Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Đền thờ và di tích Hai Bà Trưng tại Hà Nội (Bài 3)


Đền Hát Môn


Bài 1: Vãn cảnh hôm nay, nhớ chuyện xưa.
Bài 2: Thần tích Trưng Vương và ngôi cổ miếu bên bãi sông xưa.

(Xin click vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)

Đường trên đê đi qua cổng ngoài của đền Hát Môn, bên phải là bãi sông Hát Giang xưa. Ảnh chụp tháng 11/2010. 

Năm 43, đại quân của Mã Viện tràn sang đánh phá, các thành lũy rơi dần vào tay giặc. Hai Bà Trưng phải thu quân về thành Phong Châu, nhưng rồi không đủ sức thủ thành, Hai Bà quyết định hội quân các nơi về Hát Môn, cho chôn giấu ấn tín, làm lễ giải binh rồi Hai Bà cùng gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Sau thời gian dài, ngôi đền được trùng tu, xây dựng thêm nhiều lần. Hiện nay đây là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lâu đời nhất và hiện có quy mô, kiến trúc lớn nhất trên cả nước. (Hiện có 103 đền, miếu thờ Hai Bà Trưng và các tướng của Hai Bà).

Cổng ngoài đền quay ra hướng Bắc, ảnh chụp tháng 9/2013.

Từ trong đền nhìn ra cổng ngoài, lên dốc ra đường đê. Ảnh chụp tháng 9/2013.
Sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam với ngôi đền cổ này đến rất chậm sau thời gian rất dài tính toán nhiều yếu tố với sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng may là ngôi đền có từ xa xưa này không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và suốt chiều dài lịch sử hàng năm, người dân Hát Môn luôn thành kính, tôn sùng sự linh hiển của ngôi đền và rất tự hào là địa phương đã khởi phát cuộc nổi dậy vĩ đại của nhân dân do Hai Bà Trưng lãnh đạo.


Nhiều năm trước đây, sự kiện lễ hội chính (mang tầm quốc gia) hàng năm vào ngày giỗ Hai Bà Trưng đều được tổ chức tại Đền Đồng Nhân, nơi đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia từ năm 1962. (Đền Hạ Lôi ở Mê Linh được công nhận là DTLS-VH quốc gia từ năm 1980. Ngay cả ngôi miếu ở phường Bạch Đằng cũng được công nhận là DTLS-VH quốc gia từ năm 1994). Đền Hát Môn được xếp hạng DTLS-VH quốc gia năm 1991 và được nâng lên thành Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013) và từ đó, ngôi đền và cảnh quan chung quanh mới nhận được những sự hỗ trợ, đầu tư cần thiết và xứng đáng.

Đền quay hướng Tây Nam, gồm các hạng mục kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách …

Cổng vào khu vực cúng tế của đền (Nghi môn nội) chỉ mở ra vào những ngày lễ, hội. Ảnh chụp tháng 9/2013.

Tương truyền ngôi đền Hát Môn xây vào thời Tiền Lê (thế kỷ X). Sau nhiều lần trùng tu, diện mạo hiện tại mang dấu vết nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ XIX. Từ hai ngả đường đê hướng về cổng đền, trước đây có hai tấm bia đề chữ "Hạ mã" nhắc nhở các quan binh xưa kia qua đây phải xuống ngựa, đi bộ qua cổng đền (khoảng 20 năm nay không biết vì sao đã dẹp mất).

Hai bên cổng đền có đắp nổi đôi câu đối:
Đồng trụ chiết hoàn Giao Lĩnh trĩ 
Cẩm Khê doanh hạc Hát giang trường. 
Đông Tỉnh dịch:
Đồng trụ còn hay gãy, núi Lĩnh vươn ngút ngàn
Cẩm Khê vơi rồi đầy, sông Hát dài tít tắp.


Quán Tiên nằm chếch bên trái đối diện cổng ngoài đền

Quán Tiên, tháng 4/2013

Quán Tiên, tháng 4/2019


Quán Tiên: Như một am nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội quân tại đàn Thề (khởi binh), bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên (từ rất xa xưa) để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.

Miếu Tạm ngự: nằm phía trước bên phải đền chính, có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Công trình kiến trúc này là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.

Nghi môn ngoại: có niên đại khởi dựng vào thời Nguyễn, được làm theo kiểu tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Phần lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Từ nghi môn theo triền đê xuống bên trái là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình) mới xây dựng gần đây.

Đàn Thề: được xây dựng mới ở phía trước nghi môn nội, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, đặt trên nền cao hơn mặt sân 65cm, trổ năm bậc lên, mặt hướng vào đền khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Phía trước đàn thề đặt các tượng voi và ngựa bằng đá.

Đàn thề, được phục dựng trước nghi môn nội. Chính giữa là cột đá thề. Ảnh chụp tháng 9/2013.



Đàn Thề 

Tượng voi, ngựa chầu quanh sân Đàn Thề

Cột đá thề, đối diện nghi môn nội khu đền. (Tháng 6/2013)




















Nghi môn: gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng.

Nhà bia: hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút.

Tả/ hữu mạc: mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột.

Nhà bia bên phải

Nhà Tiền Tế, nhìn từ nhà Hữu mạc. Tháng 6/2017

Nhà Tả mạc và nhà bia bên trái.

Nhà đại bái
: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam - hạ tứ”, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát. Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng …, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.

Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu“thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”.



Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.
Cụ thủ từ giúp khách hành hương dâng lễ (25/6/2017)

Bên sau nhà Tiền tế là nhà Đại bái.
Gò Giấu Ấn: ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.

Nhà khách: gồm năm gian, kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái tạo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên” cột trốn.

Gò Giấu Ấn. Tháng 4/2019

Gò Giấu Ấn. Tháng 9/2013
Đền Hát Môn hiện lưu giữ, bảo tồn được nhiều đồ thờ cúng cùng hoành phi, câu đối nói lên khí phách, tinh thần quật khởi và công đức của Hai Bà đối với non sông xã tắc. Chính giữa đền treo một bức đại tự đề 4 chữ 樂 雄 正 統 (Lạc Hùng chính thống). Tại tòa tiền tế và thiêu hương có lỗ bộ và các hương án, cửa võng thiếp vàng lộng lẫy. Trong hậu cung đặt hai long ngai bài vị của Hai Bà.
Ngoài ra, trong đền còn nhiều cổ vật khác có giá trị lịch sử và mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê-Nguyễn. Máu Hai Bà và chiến sĩ tô thắm non sông, vì vậy toàn bộ đồ thờ cũ ở đền Hát Môn đều sơn màu đen, kiêng màu đỏ. Trước kia, người đến tế lễ cũng như dự hội ở Hát Môn đều không được ăn vận quần áo, trang phục màu đỏ (nếu có thì phải để ở ngoài đền).

Trong nhà Đại Bái

Hương án trong nhà Đại Bái

Bàn thờ chính ở Hậu Cung. (Nơi rất hạn chế ra vào)
Lễ hội đền Hát Môn diễn ra mỗi năm 3 lần vào các ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp.

Khu nhà dành cho khách hành hương
Nhà khách. Ảnh chụp tháng 9/2013
Lễ hội mồng 6 tháng Ba tổ chức vào ngày hoá sinh của Hai Bà Trưng, là lễ hội chính hằng năm. Đây là một dịp có rất đông khách thập phương trẩy hội. Trong ngày hội, dân làng cúng Hai Bà bằng những mâm đầy các đĩa bánh trôi. Bánh trôi dâng lên phải có đủ 100 viên. 
Đặc biệt, dân làng Hát Môn không làm và không ăn bánh trôi trong thời gian từ mồng 4 tháng Chín đến ngày mồng 6 tháng Ba năm sau.

Mái các công trình đều được thay mới nhưng vẫn giữ
theo kiểu cũ. Ảnh chụp tháng 9/2013

Mảnh sân bên trái khu đền, lối đi ra gò Giấu Ấn. Ảnh chụp tháng 9/2013
Lễ hội mồng 4 tháng Chín là kỷ niệm ngày Hai Bà làm lễ xuất quân. Trong ngày này sẽ diễn trò múa cờ với sự tham gia của các trai làng.

Lễ hội ngày 24 tháng Chạp là lễ Mộc dục (tắm tượng) được tổ chức rất trang nghiêm. Để chuẩn bị cho lễ Mộc dục, làng Hát Môn chọn 20 tráng đinh, vào nửa đêm ngày 23 sang ngày 24 rước tượng Hai Bà từ trong hậu cung ra nhà Dội (nhà tắm tượng). Cùng lúc đó, dân chài Hát Môn, cũng gọi là vạn Hát, sắm sửa thuyền chở lọ (hoặc bình, ang, hũ) đựng nước ra giữa sông Hồng lấy nước về nhà Dội để làm lễ. Gọi là tắm tượng nhưng người ta chỉ lau phủ bụi bặm trên tượng, rồi dùng khăn nhúng nước (thường pha hương hoa, lá thơm) để lau lần nữa. Sau cùng, rước tượng về bày thờ ở hậu cung.

Xin nói thêm về chuyện ở đền Hát Môn, ông bà nội của người viết bài này, cụ ông tên hiệu là Phúc Tiên (1885-1963) và cụ bà tên hiệu là Diệu Yến (1887-1970) vốn là nông dân nhưng cả hai cụ đều có theo học chữ Hán và cùng tham gia vào việc làng, việc cúng tế, dâng lễ ở đền Hai Bà (đó là chuyện khá đặc biệt, nhất là với phụ nữ nông thôn miền Bắc thời trước những năm 1950). Theo lời thân phụ tôi, ông Hương Nga (1911-1989) kể lại, vào những dịp hội đền ngày xưa, các chàng trai chưa vợ, con gái chưa chồng mới được tuyển chọn tham gia đội ngũ bưng mâm quả rước lễ hay các hoạt động khác trong lễ hội. Việc dâng hương lễ bái do các cụ trực tiếp thực hiện và mọi người thường giữ mình tinh tấn, chay tịnh, tránh xa mọi thị phi, tửu sắc hàng tháng trời trước ngày vào tế lễ Nữ vương và các tướng.

Tượng chó (?) canh giữ cửa đền.
Đền Hai Bà ở Hát Môn nổi tiếng là nơi rất linh thiêng. Gặp lúc thiếu ăn sinh liều, kẻ trộm lẻn vào đền lấy đồ thờ, ra khỏi nghi môn “tự” ngồi xuống vòng tay ôm chặt pho tượng con chó giữ đền cho đến sáng hôm sau, cụ thủ từ đến gọi dân làng ra, tên trộm mới buông tay ra đứng lên được. Từ đó, kẻ trộm quanh vùng không dám bén mảng.
Ngôi đình làng Hát Môn xưa nằm giữa đồng lúa phía tây, cách đền Hai Bà chừng 300 mét bị lính Tây ở đồn Phùng (*) đốt cháy rụi, đến nay vẫn chưa xây dựng lại được. Ngôi đền Hai Bà Trưng không hề bị xâm phạm hay ảnh hưởng chiến sự qua cả hai thời kỳ chiến tranh với Pháp và Mỹ. Có một lần, hơn chục lính Tây vào đền đập phá hoành phi câu đối, xé cờ quạt… ở nhà đại bái rồi bỗng cả nhóm cùng quay ra, đưa hai tay chắp phía trước và lũ lượt nhảy ùm xuống hồ nước trước đền mà chết nước (từ cổng ngoài trên đê xuống dốc, hồ nằm bên trái).

Trên mặt đê cũng là đường làng, hai bên cổng đền ngày xưa có hai bia “Hạ mã” nhắc nhở mọi người xuống ngựa khi đi qua cổng đền. Tất cả các đám rước, đám tang đi qua đều thu cờ xếp lọng, trống chiêng ngừng tiếng để tỏ lòng nghiêm kính khi đi qua đền.

Đến nay, người dân Hát Môn vẫn giữ sự tôn kính, ngưỡng vọng nhị vị Nữ vương như chư thánh hộ trì cho dân lành. Bất kỳ người nào đi làm ăn, sinh sống ở xa, mỗi lần về quê đều đến dâng lễ, dâng hương ở Đền Hai Bà trước khi bái lễ tổ tiên ở nhà thờ họ, trước khi viếng nghĩa trang thăm mộ thân nhân quá cố, sau cùng mới đi thăm họ mạc, láng giềng. Từ xưa, các vị thủ từ vẫn hàng ngày quét dọn, lo việc nhang khói và tiếp đón khách viếng đền quanh năm.

Tháng 4/2019
Thủy đình, tháng 6/2017

Thủy đình nhìn từ đường đê. Ảnh chụp tháng 9/2013


Chiều 21/9/2013

Tháng 4/2019




































Mâm bánh trôi. Hàng bánh ở chợ phiên
Hát Môn sáng ngày 25/6/2017
Nguồn: 
http://www.dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=926&c=25

http://vanhien.vn/news/Di-tich-quoc-gia-dac-biet-Den-Hat-Mon-34692
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng




(*) Phùng thuộc huyện Đan Phượng, Hà Đông, nằm sát con đê ngăn với Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây. Đồn Phùng cách trung tâm Hà Nội 30km, cách đền Hát Môn khoảng 5km.

Nhà Mộc Dục ở cạnh chợ làng Hát Môn, cách đền Hai Bà hơn 1km, nơi diễn ra
nghi thức tắm tượng vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm. Ảnh chụp ngày 21/9/2013.