Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Đầm én và rừng mai tuy mất nhưng vẫn còn

  • Quách Tấn

Cụ cử Phan Bá Vĩ ở Nha Trang, thời tiền chiến có bài thơ “Nha Trang Xuân Cảm” mà cặp trạng rằng:
Đầm én Xương Huân mây phủ tía
Rừng mai Phước Hải nắng đơm vàng
Và ca dao Khánh Hòa có câu:
Đầm Xương Huân én tía
Rừng Phước Hải mai vàng
Lỡ duyên thiếp phải xa chàng
Xuân về có nhớ Nha Trang thời về.
Khách du lịch đến Khánh Hòa, sau khi xem hết thắng cảnh ở Nha Trang, mà nghe được hai câu thất ngôn và bài ca dao trên đây thì không khỏi thắc mắc:
Đầm én tía Xương Huân”, “Rừng mai vàng Phước Hải” nghe nói trong văn chương mà sao không thấy ở ngoài thực tế?
Xin thưa:
- Hai cảnh ấy ở giữa thành phố Nha Trang:
Đầm Xương Huân nằm ở giữa phường Xương Huân và phường Vạn Thạnh rộng chừng vài ba mẫu tây, nước xà hai, do sông và biển Nha Trang chảy vào. Chung quanh đầm, đều xây bờ đá và trồng cây có bóng mát, dưới gốc cây có đặt ghế đá để ngồi chơi. Nước đầm khi triều dâng thì chứa chan lai láng, những đêm có trăng, mặt đầm long lanh ánh sáng như một tấm gương vừa rửa xong.
Trên bờ đầm phía nam có một ngọn đồi toàn đá hoa cương, hình thù phảng phất con voi trắng đứng uống nước, nên cổ nhân gọi là “Bạch tượng quyện hồ”. Trên đỉnh đồi có một ngọn miếu ngói thờ công thần của nhà Nguyễn gọi là miếu Sinh Trung. Thời Pháp thuộc, chân đồi bị đập phá để làm đường, hình bạch tượng không còn nữa. Từ ấy người địa phương không gọi đồi là đồi Bạch Tượng mà gọi là đồi Sinh Trung. Tuy cảnh “Bạch tượng quyện hồ” không còn nữa, nhưng đồi Sinh Trung vẫn làm tăng cảnh thú của đầm Xương Huân nhiều lắm.
Đầm Xương Huân còn một đặc điểm nữa là có nhiều chim én tụ tập.
Nha Trang có hai thứ én: một thứ ở biển, một thứ ở trên cạn. Thứ ở biển gọi là én biển, gọi tắt là yến phần nhiều lông trắng và vàng.
Còn én ở trên cạn gọi là én đất lông đen nhánh như huyền, tục gọi là én tía.
Cứ mỗi lần xuân đến, én tía ở từ phương xa bay đến đầm Xương Huân đông vô số. Bay đến từ lúc mới tinh sương, lớp bay lượn trên không, lớp bay là là sát mặt đầm. Đến khi mặt trời lên cao thì tản đi nơi khác. Chiều đến thì lại bay về đảo liệng trên đầm Xương Huân một vài vòng rồi tản ra từng tốp kéo nhau vào những lùm lách, lùm sậy mọc ở ven sông mà ngủ. Ngày nào cũng thế. Đến mùa thu, khi mưa phùn gió bấc nổi lên thì lần lượt kéo nhau đi tìm nơi ấm ráo. Suốt cả mùa đông dầm không có bóng dáng một con én nào.
Năm nào cũng vậy.
Đến năm 1969, đầm Xương Huân bị lấp để cất chợ thì én lần lần bỏ đi nơi khác. Nhưng mỗi năm hễ xuân đến thì kéo nhau về đông đúc, lớp bay liệng trên không, lớp bay xuống mặt đất luồn qua những đường sá ở chung quanh chợ. Bay lượn từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lên cao thì kéo nhau bay đi mất hết. Mỗi năm én về thăm chốn cũ mỗi thưa thớt lần.
Khách phương xa đến vùng chợ Đầm không mấy ai biết rằng nơi đây xưa có đầm sâu và có én tía.
Mai vàng Phước Hải
Xưa kia bao trùm ngót mấy dặm từ Nha Trang đến Đồng Bò, từ Mả Vòng đến gần bãi biển.
Cứ mỗi năm vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng chạp thì rừng mai rụng lá và đâm bông đến Tết thì hoa nở vàng rực cả một vùng rộng lớn.
Bên mé rừng có một ngọn đồi hình thù phảng phất giống một con rùa nằm trở đầu xuống biển. Trên đầu rùa có một ngôi tháp của một vị hòa thượng đến tu hành từ khi Nha Trang còn là một bãi cát mênh mông chỉ lưa thưa một đôi nóc nhà lụp xụp. Vì đồi hình thù giống rùa, trên đồi là cổ tháp và nằm cạnh rừng mai vàng, nên cổ nhân gọi đồi là “Kim quy đới tháp”. Thời Pháp thuộc, một con đường mở từ Nha Trang vào hướng Nam đã cắt đứt “cổ rùa”, thành ra đầu rùa nằm ở phía đông, mình rùa nằm ở phía tây. Sau đó ngôi nhà thờ của Cơ Đốc giáo lại dựng lên trên mình Rùa. Thành ra cảnh tượng “Kim quy đới tháp” không còn nữa. Tên đồi đổi ra là núi “Một” hay núi “Nhà Thờ”.
Cũng như đồi Bạch Tượng đối đầu với đầm Xương Huân, đồi Kim Quy đã làm tăng phong vị cho rừng mai Phước Hải rất nhiều: Mỗi độ xuân về chúng ta lên đồi Kim Quy nhìn vào Nam thì chúng ta có cảm giác một bức gấm màu vàng trải trùm trên mặt đất.
Thời Pháp thuộc, rừng mai Phước Hải vẫn còn. Nhưng bắt đầu từ thập niên 1930 rừng đã bị phá dần để làm củi và lấy đất cất nhà. Qua giai đoạn 1955-1975 thì rừng mai bị phá sạch và vùng Phước Hải trở thành một khu phố có đường rộng và nhà cửa khang trang. Hiện nay trong vườn hoặc bên rào của một đôi biệt thự vẫn còn sống sót một đôi gốc mai già.
Rừng “Mai vàng Phước Hải”, đầm “Én tía Xương Huân” nay tuy không còn trên mặt đất nhưng vẫn còn trong thi ca.
Người xưa có câu:
Cổ lai vô vật bất thành thổ
Chỉ hậu duy thi khả thắng kim.
Nghĩa là:
Xưa nay không có vật không tan ra thành đất
Chỉ thơ thắng được vàng sau khi mình nhắm mắt.
Những câu thơ, bài ca nói về rừng Phước Hải, đầm Xương Huân đã trở thành bất hủ trên đất Khánh Hòa, thì “Rừng mai- đầm én” vẫn còn mãi trong thi ca.
(Trầm Hương, số 1 - 1990)

Chuyện viết sách Xứ Trầm Hương


  • Quách Tấn

Tập “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa”
Mặc dù gồm đủ các mục cần thiết: Lịch sử, Địa lý, Thắng cảnh, Cổ tích, Nhân vật..., Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa chưa có thể gọi là một địa phương chí, vì quá sơ lược.
Đó là một bài diễn văn, nói làm hai buổi, chỉ dày 30 trang giấy đánh máy hàng hẹp.
Nguyên năm 1962, trở lại ngành hành chánh và phục vụ tại tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa ở Nha Trang, tôi phụ trách soạn thảo địa phương chí cho chánh quyền địa phương. Vốn ở Khánh Hòa đã lâu năm, công việc ấy đối với tôi không lấy gì làm khó lắm. Huống nữa địa phương chí viết theo kiểu hành chánh thì chẳng cần phải nhiều tài liệu. Nhưng việc viết địa phương chí, tòa hành chánh Khánh Hòa đã giao cho một nhân viên viết từ ngày người Pháp giao quyền lại cho người Việt, ngót bao nhiêu năm qua mà chưa có được chữ nào, thì sao mình lại làm tài khéo tài khôn viết vội.
Viết xong trong một thời gian ngắn đã gây ác cảm với người “tiền nhiệm” lại làm cho bọn có quyền tưởng lầm rằng “ai viết cũng được”. Thêm nữa sao lại không nhân dịp tìm thêm một số tài liệu cho mình.
Tôi bèn đề nghị ông Tỉnh trưởng cấp phương tiện để đến từng quận khảo cứu tường tận rồi sẽ viết. Ông Tỉnh chấp thuận, nhưng hai ông phó cho là tốn công và mất thì giờ. Để có tài liệu viết, họ bảo tôi đưa ra những gì cần biết, rồi sức cho các quận lo tìm hiểu và phúc trình...
Tháng ngày qua... và tôi đợi...
Thời bấy giờ có phong trào học tập chánh trị. Mỗi tuần các công chức nghỉ việc trong 2 giờ để học tập. Mỗi cơ quan cử ra một ban thuyết trình. Tôi bị dính vào ban thuyết trình chung của thị xã Nha Trang. Nói mãi về chính trị ai nấy đều ngấy cả người. Tôi đề nghị thỉnh thoảng đổi món. Toàn ban đồng ý và tôi phải thực hiện trước tiên...
Sẵn có tài liệu trong tay [1], tôi bèn lấy tỉnh Khánh Hòa làm đề tài nói chuyện.
Tôi mất ngót một tuần nhật để viết bài - viết trong những giờ rảnh ở sở.
Lập ý, cấu tứ, bố cục xong, tôi ngồi vào bàn máy đánh chữ với bản đồ trước mặt, rồi... lốc cốc, lốc cốc...
Lắm lúc nguồn văn đang tuôn trào thì ông Tỉnh sai làm việc này, ông phó kêu hỏi việc nọ, hoặc ông ty nhờ chút việc kia, làm tôi cụt hứng. Khi trở lại cùng văn chương, phải vét phải bước giây lâu mới tìm được mạch trở lại... Những buổi vào làm việc được vài ba giờ liên tiếp, không bị gián đoạn, thì thích thú vô ngần. Tiếng máy đánh chữ của tôi làm át hẳn tiếng máy đánh chữ và tiếng nói chuyện ở chung quanh. Tôi có cảm giác tôi là một nhạc sĩ ngồi đánh dương cầm (piano) và đến khi tôi tự hỏi: “Tiếng máy chữ giúp cho nguồn văn mình chảy dễ dàng hay nguồn văn mình làm tiếng máy chữ kêu êm ái”?
Ở nhà làm việc hay lúc làm việc trong một phòng riêng ở Ty Kiến Thiết, tôi không có những cảm giác ấy, ý nghĩ ấy. Tôi chắc ở đây, sức cố gắng đánh bật những tiếng ồn ào chung quanh, đã gây ra để làm gia vị cho công việc sáng tác không nhằm nơi...
Các nhà tu thiền ngồi nhập định ở giữa chợ chắc hưởng nhiều lạc thú hơn ngồi nơi thanh vắng? Và có lẽ hứng vị của các nhà tu lúc ngồi thiền cũng như mình lúc sáng tác mỗi khi mỗi khác, cho nên nhập định mãi, sáng tác mãi, mà không bao giờ chán, không bao giờ nhàm...
Một đôi bạn đồng sự thấy tôi làm việc chăm chỉ, đến ghẹo để mua vui. Nhiều khi rất bực. Song xét kỹ bực bội không có lợi chi hết, tôi bèn “tương kế tựu kế” tìm ngay chút ít vui trên thú vui nghịch ngợm của anh em...
Một hôm một ông bạn đến đứng xem tôi làm việc thấy bên những cảnh núi sông tôi có điểm xuyết một vài câu ca dao địa phương, hay một bài hát do tôi soạn nhưng giấu tên, bèn nói:
- Các nhà thơ đến đâu làm hoen ố phong cảnh đến đó. Hèn chi ca dao có câu:
“Hòn đất mà biết nói năng
Thì mồm thi sĩ hàm răng không còn.”
Nghe nói, ngước lên nhìn, tôi không ngăn nổi trận cười bột phát. Ông bạn ngạc nhiên hỏi:
- Anh cười gì, mà coi bộ thích thú như thế?
- Tôi cười anh là thi sĩ mà không tự biết.
- Câu ca kia đâu phải của tôi.
- Tố giác anh đâu phải câu ca, mà chính là hàm răng vàng anh vậy.
Lại một bận khác, một ông bạn khác đến xem bài. Lúc ấy tôi vừa viết xong con sông Cù ở Nha Trang và bước sang con sông Dinh ở Ninh Hòa. Tôi mới viết đến ba ngọn nguồn của con sông và đương nghĩ một bài ca trang điểm cho phong cảnh nhưng chưa tìm ra ý. Ông bạn xem bài ca về con sông Nha Trang:
Sông Nha Trang, cát vàng nước lục
Thảnh thơi con cá đục
Lội dọc lội ngang...
Đã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,
Quý chi tách cà phê đen, ly sữa bò trắng,
Anh nỡ phụ phàng nước non.
hỏi tôi:
- Sông Nha Trang có thơ, sông Ninh Hòa chắc cũng có chứ?
Ông bạn là người quen biết cũ. Trước kia bị tình phụ thường dùng rượu để giải sầu. Nghe ông bạn hỏi, tôi liền nảy tứ, đáp:
- Sông Dinh mà không có thơ thì chợ Ninh Hòa hết người đến uống rượu. Xem đây...
Vừa dứt lời, tôi đánh lốc cốc:
Sông Dinh có ba ngọn nguồn
Anh nhớ em băng đèo vượt suối,
Nhưng không biết đường đến thăm em!
Ghé vô chợ Ninh Hòa
Mua một xâu nem
Một chai rượu trắng,
Anh uống cho say mèm để quên nỗi nhớ nhung...
Rượu không say,
Nghĩ lại ngại ngùng
Con gái 12 bến nước,
Biết thủy chung bến nào?
Nhân câu chuyện xưa của ông bạn, mà kéo được nem và rượu là món đặc biệt ở Ninh Hòa vào để trang điểm cho sông Dinh, thì thật là thú vị!
Tôi nghĩ nếu không có ai đến, hoặc có mà là một người khác chớ không phải ông bạn say rượu vì tình kia, thì liệu có đem được nem được rượu vào làm gia vị cho cảnh sông Dinh không? Chắc là không... Cho nên ngoài mình ra, ai hiểu vì sao lại có câu “vui vui” như thế[2].
Thánh Thán nói: “Khi ta viết văn có con ruồi đậu trước ngòi bút. Khi người xem văn ta không thấy con ruồi đậu trước ngòi bút thì làm sao hiểu được ta[3] là nói về những trường hợp như trên...
Những ý nghĩ “lạc đề” thế ấy thường nảy ra trong khi viết lách. Thường thường, tôi phải ngừng viết, để ghi chép kẻo quên, nếu thấy hay hay... Đó là vài hột đậu phộng rang, vài cọng rau giá hay một hớp canh rau tập tàng... điểm vào bữa ăn thịnh soạn..., chúng chỉ làm cho thêm thích khẩu khi trở lại dùng những món ăn chính.
Viết Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa tôi gặp được một số đậu phộng rang và rau giá... mà hai chuyện trên là đại biểu xứng đáng...
Đến đoạn cuối, để chấm dứt cho ý vị, tôi dùng đến những món ăn đặc biệt của Khánh Hòa xào nấu thành ca dao:
Thơm Vạn Giã ngọt đà quá ngọt [4]
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon [5]
Hỡi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình.
Ở Khánh Hòa có mấy món ăn đã nhập làng tục ngữ là:
Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh [6].
Nhân thời Pháp thuộc lên Võ Cạnh chơi, được ăn một bữa cháo cá tràu ngon quá sức ngon. Từ ấy tôi không còn thấy cá tràu nơi nào bì kịp. Lại sau khi hồi cư về Nha Trang, nhà tôi mua được một mớ sò huyết mà người bán nói rằng ở Thủy Triều mới đem ra. Tôi ăn rất khoái khẩu - nên tôi bèn nhập ngay hai món nầy vào bốn món kia, gia vị thêm chút tình của mình thành một bài hát:
Yến sào Hòn Nội,
Vịt lội Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều
Đời anh cay đắng đã nhiều
Về đây ngọt sớm ngon chiều với em.
Đến ngày đem ra trình làng, tôi nhờ một số văn nghệ sĩ Nha Trang phụ trợ việc ngâm hát những thơ, ca theo nhịp đàn sáo như kỳ diễn thuyết về Hàn Mặc Tử tại Saigon.
Cuộc nói chuyện tổ chức tại rạp chiếu bóng Tân Tân. Thính giả hầu hết là công chức (giáo viên, thư ký, ty, sở, trưởng, chủ, sự...) và các nhân sĩ trong thị xã Nha Trang. Cuộc nói chuyện được hoan nghênh nhiệt liệt.
Ông Hiệu trưởng trường trung học Võ Tánh nói:
- Địa lý là món khô khan dễ chán mà anh trình bày thế ấy, thì thật chẳng khác chiếu phim phong cảnh. Rước anh dạy địa dư thì tuyệt.
Tôi cười:
- Đừng bày, trước đây tôi đã bị phê bình rằng đem tánh chất lãng mạn trộn cả vào môn địa lý, và bị đuổi ra khỏi trường rồi. Đâu dám “tái phạm”.
Buổi nói chuyện được ghi âm và được phổ biến trên đài phát thanh làm vui cho đồng bào địa phương không ít.
Ông bạn già Trần Thúc Lâm ở xóm Máy Nước cạnh đài phát thanh Nha Trang, đến bảo:
- Hòn Trại Thủy ở đâu? Tôi hỏi không ai biết hết. Họ nói ở trong thành phố Nha Trang chỉ có núi Sinh Trung chớ không làm gì có núi Trại Thủy. Có người bảo rằng anh “đẻ” ra, nên núi chỉ nằm trong tưởng tượng.
Tôi phá lên cười:
- Vậy xóm Máy Nước của anh cũng do tôi “đẻ” ra hay sao? Bởi hòn Trại Thủy nằm ngay trước mặt nhà anh.
- Đó là hòn núi Chùa chớ.
- Sẽ có người cải đó là hòn Xưởng hoặc hòn Kho vì xưa kia có kho và xưởng ở núi.
- Sao lại nhiều tên thế?
- Thì cũng như người trợ bút cho Lành Mạnh, mỗi kỳ viết bốn năm bài mà phải lấy bút hiệu nào Cổ Bàn Nhân, nào Thi Nại Thị, nào Cù Huân Khách, nào Định Phong...
- Thế thì cũng có phần rắc rối.
- Tôi đã nói rõ vì sao người ta lại gọi là Trại Thủy, là Hòn Kho, Hòn Xưởng, mà cũng đã nói rõ nó nằm ở nơi nào. Tại người nghe không để ý nên sanh ra thắc mắc. Nhà văn thường bị độc giả rầy oan là vậy đó...
Thượng tọa Thích Trí Thủ nói cùng đệ tử là Trần Đình Lạc:
- Ăn nằm với núi đã chín mười năm, mãi nay nhờ bác Quách mình mới biết tên là Trại Thủy!
Như vậy bài Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa cũng gây được ít nhiều ảnh hưởng trong quần chúng.
Năm 1963, nhân làm Tổng giám thị Trung tâm tu nghiệp cán bộ Khánh Hòa tôi cho in ronéo bài diễn văn ấy phát cho anh em làm tài liệu tham khảo khi đi phục vụ nhân dân. Tôi gởi cho các bạn quen xa gần để mua vui. Hiếu Chân lấy làm thích thú, đăng lời cảm tạ và hẹn sẽ nói về công phu bài ấy, trong số Tự Do ra ngày 18-4-1963. Hiếu Chân chưa kịp viết bài thì ông bạn Phan Ngọc Châu, giáo sư Việt Văn và sinh ngữ ở Saigon gởi bài phê bình đến đăng ở số Tự Do ra ngày 21-7-1963, Phan quân tán thưởng nhiều điểm.
Còn Nguyễn Ang Ca thì lấy trọn bài đem vào thiên phóng sự Miền Trung đăng trong Tiếng Chuông, tháng 4-1963. Họ Nguyễn chỉ mào đầu vài câu rằng ra Nha Trang gặp tôi và được tôi tặng nhiều tài liệu về Khánh Hòa, rồi cắt từng khúc bài của tôi, đem y nguyên văn vào bài của mình mà không để trong vòng kép(“...”) cho rõ rằng anh ta trích của tôi. Tôi viết thư phản đối. Anh ta đăng bài công bố rằng phần nhiều tài liệu trong bài phóng sự là của tôi, chớ không nói những đoạn nào là của tôi (thỉnh thoảng có chen năm ba câu của anh ta vào bài của tôi...). Trong khi tặng Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa tôi lại còn cho mượn một phiến ảnh chụp cảnh hốt cốt Hàn Mặc Tử. Anh ta đem vào Saigon làm bản kẽm in vào đoạn nói về Quy Nhơn song không cẩn thận làm mất phứt!! Tôi bảo rằng anh ta cố ý đoạt, anh ta lấy danh dự thề rằng không có tà tâm. Tôi đành chịu thiệt!!!
Tôi không ngờ một người có tên tuổi trong làng báo mà thiếu thận trọng đến thế. Tôi chợt nhớ đến lời nói của Tân Việt năm 1958 khi mới gặp: “Anh nên cẩn thận, chớ nên đưa bản thảo cho các nhà văn nhà báo xem. Nhiều người không được liêm chính”.
Nhưng rồi tôi lại nhớ đến lời của ông bạn Nguyễn Đồng: “Văn mình có giá trị người ta mới ăn cắp. Chớ ai lấy trộm giẻ rách làm gì”.
Tôi cười mà bỏ qua.
Rồi nhận thấy Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa có ít nhiều giá trị, tôi định sẽ bổ túc các mục còn thiếu, các cảnh còn sót để làm thành một phương pháp diệt phiền não.
Thật vậy. Chẳng lúc nào tâm hồn tôi được thanh thản bằng lúc làm thơ viết văn.
Trước kia tôi tưởng chỉ làm thơ mới đưa được tâm hồn ra ngoài và lên trên những phiền toái của cuộc sống hàng ngày, chỉ làm thơ mới khơi vợi được những gì tích tụ, những gì ấp ủ... trong lòng. Nhưng từ khi quen với văn thì nhận thấy viết văn cũng có hiệu quả như làm thơ. Chỉ khác một điều là viết văn phải ngồi và mất công viết. Song lại được cái thú là “được mỏi tay mỏi lưng phải đi nằm cho hết mỏi”. Không mỏi mà đi nằm đâu có thú bằng mỏi mà đi nằm. Cũng như không đói mà ăn đâu có ngon bằng đói mà ăn.
Như thế là: viết văn làm thơ đã thú mà lại còn tìm được thích thú trong thú làm thơ viết văn. Thành ra thú sanh thú, thú cha, thú con, thú cháu... vô tận vô cùng...
Bởi vậy nên viết mãi không chán.
Cực chẳng đã mới nghỉ viết.

