- Chu Vương Miện
Tháp Phổ Minh. Ảnh: Mai Lĩnh |
- Giờ Tý canh ba rồi, dậy đi mẹ
con!
Bà xã cũng ngồi dậy ngay tức thời
vì cũng không ngủ được. Tôi pha ấm trà Vũ Di, mua ngoài thị trấn bữa trước, mỗi
người nhâm nhi một chung hột mít. Tôi gợi chuyện:
- Theo như bà, thì chữ “Sơn” Hán văn hiểu như thế nào là chuẩn, là
đúng?
- Thực ra, chả làm sao mà đúng hẳn,
chỉ có thể đúng tương đối mà thôi. Sơn thường hiểu là núi, nhưng khi Sơn dùng
làm điạ danh thì chưa chắc nghĩa là núi.
- Nói thử?
- Bây giờ nói về địa danh Việt
Nam cho dễ hiểu, chả hạn như ngoài Bắc có các tỉnh như Sơn La, Sơn Tây, Lạng Sơn...
Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung có quận Bình Sơn, quận Sơn Tịnh. Quận Sơn Tịnh có
làng Sơn Mỹ (không có núi non gì cả). Ngoài ra, còn nhiều chữ Sơn khác như chim
sơn ca, sơn dầu, sơn mài ...
Trước chùa Hàn San, là một bãi đất
hoang, cỏ mọc um tùm, là chỗ ông chủ tịch thị trấn Phong Kiều dự tính là nếu
các học giả, học thật cho rằng chốn này khi xưa là núi Sầu Miên thì góp tiền,
ông sẽ mời nhà thầu đắp cấp kỳ một ngọn núi Sầu Miên giả. Đi ước chừng một dặm,
thấm mệt, ba người chúng tôi ngồi xuống một tảng đá ven đường; tôi hỏi ông bạn
hướng dẫn viên:
- Bạn hiểu như thế nào về chữ Sơn?
- Ngộ tốt nghiệp cử nhân sử điạ,
học thêm hai năm về ngành hướng dẫn du lịch, theo ngộ thì chữ Sơn (san) thông
thường được hiểu là núi; nhưng Trung Quốc vốn là nước đa dân tộc, tuy thống nhất
về ngôn ngữ văn tự, nhưng vẫn còn duy trì tám tiếng nói khác nhau trên đất nước
này, tứ tiếng phổ thông (Quan Thoại), rồi tiếng Tiều (Triều Châu), tiếng Hẹ, tiếng
Quảng Đông… những thành ngữ thông thường như “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan
truy” có nghĩa một lời đã nói ra thì đến sức con ngựa Tứ (thuộc loại thiên lý
mã) chạy theo cũng không theo kịp được. Nhưng cũng có nhiều người hiểu là “Một
lời nói ra, bốn ngựa chạy theo niú cũng không được”. Chữ “tứ” vừa có nghiã là “loại
ngựa Tứ” và cũng có nghiã là “bốn”.
Ngay như Thập Vạn Đại Sơn là dẫy
núi - tên là Thập Vạn - dài khoảng 170 km, rộng từ 15 đến 30 km, ở tỉnh Quảng
Si (Quảng Tây) chạy theo hướng đông bắc - tây nam, bắt đầu từ Khâm Châu đến huyện
Ninh Minh, đến sát biên giới Việt Nam. Thập Vạn là tên riêng cuả dẫy núi, cũng
như trong bài chắn, tổ tôm có con bài “bát vạn” không có nghiã là 8 vạn và “Thập
Vạn” không có nghiã là 10 vạn. Trong bộ phim truyện Cô Gái Đồ Long “tức Ỷ Thiên
Đồ Long Ký” nơi ở cuả quận chuá Triệu Mẫn là Hồ Liễu sơn trang là chốn ở giữa
cánh đồng, trong vườn có hồ nước và nhiều cây liễu, tuyệt đối không có núi và
trong bộ phim truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ” thì ở Tây Hồ vùng Giang Nam có một nơi
gọi là “Cô Sơn Mai trang” là nơi Giang Nam tứ hữu giam giữ Nhậm Ngã Hành giáo
chủ Triêu Dương Thần Giáo, không có núi, chỉ có hồ nước mà thôi.
Sơn trang là một trang trại, rộng
rãi, có hàng rào bao bọc, biệt lập hẳn với khu dân cư thế thôi. Với nữa, chả hạn
như “Vạn Mã trang, Vạn Mã đường” là một trang trại có treo một vài bức tranh nổi
tiếng cuả họa gia về ngựa chứ nơi đây không có nuôi một con ngựa nào cả. Hoặc ngay
Ngưu Gia Thôn, Mã Gia Thôn, hay Ô Đề Thôn (nếu có) thì cũng chỉ là địa danh, chứ
không phải là nơi nuôi trâu, nuôi ngựa hay thôn quạ kêu.
- Vùng này không có núi non chi cả,
với nữa từ thời nhà Đường cho đến bây giờ cũng trên 12 thế kỷ, vật đổi sao dời,
“thương hải biến vi tang điền”, biết Sầu Miên Sơn ở đâu? Quãng đất trống này
ngang dọc vài trăm mẫu, biết đâu thời trước từng có một Sầu Miên Sơn Trang.
Chúng tôi lững thững quay lại để
vào chùa Hàn San, ông bạn hướng dẫn viên vừa đi vừa nói tiếp:
- “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy
khúc”, Hàn San Tự là chùa thuộc phái Thiền tông, không tụng kinh cầu an cầu
siêu, không lập đàn ma chay, chùa cũng không có ruộng đất hương hoả, không có “dịch
vụ” xin xăm bói quẻ hay nguồn lợi nào nên đời sống chư tăng rất khó khăn. Tuy
là Bắc Tông, nhưng chế độ bồi dưỡng ăn uống thì y như Nam Tông, mỗi ngày chỉ ăn
một bữa.
- Vậy ngày thường sinh hoạt ra
sao?
- Tình hình kinh tế nói chung, nơi
nào cũng khó khăn. Chuyện cúng dường họa hoằn mới có, nhà chùa chỉ sống nhờ vào
tiền dập bài thơ của Trương Kế do Khang Hữu Vi khắc trên tảng đá; sau nữa thì
nhờ việc giải thích bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc mà có chút tiền thù lao, sống qua
ngày để phụng sự tôn giáo.
***
Chung quanh hành lang chùa Hàn
San có vài cây ngọc lan vàng và trắng và vài chiếc bàn, mỗi du khách được một vị
cư sĩ tiếp đón, chỗ nào cũng đông thiện nam tín nữ. Nhưng thùng phước sương lại
đặt vào nơi rất ít người qua lại. Chợt gặp một vị chào hỏi ba người chúng tôi,
ông bạn hướng dẫn viên giới thiệu ngay:
- Tài có này và cái ngộ cũng là
dân Chợ Lớn (Sài Gòn). Đời sống pển khó khăn quá nên mơí dzọt qua đây sống nương
nhờ cửa Phật; cũng lây lất qua ngày.
- Thế giải thích thơ Trương Kế
thì thù lao ra sao? Tôi hỏi.
- Tuỳ hỉ, ai cho bao nhiêu thì cầm
bấy nhiêu, lợi nhuận thu được thì chia tứ lục (nhà chùa 4, mình 6).
Tôi móc túi đặt trên đĩa nhựa 50
đôla và chắp tay nói: Xin thầy cứ tự nhiên, muốn nói gì thì nói.
Vị cư sĩ bỏ tiền vào túi và rót nước
trà ra mấy cái chung hột mít mời chúng tôi, rồi thầy bắt đầu phán:
- Trước đời Nam Bắc triều thì
ngôi chùa nhỏ này có tên là Phổ Minh bảo tháp. Sau đó bị cháy; đến thời Tùy Đường
thì có tên là Diệu Lợi Tự, Phong Kiều Tự. Nói chung thì cũng bình thường, chả
có gì đặc biệt, như những ngôi chùa vô danh trên toàn quốc mà thôi. Nhưng đến
thời Trung Đường, cũng may mắn là dùng tên một vị cao tăng cách nay trên 200
năm tu trì ở đây ngày còn nhỏ với cao tăng Thập Đắc; nếu hồi đó mà ban trị sự đặt
là Thập Đắc Tự thì chắc tiếp tục đói dài dài.
- Tại sao?
