- Chu Vương Miện
Mỗi một dân tộc có những sản phẩm văn hoá văn nghệ đặc trưng, dân tộc nào ở miền thảo nguyên, sa mạc thì có những nhạc cụ, nhạc khí và những bản dân ca, dã ca mang âm hưởng thảo nguyên; những dân tộc nào thuộc vùng sông nước thì có những điệu hò điệu lý mượt mà miền sông nước.
Đất nước chúng ta gắn liền với sông ngòi, cứ vài chục cây số là có một con sông hay một nhánh sông chẩy qua đồng ruộng ngút ngàn, trên sông trên ngòi thì có nước lớn nước ròng, có thuyền to thuyền nhỏ. Thuyền to chở hàng hoá, thuyền nhỏ chở người qua sông hoặc hành nghề đánh cá. Những điệu ca dao, hát ví, hát dậm cứ theo bước chân người Đại Việt mà đi; người đi thì điệu hát câu hò cùng đàn sáo cũng đi theo, thành ra có những câu ca dao tục ngữ xuất thân từ vùng đồng bằng Vĩnh Phú, Đại La, Cổ Loa, Sơn Tây, Kinh Bắc... cũng theo di dân vào miền Trung, rồi miền Nam. Ca dao của đất nước chúng ta rất phong phú, đa dạng, từ một tự động biến thành hai, hai biến cải thành bốn...
Chẳng hạn:
Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái nón trên cành hoa sen.
rồi
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ.
Qua khúc ca dao khác
Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?
rồi
Ai lên phố Cát Đại Đồng
Hỏi thăm cố Tú có chồng hay chưa?
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.
hoặc
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than đôi lời.
Hỡi cô tát nước bên đàng
Cớ sao múc ánh trăng vàng đổ đi.
hoặc
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài thức đủ năm canh.
hoặc
Gió đưa bụi chuối sau nhà ...
Gió đưa bụi chuối sau hè ...
Gió đưa cây cải về trời ...
Gió đưa cành trúc trăng tà ...
***
Đây là những câu ca dao theo tiền nhân từ đất Bắc theo bước đường Nam tiến lập nghiệp dựng nước. Đầu thế kỷ thứ XVI, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được vua Lê, chúa Trịnh cho đem quân binh vào miền Trung trấn giữ cho ... khuất mắt. Mới đầu lập nghiệp, lập Dinh Cát ở Ái Tử (Quảng Trị), sau đó dời vào đất Thuận Hoá (Huế) dựng cơ đồ dài lâu; dần dần kinh tế phát triển, dân tình ổn định, những điệu hò câu hát theo người di chuyển và thay đổi theo thời gian với những tập quán sinh hoạt, nếp nghĩ cũng chuyển mình.
Câu cũ mang theo: “Gió đưa cành trúc là là”. Chuyển thành:
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Chùa Thiên Mụ cũng do nhà Nguyễn đặt tên, điạ danh Thọ Cương vốn là nơi sản xuất đá vôi vùng Long Thọ, sau vua Minh Mạng cho đổi lại là thôn Thọ Xương cho giống cố đô Thăng Long.
Vào đầu thế kỷ XVIII, các quan lại từ Nam ra Bắc đều tề tựu về Huế để lo việc triều đình nhà vua. Có hai vị đại quan người gốc miền Bắc vốn là hai anh em ruột (Vân Đình Dương Khuê là anh và Dương Lâm là em). Người anh là bạn cố cựu, rất thân thiết với cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, khi được bổ nhậm ra ngoài Bắc làm tổng đốc, ngài đã mang theo hai câu ca dao, có sửa chữa chút đỉnh và thêm vào hai câu nữa:
Gió đưa ngọn trúc trăng tà
Hồi chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chầy An Thái mặt gương Tây hồ.
Qua phiên bản của Trần Trung Viên từ tiếng Nôm qua quốc ngữ thành: Gió đưa cành trúc la đà.
Xin nói lại cho rõ, đây là bài thơ tả cảnh tứ bình của thành Hà Nội, đủ bốn phía: nào chùa Trấn Võ (tức chốn thờ phượng của Đạo giáo thần Chân Võ, đối diện với làng Thọ Xương, mà cứ cuối canh năm vào khoảng 5-6 giờ sáng mặt trời vừa nhú lên từ phương đông là gà gáy liền, và thôn làm giấy Yên Thái (gần đê Yên Phụ) ngày đêm luôn luôn có tiếng chầy giã giấy vụn trong cối đá và đối diện làng Yên Thái là hồ Tây rộng thênh thang ngút ngàn.
Đến năm 1932 chủ nhiệm Nam Phong tạp chí là nhà văn hoá Phạm Quỳnh đi tham quan ở Huế và viết một phóng sự mang tên “Mười ngày ở Huế”, ông có ghi lại bài thơ bốn câu trên đây:
Gío đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
......
Bài phóng sự này bị thi sĩ giáo sư Phan văn Dật (người gốc làng Đạo Đầu, Triệu Phong, Quảng Trị, lúc đó đang dậy học ở Huế) phản đối kịch liệt. Giáo sư Dật cho rằng không thể nào đầu thì ở Huế (chùa Thiên Mụ) mà đuôi lại ở Hà Nội (làng Thọ Xương) và hai nơi đối xứng với hai điạ danh này là làng làm giấy Yên Thái và hồ Tây. Lúc đó, Phạm Quỳnh cũng không hề ‘thanh minh thanh nga’ gì; trước hoặc sau thì Phạm quân cũng nghĩ rằng Phan thi sĩ biết mình là sai, không theo dõi tình hình biến chuyển của ca dao tục ngữ nước nhà.
_________________________________________________
Đọc thêm: