Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Khép lại chuyện... "Canh gà"

  • Chu Vương Miện

Sau vài năm theo đuổi mấy câu thơ “Cành trúc la đà”, tôi thấy quá mệt mỏi muốn bỏ cuộc cho rồi, nhưng cơ may ở đâu lù lù kéo tới và đáp án về những câu thơ này đã được lý giải một cách tường tận. Thật đúng y như câu ngạn ngữ xưa “Bên này và bên kia rặng núi Hy Mã Lạp Sơn chân lý khác nhau”.
Bài viết này mang tính cách như một tổng kết - chúng tôi không phải là tác giả mà chỉ có vai trò ghi chép, tổng hợp nội dung (tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều tác giả) các bài viết có liên quan gần xa đến mấy câu thơ sau:
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.
Gió đưa cành trúc trăng tà
Hồi chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Câu trên, phải hiểu như sau:
Chùa Thiên Mụ ở tả ngạn sông Hương, còn đồi Long Thọ (Long Cương) nằm bên hữu ngạn, cách nhau khoảng hai cây số. Có một thời gian vua Minh Mạng đổi tên là làng Thọ Xương, nhưng sau vài năm thì hủy bỏ, trả lại địa danh này cho tỉnh Hà Nội ngoài Bắc. Vùng Long Thọ có hầm đá vôi thiên nhiên và trên đỉnh ngọn đồi này triều đình nhà Nguyễn có cho xây dựng một cơ ngơi để làm nơi cho các hoàng tử và công chúa đến để học chữ Nho, Khi gà ở thôn Long Thọ (tức Thọ Xương) gáy thì ở chùa Thiên Mụ nghe được tiếng gà gáy; ngược lại, người dân Long Thọ nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ vang vọng qua sông.
Theo cách hiểu này thì không thể nào dịch Canh Gà sang tiếng Pháp là “bouillonde poulet de Thọ Xương” hoặc sang Anh ngữ là “chicken soup” được.
***
Còn câu dưới thì Thọ Xương ở Hà Nội, ngày xưa là huyện Thọ Xương rồi dần dần thu nhỏ thành thôn Thọ Xương, rốt lại bây giờ thì chỉ còn là ngõ Thọ Xương mà thôi. Cái tình cảnh phú quí dật lùi này không chỉ một mình Thọ Xương mà nhiều địa danh khác cũng theo thời gian mà biến mất, họa có còn thì cũng còn tí ti mà thôi; chẳng hạn phường Khán Xuân - nơi có một câu lạc bộ xướng họa thơ Cổ Nguyệt Đường của bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - đã chìm mất tăm mất tích xuống hồ Tây; hay như sông Tô Lịch ngày xửa ngày xưa, nay chỉ còn là một con lạch nhỏ (chiều ngang ước chừng 1m) chẩy qua một cái cống nho nhỏ. Quả đúng là “thương hải biến vi tang điền”.
Nguyên bản bài thơ Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của cụ Vân Đình Dương Khuê (1839-1902) như sau:
Niểu niểu dao phong trúc
Thương thương Trấn Vũ chung
Thọ Xương đa cố cựu
Đồng mãi đồn kê thang
Yên toả Tây Hồ thủy
Chử kinh Yên Thái hương
Hà Thành tứ mỹ cảnh
Tồi nại khánh tư lương
Bà Thọ, chủ quán Thọ Xương bán miến gà đến xin chữ của cụ Vân Đình về để treo ở quán Canh Gà (nên sau này bài thơ cụ Vân Đình bỏ bớt đi hai câu chót).
Dịch nghiã ra chữ Nôm
Gió lay trúc phất phơ
Chuông Trấn Vũ xa thẳm
quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ
đều đến mua canh gà hầm
khói sóng bủa vây mặt nước hồ Tây
nhịp chầy kinh động làng Yên Thái
cảnh đẹp này của Hà Thành
khiến khách nhớ nhung nhất.
Hiện nay chỉ còn một con ngõ nhỏ mang tên Thọ Xương (thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm và một chùa có thờ tri huyện Thọ Xương trên phố Lý Quốc Sư). Khoảng cách từ ngõ Thọ Xương đến chuà Trấn Võ khoảng cách cũng đến 4-5 cây số, theo học giả Hóc Môn thì muốn cho ngươì ở chùa Trấn Võ nghe được tiếng con gà gáy thì con gà đó phải to như... con bò và người nghe được tiếng gà gáy thì tai phải to như tai con voi. Tất nhiên, chuyện này không bao giờ xẩy ra.
Chuyện văn chương cũng chẳng khác gì nhà văn nữ Dương Thu Hương nói “nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật thì không thể là sự thật được”, bao nhiêu năm tranh cãi, nồng nhiệt cũng có, chê bai nhau cũng có, thậm chí liệt người khác vào hạng ngu dốt cũng có, chẳng qua cũng chỉ vì hiểu lầm, hiếu ngắn ngắn, hiểu một vùng giới hạn chứ không hiểu hai vùng rộng rãi... chẳng qua cũng là tai nạn chung, như đường xá giao thông trắc trở khó khăn, mọi trao đổi với nhau không được thực lòng, hoặc là do mang quá nhiều chủ quan, nhiều thành kiến cố chấp...
Trước khi chấm dứt bài tổng kết này, kính mong các vị thức giả cùng các vị học giả - không nhiều thì ít - có liên hệ tới hai câu thơ: Gió đưa cành trúc la đà / Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương, hãy hỉ xả, bỏ qua những suy nghĩ cục bộ và chuyện biết ít biết nhiều, chẳng qua cũng chỉ vì hiểu lầm mà ra cả. Chúng ta hãy xích lại gần nhau và văn học của đất nước chúng ta cũng còn rất nhiều vấn đề để chúng ta bàn cãi. Và vị học giả nào đã dịch “Canh Gà” là “Chicken soup” ở phần sau của bài viết này cũng hoàn toàn đúng “chăm phần chăm”, không có chi để mà bàn cãi nữa.
___________________________________________________

Đọc thêm: