Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Ngã tư Quốc tế Sè Gòong

  • Đỗ Thành
Ngã tư Đề Thám - Bùi Viện
Tôi được sinh ra khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, tại một nhà bảo sanh ở đường Kichener.  Cho nên bây giờ bấy bá tôi có nhận vơ tôi là người Sè Goòng chánh hiệu, chắc cũng không ai nỡ mắng mỏ tôi tiếm danh hay ba xạo.
Tôi sống với gia đình ở con đường đầy lá me bay mang tên Lagrandière, rổi đổi sang Gia Long, và giờ  đây là đường Lý Tự Trọng. Tôi học trường Trương Minh Ký, thi rớt vào ban trung học một năm, phải học lại tiếp liên ở trường Tôn Thọ Tường, mãi đến 1949 tôi mới đỗ vào ban Section Moderne trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Đôi vần ca xưa của Khánh Hòa

  • Quách Tấn

Ca dao Huế có câu:
Chợ Đông Ba đưa ra ngoài dại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
Hỡi người lỡ hội chồng con
Vào đây tính cuộc vuông tròn với nhau.
Khánh Hòa có câu:
Thơm Vạn Giã ngọt đà quá ngọt
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Hỡi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình.
Quản bao lên thác xuống ghềnh
Mía ngon thơm ngọt đượm tình nước non.
Bài của Huế và bài của Khánh Hòa trùng nhau ở câu 3. Câu này chỉ khác nhau chút ít thôi. Một bên thì “lỡ hội chồng con”, một bên thì “chưa vợ chưa con”.
Khác chút ít là khác bên ngoài chớ bên trong thì khác nhau xa.

Nha Trang có cọp có ma

  • Quách Tấn
Nhân dân trong các tỉnh lân cận Khánh Hòa thường truyền tụng: “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận” và trong tỉnh Khánh Hòa lại còn có câu: “Cọp Ổ Gà, Ma Đồng Cháy” như thế chứng tỏ rằng Khánh Hòa có nhiều cọp cũng có nhiều ma, song ma không nhiều bằng cọp.
Chắc các bạn từ 60 tuổi trở xuống không tin vì hiện tượng ma không thấy đã đành mà cọp cũng không thấy đâu cả.
Không thấy không phải là không có. Muốn rõ sự thật xin các bạn thử đi một mình vào rừng sâu, bạn sẽ thấy cọp đông như “chợ trời” và ma nhiều như các ông các bà buôn lậu. Mà chả cần đi đâu cho xa, các bạn chỉ đọc kỹ những văn thơ của Khánh Hòa, các bạn cũng sẽ nhận thấy câu “cọp Khánh Hòa...” và câu “Cọp Ổ Gà, ma Đồng Cháy” là đúng sự thật, mà không phải chỉ Ổ Gà mới có cọp, Đồng Cháy mới có ma. Cọp và ma ở ngay tại Nha Trang:
Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải xuân về cọp thưởng mai.
Đó là câu thơ của cụ Thuần Phu Trần Khắc Thành ở khóm Duy Hà, phường Xương Huân.

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Bhutan - xứ sở diệu kỳ!


Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh giá sự thịnh vượng của đất nước dựa trên chất lượng đời sống và hạnh phúc của người dân. Tiêu chí xem xét gọi tắt là GNH (chỉ số hạnh phúc) chứ không quan tâm đến chỉ số GDP (tổng sản lượng nội địa), vốn thiên về năng lực sản xuất hàng hóa.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Đến Hội An nghe hô bài chòi

  • Mai Lĩnh
Ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, vào những ngày tết, lễ hay hội hè thường tổ chức các trò giải trí cộng đồng; trong đó, hô bài chòi là một kiểu đánh bài nhưng không nặng về thắng thua mà hấp dẫn do không khí vui nhộn tạo nên bởi những câu hô dí dỏm tựa như trò hô lô tô. Lối chơi bài chòi tương tự như chơi tổ tôm điếm ở miền Bắc. Bộ bài chòi, còn gọi là bộ bài tới, thoạt đầu dùng để chơi với 6 người trong nhà rồi dần dần mới lan ra và chuyển sang lối chơi nơi công cộng nơi đình làng, sân bãi.

Ở các hội làng, người ta dựng 11 chiếc chòi cao, gồm 1 chòi cái và 10 chòi con. Mỗi chòi con được phát 3 con bài. Ở chòi cái có một cái ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống hiệu bắt đầu, những người đánh bài vào chòi con. Anh hiệu (người hô) bước ra ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi rút từng con bài và hô câu thai tên con bài. Ở phố cổ Hội An, hàng đêm có hội bài chòi (nhưng không có dựng chòi) diễn ra trên một khoảng sân khá rộng ở ngã ba đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng (bên bờ sông Hoài).

Có giả thuyết cho rằng bộ bài tới có nguồn gốc từ vùng Thanh - Nghệ, theo những lưu dân tiến vào phía Nam. Từ lối chơi trong gia đình trở thành sinh hoạt cộng đồng làng xã. Bộ bài tới gồm 3 pho: văn, vạn, sách. Mỗi pho 9 cặp. Ngoài 3 pho (9 x 3 = 27 cặp) còn có 3 cặp yêu. Lá bài pho văn, vạn, sách in màu đen, riêng ba cặp yêu có đóng thêm dấu đỏ. >>>

<<< Luật chơi rất đơn giản, du khách chỉ cần mua cái thẻ bài bằng gỗ, trên đó có in 3 con bài tới. Nếu anh hiệu hô trúng một con bài, người chơi sẽ được nhận 1 quân kỳ (lá cờ nhỏ màu vàng). Nếu được 3 quân kỳ sẽ thắng ván bài. Khi có người thắng, ván bài kết thúc.
Khách chơi bài chòi ở đây chủ yếu là du khách nước ngoài. Họ ngồi thành vòng quanh khoảng sân, trên những chiếc ghế đòn gỗ, mua thẻ bài - có người mua một ván nhiều tấm thẻ - với vẻ tò mò, háo hức khám phá trò chơi dân gian này. >>>
Khi các thẻ bài được bán hết, ván bài bắt đầu. Do địa điểm sân chơi bài chòi nằm ở ngã ba đường cạnh bờ sông nên người chơi và cả người đứng xem khá đông. Một ván bài vừa kết thúc, chỉ 10 phút sau lại tiếp ván khác nên vai trò “anh hiệu” (người hô tên các quân bài bằng những câu thai, có vần điệu) được hai người (một nam, một nữ) cùng đảm trách.
<<< Họ thay phiên nhau hô thai bằng những câu ca để hô tên từng con bài được rút thăm; với tài năng ứng tác, họ “chế” thêm lời hát dí dỏm, khiến người nghe luôn thấy bất ngờ với kết quả, hợp với mạch vần và nội dung con bài trong trò chơi. Đối với người địa phương, quen thuộc với bài chòi, bà con thường thấy thú vị khi anh hiệu hô con Bạch huê (có hình tượng âm vật - yoni của Chàm) và con Nọc đượng (có hình tượng dương vật - linga của người Chàm) với ý tứ đố tục giảng thanh của văn hóa dân gian.
Một du khách đã trúng một quân bài (nhận một lá cờ vàng) đang hồi hộp theo dõi kết quả ván bài theo lời hô của anh hiệu. >>>
<<< Nếu một người mua 2 tấm thẻ (có 6 con bài), dù đã trúng 4 con (chia đều trên 2 thẻ, mỗi thẻ 2 con), được nhận 4 lá cờ vàng nhưng vẫn chưa tới. Đó là lúc hồi hộp nhất, bởi có thể người khác chỉ trúng 3 con nhưng cùng trên một tấm thẻ họ sẽ tới trước và ván bài kết thúc.
<<< Khi người nào có con bài trùng với tên con bài được anh rút thăm, hô tên thì giơ tay cao và hô lên “trúng” sẽ được ngưòi chạy việc đến trao cho một cây cờ nhỏ màu vàng.

Ván bài sẽ kết thúc khi có người “tới”. Đó là người có ba con bài trên cùng một tấm thẻ bài gỗ đều được hô tên. >>>
<<< Một du khách Anh hớn hở ôm giải thưởng là một chiếc đèn lồng Hội An để chụp ảnh sau khi tới một ván bài.

Đảo Chim Ó

  • Mai Lĩnh
Ðảo Ó nằm giữa lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai). Ðó là một điểm du lịch sinh thái cách TPHCM khoảng 60km, hấp dẫn bởi cảnh quan, môi trường thiên nhiên trong sạch với rừng cây và những đặc sản tuyệt vời cho những chuyến dã ngoại tập thể, gia đình vào những ngày nắng nóng. Chùm ảnh này ghi từ chuyến dã ngoại đảo Ó hai ngày 01 và 02/5/2010 của anh em cựu hướng đạo sinh đạo Ái Tử (Quảng Trị) và gia đình hiện cư ngụ tại Sài Gòn và Đồng Nai.


