PHẦN THỨ NHÌ
ĐỊA LÝ
Chương I
HÌNH THỂ
KHÁNH HÒA
Là một tỉnh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần.
Nói theo thiên văn của ông cha ngày trước, thì nằm vào khoảng sao Dực sao Chẩn, kề sao Thuần Vỹ.
Nói theo địa lý ngày nay, thì nằm giữa vĩ tuyến 12 và 13.
Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên;
Phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận;
Phía Đông giáp Nam Hải, chạy dọc theo bờ biển gần 120 cây số, sóng nước thương mang;
Phía Tây dính liền vùng Cao Nguyên, giáp ranh tỉnh Đắc Lắc và Tuyên Đức, núi non trập trùng.
Hình thế thật là hiểm yếu.
Núi rừng chiếm hết 15/16 của toàn tỉnh.
Qua khỏi biên giới Phú Yên, núi Khánh Hòa mở rộng lên phía Tây và chạy xiên xiên theo hướng Tây Nam. Đến giữa tỉnh thì lại quay lần lần xuống hướng Đông Nam gần sát biển. Do đó miền đất bằng, chiếm 1/16 diện tích, thon hai đầu và phình khoảng giữa, trông phảng phất một bầu rượu móp méo nhiều chỗ, để nằm khu trở vào Nam cổ xây ra Bắc. Dưới chân núi Đại Lãnh, lắm nơi chiều rộng không quá một cây số. Vùng Ninh Hòa, Diên Khánh, Vĩnh Xương, nhiều chỗ rộng đến năm, sáu chục cây số. Đến gần ranh giới phía Nam, vùng Cam Lâm, lại thu hẹp lại còn từ mười đến mười lăm cây số.
Diện tích toàn tỉnh là 598.460 Mẫu Tây (Hectares).
Trích giao cho Cam Ranh 55.275 Mẫu Tây.
Còn lại 543.185 Mẫu Tây, tức 5.432 cây số vuông.
Phong cảnh kỳ tú.
*
* *
Chương II
NÚI NON
Núi non Khánh Hòa trùng trùng điệp điệp, nơi khúc nơi bàn, thế thật hiểm trở. Các nhà quân sự bảo rằng rất có lợi cho việc dụng binh.
A
Làm chúa quần sơn Khánh Hòa là dãy Tam Phong cùng núi Đại Lãnh ranh giới cho Khánh Hòa và Phú Yên.
NÚI ĐẠI LÃNH
Núi Đại Lãnh nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Chỉ cao 620 thước, nhưng hình thế hoành tráng vĩ đại. Chạy từ Tây xuống Đông sát biển, làm bức thành thiên nhiên cho hai tỉnh Nam Bắc. Nhờ có Đèo Cả mở đường vô ra mà Bắc Nam khỏi bị ngăn cách.
ĐÈO CẢ cao dưới 500 thước, dài trên 10 cây số, quanh co đoanh lộn giữa khoảng biển rộng non cao.
Con đường Quốc Lộ số 1 chạy ngang qua đèo.
Hai bên đầu đèo lại có 2 hầm xe lửa, là hầm số 6 ở Phú Yên và hầm số 7 ở Khánh Hòa.
Xưa kia trên đèo có trạm gọi là trạm Phú Hòa.
Phong cảnh Đại Lãnh rất đẹp.
Núi cao chớm chở ở phía Tây. Biển rộng mênh mông ở phía đông. Ngồi trên xe khi lên khi xuống, khi lộn khi quanh, nhìn lên đỉnh mây xanh, nhìn xuống vực sóng bạc, lòng chúng ta không khỏi hải hùng. Nhưng nếu giữ được tâm hồn bình tĩnh, rộng con mắt, trải tấm lòng, thì chúng ta hưởng được nhiều hứng vị.
Nhìn xuống Đông thì:
Lặc lìa biển trải cỏ xanh,
Lô nhô sóng bạc trổ cành hoa tươi.
Vườn hoa bướm lượn thảnh thơi:
Gió đưa buồm trắng ra khơi chập chờn.
Còn trông lên phía Tây lại:
Cheo leo đá núi xây thành
Đầu cây mây trải, chen cành suối tuôn.
Biển khơi nước chẳng quên nguồn,
Gành xa sóng vỗ tiếng luồn trong hoa.
Dừng chân đứng lại trên nơi cao nhất và rỗng nhất, trông vào Nam, thấy Tu Bông Vạn Giã, thì chúng ta không bao giờ quên được câu hát của khách đa tình buổi trước.
Bước chân lên Đèo Cả,
Trông sang Vạn Giã,
Ngó lại Tu Bông.
Biết rằng cha mẹ đành không,
Anh chờ em đợi uổng công hai đàng.
Hoặc lời khẳng khái của những người biết trọng di luân:
Con ngựa tía ăn quanh Đèo Cả,
Bóng trăng rằm sắp ngả về đông.
Chẳng thà giục mã về không,
Chớ không thèm cướp vợ tranh chồng người ta.
Nếu chúng ta ngoảnh trông ra Phú Yên, chúng ta có thể mường tượng quang cảnh mả ông Cao Biền ở trong câu hát tình tứ:
Bước lên Đèo Cả
Thấy mả ông Cao Biền.
Thấy đôi chim hạc đương chuyền nhành mai.
Phong cảnh Đại Lãnh vừa tú vĩ vừa hữu tình, nên được liệt vào danh thắng Việt Nam thật xứng đáng. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vua sai thợ chạm hình Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh là một trong chín đỉnh đồng to lớn để trước sân Thế Miếu ở Thần Kinh. Và năm Tự Đức thứ sáu (1853), Đại Lãnh được liệt kê vào Từ Điển. Đó là một vinh dự lớn, không phải danh sơn nào cũng được dự phần.
Theo Đường Thư Hoàn Vương Truyện, thì núi Đại Lãnh là núi Đồng Trụ.
Sách ấy chép rằng:
“Vua Lâm Ấp đại bại chạy qua Đại Phố, phía Nam Châu Đà Lãng (tức Đà Rằng ở Phú Yên). Ở đó có núi Ngũ Đồng Trụ, sườn phía Tây liền với gò đống ngổn ngang, sườn phía Đông giáp biển khơi. Nơi núi này xưa kia Mã Viện đã trồng trụ đồng vậy”.
Nhưng xét kỹ thì Mã Viện chưa từng đến đây. Bởi đời nhà Hán, vùng Phú Yên Khánh Hòa thuộc về nước Lâm Ấp. Mà suốt đời Mã Viện chưa cầm quân đánh Lâm Ấp lần nào. Năm Quý Mão, tức là năm 43 Tây Lịch, Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng và cướp lại đất Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cho Trung Hoa. Những đất nầy nằm từ đèo Hải Vân trở ra. Truyền rằng sau khi thắng trận, Mã Viện dựng trụ đồng khắc sáu chữ dọa nạt đồng bào ta: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ tuyệt”. Đồng bào đi qua, gai mắt lấy đá ném vào chân trụ, lâu ngày đá chồng thành núi, lấp mất trụ “ai ấy chép công ta chép oán, công riêng ai ấy oán ta chung”. Cho nên ngày sau không còn biết trụ đồng ở nơi nào. Nhưng chắc chắc không thể trồng ở Đại Lãnh được. Bởi Mã Viện không thể vượt non vượt biển vào dựng cột đồng trong một nơi không liên quan đến công việc đánh cướp của ông ấy. Người đời Đường ngồi bên Trung Quốc viết chuyện Việt Nam thời nhà Hán thì không sao trúng được,bởi không gian đã cách xa, thời gian cũng cách xa trên bảy thế kỷ (Nhà Đường đánh Hoàn Vương năm Mậu Tý - 808).
Tuy vậy, đến ngắm cảnh Đại Lãnh mà biết thêm được một chuyện đời xưa “nói có sách” để kể cho nhau nghe, thì cũng là một cái thú gia vị cho thú du quan.
NÚI TAM PHONG
Núi Tam Phong nằm phía Tây núi Đại Lãnh. Ở giữa Đại Lãnh và Tam Phong có núi Gian Nan tục gọi là núi Cục Kịch, trên núi có đèo, thế núi rất hiểm trở.
Núi gọi là Tam Phong vì có ba ngọn núi cao vút mây đứng trên một căn đế:
Ngọn cao nhất tên là Trấn Sơn tục gọi là Hòn Giữ (1.264 thước).
Ngọn thứ nhì nằm phía Đông Hòn Giữ, tên là Hoành Sơn tục gọi là Hòn Ngang (1.128 thước).
Ngọn thứ ba nằm phía Nam Hòn Ngang, tên gọi là Hộ Sơn tục gọi là Hòn Giúp (1.127 thước)
Chung quanh có nhiều núi non triều củng.
Khí thế thật là hùng.
Năm Ất Mão (1795) Trần Quang Diệu vây thành Diên Khánh. Nguyễn Ánh đem quân cứu viện, sai Tống Viết Phước giữ Đại Lãnh, Võ Văn Lượng đóng đồn ở núi Cục Kịch, để chận đường tiếp viện của Tây Sơn và đường rút lui của Trần Quang Diệu. Nguyễn Ánh từ Nha Trang đánh lên.
Trong khi Trần Quang Diệu đánh cùng Nguyễn Ánh thì ở Phú Xuân có nội biến. Để cứu nguy trong nội bộ, Trần Quang Diệu phải bỏ thành Diên khánh rút quân về Phú Xuân. Đường biển và đường đèo đều có quân nhà Nguyễn ngăn chận, việc rút binh không phải dễ dàng. Nhắm mặt đèo Cục Kịch, đèo Cả tuy binh đóng giữ không đông bằng mặt biển Nha Trang, nhưng núi non hiểm trở, vượt khỏi bức tường thành thiên nhiên do những ngọn Tam Phong, Gian Nan, Đại Lãnh kết hợp, phải hao tổn nhiều binh tướng, Quang Diệu bèn đánh mạnh xuống mặt biển, mở trùng vây mà ra.
Và suốt 10 năm chống Pháp, Nghĩa binh đã tiêu diệt lực lượng địch tại những vùng núi nầy rất nhiều phen. Sau Hiệp Định Genève, đi ngang qua Đại Lãnh, du khách còn trông thấy những xe tăng thiết giáp của địch bị phá hủy nằm ngổn ngang dưới chân đèo và hai bên hố.
Hùng khí ngất trời!
B
Trước kia dãy Tam Phong là dãy núi cao nhất tỉnh Khánh Hòa. Nhưng từ khi mở thêm quận Khánh Dương, thì núi Tam Phong phải nhượng núi Mẫu Tử vì núi này cao gần gấp đôi.
NÚI MẪU TỬ
Núi Mẫu Tử tục gọi là Mẹ Bồng Con, cao 2.051 thước, nổi bật lên trên hàng trăm ngọn núi bao quanh. Núi tuy cao, nhưng sườn không dốc. Đỉnh núi có phần bằng phẳng và không cây cao. Một tảng đá xanh lớn đến bảy tám ôm và cao có trên 15, 17 thước, đứng sừng sững giữa trời, quanh năm thường có mây quấn quít. Một tảng đá thứ hai, cao, lớn bằng nửa, đứng sát bên cạnh. Xa trông hình dạng phảng phất một người đàn bà đứng với một đứa con.
Do đó núi mệnh danh là Mẹ Bồng Con.[1]
Khách hàn mặc gọi là Mẫu Tử Sơn và người Pháp gọi là La Mère et l’enfant. Trong tiếng Hán Việt và tiếng Pháp không có chữ “bồng”. Trên thực tế “Mẹ” cũng không “bồng” mà chỉ “dắt”. Có lẽ để cho tình mẫu tử thêm nồng nàn khắn khít, cổ nhân thêm chữ “bồng” vào làm nhâng.[2]
Tiếng “Mẹ bồng con” nói lên nghe âu yếm quá!
Chung quanh “Mẹ bồng con” còn nhiều hòn đá to lớn nằm ngổn ngang. Có nhiều hòn trông rất ngoạn mục. Theo óc tưởng tượng của người xem, thì đây là “Rổ may với sợi chỉ thòng xuống đất”, kia là “cối đâm, chày, sàng, chổi...”, nọ là “con nghĩa khuyển nằm trông con gà cồ đường luẩn quẩn bên cối xay”, vân vân. Lại có một tảng vuông, trên mặt nổi lên nhiều núm đá tròn tròn nho nhỏ. Người ta bảo đó là “bàn cờ tiên mới dàn quân, nhưng mất hết một con tốt”.
Truyền rằng đá “Mẹ bồng con” xưa kia là người, và những đá chung quanh là đồ dùng và thú nuôi trong nhà.
Nguyên hai vợ chồng chán cảnh rộn rịp nơi nhân gian, bèn đem nhau lên núi ở. Đến ở được bốn năm, sanh được đứa con bốn tuổi. Một hôm một người bạn cũ tu tiên đắc đạo tìm đến thăm hai vợ chồng. Chủ khách mừng rỡ. Vợ lo sửa soạn tiệc rượu đãi khách, chồng ngồi nghe bạn giảng phép tu tiên.
Khách nói:
- Muốn cầu tiên thì phải đốt trầm hương mà khấn. Hương trầm đưa lời cầu nguyện lên cung Tam Thanh. Chư tiên đón lấy mùi hương đưa qua mắt mũi thì biết ngay người cầu nguyện cùng ý nguyện của người cầu.
Chủ nhân hỏi:
- Trầm hương tìm ở đâu ra?
Khách đáp:
- Ở trong vùng núi non nầy, trong phạm vi nghìn dặm đều có. Nhưng muốn tìm trầm phải ngậm ngải mới giữ được thân.
Nói xong đưa ra một gói nhỏ và bảo:
- Gói ngải nầy tôi mất bao nhiêu năm mới luyện được. Tôi đến đây trước thăm cố nhân, sau vào thâm sơn tìm trầm để cầu Thiên Tiên truyền phép trường sanh bất lão.
Chủ nhân nghe nói, lòng ước ao được bái yết chư tiên. Và để bạn thêm vui, bèn bày bàn cờ ra đánh. Nhưng quân cờ vừa dàn xong thì trong nhà nghe tiếng gọi. Chủ nhân vội vào nhà trong. Khách ngồi ngắm bộ cờ: tất cả đều bằng ngà sanh, duy có một con tốt bằng ngọc bích. Khách giật mình tự nhủ:
- Bộ cờ này trong thế gian có thể có. Nhưng viên ngọc bích này là vật hi hữu nơi thế gian.
Đoạn cầm lên ngắm nghía và khen thầm:
- Không có mảy may tì vết. Nếu đem dâng cho Lão Tổ thì tất được ban ân.
Liền giấu con cờ vào tay áo.
Vừa lúc ấy tiệc rượu bưng ra. Cuộc cờ tạm gác lại, chủ khách cùng nâng chén chung vui.
Khách vốn chay lạt lâu ngày, gặp rượu thịt thì hứng khẩu. Hết chung cạn đến chung đầy, và say lúc nào không biết, khách ngã xuống chiếu ngủ, tiếng ngáy như sấm. Chủ nhân ngồi nhìn khách chợt nhớ câu chuyện trường sanh. Thấy khách ngủ say, bèn thò tay vào bọc khách lấy gói ngải, rồi lẳng lặng ra đi...
Khách ngủ vùi đến hai ngày đêm mới tỉnh dậy. Rờ vào bọc không còn thấy gói ngải. Nhìn khắp nơi lại không thấy chủ nhân ông. Hỏi, người vợ đáp rằng bỏ đi đã hai hôm. Khách thất kinh vội băng ngàn đi kiếm.
Khách nhảy từ đầu núi này sang đầu núi nọ, phóng tầm mắt tìm khắp bốn phương. Núi non trùng điệp, tuyệt nhiên không một bóng người! Lòng vừa giận vừa lo, bồi hồi hoảng hốt, khách bỗng sẩy chân rơi xuống núi Tịnh Sơn vùng Sơn Hòa (Phú Yên), bỏ mạng.
Con tốt trong túi khách văng ra thành đá, và xương thịt khách biến thành những cây cổ thụ đứng che hòn đá Con Cờ.
Còn người chồng ra đi, ngậm ngải tìm trầm. Nhưng trầm không tìm thấy mà tháng ngày chỉ thấy rừng núi thâm u. Lòng muốn trở về, song không thấy đường lui mà chỉ thấy đường tới. Năm nầy sang năm khác, ngải nơi miệng lần lần tan hết, và lần lần thân mọc đầy cả lông. Rồi một hôm hóa thành con cọp xám, gầm lên mấy tiếng, quay đầu chạy về chốn cũ tìm vợ con.
Nhưng khi về đến nơi thì cảnh xưa đâu còn thấy nữa!
Vợ con ở nhà trông chồng trông cha mỗi ngày một vắng! Lệ thảm tuôn thành suối khe và thân nắng mưa hóa thành đá. Những vật dùng vật nuôi cảm tình chủ mẫu cũng hóa đá theo hai mẹ con.
Đối cảnh thương tâm, hổ gầm thét vang cả rừng núi. Và để vơi bớt nỗi lòng, phá gãy hết những cây cổ thụ trên đầu núi. Đoạn bỏ đi vào rừng sâu.[3]
Những dòng khe dòng suối do “nước mắt đau thương” tạo thành là nguồn của một số sông ngòi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong đó có một dòng suối, gọi là Suối Tiên, nước trong xanh và không bao giờ cạn.
Nghe đồn nơi suối có đôi bạch nga bơi lội.
Truyền rằng đó là cặp ngỗng của người khách đem đến biếu hai vợ chồng người bạn. Vì đối với hai mẹ con chủ nhân, mối tình chưa thâm, nên hai con ngỗng không hóa đá để giữ niềm chung thủy. Nhưng vẫn cảm lòng thiết thạch của người tiết phụ, ngỗng đắm mình trong dòng lệ tương tư.
Truyền rằng hòn Mẫu Tử rất linh thiêng:
- Trong thời Kháng Chiến chống Pháp, một tiểu đoàn Lê Dương đi hành quân, dùng hòn Mẫu Tử làm nơi tạm trú. Một tên lính tinh nghịch lấy mìn chôn dưới chân đá “Mẹ bồng con” mà đốt. Mìn nổ phá hủy cả một vùng cây đá mà “Mẹ bồng con” vẫn không chút hư hao. Nhưng tiếng nổ vừa im thì tên lính hộc máu chết.
Cũng trong tiểu đoàn ấy, một tốp lính khác dùng lựu đạn ném xuống dòng Suối Tiên để bắn cá. Cá chết nổi lên mặt nước dầy đặc như lá thu rơi. Tốp lính vui mừng đua nhau lội xuống bắt. Bắt bỏ đầy mấy túi vải. Nhưng đem về trại coi lại thì toàn là củi mục, đá sỏi và lá khô! Liền đó tốp lính nghe trong mình ngứa ngáy khó chịu và vài hôm sau toàn thân sinh đầy lác, thuốc chữa không lành. Viên chỉ huy lấy làm kỳ dị, đến tận nơi điều tra, thì từ lòng suối một cặp thiên nga hiện lên mặt nước đứng kêu mấy tiếng rồi bay vút lên từng không.
- Và gần đây, thời Ngô Đình Diệm chấp chính, Trung sĩ Lung, phụ tá Đại Đội Trưởng Đại Đội Dân Vệ quận Khánh Dương, đem một Trung đội đi hành quân trong vùng núi Mẫu Tử. Một tiểu đội do Tiểu Đội Trưởng Y BLIC chỉ huy đi lạc vào núi. Đêm đông gió lạnh, trời lại tối như mực, Tiểu đội không biết ngõ nào mà ra. Y BLIC ra lệnh dừng quân. Chợt một con hổ nhảy ra gầm lên một tiếng như sấm dậy. Y BLIC nhả một tràng đạn tiểu liên và đoán chắc thế nào cọp cũng bị hạ. Cả Tiểu đội, súng lên cò, chậm chậm bước tới. Cả một vùng trước mặt vụt bừng sáng như trăng lên, và một ông già đầu tóc bạc phơ, râu dài quá rốn, xuất hiện, quắc thước uy nghiêm. Mọi người đều hãi hồn, tay muốn rơi súng! Ai nấy đứng sững như trời trồng! Lão trượng không nói không rằng, lấy tay chỉ đường, rồi cùng ánh hào quang biến mất...
Vì hòn Mẫu Tử linh thiêng thế ấy nên người địa phương ít khi dám lên thấu đầu non.
Hòn Mẫu Tử ở cách quận lỵ Khánh Dương chừng 13 cây số về hướng Đông. Đi đường rừng thì mất nhiều thì giờ. Nhưng đi ô tô theo con đường Liên Tỉnh số 9 thì chỉ mất độ nửa giờ, rồi đi bộ chừng 5 cây số đường rừng nữa là đến chân núi. Từ chân núi lên đến nơi “Mẹ bồng con”, đi cho giỏi cũng mất đến nửa ngày. Bởi vậy khách đến Khánh Dương ít ai chịu khó đến xem “Mẹ bồng con” cho tận mặt. Mà đứng nơi quận lỵ nhìn sang, thì ít khi ngó thấy, nhất là mùa mưa, vì núi thường bị mây che.
Cho nên tất cả những gì ở trên hòn Mẫu Tử và chung quanh hòn Mẫu Tử đều do chỗ “bách văn” mà ra. Nhưng hòn Mẫu Tử vẫn là cảnh lạ trong đời như ngọn Khuông Lư của Thánh Thán. Và người chưa được xem tận mặt vẫn thích núi Mẹ Bồng Con của Khánh Dương.
Khánh Dương thuộc về Cao Nguyên. Cho nên núi mọc trên Khánh Dương dù thấp mấy, cao độ vẫn trên những ngọn núi trung bình ở bình nguyên, vì chiều cao tính theo mặt biển. Ở Khánh Dương ngoài hòn Mẫu Tử, còn nhiều ngọn cao độ trên nghìn thước. Như:
- Chử Ba Giam (1.720 thước)
- Chử Ninh (1.034 thước)
- Chử Bình (1.021 thước)
- Chử H’Mú (1.752 thước)
- Chử M’Ta (1.057 thước)
- Chử Prong (1.100 thước)
Nhưng tất cả đều không nổi danh, trừ hòn Chử M’Ta.
CHỬ M’TA (1.057 thước)
Chử đọc là Cử. Tiếng Thượng nghĩa là Núi mà cũng là họ của một bộ lạc ở vùng Cao Nguyên. Còn M’Ta đọc là Mơ Ta, là Con mắt và tên một vị Thần có đôi mắt sáng như mặt trời mặt trăng.
Núi Chử M’Ta nằm phía Đông Nam quận lỵ Khánh Dương, chạy từ đèo M’Drac đến Trại Chăn Nuôi của Chánh Phủ.
Cao độ của núi tuy trên nghìn thước, nhưng đứng nơi quận lỵ mà nhìn thì không thấy cao. Khí thế cũng không hùng hiểm. Song trông có vẻ “lầm lì” và “dữ” như người Thượng Sơ.
Trên núi có nhiều cây to, nhiều thú dữ. Khách săn bắn cho biết rằng thỉnh thoảng có người gặp được trầm hương, trông thây bạch tượng và chim đại bàng hình thù giống chim ưng song lớn gấp ba gấp bốn, liệu sức có thể tha được cừu con bò con.
Núi lại có nhiều đá lớn, trong đó có một hòn trông giống đầu ông Khổng Lồ với đôi mắt mở trao tráo. Người Thượng gọi là “Đá Mắt Thần”.
Truyền rằng: chức Đầu Mục của bộ lạc ở núi nầy nằm trong tay họ Chử đã nhiều đời. Đến đời Chử Madrà thì trao sang họ khác.
Họ Chử vốn có sức mạnh hơn người, ăn ở lại cũng tốt hơn người. Cho nên đời nào cũng được toàn bộ lạc quý trọng. Cha Chử Madrà chết, để lại 10.000 con trâu, 5.000 con bò, 5.000 con dê và 100 con voi. Người trong bộ lạc bầu Chử Madrà lên thay cha lãnh đạo bộ lạc. Madrà nhượng lại cho người khác để rảnh thì giờ lo việc báo hiếu cho cha.
Madrà bán một số voi, mua gỗ quý đóng quan tài liệm thi thể cha và cất một ngôi nhà vuông nhọn nóc để quàng linh cửu. Mỗi ngày hạ 12 con vật, nào trâu nào bò nào dê, để cúng cha và đãi bộ lạc. Còn bản thân thì ngày đêm nằm bên cạnh linh cữu mà than khóc. Ròng rã mấy mùa rẫy, ngày nào cũng hạ súc vật, ngày nào cũng khóc than. Thân thể của Madrà cũng như gia sản của Madrà mỗi ngày mỗi hao mòn. Cuối cùng nhuốm bệnh mù đôi mắt, thuốc thang không chữa khỏi. Chẳng bao lâu qua đời, để lại một người vợ góa và một đứa con côi năm tuổi.
Đứa bé là một em trai kháu khỉnh. Người mẹ lo làm lụng nuôi con.
Một hôm đứa bé theo mẹ đi làm rẫy. Thình lình một con đại bàng, cánh rộng như hai đám mây, đáp xuống tha đứa bé lên núi. Đứa bé hết hồn nằm bất tỉnh.
Đại bàng toan xé thịt đứa bé thì một con bạch tượng hiện đến, thét một tiếng dậy cả rừng núi. Đại bàng thất kinh thả đứa bé, cất cánh bay lên không trung. Đứa bé tỉnh dậy. Bạch tượng hiện nguyên hình là một lão trượng, râu tóc bạc phơ, đến vỗ về đứa bé:
- Ta là ông nội con đây. Thần A Die vâng lệnh Trời trao trả cặp mắt của cha con lại cho ông và sai ông xuống cứu con, đồng thời ban cho con cặp thần nhãn là cặp mắt của cha con đã được thần luyện phép. Đó là do lòng chí hiếu của cha con cảm thấu lòng Trời, nên con được hưởng dư phước.
Nói đoạn đưa tay móc cặp mắt của đứa bé và thay cặp thần nhãn vào. Rồi tiếp:
- Cha con mãn lo việc báo hiếu mà quên đặt tên cho con. Nay ông đặt tên cho con là Chử M’Ta (Cử MaTa). Đôi mắt của con, ông sẽ đem về dâng thần A Die luyện phép để gắn vào cha con.
Cử M’Ta tuy còn thơ ấu nhưng đã có trí khôn hơn tất cả mọi trẻ em đồng lứa. Nghe ông nói và được ông thay mắt, mừng rỡ liền làm lễ tạ ơn theo phong tục người Thượng. Lễ xong thì không trông thấy bóng ông nội. Đưa mắt nhìn quanh thì thấy ánh sáng thoang thoáng trên cây đá, ánh sáng phát từ đôi mắt thần. Liền đó nào voi nào hùm, nào nai nào vượn... kéo đến phủ phục chung quanh. Cử M’Ta biết ngay rằng nhờ thần nhãn ông nội vừa trao mà mình được làm chúa cả mọi vật trên rừng núi. Bèn ra lệnh cho hùm beo không được sát hại dân lành, voi nai không được phá hoại lúa bắp, vượn khỉ mỗi ngày thay phiên nhau đem trái cây nước suối đến dâng. Đoạn cho các thú trở về rừng sâu, chỉ giữ một con voi già để đỡ chân và làm bạn.
Sau khi các thú giải tán hết, Chử M’Ta cỡi voi xuống núi. Mẹ con gặp gỡ mừng quá đỗi mừng. Và cả bộ lạc nghe tin kéo nhau đến hỏi thăm sức khỏe. Trông thấy thần thái của Chử M’Ta sáng rỡ và nghe chàng kể chuyện lại, ai nấy cũng tỏ lòng hâm mộ và cung kính như một vị thần.
Thấy vậy, viên đầu mục sợ bộ lạc bỏ mình theo Chử M’Ta bèn tìm cách hãm hại.
M’Ta biết được liền đem mẹ lên ẩn trên non cao.
Sống cùng sơn thú, Chử M’Ta vẫn không quên nòi giống nơi nhân gian. Những khi dưới buôn có bệnh tả, bệnh dịch hạch, hai mẹ con liền vào rừng hái thuốc đem xuống chữa. Lại thêm từ khi chàng làm chúa sơn lâm, thì hổ hoạn dứt, rẫy bái không bị hư hao. Cho nên các bộ lạc trong vùng hết lòng ngưỡng đức.
Cảnh thái bình kéo dài được trên vài mươi mùa rẫy, thì thình lình mưa gió nổi dậy tứ phương. Mưa mỗi lúc một to, gió mỗi lúc mỗi lớn. Không mấy chốc nhà cửa sập hết, cây cối gãy hết, và nước dâng lên đến nửa núi! Nhân dân lớp chết đuối, lớp ngoắc ngoải trôi. Thú vật trên non, tuy nhờ hang hóc che chở, nhưng mười phần cũng chết quá năm. Duy dãy núi Chử M’Ta ở, nhờ thần nhân hộ trì, không có một gốc cây ngã, một con cầm con thú nào chết. Song đứng trước cảnh thương tâm, Chử M’Ta không thể ngồi yên mà ngó. Bèn đốt hương cầu thần A Die xuống phước cứu dân. Thần A Die hiện vào chiêm bao, phán:
- Hỡi con dòng hiếu thảo! Ta cảm lòng nhân đức của nhà ngươi. Song mệnh trời khó thay. Nhà ngươi nên thận trọng kẻo bị trời phạt.
Mặc dù đã có lệnh ngăn cấm, Chử M’Ta không thể để đồng bào bị sóng gió phũ phàng. Chàng ra lệnh cho bầy voi xuống vớt. Hàng nghìn thớt voi toan thi hành mệnh lệnh, thì một tiếng sét nổ vang trời. Bầy voi thất kinh chạy tản vào núi. Đồng thời người mẹ ngã ra chết cứng, và Chử M’Ta lăn nhào hóa thành hòn đá tròn trịa với đôi mắt mở to.
Đó là Đá Mắt Thần hiện còn trên núi.
Từ đó núi mang tên Chử M’Ta, tức là Núi Mắt Thần hay là Hòn Mắt Thần của họ Chử.
Đá rất linh.
Những khi có thời khí hoặc thiên tai hạn hán... người địa phương hướng về núi M’Ta mà cầu đảo. Thường được linh ứng, nên nhân dân rất tin thờ, không ai dám xâm phạm.
Núi Chử M’Ta nằm phía Nam đường Quốc Lộ 21, cách quận lỵ Khánh Dương chừng ba bốn cây số. Nằm về phía Bắc Quốc lộ và cách quận lỵ cũng chừng ba bốn cây số còn có Chử Kroa cũng rất có danh trong quận.
CHỬ KROA (570 thước)
Người Việt đọc là Cử Cờ Rua. Núi thấp hơn Chử M’Ta, trông không được hoành tráng song cây cối sầm uất, phong cảnh rất thâm u. Trên núi có một tảng đá cao lớn phi thường nằm giữa đám cổ thụ sống hàng nghìn tuổi. Chung quanh đá chất chập chồng thành vồng thành đống, và trổ hang trổ hóc, nhiều nơi chứa được cả voi.
Hòn đá khổng lồ tên là KLÉ-LAK
Đó là hòn đá Thần. Người Thượng coi như thần linh.
Truyền rằng:
Xưa kia nơi đá thần Klé-Lak (Cờ Lê Lắc) là vương cung của vị chúa tể núi Chử Kroa (Cử Cờ Rua): một con mãnh hổ thân lớn như con bò mộng, mắt sáng như hai cây đuốc, lông xám tro. Tục gọi là Cọp Nhang, vị Chúa Rừng. (Nhang là tiếng Thượng, tên một vị thần tối cao của người Rhadé. Cọp Nhang là Cọp Thần).
Cọp Nhang vốn dòng họ Y.
Cha là Tù Trưởng bộ lạc núi Chử Kroa tên là Y Nang, sanh được hai con trai. Con cả là Y D’Ric. Con thứ là Y D’Rang.
