Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Ngã tư Quốc tế Sè Gòong

  • Đỗ Thành
Ngã tư Đề Thám - Bùi Viện
Tôi được sinh ra khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, tại một nhà bảo sanh ở đường Kichener.  Cho nên bây giờ bấy bá tôi có nhận vơ tôi là người Sè Goòng chánh hiệu, chắc cũng không ai nỡ mắng mỏ tôi tiếm danh hay ba xạo.
Tôi sống với gia đình ở con đường đầy lá me bay mang tên Lagrandière, rổi đổi sang Gia Long, và giờ  đây là đường Lý Tự Trọng. Tôi học trường Trương Minh Ký, thi rớt vào ban trung học một năm, phải học lại tiếp liên ở trường Tôn Thọ Tường, mãi đến 1949 tôi mới đỗ vào ban Section Moderne trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Nói như thế để thấy rằng khu vực bao quanh mấy con đường có các ngôi trường tôi đã theo học vốn không gì gọi là xa lạ. Bắt đầu là đoạn Trần Hưng Đạo (hồi đó gọi là Galliéni), vòng vòng sang vài con đường nhỏ, quẹo lại Phạm Ngũ Lão (tức đường Grimaud) và bọc tròn nơi con đường Đề Thám với cái ngõ ăn thông mang tên Bùi Viện.
Sở dĩ tôi còn nhớ dai như vậy là vì tôi đã trải dài tuổi thơ với những cảnh vật quanh quanh đó. Tôi nhớ rạp hát Thành Xương, đình Cái Quan, rạp Đại Nam, hai trường tiểu học tôi đã theo đuổi qua nhiều lớp, đồng thời còn nhớ thêm rạp Nguyễn Văn Hảo nữa ấy chứ.
Lớn lớn lên bày đặt sống bụi bụi, tôi đã từng ăn cơm tại quán Anh Vũ, ngấp nghé nhìn cái “đăng xin” (vũ trường) có tên là Tháp Ngà (Tour d’ Ivoire), lan man một số phòng khám răng, buôn bán, nhà thuốc tây, hiệu sách Nam Cường, Yiễm Yiễm thư quán, để rồi nghe nói tới cái tên kỳ cục: Ngã Tư Quốc Tế Sè Goòng!
Cuối đường Đề Thám thông ra Trần Hưng Đạo
Thú thật tôi mù mịt không rõ vì sao lại có cái tên như thế và do ai đặt ra? Bởi vì ở quanh mấy khu tứ giác đó đâu có một cơ sở, cửa hiệu, xí nghiệp nào của nước ngoài chen vào, nên gọi “quốc tế” là vì sao, hổng biết! Mà hồi đó đâu có chuyện khách Tây ba lô tụ về đây nghỉ trọ, ăn chơi như bây giờ?!
Tôi có cất công dò hỏi thì người lớn chẳng ai giải thích được, còn cái tên thì mặc nhiên được nhắc tới hằng ngày.  Bây giờ nghe nói có “lão” Gú Gồ biết tuốt, tôi bèn vào thử thì biết địa danh “Ngã tư Quốc tế” được gán cho khu tứ giác gồm các đường Trần Hưng Đạo, Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Quang Đẩu. Thế thôi!
Ngã ba Phạm Ngũ Lão - Đề Thám
Lý do tôi có băn khoăn là vì cái khu ấy vốn trước đây yên ắng mà ngày nay rộn ràng phải biết. Từ những dãy nhà thấp lè tè, một tầng, đơn điệu, chen chúc nhau trong cái ngõ bình dân, bên cạnh những nhà xây cao ở mặt ngoài các con phố chính, đâu ai ngờ ngày nay được gọi là Phố Tây mới oách chứ!
Dân Sè Goòng vốn giỏi xoay sở, mọi sinh hoạt mới mẻ và xa lạ dễ bắt méng và hội nhập ngay. Từ khi nước nhà mở cửa, dân tứ xứ ghé lại du lịch, làm ăn, áp phe, hay đơn giản chỉ là đến xem cho biết thì cái “khu nhà lá” ấy thay hình đổi dạng chóng thật.
