Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Sầu Miên Sơn

  • Chu Vương Miện
Kỳ trước:

Đêm phố cổ Tô Châu. Ảnh: Mai Lĩnh
Ở Việt Nam có một địa danh là thành Cổ Loa, trước năm 1954 thì thuộc quận Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, sau này thì Đông Anh thuộc về thành phố Hà Nội; phần còn lại của tỉnh Phúc Yên cùng với tỉnh Vĩnh Yên nhập vào tỉnh Phú Thọ, nay gọi tên mới là tỉnh Vĩnh Phú. Như vậy thành Cổ Loa xây dựng từ thời vua Thục An Dương Vương, bây giờ thuộc thành phố Hà Nội. Theo chỗ tôi được biết qua hai người bạn vong niên là thi sĩ Hà Trung Yên và học giả Đoàn Đức Nhân, cho biết thành Cổ Loa chỉ có ba vòng tròn bằng đất to nhỏ đồng tâm mà thôi. Thế nhưng các sử gia Việt Nam, có lẽ chỉ chép theo sách sử Tàu. Mà sử gia Tàu nghe tên thành Cổ Loa bèn ghi là âm Oa (con ốc). Thế là thành Cổ Loa được các nhà chép sử tưởng tượng ra là thành được xây chín vòng xoay theo hình trôn ốc! Không biết sử sách Việt Nam bây giờ đã được sửa sai, hiệu đính lại chưa?
Trung tâm thương mại sầm uất và hiện đại ở Tô Châu. Ảnh: Mai Lĩnh
Về bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của thi hào Trương Kế và Hàn San Tự làm cho tôi nhức đầu quá, bèn bàn với bà vợ làm một chuyến du lịch qua Trung Quốc 10 ngày, theo tour nhưng chỉ ở lại tỉnh Giang Tô, thành phố Tô Châu, thị trấn Phong Kiều thôi, để tìm hiểu cho rõ ràng bài thơ Phong kiều Dạ Bạc. Bà vợ tôi gốc người Trảng (Quảng Tây), còn tôi người Nùng Móng Cái, gốc Quảng Đông; tiếng Tàu thì nghe cũng tàm tạm hiểu và nói lỡ cỡ. Vùng Giang Tô vốn là đất Ngô Việt của Ngô Phù Sai ngày xưa thì cũng không khó khăn chi lắm trong vấn đề ngôn ngữ, nếu cần thì hai vợ chồng tôi mang theo một cuốn từ điển “Trung Quốc ngũ dụng” tha hồ mà xài, mọi điều còn lại sẽ nhờ học giả Trịnh Hảo Tâm và nhà văn Thái Quốc Mưu - đã từng đi du lịch Trung Quốc - chỉ vẽ thêm.
Tới Tô Châu, cả đoàn theo tour đi đâu cứ đi, vợ chồng tôi mướn một thông ngôn kiêm hướng dẫn viên  người bản xứ dẫn chúng tôi vào văn phòng thị trấn Phong Kiều. Nhân viên ở văn phòng thị trấn này rất lịch sự, bặt thiệp, tuy nhiên có trở ngại là họ không hiểu là vợ chồng tôi muốn gì nên mời chúng tôi qua văn phòng Hội Văn Học Nghệ Thuật Tô Châu. Theo tôi nghĩ, chỉ nơi đây mới giải quyết được điều tôi mong muốn, may sao trong lúc tôi còn nấn ná thì vị chủ tịch Thị trấn xuất hiện. Biết chuyện, ông ta vui vẻ tiếp tôi. Tôi thoáng ngạc nhiên khi ông chủ tịch Thị trấn bảo người thông ngôn của tôi qua phòng khác ngồi nghỉ, rồi phân ngôi chủ khách ngồi nhậm xà. Ông ta nói:
- Ngộ cũng là người Việt Nam đây. Hồi thế kỷ thứ XVI, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, vua nhà Minh cho quân qua giúp nhà Lê nên cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh cống cho nhà Minh năm Động cùng Châu Khâm, Châu Ung để cầu hoà. Có nghiã là cứ cách biên giới năm chục cây số trên đất Việt trở thành đất của Tàu. Gia đình cái ngộ là dân Việt chăm phần chăm, hồi đó bán thuốc bắc ở Đông Hưng (Quảng Châu, Quảng Tây, sau này dời về Tô Châu  lập nghiệp.
Tôi đỡ lời:
- Cám ơn ông. Chúng tôi qua đây chẳng qua vì muốn tìm hiểu thêm về bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của thi hào Trương Kế mà thôi, chớ cũng không phải du lịch du liếc gì cả.
Vốn là người có học thức nên ông chủ tịch Thị trấn nghe vậy thì hiểu ngay và trả lời ngắn gọn:
- Chuyện này nên giải quyết theo cảm tình cá nhân mà thôi. Vậy tối nay, nhị vị tới nhà tôi dùng bữa tối rồi mình nói chuyện chớ giải quyết theo cung cách công quyền thì phải lên lịch công tác, sau đó có khi dây dưa cả tháng cũng chưa giải quyết được gì, lôi thôi mất thì giờ lắm lắm.
Nói xong, ông cho gọi người thông ngôn, móc túi ra đưa một cái danh thiếp và bảo là đưa chúng tôi đi chơi đâu thì đi, tối về gặp nhau ở nhà ông ta.
***
Một con phố chính ở thị trấn Phong Kiều, gần chùa Hàn San. Ảnh: Mai Lĩnh
Nhà của chủ tịch Thị trấn Phong Kiều nằm trong một khu hẻm bình thường; vợ chết sớm, các con đi học xa nên ông ta sống một mình. Chủ, khách vừa ngồi vào chỗ thì có người bưng vào bốn “phà nhì” là loại tô vừa vừa “mỗi tô hai vắt mì, ăn xong còn đói thì gọi thêm”. Ông thông ngôn khá nhiệt tình giải thích cho bà xã tôi về địa dư, nhân văn của thành phố Tô Châu và tỉnh Giang Tô, còn tôi thì hỏi số phôn của Tiết độ sứ An Lộc Sơn thì được trả lời: Tài có này chết từ Trung Đường, thời vua Đường Huyền Tôn, cách nay cũng trên 12 thế kỷ rồi, không biết coi danh mục điện thoại có hay không?! Nói rồi ông ta bèn lấy trên tủ sách một cuốn danh bạ và ghi ra giấy số cellphon cho tôi. Tôi bèn bấm số và gặp ngay Tiết Độ Sứ.
- Chẩu xềnh xính xáng An Lộc Sơn đại gia?, tôi nhập đề ngay.
- Màn ổn thai thai? Cái ngộ là An Lộc Sơn đây, còn cái nị là xì thẩu nào đấy?
- Nị là tiểu gia, nguyên là người Nùng ở Đông Hưng, Quảng Si (Quảng Tây), xin hỏi là cái ngày mà tài có Tiết Độ Sứ mang quân đánh nhà đại Đường, chiếm kinh đô Tràng An rồi dẫn theo Dương Quí Phi ngao du thiên điạ, cuối cùng ẩn thân ở bên nước Phù Tang là chuyện có thật không?
- Thật chớ!
- Nghe thiên hạ bàn là Tiết Độ Sứ có cho quân lính khiêng mất cái núi Sầu Miên ở thành Cô Tô (Tô Châu) phải không?
- Đúng, cái núi đó có một mỏ vàng mười, ta có lệnh cho quân Hung Nô khiêng về bên đại mạc.
- Có chuyện đó sao?
- Có chớ. Thời Tam Quốc, Gia Cát Khổng Minh có tài hô phong hoán vũ, thời ta có một vị quốc sư người Thổ Phồn có tài di sơn đảo hải nên mang ngọn Sầu Miên Sơn về đây.
- Cho xin dời lại về chốn cũ được không?
- Không được, khai thác lấy hết vàng để đi chơi với Dương Thái Chân rồi thì quăng ngọn nuí chổng chơ ra ngoài bãi cát. Cái nị muốn thì kêu người qua đại mạc khiêng về.
Ngài Thị trấn trưởng Phong Kiều bảo tôi cúp máy rồi cười cười:
- Từ Nội Mông qua Ngoại Mông, rồi qua Hoa Bắc, Hoàng Hà, Hoa Hạ, rồi qua sông Dương Tử, đến Hoa Nam rồi đến vùng Giang Đông này, nếu đi bộ người không thì có khi hơn cả năm chưa xong; cái chuyện khiêng Sầu Miên Sơn (núi Sầu Miên) thì lấy sức người đâu mà khiêng cho nổi, đành chịu thôi. Hôm nay, cái nị và phu nhân về khách sạn ngủ tạm, mơi cái ngộ dẫn hai người qua thăm phòng Hội Văn Học Nghệ Thuật cuả thị trấn Phong Kiều, thử nghe xem các đồng chí bên ấy nghĩ thế nào về bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” và chuà Hàn San.
