Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Thư giãn với nước khoáng nóng

  • Mai Lĩnh
Du khách đến Nha Trang, tất nhiên ai cũng muốn ngắm nhìn phong cảnh và đắm mình trong làn nước trong xanh của đại dương; nhưng còn có một thú vui khác là tắm nước khoáng và thư giãn giữa không gian thoáng mát với khung cảnh những thác nước, hồ nước khoáng thiên nhiên. Nha Trang hiện có 3 điểm đến như thế. Trong đó, I-resort đang thu hút du khách với cảnh quan gần gũi thiên nhiên, thoáng mát và thiết kế độc đáo.

I-Resort tọa lạc trên khu đất rộng thuộc xã Vĩnh Ngọc; cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 4km theo hướng qua cầu Bóng ra Đồng Đế. Trước dây, khu đất cạnh đường tàu hỏa này bỏ trống, khô cằn. Cảnh quan nơi đây được kiến tạo bởi bàn tay con người, nhưng du khách đến đây sẽ có được cảm giác gần gũi thiên nhiên.

Toàn bộ các công trình xây dựng được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ, đá, lá dừa nước... Dù bên ngoài trời nắng như đổ lửa, bên trong vẫn mát mẻ, dễ chịu bởi cách thức bố trí nội thất và đặc biệt hơn là nhìn ra ngoài, vườn hoa và cây cối luôn xanh tươi, mát mắt. Du khách mua vé vào cửa và tắm khoáng(100 ngàn đồng/người), sẽ được nhận khăn tắm, đồ tắm... vui chơi suốt ngày trong một khu vực rộng phủ cây xanh.


Vừa bước vào khu lễ tân, mọi người nhìn thấy ba pho tượng Phật được xếp hàng ngang trên một kệ gỗ tầm ngang thắt lưng một người đứng, quay mặt vào trong khu hồ tắm. Thoạt nhìn cách bài trí không ai nghĩ đó là nơi thờ tự, nhưng lại có cả lư hương, đèn cầy, lọ nước... Dù dùng tượng Phật để trang trí hay đặt bàn thờ nơi đây đều rất phản cảm, thiếu sự tôn kính. Đó là điều khiến nhiều người đến đây không hài lòng hoặc ít ra cũng đã gây thắc mắc đối với một số khách nước ngoài.

Dựa vào một ngọn đồi nhỏ, nhiều thác nước được thiết kế, hợp lý khiến một số du khách nhầm tưởng đó là những thác nước tự nhiên, thực ra tất cả đều do bàn tay con người tạo nên. Người biết điều này vẫn hài lòng bởi cảm giác gần gũi thiên nhiên, trong khi ở nhiều nơi khác, những con suối, thác nước tự nhiên bị can thiệp bằng bê tông làm mất đi vẻ đẹp của thiên nhiên.
Từ trên đồi cao, nơi có những hồ tắm khoáng, phơi nắng, du khách có thể nhìn xa xa những dãy núi phía bắc thành phố Nha Trang và khu nhà nghỉ, khu ngâm khoáng thảo dược, tắm bùn khoáng... trong I-resort.


Một góc nhìn đẹp trong khu I-resort.



Khu dịch vụ massage yên tĩnh nằm cạnh khu tắm khoáng và một nhà hàng có thể phục vụ một lúc 300 thực khách.


Vào những ngày lễ, tết, lượng khách đến I-resort lên đến hàng ngàn người. Ngày thường, du khách Việt từ các tỉnh thành và khách du lịch nước ngoài cũng thường xuyên hơn 100 người.




Thời gian gần đây, lượng du khách Nga đến Nha Trang khá đông. Người Nga rất thích ngâm mình trong hồ nước khoáng nóng, vận động và massage cơ thể với hệ thống thủy lực jacuzzi tại hồ bơi.

Có những hồ khoáng nóng nằm cạnh hồ nước mát. Cách thiết kế này giúp những nhóm bạn, gia đình có thể tắm gần nhau dù mỗi người có ý thích lựa chọn khác nhau về nhiệt độ nước khoáng.





