Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Con suối ngàn 'linga'

  • Đỗ Thành - Mai Lĩnh
Một đoạn suối Kbal Spean có đáy là nền đá tảng trở thành bức phù điêu có một không hai trên thế giới với hình tượng hàng ngàn linga được nhìn thấy rất rõ vào mùa khô, khi dòng suối cạn nước.
Cho đến khi nhìn thấy dòng suối nhỏ tràn qua khe đá với những hình thù điêu khắc chạm trổ theo mô típ liên quan đến thần Vishnu và vô số linga, yoni chúng tôi vẫn chưa nghĩ là mình đã đến đích! Chả thấy bóng dáng thác nước đâu, cũng không nghe vọng tiếng của nước đổ từ trên cao xuống. Chả lẽ thác là cái khe nước này sao?

Cả một vùng cây rừng che phủ, chỉ thấy dòng nước nhỏ trong vắt lèn lách qua các tảng đá. Một lối đi nho nhỏ viền quanh, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Một ông chừng hơn 60 tuổi, đeo phù hiệu của ban bảo vệ di tích, chừng như hiểu được thắc mắc của chúng tôi qua nét mặt chưng hửng không giấu được đã đến gần giải thích. Bấy giờ chúng tôi mới nhìn ra chi chít những phù điêu khắc lờ mờ trên đá và nghe sự tích về các hình tượng đó.
Hình ảnh thần Vishnu bên dòng suối Kbal Spean.
Theo truyền thuyết, thuở xa xưa, hằng đêm thần Vishnu và các vị thần tiên khác thường rủ nhau xuống tắm ở hồ nước này. Vishnu cùng với Brahma và Shiva là tam thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo. Tín ngưỡng dân gian của người Khmer tin rằng tam thần ngự trị và chở che cho đất nước Campuchia.
Dọc theo con suối, nhất là ở vị trí được cho là nơi thần Vishnu và các thiên nữ thường tắm, các tảng đá dưới đáy và dọc hai bờ được chạm khắc hình tượng các vị thần.
Dù không có đền tháp nhưng cảnh vật nơi đây toát ra nét thiêng liêng, huyền bí; song các chạm trổ thì lại mang nhiều nét phồn thực. Bên cạnh một vài cảnh diễn tả các nữ thần lặn ngụp theo dòng nước thì đa phần là các tạo khắc về yoni và linga. Cái thì to đùng hiện trên mặt nước, cái thì khép nép dấu dưới làn nước róc rách chảy tràn qua.
Năm 1050, vua Suryavarman I ngăn con suối Stung Kbal Spean trên đỉnh núi và cho điêu khắc ngay trên các tảng đá dọc bờ suối và nền đá đấy suối với hàng ngàn hình tượng linga, yoni cùng với nhiều bức phù điêu chạm trổ các tượng thần Deva, tiên nữ Apsara... Ở thượng nguồn dòng suối, có nhiều phiến đá khổng lồ chạm trổ nữ thần sắc đẹp Laksmi vô cùng sống động. Phải mất hơn 100 năm, công việc này mới được hoàn thành. Người dân Khmer gọi đây là ‘Dòng sông ngàn Linga’. Đến giờ người ta vẫn chưa thể trả lời được người xưa đã làm như thế nào để có thể thực hiện công trình này.
Tôi hỏi về thác nước, người đàn ông Khmer ấy gọi một cô gái trẻ, bảo chúng tôi đi theo cô ta. Cô gái đi trước, vừa đi vừa nói chuyện khá tự nhiên. Cô chỉ tay và lưu ý chúng tôi từng vật tổ âm dương riêng biệt, hoặc chồng lấn lên nhau. Có khi cô còn hí hửng kể về một yoni có đến 5 linga lọt vào một lượt! Mấy bạn cùng đi mê mẩn ngắm nhìn, chụp ảnh liên tục.
Loáng thoáng lướt qua, một vài anh chị Tây ba lô cũng cởi áo ngoài hoặc thu váy cao lên cho nó mát, gặp bọn tôi còn đưa tay ngoắc ngoắc hé lô, hé la ỏm tỏi.
Lại vượt qua một đoạn đường mòn dốc, đến một bậc thang gỗ vừa hai người đi, cô gái xuống trước, chúng tôi bước theo. Mát thật mát, hơi nước, khí đá bốc ra quyện hòa với khung cảnh um tùm làm cho sảng khoái thật sự. Một dòng thác nhỏ trong leo lẻo chảy như rót vào một vũng nhỏ, y như một khe nước thì đúng hơn là thác.
Cô gái dẫn đường nói: “Mùa này nước ít, nhưng vào mùa mưa thác chảy dữ dội, cảnh đẹp lắm”. Tôi nghĩ bụng, mùa mưa nước ngập đầy, đường trơn trợt, có ma vào đây mà xem nước lớn hay nhỏ. Tuy vậy cũng phải thư giãn một chút cho bõ công lên núi. Một anh bạn xăm xăm muốn nhảy xổ vào chỗ nước tuôn, ngặt cái ở đó đang có một em dáng người Bắc Âu đang tuềnh toàng đứng tắm, độc áo ngực và quần xì nên anh cứ nhấp nhổm vì sốt ruột.