***
Sau một màn ân cần giới thiệu, vị chủ nhiệm và một vị nữa tiếp chúng tôi trong phòng khách bài trí đơn sơ. Bà xã tôi thì đi loanh quanh ngắm cây kiểng trong khi tôi ngồi nghe các vị nói chuyện. Ông chủ nhiệm Hội Văn Học Nghệ Thuật nói:
- Nhiều năm nay, các tỉnh giáp biên giới với nước Việt Nam như Vân Nam, Quảng Si, Quảng Đông, Phước Kiến, cùng đảo Hải Nam, từ tiểu học đến cao trung và đại học đều có chương trình giảng dậy bằng tiếng Việt, vậy hôm nay chúng ta dùng tiếng Việt để nói chuyện cho nó dễ thông cảm và theo ý tôi, điều quý ông đây muốn tìm hiểu thì hầu như đa số du khách ngoại quốc (nhất là Việt Nam) đến Cô Tô (Tô Châu) đều rất quan tâm. Bây giờ nhân danh Hội Văn Học Nghệ Thuật thị trấn Phong Kiều, tôi sẵn sàng chia sẻ với quý ông như sau. Theo như sách giáo khoa cấp cơ sở tiểu học có dậy bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của thi hào Trương Kế. Bài thơ này, từ ông già bà cả đến con nít lên ba đều rõ, tuy nhiên có nhiều người Trung Quốc, người Nhật Bản và người Việt Nam - họ đều là các vị bác học, bác vật, là bác sĩ, là nhà khảo cứu, đả cứu, học giả, học thật, hoạ sư, hoạ sĩ, nhà thơ, nhà dịch thuật … - chưa bao giờ đặt chân đến vùng Cô Tô và chùa Hàn San này mà cứ ở nhà ăn ốc nói mò.
Giang Thôn (bên trái) nhìn từ sân sau chùa Hàn San. Ảnh: Mai Lĩnh
Từ xưa tới bây giờ, con người muốn là trời muốn, giữa hai con lạch nối vào Đại Vận Hà có hai cây cầu, một cây là Phong Kiều, một cây là Giang Kiều. Bên kia Giang Kiều có một làng nhỏ gọi là Giang Thôn, từ xưa đến giờ tên gọi vẫn như vậy, không thay đổi. Tuy nhiên, muốn thay tên thôn này cũng không có gì là khó, nếu ai muốn đổi tên là thôn Ô Đề thì cùng nhau góp tiền, xây một cái cổng mới trên đề là Ô Đề thôn và văn phòng thôn cũng thay tên luôn. Còn cho Ô Đề là Sơn Thôn (xóm trên Nuí) thì góp tiền xây một... quả núi rồi dời dân chúng Giang Thôn lên. Chuyện dễ ợt!
Thứ hai là vùng này không có một ngọn núi nào cả, núi Sầu Miên chỉ là chuyện tưởng tượng và cả chuyện chùa Hàn San hiện giờ tọa lạc trên đất bằng phẳng giữa hai con lạch mà cứ vẽ vời, cho rằng trên một ngọn núi lạnh (hàn sơn), thì cũng chả chết thằng Tây nào cả. Các vị cứ góp tiền để đắp một trái núi có hai đỉnh, đỉnh phía đông ghi là “Sầu Miên sơn”, đỉnh về phiá Tây thì có hai cách, một là chúng ta khiêng cái chùa Hàn San từ đất bằng lên đỉnh núi, hoặc nếu có điều kiện thì chùa cũ để y như vậy mà xây thêm một ngôi chùa nữa trên đỉnh núi phiá Tây và đặt tên là Hàn San (Sơn), và chùa Hàn San cũ là Hàn San (Điạ). Với khoa học kỹ thuật hiện đại thì chuyện san bằng một hòn núi để lấy đá trải đường hay đắp thêm một hòn núi giả cũng không lấy gì làm khó. Để có “chùa trên Núi Lạnh”, chúng ta làm một hệ thống dẫn hơi lạnh từ Thiên Sơn bên Thanh Tạng cho thổi cả ngày đêm, quanh năm trên nóc chùa Hàn San (Sơn) là lạnh ngay tức thì, thiện nam tín nữ và khách du lịch mặc áo choàng dạ ngay chứ khó gì. Vấn đề đặt ra là kinh phí, nôm na là tiền. Vậy quý ông về Việt Nam phổ biến rộng rãi ngay ý tưởng này trên mạng internet, trên báo chí... để cho những thiên tài, những địa tài, những nhân tài vẫn nghĩ rằng Hàn San Tự là “Chùa Trên Núi Lạnh” và Sầu Miên Sơn là “Ngọn Núi Sầu Miên” thì gửi tiền cấp kỳ về cho uỷ ban xây dựng thị trấn Phong Kiều. Khi nào hội đủ các điều kiện, chúng tôi sẵn sàng thi công tức thì. Vậy là có núi Sầu Miên ngay tút xuỵt.