Y D’Ric dưới con mắt thế gian thì là con của Y Nang. Nhưng sự thật là con của Ma Lai, một vị hung thần, mình người, đầu hổ, tay chân vượn. Vợ Y Nang chiêm bao cùng thần hoan lạc mà thụ thai. Vì vậy tướng mạo của Y D’Ric rất hung tợn, lại có sức mạnh đánh ngã bò đực, và lên núi, trèo cây dễ dàng như đi trên đất bằng. Chàng ỷ thế, cậy sức, thường làm nhiều điều bạo ngược. Người trong bộ lạc đều ghét, nhưng không dám kiện cùng Y Nang.
Trái lại Y D’Rang dung nghi anh tuấn, tánh tình thuần lương. Tuy có sức mạnh địch muôn người và có tài bắn ná trăm phát trăm trúng, Y D’Rang không bao giờ thi tài đua sức với một ai, và không bao giờ nói nặng lời với cả đứa bé ngỗ nghịch. Đối với anh, chàng luôn luôn tỏ thái độ cung kính nhường nhịn, mặc dù anh thường có những hành vi không lành, những cử chỉ không đẹp đối với người trong bộ lạc cũng như với chàng.
Y Nang, tuổi già sức yếu, muốn nhường chức Tù Trưởng cho Y D’Rang, nhưng lại sợ con trưởng tranh giành, sanh chuyện rắc rối cho gia đình và bộ lạc. Để cho toàn thể bộ lạc chọn lấy người lãnh đạo theo ý muốn phần đông, Y Nang bèn vật trâu mổ dê... mở đại hội.
Đương lúc tiếng trống tiếng cồng vang dội, thịt thui rượu cần thích khoái, thì trên núi cao bò xuống một con mãng xà to lớn phi thường. Thân mình ôm đến hai ôm người lớn, dài trên mười trượng, vảy rộng như bàn tay sè và sáng ánh như bạc, và đến bảy chiếc đầu với bảy lỗ miệng đỏ như bảy chậu huyết cắm bảy lưỡi độc nhọn hoắt và rung rinh. Ai nấy đều hết hồn, rùng rùng bỏ chạy. Riêng ba cha con Y Nang vẫn ngồi yên, đưa mắt nhìn trừng trừng con quái vật. Con bạch mãng xà bò đến chỗ để thịt rượu. Bảy chiếc đầu luân phiên nhau mổ thịt mà nuốt. Bụng no thò bảy đầu vào bảy vò rượu mà nút. No say rồi, bò đến một khoảnh đất rộng, nằm khoanh tròn, bảy chiếc đầu nghển lên nhìn ba cha con Y Nang một cách thân thiện. Y Nang đoán biết rằng thần xà đến để giúp đồng bào mình trong việc lựa chọn lãnh tụ, bèn gọi tất cả mọi người trở lại và truyền:
- Đây là điềm tốt. Đây là ý trời. Trong bộ lạc, bất kỳ trẻ già, hễ ai chiến thắng được bạch mãng xà thì được thay ta làm Tù Trưởng.
Y Nang vừa dứt lời thì rắn vùng dậy, thét lên một tiếng dài lanh lảnh như tiếng kim khí kéo lên nhau. Trừ ba cha con Y Nang, ai nấy đều run lập cập. Không ai dám xông ra.
Y D’Ric liền rút giáo, chuyển thần lực nhảy đến giao chiến cùng mãng xà. Tay giáo vừa lanh vừa mạnh. Bảy chiếc đầu của mãng xà vừa đỡ vừa đánh vùn vụt như bão táp sóng tung. Mũi giáo chạm vào thân mãng xà tiếng kêu rảng rảng, và những cái táp của mãng xà nghe đốp đốp, nếu chạm nhằm thì đứt nghiến cả thịt xương. Y D’Ric mạnh nhưng không dẻo bằng mãng xà, nên được nửa buổi thì lần lần đuối sức, bị đuôi mãng xà quật ngã suýt vỡ đầu! Y D’Ric không đứng dậy nổi. Mãng xà lướt tới toan cắn thì một mũi tên bắn trúng ngay giữa ngực. Đó là mũi tên của Y D’Rang bắn để cứu anh. Một tiếng keng như tiếng kiểng vang dội. Mũi tên của Y D’Rang rơi xuống đất tà đầu, và con mãng xà bị đẩy trở lui lại, lõ bảy cặp mắt chói ngời nhìn Y D’Rang.
Biết rằng vảy mãng xà quá dày, giáo tên không thể đâm thủng, Y D’Rang bèn tự nhủ:
- Phải bắn vào miệng với tên sống lá tẩm thuốc.
Chàng liền nhử cho mãng xà hả miệng lướt tới. Chàng nhảy lui mấy bước, rồi bắn liên tiếp bảy phát vào bảy lỗ miệng mãng xà. Bị thương đau đớn, mãng xà không dám lướt tới nữa. Thuốc độc ngấm vào mình, mãng xà lăn lộn làm lở đất gãy cây, bụi mù trời gió chuyển núi. Sức lăn lộn mỗi lúc mỗi yếu dần. Rồi dãy dụa mấy cái thật mạnh, thân mãng xà cứng đờ, và nơi bảy lổ miệng máu đen phun ra thành bảy vòi mực, tanh hôi nực nồng!
Ai nấy đều reo mừng. Tiếng chiêng tiếng trống nổi dậy. Và theo lời hứa của Y Nang, tất cả người trong bộ lạc đều hoan hỷ bầu Y D’Rang lên ghế Tù Trưởng thay cha.
Y D’Ric vừa xấu hổ vừa tức giận, bỏ làng chạy vào rừng sâu. Hung thần Ma Lai liền hiện xuống, biến Y D’Ric thành một con cọp xám và phong làm chúa tể vùng núi Chử Kroa. Y D’Ric đến ở tại vùng đá Klé Lak. Tất cả sơn thú lớn nhỏ đều phải đến hầu và cung phụng miếng ăn miếng uống. Đó là Cọp Nhang vậy.
Tuy đã trở thành chúa tể sơn lâm, Cọp Nhang vẫn không quên cái nhục của thân trước. Để rửa hận, bèn truyền cọp, beo, voi, gấu... theo mình xuống buôn của Y D’Rang quấy nhiễu. May nhờ có tên sống lá tẩm thuốc độc và tài thiện xạ của Tù Trưởng Y D’Rang mà bầy ác thú phải lui. Nhưng thất bại chuyến nầy, chúng lại phản công chuyến khác. Nhân dân không yên ổn làm ăn.
Để cứu vãn tình thế, Y D’Rang một mặt lo tích trữ vũ khí và rèn luyện vũ nghệ cho đồng bào, một mặt lo sửa đổi lại kiểu nhà cửa cho thích hợp với hoàn cảnh.
Tên sống lá tẩm thuốc trước kia chỉ một mình Y D’Rang biết chế tạo và biết sử dụng. Đó là một môn vũ khí rất nguy hiểm. Sợ đồng bào lạm dụng nên chàng không dám truyền. Nhưng đứng trước nạn thú dữ, không dùng đến không thể cứu được nguy, chàng đành phải đem ra phổ biến với điều kiện là đồng bào phải thề cùng Thần Linh chỉ được dùng để tự vệ.
Còn về nhà cửa thì từ xa nhà người Thượng cất theo hình chiếc nón lá, vào ra chỉ một cửa. Nếu bị ác thú tấn công xâm nhập, người không có ngõ rút lui. Y D’Rang mới sáng kiến ra kiểu nhà sàn cao cẳng vừa tiện cho việc phòng thủ vừa tránh được thấp khí chốn sơn lâm.
Trước cảnh phòng vệ chu đáo, Cọp Nhang đành chịu thua. Và từ ngày Cọp Nhang tới ở nơi Klé Lak, nhân dân trong vùng không ai dám qua lại. Thành ra trên núi dưới buôn, bên nào ở yên bên nấy.
Cọp Nhang sống một cách “đế vương”. Các sơn thú luân phiên nhau đến hầu hạ. Từ miếng ăn thức uống đến chỗ nghỉ chỗ ngơi của vị chúa tể sơn lâm đều được “bá quan” chăm nom cẩn thận, không hề sơ suất nhất hào.
Nhưng trời bỗng trở lạnh, lạnh đến cực độ. Nước khe nước suối đều đọng thành giá. Những cầm thú nhỏ đều chết cóng. Bầy tôi không thể tìm ra mồi để dâng, Chúa rừng Cọp Nhang phải “ngự giá” đi tìm mồi lấy. Chúa tôi đi được một chặng đường thì thấy một bầy bạch tượng đang dãy dụa trong lòng suối nước đá. Bầy cọp beo theo “hầu ngự” phấp phới mừng thầm. Nhưng Cọp Nhang ra hiệu đứng yên, vì biết rằng bầy voi lâm nạn không phải “hạng dân dã tầm thường”. Đó là bầy voi thần được Chúa Tể Sơn Lâm toàn quốc sai đi kiểm soát “đồng bào voi” trên dãy Trường Sơn. Cọp Nhang liền ra lệnh cho đám tùy tùng hết sức đào nước đá cứu bầy bạch tượng. Đoạn rước về “vương cung”.
Một con voi bị lạnh lâu quá, kiệt sức, lăn đùng ra chết. Con voi bạc phước ấy là con của Voi Chúa Đàn. Bầy voi thương xót, đứng xây tròn quanh tử thi, kêu rống thảm thiết. Đoạn đào lỗ chôn cất cạnh hòn Klé Lak.
Trời càng ngày càng rét thêm. Cọp voi nhiều con chịu đói chịu rét không nổi đã tắt thở. Chúa đàn bạch tượng bàn cùng Cọp Nhang làm lễ cầu đảo. Không biết lấy gì làm tế vật, hai vị chúa đành lấy thịt nơi đùi mình mà dâng. Lòng thành thấu đến thiên đình, Thượng Đế liền sai thần Yang H’Ruê (Giang Hắt Ru Ê) xuống núi Chử Kroa làm phép cho gió ấm nước đá tan. Vạn vật hồi sinh. Bầy bạch tượng liền từ giã Cọp Nhang, lên đường.
Qua năm sau, nhớ ngày thần Yang H’Ruê giáng trần cứu nạn, Cọp Nhang chuẩn bị làm lễ tri ân. Để buổi lễ được long trọng và để đủ đãi tất cả các sơn thú vùng Chử Kroa, Cọp Nhang ra lệnh cho cọp beo ở trên núi phải xuống buôn bắt gia súc.
Không nhịn thua, Y D’Rang huy động toàn dân trang bị cung tên giáo mác, kéo ùa nhau lên núi CHử Kroa... Cọp Nhang cùng sơn thú đương quây quần chung quanh hòn Klé Lak để dự lễ, thì bị nhân dân đánh úp thình lình. Không kịp “trở tay”, đoàn sơn thú thất kinh, rối loạn, lớp bị giết, lớp bị đồng loại giày xéo, thây chất ngổn ngang. Cọp Nhang cũng bị tên thuốc độc mà chết.
Trong khi sơn thú đương bị tàn sát thì thình lình bầy bạch tượng đến cứu nguy. Đó là bầy bạch tượng năm trước . đi “công cán” xong trở về, ghé thăm mộ voi con, tình cờ gặp lúc ân nhân ngộ nạn. Bầy bạch tượng thét lên một tiếng long trời lở đất. Nhân dân thất kinh bỏ chạy trở lui. Một số dã thú nhờ vậy mà sống sót. Nhưng khiếp đảm vì trận tấn công bất ngờ, chúng không dám xuống buôn quấy nhiễu nữa.
Còn hòn đá Klé Lak, sau khi Cọp Nhang chết, khí thiêng nhập vào trở thành thần linh. Nhân dân địa phương không dám xâm phạm.
Và tại núi Chử Kroa, thỉnh thoảng người địa phương trông thấy bóng bạch tượng. Truyền rằng đó là sứ giả của chúa đàn Bạch Tượng sai về viếng mộ con.
Một ông bạn thợ săn kể lại rằng:
- Lúc tôi làm việc ở đồn M’Drack thời Pháp thuộc, một bận đi bắn ở Chử Kroa trông thấy một bầy voi lớn có nhỏ có. Chúng đứng quanh một tảng đá lớn, đầu chấu vào nhau và cúi gục xuống đất, miệng buông ra những tiếng “bầm bầm, bun bun” như tiếng trống chầu, tiếng chiêng đồng gióng đôi lúc tế thần. Tôi không hiểu chúng làm gì, đứng xem hồi lâu rồi lặng lẽ xuống núi.
Những câu chuyện nghe hoang đường nhưng lý thú. Chính những chuyện hoang đường mà lý thú ấy đã làm cho núi Chữ Kroa nổi danh, và quyến rũ khách du quan hơn là những ngọn núi cao chỉ có đại bàng và loài bò sát tới được đỉnh.
Quận Khánh Dương là nơi ma thiêng nước độc. Thời nay cũng như thời xưa, những công chức nào đổi đến phục vụ thì đều coi như “bạc phước”. Có ngờ đâu trong nơi cùng cư lại có những câu chuyện ly kỳ làm gia vị cho những ngọn núi tráng tú.
Chẳng những thế mà thôi, Khánh Dương còn là nơi xuất phát sơn mạch nhiều dãy núi của Khánh Hòa, và nối liền núi Khánh Hòa với vùng cao nguyên.
C
NÚI KHÁNH HÒA
Ngoài những ngọn núi ở Khánh Dương và ở dãy Tam Phong, còn nhiều ngọn cao trên 1.000 thước.
Kể từ Bắc vào Nam,
Vạn Ninh có:
- Hòn Chảo (1.564 thước)
- Hòn Chát (1.519 thước)
- Hòn Đại Đa Đa (1.709 thước)
Ninh Hòa có:
- Hòn Bà (1.361 thước)
- Hòn Long (1.339 thước)
- Hòn Giong hay Dung (1.290 thước)
Vĩnh Xương không có ngọn núi nào cao đến 1.000 thước.
Ở Diên Khánh, núi cao hầu hết nằm ngoài ranh giới, dính liền với núi vùng Cao Nguyên và đều mang tên Thượng:
- Chử Grên (1.159 thước)
- Chử Tông (1.717 thước)
- Chử Toung (1.099 thước)
- Chử Ka Doung (1.783 thước)
- Chử Ron Giang (1.488 thước)
- Chử Bon Gior (1.479 thước)
- Chử Het Tiaha (1.466 thước)
- Chử Kanda (1.281 thước)
- Chử Luôn (1.553 thước)
- Hòn Gia Lo (1.812 thước)
- Hòn Giao (2.010 thước)
Những hòn núi cao ở Cam Lâm cũng dính liền với núi vùng Cao Nguyên và cũng mang tên Thượng:
- Se Gai (1.128 thước)
- Ba Koum (1.403 thước)
- Ta Lô (1.304 thước)
- Ma Rai (2.356 thước) [4]
Những ngọn núi này tuy cao lớn, nhưng trông không hùng dũng, không có dáng chọc trời khuấy mây. Nhìn kỹ thấy đượm vẻ hiền hòa an lạc.
Phần nhiều không nổi danh:
Trong các sách Dư Địa Chí của người xưa, như Đại Nam Nhất Thống Chí, Phương Đình Dư Địa Chí... không thấy chép. Ngoài nhân gian cũng ít người biết. Nếu không nhờ những họa đồ của người Pháp ngày trước và người Mỹ ngày nay thì hầu hết người Việt Nam trở thành người ngoại quốc đối với đất nước thân yêu.
Trong số núi cao thượng dẫn, được thường nhắc nhở là Hòn Chảo ở Vạn Ninh và Hòn Bà ở Ninh Hòa. Nhưng được nhắc nhở không phải vì cao, mà tại có những điểm đặc biệt.
HÒN CHẢO
Nằm phía Tây Bắc Vạn Giã thuộc xã Vạn Hưng. Hình thù cao lớn. Chung quanh nhiều núi bao bọc, trước mặt núi thấp, sau lưng núi cao. Địa thế hiểm trở.