Từ TPHCM, theo quốc lộ 1A hướng ra Trảng Bom, đến ngã ba Trị An thì rẽ trái, đi 19km nữa đến trung tâm thị trấn Vĩnh An (huyện lỵ Vĩnh Cửu), đi khoảng 1km nữa sẽ đến bến thuyền của Trung tâm du lịch Đảo Ó - Ðồng Trường.

Tùy lượng khách, ở đây có nhiều loại ca nô, thuyền đưa khách ra đảo. Sau 30 phút thưởng thức thú ngồi thuyền rong chơi trên hồ Trị An, du khách sẽ đặt chân lên đảo Ó. >>>
<<< Du khách cũng có thể thuê ca nô dạo quanh lòng hồ Trị An trước khi ghé vào đảo Ó.
Nhưng tuyệt vời nhất là dùng thuyền buồm. Đặc biệt với những du khách yêu thích các môn thể thao dưới nước hoặc câu cá. >>>
<<< Nằm giữa lòng hồ, nhìn từ xa, đảo Ó như một cánh rừng nhỏ nổi bật trên mặt nước bao la lộng gió.
Đến gần, mạn đông nơi có bãi tắm khá đẹp, đã nhìn thấy có một máng trượt nước dành cho những ai thích tìm cảm giác mạnh. >>>
<<< Đặt chân lên đảo, du khách thấy nhẹ nhõm trước khung cảnh cây lá xanh tươi, trẻ em nô đùa thỏa thích. 
Con đường vòng quanh đảo rợp bóng cây cao, gió lộng. Một số ngôi nhà nhỏ, riêng biệt dành cho du khách nghỉ lại ban đêm, đầy đủ tiện nghi. >>>
<<< Phần lớn khách nước ngoài đến đây lại thích thuê lều vải để nghỉ đêm.
Nơi đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động dã ngoại. Đặc biệt là các tour team building với những trò chơi tập thể như đánh trận giả (bắn súng sơn)... Với các hướng đạo sinh... già thì mọi chuyện đều... "nhỏ như con thỏ". >>>
<<< Du khách thường tự đem theo thức ăn nếu chỉ chơi đảo trong ngày. Nếu nghỉ qua đêm, du khách nên đặt nhà hàng trên đảo các món đặc sản như cá lăng nấu canh chua, cá lăng kho tộ và đặc biệt là món heo mọi quay...

Chiều xuống nhẹ nhàng, không gian tĩnh lặng, ráng chiều phủ xuống mặt hồ yên ả, thơ mộng. Nếu gặp dịp trăng tròn có mặt nơi dây, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, gần gũi thiên nhiên. >>>
Mọi thứ cho một cuộc thám du, dã ngoại đều có thể thuê hoặc đặt mua của Trung tâm du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, kể cả củi cho đêm lửa trại. Tất nhiên, nếu có thể tự chuẩn bị mọi thứ, du khách sẽ tiết kiệm được không ít như các chi phí cho chuyến đi.

<<< Và sáng hôm sau, trong ánh bình minh rực rỡ, tách cà phê sẽ đem lại cảm giác rất lạ khi du khách nhâm nhi ngắm cảnh mặt trời mọc.
Thoảng từ xa vọng lại tiếng máy ‘tành tạch’ của những thuyền đánh cá đêm đang về bến. >>>
<<< Nắng vừa lên là lúc những chiếc thuyền nhỏ của người dân ven bờ hồ bắt đầu một ngày mới cho cuộc sinh nhai.

Những ngư dân nghèo này đi kéo những chiếc lọp đặt từ chiều hôm trước để gom cá ra chợ. >>>
Chụp ảnh lưu niệm trước khi rời đảo Ó, trở về cuộc sống đô thị sau hai ngày vận động, thư giãn.

Bảo tàng bác sĩ A. Yersin

  • Huỳnh Nam (*)

Năm 1895, bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943) thành lập chi nhánh viện Pasteur Saigon tại Nha Trang; đến năm 1904, cơ sở này được chính thức mang tên viện Pasteur Nha Trang. Trong tòa nhà làm việc của viện, có một phòng làm việc và thư viện riêng của bác sĩ Yersin vẫn được giữ nguyên cho đến năm 1997, bảo tàng Yersin được xây dựng với sự giúp đỡ của bảo tàng Pasteur Paris (Pháp).

