Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Bhutan - xứ sở diệu kỳ!


Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh giá sự thịnh vượng của đất nước dựa trên chất lượng đời sống và hạnh phúc của người dân. Tiêu chí xem xét gọi tắt là GNH (chỉ số hạnh phúc) chứ không quan tâm đến chỉ số GDP (tổng sản lượng nội địa), vốn thiên về năng lực sản xuất hàng hóa.

Ý tưởng của Bhutan từng một thời khiến cả thế giới phải nhắc đến quốc gia bé nhỏ nằm sâu trong rặng Hymalaya xa xôi, cách biệt với thế giới. Bhutan hiện đang nổi lên trong lĩnh vực du lịch như một quốc gia Phật giáo đầy bí ẩn. Họ không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó, họ duy trì cuộc sống thanh bình, thư thả tự nhiên của người dân, không “đô thị hóa”, không “hiện đại hóa”…
Bhutan ch trương phát triển dịch vụ du lịch với một mức giá cao để kiểm soát lượng du khách nước ngoài nhập cảnh và hạn chế sự du nhập những vấn đề tiêu cực xã hội bên ngoài gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa Bhutan. Dịch vụ du lịch góp phần cho sự phát triển của Bhutan, nhưng không gây khó khăn cho việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và ảnh hưởng đến bản sắc dân tộc của Bhutan.

Khách du lịch đến Bhutan sẽ không thấy nhiều hình thức quảng cáo hàng hóa, thay vào đó là những câu khẩu hiện rất khác với những quốc gia đang phát triển như “Cuộc sống là một cuộc hành trình! Hãy lên đường!”, “Hãy để thiên nhiên dẫn đường chỉ lối!” hoặc “Rất xin lỗi nếu có bất cứ sự bất tiện nào!”…

Cuộc sống hạnh phúc trên xứ sở không hiện đại hóa, bê tông hóa...
Một tu viện nằm trên sườn núi cheo leo











Chỉ số GNH của Bhutan được xây dựng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống. Bhutan là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Dân Bhutan theo đạo Phật, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.

Chỉ số GNH được Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck đưa ra khi ông lên ngôi năm
1972. Quốc vương đã trả lời “không” trước nỗ lực “toàn cầu hóa” của thế giới phương
Tây bằng lời tuyên bố nổi tiếng: “Bhutan không có cái gì gọi là Tổng Sản lượng Quốc gia (GNP)
cả, chúng tôi chỉ có cái gọi là Tổng hạnh phúc Quốc gia (GNH) mà thôi”.
Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck và hoàng hậu
Đất nước bé nhỏ bên rìa ngọn Himalaya này (tổng diện tích 47.500 km2) chỉ có khoảng 750.000
người dân và được liệt kê là một trong những quốc gia nghèo nhất trên mức thang phát triển.
Nhưng nếu căn cứ vào chỉ số GNH, Bhutan lại đứng hàng đầu thế giới. Người dân quan niệm hạnh phúc là tự hài lòng với chính mình, với những gì mình có và không tham lam.

Bhutan cũng là nước nghèo duy nhất trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy
nhất trên thế giới hạn chế khách du lịch nhập cảnh (chủ yếu là du khách giàu) nhằm bảo vệ các di tích cổ và các giá trị văn hóa lâu đời.


Trong ba thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm đi đầu thế giới rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn sự phát triển kinh tế. Đây được xem là một hướng đi độc đáo.

Giờ đây, khi thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên… thì riêng một mình quốc gia bé nhỏ Bhutan lại ngày càng nổi lên như một quốc gia thịnh vượng, đã định hướng được cách phát triển bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Những thành tựu đáng kinh ngạc của Bhutan là minh chứng cho điều đó. Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của môi trường ở mức lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa, 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng… Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ, mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ…

Phi trường quốc tế ở thủ đô Thimphu

Bộ trưởng Giáo dục Bhutan - ông Thakur Singh Powdyel từng phát biểu: “Phá rừng phá biển để làm giàu thì quá dễ, ở Bhutan, chúng tôi tin rằng đó không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên - môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân thì một quốc gia mới thực sự được coi là phát triển”.

Ông Powdyel cho biết thêm: “Thế giới thường hiểu nhầm chỉ số GNH của Bhutan. Người ta luôn hỏi làm thế nào mà đất nước các anh lại có được một dân tộc hạnh phúc? Thực tế GNH là một lý tưởng dẫn đường, là đích đến của mọi chính sách, để đất nước chúng tôi có thể phát triển bền vững”.

Ở các trường học ở Bhutan, học sinh được định hướng giáo dục theo chuẩn “nhà trường xanh”. Bên cạnh việc học các môn cơ bản, các em được học cách làm nghề nông, cách sống thân thiện với môi trường, chính các em sẽ tham gia phân loại và tái chế rác của nhà trường mình.

Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp đều có một khoảng thời gian để cô trò cùng ngồi thiền. Chuông báo hết tiết là những đoạn nhạc du dương giúp người nghe thư giãn. Giáo dục Bhutan không đặt nặng việc các em phải là những học sinh giỏi, họ muốn các em sẽ là những công dân tốt.

Tại thời điểm này, Bhutan đang chuẩn bị tiến hành tính toán chỉ số GNH của năm 2014. Năm nay, Bhutan sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản sang cùng tiến hành công việc để minh chứng cho sự chính xác của chỉ số GNH tại đây.

Chỉ số GNH của Bhutan đang ngày càng thu hút sự quan tâm và khen ngợi của dư luận quốc tế, ngày càng có nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới tìm hiểu, phân tích về chiến lược phát triển của vương quốc bé nhỏ nằm trong dãy Himalaya - đất nước Bhutan.

(Tổng hợp từ nhiều tài liệu)