Đỉnh núi lõm xuống thành lòng chảo. Do đó núi mệnh danh là Hòn Chảo. Người thường cho là cảnh trời sanh. Nhưng người tân học tin rằng đó là hòn hỏa diệm sơn đã nguội mà lòng chảo xưa kia là miệng hỏa sơn.
HÒN BÀ
Nằm phía Tây Nam quận lỵ Ninh Hòa, thuộc xã Ninh Hưng cách chừng mười cây số đường thẳng. Đứng song song cùng Hòn Long, theo hướng Tây Bắc Đông Nam.
Chung quanh có nhiều núi triều ủng.
Cây cối sầm uất. Có nhiều cây gió nên sản xuất nhiều kỳ nam trầm hương.
Núi nầy được người địa phương coi là núi của Bà Thiên Y A Na, nên gọi là Hòn Bà. Trên núi có miếu thờ.
Những người đi điệu tức là đi tìm trầm, trước khi vào rừng, đều phải đem lễ vật đến miếu cầu khẩn. Người nào được Bà ban phước thì mới tìm ra trầm. Bằng không thì đi không cũng trở về không.
Ngoài Hòn Bà và Hòn Chảo ra, còn một ngọn núi nữa tuy không nổi danh bằng, nhưng vẫn được nhắc nhở vì đã có người lên thấu đầu non. Đó là Hòn Giao ở Diên Khánh.
HÒN GIAO
Núi nằm sát ranh giới Khánh Hòa và Tuyên Đức, ở giữa đám quần sơn mây khói thâm u. Đỉnh cao nhất vùng. Mưa nhiều, lạnh gắt. Những lúc nắng ráo, thì hễ mặt trời vừa lặn là bắt đầu có sương. Sương xuống mỗi lúc mỗi dày, trông như mưa phùn, như hoa cải. Mãi đến khi mặt trời mọc, mới tan dần.
Núi mọc toàn ngo. Ở dưới thấp thì cây tươi tốt như ngo Đà Lạt. Nhưng lên cao thì không cây nào lên quá hai thước năm. Thân hình lại u nần khúc khủyu, cành gân guốc cong queo, lá lưa thưa và vàng vọt. Trông như những cây tùng trồng kiểng lâu năm.
Đây là một hòn núi đá. Song đá bị rêu phủ lấp hết. Lớp rêu dày có nơi đến hàng thước. Mỗi khi rủi trượt chân té ngã thì êm ái như ngã trên đệm mousse có ressort.
Chim rừng thú rừng, cả muỗi nữa, đều không có. Nếu khí trời được ấm áp thì ban đêm có thể ngủ ngay trên nệm rêu giữa trời.
Vì đỉnh núi cao trên 2.000 thước, nên ban đêm trông lên phía Tuyên Đức thì thấy ánh đèn điện thành phố Dalat, trông xuống Khánh Hòa thì thấy ánh đèn điện thành phố Nha Trang. Ánh sáng mờ mờ và thu hẹp lại một vùng bằng cái nong. Nhưng không phải đêm nào cũng trông thấy được. Muốn ngắm chơi cho thích thì phải đợi lúc không mưa và không sương. Những lúc nầy năm khi mười họa mới có. Cho nên được ngắm ánh đèn dưới thành phố là cái thú tuyệt thú của người vì phận sự phải ở trên Hòn Giao lâu ngày.
Phía Tây Hòn Giao về địa phận Tuyên Đức có người Thượng Gia Rích ở. Phía đông về địa phận Khánh Hòa có người Thượng Gia Lách ở. Hai giống người này hiềm khích nhau tự nghìn xưa. Hễ người bên nầy sang bên kia, người bên kia sang bên nầy, thì thế nào cũng bị bắt giết để tế lễ. Nhưng gần mươi năm nay người Gia Lách được các nhà truyền giáo Tin Lành khuyên nhủ, nên mối thù truyền kiếp đã được giải tỏa lần lần. Và người Gia Rích, gần đây đã đến phần đất người Gia Lách để tránh đói rét.
Chính nhờ hai giống người Thượng nầy mà người Trung Châu lên đến Hòn Giao vậy.
D
Còn những núi cao khác chỉ có một số thợ rừng và một số chiến sĩ rừng xanh mới rõ hình thế và danh hiệu.
Trái lại có nhiều ngọn núi cao dưới nghìn thước, lắm khi chỉ cao chừng một vài trăm thước, mà danh nổi chẳng những trong tỉnh mà còn bay tận phương xa.
Như ở Vạn Ninh có:
HÒN TU HOA (728 thước)
Núi nằm về phía Tây Tu Bông (Vạn Khánh). Xưa gọi là Tô Sơn hay Hoa Sơn. Sau đọc trại chữ TÔ thành chữ TU và ghép chữ Hoa và thành TU HOA.
Núi có tiếng là nhiều gió.
Nguyên tỉnh Khánh Hòa nhờ những dãy núi phía Tây và phía Bắc vừa cao vừa liền che ngăn, nên không bị ảnh hưởng gió Lào và gió Bấc, như Bình Định, Phú Yên. Riêng ở vùng Tu Bông, ở phía Tây và phía Tây Bắc có đôi nơi hạ thấp xuống thành thung lũng. Do đó gió Lào và gió Bấc lọt vào.
Gió Lào thổi về mùa hạ và thổi qua hòn Tu Hoa. Cho nên tục có câu “Gió Tu Hoa”.
Gió Bấc thổi về mùa thu mùa đông và thổi qua thung lũng phía Tây Bắc. Nơi đó gọi là Eo Gió.
Gió Lào cũng như gió Bấc đều thổi đến Tu Bông. Cho nên Tu Bông có tên là “Tụ Phong Xứ” nghĩa là xứ tụ gió. Gió thổi ào ào và thổi suốt ngày suốt tháng!
Cho nên ở Tu Bông, ngoài câu phương ngôn “Gió Tu Hoa”, và tiếng “Eo gió”, còn có câu hát rằng:
Gió đâu bằng gió Tu Bông,
Thương ai bằng
Thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con.
Người thục nữ Tu Bông có tấm lòng quý hóa như thế, nên khách nam nhi Phú Yên Bình Định thường tìm vào kết nghĩa trăm năm. Có nhiều người đã cùng Tu Bông nặng tình đôi lứa, nhưng còn ngại lòng mẹ cha, nên có lời than thở:
Bước chân lên Đèo Cả
Trông vào Vạn Giã
Ngó lại Tu Bông...
Biết rằng cha mẹ đành không?
Anh chờ em đợi uổng công hai đàng...
Thật có thua gì thơ Quan Thư trong Kinh Thi Trung Quốc. Được thế có phải chăng nhờ ảnh hưởng gió Tu Hoa gió Eo Gió là những ngọn thuần phong sanh mỹ tục?
Hòn Tu Hoa có danh nhờ Gió.
Từ núi Tu Hoa vào Nam, đi quá Vạn Giã chừng bốn cây số tại thôn Xuân Tự xã Vạn Hưng thì có:
NÚI BỒ ĐÀ
Cũng gọi là Phổ Đà. Chỉ cao 292 thước. Hình phảng phất giống con voi trở đầu ra Bắc. Sườn núi chỗ lồi, chỗ lõm, trồi sụt, thấp cao, lên xuống không dễ.
Bên cạnh về phía Đông Bắc có ngọn núi nhỏ gọi là núi Phiên Lê tục danh Dốc Thị.
Con đường Quốc Lộ số 1 trổ ngang qua núi nầy.
Bồ Đà và Phiên Lê là hai chị em.
Núi tuy thấp nhưng hiểm trở, có thể dụng binh. Ngày xưa nghĩa quân Cần Vương do anh hùng Trần Đường chỉ huy đã đóng tại Bồ Đà để giữ đèo Dốc Thị. Giặc Pháp không dám đến gần. Sau hai năm hao công sức, Pháp xin thêm viện binh. Đại binh Saigon kéo ra. Tên Việt gian Trần Bá Lộc đem tiền của chức tước mua chuộc bọn mãi quốc cầu vinh. Biết được căn cứ quân sự của nghĩa binh, y viên kéo dồn quân đến bao vây công kích. Nghĩa binh chống cự anh dũng. Nhưng súng hỏa mai, giáo sào, gươm, ná không chống nổi cùng đại bác súng trường. Nên sau mấy trận thư hùng, nghĩa binh bị đại bại và anh hùng Trần Đường phải hy sinh.
Bồ Đà và Dốc Thị nổi tiếng nhờ chiến công oanh liệt của nghĩa binh Cần Vương tỉnh Khánh Hòa.
Chung quanh Bồ Đà và Dốc Thị còn nhiều núi chung một sơn mạch. Thường được nhắc nhở: phía Bắc có Núi Chùa, phía Nam có Núi Quán.
Núi Chùa thấp và không có gì đặc sắc, ngoài một ít dấu thành lũy của Chiêm Thành. Có danh là nhờ ở gần đàng Quốc lộ số 1 ngày nay và đường Thiên Lý ngày xưa. Kẻ qua người lại mượn làm cái tiêu cái đích cho dễ nhớ, dễ nói năng.
Gọi là Núi Chùa vì xưa kia trên núi có chùa thờ Phật.[5]
Được liệt vào hàng danh sơn là Núi Quán, tên chữ là:
NÚI MỸ NGỌC
Có tên nữa là Núi Dàn, cao 473 thước.
Phía Tây núi non trùng điệp. Phía Đông và phía Nam, gò đống ngổn ngang chạy từ chân núi đến Hòa Huỳnh, liền nhau như những nấm mồ trong nghĩa địa, nấm to nấm nhỏ, nhiều nấm tròn, cũng có nấm hình dáng không đều đặn.
Để hình dung cảnh tượng, cổ nhân dùng bốn chữ: “Thác lạc thùy châu”. Nghĩa là một chuỗi hạt châu rơi rụng lòng thòng. Và để ca tụng quang cảnh ngoạn mục lúc đăng sơn, cổ nhân dùng tên Mỹ Ngọc tặng cho núi.
Người bình dân gọi là Núi Quán vì xưa kia có một thiền sư đến cất am tu trên núi, và để giúp đỡ những hành khách lỡ đường, che một cái quán dưới chân núi, cạnh đường vô ra.
Còn vì sao gọi núi Dàn thì không ai biết rõ. Có người giải thích rằng vì trước núi gò đống dàn bày nghênh ngang ra vậy. Đó chỉ là cưỡng giải mà thôi.
Những gò đống dưới chân núi bị đường Quốc Lộ số 1 chia làm hai nhóm.
Nhóm phía dưới hình dáng trông đều đặn hơn nhóm phía trên và liền chân nhau thành một hàng dài từ Bắc vào Nam dọc theo đường Quốc Lộ. Tất cả có chín nổng: tục gọi Chín Cụm. Khách văn chương gọi là Cửu Phong Liên Đới và Cữu Lĩnh Minh Châu.
Núi Mỹ Ngọc cũng như núi Phổ Đà và các núi nằm dọc theo đường Thiên Lý, trước kia rất sầm uất. Nhưng từ thời chiến tranh bùng nổ, cây cối bị đốn gần hết. Núi trông trơ trụi khô khan, giảm hứng thú đi nhiều lắm.
Dãy núi nằm phía Tây núi Mỹ Ngọc (cũng thuộc xã Vạn Hưng) là dãy:
NÚI ĐÁ ĐEN
Cao 611 thước. Sắc đá đen như cháy. Có nhiều chướng khí và thỉnh thoảng có mây đen từ trong đá bay ra.
Trên núi có dấu thành lũy của Chiêm Thành, tục gọi là Thành Hời. Trong phạm vi thành có miếu cổ do người Việt cất. Lâu đời đã hư nát. Dưới chân núi có một cái láng gọi là Láng Chu và một cánh đồng rộng, chung quanh núi bao bọc, gọi là đồng Xuân Sơn.
Vùng nầy xưa kia là bãi chiến trường. Oan khí tích tụ sanh ra quỷ quái. Truyền rằng những chiều âm u, những đêm trăng mờ gió lạnh, thường nghe tiếng khóc than, và thấy bóng ma thấp thoáng trong sương khói. Có người gặp ma cả ban ngày. Vì vậy không mấy ai dám đi qua núi một mình, nhất là lúc trời chạng vạng.
Phía Tây Nam núi Đá Đen và Núi Dàn, có hòn:
HÒN VUNG
Thuộc xã Ninh An nơi ranh giới quận Ninh Hòa và Vạn Ninh.
Núi chỉ cao 326 thước và cách xa đường Quốc Lộ số 1. Thế mà từ Vạn Giã vào đến Ninh Hòa, vẫn trông thấy như chạy theo bên cạnh.
Đó là do hình núi khác với “đồng bào” chung quanh.
Núi chung quanh đều chạy theo hướng Bắc Nam hoặc Tây Đông, và dáng dài dài loại hình thang hoặc hình đa giác dẹp...
Hòn Vung đứng thẳng và đỉnh nhọn chọt lên trời xanh. Nếu như lưng đen chỏm trắng thì giống hẳn chiếc nón lông chụp bạc của các thầy Chánh Tổng ngày xưa.
Khi đặt tên,
Nếu gặp tay háo sắc thì nhất định núi mang tên là Nhũ Sơn.
Còn nếu gặp khách thích văn chương thì làm gì cũng gọi núi là Bút Sơn vậy.
Nhưng người Khánh Hòa vốn ưa thực tế, nên gọi là Hòn Vung.
Phía ngoài có Hòn Chảo, phía trong có Hòn Vung. Trời đã khéo sanh, mà người cũng khéo đặt.
Rõ là thiên ý nhân tâm.
Đỉnh Hòn Chảo và đỉnh Hòn Vung đối trĩ nhau, bên chính Bắc, bên chính Nam, và cách nhau mười cây số đường thẳng. Dường như có sự sắp đặt của Hóa công.
Hai núi nầy nếu ở Bình Định thì làm gì đồng bào ngoài đó cũng bảo là có bàn tay ông Khổng Lồ nhúng vào.[6] Ở Khánh Hòa ông Khổng Lồ cũng có đến [7], song không nghe nói chuyện dời núi non. Cho nên có câu:
Khánh Hòa non nước trời sanh,
Xưa sao nay vậy đượm tình nước non.
Bước vào địa phận Ninh Hòa, nhìn về hướng Đông, xa xa thấy một vùng núi chạy ra biển. Đó là:
NÚI PHƯỚC HÀ
Núi nằm phía Đông quân lỵ, rộng hàng trăm dặm vuông, chạy ra biển thành một bán đảo xiên xiên về hướng Đông Nam, bề ngang trên dưới mười cây số, bề dài trên vài chục cây số, ở trên địa phận ba xã Ninh Phú, Ninh Diêm, Ninh Phước.
Vịnh Vân Phong và vịnh Nha Phu vây quanh ba mặt.
Từ trên mây ngó xuống, hình núi giống hệt ngón tay cái củ gừng của bàn tay mặt úp sấp.
Đó là một quần sơn đứng trên một căn đế. Có trên mười ngọn, cao nhất là Hòn Hèo (819 thước) ở giữa, rồi đến hòn Tiên Du ở phía Tây Nam (777 thước) và hòn Phủ Mái Nhà (725 thước) ở phía Tây Bắc. Còn các ngọn khác ở phía Đông như Hòn Răng Cưa, Hòn Nhọn... thì cao dưới 500 thước.
Vì Hòn Hèo cao nhất nên người địa phương dùng làm đại biểu cho toàn dãy, nên thường gọi Phước Hà Sơn là Hòn Hèo.
Núi Phước Hà có nhiều mây, nhưng nhiều nhất và lớn nhất là mây Hòn Hèo.
Tại Hòn Hèo lại có thứ mây bông, tên chữ là hoa đằng, vừa to vừa thẳng. Đồng bào địa phương chặt về làm vật dụng, nhất là làm hèo. Do đó anh chị em bình dân mới gọi núi là Hòn Hèo, và khách hàn mặc đặt cho một tên văn vẻ là Hoa Đằng Sơn.
Tên Hoa Đằng Sơn cũng thường thay thế cho Phước Hà Sơn vậy.