Xứ Trầm Hương
Xứ Trầm Hương là “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” bổ túc và nhuận chính.
Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” hoài thai từ thời Pháp thuộc lúc tôi còn làm việc tại tòa sứ Nha Trang (1935-1945). Lúc ấy thỉnh thoảng theo làm thông ngôn cho các nhà du lịch và khảo cổ ngoại quốc, tôi biết được thêm nhiều thắng cảnh cổ tích ở những nơi xa vắng, ngoài những danh thắng gần thành phố Nha Trang. Tôi lại được các vị tiền bối như cụ cử Phan Bá Vỹ, cụ đề Ngô Văn Nhượng, nhà Nho Trần Khắc Thành... kể cho nghe nhiều chuyện ly kỳ, nhiều tích lý thú.
Nhờ đó mà tôi viết “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa”.
Vì là một bài thuyết trình cho nên chỉ viết những nét đại khái. Tôi cũng có ý muốn viết kỹ lại kẻo những tài liệu đã thu thập được rủi mất đi uổng. Nhưng chưa có dịp mà cũng chưa thấy hứng.
Nhân tôi có gởi tặng Nguyễn Hiến Lê một bản “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” và nói qua trường hợp soạn thảo. Nguyễn quân khuyên nên viết kỹ lại. Võ Hồng và Châu Hải Kỳ cũng đồng ý cùng Nguyễn Hiến Lê. Võ quân bảo:
- Cảnh thiên nhiên dù có thay đổi vẫn còn dấu tích, chớ những câu chuyện liên quan hoặc nhiều hoặc ít đến Khánh Hòa, hiện nay đã ít người biết rồi, nếu anh không viết lại thì sau anh e không còn ai biết để viết.
Nguồn hứng vừa khơi thì tôi lại gặp Hòa thượng Thích Trí Thủ và Đại đức Trừng San. Hòa thượng hứa ủng hộ việc xuất bản. Đại đức cho mượn xe và hướng dẫn đi thăm các ngôi chùa cổ và đôi cảnh cần thăm lại và có thể đến thăm.
Trong lúc đi tôi lại thu thập thêm được nhiều tài liệu quý báu.
Những sự kiện ấy kích thích tôi hăng hái viết về Khánh Hòa. Tôi tạm gác “Bóng Ngày Qua”.
Sau khi đi các quận “tạm đủ” rồi, tôi lo viết. Tôi khởi sự vào đầu tháng 9 năm 1968, và quyết cố gắng hoàn thành trước tháng 12, hầu kịp xuất bản trong tết Kỷ Dậu để làm quà ăn mừng tuần hoa giáp của tôi.
Nhưng trời chẳng chiều người! Vừa viết xong được 3/4 thì bị ngọa bệnh.
Nguyên tôi đau nội trĩ đã gần 40 năm. Nhờ giữ vệ sinh nên “quân bất lương” không có cơ quấy phá. Không biết có phải vì tôi ngồi nhiều quá hay vì “kỳ hạn đã đến” mà mạch lương (fistules anales) trổ ra. Nghe tin bác sĩ Tân-Tây-Lan ở nhà thương Quy Nhơn mổ giỏi, tôi bèn ra Quy Nhơn.
Mổ ngày 26-12-1968.
Cuối tháng 1 năm 1969, tôi về Nha Trang định ăn Tết xong trở ra trị cho thật lành. Nhưng thấy vết mổ mỗi ngày mỗi cạn dần nên nằm nhà băng bó. Gần hai tháng rưỡi trôi qua, tưởng bệnh đã lành, ngồi viết tiếp về Khánh Hòa. Mới mấy hôm bệnh trở phải ra Quy Nhơn trở lại (15-4-1969).
Ra Quy Nhơn bị mổ đi mổ lại đến 5 lần. Phải nằm bệnh từ nửa tháng 4 đến nửa tháng 6-1969 mới về Nha Trang trở lại.
Sáu tháng trôi xuôi ! (12-68 - 6-69)
Khi về Nha Trang thì thấy tập địa phương chí “Non nước Khánh Hòa” của ông Nguyễn Đình Tư đã bán ở các tiệm sách.
Ông Tư trước kia làm tại Ty Điền địa Nha Trang, cùng tôi là chỗ quen biết. Tôi nghe ông ta viết tập Non nước Khánh Hòa đã lâu. Nhưng biết rằng ông ta viết theo lối viết “Non nước Phú Yên”, nên tôi không ngại bị dẫm chân nhau. Nhưng nghe sách ông ta đã ra, lòng tôi không khỏi nao nức muốn đọc. Đọc xong thật mừng vì quả như lời tôi đã đoán. Song lại có hơi bực vì ông ta đã lấy một số “ca dao” trong “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa”, đã không ghi xuất xứ lại còn sửa nhiều chỗ để tỏ rằng tự mình đã tìm ra chớ không phải mượn của tôi. Những câu ấy vốn là của tôi đặt ra, ai biết đâu mà truyền cho ông ấy? [7]
Anh Trần Thúc Lâm cùng mấy anh em ký giả quen biết ở Nha Trang muốn viết bài chỉ trích. Sợ có người hiểu lầm rằng tôi đã xúi anh em vì ganh tị, nên tôi can:
- Không có gì quan trọng, cứ để sách tôi ra đời, bạn đọc sẽ rõ trắng đen.
Rồi tôi tiếp tục viết Khánh Hòa bị bỏ dỡ và đã hoàn tất sau ba tuần nhật cần cù.
Nhận thấy tên “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” không gọn và tên “Non nước Khánh Hòa” ông Tư đã dùng trùng, tôi bèn lấy tên:  XỨ TRẦM HƯƠNG.
Vì Khánh Hòa có nhiều trầm hương nhất các tỉnh miền Trung, và tôi có bài ca:
Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương
Non cao biển rộng người thương đi về
Yến sào ngon ngọt tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non.
            Sau khi viết xong bài tựa nói rõ tính cách và mục đích Xứ Trầm Hương. Tôi đem lên Viện Phật học Nha Trang trao cho Hòa thượng Thích Trí Thủ để Hòa thượng đem vào Saigon in.
Công việc yên xong vào tiết Tiểu Thử, năm Kỷ Dậu, tức trung tuần tháng 7 năm 1969.
*
Viết Xứ Trầm Hương tôi viết theo lối hồi ký. Nghĩa là tôi ghi lại những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa. Tôi chú trọng về thắng cảnh cổ tích, giai thoại huyền thoại là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về địa lý thuần túy là những cái thường còn thì nhượng cho các nhà khảo cứu, các nhà địa lý học chuyên môn.
Do đó tôi thích thú khi viết Xứ Trầm Hương cũng như khi viết “Bóng Ngày Qua”: Tôi viết lòng tôi, tôi sống lại.
Tôi sống lại và làm sống lại cho Khánh Hòa nhiều “cái” đã chết hẳn trên mặt đất và trong lòng người địa phương. Nói là chết trong lòng người địa phương kể cũng oan, vì người hiện thời đâu phải người cựu thời. Các vị phụ lão đều qua đời hết. Anh chị em thanh niên bị cái “mới” lôi cuốn, ít người nghĩ đến những “cái cũ” của cha ông, bởi những cái cũ ấy không đem lại những ích lợi trực tiếp, những ích lợi hiện tiền. Làm sống lại những “cái vô ích” ấy, tôi lấy làm khoái. Tôi khoái riêng cùng tôi. Và tôi cảm thấy “Xứ Trầm Hương” là một cõi riêng biệt của tôi, và tôi làm một đại biểu của người cổ Khánh Hòa lãnh thiên chức gìn giữ những “cái” đã mất và sắp mất trước làn sóng ngoại lai.
Viết Xứ Trầm Hương tôi “viết” bằng máy đánh chữ.
Làm xong dàn bài trong trí, tôi ngồi vào bàn máy là “viết” một hơi. Ý theo tiếng lóc cóc của máy mà nhảy ra. Lời theo ý mà hình thành. Câu cú suông sẻ càng tốt, què quặc cũng mặc. Viết xong một đoạn, siêng thì đọc lại, nhác thì cho qua...
Thật chẳng khác viết hồi ký!
Bởi mục đích chính là gởi gắm chút lòng, tiêu diệt phiền não, chớ đâu phải “làm văn”.
Tuy vậy, tánh thận trọng đã sẵn có trong người, sức uẩn nhưỡng đã nuôi sẵn từ trước, cho nên tự tin rằng không có sự bừa bãi trong ý cũng như ngoài lời.
Khi mới bắt đầu viết, tôi tưởng sách chỉ dày độ trăm rưỡi trang là nhiều. Vì “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” chỉ có vài chục trương đánh máy. Không ngờ Xứ Trầm Hương dày đến trên 300 trang đánh máy. Dày ngang “Nước non Bình Định”.
Viết về non sông, có cái vui mà đôi khi cũng có cái buồn. Viết về Bình Định tôi buồn cho tỉnh nhà bị mất cây cầy và cây ké ở đèo An Khê. Hai cây nầy là di tích lịch sử . Chúng đã chứng kiến lễ tế cờ của 3 vua Tây Sơn. Cho nên phương ngôn có câu: “Cây ké phất cờ, cây cầy khỉ cổ”. Thời Ngô Đình Diệm cán bộ địa phương đã hạ cây ké để lấy gỗ làm trụ sở và gần đây cây cầy đã bị thuốc khai quang của Mỹ làm rụng lá đen cành. Sống thác thế nào chưa rõ! Viết về Khánh Hòa, tôi buồn về tấm bia Võ Cạnh.
Võ Cạnh là một làng thuộc quận Vĩnh Xương giáp giới quận Diên Khánh và nằm phía Nam Quốc lộ số 1.
Ở đó có một tấm bia bằng đá xanh, cao lớn, khắc chữ “Khoa - Đẩu”. Theo các nhà khảo cổ thì bia nầy dựng từ thế kỷ thứ II, để làm biên giới của Phù Nam và Chiêm Thành.
Bia nằm dưới một cây duối lâu đời, nửa ló lên mặt đất, nửa chôn dưới bùn ruộng. Suốt bao nhiêu đời ít ai để ý.
Năm 1936, có một nhà khảo cổ đến Nha Trang. Nhờ ông học sanh Nguyễn Tấn ở Võ Cạnh, tục gọi là Học Bảy chỉ điểm, nhà khảo cổ đến xem và quả quyết là tấm bia phân ranh giới của Phù Nam và Chiêm Thành. Ông sứ Lavigne định đem bia về tòa sứ Nha Trang. Nhưng chưa kịp thực hiện thì bị đổi, ông sứ Destenay đến thế. Tôi “làm tài khéo tài khôn” vào nhắc, bị cự cho một mớ vuốt mặt không kịp! Từ ấy không còn ai nghĩ đến tấm bia.
Khi viết Xứ Trầm Hương, tôi nhớ đến bia ấy... Nhưng ông Học Bảy đã qua đời, quang cảnh trong làng lại có nhiều sự thay đổi, tôi đi tìm mấy bận không còn thấy cây duối cổ ở chỗ nào! nhờ người con ông Học Sanh là anh Ngộ tìm dùm, cũng không biết nơi đâu là nơi có tấm bia và cây duối! Trên 30 năm rồi, cây duối làm gì còn sống,bia đá chắc gì còn vùi lấp để đợi thiện duyên mà trồi lên.[8]
Ở các nước văn minh, các cổ vật được bảo tồn trân trọng. Ở nước mình chánh quyền chỉ nghĩ đến những cái mới của nước người, phần đông nhân dân cũng không có lòng háo cổ. Thành thử cổ tích của nước nhà bị tàn rụng lần lần. Nếu tình hình hỗn loạn cứ kéo dài thì lúc thái bình e người Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc mới bắt đầu dựng nước. Trong nước sẽ không còn một mảy may gì chứng tỏ rằng mình có một nền văn hiến bốn nghìn năm!
Lắm lúc thật là buồn!
Cầu may vớt vát được chút nào hay chút nấy, tôi ghi chép tất cả những gì tôi thấy tôi nghe. Dù là công dã tràng, công Tinh Vệ tôi cũng tự thấy được an ủi ít nhiều.
Cho nên khi làm việc văn chương, tôi thấy tôi sống, và tự cho mình sống có ích, ít nhất là cho bản thân. Ngày tháng trôi qua mình không biết, nếu biết cũng không tiếc bởi đã dùng làm việc cho văn chương, cho đời sống: Thì giờ không mất.
(Trích hồi ký Bóng Ngày Qua).



[1] Trong bụng thì đúng hơn.
[2] Đây là một trong bao nhiêu trường hợp khác.
[3] Chỉ nhớ đại khái.
[4] Khách đi đường thường bảo nhau rằng thơm có hai nơi ngon nhất là “Nhất Tam Kỳ, nhì Vạn Giã”.
[5] Phú Ân ở quận Diên Khánh.
[6] Xưa kia Khánh Dương thuộc về Ban Mê Thuột, nên Diên Khánh nổi tiếng khô nai ở Khánh Hòa. Từ khi Khánh Dương thuộc Khánh Hòa thì người “vi thiên” chỉ còn biết có Khánh Dương.
[7] Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa đã được phổ biến bằng ronéo và trên đài phát thanh Nha Trang.
[8] Hiện nay bia Võ Cạnh tồn trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Hà Nội. Xem phụ lục.

Hòn Trại Thủy trước thời Pháp thuộc


  • Quách Giao
Hòn Trại Thủy là một thắng cảnh được du khách ưa đến thăm viếng nhất ở Khánh Hòa. Có nhiều bạn thắc mắc: Dù là thổ sơn thì cũng vẫn là núi, cớ sao lại lấy chữ “Thủy” là nước mà đặt tên? Có người giải thích: Bởi vì trên núi có bồn chứa nước máy để phân phát cho thành phố Nha Trang.
Đó là câu trả lời của những người “Không biết mà làm ra vẻ biết” cũng như bảo Nha Trang là do chữ “Nhà Trắng” mà ra. Sự thật không phải thế.
Hòn Thổ sơn nổi danh này, ngoài tên Trại Thủy còn có tên nữa là Hòn Xưởng, Hòn Kho. Đại Nam Nhất Thống Chí chép là “Khố Sơn” (dịch Hòn Kho ra chữ Hán). Đó là những tên thông dụng. Núi còn một tên nữa rất ít người biết là Hoàng Mai Sơn gọi tắt là Mai Sơn, gọi nôm na là Non Mai. Tên này có trước những tên Trại Thủy, Hòn Xưởng, Hòn Kho... Tên của khách văn chương đặt cho núi, và vốn coi mặt mà đặt tên.
Hòn Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, là một hòn núi mọc toàn mai. Những khóm mai cổ thụ, cội cao tàn cả, mọc chen vào những tảng đá hoa cương to lớn. Mỗi lần xuân đến hoa mai nở vàng cả núi. Hết mùa hoa mai thì lá mai đậm và láng trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sang đông lá mai rụng hết núi trở thành một hòn núi trọc màu xám in những nét đen nhạt của những cành khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi... Cảnh sắc mùa nào cũng đẹp đẽ nên thơ.
Tên “Hoàng Mai Sơn” đã đẹp, núi lại còn một tên nữa cũng đẹp không thua “Ngọc Bức” tức là “con dơi ngọc”. Mệnh danh như thế là vì đứng ở Nam, xa xa nhìn thấy núi giống hình một con dơi nằm sải cánh, đầu hướng về Nam và trên núi có những tảng đá hoa cương nhấp nháy ánh sáng.
Để vịnh Hoàng Mai Sơn người xưa có câu:
Hoàng Mai sơn hạ La Phù mộng,
Ngọc Bức danh trung Hiệp Phố tình.
Nghĩa là: Dưới núi Hoàng Mai chợp được giấc mộng La Phù; trong tiếng Ngọc Bức có ngậm chứa tình Hiệp Phố.
Núi ở mặt ngoài thật là thanh nhã, ngờ đâu ở bên trong lại có thế dụng binh.
Nhưng trước khi nói đến mặt quân sự của núi Hoàng Mai, tôi xin nói qua lịch sử của đất Khánh Hòa.
- Xưa kia Khánh Hòa là đất của Chiêm Thành tên gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ thứ 18, thời chúa Nguyễn, Cù Huân đổi thành dinh Bình Khang, sau đổi ra Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm hai phủ là phủ Diên Khánh và phủ Bình Hòa. Coi việc cai trị toàn dinh có quan Trấn Thủ. Dinh quan Trấn Thủ đóng tại Ninh Hòa gần sông (do đó sông Ninh Hòa mệnh danh là sông Dinh). Khoảng hậu bán thế kỷ thứ 17, nhà Tây Sơn thắng chúa Nguyễn, dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào trấn Bình Hòa, nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng bình bèn dời dinh Tổng trấn vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với quân chúa Nguyễn ở mặt Nam, về đường bộ. Để chống giữ về mặt biển, Trần Quang Diệu lại cách một đạo thủy binh xuống trấn miền duyên hải. Xét thấy núi Hoàng mai Sơn vị thế hiểm trở, bèn dùng làm căn cứ quân sự. Trên núi thì cất trại lính, dưới núi về mặt Bắc gần sông lại đóng xưởng cất thuyền, lại đóng kho chứa lương thực. Vì vậy núi mới có tên là Trại Thủy hay Hòn Xưởng, Hòn Kho. Cuối thế kỷ 18 Nguyễn Ánh đánh lấy lại được Dinh Bình Hòa. Quan trấn thủ do Nguyễn Ánh bổ nhiệm là Nguyễn Văn Thành vẫn giữ những căn cứ quân sự của Trần Quang Diệu để chống lại quân Tây Sơn. Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, nắm được toàn cõi Việt Nam, mới dẹp bỏ những căn cứ quân sự không cần thiết. Những trại xưởng, kho ở núi Hoàng Mai Sơn cũng bị phá hủy. Vật không còn, song danh không mất. Người địa phương vẫn gọi núi là Trại Thủy hoặc Hòn Xưởng, Hòn Kho.
Đến năm 1885 kinh đô Huế bị thực dân Pháp đánh chiếm. Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy chống thực dân Pháp. Nhân dân các tỉnh từ Huế trở ra và từ Huế trở vào đều ứng nghĩa Cần Vương.
Nghĩa binh Khánh Hòa do Trịnh Phong lãnh đạo dùng Hòn Trại Thủy làm căn cứ chiến đấu. Pháp đổ bộ lên bãi biển Nha Trang bị nghĩa quân Trịnh Phong chặn đánh không thể tiến bước. Nhờ lòng dũng cảm của nghĩa binh và thế hiểm trở của Trại Thủy, Trịnh Phong đã chiến thắng quân xâm lăng nhiều trận. Nhưng rồi có người trong nghĩa quân làm phản, đem những bí mật quân sự cho địch biết, lại bày mưu cho địch để đánh nghĩa quân. Thực dân Pháp theo lời hướng dẫn của tên Việt gian phản quốc, dùng hỏa công đánh úp nghĩa binh. Để bảo toàn quân lực, Trịnh Phong theo đường bí mật rút quân ra khỏi Trại Thủy về giữ thành Diên Khánh. Quân Pháp dùng thuốc súng đốt rụi tất cả cây cối, lều trại trên hòn Trại Thủy và sau khi dẹp xong phong trào Cần Vương ở mọi nơi và đặt xong cơ quan cai trị ở Nha Trang, thực dân Pháp trổ con đường từ Nha Trang lên Diên Khánh, dùng những tảng đá trên hòn Trại Thủy đập nát ra để lót đường. Từ ấy hòn Trại Thủy trở thành một hòn núi đất trơ trụi. Chỉ sườn núi phía sau còn vài lớp đá và trên núi còn vài khóm mai còi làm di tích cho những gì của núi đá có từ nghìn xưa.
Vào khoảng 1943-1944 Đại sư Giác Phong dời chùa Hải Đức ở dưới đường Hai Chùa Nha Trang lên cất ở đầu phía tây núi Trại Thủy. Và khoảng 1955-1960 Hội Phật học Khánh Hòa xây Kim Thân Phật Tổ ở đầu núi phía đông. Sau đó những am, những cốc lần lượt xây cất và cây cối lần lần trồng ở khắp núi, làm cho hòn Trại Thủy mỗi ngày mỗi trở nên đẹp đẽ. Hiện nay núi đã trở thành một thắng cảnh nổi danh của Khánh Hòa.
Đến viếng cảnh Trại Thủy mà biết được “lý lịch” của núi một cách khá tường tận thì cái thú tham quan tưởng cũng thêm nhiều hứng vị.
Nha Trang, 9-1990.

Một thi xã bị bỏ quên của Nha Trang

  • Quách Tấn

Các nhà nghiên cứu văn học ngày trước cũng như ngày nay, không mấy ai biết rằng ở Nha Trang có một thi xã đã góp phần không ít vào việc xây dựng nền văn học Việt Nam.
Đó là Hoàng Mai thi xã.
Hoàng Mai thi xã thành lập năm 1935. Sáng lập viên là ba nhân sĩ có uy danh ở Khánh Hòa: Nhà Nho Trần Khắc Thành ở phường Xương Huân; cụ cử Phan Bá Vỹ ở phường Phước Hải; cụ đề Ngô Văn Nhượng ở thôn Phú Ân nam, huyện Diên Khánh.
Thi xã mệnh danh Hoàng Mai vì Khánh Hòa có nhiều mai vàng: mai biển có, mai núi có, mai vườn có. Lại thêm ở Nha Trang có một rừng mai rộng mấy trăm mẫu, giăng trùm cả vùng Phước Hải và hòn Trại Thủy trước ngày thực dân Pháp chiếm cứ Nha Trang. Hòn Trại Thủy đầy mai cổ thụ nên có danh là Mai Sơn.

Thi xã lấy đặc điểm của địa phương để mệnh danh, chẳng những để tỏ lòng thương yêu kính trọng quê hương mà còn để nêu cao “văn thái phong lưu” của thi xã.
Thi xã ra đời với bài thơ luật:
Nghiệp cũ Hoàng Mai kể Bạch Liên
Phong tao mong giữ nếp chân truyền
Vàng trau cánh mộng đơm ngòi thép
Ngọc ấm tình xuân đúc phẩm tiên
Châu thắm xạ thơm hồn Lạc Việt
Trúc nhuần tơ nhuyễn giọng Hàn Thuyên
Hỡi người đãy gấm sang Nam Hải
Qua gác Đằng Vương hãy ghé thuyền.
Bài thơ hàm súc, vừa thích thực được bốn chữ Hoàng Mai thi xã, vừa nói lên được mục đích và tôn chỉ cùng chủ trương đường lối phải theo.

Thi xã lập ra không có tham vọng đào tạo nhân tài. Ba cụ Phan, Trần, Ngô noi gương người đời Tống lập Bạch Liên thi xã mà lập Hoàng Mai Thi Xã chỉ nhằm mục đích cùng bạn đồng thanh đồng khí xa gần, giữ vững truyền thống đẹp đẽ của cha ông để lại trên nền văn học Việt Nam.
Thi xã chủ trương lấy ôn, nhu, chân, hậu làm cốt, lấy thanh nhã tự nhiên làm cách, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ chính, thể Đường luật làm thể chính.
Những người muốn gia nhập thi xã, trước hết phải thông thạo phép làm thơ, sau nữa là phải có tư cách, không thiếu lễ, nghĩa, liêm, sĩ. Người tài cao học rộng mà tác phong kém, đạo đức thiếu vẫn không được thi xã kết nạp. Do đó xã viên không quá hai mươi người và phần nhiều là người từ bốn mươi tuổi trở lên, tân học có, cựu học có. Trụ sở đóng tại nhà cụ cử Phan Bá Vỹ (hiện nay ở số 24 đường Lý Tự Trọng, Nha Trang).
Thi xã mỗi tháng họp một lần vào sáng chủ nhật đầu tháng. Họp để cùng nhau giảng cứu về thi pháp, hoặc phê bình những áng văn chương có danh cổ kim trong nước, ngoài nước hoặc để ra đề thơ cho xã viên sáng tác, hoặc chấm chọn những bài thơ của xã viên trình chính...

Lúc bấy giờ Thơ Mới nổi dậy từ Nam chí Bắc, công kích thơ Đường luật kịch liệt, gây một phong trào rầm rộ. Phong trào khởi đầu từ năm 1932 và chấm dứt năm 1941. Năm 1935, năm Hoàng Mai thi xã ra đời, là năm phong trào Thơ Mới lên cao tột độ. Nhưng anh em trong Hoàng Mai thi xã không chút nao núng. Anh em cũng không tìm cách hoặc tỏ thái độ chống đối phong trào. Dưới sự lãnh đạo của ba vị tiền bối Trần, Phan, Ngô, anh em ung dung sáng tác theo chủ trương đường hướng của thi xã mình.
Đồng thời cùng Hoàng Mai thi xã, ở Huế có Hương Bình thi xã do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm “Tao đàn nguyên soái”, ở Phan Thiết có Liên Thành thi xã do cụ Phú Khê Đoàn Tá đóng vai “chủ nhân ông”. Hai thi xã này liên hệ mật thiết cùng thi xã Nha Trang, thường có thơ từ trao đổi ý kiến, quan điểm và xướng họa với nhau.

Thơ của Hoàng Mai cũng như thơ của Hương Bình, Liên Thành không đăng lên báo chí, không in thành sách, mà chỉ đánh máy hay in ronéo phổ biến trong nội bộ. Tuy vậy những bạn yêu thơ ở ngoài thi xã vẫn được hân hưởng những vần giai tác như:

Ăn dâu phải trả nợ bằng tơ
Vô dụng đành mang tiếng sống thừa
Việc cả muốn làm không đủ sức
Lòng buồn mong tả chẳng nên thơ
Chuyện trò với một bầy con trẻ
Bè bạn còn vài bộ sách xưa
Miễn giữ trọn niềm ngay với thảo
Mặc tình ai ghét mặc ai ưa.
Đó là bài “Thư hoài” [1] của cụ Ngô Văn Nhượng. Lời thơ thanh lão, ý thơ thuần hậu. Tác giả đã theo đúng chủ trương của thi xã. Anh em trong thi xã phần đông dùng làm mẫu để theo.
Thơ của cụ Phan Bá Vĩ cũng theo đúng đường hướng của thi xã. Bài “Nha thành xuân cảm” sau đây cũng rất được bạn trong và ngoài thi xã hoan nghênh:
Bốn mươi xuân lẻ tết Nha Trang
Xuân mới tình xuân vẫn cũ càng
Đầm én Xương Huân mây phủ tía
Rừng mai Phước Hải nắng đơm vàng
Nghề quen bút sắt dù chăm chút
Nghĩa thắm ngòi lông dám phụ phàng
Ngoảnh lại thành sen cây lớp lớp
Hoa lan thầm trổ tóc Phan lang.
Văn chương trang nhã. Muốn thưởng thức trọn cái hay của thơ tưởng cũng nên biết qua thân thế tác giả. Cụ Phan sanh quán ở Phan Thiết, đậu cử nhân nhưng không làm quan với Nam triều mà làm ký lục tòa sứ Pháp. Cụ làm việc ở tòa sứ Nha Trang trên 40 năm, tạo lập cơ nghiệp ở Nha Trang và trờ thành nhân sĩ Khánh Hòa chính thức.
Cặp luận tả rõ thân phận, chuyển kết nói lên lòng không quên cố hương là Liên Thành (thành sen) tức Phan Thiết.
Toàn thể thơ cụ Phan cũng như thơ cụ Ngô đều nghiêm chỉnh. Trái lại thơ của nhà nho Trần Khắc Thành thường là thơ châm phúng. Xin đan cử một luật:
Vịnh gà què
Thôi rồi ai ném hoặc ai quăng
Chẳng lẽ gà sanh cẳng rứa răng?
Năm đức đã đành trời sở phú
Hai chân còn giận đất không bằng
Cối xay đã thạo nghề ăn quẩn
Tiếng gáy đừng đeo thói ghét xằng
Nghĩ kỹ cũng mừng cho đó chút
Ra trường chiến đấu bớt hung hăng.
Ý thông thường nhưng khéo sử dụng tạo thành những tứ mới lạ, làm cho bài thơ có một phong cách đặc biệt chưa từng thấy trong số thơ truyền tụng xưa nay, nhất là cặp trạng và cặp luận. Cặp trạng thích thực “gà què” như thế là độc đáo. Cặp luận dùng phương ngôn tục ngữ để triển khai ý “gà què” như thế là tài tình. Không phải tay lão luyện, học rộng biết nhiều thì khó sáng tạo nên những vần thơ hay như thế.
Trong Hoàng Mai thi xã có ba nhà lãnh đạo có thi tài thi tâm như vậy thì tất nhiên các xã viên học được nhiều cái hay cái đẹp trong việc lập ý, cấu tứ, tu từ và sáng tác được nhiều giai phẩm. Nếu chúng ta ra công sưu tầm, thế nào cũng phát hiện được nhiều giai chương lệ cú.
Nha Trang, mùa hạ năm Kỷ Tỵ (1989)



[1] Thư: chép; hoài: nỗi niềm ôm ấp trong lòng.