Kênh rạch chằng chịt khắp Tô Châu nên có người đã ví đây là Venice của phương Đông.Ảnh: Mai Lĩnh |
Một hôm, thư sinh Trương Kế đi
thi bị trượt vỏ chuối về ngang qua đây, nằm dưới thuyền làm một bài thơ (Phong
Kiều Dạ Bạc) về sau được truyền tụng rộng khắp khiến tác giả nổi tiếng và cái
tên ngôi chùa Hàn San được nhiều người biết tới. Chẳng qua là sau thời nhà Đường,
tiếp theo miền Bắc là Thập quốc, miền Nam là thời Ngũ đại; sau đó nhà Tống thống
nhất sơn hà, Triệu Khuông Dẫn trị vì hà khắc, dân chúng bị bịt mồm bịt mõm,
không ai dám hở môi về chính trị, chỉ nói chuyện vô tội vạ, bàn suông tán nhảm.
Do đó, bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc trở thành đề tài “thời sự” truyền khẩu được ưa
chuộng. Nội dung bài thơ có gì đúng hay sai cũng không thành vấn đề, chẳng ai
thắc mắc làm gì, thành ra mới có chuyện “Ô Đề” là “tiếng quạ kêu” hay “ thôn Ô
Đề”, rồi giấc mơ “Sầu Miên” biến thành “núi Sầu Miên”! Chuyện ba vạ, chẳng chết
thằng Mông Cổ, Mãn Châu nào nên tha hồ mà nói, nói dài dài, nói lai rai.
- Xin cho hỏi? theo tiên sinh thì
chuyện Sầu Miên Sơn như thế nào?
- Chuyện là vầy, cuối thời Đông
Châu, 200 năm trước công nguyên, nhà Tần thống nhất toàn Trung Quốc; nhưng trước
đó khoảng 20 năm thì có cuộc chiến tranh đẫm máu giữa nước Ngô (Ngô Phù Sai ở
vùng Giang Tô) và nước Việt của Câu Tiễn ở vùng trên là tỉnh Triết Giang. Nghe
các cụ truyền lại, khu Giang Kiều này vốn là chốn Lâm Sơn, không có núi nhưng đất
hơi cao và có rừng trồng toàn cây sơn, dùng làm nhựa trét thuyền và thúng. Đời
Ngô Hạp Lư xây thành nhà Ngô và đến đời Ngô Phù Sai tu bổ thành trì và xây cất
thêm Cô Tô đài. Sau khi bị Câu Tiễn đánh bại, Cô Tô đài bị đốt cháy ra tro,
nghe nói là Phạm Lãi trốn sang nước Tề làm ăn khá giả, có lập tại chốn đất Cô
Tô cũ này một cơ ngơi là Sầu Miên Sơn trang để cho Tây Thi ở dưỡng lão (?) Tám
trăm năm sau, đến đời nhà Tuỳ, Tuỳ Dương đế cho đào kinh Đại Vận Hà dài trên
ngàn dậm chẩy qua địa phận tỉnh Giang Tô,
nối liền Hoàng Hà và Dương Tử Giang. Nhà Tùy còn đào thêm hai nhánh kinh nhỏ qua vùng này chảy dưới hai cây cầu
là Giang Kiều và Phong Kiều. Hai nhánh kinh đào này đã xoá đi gần hết di tích
thành Cô Tô, Lâm Sơn, Sầu Miên Sơn trang và ngôi chuà Diệu Lợi cũ. Thành ra
chuyện thi ca là một giấc mơ! Hàn San là tên người, bỗng dưng biến thành “chùa trên núi lạnh”.
- Thế còn chuyện Thôn Ô Đề?
- Ở đâu cũng thế thôi, dân gian
mà. Chả hạn phường khóm tên hành chánh là gì không cần biết, nhưng trong đó có
nuôi bò sữa thì thiên hạ gọi là “xóm chuồng bò”, mổ giết heo thì được gọi là “xóm
lò heo”... Cách đó mấy dậm là Đại Vận Hà, tiếp đến là hai con kinh đào, bên cạnh
là bãi đất trồng cả 500 cây phong (bây giờ thành cả một rừng phong) thì cái
chuyện chim, cò, vạc, quạ bay qua đậu lại hay làm tổ, hay kêu cũng là chuyện
bình thường. Trên giấy tờ hành chánh là thôn Giang Kiều (hoặc Giang Thôn), còn
trên thực tế thì kêu là “Xóm Diều Quạ”, ai không hài lòng thì cứ đi kiện thôi!