Nằm trong khuôn viên viện Pasteur Nha Trang (số 10 Trần Phú), bảo tàng Yersin đặt trên tầng hai ngôi nhà nằm bên tay trái cạnh cổng chính vào viện (ảnh). Căn phòng khoảng 100 m2 là diện tích trưng bày khá khiêm tốn so với sự nghiệp lớn lao và những gì nhà bác học này để lại cho nhân loại nói chung và Việt Nam, hay Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng.

Du khách vào thăm bảo tàng phải mua vé 26.000 đồng/người (2013). Nhân viên bảo tàng cho biết, du khách không được chụp ảnh bên trong phòng trưng bày vì sợ ánh chớp đèn flash làm hỏng các hiện vật. Thực ra, hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số ngày nay có thể chụp ảnh nơi này rất tốt mà không cần đèn flash. Trên bốn cái tủ gỗ đặt sát tường, một số tài liệu cung cấp cho du khách thông tin về cuộc đời, sự nghiệp khoa học những công trạng của ông đối với nhân loại được trình bày trang trọng. >>>
<<< Trước đây, bộ kính thiên văn khá lớn này đặt ở hành lang (hướng nhìn lên bầu trời), bên ngoài thư viện và phòng làm việc của bác sĩ Yersin trong tòa nhà lớn. Những đồ vật khác trong thư viện và phòng làm việc của bác sĩ được giữ nguyên vị trí, khiến ai bước vào cũng có cảm xúc như hình dung được nơi nhà bác học này đã làm việc thế nào. Ngày nay, mọi vật được sắp xếp lại trong một căn phòng mới, du khách chỉ được xem vật dụng và tài liệu của Yersin để lại.
Viện Pasteur chỉ là nơi ông làm việc, nhưng ông cũng có giường nghỉ trưa, ngoài bộ bàn ghế làm việc và chiếc ghế mây ngồi đọc sách. Chung quanh vách tường là những tủ sách với gần cả ngàn cuốn sách đủ thể loại được đóng gáy cẩn thận. >>>
<<< Trên bàn làm việc của ông còn một cái máy tính (calculator) được ghi chú sản xuất năm 1920.
Chiếc đồng hồ được ghi chú là "Đồng hồ chính xác của bác sỹ Yersin". Đây là thiết bị đo sức gió và nhiệt độ. Khác với các loại đồng hồ chỉ giờ, nó chỉ có một cây kim, quay một vòng 60 vạch đo, đánh số từ 10 đến 60. >>>
<<< Chiếc kính hiển vi này được ghi chú là đã được bác sỹ Yersin dùng để phát hiện ra vi trùng bệnh dịch hạch (?!).
Khá nhiều đồ vật không được ghi chú bằng tiếng Việt, nên du khách bản xứ không hiểu ngoại ngữ không thể biết chúng là những dụng cụ gì. >>>
<<< Mô hình chiếc thuyền buồm này, trước đây đặt trong phòng làm việc của bác sĩ Yersin, nay được đặt ở cầu thang đi lên bảo tàng.
Đây là chiếc máy xem ảnh ba chiều (3D) của bác sĩ Yersin. >>>
<<< Một du khách đang xem ảnh trong chiếc máy xem ảnh ba chiều.

Bức ảnh bác sỹ Yersin chụp ở xóm Cồn được nhìn qua máy xem ảnh ba chiều. >>>
ẢNH TƯ LIỆU
Sinh thời, bác sĩ Yersin sống ở xóm Cồn, trong một ngôi nhà sát bờ biển tại vị trí nay là nhà khách 378 của Bộ Công An (đầu phía nam cầu Trần Phú). Xóm Cồn nằm sát cửa sông Cái, phía hữu ngạn - bên kia bờ là xóm Bóng - là nơi sinh sống của những ngư dân nghèo khổ từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào định cư, lập nghiệp. Rất tiếc, "Lầu Ông Tư" - theo cách gọi của người dân Nha Trang - tòa nhà này đã bị đập bỏ vào năm 1977 để xây dựng nhà khách của Bộ Công An - hiện nay (2014) là khách sạn 378 và nhà hàng Nha Trang View. Xóm Cồn cũng đã bị giải tỏa.
______________________________
(*) Nội dung chú thích của Mai Lĩnh.