Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Bayon - những nụ cười bí ẩn

  • Đỗ Thành - Mai Lĩnh
Bước sang ngày thứ hai ở Siem Reap, chúng tôi đến đền Bayon khi nắng chưa lên. Ngôi đền này nằm ở vị trí trung tâm phế tích kinh thành Angkor Thom, được Jayavarman VII xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ XII và đầu thế kỷ thứ XIII, tương đối còn nguyên vẹn phần chính là các ngọn tháp mang hình tượng bốn khuôn mặt mà theo các tài liệu giải thích có nhiều điểm khác nhau.
Vào năm 1929, Robert J. Casey (trong cuốn sách tựa đề In Fact, viết về khu di tích Ankor) cho rằng những khuôn mặt đá ở Bayon là hình ảnh của thần Siva (Ấn Độ giáo). Nhưng đến thập niên 1930, các nhà khảo cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ lại cho rằng đó là hình ảnh của Quán Thế Âm (Avalokitesvara) theo mô-típ điêu khắc của Phật giáo Đại thừa.
Các nhà nghiên cứu này giải thích rằng, bồ tát là người đã giác ngộ như đức Phật, nhưng thay vì nhập Niết bàn, các bồ tát ở lại trần gian để cứu độ chúng sinh đang trầm luân trong khổ ải. Nụ cười bí ẩn của các khuôn mặt đá biểu thị hình tượng các vị bồ tát - mà người Khmer gọi là Lokesvara - đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Đồng thời, cũng có thuyết cho rằng vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị qua hình ảnh của Lokesvara.
Nhìn từ xa, đền Bayon như một hòn núi đá, gồm 54 tháp, mỗi tháp có 4 khuôn mặt phảng phất nụ cười bí ẩn.

Nụ cười từ bi, bí ẩn
Đền Bayon có 54 tháp lớn nhỏ, cấu trúc thành ba tầng, trên mỗi tháp đều có điêu khắc bốn khuôn mặt của Lokesvara, hay còn gọi là thần Avalokitesvara, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về bốn phương của đất nước Campuchia.
Chính khuôn mặt từ bi của những bức tượng thần bốn mặt đó mà các vị vua sau này vốn theo Ấn Độ giáo đã cho rằng đó là khuôn mặt của thần Shiva nên tiếp tục hoàn thiện nó mà không đập bỏ. Khác với những công trình kiến trúc được các vị vua trước theo Phật giáo cho xây dựng, đến thời các vị vua sau theo Ấn Độ giáo sẽ đập bỏ. Hoặc ngược lại, khi các vị vua sau theo Phật giáo cũng sẽ đập bỏ các công trình của những vị vua theo Ấn Độ giáo xây dựng trước đó.
Vì thế, các công trình trong quần thể Angkor Thom thường không nguyên vẹn do có sự kỳ thị cực đoan về tôn giáo. Một trong những ngôi đền tiêu biểu cho sự kỳ thị tôn giáo gay gắt nhất là Ta Prohm. Bayon lại may mắn hơn khi khuôn mặt Bồ Tát bốn mặt bị lầm tưởng là thần Shiva nên nó vẫn tồn tại khá nguyên vẹn đến tận ngày nay, dù cũng bị đổ nát do chiến tranh và thời gian.
Thuở bé, tôi đã được nhìn hình ảnh những tượng đá bốn mặt của Bayon trên các con tem bưu chính với hàng chữ “Indochine Francaise”. Dạo đó tôi còn tưởng tượng xa hơn, là nếu đến thăm ngôi đền này sẽ gặp thêm những tượng tạc hình các vũ nữ múa điệu Apsara. Hầu hết các đền đài Khmer, rải rác trên các bức tường đá đều có những hình ảnh, Bayon cũng vậy; nhưng ở đây, đi đâu cũng nhìn thấy gương mặt tượng đá đang nhìn mình, chỗ nào cũng thấy điểm một nét cười từ bi. Hình tượng gương măt đủ cỡ: to có, nhỏ có, thấp có, cao có, chen giữa các vách đá có, đứng độc lập có, trên lối vào có, dưới bệ đá có, tầng trên có, tầng dưới có...
Bên cạnh các mặt Phật nhìn ra đủ hướng, ta còn thấy xen lẫn là các tượng tạc thần Vishnu, một vị thần linh thiêng  được dân tộc Khmer xem là đấng ân nhân sáng tạo ra đất nước họ và cả chim thần Garuda, khỉ thần Hanuman, rắn thần Naga và tất nhiên là có rất nhiều phù điêu nữ thần Apsara.
Đáng chú ý là có nhiều mặt tượng bị sứt mẻ, chẳng hiểu nguyên do tại sao, nhưng tất cả đều được giữ nguyên trạng, không tô vẽ lại, không đắp sửa gì, kể cả những dấu vết rêu phong hay loang lổ do mưa gió gây nên. Cho nên giữa khung cảnh đượm chút thiêng liêng, thần bí, người ta vẫn không thấy giảm đi nét hoài cổ, gợi nhớ về người xưa, cảnh cũ của một thắng cảnh du lịch tâm linh.
Chim thần Garuda.

Một du khách cao tuổi người Pháp chống gậy lên đền Bayon.
Như đã nói trên, chúng tôi đến nơi khi trời chưa có nắng. Phía nam đền Bayon đang được thi công phục chế, tu bổ, công trường ngổn ngang máy móc, hố móng và vật tư; anh chàng lái xe tuk tuk thả chúng tôi xuống xe ở mạn bắc ngôi đền. Thoạt nhìn, tôi thấy chung quanh là một khoảng đất rộng với rất nhiều khối đá lớn, nhỏ, có lẽ từ một hạng mục nào đó bị đổ sập, vỡ vụn và người ta khiêng ra xếp lại cho gọn, như một kho bãi ngoài trời để chờ ngày tu bổ, phục chế di tích. Không thấy lối vào, chúng tôi trèo qua những khối đá để băng vào bên trong một khoảng sân nhỏ.
Đang loay hoay ngước nhìn lên các ngọn tháp đá tìm chỗ đứng chụp ảnh, chúng tôi gặp một anh chàng xua tay nói một hơi bằng tiếng Anh khá lưu loát: “Các ông đứng đó làm sao mà chụp ảnh đẹp được? Đứng ngay chân đền thì không lấy được toàn cảnh, chụp cận thì chỗ ấy có gì mà chụp? Còn các khuôn mặt đá thì đứng dưới này chụp lên chỉ là những khối đen nổi trên nền trời ngược sáng. Lên các tầng trên mới chụp những khuôn mặt đá được, nắng sắp lên rồi. Sau khi chụp xong cận cảnh, trung cảnh, trở xuống, các ông đi ra xa mới lấy hết toàn cảnh được và lúc ấy nắng lên cao, trời trong xanh mới thấy ngôi đền đẹp chứ bây giờ nó như khối đá đen sì thôi”.
Tôi giật mình, nhìn anh chàng trông dáng lè phè, chân lê đôi dép xốp mỏng, tay cầm lon nước ngọt vừa đi vừa uống, mà thắc mắc trong bụng: Thằng cha này là ai mà nói trúng phóc nỗi thất vọng, lúng túng của tôi hơn 10 phút vẫn chưa biết chụp chặp thế nào! Hắn không có vẻ là nhân viên bảo vệ di tích, không túi xách hay máy ảnh như khách du lịch và cũng chẳng phải dân hướng dẫn du lịch đang chào mời khách để kiếm tiền. Hắn nói chuyện với chúng tôi cứ như thầy giáo dẫn học sinh đi dã ngoại tìm hiểu di tích lịch sử vậy, hết sức tự nhiên và rất nhiệt tình.
Phải thừa nhận, hôm ấy chúng tôi nhờ anh chàng Khmer này rất nhiều, nếu không sẽ khó có những bức ảnh ưng ý; ngoài ra lại biết nhiều chi tiết thú vị về ngôi đền Bayon này.
Bức phù điêu trên tường đá phía đông đền Bayon. Ảnh: Quang Minh
Đứng trước một bức phù điêu chạm trên tường đá cao, rộng quay mặt về phía đông - lối cổng chính vào đền - anh ta hỏi tôi, có phân biệt những người trong bức tranh khắc đá này là người nước nào không? Tôi lắc đầu, anh ta giải thích: "Trong lịch sử, Campuchia từng là một đế chế hùng mạnh nhưng cũng từng có lúc không đủ sức kháng cự cuộc xâm lăng của người Chiêm Thành. Người Khmer đã phải cầu viện Trung Hoa đem quân sang cứu viện". Vừa nói anh ta vừa chỉ tay vào những hình người thuộc ba dân tộc chia thành hai bên đang giao chiến, phân biệt các chi tiết về trang phục.
Tuy nhiên, có một điều tôi vẫn thấy ngờ ngợ, đó là theo anh chàng này thì Angkor Wat bắt đầu được xây dựng dưới đời vua Suryavarman thứ V và được tái tạo hoặc cách tân bởi vua Jayavarman thứ VII. Và ngôi đền Bayon này trước đó được xây ở một nơi khác cách vị trí hiện giờ 60 cây số; về sau, do diện tích nơi cũ chật hẹp nên đã được dời chuyển về địa điểm hiện nay cho thêm bề thế. Chuyện dời chuyển đền Bayon này, tôi chẳng thấy tài liệu nào đề cập đến mà chỉ lần đầu tiên nghe anh ta nói.
Cũng nhờ anh chàng này cho biết, chúng tôi tranh thủ lên tầng ba ngôi đền chụp ảnh kịp trước khi xe của các đoàn đi tour đưa khách đến tham quan. Khi chúng tôi lên tầng trên, chỉ mới lác đác một số khách đi lẻ như chúng tôi, sau đó thì rất khó chen chân khi khách đến đông. Đây cũng là một điều khiến các nhà quản lý, bảo tồn di tích lo lắng. Du lịch được gọi là 'công nghiệp không khói' nhưng nó thực sự phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về bảo tồn môi trường, cảnh quan và di tích... cũng như ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội của các địa phương thu hút du khách.
Người bán tranh mộc bản ở đền Bayon (áo trắng).
Mãi khi du khách đến khá đông, chúng tôi mới biết anh bạn trẻ Khmer đáng mến này làm nghề bán tranh mộc bản phong cảnh Angkor - Bayon khi anh ta bày tranh ra trên nền đá ở tầng ba ngôi đền. Điều lạ là anh ta không hề nói bất cứ câu nào gợi ý chúng tôi trả thù lao cho những điều anh ta đã giúp chúng tôi mà thậm chí cũng không hề mời chúng tôi mua tranh. Cũng may, đó là mặt hàng chúng tôi không muốn mua nên chúng tôi gửi biếu anh một khoản tiền nhỏ và nói lời cám ơn.

Đá và người
Những tượng bốn mặt ở Bayon phần lớn nằm ở tầng trên, song có một góc lại xen rẻo tầng dưới, với một lối đi rất hẹp, lên xuống bằng một thang gỗ sơ sài. Lắm người cũng cất công đi qua những lối rất hẹp để gọi là không bỏ sót một mảy may nào của thắng cảnh nơi đây.
Xen lẫn các khuôn mặt đá là những hốc hay hành lang dẫn vào những thất thấp, nhỏ, nơi đó hoặc là lưu giữ hình tượng yoni hay linga. Cũng chính trên các bệ đá mở ra nhiều phía của các lỗ hang này, du khách hay chọn chụp các kiểu thuận hay ngược sáng vì nó bao hàm nhiều ưu điểm thiên nhiên đã phú để ai cũng chộp được những bức ảnh đẹp. Những gian phòng có tượng Phật ngồi, vài người địa phương tranh thủ kiếm tiền bằng cách đốt nhang cho du khách dâng hương, đeo dây bùa may mắn vào cổ tay du khách và gợi ý họ “cúng” tiền!
Có nhiều thiếu nữ da trắng vui vẻ chụp cho nhau các bức ảnh lưu niệm mà thoạt trông vẻ hồn nhiên của họ ta bỗng bâng khuâng không hiểu thực và mộng là đâu lúc này (?!). Du khách đông dần, tíu ta tíu tít, người ngồi nghỉ chân, người dạo quanh như lùng sục kiếm tìm gì đó. Hôm ấy, phần lớn là người châu Âu, một số là Trung Hoa hay Hàn, Nhật. Có lẽ bốn anh em chúng tôi thuộc vào thiểu số du khách đến từ Việt Nam. Tuy vậy, tuyệt nhiên ta không thấy có sự phân biệt ở đây, hầu như tất cả đều hòa chung vào một niềm an lạc, nhen nhúm vừa toát ra từ "những nụ cười " hiền từ, với chút bí ẩn của tượng đá.
Một nữ cảnh sát du lịch tại đền Bayon.
Bayon tọa lạc ở một vị trí đẹp, tuyệt đẹp, nên vẻ lồng lộng bát ngát dễ lôi cuốn du khách nhiều lên. Con người bước chân đến Bayon dường như bỏ lại mọi bon chen, lấn giành mà chỉ biết khuyến hòa vào những nụ cười bao dung, từ bi. Ở đây có những chỗ được giăng dây và yết bảng để lưu ý du khách không mạo hiểm leo trèo trong lúc say sưa ngắm cảnh hay chụp ảnh.
Có mấy cảnh sát du lịch lặng lẽ đi lại, dòm chừng và nhắc nhở du khách. Họ dung dị, vui vẻ, chúng tôi mời chụp một tấm ảnh kỷ niệm, nhưng họ đều từ chối, trừ phi bất chợt chộp được mà họ không biết thì thôi. Lan man với việc chụp, chúng tôi quên cả giờ giấc, mặc dù nắng đã lên cao và có mòi nóng rát. Khi trở xuống, chúng tôi đi ra phía đông ngôi đền, chợt phát hiện một cây cột đá được xếp chồng mấy tảng đá vuông khít với nhau nhưng chân đế không có mà kê lên một cách tạm bợ. Các bạn có dịp đến đây cần lưu ý (xem ảnh), cột đá này có thể ngã đổ đè chết người để tránh xa.
Cột đá dựng đứng, kê lên những khối đá khác,
không dính liền nhau, có thể ngã xuống, rất nguy hiểm.


Tượng Phật nằm bị sứt, gãy ở sân phía đông Bayon.

Xem tiếp: Ta Prohm - Những bộ rễ cây và ngôi đền đổ nát.