Vì Hòn Hèo có nhiều mây nên phương ngôn có câu: “Mây Hòn Hèo”.
Hình thế núi Phước Hà rất kỳ mà cũng rất hiểm.
Đứng tại Phước Sơn, thuộc xã Ninh Đa, ngó xuống thì hình núi giống hệt mái nhà ngói rêu phong, dáng trông hiền lành nhưng nghiêm nghị. Đứng ngoài Phú Thọ thuộc xã Ninh Diêm ngó vô, thì nơi lồi nơi lõm, hốc hỉu hô hê, hình dáng trông rất xấu xí và dữ tợn.
Đứng tại Ninh Tịnh thuộc xã Ninh Phước trông ngược lên thì thế núi liền lạc hòa huỡn, “cây chen đá lá chen hoa”, quang cảnh trông thanh u nhưng có phần kỳ bí.
Đứng ở Lệ Cam thuộc xã Ninh Phú mà ngó thì phong cảnh thật là tú mỹ. Dọc theo bờ biển vịnh Nha Phu, đá ngổn ngang chồng chất. Hòn to lớn, trăm dạng nghìn hình. Đây là Đá Tượng theo trí tưởng tượng của người ngắm cảnh mà hóa thành voi thành ngựa, thành vật nọ vật kia. Rồi tới Đá Vách dựng đứng như vách, cao trật ót và dài đến ba bốn cây số. Trên thì núi, dưới thì biển, muốn qua lại, người ta phải luồn vào “vách” mà đi.
Đó là ở mặt ngoài. Trên núi vào trong núi hình thế rất kỳ dị và rất hiểm trở. Nghĩa binh Cần Vương đã nhờ thế núi mà cầm cự cùng đại binh Pháp hơn một năm trời.
Tại hòn Tiên Du có một hang đá rộng lớn như một cái nhà và có thể chứa ba bốn trăm người thong thả. Hang đá ở trên lưng chừng núi. Chung quanh có cây rậm đá to. Cảnh trí rất thâm u tĩnh mịch. Xưa kia có một thiền sư đến ở tu, nên hang trở thành chùa và tục gọi là Chùa Hang. Chính nơi đây là một trong những mật khu quân sự của Nghĩa binh Cần Vương tỉnh Khánh Hòa thời kỳ Pháp đến xâm chiếm nước Việt nam[8].
Gần Chùa Hang lại có một tảng đá cực kỳ to lớn. Những lúc trời thanh, đứng ở Ninh Hòa nhìn xuống, thấy rõ sắc dạng nổi bật lên trên màu núi xanh. Mặt đá bằng phẳng, hình chữ nhật, dài trên dưới bảy mươi thước tây, rộng trên dưới năm mươi thước. Đá nằm lài lài theo triền núi, nên tục gọi là Đá Trải.
Đứng nơi Chùa Hang cũng như nơi Đá Trải, ngó xuống chân núi, phía Nam, thì thấy thôn Tiên Du, thôn Lệ Cam, cửa nhà chen chúc trong bóng cây màu khói. Vịnh Nha Phu thương mang vỗ sóng vào chân núi Phước Hà ở mặt Bắc và những gành, những bãi ở mặt Nam. Bên kia vịnh, con đường hỏa xa, con đường Quốc Lộ số 1, từ Ninh Hòa vào đến Lương Sơn, trông như hai con rắn bò song song qua những lùm cây chỗ thưa chỗ nhặt. Và vườn ruộng, núi rừng giăng bát ngát ở phía Tây và dọc theo hai con đường xe hơi xe lửa... Ngó lên phía Ninh Hòa, xóm làng thành phố nối liền nhau, khi ẩn khi hiện... Phong cảnh gần đời nhưng không tục.
Phước Hà liệt vào hàng danh sơn thật là xứng đáng vậy.
Ở phía Bắc núi Phước Hà, trên một doi đất chạy xuống biển Vân Phong, đột khởi một cụm núi nhỏ, chỉ cao 155 thước, tục gọi là:
HÒN KHÓI
Dưới chân núi có đầm Đông Hải. Chung quanh đầm, về phía Đông, phía Tây, rải rác một ít gò đống.
Cả vùng đều mang tên núi: Vùng Hòn Khói.
Người Pháp gọi là Hone Cohé. Tên nầy do tiếng Hòn Khói đọc theo giọng Tây. Nhưng có thuyết bảo rằng núi nầy tên chữ là Quế Sơn, tục gọi là Hòn Quế. Tây đọc trại là Hone Cohé. Thuyết nầy không được phổ biến.
Còn tên Hòn Khói do đâu mà ra?
Truyền rằng thời Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu tranh hùng, Phúc Ánh thường đóng quân ở đây. Trên núi có trại canh. Hễ khi nào có địch tới thì đốt khói làm hiệu. Do đó núi mệnh danh là Hòn Khói tên chữ là Yên Cang.
Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), đổi tên Yên Cang làm Vân Phong, tức Đỉnh Mây.[9]
Nhưng có người bảo:
- Vùng núi nầy là núi lửa đã nguội. Thỉnh thoảng động đất, núi bị rạn nứt, khói ở lòng đất theo kẻ hở bay ra. Khói mà cổ nhân trông thấy rồi dùng đặt tên cho núi , là khói của đất chớ không phải của người. Tên Hòn Khói nhất định đã có từ lâu chớ không phải từ thời nhà Nguyễn Trung hưng.
Thuyết nầy có lẽ đúng hơn.
Nhưng việc đốt lửa báo hiệu lúc Nguyễn Ánh tranh hùng cùng nhà Tây Sơn vẫn là chuyện thật.
Năm Bính Tuất (1886), sau khi Diên Khánh thất thủ, anh hùng Trịnh Phong kéo nghĩa quân ra đóng Hòn Khói, vẫn đốt lửa trên núi để báo hiệu lúc thấy giặc Pháp ở biển kéo vào.
Những sự kiện lịch sử tô điểm cho núi non thêm ý vị.
Hòn Khói và Phước Hà nằm sát mé biển, phía Đông đường Quốc Lộ số 1. Phía Tây đường Ninh Hòa còn hai ngọn núi nữa thấp mà có danh, một nổi riếng về cọp, một nổi tiếng về heo rừng.
Đó là:
- Núi Phú Như.
- Núi Xích Thổ.
NÚI PHÚ NHƯ
Tục danh là núi Ổ Gà.
Núi nằm về phía Bắc quận lỵ cách chừng ba cây số, tại thôn Phú Nghĩa, phía Tây đèo Bánh Ít tức đèo Hà Thanh, giữa đường Quốc Lộ số 1 ở phía Đông và đường Hỏa xa ở phía Tây. Phía Nam núi lại có con đường liên xã số 10 chạy từ đường Quốc Lộ lên đường Hỏa xa.
Núi không cao nhưng rậm rạp, nên cọp rất nhiều.
Khánh Hòa nổi tiếng về cọp. Tục có câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, vì núi nào hễ có rừng rậm là có cọp. Cọp ở Ổ Gà lại nhiều hơn các vùng sơn lâm trong tỉnh. Truyền rằng cọp kéo ra từng đoàn như đoàn bò. Cho nên phương ngôn có câu “Cọp Ổ Gà”.
Cọp tuy nhiều, nhưng cọp Ổ Gà cũng như các nơi khác, rất nhát gan, hễ thấy người thì lo tránh. Cho nên người lịch lãm thường nói: “hiền như cọp Khánh Hòa”.
Thời Pháp thuộc, đời Duy Tân (1907-1916), nhà chí sĩ Trần Cao Vân vào Khánh Hòa vận động cách mạng. Không có kết quả, than cùng một ông bạn:
- Nhân sĩ Khánh Hòa hiền lành quá!
Ông bạn cười đáp:
- Cọp còn thế huống chi người!
Lại có câu chuyện tiếu lâm rằng:
- Ở các nơi gần rừng núi, cọp thường ra chơi cùng các em mục đồng. Đôi bên coi nhau như người trong tứ hải, có gì ngon đều đãi nhau.
Một hôm một em bé chơi nghịch lấy tay bóp dái cọp chúa đàn. Đau điến ruột, cọp thét lên một tiếng, bỏ chạy về núi một hơi. Cả bầy thất kinh, ùn ùn chạy theo hết. Từ ấy không dám làm thân cùng người nữa, và hễ thấy người thì nguýt một cái rồi tránh xa.
Cọp hiền là do thủy thổ. Cũng như người, cọp “dĩ hòa vi quý”. Bởi vậy, tuy xứ nhiều cọp, cổ nhân vẫn xem mặt đặt tên: Khánh Hòa.
Vì cọp hiền nên Khánh Hòa ít bị hổ hoạn. Năm khi mười họa, nếu có kẻ bị rủi ro thì tiếng đồn khắp tỉnh.
Như ở Vạn Ninh, ngày xưa có một ông tiều tục gọi là lão Hảo, bị cọp tại đèo Dốc Thị chụp tuột da đầu. Nếu sự việc xảy ra ở Phú Yên hay Bình Định, thì rồi là rồi, vì thường quá. Nhưng ở Khánh Hòa, cọp chụp người là chuyện hy hữu, nên địa phương mới có câu “Tuột da lão Hảo”, truyền cho đến ngày nay.
NÚI XÍCH THỔ
Là vùng núi đất đỏ ở phía Tây núi Ổ Gà.
Núi thấp nhưng rừng rậm và nhiều cây to, nên có nhiều sơn thú.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng có cả tê giác. Nhưng không mấy ai trông thấy. Chỉ thấy nhiều nhất là heo rừng.
Heo rừng Đất Đỏ đã nhiều, thịt lại ngon hơn đâu cả. Cho nên nổi tiếng là “heo Đất Đỏ”.
Vì có nhiều sơn thú nên thời tiền chiến, Đất Đỏ là nơi lai vãng của những tay thợ săn. Và hễ có thịt heo rừng bán ra, mà nói là heo Đất Đỏ, thì mấy gánh mấy khiên cũng không sợ ế.
Ở quanh vùng Đất Đỏ có thứ đá son. Thời chữ Nho thịnh hành, học trò thường đến lượm về mài cho thầy chấm bài vở.
Nhưng văn không quý bằng chất. Cho nên son không nổi tiếng bằng heo rừng.
Đó là những ngọn núi thấp mà nổi danh ở vùng ngoài, vùng thuộc về phủ Bình Khang ngày trước.
Ở vùng trong là vùng thuộc phủ Diên Khánh ngày xưa, tức quận Vĩnh Xương, quận Diên Khánh, quận Cam Lâm ngày nay, cũng có lắm hòn đỉnh thấp mà danh cao.
Ở Vĩnh Xương có:
NÚI CÙ LAO
Đây là một vùng núi thấp gồm có năm hòn lớn nhỏ liền nhau, nhưng bị đường Quốc Lộ số 1 cắt làm hai phần tây đông cách biệt.
Núi đã không cao lại không cây lớn. Nhưng nhờ có sông phía Nam, biển phía Đông, cổ tháp Thiên Y A Na ở dãy phía trên, những lâu đài tân tạo của Công giáo và Tin Lành ở dãy phía dưới, cùng những nhà cửa của nhân dân chen chúc dưới chân núi, mà phong cảnh trở nên thanh lịch hữu tình.
Đứng tại Nha Trang trông sang, những lúc trời quang mây tạnh, nhất là lúc mặt trời mới lên và lúc bóng chiều đã ngã, thì chúng ta mới thấy rõ vẻ đẹp của núi. Không nhiều cây rậm lá, mà sắc núi trông lục lìa. Đỉnh núi không có ngọn đâm lên trời xanh, mà chạy lô nhô như những lượn sóng, nhưng đường nét sắc bén như một tấm bìa các em cắt làm thủ công. Và những màu đỏ màu xám của gạch của ngói, những màu trắng màu đen của vôi của đá... tô điểm cho bức tranh màu lục đậm thêm duyên. Ngoài xa, những dãy núi cao, màu xanh nhạt làm bối cảnh và ngoài xa nữa là trời xanh. Càng nhìn càng thích.
Song núi Cù Lao quyến rũ khách du quan không phải vì phong cảnh, mà chính vì tháp Thiên Y A Na chứa đựng một sự tích ly kỳ và nhiều câu chuyện linh thiêng huyền bí [10].
Núi Cù Lao nằm trên Bắc ngạn sông Cù Giang tức sông Nha Trang.
Bên Nam ngạn và đối trĩ cùng dãy Cù Lao có hòn Sinh Trung và hòn Trại Thủy.
NÚI SINH TRUNG
Là một hòn độc sơn toàn đá, đứng trên mé đầm Xương Huân, cạnh bến Hà Ra của con sông Cù, giữa thành phố Nha Trang.
Các thầy Địa gọi là “Bạch tượng quyện hồ”.
Núi không cao cũng không lớn. Đối với thành phố, núi chẳng khác nào một hòn non bộ đứng trong một vườn cảnh nhiều cỏ nhiều cây. Hình núi không có gì đặc biệt. Núi lại ít cây cối và không quái thạch kỳ nham.
Nhưng nếu lên đầu núi đứng trông thì phía Bắc, phía Đông, nào sông nào đầm, nào cồn nào biển..., bóng cây in nước, bóng mây trôi dòng, lầu tháp ven bờ, tàu thuyền trên sóng. Nhìn về hướng Tây, hương Nam, thì phố xá ngựa xe, đồng ruộng mây khói, muôn màu nghìn nét, bát ngát mênh mông. Xa xa non xanh trập trùng như bức trường thành bao trùm lên ba mặt Tây Nam Bắc, còn mặt Đông, sóng bạc làm thiên binh vạn mã để hộ vệ cho non. Vọng cảnh thật bao la, ngoạn mục.
Trên đầu núi có miếu thờ các vị công thần của nhà Nguyễn đã bỏ mình lúc Trung hưng. Miếu gọi là Tinh Trung, sau đổi là Sinh Trung. Tên núi mượn tên miếu mà kêu. Người địa phương cũng thường gọi là núi Hà Ra. Hà Ra là tên khu vực. Sách Đại Nam chép là A La.
Núi Sinh Trung và đầm Xương Huân vốn có tình “cốt nhục”.
Truyền rằng: Ban sơ không có đầm cũng không có núi. Khi nữ thần Poh Naga giáng thế, sấm trời nổi dậy báo cho vạn vật biết tin, thì một con Cù sanh từ lúc khai thiên lập địa, nằm ngủ quên trong lòng đất, giật mình vùng dậy: Những lớp đá phủ trên mai Cù bị hất tung lên thành núi, và nơi Cù nằm bị hũng xuống thành đầm. Cho nên đầm có tên là Cù Đàm và núi có tên là Cù Lĩnh.
Đầm nằm ôm chân núi, núi đứng soi bóng vào lòng đầm. Nước trang điểm cho non, non trang điểm cho nước. Tương y tương ỷ, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Những đêm gió mát trăng trong, lên núi mà xem đầm thì cực kỳ thanh thú. Mặt đầm như tờ giấy băng cơ trắng láng, và vầng trăng như quả ấn ngân châu đóng lên trên nền mờ mờ do núi non cửa nhà cây cối phác họa. Trường Xuyên có câu:
Sóng lặng tăm cù non gởi bóng,
Thu lồng gương quế nước in châu.
Đó là quang cảnh ngày trước. Ngày nay cảnh lâu đài khang trang, đèn điện trăm màu sắc, tưng bừng rực rỡ, đã lấn át cảnh thiên nhiên. Trong chánh phủ ngoài dân gian, không còn mấy ai để ý đến non nước, khiến Cù Đàm Cù Lĩnh đã bị những bàn tay đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, làm hư hại quá nhiều.
Muốn tìm lại phong thú của nghìn xưa, phải đợi khi lòng người biết yêu nước non trở lại.
NÚI TRẠI THỦY
Thường gọi là Hòn Xưởng. Tên chính thức đã được “trước bạ” trong sách vở là Khố Sơn, tục danh Hòn Kho.
Đại Nam Nhất Thống Chí chép:
“Khố Sơn ở phía Đông huyện Vĩnh Xương độ hai dặm. Phía Đông Nam có nền cũ kho Phước Sơn nên đặt tên như thế. Phía Bắc gần sông Ngư Trường. Năm Ất Mão đầu lúc Trung hưng (1795) đại binh đánh phá tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu ở Bảo Khố Sơn tức là chỗ nầy. Trên núi có đền Quan Công và miếu Ngũ Hành”.
Lỵ sở Vĩnh Xương trước kia đóng ở Phú Vinh, nên sách nói “Khố Sơn nằm ở phía Đông”. Và kho Phương Sơn là kho chứa lương thực từ thời chúa Nguyễn.
Nhà Tây Sơn chiến thắng chúa Nguyễn, lập xưởng đóng thuyền bè tại Hòn Kho. Từ ấy núi mang tên Hòn Xưởng.
Sau khi lấy lại được Diên Khánh, Nguyễn Phúc Ánh lập trại nơi Hòn Xưởng, gần bến Trường Cá (tức Phương Sài hiện tại) để thủy binh đóng giữ mặt biển. Người địa phương bèn gọi là hòn Trại Thủy.
Sang thời Pháp thuộc, tên Trại Thủy được ghi trên các bản địa đồ và trên giấy tờ của Chánh Phủ, nên trở thành tên chánh thức và được thông dụng hơn tên Hòn Xưởng, Hòn Kho. Và hiện nay Trại Thủy vẫn là tên ghi nơi “căn cước” và trong “sơn thủy bộ”.
Trại Thủy là một hòn độc sơn nằm ở địa đầu thành phố Nha Trang, về hướng Tây.
Núi cao chừng ba mươi, ba mươi lăm thước, dài độ năm sáu trăm thước, chạy dọc theo đường Quốc Lộ 1, ở phía Bắc.
Hình giống một con dơi nằm sè đôi cánh, đầu hướng về Tây Nam. Cổ nhân gọi là “Ngọc bức hàm hoàn” (Giơi ngọc ngậm vòng ngọc).
Triền phía sau toàn đá hoa cương và dốc ngược.
Triền phía trước hơi lài lài, cũng bằng đá hoa cương nhưng có lẫn đất điệp.
Trên núi không có cổ thụ, không có bàn thạch. Khí sắc không được tươi nhuận. Cảnh tượng trông có vẻ trơ trụi khô khan. Xưa kia chỉ có miếu thờ Quan Công và miếu Ngũ Hành cất nơi “đầu con dơi”, quy mô nhỏ hẹp. Thời tiền chiến (1943), Hòa Thượng Giác Phong lập nơi “cánh hữu con dơi” ngôi chùa Hải Đức, đồ sộ trang nghiêm. Tiếp theo chùa Hải Đức, một dãy tăng phòng và học viện cùng tịnh thất xây thêm sau ngày đình chiến. Gần đây, hội Phật giáo Khánh Hòa đúc Kim Thân Phật Tổ, bằng thạch cao, nơi “lưng dơi”. Tượng ngồi trên tòa sen, ngó vào Nam, trông vừa bi vừa dũng. Dưới chân núi, nơi góc tiếp giáp “cổ dơi” và “cánh tả” hội Phật Giáo cất ngôi chùa Long Sơn tục gọi Chùa Hội một thời cùng chùa Hải Đức và hai dãy trường Tiểu Học và Trung Học Bồ Đề trong khoảng gần đây. Chùa và trường nằm ngay dưới chân Kim Thân Phật Tổ. Và, một con đường chạy quanh co theo triền núi nối liền Chùa Hội cùng chùa Hải Đức, một bực cấp ở sau Chùa Hội và một con đường thứ hai vừa xây đắp để cho khách thập phương lên chiêm ngưỡng Kim Thân đức Từ Tôn. Cây cối quanh chùa quanh tượng, mỗi ngày mỗi trồng thêm. Hiện nay đã có bóng xanh mát.
Nhờ tay người điểm trang, mà hòn Trại Thủy trở nên xinh lịch.
Nhưng thú đăng lâm của du khách không phải ở nơi chùa nơi núi, mà chính ở nơi vọng cảnh bốn chung quanh.
Nhìn ra phía sau núi: Ngoài con sông Cù như tấm lụa bạch, phân dòng uốn khúc, chảy xuống biển Nha Trang lai láng màu thủy ngân, ngoài dãy núi Cù Lao chạy dọc theo bờ sông mé biển, với tháp với lầu, với cây xanh đá xám, soi hình in bóng trên mặt sóng rung rinh... Ngoài những cảnh ấy, những cảnh đã thấy khi đứng trên núi Sinh Trung, du khách còn được thưởng thức quang cảnh những vườn dừa nối liền nhau không dứt của các làng Lư Cấm, Ngọc Hội, Vĩnh Hội, Vĩnh Điềm... nằm dưới chân non và trải một màu xanh óng ánh như mặt biển xuân buổi sớm mai lặng gió...
Nhìn ra mặt trước núi: Nào vườn rau tư mùa xanh, đồng lúa khi trải vàng khi giăng lục; nào xóm làng ẩn hiện nơi bóng cây quằng trái, mai chiều điểm nhạt đôi cánh cò trắng quẩn quanh... Và thành phố Nha Trang trông suốt từ đầu đến cuối: Cửa nhà bát úp, đường sá màng nhện giăng... ban ngày ngựa xe, ban đêm ánh đèn điện, tưng bừng rộn rịp... nhưng bụi đời không làm bợn bầu không khí thanh tịnh trên đầu non.
Thấy Trại Thủy đứng giữa đất bằng, nhiều người tưởng là một hòn núi độc lập. Nhưng theo các nhà địa lý học thì núi thuộc hệ thống vùng núi Cao Nguyên. Và các nhà phong thủy, tục gọi là Thầy Địa, cho biết rằng đó là Trấn Thủy Khẩu của dãy núi phía Tây Diên Khánh. Long mạch phát từ Hòn Thị [11], chạy ngầm dưới đất đến gần cửa sông Cù thì đột khởi làm cột trụ giữ anh khí cho cuộc đất Diên Khánh Vĩnh Xương. Và thành Diên Khánh lấy Hòn Thị ở phía Tây làm hữu bậc, lấy hòn Trại Thủy ở phía đông làm tả phù. Vì vậy, về mặt phong thủy, hòn Trại Thủy là một trong những hòn núi quan trọng tỉnh Khánh Hòa.
Và trông thấy Trại Thủy có vẻ hiền lành, mấy ai ngờ rằng trước kia đã xảy ra nhiều cuộc huyết chiến ngay dưới chân núi. Đó là những trận đánh ác liệt giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn năm Quý Sửu (1793) và năm Giáp Dần (1795) tại bến Trường Cá [12]. Và năm Ất Dậu (1885) nghĩa quân Cần Vương đã dùng nơi đây làm căn cứ chống Pháp [13]. Những sự kiện lịch sử ấy vẫn chưa mờ nơi bia miệng nghìn thu.
Thời Pháp thuộc, lên chơi Trại Thủy, Thi Nại Thị nghĩ đến chuyện xưa, đề nơi đá mấy vần cảm khái:
Bước lên hòn Trại Thủy,
Dừng chân đứng nghỉ,
Nghĩ chuyện đời xưa:
Lầm chữ Trung bao kẻ bị lừa,
Bọc thây da ngựa để dựng cơ đồ cho ai!
Vơi vơi biển rộng sông dài,
Đống xương vô định ai người khói hương?
Và rồi người tranh bá,
Và rồi kẻ đồ vương,
Sướng tay chẳng giữ mối giường,
Non sông đem gán cho phường sài lang!
Cảm thương đoàn nghĩa sĩ,
Gan rèn đá,
Dạ trui vàng,
Mật thù thắm vị gian nan,
Quyết đem xương máu lấp đàng xâm lăng.
Gươm mài trăng dẫu khuất,
Gương rửa nhục còn treo.
Nước sông Trường Cá trong veo,
Nghìn thu suy thịnh thủy triều xuống lên.
Trước mặt hòn Trại Thủy, cách một cánh đồng rộng thênh thang, một dãy núi giăng dài từ Tây xuống Đông, dọc theo đường Quốc Lộ số 1. Đi trên Quốc Lộ trông vào thấy nhiều hòn giống hình linh quy đương bò lên hướng mặt trời lặn.
Đó là dãy núi Hoàng Ngưu.
NÚI HOÀNG NGƯU
Do tiếng Đồng Bò là tên một cánh đồng ở dưới chân núi mà ra.
Đây là một vùng núi rộng hàng trăm dặm vuông, nằm trùm trên địa phận ba quận Vĩnh Xương, Diên Khánh, Cam Lâm và chạy ra sát biển. Núi không cao, đỉnh cao nhất là 978 thước nằm ở giữa núi nhưng thế hiểm. Nếu dùng làm mật khu quân sự thì địch khó mà tìm ra cơ sở, mà có tìm ra đi nữa cũng không dám tấn công.
Đi trên tàu bay nhìn xuống thì thấy núi non điệp điệp trùng trùng. Nhưng chỉ có một ngọn nổi danh là hòn Cầu Hùm thường kêu là Hòn Con Hin.
Núi nằm sát biển cao 643 thước, cây cối rậm rạp, đá mọc gồ ghề, lại có nhiều thú dữ. Song núi nổi danh không phải vì cảnh vật, mà nhờ câu chuyện bắt hùm của người xưa.
Nguyên ngày xưa ở Khánh Hòa có một con cọp chúa đàn sống trên vài trăm năm, to lớn dị thường và hung tợn cực độ. Cọp què một chân, nhưng lanh lẹ như chớp. Ngày ngày thường xuống đồng bằng bắt người và gia súc, tên bắn không thủng, bẫy nhử không mắc, gây đại hoạn cho đồng bào địa phương.
Khi làm trấn thủ thành Diên Khánh (1793), ông Nguyễn Văn Thành tìm đủ cách để trừ nạn cho dân. Song không có kết quả. Nghe đồn bà Thiên Y A Na linh thiêng, quan trấn thủ liền mật đảo. Thiên Y liền ứng mộng bảo gài bẫy nơi dãy Hoàng Ngưu, và bày lễ tam sanh cúng tế trong ba ngày đêm, thì tất bắt được hổ. quan trấn thủ làm theo lời mộng thì quả bắt được con hùm xám ba chân. Từ ấy nhân dân được sống yên. Để tỏ lòng tri ân, quan lập miếu thờ bà Thiên Y nơi đỉnh núi đã bắt được hùm. Và nhân câu chuyện cầu đảo mà bắt được hùm thiêng, nhân dân địa phương gọi núi là núi Cầu Hùm vậy [14].
Hòn Cầu Hùm là chủ sơn trong dãy Hoàng Ngưu.
Và dãy Hoàng Ngưu nằm sát biển ở mặt Đông, lại có đồng bằng cùng đường Quốc Lộ số 1, đường Hỏa xa làm ranh giới ở phía Tây, nên bên ngoài có vẻ một “Quốc gia tự trị không lệ thuộc một cường quốc nào”. Nhưng sự thật, cũng như hòn Trại Thủy đối diện, vẫn nằm trong sơn hệ vùng Cao Nguyên và vẫn liên quan mật thiết với vùng núi phía Tây Diên Khánh.
Quận Diên Khánh, ngoài những ngọn núi cao trên nghìn thước (đã dẫn ở đoạn trên), còn mấy ngọn thấp rất nổi danh.
Trước hết là hòn:
NÚI CHÚA
Núi nằm trong địa phận thôn Đại Điền Trung, phía Bắc thành Diên Khánh.
Ngày xưa gọi là núi Đại An.
Tên chữ là Qua Sơn tức Núi Dưa.
Tục gọi là Núi Chúa.
Truyền rằng nơi núi Đại An xưa kia có vườn dưa của vợ chồng ông tiều mà bà Thiên Y A Na tục gọi là bà Chúa Ngọc, giáng trần và hiển thánh [15].
Tên Qua Sơn, Núi Chúa do đó mà ra.
Còn Đại An là tên làng cũ của Đại Điền. Cổ nhân mượn tên làng gọi núi vậy.
Xưa nay tên Núi Chúa thông dụng nhất.
Núi Chúa là một thổ sơn, cao 284 thước. Dáng tròn tròn. Cây cối thưa thớt.
Phía trước là đồng bằng. Phía sau, chạy dài từ Tây xuống Đông, một dãy núi đá cao và rậm.
Xa trông như một nấm mộ đất chôn dưới chân hàng rào dúi trong một khoảnh vườn hoang.
Trên đỉnh có miếu thờ bà Thiên Y A Na.
Miếu ngói. Quy mô không được rộng lớn. Cách thờ phụng cũng không được trang hoàng. Không xứng với một vị thần thượng đẳng mà các quan Tỉnh một khi đến để lỵ Khánh Hòa đều phải sang bái yết.
Trước miếu, cách một sân rộng, có hai cây mã tiền, tức là cây cổ chi, sống lâu đời, thân cao tàn cả. Dưới gốc cây có hai nấm mộ đất. Người ta bảo đó là mộ của hai vợ chồng ông tiều, cha mẹ nuôi bà Chúa Ngọc.
Bà Chúa Ngọc có nhiều danh hiệu.
Nơi bia cụ Phan Thanh Giản ghi là A Na Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí khi thì chép theo cụ Phan, khi thì chép là Thiện Phi A Diễn Bà, khi thì chép Thiên Y A Diễn Bà, khi thì chép là Chúa Ngọc Tiên Nương (tục thường gọi là Chúa Tiên).
Trong các sắc thần do vua nhà Nguyễn phong tặng thường chép là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi.
Ngoài đời thường gọi là Thiên Y A Na.
Nhà Nguyễn Trung hưng ngay buổi đầu đã phong tặng Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần, và các vua sau đời nào cũng có phong tặng.
Truyền rằng Núi Chúa rất linh thiêng. Thường có hào quang chiếu sáng.
Năm Tự Đức thứ ba (1850) được ghi vào từ điển, hằng năm quan Tỉnh phải thân hành đến tế vào tháng trọng xuân. Từ ngày chế độ phong kiến bị lật đổ, lệ xuân kỳ không còn nữa. Nhưng nhân dân địa phương, vì lòng sùng thượng, vẫn không để lạnh khói hương.
Núi Chúa nếu không có bà Thiên Y A Na thì cũng bị một danh như muôn nghìn ngọn núi khác. Cổ nhân bảo:
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh,
Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Nghĩa là:
Non chẳng tại cao, hễ có tiên thời nổi tiếng,
Nước chẳng tại sâu, hễ có rồng thời hóa linh.
Lời nói ấy đã được Núi Chúa chứng minh một cách hùng hồn vậy.
Thời Pháp thuộc, Trường Xuyên lên chơi Núi Chúa có lưu lại một tuyệt rằng:
Người tiên cỡi hạc đi không lại,
Nọn dưa vắng vẻ cảnh am tiên!
Theo thời hoa cỏ đua màu thắm,
Ngậm đắng riêng đôi khóm mã tiền!
Ở Diên Khánh có hai ngọn núi hữu danh, trùng tên với hai ngọn núi ở Vạn Ninh.
Đó là Hòn Ngang và Hòn Dữ.
Hai hòn núi Diên Khánh đối với hai hòn núi Vạn Ninh thì thấp và nhỏ thua, và danh hai hòn núi Diên Khánh chỉ phổ biến trong tỉnh. Thêm nữa hai núi Diên Khánh chỉ có tên tục chớ không có tên chữ Hoành Sơn Trấn như núi Vạn Ninh. (Hòn ở Vạn Ninh viết là Giữ tức giữ gìn, tức là trấn. Hòn ở Diên Khánh phải viết là Dữ vì do dữ tợn dữ dằng mà ra).
HÒN NGANG
Nằm trong địa phận thôn Đại Điền Tây. Cao 265 thước. Dài chừng vài cây số. Nằm xây mặt xuống hướng Đông. Trông giống bức bình phong hình thang.
Phong cảnh không có gì đặc sắc. Có tiếng là nhờ nằm ngang ở giữa đồng trong khi các cụm núi khác nối nhau chạy theo một chiều như một đoàn cừu ngoan ngoãn.
