Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Trấn Hải thành - một di tích bị bỏ quên

  • Nguyễn Khắc Phước


Từ Huế đi về Thuận An, bãi biển du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, qua cầu Thuận An, rẽ về phía tay phải chừng 100 mét, sẽ thấy dấu tích của một thành cổ nhỏ trông tựa một lâu đài hoang trong truyện cổ tích. Đó là Trấn Hải thành - một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới (1993) và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998.

Ngôi thành cổ này nằm ngay trên bãi biển thuộc thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), cách trung tâm thành phố Huế chừng 13 cây số đường bộ. Trấn Hải thành xây dựng từ năm 1813, dưới thời vua Gia Long, có nhiệm vụ phòng thủ mặt biển và kiểm soát mọi tàu thuyền ra vào cửa biển để bảo vệ kinh đô.



Nhìn từ phía biển, bạn sẽ thấy một bức thành vòng cung dài chừng 100 mét, phần lớn bị rêu phong và cây tầm gửi che phủ, một đoạn nhỏ bên phải được xây lại bằng gạch cũ đã lâu, một đoạn bên trái đã đổ nát.





Thành được xây bằng gạch vồ và trát vữa vôi. Vòng thành có chu vi 302,04 mét, đường kính khoảng 100 mét, cao 4,40 mét, dày 12,60 mét.


Bậc thang từ phía đông lên Trấn Hải thành. Đi quanh, tìm mãi cũng không còn thấy dấu tích một ụ súng nào (các tài liệu cho biết có đến 99 ụ súng phòng thủ trên thành lũy này). Như vậy, Trấn Hải thành xưa nay chỉ còn lại bờ thành và tất cả đều hoang phế, không có dấu hiệu có sự quản lý, bảo tồn cần có cho một "Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia".


Trong thành hiện còn một ngôi nhà hoang phế từ lâu, rộng chừng 50 mét vuông, mái đúc bê tông, có một phòng rộng và một phòng nhỏ, cả tường lẫn mái đều thấm đẫm nước.






Nhìn một phần trong quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới đang bị chính những người vẫn tự hào với danh hiệu đó bỏ quên, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ người Daghestan, Rasul Gamzatovich Gamzatov, đại ý: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác".