Được sự đồng ý của ông bà QUÁCH GIAO - người giữ bản quyền tác phẩm XỨ TRẦM HƯƠNG của cụ QUÁCH TẤN - Mai Lĩnh trích đăng tải một số nội dung tác phẩm này (xét thấy cần thiết cho du khách muốn tìm hiểu về Nha Trang - Khánh Hòa); gồm 3/5 phần theo mục lục lần tái bản thứ hai, (năm 2002) và một số bài viết trong phần Phụ lục.
Việc trích đăng này nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin rất cơ bản, cần thiết để biết và hiểu thêm thiên nhiên, danh thắng của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, được Quách tiên sinh đặt cho mỹ danh "Xứ Trầm Hương".
Việc trích đăng này nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin rất cơ bản, cần thiết để biết và hiểu thêm thiên nhiên, danh thắng của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, được Quách tiên sinh đặt cho mỹ danh "Xứ Trầm Hương".
___________________________________________________________
Nhấp chuột vào từng mục để mở
_____________________________________________________________
LỜI
THƯA
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Non
cao biển rộng người thương đi về
T.X.
KHÁNH
HÒA LÀ XỨ TRẦM HƯƠNG
Nhưng
XỨ
TRẦM HƯƠNG không phải là Khánh Hòa Tỉnh
chí.
Bởi Địa Phương Chí, thiết tưởng, phải do nhà Địa Lý
Học chuyên môn hoặc người địa phương lịch lãm ra công biên khảo, thì mới nói
được đầy đủ những gì đáng nói, cần nói, và những gì nói ra mới thật chính xác,
mới có sinh khí, mới phản ảnh đúng chân diện mục của nước non.
Tôi không phải là nhà Địa Lý Học chuyên môn, lại là
người Bình Định. Tự biết không đủ khả năng, không đủ tư cách, lẽ đâu lại đi
viết địa phương chí Khánh Hòa.
Viết XỨ TRẦM HƯƠNG, tôi chỉ làm một việc mà nhiều
người có thể làm được, nếu muốn, là ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã
cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa.
Ghi chép lại vì nhận thấy đẹp, thấy hay, thấy thú,
thấy đáng yêu đáng quý, đáng ra công gìn giữ cho đoàn hậu tiến có lòng cùng
nước cùng non.
Ghi chép lại hầu mong bạn phương xa ghé mắt rồi đem
lòng thương tưởng đến Khánh Hòa mà tôi kính yêu như bà Nghĩa Mẫu, vì nuôi nấng
tôi gần nửa đời người.
Mục đích viết XỨ TRẦM HƯƠNG là thế, và chỉ có thế.
Nghĩa là tôi không có tham vọng viết một quyển sách
địa lý, mà chỉ mong giới thiệu được những cái hay cái đẹp của Khánh Hòa, về mặt
thiên nhiên cũng như về mặt nhân sự.
Cho nên tôi thiên về phong cảnh, cổ tích, giai
thoại, huyền thoại..., là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về khoa học,
thuộc về chuyên môn thuần túy, là những cái thường còn, thì nhượng cho các nhà
học giả.
Do đó XỨ TRẦM HƯƠNG có tánh cách một tập du ký hơn
là biên khảo.
Vì vậy nên bảo XỨ TRẦM HƯƠNG không phải là Địa
Phương Chí Khánh Hòa.
Thế thì nó là gì?
Tùy
cao tình nhã ý của bạn đọc.
Tấm lòng đã trải cùng non nước,
Thương được nhờ
ơn cũng chẳng nhờ.
Xin thưa thêm chút nữa:
XỨ TRẦM HƯƠNG vốn là ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA nhuận
chính và bổ túc.
Và ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA hoài thai từ thời Pháp
thuộc, lúc tôi còn làm việc tại Tòa Sứ Nha Trang (1935-1945).
Lúc ấy thỉnh thoảng đi theo làm thông ngôn cho các
nhà du lịch, các nhà khảo cổ ngoại quốc, tôi biết được thêm một ít thắng cảnh,
một ít cổ tích ở những nơi xa vắng, ngoài những danh thắng ở gần nơi xe ngựa
lại qua. Tôi lại được các vị tiền bối như cụ cử PHAN BÁ VỸ, cụ đề NGÔ VĂN
NHƯỢNG, nhà nho TRẦN KHẮC THÀNH... kể cho nghe nhiều sự tích ly kỳ lý thú.
Nhờ đó mà tôi viết nên ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA.
Viết năm 1962.
Viết để thuyết trình trong một buổi học tập thường
kỳ của anh chị em công chức Nha Trang, và để đọc trên Đài Phát Thanh Nha Trang
mỗi chiều thứ bảy.
Sau tôi in ronéo cho phổ biến.
HIẾU CHÂN và một số thân hữu xa gần tán thưởng.
Giáo sư PHAN NGỌC CHÂU ở Saigon, cao hứng, viết bài
phê bình đăng phụ trương báo Tự do số 1902, 1908 ra ngày chúa nhật 14 và 21
tháng 7 năm 1963.
Viết văn mà được hàng thức giả để ý là một cái thú
vô giá. Riêng tiếc chưa nói hết được những gì mình được biết về Khánh Hòa.
Duyên may run rủi:
Trong bức thư gởi cho tôi cuối xuân năm Mậu Thân
(22-4-1968), NGUYỄN HIẾN LÊ khuyên nên viết kỹ lại.
VÕ HỒNG và CHÂU HẢI KỲ cổ xúy thêm.
Nguồn hứng vừa khơi lại thì gặp Hòa Thượng THÍCH TRÍ
THỦ và Đại Đức HẢI TUỆ. Hòa Thượng hứa ủng hộ việc xuất bản. Đại Đức giúp
phương tiện đi thăm lại những cảnh cần thăm và có thể đến thăm.
Trong lúc đi, tôi thu thập thêm được nhiều tài liệu
quý báu.
Thật là những liều kích thích tố tinh thần khiến tôi
hăng hái làm việc.
Khởi sự từ đầu tháng 9 năm 1968, tôi quyết cố gắng
hoàn thành trước tháng 12, hầu mong kịp ra mắt bạn đọc trong dịp xuân Kỷ Dậu, để
làm “quà mừng” tuần hoa giáp của tôi.
Nhưng trời chẳng chìu người! Vừa viết xong được hơn
ba phần tư thì tôi bị ngoại bệnh.
Sáu tháng trôi xuôi!
Mãi đến tháng 6 năm 1969, tôi mới tiếp tục lại được
công việc bỏ dở!
Và đã hoàn tất sau một thời gian cần cù.
Nhận thấy tên ĐÔI NÉT VỀ TỈNH KHÁNH HÒA không được
gọn, bèn đổi là XỨ TRẦM HƯƠNG.
Nâng niu bản thảo, tôi chợt nhớ đến câu hát xẩm của
Tản Đà Tiên sinh:
“Văn không hay thi không đỗ thời đừng...
“Gió mưa khỏi chết, nửa mừng (anh lại)
nửa thương!
“Nghiệp bút
nghiên cay đắng trăm đường!”
Lòng thê nhiên cảm khái.
Nên trước khi dừng bút, xin có mấy lời thành kính:
- Bộc bạch tấm lòng cùng bốn bể tri âm.
- Hoài niệm các bậc tiền bối mà buổi sinh tiền đã
giúp tôi hiểu biết được Khánh Hòa.
- Tạ lòng Hòa Thượng và Đại Đức cùng quý bạn thân
mến “đã lòng hạ cố đến nhau”.
- Thỉnh cầu các bậc cao minh chỉ giáo cho những điểm
sai lầm thiếu sót, mà dù cố gắng đến đâu cũng không sao tránh khỏi, hầu mong
khỏi mang điều “thiên tải ngộ nhân”.
Nợ dâu vướng ruột tằm xuân,
Bao phen ngủ thức, bao lần nắng mưa...
Băn khoăn cơm đứng mà chờ
Nước non xe thắm mối tơ chung tình.
Viết tại Nha
Trang, tiết Tiểu Thử năm Kỷ Dậu
(Trung tuần
tháng 7 năm 1969)
QUÁCH TẤN
_____________________________________________________
XỨ TRẦM HƯƠNG
Khánh Hòa đẹp
lắm ai ơi!
Vào Nam ra Bắc
ghé chơi Khánh Hòa.
Đó
là lời của khách đã đến Khánh Hòa nhắn nhủ cùng người chưa đến.
Lời
ấy không chút ngoa. Khánh Hòa quả đẹp lắm. Nhưng không phải đẹp một cách rực rỡ
khoe khoang, mà đẹp một cách thùy mị kín đáo. Và Khánh Hòa hòa đẹp, không phải
đẹp nhờ nhân xảo, mà chính đẹp do thiên công. Đẹp ở cảnh đẹp ở vật, và vật cũng
như cảnh đẹp cả bên ngoài đẹp cả bên trong. Cho nên những người đã “từng sống
với” Khánh Hòa, hiểu biết rõ Khánh Hòa, gọi Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương.
Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương.
Non cao biển rộng người thương đi về.
Yến sào thơm ngọt tình quê,
Sông sâu đá tạc lời thề nước non.
Ấy
đó “Xứ Trầm Hương” chẳng những là một xứ có nhiều trầm hương, mà còn là một xứ
thơm tho ý vị, thơm tho ý vị một cách tự nhiên như mùi trầm hương thoảng gió.
Bởi
vậy muốn thưởng ngoạn Khánh Hòa, du khách không nên để cho con mắt vô tình hay
tấm lòng khinh bạc trà trộn, và nên đi sâu vào cả những khóm đá lùm cây, vào cả
những câu hò giọng hát... thì mới trọn hưởng được chân thú vị của non nước
Khánh Hòa, mới thấy lời nói “Khánh Hòa đẹp lắm ai ơi” là sự thật biến ra lời,
và vào Nam ra Bắc thật đáng ghé chơi Khánh Hòa.
Và
ghé chơi Khánh Hòa, một khi nhìn kỹ nước non, du khách nhất định vỗ vế khen
rằng:
- Gọi Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương thật
xứng đáng.
Có yêu mới biết, biết rồi thêm yêu.
Bây
giờ xin mời quý bạn đi vào XỨ TRẦM HƯƠNG, đi vào từng phần một, tuần tự mà đi,
ung dung mà đi.
Đi cho khắp nước khắp non,
Để nhìn tận mặt kẻo còn hồ nghi.
-o0o-