HÒN DỮ
Nằm sát ranh giới Diên Khánh và Ninh Hòa, về phía Tây. Cao 904 thước. Trông ngang ngữa dữ tợn. Ở Ninh Hòa cũng như Diên Khánh, đi ngoài Quốc Lộ số 1, nhìn thấy Hòn Dữ nổi bật lên trên đám quần sơn, như một viên tướng giữa đám ba quân.
Núi gọi là Hòn Dữ vì hai lẽ:
- Hình thù của núi trông to lớn dữ dằng.
- Bà Thiên Y A Na thường tới lui nơi núi và trong núi thường có ma quỷ hiện hình. Hễ ai vào núi hoặc đến gần núi mà có điều vô lễ thì bị quở phạt, nhẹ thì nhức đầu nóng lạnh, nặng thì điên cuồng hoặc hộc máu chết.
Núi còn có tên nữa là hòn Song Đôi. Vì đỉnh tách ra làm hai ngọn đứng song song trông rất cân đối [16].
Núi nhiều cây cối, phần nhiều là danh mộc, lại nhiều đá, lớp ngổn ngang, lớp chồng chất thành hố thành hang.
Truyền rằng: Trên núi có một cái sân đá bằng phẳng và rộng lớn. Đó là sân của bà Thiên Y A Na, có quỷ thần canh giữ và cứ chiều chiều công và trĩ thay phiên nhau quét dọn sạch sẽ, không hề có tí rêu bám, có chiếc lá rơi.
Cạnh sân có hai lỗ đá trông như hai họng súng thần công. Mỗi khi bà Thiên Y ngự đến thì sấm từ trong lỗ đá nổ lên ầm ầm ba tiếng vang dội tận ngàn xa. Rồi trên đầu non, hào quang bốc sáng cả bốn mặt. [17]
Nơi lưng chừng núi lại có một cái hang ăn sâu vào lòng núi. Trước cửa hang có một dòng khe không nước. Ban đêm thường nghe tiếng ồ ồ như tiếng xay lúa. Và cứ mỗi buổi sáng vỏ trấu ở trong hang chảy ra khe như nước. Đến chiều hai con chim đại bàng bay đến lấy đuôi quét lấy cánh quạt, trấu bay theo gió tản mác ngoài bốn phương, nơi hang nơi khe không còn một chút mảy. [18]
Nơi Hòn Dữ có nhiều cây gió, nên có trầm hương. Bởi vậy ngoài thợ rừng thường lên núi đốn danh mộc, còn có những người “ngậm ngải tìm trầm” tới lui. Những cảnh tượng kỳ quái nơi thâm sơn, chính nhờ các người thợ rừng và người đi điệu [19] đã “cho xuất giang hồ” vậy.
Hòn Dữ, Hòn Ngang, hòn Núi Chúa nằm bên hữu ngạn sông Cái Khánh Hòa.
Bên tả ngạn còn mấy hòn nổi tiếng không kém Hòn Dữ và Núi Chúa, là Hòn Thị, Hòn Chuông, Hòn Phú Mỹ, Hòn Đại Đồng.
HÒN THỊ
Nằm trên địa phận các thôn Bình Khánh ở phía Đông, thôn Đảnh Thạnh ở phía Nam, thôn Phước Lương ở phía Tây, thôn Phò Thiện ở phía Bắc. Cao 728 thước. Khí thế trông hoành tráng hiên ngang.
Trên núi có nhiều cổ thụ. Hầu hết là thị. Lắm cây to lớn, bộng có thể chứa được cả trâu. Núi do cây mà mệnh danh.
Dưới chân núi về phía Đông, có một bàu sen rộng trên mười mẫu ta. Đến mùa hạ sen nở, gió đưa hương ngát khắp bốn thôn lân cận. Qua mùa thu mùa đông, sen tàn hết lá, thì thấy nước bàu phía chân núi đục ngàu ngàu, còn phía đồng bằng lại trong vắt. Cổ nhân cho là một việc lạ. [20]
Hòn Thị trước kia là một ngọn núi quan trọng trong tỉnh vì liên hệ đến địa cuộc thành Diên Khánh là thủ phủ của các quan chỉ huy cao cấp tại địa phương. Thành Diên Khánh lấy Hòn Thị làm hữu bậc, lấy hòn Trại Thủy ở Nha Trang làm tả phù. Và các thầy Địa bảo rằng long mạch chạy từ Hòn Thị đến hòn Trại Thủy thì hồi cố. Hai ngọn núi nầy bị phá là thành Diên Khánh bị hư, mà thành Diên Khánh hư thì tỉnh Khánh Hòa không giữ được cảnh thịnh vượng. Bởi vậy xưa kia hai hòn núi nầy rất được quan địa phương chú ý. Hòn Thị nổi danh một phần lớn do lòng tin thuật phong thủy vậy.
HÒN CHUÔNG
Đây là một “chồi” nhỏ trong nhánh núi cao rậm ở ranh giới Diên Khánh và Cam Lâm. Trước mặt là đồng bằng.
Hòn Chuông thuộc địa phận thôn Khánh Phước. Cao 192 thước. Hình tương tự một quả đại hồng chung úp sấp. Trên đỉnh có một miệng hang ăn sâu vào lòng núi trông như một cái giếng không đáy. Dưới chân núi có một vực sâu tục gọi là Lỗ Bún.
Lỗ Bún nằm về mé chân núi phía Nam. Mé chân núi phía Đông Bắc lại có một suối nước nóng. Nước nóng bốc hơi, nhưng hai bên bờ cỏ rau mọc xanh tốt. Song nếu bứt một nạm rau hay cỏ nhúng vào nước thì xàu ngay.
Truyền rằng Hòn Chuông là trạm nghỉ chân của bà Thiên Y A Na khi Bà ở Núi Chúa vào Nam hay ở nam trở về Núi Chúa. Mỗi khi Bà ghé vào thì trong núi phát hào quang và nghe tiếng chuông ngân vừa trong vừa dài như tiếng vàng tiếng ngọc. Vì vậy nên người địa phương gọi Hòn Chuông là Vại Bà.
Và núi mệnh danh là Hòn Chuông chẳng những do hình thù giống quả đại hồng chung, mà còn do tiếng chuông ngân mỗi khi Bà ghé lại.
NÚI PHÚ MỸ
Tục gọi là núi Đồng Cọ. Mượn tên cánh đồng nằm dưới chân núi thuộc thôn Mỹ Lộc, xã Diên Lộc.
Tên Phú Mỹ ít người biết.
Núi trùng trùng điệp điệp. Cao độ bao nhiêu không được rõ. Chắc là dưới nghìn thước. Song cây cao rừng rậm, nên lúc nào cũng có mây vầng và mùa nào cũng có mưa, nhất là buổi chiều không mấy khi tạnh. Đứng ngoài đồng trông vào thường thường chỉ thấy một màu trắng.
Vì trên núi thường có mưa và thường mưa nhiều, nên phương ngôn có câu: “Mưa Đồng Cọ” [21].
NÚI ĐẠI ĐỒNG
Cùng nằm trong một dãy với núi Đồng Cọ.
Dưới chân núi có một cánh đồng rộng mênh mông tục gọi là Đồng Lớn. Tên Đại Đồng do tiếng Đồng Lớn mà ra, và cũng như tên Phú Mỹ, ít được phổ biến. Nói đến núi, người phương xa cũng như người sở tại đều mượn tên đồng: Núi Đồng Lớn.
Đồng Lớn ở trên Đồng Cọ, thuộc thôn Phước Lương. Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng xưa kia là chiến trường, oan khí không tan hóa làm ác quỷ. Truyền rằng quỷ hiện cả ban ngày, khi dưới đồng khi trên núi. Cho nên qua lại trong vùng không mấy ai dám đi một mình.
Cũng như Đồng Cọ, núi Đồng Lớn có nhiều danh mộc. Song núi nổi danh không phải vì gỗ tốt mà vì nhiều ma. Những thợ rừng thường bị ma quấy phá. “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”.
Vì vậy tục ngạn có câu: Ma “Đồng Lớn”.
Những đặc điểm về Ma và về Mưa của Đồng Lớn Đồng Cọ cùng những đặc điểm của một số núi Ninh Hòa, Vạn Ninh, hợp thành một bài vè ý vị:
Mây Hòn Hèo
Heo Đất Đỏ
Mưa Đồng Cọ
Gió Tu Hoa
Cọp Ổ Gà
Ma Đồng Lớn.
Nhờ bài vè mà tên tuổi các hòn núi kia được truyền sâu và truyền xa hơn cả các danh sơn được liệt vào từ điển thời Phong Kiến.
Trong vùng núi thuộc quận Cam Lâm, có một ngọn cao trên dưới 1.500 thước, nhưng không mang tên Thượng như các ngọn núi cao khác ở chung quanh. Đó là Hòn Bà [22].
HÒN BÀ
Tên chữ là Bích Sơn tức Núi Vách.
Đó là do hình thế của núi mà đặt tên. Vì Hòn Bà là vị “nữ vương” trong đám quần sơn của vùng. Đám quần sơn này lại nối kết thành một bức trường thành bàn bàn khúc khúc, chạy từ Bắc vào Nam. Hòn Bà đứng chính giữa, nổi bật lên trên tất cả các ngọn núi cao, trên đỉnh thường thường có mây hoặc mù bao trắng.
Bích Sơn là tên cả dãy núi mà Hòn Bà là đại biểu. Còn Hòn Bà là tên của người địa phương đặt ra do lòng tín ngưỡng
Ở Ninh Hòa cũng có Hòn Bà. Nhưng núi Ninh Hòa gọi là Hòn Bà là vì trên núi có miếu thờ bà Thiên Y A Na. Còn ở Cam Lâm gọi là Hòn Bà là vì đó là hành cung của bà Thiên Y vậy. Truyền rằng mỗi lần Bà giá lâm thì thấy một đạo hào quang dài như một cây lụa xổ bay xuống núi, rồi nghe ba tiếng sấm nổ vang rừng. Nhiều khi không thấy ánh sáng đáp xuống núi, cũng không nghe tiếng sấm dậy, nhưng từ trong núi lại có ánh hào quang phát ra chói sáng hàng trăm dặm. Những lúc ấy biết rằng có Bà ngự nơi núi, người địa phương đốt hương đốt trầm làm lễ. Ngự giá thường qua lại những đêm trăng trong gió mát.
Tiếng đồn như thế, nhưng từ đệ nhất thế chiến (1914-1918) trở về trước, không một người Trung Châu nào dám lên đến Hòn Bà để thưởng ngoạn và tìm cho biết thực hư. Bởi vì không có đường đi. Núi lại nhiều đá, lớp chồng chất lên nhau, lớp đứng sừng sững như vách, thêm cây cối rậm rạp, thú dữ đầy rừng. Xét thấy không có lợi gì cho bản thân, ai dại gì mà dấn thân vào nơi nguy hiểm.
Mãi năm 1914, vì cần nơi thí nghiệm giống quinquina, Bác sĩ Yersin và nhà vạn vật học Krempf mới tìm cách lên đến tột đỉnh.
Sau khi nhận thấy Hòn Bà thích hợp với giống quinquina (chỉ sống trên núi cao trên dưới 1.500 thước ở miền nhiệt đới), Bác sĩ bèn mở trại mở vườn thí nghiệm. Ngoài ra Bác sĩ lại còn đặt một phòng xem thiên văn và một trạm vô tuyến điện. Tất cả đều ở trên đầu núi cao trên dưới 1.500 thước so với mặt biển.
Lúc bấy giờ Hòn Bà hoàn toàn chìm sâu trong sương khói trong đá cây. Chỉ cách Nha Trang 50 cây số, cách sở Suối Dầu 30 cây số, nhưng đường liên lạc thật là thiên nan vạn nan. Để lên xuống được phần dễ dàng, Bác sĩ lo trổ một con đường nhỏ từ Suối Dầu đến chân núi, và từ chân núi lên tới đỉnh. Nhờ giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa Học (Académie des Sciences) đã cấp đúng lúc và sức ủng hộ của người Thượng địa phương, Bác sĩ đã hoàn thành công tác trong năm 1917 [23].
Sau đó Chánh phủ Pháp mới mở rộng khúc đường từ Suối Dầu đến chân Hòn Bà. Xe ô tô qua lại được dễ dàng (nay là hương lộ số 4). Từ ấy người đến viếng Hòn Bà mỗi ngày mỗi thêm đông.
Nhưng đến chân Hòn Bà rồi còn phải leo bộ ngót sáu giờ đồng hồ nữa mới tới đỉnh. Đường đi vất vả. Song đến nơi rồi thì thân tâm tự nhiên thấy khoan khoái. Vì khí hậu trong mát không kém Đà Lạt, phong cảnh lại thanh lệ thâm u.
Không một mảy may trần cấu. Nóng không quá 26 độ. Lạnh không dưới sáu độ rưỡi.
Mưa rất thường. Cho nên cây cao rừng rậm. Phần nhiều là sồi (chêne), phong (érable) và tô hạp (liquidambar). Chỉ có một số ít tòng và bá. Nhưng cây nào cũng cao lớn hơn mọi thứ cây chung quanh. Và cây nào thân cũng nổi u nổi gân, cành cũng rắn rỏi khúc khuỷu. Hình thù trông rất cổ quái. Những bức tranh lão tùng của người đời Tống nhìn không khoái mục khoái tâm bằng. Chen cùng đám cổ thụ, đá là đá! Lớp to lớp nhỏ, lớp đứng lớp nằm, chồng chất, ngổn ngang. Và tảng nào cũng đóng rêu xanh rêu xám.
Trên cành cây cổ thụ, phong lan bám đầy. Trong các khoảnh vườn ương và chung quanh trại của Bác sĩ Yersin, hoa hường cùng dâu tây (fraisier) trồng từng luống từng đám. Mùa xuân mùa hạ, lan nở hường nở, trăm hình nghìn sắc. Và mùi hoa theo gió trộn cùng mùi hương tô hạp, bay ngào ngạt khắp rừng sâu.
Tuy cây đá rậm rạp, Hòn Bà không có thú lớn. Voi, cọp, beo... không hề thấy bóng. Heo rừng chỉ đi ngang qua chớ không mấy khi dừng bước. Nai và sóc ở các thung lũng chung quanh rất nhiều, nhưng không mấy khi tới lui nơi Hòn Bà. Ruồi mòng, sâu bọ cũng không có. Thêm một điểm nữa: Miền rừng núi Cam Ranh là những nơi “bào chế bệnh sốt rét” của tỉnh Khánh Hòa, nhưng ở Hòn Bà muỗi rất ít và tuyệt nhiên không có giống anophèle.
Trái lại Hòn Bà có rất nhiều chim và khỉ.
Thường thường trong rừng già chim chóc ít tụ tập. Nhưng ở đây nhiều phi thường! Nhiều đến nỗi có thể tin rằng số chim chỉ em số lá! Nhiều giống chim lạ không hề thấy nơi bình nguyên. Lại đủ cỡ đủ màu. Lớn nhất bằng bắp vế, nhỏ nhất bằng ngón tay cái, ngón tay út. Con thì xanh, con thì vàng, con thì xám, con thì nâu, con thì trắng tuyết, con thì rằn ri..., con thì như trái ớt chín, con thì như lá chuối non... Bay nhảy suốt ngày, tiếng kêu tiếng hót khắp nơi. Những con chim tí hon len lỏi trong những khóm hoa hường, trong những cụm phong lan, để tìm sâu, hút mật... thái độ hiền lành nhưng nhí nhảnh, trông hết sức dễ thương. Chim lớn phần nhiều không thích hoa bằng thích trái. Những đám dâu tây được chúng chiếu cố hết sức. Mùa trái chín chủ nhân ít khi được hưởng thỏa thuê. Hột theo mỏ, theo phân của chúng, gieo vãi khắp nơi. Và nhờ thổ nghi, không cần săn sóc bón tưới, tới đâu cũng mọc dễ dàng và sanh hoa kết trái rất thạnh.