Ngoài những trò giải trí như trượt nước vốn thích hợp với giới trẻ, người ở tuổi trung niên thích ngồi dưới thác nước để được "masage" bởi dòng thác tuôn chảy, hoặc nhấn huyệt đạo cơ thể từ giàn ống tre trên thác nước.



Ngoài những dãy ghế xếp quanh khu hồ tắm cho khách phơi nắng, I-resort còn có khu mái che lá dừa với những bộ phản gỗ, là nơi các nhóm bạn, gia đình nghỉ ngơi, an uống và ngủ trưa.

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Ô Lâu còn đó câu hò

  • Nguyễn Đặng Kỳ
Ảnh: Mai Lĩnh

Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!
Chuyện xưa kể rằng, có chàng thư sinh từ phương Bắc trên đường vào kinh (Huế) ứng thí, đã gặp cô lái đò ngang trên sông Ô Lâu rồi hai người đem lòng mến thương nhau. Sau kỳ thi, chàng về quê và ước hẹn sẽ sớm quay lại gặp nàng. Nhưng rồi, bặt vô âm tín, chàng không trở lại như đã hứa hẹn. Sau thời gian dài mòn mỏi đợi chờ, cô lái đò lâm bệnh mà chết. Lúc chàng trai ngày ấy trở lại tìm người yêu thì cô lái đò năm xưa đã không còn nữa. Câu chuyện đơn giản như hàng ngàn câu chuyện tình khác, nhưng không hiểu sao với tôi cảm giác mến thương cô gái đa tình ngày xưa cứ đọng mãi trong lòng và cứ hẹn với mình thế nào cũng phải tìm đến bến đò ấy một lần.

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Hàng Sang Tự

  • Chu Vưong Miện
Kỳ trước:


Hàn San tự. Ảnh: Mai Lĩnh
Buổi tối cuối cùng ở Tô Châu, ông chủ tịch Thị trấn Phong Kiều làm một “bữa tiệc” chia tay người bạn Việt Nam mới gặp rất là thân mật gia đình (giản đơn và giản kép). Vợ mất, sống cảnh đơn chiếc đã lâu nên ông đặt món ăn ở một gánh cháo lòng heo (bán qua đường y như xe mì gõ hay bán xực tắc vằn thắn mì vậy).

Trương Kế - Nguyệt lạc ô đề

  • Chu Vương Miện
Kỳ trước:

Tháp Phổ Minh. Ảnh: Mai Lĩnh
Sau buổi nói chuyện ở Hội Văn Học Nghệ Thuật thị trấn Phong Kiều, về đến nhà trọ thao thức mãi, không làm sao nhắm mắt nổi, bèn lay bà xã dậy.
- Giờ Tý canh ba rồi, dậy đi mẹ con!
Bà xã cũng ngồi dậy ngay tức thời vì cũng không ngủ được. Tôi pha ấm trà Vũ Di, mua ngoài thị trấn bữa trước, mỗi người nhâm nhi một chung hột mít. Tôi gợi chuyện:
- Theo như bà, thì chữ  “Sơn” Hán văn hiểu như thế nào là chuẩn, là đúng?
- Thực ra, chả làm sao mà đúng hẳn, chỉ có thể đúng tương đối mà thôi. Sơn thường hiểu là núi, nhưng khi Sơn dùng làm điạ danh thì chưa chắc nghĩa là núi.
- Nói thử?
- Bây giờ nói về địa danh Việt Nam cho dễ hiểu, chả hạn như ngoài Bắc có các tỉnh như Sơn La, Sơn Tây, Lạng Sơn... Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung có quận Bình Sơn, quận Sơn Tịnh. Quận Sơn Tịnh có làng Sơn Mỹ (không có núi non gì cả). Ngoài ra, còn nhiều chữ Sơn khác như chim sơn ca, sơn dầu, sơn mài ...

Sầu Miên Sơn

  • Chu Vương Miện
Kỳ trước:

Đêm phố cổ Tô Châu. Ảnh: Mai Lĩnh
Ở Việt Nam có một địa danh là thành Cổ Loa, trước năm 1954 thì thuộc quận Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, sau này thì Đông Anh thuộc về thành phố Hà Nội; phần còn lại của tỉnh Phúc Yên cùng với tỉnh Vĩnh Yên nhập vào tỉnh Phú Thọ, nay gọi tên mới là tỉnh Vĩnh Phú. Như vậy thành Cổ Loa xây dựng từ thời vua Thục An Dương Vương, bây giờ thuộc thành phố Hà Nội. Theo chỗ tôi được biết qua hai người bạn vong niên là thi sĩ Hà Trung Yên và học giả Đoàn Đức Nhân, cho biết thành Cổ Loa chỉ có ba vòng tròn bằng đất to nhỏ đồng tâm mà thôi. Thế nhưng các sử gia Việt Nam, có lẽ chỉ chép theo sách sử Tàu. Mà sử gia Tàu nghe tên thành Cổ Loa bèn ghi là âm Oa (con ốc). Thế là thành Cổ Loa được các nhà chép sử tưởng tượng ra là thành được xây chín vòng xoay theo hình trôn ốc! Không biết sử sách Việt Nam bây giờ đã được sửa sai, hiệu đính lại chưa?

Phong Kiều Dạ Bạc

  • Chu Vương Miện
Kỳ trước:
Kỳ 1: Hàn San Tự và Hàn San Tử.

Bài thơ Phong kiều Dạ Bạc của Trương Kế ra đời từ thế kỷ thứ IX, thời nhà Trung Đường, đến nay tròm trèm 12 thế kỷ, đã có nhiều giai thoại văn chương, nhiều ý kiến của các học giả Trung Quốc và Việt Nam bàn luận. Ngày trước thì bài thơ được cắt nghĩa và hiểu ngắn gọn như thế này; nhưng vài trăm năm sau thì lại được cắt nghĩa và hiểu theo nghĩa khác, rồi mới đây lại được giải nghĩa theo cách khác nữa… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giả thuyết, còn chuyện ai đúng hoặc ai sai thì giờ này cũng chưa có gì khẳng định rõ ràng.
Xin được ghi ra đây bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc
Chuyết Chính viên trong khuôn viên thành cổ Cô Tô. Ảnh: Mai Lĩnh
Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối Sầu Miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Vấn đề đặt ra chỉ có hai từ “Ô Đề” và “Sầu Miên” thì có thảo luận, trao đổi, tranh cãi, ngoài ra thì cũng vẫn y như cũ.
- Từ xưa cho đến trước năm 1945, qua bản dịch của cụ Tản Đà, hai câu thơ đầu được dịch là “Trăng tà tiếng quạ kêu sương, lửa chài cây bến sầu riêng giấc hồ”, danh từ  “ô đề” được chuyển dịch là “tiếng quạ kêu” và “sầu miên” là “giấc hồ”.

Hàn San Tự và Hàn San Tử

  • Chu Vương Miện

Ảnh: Mai Lĩnh
Nhiều năm cho tới bây giờ vẫn còn có nhiều người lẫn lộn Hàn San Tự (Chùa Hàn San) và Hàn San Tử (cao tăng thi nhân Hàn San). Ngay Lê Nguyễn Lưu - người soạn ra cuốn Đường Thi dầy trên 2000 trang cũng vẫn bị nhầm lẫn và nhiều người dịch thơ Đường vô ý một chút là nhầm ngay. Thậm chí, chữ “hàn san tự” vẫn có người dịch là “chùa trên núi lạnh”! Bởi từ khi vị cao tăng thi nhân Hàn San viên tịch, vì ngưỡng mộ tài đức của ngài nên dân chúng lấy tên ngài đặt tên cho một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành phố Tô Châu.
Chúng tôi trích dẫn một ít tài liệu trong các sách có liên quan đến Hàn San:
1/ Hàn San Tử là thi nhân thời danh thời Trung Đường và cũng là vị tăng lữ sống vào thời Trinh Quan, thường được gọi là Quốc Thanh tam ẩn. Ngài cư trú ở núi Hàn Nhai, huyện Đường Hưng, Thiên Thai (nay là Thiên Thai Chiết Giang) thường đến chùa Quốc Thanh thăm bạn là thi tăng Thập Đắc.
(Trích Từ điển Văn học Trung Quốc của Nguyễn Tôn Nhan, trang 135).

