- Mai Lĩnh
Hàng năm, khi những cơn áp thấp nhiệt đới liên tục
hoành hành trên vùng biển Đông, nhìn mặt biển gầm gào sóng dữ, mưa gió triền
miên khắp dải đất miền Trung... rồi đến những ngày mọi nhà rộn ràng chuẩn bị đón
mùa xuân mới, những kỷ niệm Trường Sa lại trở về trong tôi, ngọt ngào nỗi nhớ.
Quần đảo Trường Sa với chừng 190
đảo và bãi đá ngầm trải rộng trên một vùng biển Đông, rất xa nhưng cũng rất gần.
Hải trình từ vịnh Cam Ranh đến hòn đảo gần nhất - đảo Đá Lát - cũng phải vượt
qua 245 hải lý. Từ Đá Lát đi tiếp 147 hải lý nữa mới đến đảo Tiên Nữ, hòn đảo
xa nhất phía cực Đông. Hình như ở Trường Sa, mọi thứ đều đối cực, hoặc rất
thiếu, hoặc rất thừa. Cư dân trên đảo hoàn toàn là đàn ông, một chiến sĩ làm
nhiệm vụ ở đảo ba năm, may mắn cũng chỉ được một lần nhìn ngắm phụ nữ từ đất
liền ra đảo.
Hôm chúng tôi đến đảo Phan Vinh,
nghe anh y sĩ ở đó khoe vừa mới làm vệ sinh kho gạo, các chiến sĩ đã đập chết
và đốt 75 ký xác gián. Nhưng theo anh, vẫn chưa hết được, chỉ vài tháng sau,
chúng lại bám đen kịt trong kho. Chuyện con gà trống trên đảo này thì chỉ
có...một. Sau mùa mưa bão, dịch bệnh, cả đàn gà trên đảo chỉ còn một chú gà
trống sống sót. Có lẽ buồn tình, vào mỗi buổi sáng nó không còn vỗ cánh, tiếng
gáy nghe đặc khản và yếu dần. Chẳng còn chú gà trống nào để nó lên gân gáy thi;
cũng chẳng có ả gà mái nào để chú đập cánh, cất tiếng gáy để chứng tỏ sức mạnh
giống đực. Tiếng gáy thưa dần rồi bặt hẳn. Hàng ngày, nó lầm lũi đi ăn rồi lủi
thủi về chuồng. Đến độ vài chiến sĩ trên đảo quên bẵng sự có mặt của con gà duy
nhất sót lại.
Cùng đi trong đoàn chúng tôi có
hai cô ca sĩ. Buổi tối sinh hoạt văn nghệ thật ấm cúng, khách và chủ cùng hát
hò râm ran. Tất nhiên, hai cô ca sĩ là trung tâm chú ý của mọi người; có mấy
chàng lính đảo nghe hai cô ca sĩ hát chăm chú đến nỗi mồm há hốc ra, mắt đau
đáu... Trông rất thương!
Khoảng hơn 4 giờ sáng, chưa thấy
mặt trời nhưng hừng đông đã rực rỡ. Bỗng hòn đảo nhỏ xôn xao hẳn lên khi con
con gà trống mà bấy lâu người ta đã quên, đứng trên ụ pháo, vỗ cánh phành
phạch, ngóc cao đầu gáy liên tục. Một pháo thủ trẻ nhận xét rất dí dỏm: “Vì có
hai người đẹp xuất hiện trên đảo, “sinh thái” được cân bằng nên con gà mới có
hứng thú mà gáy. Lâu nay toàn đực rựa với nhau, chán phèo, nó có thèm gáy đâu”.
Cũng trên hòn đảo nhỏ này,
một trận mưa giông đã ập đến bất ngờ. Cả
đảo ùa ra tắm, vui sướng tột độ. Chính nhờ chứng kiến cơn mưa này mà nhạc sĩ
Xuân An đã cảm xúc viết bài hát “Mưa Trường
Sa”, một ca khúc rất được lính Trường Sa ưa thích.
Những
lúc tàu ghé đảo, Xuân An hát không nghỉ, không thể nghỉ được. Hôm vào đảo
Trường Sa lớn, tôi và Xuân An tách ra không theo đoàn vào bộ chỉ huy. Chúng tôi
đến thẳng chỗ ở của lính và dùng cơm với họ. Xuân An hát suốt 90 phút, mỏi quá,
anh buông đàn nằm nghỉ. Các chiến sĩ trẻ nhao nhao: “Bố hát tiếp đi bố ơi. Bố cứ vừa nằm vừa hát. Chúng con quạt cho bố mát”.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy cảnh nằm hát. Một lúc sau, một tốp lính ở đơn vị
khác kéo đến, miệng mời tay kéo, lôi Xuân An đến chỗ ở của họ... hát tiếp. Nếu
không có những tình cảm sâu sắc và mãnh liệt, chắc Xuân An không thể hát khỏe
như trong chuyến đi Trường Sa ấy.
Tình cảm của người lính Trường Sa
rất đặc biệt. Tại đảo Đá Đông, anh em nhận được thư liền tìm mỗi người một góc
riêng để đọc. Họ đọc ngấu nghiến rồi đọc lại, chậm hơn. Chưa đã thèm, họ đổi
thư cho nhau, đọc tiếp. Tình cảm đã trở thành “của chung” của những chàng trai
ở hòn đảo chìm này.
Kỷ niệm với thủy thủ đoàn trên tàu HQ961 |
Giờ đây, tất cả các đảo lớn nhỏ
đều có ăng-ten parapol thu sóng truyền hình. Các chiến sĩ có điều kiện theo dõi
thời sự, tin tức quê nhà nhanh và nhiều hơn trước, “khoảng cách tâm lý”đối với
quê nhà ngày càng được rút ngắn.
Đối với tôi, Trường Sa không chỉ
là những kỷ niệm.
Công binh chuyển đá xây dựng trên đảo. |
Trên nóc nhà vòm |
Bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn |
Chuyến đi biển dài ngày, vất vả nhưng hào hứng nhất của Mai Lĩnh |
_______________________________________________________________________
Kỷ niệm chuyến đi Trường Sa, cuối tháng 4 năm 1988. Bài đã đăng trên số xuân báo Doanh Nghiệp 1997.
Kỷ niệm chuyến đi Trường Sa, cuối tháng 4 năm 1988. Bài đã đăng trên số xuân báo Doanh Nghiệp 1997.