Còn khỉ thì từng đoàn từng đội! Mỗi buổi sáng, hễ mặt trời hé bóng là chúng thức dậy. Tiếng kêu chí chóe vang dội cả rừng. Rồi kéo nhau đi tìm miếng ăn. Đến chiều kéo về, lố nhố lao nhao khắp cả cành cao cành thấp.
Cho nên cảnh Hòn Bà không đến nỗi cô liêu. Đứng nơi sở thí nghiệm của Bác sĩ Yersin trông ra bốn mặt thì vọng cảnh bao la:
Phía đông, trên mặt biển màu thủy ngân, chân trời chạy dài từ mũi Varella đến mũi Padaran. Những ngọn núi ở phía Nam phía Bắc cùng những ngọn ở phía Đông, tuôn lài lài màu lục xuống các thung lũng và xuống tận đồng bằng duyên hải mà hoa màu và cát trắng đã chia thành bàn cờ. Ban đêm dưới ánh trăng vằng vặc, sóng xanh của cây rừng nhịp nhàng theo sóng bạc của nước biển, mông lung phiếu diếu, trông nửa thực nửa hư.
Và tiết mùa thu mùa đông, nhiều khi vùng núi Cam Lâm chìm ngập trong biển mây trắng, chỉ có đỉnh Hòn Bà và đôi ba đỉnh nữa nổi lên trên mặt sóng chờn vờn [24].
Phong quang tuyệt mỹ.
Nhưng Hòn Bà được nổi danh không phải vì cảnh trí, vì khí hậu, vì sự nghiệp của Bác sĩ Yersin, mà chính vì tương truyền Bà Thiên Y A Na thường tới lui vậy.
Khánh Hòa còn nhiều ngọn núi có lắm kỳ nham quái thạch, lắm u cốc thanh tuyền... nhưng vì ở những nơi hẻo lánh xa xôi, khó nỗi tới lui thăm viếng, nên danh bị mai một, đời không nhắc nhở đến mà sách vở cũng không.
Duy có một dãy nằm trong nơi đô hội, đồng bào Nha Trang, Trường Đông, Trường Tây ngày nào cũng ghé mắt, khách du lịch thường in gót chân, nhưng không mấy ai biết tên. Kẻ thì kêu núi Chụt, người thì kêu núi Cầu Đá, Cửa Bé.
Đó là dãy núi chạy sát biển, từ Trường Đông đến Trường Tây, tức từ Cửa Bé đến Cầu Đá.
Tên ghi trong “Sơn thế bộ” của dãy núi đó là:
CẢNH LONG SƠN
Cảnh là bờ cõi. Long là tốt thạnh.
Không hiểu cổ nhân thủ nghĩa như sao, có người hỏi cụ cử Phan Bá Vỹ là ký lục Tòa Sứ Nha Trang thời Tiền Chiến, cụ đáp:
- Có lẽ ông cha chúng ta biết trước rằng thế nào vua ta cùng các quan bảo hộ cũng đến cất dinh thự để làm nơi thừa lương, nên mới đặt tên núi như thế.
Một câu trào lộng, nhưng vẫn nói lên được một cạnh khía của Cảnh Long Sơn: Trên đầu núi về phía Cầu Đá có lầu Bảo Đại và nhiều dinh thự của người Pháp xây thời Pháp thuộc.
Hình núi chạy dài theo bờ biển, giống như một con rồng xanh. Cổ nhân gọi là “Thanh long hý thủy” (Rồng xanh giỡn nước).
Một con đường từ Nha Trang chạy xuống Chụt rồi chạy qua Cầu Đá, cắt “đầu rồng” ra khỏi “mình rồng”. Đầu rồng ở phía Cầu Đá là nơi có dinh thự khang trang dành riêng cho các nhà quyền quý, thời cộng hòa cũng như thời Thực dân Phong Kiến.. Mình rồng từ Chụt Cầu Đá chạy đến Cửa Bé là của chung của hai làng Trường Đông và Trường Tây.
Tiếp theo con đường Nha Trang Cầu Đá, một con đường piste chạy vòng theo sườn phía Đông cho đến Cửa Bé, rồi từ Cửa Bé chạy vòng lên sườn phía Tây để xuống đất bằng trở về Chụt. Con đường này có thể gọi là “đường vòng Mỹ Cảnh”. Ngoạn mục nhất là đoạn đường chạy phía biển. Nằm trên lưng chừng núi, đường khi lên khi xuống, uốn éo quanh co, như một con rắn bò quanh hòn non bộ. Trên cao là cây đá, dáng nghèo nàn nhưng tình thắm đượm, đối với anh chị em bình dân cũng như hàng trưởng giả, luôn luôn niềm nở tươi cười. Ngó xuống thấp thì biển xanh lặc lìa, với những cù lao chân trổ sóng bạc, với những cánh buồm, những bầy én phơi phới nhẹ nhàng, với ngọn gió không bợn trần hiêu và chỉ thổi vừa đủ mát. Phong cảnh tuy chưa phải là tiên song cũng có thể làm vơi bớt nỗi phiền nơi lòng người bị đảo điên vì danh lợi.
Khi nước nhà bình trị, nếu những dinh thự nguy nga tráng lệ phía Cầu Đá mở rộng cửa đón khách bốn phương, không phân biệt giai cấp, thì núi Cảnh Long nhất định sẽ trở nên thạnh vượng bậc nhất, bậc nhì ở miền duyên hải Trung phần như tên đã báo trước..
Đ
Những ngọn núi thượng dẫn hầu hết đều chạy theo hướng Bắc Nam. Nên mặc dù điệp điệp trùng trùng vẫn không làm cho bước đường vô ra bị cản trở. Ngoài ra, Khánh Hòa còn vô số núi khác không biết tên, mặc dù có thấy mặt. Và có một số không theo hướng Nam Bắc, mà chạy từ Tây xuống Đông, chia Khánh Hòa làm nhiều khu vực, và làm cho con đường Quốc lộ số 1 phải vượt qua nhiều dốc nhiều đèo khúc khuỷu quanh co.
Qua khỏi Đèo Cả, đi vào chừng ba bốn cây số thì tới:
ĐÈO CỔ MÃ
Tên Chữ là Mã Cảnh, hình giống cổ ngựa, thấp và ngắn lại rộng rãi, nên dễ đi. nhưng đèo chạy sát biển. Phong cảnh trông cũng khá quyến rũ. Cho nên có lắm ông tài xế có tâm hồn thi sĩ , đôi khi cao hứng thích đưa hành khách xuống biển cỡi cá kình du tiên.
Bởi vậy đèo không hiểm trở thành nguy!
Vào khỏi Vạn Giã chừng bảy cây số, tới:
ĐÈO DỐC THỊ
Tức là Đèo Xuân Tự, chạy qua núi Phiên Lê. Đó là nơi nhà anh hùng Trần Đường đóng nghĩa quân Cần Vương chống Pháp. Đèo thấp nhưng hiểm hóc khó qua, cùng hòn Bồ Đề làm thế “răng môi” rất khăn khít. Đó là cảnh trí ngày trước. Từ ngày đường Quốc Lộ số 1 khai thông thì Dốc Thị chỉ còn là một cái dốc thấp thỏi dễ qua.
Vào gần tới quận lỵ Ninh Hòa, thì có một đèo nhỏ nữa là:
ĐÈO BÁNH ÍT
Tức là Đèo Hà Thanh. Đây cũng chỉ là một cái dốc. Hành khách qua lại nhiều khi không để ý đến, vì không có gì đặc biệt. Nhưng vì đèo ở gần núi Ổ Gà, nên ngày xưa cọp thường ra “làm thân” với hành khách. Cọp Khánh Hòa tuy có tiếng “cắn cơm không bể”, nhưng người nhát gan vẫn không dám đi qua đèo Bánh Ít một mình, nhất là lúc mặt trời sắp về non. Và hầu mong chúa sơn lâm phù hộ, người dân địa phương lập nơi đèo một miếu nhỏ, gọi là miếu ông Hổ.
Vào khỏi Ninh Hòa chừng chín cây số đến:
ĐÈO RUỘT TƯỢNG
Đèo cao không đến 40 thước, nhưng quanh co nhiều vòng trên vài cây số, và chạy sát mé biển, gành đứng sóng to, nên trông rất dễ sợ. Đèo ngắn và thấp thua Đèo Cả đến mấylần, đường lại rộng rãi. Nhưng ở đây lại thường xảy ra nạn ô-tô. Hai bên đầu đèo và ở lưng đèo, có miếu thờ những người ngộ nạn. Hành khách đi ngang thường xuống xe thắp hương để cầu vong linh phù hộ. Những miếu thờ ấy ngoài “nhiệm vụ thiêng liêng” làm cho hành khách qua đèo vững dạ, còn có “sứ mệnh” cảnh giác các vị tài xế hay bỏ quên lương tâm nhà nghề ở nhà cùng vợ con.
Đèo Ruột Tượng là ranh giới của Ninh Hòa và Vĩnh Xương.
Tên đèo là do hình thế mà đặt. Gọi là ruột tượng là vì quanh co nhiều vòng như khúc ruột và và rộng lớn như “ruột voi”. Cũng như đèo Cổ Mã trông giống cổ con ngựa mà đầu nằm ngoài mé biển (Hòn Giôm) vai dính vào dãy núi phía Tây (Núi Xà, Núi Gian Nan). Nhưng có người bảo rằng tên đèo là Rọ Tượng chớ không phải Ruột Tượng, vì dáng đèo trông có vẻ lúng túng chật chội như rọ bó voi [25].
Phi thị thị phi, không biết bằng vào đâu để biện bạch.
Thời Pháp thuộc, vì tranh phải trái về Rọ và Ruột mà hai ông bạn đồng nghiệp ở tòa sứ Nha Trang đã biến “tượng thành khuyển” và cho lỗ mũi nhau “ăn trầu”. Định Phong thấy vậy có mấy câu nửa bông đùa nửa chê trách:
Chuyện đời đương rọ nhốt voi,
Lênh bênh bát xáo mặn mòi gì tranh?!
Giật mình tiếng khuyển sủa canh,
Đìu hiu thương bóng non xanh lọt rèm!
Chữ rằng “tốt lá tốt nem”
Hỡi ai, máu chảy ruột mềm hay chăng?
Từ đèo Ruột Tượng đi vào chừng 16, 17 cây số thì đến đèo cuối cùng là:
ĐÈO RÙ RỲ
Đèo cao chừng 84 thước, ngắn chừng một cây số, uốn chữ chi, chỗ khúc quanh rất gấp, nên trông thì đẹp mắt, song rất nguy hiểm cho xe cộ khi xuống cũng như khi lên. Vì vậy có câu ca rằng:
Rù rỳ đường uốn chữ chi,
Anh lên đèo cho khéo,
Kẻo nữa có đi không về.
Đó, câu vợ mấy ông tài xế dặn chồng lúc đưa lên xe.
Hỏi tại sao lại đặt tên Rù Rỳ. Có người đáp rằng vì trên núi có nhiều giống cây rù rỳ. Đó có lẽ là cảnh ngày xưa, chớ hiện nay không thấy rù rỳ đâu cả.
Đèo Rù Rỳ chẳng những là đèo cuối cùng của Khánh Hòa mà cũng là đèo cuối cùng của miền Nam Trung Việt. Từ Rù Rỳ trở vào tới Nam Bộ, con đường Quốc Lộ 1 chạy trên đồng bằng, núi đứng vẹt ra hai bên như những toán quân đứng dàn hầu hai bên cổng vào một công đường khi có đại lễ.
Núi Đèo tỉnh Khánh Hòa tuy hiểm trở, nhưng trông có vẻ hiền hòa khiêm tốn, chớ không ngạo nghễ nghênh ngang. Đó là một đặc điểm của núi non Khánh Hòa. Một đặc điểm thứ hai nữa là trên núi luôn luôn có nước khe nước suối, cho nên cây cối rậm rạp xanh tươi quanh năm, và quanh năm nước sông không bao giờ cạn vì nắng.
* * *
[1] Hòn Mẫu Tử lại có tên nữa là núi Mồng Công vì hai tảng đá trên đầu núi xa trông giống như mồng con Công.
[3] Ở Bình Định có Đá Vọng Phu (xem Nước Non Bình Định) sự tích cũng rất ly kỳ song khác hẳn sự tích hòn Mẫu Tử. Đá Vọng Phu ở gần biển nên có chuyện “chồng ra khơi”. Hòn Mẫu Tử ở nơi nhiều trầm nên có chuyện “ngậm ngải”. Có người đem sự tích Đá Vọng Phu gán cho hòn Mẫu Tử ở cách xa biển. Như thế là không để ý đến tình tiết trong câu chuyện.
[4] Người Thượng vùng Diên Khánh và vùng Cam Lâm không đồng ngôn ngữ.
[5] Trong vùng nầy xưa kia có nhiều thiền sư đến lập chùa tu hành. Cho nên nhiều ngọn núi lấy tên theo nhà Phật. Như núi Bồ Đà gọi là núi Phổ Đà, và ngoài núi Chùa còn có núi Ông Sư ở Xuân Tự bên cạnh chùa Dốc Thị.
[6] Xem Nước Non Bình Định, có nói rõ chuyện Khổng Lồ.
[7] Sẽ nói ở chương “Thắng cảnh”.
[8] Xem “Phong trào Cần Vương” ở phần V.
[9] Không biết vịnh do tên núi mà ra hay núi theo tên vịnh mà cải.
[10] Chương “Thắng Cảnh Cổ tích” ở sau.
[11] Hòn Thị ở Diên Khánh, sẽ nói ở đoạn sau.
[12] Đã nói ở mục Lịch Sử, sẽ nói rõ ở mục Sông Ngòi.
[13] Đã nói ở mục Lịch Sử, sẽ nói rõ ở mục Nhân Vật.
[14] Chuyện bắt mãnh hổ, sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chép, nhưng nơi bắt được hổ lại nói là “Núi Diễn” .
Miếu thờ bà Thiên Y tại Cầu Hùm lâu ngày bị gió mưa tàn phá, không còn tìm thấy dấu tích. Ở Khánh Hòa trước đây đền thờ bà Thiên Y có nhiều nơi lắm. Nay chỉ còn hai nơi là tháp Poh Nâg và Núi Chúa.
[15] Sự tích sẽ nói kỹ ở mục Cổ Tích (Tháp Bà).
[16] Trước chùa Kim Liên tại ấp Đông Dinh, quận Diên Khánh có một cổ mộ bia khắc là “Tổ khảo chi mộ” hai bên có câu đối:
Thiên sanh tàng bạch cốt (nghìn đời chôn cốt trắng).
Vạn cổ giám trung trinh (muôn thuở soi lòng trong).
Cổ mộ nầy lấy hòn Dữ làm hậu đầu, hòn Đồng Bò làm tiền áng. Mộ nằm gối ngay giữa hai ngọn của đỉnh Hòn Dữ.
[17] Có nhiều cụ già bảo rằng chính mình có thấy lúc nhỏ.
[18] Mấy vị phụ lão ở Phú Lộc bảo rằng gần đây có người lên núi vẫn còn thấy trấu.
[19] Kẻ đi tìm trầm gọi là đi điệu.
[20] Trong Đại Nam Nhất Thống Chí có chép.
Có người cho biết rằng vì mùa thu mùa đông thường có mưa. Nước trên núi chảy xuống làm cho bùn lầy nổi lên thành nửa nước phía gần núi phải đục đi chớ không có gì lạ.
[21] Ở Vạn Ninh cũng có Đồng Cọ, song phần lớn nằm về Phú Yên.
Phú Mỹ có lẽ là tên cũ của tên Mỹ Lộc. Núi mượn tên thôn, rồi thôn đổi tên, núi không đổi.
[22] Ở Ninh Hòa cũng có Hòn Bà. Đã nói rõ ở đoạn trước.
[23] Xem mục “Bác sĩ Yersin” ở phần V.
[24] Phỏng theo lời của Bác sĩ Noel Bernard trong tập Truyện ký về Bác sĩ Yersin.
[25] Tục có câu: “Trói voi bỏ rọ”