Cô em Bắc Âu nghịch cũng dữ, nhảy vắt vẻo lên gộp đá, hứng trọn tia nước vào người, đôi khi lao chao tưởng trượt chân bổ nhào mà lại chụp vịn kịp, cười hề hề, trông rất ...‘dễ ghét’.  Một anh khác leo trèo lên khối đá cao đối diện với ngọn thác, lăm lăm hướng máy nhắm tứ tung. Tôi nghĩ thầm trong bụng: bác này đang vờ vĩnh trình diễn, song thực là đang chụp trộm người đẹp đang tắm. Y như rằng, sau đó anh bạn đã khoe những kiểu đã chụp được, phải nói có nhiều tấm nhìn cũng thấy... ngẩn ngơ!
Cô gái dẫn đường, thuyết minh và chup ảnh rất điệu nghệ 
Tung tăng ở thác nước khoảng hơn tiếng đồng hồ. Chúng tôi nhờ cô gái dẫn đường chụp hộ kiểu ảnh cho cả bọn. Lại bất ngờ! Cô công nhân trên núi này cầm máy ảnh với tư thế rất giống dân chuyên nghiệp; lần lượt sử dụng 3 chiếc máy lạ không chút lúng túng và xem lại ảnh, chúng tôi rất hài lòng với bố cục ảnh của cô. Có vẻ cô ta đã quen với việc bấm máy giúp cho du khách. Chợt nhớ đến mấy hướng dẫn viên du lịch của bên ta mà thấy buồn; nhiều anh em không thành thạo chụp máy ảnh và nói tiếng Anh không bằng cô gái Khmer này.
Chúng tôi xuống núi. Đi xuống đỡ vất vả hơn, nhưng lúc này trời rất oi bức vì đã hai hôm nay không mưa nổi, lại thêm cái bụng bắt đầu kêu réo. Ra khỏi rừng khi đã quá trưa nhưng chúng tôi không muốn vào ăn ở dãy quán ngay chân núi, một phần vì thức ăn bên này nhiều dầu mỡ và ai nấy mồ hôi ra ướt đẫm. Một bạn đề nghị Sophia tìm quán dọc trên đường về ghé vào ăn trưa.
Xe chạy mãi, chạy mãi vẫn chẳng thấy bóng một hàng quán nào, anh em lao chao như say sóng. Chợt thoáng thấy một ngôi nhà ven đường có treo mấy thứ lặt vặt và có nước giải khát cạnh một thùng nước đá, lúc ấy xe đã vượt qua nhưng mọi người vẫn réo Sophia quay xe lại, ghé vào. Đó không phải quán ăn, chỉ là hàng tạp hóa nho nhỏ bán cho dân trong xóm. Hỏi có gì ăn thì chủ quán cười, chỉ tay vào đống mì gói. Nhìn quanh chỉ có mấy gói bánh kẹo, loại cho trẻ con.
Tuy vậy, sau khi dội nước lên đầu rửa mặt, rửa tay chân và uống mấy lon Coca, nước cam xem ra mọi người đã tươi tỉnh đôi chút nên bảo chủ nhà nấu mì gói ăn đại. Sophia và một vài anh em lăng xăng phụ nhóm bếp, bắc nước và soạn xé mì gói ra thành từng tô. Cứ thế vừa làm vừa pha trò cho quên đi thời gian và cái bụng. Cũng may sao, tủ lạnh nhà ấy sẵn thịt heo và rau sống nên mấy tô mì cũng hết nhẵn. Cả bọn ăn vui vẻ, cũng quậy đũa rổn rảng, cứ như chưa bao giờ được ăn một bữa ngon như thế. Đó là một bữa trưa nhớ đời của cả bọn.
Trong lúc ngồi nghỉ, Sophia nói “Bây giờ còn sớm, các anh còn muốn đi đâu nữa, tôi chở đi không tính thêm tiền”. Rồi anh ta gợi ý đến ngôi đền ở Banteay Srei và làng người Việt định cư ở bờ biển hồ Tonlesap.
Banteay Srei là ngôi đền có sự khác biệt với đền đài khác ở Siem Reap nên có sức quyến rũ du khách. Ngôi đền này được xây dựng bằng loại đá sa thạch hồng màu hồng, trong khi hầu hết đền đài Angkor được làm bằng đá ong, đá xanh và một số ít granite. Đền Banteay Srei nằm bên đường chúng tôi đang đi về và đến đó, chỉ còn 35km là đến trung tâm thành phố Siem Reap.
Đã biết ngôi làng người Việt ở Biển Hồ, chúng tôi không muốn quay lại nơi ấy. Nhưng thấy Sophia nhiệt tình, chúng tôi bảo anh ta ghé vào đền Banteay Srei. Nhưng đến đó, chỉ hai trong bốn người còn sức để lội bộ vào bên trong để chụp ảnh. Hai người ngồi trên xe tán dóc với Sophia chờ bên ngoài.
Chúng tôi về đến khách sạn My Home trời vừa tối. Hành lý đã được đưa ra xếp gọn một góc quầy. Anh lễ tân lịch sự cho biết dù đã trả phòng, song chúng tôi cứ tự nhiên dùng các tiện nghi cho đến giờ ra xe đi Shihanouk Ville. Lại nhảy ra hồ bơi, uống bia Angkor và check mail một hồi, chúng tôi chia tay anh em phục vụ ở My Home, ra phố ăn tối rồi lên đường.