Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Kbal Spean - Con suối mang dấu ấn thần thoại

  • Mai Lĩnh
Dòng suối Kbal Spean trên núi Kulen thuộc địa phận các huyện Svay Leu và Varin, tỉnh Siem Reap. Tại đó, vào đầu thế kỷ IX, vua Jayavarman II tuyên bố độc lập khỏi Java, lập nên triều đại Angkor và xây dựng kinh đô đầu tiên của người Khmer vào năm 802 trên đồi Mahendra. Con suối Kbal Spean chính là nơi phát nguồn của sông Stung Kbal Spean, sau đó đổ ra sông Siem Reap.

Từ chân núi - cách thành phố Siem Reap hơn 60km - theo con đường dốc lên núi dài 1.500 mét tương đối dễ đi, sẽ gặp suối Kbal Spean. Cả một vùng cây rừng che phủ, vào mùa khô chỉ thấy dòng nước nhỏ trong vắt lèn lách qua các tảng đá và một lối đi nho nhỏ ven bờ suối. Theo truyền thuyết, thuở xa xưa, đây là nơi hằng đêm thần Vishnu và các vị thần tiên khác thường rủ nhau xuống tắm suối. Vishnu cùng với Brahma và Shiva là tam thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo.

Năm 1050, vua Suryavarman I cho thực hiện một công trình điêu khắc độc đáo ngay trên các tảng đá dọc bờ suối và nền đá đáy suối với hàng ngàn hình tượng linga, yoni cùng với nhiều bức phù điêu chạm trổ các tượng thần Deva, tiên nữ Apsara... Qua bao thăng trầm lịch sử và thời gian, di tích cũng bị hư hại và lãng quên cho đến năm 1968, một nhà thám hiểm người Pháp đã phát hiện khu di tích này.
Linga và yoni biểu thị cho tính âm-dương kết hợp, tạo ra sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ trong triết lý tín ngưỡng phồn thực của một số dân tộc phương Đông. Trong các tháp của người Chăm cũng như ở các ngôi đền Angkor của người Khmer, chúng được đặt ở vị trí vật thờ linh thiêng. Nhưng ở đây, ngoài hình tượng các vị thần uy quyền, sự hiện diện của linga và yoni khắp nơi khiến du khách có cảm nhận rất khác biệt về công trình điêu khắc giữa lòng thiên nhiên này: vừa là chốn thiêng liêng vừa gợi ra ấn tượng khát khao bản năng hoang dã lại đậm chất lãng mạn.


Hàng ngàn linga được thể hiện dưới nhiều hình dạng, góc nhìn khác nhau. Trải qua gần ngàn năm nước chảy đá mòn nhưng nhiều chi tiết điêu khắc vẫn còn rõ nét.



Lần đầu tiên nhìn thấy cả một ‘bãi’ linga to nhỏ chen chúc nhau trên một mặt đá nguyên khối nằm dưới đáy con suối, nhiều người đã ‘sởn da gà’ vì bất ngờ và thoáng ngạc nhiên, không hiểu ngày xưa người ta nghĩ gì khi làm chuyện này?!


Hai bên bờ suối, có những phiến đá lớn được chạm trổ hình ảnh nữ thần sắc đẹp Laksmi, thần Vishnu... đến nay vẫn còn sắc nét, sinh động. Trong cách nhìn của vua Suryavarman I - người thực hiện công trình điêu khắc này, các vị thần chính là biểu tượng thể hiện sức mạnh của con người, vừa chế ngự thiên nhiên vừa hưởng thụ niềm hoan lạc trong nỗ lực sinh tồn, phát triển.

Lòng suối có nơi khúc khuỷu bởi những tảng đá chen nhau tạo nên dòng chảy hẹp, cũng có đoạn nước lững lờ tràn qua ‘rừng’ linga. Ở đây, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy một yoni có đến 5 linga lọt vào một lượt!


Không chỉ có linga, yoni và các vị thần, những hình ảnh thể hiện sinh hoạt của người Khmer và gia súc như bò, ngựa cũng được ghi tạc trên đá rải rác bên bờ suối.



Ở những vị trí trên cao, kể cả mùa mưa nước cũng không ngập đến, hình ảnh các vũ nữ Apsara cũng bám đầy rêu phong, dù mất đi nét chạm sắc sảo nhưng vẫn giữ vẻ sinh động, linh hoạt của phù điêu.
Có tài liệu cho biết, phải mất hơn 100 năm, công trình này mới hoàn thành và đến nay người ta vẫn chưa thể trả lời được người xưa đã làm như thế nào để có thể thực hiện công trình này. Trong ảnh, một tượng nằm trên mặt suối chỗ cao nên chỉ ngập nước vào mùa mưa, tuy bị sứt mẻ nhiều nhưng nét mặt thanh tú vẫn toát lên thần thái điềm nhiên tự tại với đôi mắt nhắm.
Một dòng nước nhỏ chảy như rót xuống một vũng nhỏ, y như một khe nước thì đúng hơn là thác. Hơi nước, khí đá bốc ra quyện hòa với khung cảnh xanh mát chung quanh khiến cho du khách thấy sảng khoái. Người Khmer tin rằng, nếu cho trẻ em tắm nước suối Kbal Spean, trẻ em sẽ rất mau lớn, khỏe mạnh, thông minh. Suối Kbal Spean ngày nay là nơi hành hương và du ngoạn của nhiều người Campuchia; họ thường đưa con trẻ đến đây tắm suối.

Cũng có nhưng linga nằm lẻ loi trên sườn đồi, có lẽ không thuộc hệ thống ngàn linga của con suối từ gần ngàn năm qua, trông như mới được đắp lên gần đây, không biết vì mục đích gì. Thế nhưng điều ấy chỉ gây thắc mắc cho du khách tò mò chứ đàn bướm vàng trên núi Kulen vẫn vây quanh và nhịp cánh vui vẻ khi đậu lên ‘chàng’ linga lẻ loi vì quanh đó không thấy yoni!