Khép lại chuyện... "Canh gà"

  • Chu Vương Miện

Sau vài năm theo đuổi mấy câu thơ “Cành trúc la đà”, tôi thấy quá mệt mỏi muốn bỏ cuộc cho rồi, nhưng cơ may ở đâu lù lù kéo tới và đáp án về những câu thơ này đã được lý giải một cách tường tận. Thật đúng y như câu ngạn ngữ xưa “Bên này và bên kia rặng núi Hy Mã Lạp Sơn chân lý khác nhau”.
Bài viết này mang tính cách như một tổng kết - chúng tôi không phải là tác giả mà chỉ có vai trò ghi chép, tổng hợp nội dung (tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều tác giả) các bài viết có liên quan gần xa đến mấy câu thơ sau:

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Cành trúc trăng tà

  • Chu Vương Miện

Mỗi một dân tộc có những sản phẩm văn hoá văn nghệ đặc trưng, dân tộc nào ở miền thảo nguyên, sa mạc thì có những nhạc cụ, nhạc khí và những bản dân ca, dã ca mang âm hưởng thảo nguyên; những dân tộc nào thuộc vùng sông nước thì có những điệu hò điệu lý mượt mà miền sông nước.
Đất nước chúng ta gắn liền với sông ngòi, cứ vài chục cây số là có một con sông hay một nhánh sông chẩy qua đồng ruộng ngút ngàn, trên sông trên ngòi thì có nước lớn nước ròng, có thuyền to thuyền nhỏ. Thuyền to chở hàng hoá, thuyền nhỏ chở người qua sông hoặc hành nghề đánh cá. Những điệu ca dao, hát ví, hát dậm cứ theo bước chân người Đại Việt mà đi; người đi thì điệu hát câu hò cùng đàn sáo cũng đi theo, thành ra có những câu ca dao tục ngữ xuất thân từ vùng đồng bằng Vĩnh Phú, Đại La, Cổ Loa, Sơn Tây, Kinh Bắc... cũng theo di dân vào miền Trung, rồi miền Nam. Ca dao của đất nước chúng ta rất phong phú, đa dạng, từ một tự động biến thành hai, hai biến cải thành bốn...

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Đã có "canh" sao còn bày chi "khắc"?

  • Chu Vương Miện

Ở nước chúng ta các cụ ngày xưa thường nói “đêm năm canh ngày sáu khắc”, coi “canh” và “khắc” là đơn vị để tính giờ của người Việt xưa. Vậy chúng tôi xin trình bày vấn đề này ra đây để bà con cô bác coi chơi, ai thấy cần bàn thêm xin cứ tiếp lời, tiếp chữ.

Theo tòa Khâm Thiên Giám Việt Nam ngày trước vừa soạn âm lịch, vừa soạn mùa, vừa soạn giờ, (có theo Trung Hoa chút đỉnh để các thầy bói, thầy cúng, nhất là thầy coi số tử vi chiếu theo đó mà hành sự chứ thì không biết đường nào mà mò). Ngày thì có 12 giờ theo 12 con giáp ứng với 24 giờ đồng hồ:

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Nói "láo" mà chơi

  • Chu Vương Miện

Nhân đọc bài “Gió đưa cành trúc la đà” của giáo sư Vũ Quốc Thúc đăng tải trên mạng, tôi đọc đi đọc lại trước sau bốn lần, vì thấy bài viết quá tài tình và đặc sắc, bỏ qua thì uổng quá bèn chép thêm một đoạn tiếp theo nối vào, gọi là văn chương có đi có lại, có trên có dưới, có gọi có thưa, và có trước có sau.
Nguyên văn bài ca dao cổ điển như sau:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù bãi cát màn sương
Nhịp chầy Yên Thái, bóng gương Tây hồ.
Bài này, giáo sư Vũ quốc Thúc đã diễn giảng rất rõ ràng, chúng tôi không nhắc lại, dài dòng và mất thì giờ cuả các bạn.

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Văn chương Nam tiến

  • Chu Vương Miện


chuvươngmiện
Văn chương nói chung và thi ca nói riêng, được gắn liền vào cuộc sống của chúng ta và dân tộc, chúng ta đi đâu, tới đâu thì văn chương theo chúng ta tới đó tức thì, nên câu ca dao có sẵn từ hồi tổ tiên của chúng ta vốn định cư ở vùng Lưỡng Quảng bên Tàu:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Sông Tiền Đường thức ngủ năm canh.
Khi dân tộc chuyển địa bàn về vùng đồng bằng Bắc Việt, được chuyển thành:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài thức đủ năm canh.
Vào thời nhà Mạc chiếm ngôi nhà Hậu Lê, có xây trên tỉnh Cao Bằng một cái thành lớn là nơi trú quân của nhà Mạc, nên dân gian hồi đó thuộc lòng câu:
Ai lên Phố Cát Đại Đồng
Hỏi thăm cô Tú lấy chồng hay chưa?
Lấy chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ nên chưa có chồng.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Nhớ Trường Sa


  • Mai Lĩnh
Hàng năm, khi những cơn áp thấp nhiệt đới liên tục hoành hành trên vùng biển Đông, nhìn mặt biển gầm gào sóng dữ, mưa gió triền miên khắp dải đất miền Trung... rồi đến những ngày mọi nhà rộn ràng chuẩn bị đón mùa xuân mới, những kỷ niệm Trường Sa lại trở về trong tôi, ngọt ngào nỗi nhớ.


Quần đảo Trường Sa với chừng 190 đảo và bãi đá ngầm trải rộng trên một vùng biển Đông, rất xa nhưng cũng rất gần. Hải trình từ vịnh Cam Ranh đến hòn đảo gần nhất - đảo Đá Lát - cũng phải vượt qua 245 hải lý. Từ Đá Lát đi tiếp 147 hải lý nữa mới đến đảo Tiên Nữ, hòn đảo xa nhất phía cực Đông. Hình như ở Trường Sa, mọi thứ đều đối cực, hoặc rất thiếu, hoặc rất thừa. Cư dân trên đảo hoàn toàn là đàn ông, một chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo ba năm, may mắn cũng chỉ được một lần nhìn ngắm phụ nữ từ đất liền ra đảo.

Đêm phố Hoài

  • Mai Lĩnh
Phố cổ Hội An về đêm đẹp lạ thường. Nét riêng nổi bật nhất là sự thân thiện, dễ chịu với cảm giác yên bình hiếm thấy ở những đô thị du lịch khác. Âm thanh, ánh sáng không thừa thãi, phí phạm; mọi thứ vừa đủ, vừa cho phố đêm lung linh và lòng người lắng dịu. Những nhà hàng, tiệm cà phê không ồn ào, kể cả những chỗ đông người tụ tập, chợ đêm… không khí vẫn nhẹ nhàng, cư xử thân mật nhưng vẫn tôn trọng sự riêng tư của du khách.

Nhiều người vẫn ước ao có dịp lưu lại Hội An vào một đêm rằm để chiêm ngắm hình ảnh phố cổ lung linh dưới anh nến và mà sắc đèn lồng. Thực ra, 365 đêm mỗi năm, bạn vẫn có thể thưởng ngoạn nét đẹp riêng của Hoài Phố và cảm nhận nó với chút tâm tư hoài cổ hoặc thả lỏng tâm hồn cho thời gian trôi chậm lại.

Khoảng sân trước ngôi nhà đầu đường bờ sông (gần chùa Cầu) biến thành sân khấu biểu diễn những vũ điệu dân gian ba miền, những tiết mục nghệ thuật dựa vào động tác biểu diễn và giai điệu âm nhạc để khán giả có thể thưởng thức dù không hiểu được tiếng Việt. Khán giả đứng, ngồi giữa lòng đường, bao quanh sân khấu. Người lớn, trẻ em… cả người địa phương và du khách thuộc nhiều quốc tịch say sưa theo dõi, không ai nói chuyện riêng, không có tiếng huýt sáo ngoài những tràng pháo tay sau mỗi tiết mục.

Nhiều du khách nước ngoài dạo phố đêm đã bị sân khấu này níu chân suốt gần hai tiếng đồng hồ của chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” này.









Dọc bờ sông Hoài, lề đường Bạch Đằng về đêm là những hàng ăn bình dân, bán những món ăn bình dân, quen thuộc của người xứ Quảng.






Bắp luộc, một đặc sản trứ danh ở Hội An, xưa chỉ có theo mùa nhưng nay sẵn có quanh năm. Sẽ rất đáng tiếc nếu khách du lịch đến Hội An chỉ biết tìm những món cao lầu, mì Quảng và các loại bánh nổi tiếng bán trong nhà hàng mà không thưởng thức các món bình dân, bán lề đường như ốc gạo, đậu hũ, chè bắp, chè xí mà, bắp luộc và những món đặc sản khác như hến xúc, bánh đập… Trong ảnh, một hàng bán bắp luộc trên xe đạp.

Khu phố bán hàng mỹ nghệ, tranh ảnh nghệ thuật, đè lồng được trưng bày khéo léo tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng thưởng ngoạn. Ngoài đường, những chiếc lồng đèn giăng ngang xua đi cảm giác u tịch của khu phố cổ nhưng không có những hộp đèn quảng cáo khoa trương như những đô thị thương mại khác.




Người nước ngoài không chỉ là khách du lịch đến Hội An, cũng có người đến rồi trở lại cư ngụ, kinh doanh những món hàng hiệu quốc tế ngay trong lòng phố cổ.




Mọi con đường nội ô phố cổ đều cấm các loại xe có động cơ, phương tiện di chuyển nhanh nhất cho du khách là xích lô. Khách du lịch nước ngoài rất mê loại phương tiện độc đáo này.

Một người Hội An nói vui, “Ban đêm ở đây, ra đường gặp người ngoại quốc nhiều hơn người Việt”. Trong ảnh là hai gia đình đến từ Đông Âu đang dạo phố đêm.


Ai bảo người châu Âu không ăn hàng vặt? Điều đó có thể đúng khi họ ở nhà, những xe bán trái cây, khoai, sắn… ở Hội An có sức hấp dẫn khiến ông Tây, bà Đầm cũng mê. Trong ảnh là một xe bán chuối chiên trên đường phố.



Đường trong phố cổ rất hẹp nên không thể trồng cây lớn cho bóng mát, người dân Hội An có cách riêng để phủ màu xanh khắp phố. Họ trồng các loại cây leo, phủ xanh mái nhà. Ánh sáng chiếu sáng vừa đủ cho nhu cầu, nhưng cái hay nhất là âm thanh cũng vừa đủ, không có cảnh “tranh nhau” giữa các chiếc loa hay con người phải hét vào tai nhau mới nghe được. Khách bộ hành đi khắp phố cổ, đến đâu cũng nghe văng vẳng những làn điệu dân ca hoặc những giai điệu êm dịu phát từ hệ thống loa công cộng đặt dọc đường. Không có tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ các nhà hàng, quán cà phê hay các cửa tiệm trong khu phố. Trong ảnh, một quan cà phê góc phố ở Hội An.



Hai mươi hai giờ, cuộc sống vẫn sinh động trong khu phố nhỏ này; không náo nhiệt như Sài Gòn, nhưng không “ngủ sớm” như cố đô Huế.




Bên bờ sông Hoài, một em bé vẫn đốt những ngọn nến nhỏ trong hoa đăng chờ bán cho khách mua thả xuống dòng nước với những ước nguyện riêng tư của họ.




Và ở một góc phố bên kia sông, cạnh chợ đêm Nguyễn Hoàng, bà cụ này vẫn lặng lẽ ngồi bán những con tò he làm bằng đất nung.

Trấn Hải thành - một di tích bị bỏ quên

  • Nguyễn Khắc Phước


Từ Huế đi về Thuận An, bãi biển du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, qua cầu Thuận An, rẽ về phía tay phải chừng 100 mét, sẽ thấy dấu tích của một thành cổ nhỏ trông tựa một lâu đài hoang trong truyện cổ tích. Đó là Trấn Hải thành - một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới (1993) và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998.

Ngôi thành cổ này nằm ngay trên bãi biển thuộc thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), cách trung tâm thành phố Huế chừng 13 cây số đường bộ. Trấn Hải thành xây dựng từ năm 1813, dưới thời vua Gia Long, có nhiệm vụ phòng thủ mặt biển và kiểm soát mọi tàu thuyền ra vào cửa biển để bảo vệ kinh đô.



Nhìn từ phía biển, bạn sẽ thấy một bức thành vòng cung dài chừng 100 mét, phần lớn bị rêu phong và cây tầm gửi che phủ, một đoạn nhỏ bên phải được xây lại bằng gạch cũ đã lâu, một đoạn bên trái đã đổ nát.





Thành được xây bằng gạch vồ và trát vữa vôi. Vòng thành có chu vi 302,04 mét, đường kính khoảng 100 mét, cao 4,40 mét, dày 12,60 mét.


Bậc thang từ phía đông lên Trấn Hải thành. Đi quanh, tìm mãi cũng không còn thấy dấu tích một ụ súng nào (các tài liệu cho biết có đến 99 ụ súng phòng thủ trên thành lũy này). Như vậy, Trấn Hải thành xưa nay chỉ còn lại bờ thành và tất cả đều hoang phế, không có dấu hiệu có sự quản lý, bảo tồn cần có cho một "Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia".


Trong thành hiện còn một ngôi nhà hoang phế từ lâu, rộng chừng 50 mét vuông, mái đúc bê tông, có một phòng rộng và một phòng nhỏ, cả tường lẫn mái đều thấm đẫm nước.






Nhìn một phần trong quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới đang bị chính những người vẫn tự hào với danh hiệu đó bỏ quên, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ người Daghestan, Rasul Gamzatovich Gamzatov, đại ý: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác".

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

“Ẩn số” Phan Phụng Thạch

  • Phạm Đình Quát
Thầy Phan Phụng Thạch
Niên khóa 1965 - 1966, lớp đệ Lục 3 học ở phòng đầu gần sân vận động, dãy nhà quay mặt ra đường Quang Trung (nối dài); thầy Phan Phụng Thạch dạy môn Toán làm giáo sư hướng dẫn. Năm học trước, giáo sư hướng dẫn là cô Hảo, dạy Văn - là một phụ nữ dịu dàng, gần gũi, không khí sinh hoạt, học hành trong lớp đầm ấm như một gia đình. Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, cái lớp toàn nam sinh này đã trổ mòi quậy phá trong giờ học. Lớp học nằm xa khuất tầm mắt phòng giám thị, một đám con trai bước vào tuổi dậy thì - cái tuổi không muốn làm “con nít” nhưng cũng chưa đủ chững chạc để làm “người lớn”; nhưng nguyên nhân chính, có lẽ do thầy giáo hướng dẫn quá hiền lành, ít nói và hay vắng mặt, bỏ giờ lên lớp.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Chi lạ rứa!

Nguyễn Thị Hoàng (*)
  • Nguyễn Thị Hoàng 
Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!

Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.
Tác phẩm đầu tay của NTH.


Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
Mà chi lạ rứa hè, ai hiểu nỗi!

Tui không điên cũng không hề bối rối,
Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường,
Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ?

Tui cũng muốn có một người tri kỷ,
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng!
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa?

Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô!
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.

___________________________________________________________________

(*) Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - bút danh Hoàng Đông Phương - sinh năm 1939, quê ở làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bà học trường Đồng Khánh (Huế) rồi vào Đại học Luật và Văn khoa Saigon nhưng bỏ ngang sau năm thứ 2. Sau đó, có thời gian bà dạy học, viết văn, làm thơ.
Nổi tiếng với tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết Vòng tay học trò (năm 1966). Một số tác phẩm khác: Về trong sương mù (1967) - Trên thiên đường ký ức (1968) - Một ngày rồi thôi (1969) - Nước mắt (1969) - Cho đến khi chiều xuống (1969)…

* Nguồn: https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/10/07/nha-van-nguyen-thi-hoang-nguoi-dan-ba-dep/

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Vườn cò Bằng Lăng

  •  Mai Lĩnh
Trước đây, khách du lịch đi trên tuyến đường từ Châu Đốc về Cần Thơ thường ghé tham quan vườn cá sấu ở Long Xuyên rồi mới ghé qua vườn cò Bằng Lăng. Nay thì chỉ còn vườn cò là địa chỉ thu hút khách du lịch vào mỗi buổi chiều trên tuyến đường này.

Vườn cò Bằng Lăng là một trong những sân chim lớn và hấp dẫn nhất trong số các sân chim khác ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sân chim này ở xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cách thành phố Cần Thơ 52km theo quốc lộ 91 đi Long Xuyên. Vườn rộng hơn 2 héc ta và có trên hàng chục ngàn con chim, cò, cồng cộc… sống chung trong vườn lẫn với hàng ngàn chim các loại. Chỉ riêng cò, ở đây có nhiều loại như cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng hơn 1 kg.



Du khách có thể đi bằng ghe xuồng chạy ra sông Hậu rồi cặp theo con rạch nhỏ dẫn vô vườn cò hay có thể đi xe mô tô, xe đạp men theo con đường bê tông dưới hàng tre rợp bóng mát uốn lượn theo dòng kênh rạch hiền hòa.



Thời gian ngắm cảnh vườn cò thích hợp nhất vào khoảng 5 giờ chiều. Đây là thời điểm cò tìm về tổ. Chúng hạ cánh ngược với hướng gió, chúng chao cánh, lượn qua lượn lại rồi sà xuống trên những cành cây đong đưa theo gió.



Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen chiếm khoảng 80% số chim ở vườn này. Một con nặng chừng nửa kg.


Thời gian cò về mỗi chiều kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, những con đi ăn xa về muộn thường bị chiếm chỗ, phải tìm chỗ đậu xa những cặp “vợ chồng” để tránh đòn ghen thường rất dữ dội.
Trong vườn cò có một tháp quan sát cao khoảng 10 mét, từ đó, du khách có thể ngắm nhìn, chụp ảnh những đàn cò bay về vườn sau một ngày kiếm ăn khắp nơi.

Thăm vườn cò, trò chuyện với ông Bảy Thuyền (Nguyễn Ngọc Thuyền) chủ nhân khu vườn này, du khách sẽ được nghe những câu chuyện kể thú vị về cò và các loài chim ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Bảy Thuyền có lối nói giản dị nhưng rất có duyên và nhiều thông tin, kiến thức thực tiễn về đời sống các loài chim.
________________________________
Đã đăng trên The Saigon Times Online.