Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Banteay Srei và vùng núi Kulen

  • Đỗ Thành - Mai Lĩnh
Trong hai ngày trước, chúng tôi đã đến Angkor Wat, Angkor Thom và hai ngôi đền nổi tiếng là Bayon và Ta Prohm. Những điểm đó ở gần nhau và cũng gần thành phố Siem Reap nên hầu như mọi du khách đến Siem Reap đều thăm hết, không bỏ qua nơi nào, dù là khách theo đoàn tour hay đi tự túc. Sang ngày thứ ba, chúng tôi dành cho một điểm mới, cả bốn người chúng tôi chưa từng biết đến ở vùng núi Kulen.
Khi sắp rời Bayon sang Ta Prohm, chúng tôi gặp Sophia vừa dừng xe tuk tuk để thả mấy người khách Tây xuống Bayon. Một người trong nhóm hỏi thăm anh ta về đền “Thác Nước”, là nơi chúng tôi nghe một người bạn ở Sài Gòn nói và khuyên chúng tôi nên đến thăm.
Thoạt nghe hỏi, Sophia không hiểu. Anh bảo, anh biết tất cả các ngôi đền ở Siem Reap nhưng không có đền nào tên gọi như vậy. Nhưng chợt nghĩ ra điều gì, Sophia chỉ lên cạnh mui xe tuk tuk và nói: “Có phải ý các anh là thác nước này không? Đó là nơi nhiều du khách rất muốn đến tham quan, nhưng ở đó không có ngôi đền nào hết”. Dọc hai bên trong mui xe có dán hơn chục tấm ảnh các thắng cảnh và đền đài ở Siem Reap. Một người trong nhóm chúng tôi chỉ vào tấm ảnh thác nước và nói “Đúng là chỗ này”.
Sophia nói, “Tôi hiểu rồi, thác nước này ở con suối Kbal Spean dài khoảng 150 mét, trên núi Kulen, thuộc huyện Banteay Srei. Đó là di tích gắn liền với truyền thuyết về thần Vishnu, thường được gọi là 'Valley of a 1000 Lingas' hay 'The River of a Thousand Lingas'. Người Khmer gọi là 'Con suối ngàn linga'. Suối này là thượng nguồn của sông Stung Kbal Spean, dài 25 km. Trên đường đi Kulen, sẽ đi ngang qua ngôi đền ở Banteay Srei”.
Một trong ba trạm dừng chân cho du khách trên đường lên núi Kulen
Mới nghe Sophia nói sơ qua là chúng tôi đã thấy hấp dẫn, không cần biết có đúng là chỗ mình nghe ông bạn ở Sài Gòn kể hay không, cả nhóm vui vẻ đề nghị anh ta sáng hôm sau đến khách sạn đón chúng tôi đi sớm. Có hai lý do để chúng tôi quyết định nhanh: một là thấy anh lái xe tuk tuk này có vẻ thật thà và am hiểu về các đểm du lịch; hai là chúng tôi đã thấy hơi nhàm với các đống đá suốt hai ngày rồi nên nghe nói tới núi rừng với suối, thác là thích ngay.
Tối hôm ấy về khách sạn, tôi đọc được thêm thông tin về vùng núi Kulen (trước đây gọi là núi Mahendraparvata): Đức vua Jayavarman II - người khai sinh nhà nước Angkor, đã tuyên bố độc lập khỏi Java và xây dựng kinh đô đầu tiên của Campuchia tại vùng đồi núi Kulen này. Vì thế, người Khmer coi đó như thánh địa, vùng đất thiêng liêng đối và thường lên Kulen hành hương và dã ngoại.

Lên núi Kulen
Sáng hôm sau, cả bọn thức dậy sớm, thu dọn hành lý rồi ra căng tin ăn sáng. Giờ trả phòng là 12g trưa, nhưng chúng tôi đã thanh toán đủ tiền khi đặt phòng trước ở TPHCM nên dặn lễ tân là nếu có người thuê phòng, họ chuyển giúp hành lý của chúng tôi ra quầy tiếp khách, đến chiều chúng tôi quay lại lấy.
Đúng hẹn, Sophia đón chúng tôi ở khách sạn My Home. Dù đi nơi khác, khá cách xa khu vực Angkor nhưng chúng tôi vẫn phải qua cổng soát vé. Cô gái Khmer xinh đẹp cúi đầu chào chúng tôi với nụ cười tươi và lời chúc may mắn sau khi bấm chiếc lỗ thứ ba lên tấm vé; thế là hết 40 đô la cho ba ngày vào khu vực quần thể di tích mênh mông ở phía tây bắc đất nước Campuchia.
Khác hẳn anh chàng tuk tuk đón chúng tôi ở bến xe đêm mới đến Siem Reap và đưa chúng tôi đi thăm Angkor hai hôm trước, Sophia có dáng vẻ như một nhà giáo, điềm đạm, vui vẻ và luôn sẵn sàng giải thích những điều chúng tôi hỏi thăm về địa lý, văn hóa và sinh hoạt của người địa phương.
Dọc hai bên đường đi Banteay Srei, nhà cửa và cảnh sinh hoạt nông thôn không khác mấy so với ở miền Trung Việt Nam. Phần lớn nhà thấp lè tè, che chắn tạm bợ bằng đủ thứ vật liệu tôn, thiếc, gỗ, bìa, ván... Nhìn khuôn mặt người dân nơi dây mang nét hiền hòa, có vẻ an phận, cam chịu cuộc sống.
Chảo nấu đường thốt nốt bán tại chỗ

Cây thốt nốt
Ngang qua một dãy hàng quán bên vệ đường, chúng tôi bảo Sophia dừng xe để chụp ảnh. Điểm thu hút sự chú ý là phía trước một dãy lều tranh cắm dù san sát treo nhiều thứ hàng lưu niệm lạ mắt, xen giữa là những cái bàn chất đầy những bánh đường thốt nốt, cạnh mỗi bàn là một cái chảo lớn bắc trên ụ bếp bằng đất sét, đang bốc hơi nghi ngút.
Sophia cho biết, đó là những chảo nấu đường thốt nốt và bán tại chỗ cho du khách ghé tham quan.  Mỗi sáng sớm, người ta trèo lên cây, hái quả và hoa thốt nốt, đem xuống lột vỏ, rửa sạch và cho vào chảo. Khi có khách ghé ngang thì họ trổ tài nấu và mời mua sản phẩm đã làm sẵn. Sophia chỉ cho chúng tôi phân biệt cây thốt nốt nào là cây đực và cây cái: “Cây chỉ cho hoa là cây đực, còn cây cho trái là cây cái; để nấu thành đường cần phải được trộn chung hoa với nước mật thì đường mới ngọt và keo hơn”.
Tôi vừa đứng nói chuyện với Sophia mấy phút, quay lại đã không thấy ba người cùng nhóm đâu nữa. Hóa ra họ kéo nhau vào cái lớp học bên kia đường. Mới nhìn dễ tưởng nhầm là cô giáo dạy thêm ở nhà như bên xứ ta vì lớp chỉ có khoảng hơn chục trò tuổi mẫu giáo đứng vây quanh cô giáo dưới một nhà sàn, bên trên là chỗ ở của gia đình. Nhìn một lát thì biết nhà sàn bên cạnh cũng vậy, có lớp học khác nên tôi đoán đây là trường mẫu giáo của làng. Thế mà cũng mất hơn 30 phút sau, mấy chiếc máy ảnh mới dừng nháy để Sophia tiếp tục lên đường.
Ánh mắt bé gái Khmer

Học sinh mẫu giáo ở ngôi trường làng ở vùng Banteay Srei
"1500m to Kbal Spean"
Ở chỗ xe tuk tuk rẽ vào tay trái, tôi thấy cột cây số ghi 59km (từ trung tâm Siem Reap đến đó), đi thêm hơn 1km nữa là đến bãi đậu xe. Thấy tấm bảng ở chỗ soát vé ghi “1500m to Kbal Spean”, tôi thầm lo vì không hiểu là độ cao hay độ dài đường lên núi?!
Đường đi khúc khuỷu, lồi lõm, lọt thỏm vào một góc rừng chấp chới nắng, lỗ chỗ xuyên từng mảng rơi rắc trên lối đi, dưới tàng cây dầy và rậm cao. Nền đất pha cát màu vàng kệch, lắm nơi bị nước xói thành bậc cấp, hay ngoằn ngoèo luồn dưới các rễ cây, chúng tôi phải bám vào dây rễ đu người mới đi qua được. Từng chặng 500 mét lại có một nhà gỗ có băng ghế làm chỗ ngồi nghỉ chân cho du khách. Gặp lúc ít khách (khách Tây cũng đông nhưng họ đi thẳng, không nghỉ chân) anh em chúng tôi ngồi đã thì nằm lăn ra ghế, chân tay gác lên lan can thoải mái, ngắm nhìn những chùm hoa chúm chím tựa như hoa ti gôn với cảm giác an bình và lãng mạn.
Bướm ở đây rất nhiều, to nhỏ khác nhau, màu sắc rực rỡ, dạn dĩ, bay lượn chập chờn, bay liệng thăm dò rồi xà xuống đậu trên lan can và cả trên tay, chân chúng tôi. Trước còn mon men, thập thò, sau chẳng nề hà đậu rất lâu, dù chúng tôi có nhúc nhích hay ngo ngoe cử động thì chẳng biết sợ nữa.  Vô hình dung anh em được dịp bấm máy lia lịa, còn đùa vui với nhau là “tay ải tay ai tỏa hương quyến rũ” nên bướm đậu.
Rễ cây sralao bò lan khắp trên lối đi lên suối Kbal Spean ở núi Kulen
Dọc đường, có các biển báo quãng đường ngắn dần như ‘lên dây cót’ nhằm khuyến khích du khách. Thực ra, cách làm của nhà quản lý nơi đây rất hay. Họ không xây bậc cấp hay tráng xi măng, lát đá con đường lên núi mà để tự nhiên hầu hết chiều dài, chỉ làm bậc tháng gỗ ở hai vị trí khó nhất, có thể nhiều người không trèo qua được gộp đá cao.
Rừng này cũng có nhiều cây sralao như ở đền Ta Prohm, rễ cây bò rộng ra, nhiều chỗ tạo thành bậc cấp tự nhiên, rất dễ bước đi. Với một người sức khỏe bình thường thì con đường lên núi này chỉ là ‘chuyện nhỏ’, nhưng cũng có được cảm giác đi núi chứ không như bên ta làm thang máy cho khách lên viếng động Huyền Không ở Ngũ Hành Sơn. (Xin ‘bật mí’ cùng quý bạn đọc: người viết bài này năm nay vừa chẵn 80 cái xuân xanh!).
Bướm vàng rập rờn khắp khu rừng, đậu cả trên tay
người ngồi nghỉ chân trên đường lên núi

Công nhân quét rác hàng ngày dọc con đường lên núi Kulen