Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Hàng Sang Tự

  • Chu Vưong Miện
Kỳ trước:


Hàn San tự. Ảnh: Mai Lĩnh
Buổi tối cuối cùng ở Tô Châu, ông chủ tịch Thị trấn Phong Kiều làm một “bữa tiệc” chia tay người bạn Việt Nam mới gặp rất là thân mật gia đình (giản đơn và giản kép). Vợ mất, sống cảnh đơn chiếc đã lâu nên ông đặt món ăn ở một gánh cháo lòng heo (bán qua đường y như xe mì gõ hay bán xực tắc vằn thắn mì vậy).
Người bán hàng bưng vào 4 tô phà nhì, thêm một đĩa giò cháo quẩy cắt khoanh nhỏ. Bên cạnh là bà xã tôi, phía đối diện là ông chủ tịch cùng người thông ngôn kiêm hướng dẫn viên. Mọi người ăn xong rồi nhấm nháp chén Hồng trà.
Tôi bèn lấy ra một tờ giấy, vuốt vuốt cho thẳng. Chủ nhà hiểu ý, bèn dẹp hết mấy cái bát, ly trà qua một bên. Trải tấm giấy ra mặt bàn, tôi chỉ vào đó rồi nói:
- Đây là bản phác thảo của cá nhân tôi về tương lai ngôi chùa Hàn San và núi Sầu Miên.
Ông chủ tịch Thị trấn nhòm vào nhưng có vẻ không hiểu là cái giống gì, còn ông thông ngôn vì lịch sự phải nhìn cho có chứ chắc ông ta cũng không quan tâm.
Ông chủ tịch gật gù cái đầu, nói “hữu nghị”:
- Xin quý ông cứ tự do phán, bản chức lắng cả hai lỗ nhĩ để nghe đây.
- Đại thể là mọi cái gì hiện có của thị trấn Phong Kiều vẫn cứ để y nguyên như vậy. Bao giờ có đầy đủ ngân lượng làm lại vài nơi vài chốn mới thì chúng ta hãy thay đổi theo mới; chỗ nào cần thay thì thay, không cần thì cứ để y như cũ. Trung tâm thị trấn này chỉ là một ngã tư, gồm có hai quan đại lộ giao nhau, hiện tại trụ sở Thị trấn tọa lạc ở một góc đối xứng với chùa Hàn San ở giữa hai con kinh đào nhỏ nối vào Kinh Vận Hà. Trước mặt trụ sở Thị trấn là rừng cây phong ngày trước và cầu Phong Kiều nối vào chùa Hàn San.
Theo bản phác thảo đồ án của tại hạ, mai mốt chùa dưới đất này sẽ đổi tên thành chùa Hàng Sang. Hàng hay Hành, hay Hãng cũng cùng một chữ; Sang là sang trọng quý phái, có nghĩa là chùa Xịn, chùa Số Một. Hai con đường này khi đó sẽ đổi thành “Đại sư Thập Đắc đại lộ”, còn con đường kia chạy qua cầu Phong Kiều và qua chùa Hàng Sang thì đổi tên là “Đại thi hào Trương Kế đại lộ”.
Vị chủ tịch Thị trấn gật đầu vui vẻ nói “Hảo lớ”!
Tô Châu. Ảnh: Mai Lĩnh
Tôi hào hứng nói tiếp:
- Phía đất trống bên cạnh trụ sở thị trấn và đối diện chùa Hàng Sang là một bãi đất để không từ xưa tới bây giờ, ta sẽ đắp một toà giả sơn gọi tên là Sầu Miên Sơn (núi Sầu Miên). Những con tiểu lộ mới phát sinh này thì tạm đặt tên là: Thi sĩ Mai Nguyệt hay Nhà văn Đái Đức Tuấn (Tchya) - Họa gia Bửu Chỉ - Dịch giả gia Lê Nguyễn Lưu v.v...
Ông chủ tịch trố cả hai mắt, ngạc nhiên chen vào:
- Mấy đại tiên sinh thời danh thời thượng này ngộ chưa bao giờ được hân hạnh nghe qua danh tánh?
- Đúng là như vậy! Bây giờ thì chưa nghe, nhưng mai mốt thì nổi như Cồn Hến (ở thành phố Huế, Việt Nam).
- Xin cái nị minh hoạ thêm cho rõ, chứ cái ngộ hoàn toàn không có khả năng hiểu một ly ông cụ nào cả!
- Chuyện là vầy, cụ thi sĩ Mai Nguyệt  tục danh là Đái Đức Tuấn (bút danh viết văn viết báo là Tchya, đọc là Tẩy Xia, diễn nghĩa nôm na là Tôi Chẳng Yêu Ai). Khoảng năm 1943, tiên sinh có qua Tàu vì tiên sinh  làm chính trị. Ngài có đi qua vùng An Huy, Chiết Giang và Giang Tô (nói chung là khắp vùng Giang Đông) và ngài có dịch bài thơ của thi hào Trương Kế; dịch theo “thủ pháp” Ba Phải, tức là dịch “nước đôi”. Một bài là hiểu theo lối cũ (tức là “trăng lặn quạ kêu”; bài thứ hai là “trăng lặn về phiá thôn Ô Đề và núi Sầu Miên”. Còn Bửu Chỉ là một họa gia lẫy lừng, chủ trương viết và vẽ Hàn San là “Chùa Trên Núi Lạnh”. Còn Dịch giả gia Lê Nguyễn Lưu là người trứ tác hai cuốn Đường Thi dầy trên 2000 trang, cũng dịch và chú thích Hàn San Tự là “Chùa Trên Núi Lạnh”.
Tháp Phổ Minh. Ảnh: Mai Lĩnh
- Vậy đại gia mang tên bốn vị danh nhân này đặt cho bốn tiểu lộ vùng này mang ý nghĩa gì?
- Tiên sinh Mai Nguyệt (1908-1968) và họa gia Bửu Chỉ (1948-2002) thì đã phiêu diêu miền cực lạc, còn lại Lê Nguyễn Lưu vẫn còn sống phây phây ở Sài Gòn. Nếu vị dịch giả gia này muốn có Chùa Trên Núi Lạnh thì nhờ đại gia này ủng hộ ngân lượng để xây chùa trên núi Sầu Miên chứ chùa cũ thì đâu có lạnh.
Như hiểu đuợc ý tôi, vị chủ tịch nói:
- Ý dân là ý trời, xin đại gia cứ tự do triển mâm triển khay, vì thời đại bây giờ đen đổi thành trắng hoặc trắng đổi thành đen không có gì khó, muốn là làm được chỉ cần có quyền có tiền là dễ ợt. Phần ngộ thì sẽ mời vị chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phong Kiều và chủ tịch Hội Họa Thi Văn Gia tỉnh Giang Tô tham gia rộng rãi cho đa diện và đa chiều. Và sẽ cho phổ biến thông cáo cùng thông chồn trên toàn quốc, xem các đại gia hiếu kỳ có ai muốn Hàn San là tên riêng của đại sư Hàn San hoặc ngược lại là “Chùa trên núi Lạnh” hay chỉ là họ Hàn như Đại tướng quân Hàn Tín (người nước Tề),  hay dịch giả Hàn Giang Nhạn (dịch truyện kiếm hiệp của Kim Dung in ấn trên báo chợ Việt nam), nếu tiên sinh nào có nhã hứng thì gửi ngân lượng về cho bản Trấn để chúng tôi lập tức cho vẽ họa đồ và đắp ngay một toà giả sơn mang tên là Sầu Miên Sơn. Trên đỉnh ngọn núi giả này sẽ cho xây cất một kiểng chùa lấy tên là Hàn San Tự.
Nghe đến đây thì vị thông ngôn ngồi như muốn ngủ cũng chen vào góp ý:
- Sáng kiến này rất là tung tráng, hoành tráng và bánh tráng, tại hạ nghĩ rằng thi đại gia Tô văn Chén và đại hoạ gia Liêu Văn Nồi người Trung Thổ sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi này vì hai vị tài có này từ xưa đến bây giờ vẫn chủ trương Hàn San Tự là “Chùa trên Núi Lạnh”.
chuvươngmiện