Thơ TÔN PHONG




TÔN THẤT PHONG
(1930 - 2014)

Quê quán: Phú Lộc, Thừa Thiên.
Những năm cuối đời sống loanh quanh rồi mất ở Nha Trang ngày 10-3-2014.


Đã xuất bản:

- Tiếng Hát Đồng Quê (Nxb Thanh Hóa - 1960)
- Mộng Du (Hội VHNT Khánh Hòa - 1992)
- Cổ Tích Buồn (Nxb Thanh Niên - 2004)
- Người Đãng Trí (Nxb Thuận Hóa - 2009)
- Di Cảo Thơ Tôn Phong (Nxb Thuận Hóa - 2016)
______________________________________

Xin mời nhấp chuột để mở từng trang: 









_____________________________________________________


ĐÔI LỜI

Nhà thơ Tôn Phong. Ảnh: Phạm Đình Quát

Những bài thơ của anh Tôn Phong được đăng tải ở blog này từ nguồn là những mảnh giấy rời tác giả chép lại, giao cho Mai Lĩnh giữ, sau đó được lưu vào máy tính trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2002. Trong số này có những bài đã được in thành tập và số khác đã in rải rác trên các báo và tạp chí văn nghệ; cũng có thể có bài chưa từng in. Ngược lại, cũng có thể có những bài thơ đã in trong các tập thơ (nêu trên đây) hoặc in trên các báo, tạp chí mà không có lưu trữ trong blog này.
Cũng xin nói thêm, những bài di cảo của Tôn Phong ở đây là do cách gọi của người lưu giữ và đưa lên blog; không liên quan đến là nội dung của tập Di Cảo Thơ Tôn Phong do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2016.

Cớ sự này là do hoàn cảnh riêng và tính cách của nhà thơ trong thời gian ông sống tại Nha Trang (từ sau 1975); ông thay đổi chỗ ngụ liên tục, có những lúc có thể dùng từ "lây lất", "vất vưởng" nhưng nhà thơ luôn có phong thái an nhiên dù trong sâu thẳm là những day dứt khôn nguôi. Ông thường gọi cuộc sống của mình là "cõi mộng du".

Tôn Phong sống gần gũi với một số bằng hữu, trong đó có rất nhiều người còn trẻ tuổi (vào những năm '80 của thế kỷ trước), họ coi ông như người anh, người bạn "vong niên" với tình cảm quý mến và lòng ngưỡng mộ.
Tôn Phong đã sống một cuộc đời "bầm dập"; chẳng hiểu vì sao lại như thế, bởi ông sống rất hiền, rất bao dung và có phần... nhẹ dạ, cả tin. Nói không ngoa, ông chẳng bao giờ giận ai. Thơ ông có khi bộc lộ một cuộc sống bế tắc, có khi lộ ra chút bất mãn. Nhưng tuyệt nhiên không có sự cay cú, cay nghiệt như phần lớn người khác nếu phải trải qua những điều Tôn Phong phải chịu đựng.

Chặng đời Tôn Phong sống ở Nha Trang, có nhiều chuyện có thể coi là giai thoại và đã trở thành những kỷ niệm nhớ đời với những người "bạn" trẻ khi ông đã về chiều mà bây giờ, một số "bạn" trẻ của ông cũng đã lần lượt ra đi.

Có lần, trong cuộc rượu (khoảng năm 1999) Mai Lĩnh nói: Nhà thơ Tôn Phong hồn nhiên như một chú bé bước vào tuổi "cổ lai hy" . Anh cười, bưng tô rượu lên tu một hơi!

Thơ ông viết rất nhanh khi tứ thơ lóe lên; chép vội vào mảnh giấy nào có được dù ông có trí nhớ khá tốt. Chỉ có điều, đọc thầm trên giấy thì ngấm mà thấy sướng chứ khó ai có thể đọc hoặc ngâm thơ anh mà thể hiện cho người nghe thấm ý. Sướng nhất là chỉ những lúc nghe chính Tôn Phong "đọc" thơ Tôn Phong. Nghe say mà quên cả đường về.

Như vừa nói trên, tôi góp nhặt những mảnh giấy chép thơ của Tôn Phong với "nhiệm vụ" lưu giữ giúp ông. Vì công việc, tôi phải rời Nha Trang vào Saigon nên từ đó ít gặp ông.
Những bài thơ được góp nhặt, ghi dần vào đĩa mềm, chuyển sang ổ cứng và lưu giữ ở đây. Còn những tập sách thơ Tôn Phong được xuất bản, có thể còn những bài chưa chép vào đây được. Thôi đành chờ lúc nào đó thảnh thơi và còn đủ sức, xin sưu tầm, đối chiếu để bố sung sau vậy.

Mai Lĩnh - Phạm Đình Quát
_______________________________________________________________

(Bản quyền thuộc về gia đình của nhà thơ Tôn Phong. Xin liên hệ chị Phạm Thị Ái Mỹ nếu muốn sử dụng cho việc in ấn, xuất bản. Xin cám ơn).