Quán bar la liệt, cà phê, ăn nhậu suốt đêm ngày, người đến người đi rầm rập, bạn đừng cố công tìm hiểu họ là ai, làm gì, sinh sống thế nào, vì bạn sẽ không bao giờ tìm ra một câu đáp cụ thể. Các chủ nhân hoặc tự có vốn vội biến cải các căn nhà thành những House, mini hotel, hoặc có ai đó sẵn sàng bỏ vốn canh ty cùng ăn chia thu lợi, hoặc họ đi vay nặng lãi để theo kịp với phong trào.
Khu Ngã tư Quốc tế tuy vẫn còn nhỏ, vẫn nép mình khiêm nhường trong mấy con ngõ hẹp mà sức sống tiềm tàng của nó mạnh khiếp. Có khi mức thu nhập và huê lợi sánh ngang hoặc lớn hơn những khu nhà cao cửa rộng, lầu gác quanh quanh đó.
Ở đây hầu như không có ngày đêm. Hỏi bất cứ một bác xe ôm, hay anh tài tắc xi nào cũng đều biết. Thậm chí chỉ cần nói tên nhà trọ, khách sạn, hay house gì là các vị sẽ đưa khách đến tận nơi muốn đến. Giá cả mỗi nơi xê dịch nhau, chênh lệch vài ba chục nghìn, nhưng muốn tìm gì cũng có, kể cả lúc đêm quá  khuya.
Bạn vừa từ một chuyến xe trễ đến Sè Goòng ư?  Bạn cần tìm một nhà trọ hợp túi tiền và cạnh đường phố trung tâm ư?  Bạn muốn tìm hiểu về lối sống, sinh hoạt và nghề ngỗng của khách tứ xứ, đa quốc gia đến viếng Hòn Ngọc Viễn Đông ư?  Đừng lo, bạn sẽ có câu trả lời đích xác, thỏa mãn và ưng bụng sau chuyến đi thăm thú ngắn hoặc dài ngày này.
Đường Đề Thám
Bạn sẽ bắt gặp đủ hạng người, trí thức có, dân chơi có, ba lô có, áp phe có, cò mồi có, mọi dịch vụ đều có, chỉ cần bạn ra ngồi vỉa hè một quán cà phê đêm hay một quán điểm tâm sáng, bạn sẽ có thể tìm ra những con người bạn cần tiếp xúc.
Bạn có dịp nghe xì xồ tiếng một số nước châu Phi, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật, và cả tiếng các nước Bắc Âu nữa. Họ sang dạy ngoại ngữ, tìm hiểu thị trường, kiếm đường mần ăn, đi buôn, du lịch hay làm thứ gì khác, họa may có Trời mới hiểu.
Tiếng là Phố Tây song không câu nệ dù bạn là khách nội địa. Ở đây rất sòng phẳng, muốn gì cũng có, nhưng điều cần và đủ là phải có tiền. Bạn sẽ được đối xử công bằng như mọi người, sẽ bô lô ba la với bất kỳ ai bạn gặp, và có khi chạm được người sởi lởi bạn còn được bù khú chung với họ giây lát, như thân tình và quen thuộc đã lâu.
Ở đây, xen các nhà trọ và hàng quán, vẫn còn những căn do dân sở tại bám trụ. Ai đã đi thì đi rồi, ai nán lại vì nhiều lý do nào đó thì họ vẫn bén nhạy mở ra một cửa hàng xén nhỏ tại gia phục vụ cho đám cư dân đa sắc tộc này.
Gói xà phòng giặt, dăm cái kẹo cao su, mấy gói mì ăn sẵn, cái khăn, cái mũ, cặp kính đeo mắt, hay nhỏ nhoi là bao cao su ngừa bệnh cũng không thiếu. Cái ‘đăng xin’ Tháp Ngà dẹp lâu rồi, quán cơm Anh Vũ cũng đã nghỉ, rạp Thành Xương, Bầu Thắng, Nguyễn Văn Hảo, Đại Nam cũng đã biến thể thành nơi buôn bán hay mọi sinh hoạt khác, thế nhưng vẻ ồn ào không vì thế mà mất đi, có khi lại còn sâu thêm, dai dẳng thêm và kéo dài thêm là khác.
