học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn. Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt xóm. Tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật giáo, những ai dở chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay. Đó là ông Phạm Văn Còn.

Một ông nữa cắp ca cắp củm, sưu tập nhiều bộ nếu nay còn là một kho tàng quý giá vô cùng, vì ông là nhà khảo cứu chuyên về sử học Việt Nam. Không bộ sách nào ông không có, nào Khâm Định, nào Thật lục, đủ cả, luôn những bộ môn sách Pháp như bộ Đô thành hiếu cổ, bộ Viễn Đông bác cổ, kịp năm loạn lạc, lớp bị đốt, lớp Tây lấy, lớp người ta dọn. Ông chỉ còn một cái cười hồn nhiên của nhà học giả chơn chánh, không buồn sắm nữa, cũng không hít hà! Đó là ông Lê Thọ Xuân.

Tháng 5 năm 1960, báo Văn Hữu phá chơi kể ra những tủ sách quý nay không còn: thư viện Phạm Quỳnh, thư viện Phạm Liệu, thư viện Đào Duy Anh, thư viện Dương Tấn Tươi, có cả tủ sách anh bạn thân Lê Ngọc Trụ. Còn nhiều thư viên đầy đủ hơn nữa, nhưng vì chưa biết nên tác giả trong báo Văn Hữu chịu làm thinh. Kể ra tác giả cũng khéo tọc mạch chuyện người và khéo giấu tên mình, nhưng giấu làm sao được vì khi tả chân “buổi trời nước bình bồng” của lão già họ Vương thì lão ấy biết rõ ai kia được rồi! Ma mà bắt tác giả thọc mạch thóc mách!…

Vương Hồng Sển
___________________________________________
Nguồn: https://www.facebook.com/ly.le.71404/posts/3372723052791245 
__________________________________________________________________



Đằng nào thì cũng phải nói về một câu chuyện buồn.

  • Nguyễn Thế Thanh 

Một câu chuyện buồn nhưng liên quan đến hai nhân vật, người nào cũng rất nổi tiếng: Vương Hồng Sển và Trần Văn Khê.

Di tích quý giá công nhận gần 20 năm mà không phát huy được giá trị

Ở Sài Gòn và toàn miền Nam trước năm 1975, mấy ai không biết đến tên Vương Hồng Sển (1902 - 1996). Giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam trước và sau năm 1975 rất kính trọng ông vì sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa miền Nam, về cổ học và sự nghiệp sưu tập đồ cổ. Cả đời mình, ông đã tích cóp lần hồi để sở hữu được bộ sưu tập vô giá với 849 cổ vật khác nhau cùng với ngôi nhà cổ (Vân Đường Phủ) mà ông đã cất công tìm kiếm mua về nguyên căn từ vùng ngoại ô Sài Gòn.

Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, bên cạnh là hàng quán cà phê,
 quán ốc mọc lên vô cùng nhếch nhác, ít ai biết rằng ngôi nhà này
 từng là nơi ở của vị học giả nổi tiếng Vương Hồng Sển.
Căn nhà này (số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) nằm trên một khu đất cùng với những căn nhà trực thuộc bên ngoài khuôn viên nhà cổ do ông sở hữu đã từng được định giá xấp xỉ một ngàn lượng vàng ở thời điểm ông viết di bút trước khi mất (1996).

Do không có được người thừa kế đồng chí hướng về văn hóa và cũng do những khó khăn riêng của con trai mà ông đã đi đến quyết định hiến tặng cho nhà nước quản lý toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ, sách quý, đồ gia dụng cổ trong ngôi nhà với lời đề nghị “Thành lập bảo tàng tư nhân mang tên Vương Hồng Sển, sách quý và cổ vật trưng bày tại chỗ, không được mang ra khỏi nhà” (di chúc công chứng ngày 27.6.1995). Ngoài ra, trong một di bút khác ông cũng có lời đề nghị Nhà nước chăm sóc, chu cấp cho 3 cháu nội của ông được ăn học thành tài và có một nơi để sinh sống.

Gần nửa thế kỷ sống ở ngôi nhà cổ Vân Đường Phủ, Vương Hồng Sển không chỉ bỏ nhiều công sức cho việc bài trí mà còn tạo dựng một phong cách sinh hoạt cho chính ông và các thành viên trong gia đình phù hợp với nét cổ xưa bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Các tạp chí danh tiếng như Times, Newsweek… từng đến đây tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này.

Để có thể thực hiện đúng tinh thần di nguyện của học giả Vương Hồng Sển, từ năm 1997 các cơ quan chức năng về văn hóa, tư pháp, địa chính của thành phố đã triển khai thực hiện các biện pháp kiểm kê, bảo vệ cổ vật và sách qúy của cụ Vương trước khi hoàn tất thủ tục ngôi nhà để làm nơi trưng bày, tổ chức cho công chúng tham quan.

Vào tháng 8.2003, UBND TP ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với nhà của cụ Vương Hồng Sển là “Di tích Kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống”, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.

Học giả Vương Hồng Sển (giữa) tiếp các nhà báo nước ngoài
tại Vân Đường Phủ.
 

Nhà nước đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm chu cấp tiền ăn học cho 3 cháu nội của cụ Vương đến khi các cháu qua 18 tuổi. Các cổ vật và sách quý của cụ Vương đã và đang được bảo quản ở bảo tàng và thư viện. Vậy thì, còn điều gì khiến cho Vân Đường Phủ - Di tích Kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống độc đáo về văn hóa vật thể và phi vật thể không thể đi vào hoạt động như mong muốn của cụ Vương và những người yêu mến các giá trị văn hóa, từ đó đẩy di tích văn hóa quý giá này đến trước nguy cơ bị “mất”? Và, còn có thể làm gì để cứu vãn?

Tự hỏi thì xin tự trả lời trước, xem như là đề nghị của một công dân quan tâm đến các giá trị văn hóa.

Điều thứ nhất, nhà nước cần cấp ngay một chỗ ở có giá trị sinh sống (ở và khai thác thương mại được) cho các cháu nội của cụ Vương. Chỗ ở này đứng tên chung 3 chị em chứ không đứng tên riêng một ai, vì trên thực tế cụ Vương không có yêu cầu này. Việc giải quyết căn nhà này phải thể hiện được tinh thần: hậu duệ phải tôn trọng ý nguyện của cụ Vương - người chủ sở hữu khối tài sản “Dùng nhà cổ Vân Đường Phủ làm bảo tàng mang tên Vương Hồng Sển”. Mà, đã là bảo tàng thì phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật, không một ai có thể vào ở trong đó.

Gian phụ ngôi nhà, phòng đọc sách và làm việc của cụ Vương
lúc sinh thời được các con cháu dùng làm nơi sinh hoạt.
Việc lưu giữ các di sản của tiền bối trong gia tộc cho đời sau và cho công chúng các thế hệ biết tới cũng là trách nhiệm của con cháu, không nên vì bất cứ lý do gì để đòi hỏi các quyền lợi thuần túy vật chất, theo cách phi pháp càng không thể, để làm tổn hại tới một di sản văn hóa mà cụ Vương dồn tâm huyết tạo dựng, mong muốn gìn giữ, phát huy và đã được nhà nước công nhận, thể hiện trong công văn của UBND TP số 780-CV-UB/VX ngày 1.4.1999 và quyết định số 140/2003/QĐ-UB ngày 5.8.2003.

Điều thứ hai, trong quá trình thực hiện điều thứ nhất, cơ quan chức năng về quản lý văn hóa cấp thành phố cần phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện ngay trách nhiệm bảo vệ, quản lý ngôi nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật theo Luật Di sản Văn hóa quy định, thể hiện trong quyết định của UBND TP số 140, ngày 5.8.2003.

Điều thứ ba, song song với thực hiện các điều trên, cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, phương án tổ chức trưng bày bên trong ngôi nhà và cảnh quan sân vườn trước và sau để khi đã hoàn tất các điều kiện cần thiết có thể đưa ngay Di tích Kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống mang tên Vương Hồng Sển vào hoạt động, phấn đấu vào dịp 25 năm ngày mất của cụ Vương.

Trong khi tiếp tục chờ đợi các giải pháp nhằm cứu vãn nguy cơ “mất đi” một di sản quý đã được pháp luật bảo vệ bằng văn bản pháp lý, thì đành đối diện với nỗi buồn thực tại sau đây về “di tích Nhà Vương Hồng Sển”.

Nơi ấy giờ đây “là khu tạm cư của vài chục nhân khẩu xa lạ đến xâm chiếm, xây cất bát nháo bên trong di tích để ở và kinh doanh; là một “ổ” tệ nạn xã hội, nhập cư trái phép (công an từng bắt tại địa chỉ 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh vụ mua bán 1,08kg heroin). Nơi ấy giờ đây đang bị các chủ nợ của một trong các cháu nội của cụ Vương chiếm dụng, các tủ cổ chứa sách quý và các đồ vật gia dụng cổ đã bị thất thoát” (trích đơn xin cứu xét khẩn thiết của bà Vương Việt Hoa – cháu gọi cụ Vương là bác ruột, gửi UBND TP ngày 9.1.2019).

Chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương có biết những hành vi vi phạm pháp luật đối với di tích đã được công nhận về pháp lý này không? Làm sao có thể tin là họ không biết? Và, đó chính là một câu chuyện buồn.

Cơ hội có thêm một nhà lưu niệm danh nhân đã bị bỏ qua!

Một câu chuyện buồn khác.

Năm nay là tròn 5 năm ngày mất và 99 năm ngày sinh của GS-TS. Trần Văn Khê - người mà cả cuộc đời đã chuyên chú tâm sức cho việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp và khắp mọi nơi trên thế giới. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Sự đánh giá đó đã góp phần đưa đến công nhận và vinh danh ở tầm mức thế giới các loại hình nhã nhạc cung đình Huế, không gian cồng chiêng Tây nguyên, ca trù, đờn ca tài tử...

Sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ văn chương ngành nhạc học hạng tối ưu tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1958 với bản luận văn âm nhạc truyền thống Việt Nam, suốt 50 năm sau đó, Trần Văn Khê đã tự nhận lấy trách nhiệm nghiên cứu và giới thiệu nền âm nhạc dân tộc Việt Nam mà ông cho là “rất hay, rất đẹp” với bạn bè trên thế giới và trao truyền cho các thế hệ người Việt.

Tài năng và tâm huyết của Giáo sư Trần Văn Khê đã đưa ông đến vị trí đòi hỏi uy tín cao mới có thể được đề cử: nhiều năm là thành viên rồi Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế âm nhạc của UNESCO và 10 năm liền được tín nhiệm ở vai trò Chủ tịch ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á.

Trên cơ sở tâm nguyện của Giáo sư Trần Văn Khê “được sống và làm việc những năm cuối đời tại đất nước”, Sở Văn hóa - Thông tin TP đã khởi thảo Đề án Nhà Trần Văn Khê vào tháng 11.2003, đã lập một biên bản mang tính pháp lý giữa Giáo sư và Sở Văn hóa - Thông tin TP vào ngày 14.5.2004. Theo các căn cứ đó, nhà nước đã bố trí ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai để làm nơi sống và làm việc cho Giáo sư Trần Văn Khê những năm cuối đời, quản lý theo chế độ công sản.

Căn nhà số 32 đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh
là nơi cố Giáo sư Trần Văn Khê ở vào những ngày cuối đời.
Năm 2006, Giáo sư Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai và tại đây hàng loạt hoạt động văn hóa mà ông là linh hồn đã được tổ chức khiến cho ngôi nhà vượt ra khỏi cái tầm của một tư gia. 

Toàn bộ không gian đẹp nhất của ngôi nhà đã được bố trí làm nơi tiếp đón mọi người. Những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước, những học trò cũ và mới, những bạn bè tri âm tri kỷ, những người dân bình thường đều đã đến đây giao lưu, đàm đạo với vị giáo sư nổi tiếng tài ba. Tại đây, đã diễn ra gần 100 buổi sinh hoạt về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam...

Thư viện Trần Văn Khê đã được khánh thành ở tầng trên của nhà sau vào năm 2012 để phục vụ những ai cần nghiên cứu. Thư viện là kết quả kiểm định, phân loại từ 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý (sổ ghi chép, đĩa và băng ghi âm, nhạc cụ các loại gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của Trần Văn Khê) mà Giáo sư Trần Văn Khê chuyển từ Pháp về, trong đó có hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Những "báu vật" mà Giáo sư Trần Văn Khê gắn kết
cả đời và dành tâm huyết để nghiên cứu.
Ngôi nhà chứa đầy những hiện vật cả đời, những kỷ niệm ấm áp và sống động gắn với những năm tháng cuối đời Trần Văn Khê tại Việt Nam đã hiện ra dáng dấp mà nó cần có khi Đề án Nhà Trần Văn Khê được Sở Văn hóa - Thông tin TP phác thảo gần 10 năm về trước.

Thấy trò Trần Văn Khê và Nguyễn Thị Hải Phượng 
hòa tấu tại nhà 32 Huỳnh Đình Hai.

Ngôi nhà mà Giáo sư Trần Văn Khê mơ ước trong di nguyện của mình “Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này với tất cả hiện vật gắn với tôi sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê, tất cả đều giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”.

Ngôi nhà ấy, đầy đủ điều kiện để trở thành một nhà lưu niệm danh nhân gắn với giá trị di sản âm nhạc dân tộc, kể từ sau ngày ông vĩnh viễn ra đi (2015) đã có những biểu hiện rõ rệt: không có cơ hội ấy nữa. 

Vì sao ư? Người viết bài này không thể trả lời. Chỉ có thể buồn thôi.

  • Nguyễn Thế Thanh

___________________________________________________________