Cùng với các mặt tàn tàn này, con đường Phạm Ngũ Lão ngày nay sầm uất hơn lên nữa. Ga xe lửa đã dời, đường sắt đã gỡ, nguyên khuôn viên cũ giờ thành một vườn hoa, và rải rác là các phòng bán vé xe ca đường dài, đi các tỉnh và sang cả bên Căm Bốt.
Các trung tâm du lịch này bao đủ mọi việc, từ vé xe, đặt khách sạn, hay linh tinh những thứ âm thầm mà không sao kể cho hết. Lang thang trên con phố là đủ mọi thành phần, tơ huơ như người vô gia cư có, sang trọng như dân áp phe cũng không thiếu, cho đến người khiếm tật từ đâu đâu sang thăm thú cũng không nghèo.
Con hẻm nối đường Phạm Ngũ Lão với Bùi Viện
ngày xưa lụp xụp nay đã đổi đời
Bạn có thể bất chợt nhìn thấy một cô gái mù dùng chiếc gậy dò đường đi thoăn thoắt quanh những con phố trên đây. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cô ấy sử dụng chiếc gậy thành thạo như có một đôi mắt thần gắn ở đầu để giúp cô đi an toàn, không vấp váp. Điều ngạc nhiên vô cùng là cô đi trên lề hoặc ở dưới lòng đường mà không bao giờ va chạm bất cứ ai. Thú vị nhất là đến các đầu đường, cô bẻ ngang thước thợ y như lính chuyên nghiệp bẻ góc đầy đủ và cẩn thận.
Bạn cũng sẽ gặp hàng ngày những đám du khách ba lô lềnh khênh vác nặng trên lưng, quần áo hở hang tuềnh toàng, nhưng miệng nói líu lo, thở khói thuốc liên miên, ồn ào trên các phố. Có khi bạn sẽ hốt hoảng vì tiếng ván nhún ùng ùng lướt tới để rồi nhìn cách né lách tuyệt nghệ của một tay skatingboarder trổ tài làm người đi đường phải giật mình né tránh.
Nhà trọ dày đặc trong hẻm nhỏ
Xa Sè Goòng 19 năm, một lần có dịp ghé lại khu tứ giác Ngã tư Quốc tế hồi nào, lòng tôi nao nao vì người xưa cảnh cũ đổi thay nhiều quá. Đứng ở góc con ngõ Bùi Viện nhìn thông thống vào, tôi cố nhớ lại thuở thơ ấu ngày xưa. Tim hơi nhói lên, mắt như mờ mờ có chút lệ, tôi hỏi lòng mình đang nghĩ, đang nhớ gì đây.
Dạo đó tôi cùng vài anh bạn tạt vào trọ tại một nhà nghỉ ở ngõ Bùi Viện. Chúng tôi vừa từ chuyến tàu Nha Trang vào để rong chơi 5 ngày sang xứ Chùa Tháp. Sống lại với Sè Goòng 2 ngày 2 đêm, tôi mang một ý đậm về thành phố có một thời tôi đã từng sống. Vẫn nhớ lại cả những ngày đi buôn chuyến, vẫn hay ra dãy phố cạnh phòng răng bác sĩ Nguyễn Năng Thân xưa để chờ nhận lấy hàng. Những chiếc tàu chợ kéo dài một đêm một ngày ghé khắp các ga, trạm lớn nhỏ để nhặt từng đồng độ nhật, nuôi thân.
Có lần đi ngang ngôi trường Trương Minh Ký hay Tôn Thọ Tường tôi đã phải bước vội vì hình ảnh Sè Goòng tuôn ồ ạt vào hồn tôi nhanh và sâu quá. Tôi thấm thía về sự đổi thay và bây giờ đứng tần ngần ở góc đường nơi nhà thuốc tây của dược sĩ Thế trước đây, tôi nhìn mút về hướng Ngã tư Quốc tế mà bồi hồi, tự hỏi đến khi nào tôi sẽ được ai đó nói cho nghe tại sao có cái địa danh này?
________________________________
  • Ảnh: Mai Lĩnh