Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Văn chương Nam tiến

  • Chu Vương Miện


chuvươngmiện
Văn chương nói chung và thi ca nói riêng, được gắn liền vào cuộc sống của chúng ta và dân tộc, chúng ta đi đâu, tới đâu thì văn chương theo chúng ta tới đó tức thì, nên câu ca dao có sẵn từ hồi tổ tiên của chúng ta vốn định cư ở vùng Lưỡng Quảng bên Tàu:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Sông Tiền Đường thức ngủ năm canh.
Khi dân tộc chuyển địa bàn về vùng đồng bằng Bắc Việt, được chuyển thành:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài thức đủ năm canh.
Vào thời nhà Mạc chiếm ngôi nhà Hậu Lê, có xây trên tỉnh Cao Bằng một cái thành lớn là nơi trú quân của nhà Mạc, nên dân gian hồi đó thuộc lòng câu:
Ai lên Phố Cát Đại Đồng
Hỏi thăm cô Tú lấy chồng hay chưa?
Lấy chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ nên chưa có chồng.
Rồi theo thời gian, chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX phát triển, nhạc sĩ dân gian dựa vào câu ca dao trên mà sáng tạo ra một bài hát (nổi tiếng thời bấy giờ):
Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?
Đánh vần năm ngoái năm xưa
Năm nay quên hết nên chưa biết gì
Bên trời tiếng sáo vi vu
Vẳng nghe cô học chữ i chữ tờ
Sách i tờ hiếu không cho học
Liệu cô mình đã đọc được chưa?
Ngay thời mà cố đô Hà Nội còn mang tên là thành Đại La, là thành Long Biên hay là Thăng Long thành thì có phổ biến một câu ca dao bốn giòng như sau:
Gío đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù bãi cát màn sương
nhịp chầy Yên Thái, bóng gương Tây hồ.
Đây là bốn câu ca dao tả cảnh, sông nước vùng hồ Tây. Cố đô Thăng Long xưa vốn là bãi đất bồi của sông Hồng, tạo thành hồ đầm lớn nhỏ rất nhiều, nào hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Bẩy Mẫu và hồ Tây có chùa Trấn Võ được xây dựng gần đó, làng Yên Thái cạnh đó dân chúng sống bằng nghề làm giấy, nên thường có tiếng chầy giã bột giấy và làng Thọ Xương nuôi gà nên thỉnh thoảng có tiếng gà gáy vào ban trưa (thi nhân muốn thi vị hoá nên gọi tiếng gà gáy này là “canh gà”).

Năm 1558, con thứ Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm hại như anh cả Nguyễn Uông nên xin vua Lê Anh Tông cho vào trấn thủ Thuận Hóa, tạm đóng quân ở Ái Tử (vùng cát trắng ở tả ngạn sông Thạch Hãn, kéo dài từ làng Nhan Biều ra gần đến Đông Hà). Đại bản doanh của Nguyễn Hoàng lúc đó đặt gần ngôi chùa Sắc Tứ (nay là làng Trung Kiên); trong thời gian này truyền tụng một câu ca dao nhai nhái theo câu trên:
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Sắc Tứ, canh gà Trí Bưu (?)
Làng Trí Bưu thuộc quận Hải Lăng xưa (nay thuộc thị xã Quảng Trị) ở về góc đông bắc thành cổ Quảng Trị. Sau đó, Nguyễn Hoàng đi tiếp vào đất Hoá Châu (tức Thuận Hoá).

Về sau, khi Đào Duy Từ xây dựng xong những thành luỹ ngăn quân binh Chúa Trịnh ở phương Bắc, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên giao nhiệm vụ cho Đào tiên sinh nghiên cứu bài ca dao bốn câu trên (ngoài Bắc) cải biên làm sao cho nó khác đi hay hơn và dễ hiểu hơn một chút xíu. Thế là xứ đàng Trong của chúa Nguyễn có câu ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Chùa Thiên Mụ (hay chùa Linh Mụ) là nơi một bà Tiên trên Trời báo mộng cho Nguyễn Hoàng biết đất đai này là của bà ban cho chúa Nguyễn lập nghiệp lâu dài và Thọ Cương là một làng bên cạnh làng Long Thọ bên hữu ngạn sông Hương, đối diện chùa Thiên Mụ. Vì cố đặt ra cho khác câu cũ, nhưng hai câu ca dao này lại không phổ biến bằng câu trước, nhưng về tính khoa học thực nghiệm, thì câu sau dễ hiểu hơn câu trước. Quốc sư Đào Duy Từ đậu tới cử nhân văn chương Việt chuyên Hán, nhưng nguồn gốc gia phả, gia đình của tiên sinh vốn xuất thân toàn là đào kép tài tử cinéma, mà hồi đó chính quyền của vua Lê chúa Trịnh chưa có hãng phim nên đành để cho ngài vào Nam theo chuá Nguyễn đóng phim. Đào tiên sinh rất ghét vua Lê và chuá Trịnh, nên ông soạn thảo phong tục tập quán văn nghệ văn gừng gì gì cũng khác ngoài Bắc hết ráo, bắt phụ nữ mặc quần, không cho mặc váy, cái mùng thì kêu cái màn, cái bát kêu cái chén, cái thìa kêu là cái muỗng, cái siêu kêu cái ấm… ngoài địa danh canh gà Thọ Cương. Tiên sinh sợ những nhà văn nhà thơ toàn quốc chưa qua trình độ ‘Cao Trung’ viết về địa danh Thọ Cương này sai nên chỉ thị cho Tổng đốc Thuận Hoá rất là chi li, rõ ràng:
- Canh Gà, trên thực tế không bao giờ có, chẳng qua là mấy con gà tào lao thiên điạ, mê gái, đá bậy bạ gáy vô trật tự mà thôi, chẳng qua là “đêm năm canh, ngày sáu khắc”, cái lệ này có từ ngày xửa ngày xưa, không thể bỏ qua được dù rất là lẩm cẩm và sai sót. Một ngày có 24 giờ, thì ban đêm có mườì giờ, được goị là canh. Bắt đầu canh một vào lúc 7 giờ tối, mỗi canh hai giờ đồng hồ, kết thúc canh năm vào 5 giờ sáng.
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm.
Còn ban ngày từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối, vị chi là 14 tiếng đồng hồ, chia ra làm sáu khắc, vậy mỗi khắc 2 giờ 20 phút? Còn nữa, không biết phân chia ra khắc ban ngày để “tế ông, tế bà” hay sao chứ? Ban đêm thì cứ hai tiếng, dân đinh canh gác điếm canh điểm trống thay phiên gác, cùng lúc để cho dân chúng biết giờ giấc để dậy đi làm công việc đồng áng; chớ ngày sáu khắc để làm cái thứ gì ? Nhưng vốn tính khoa học, quốc sư Đào Duy Từ cho sửa luôn, ngày 6 canh luôn; ban đêm thì dùng trống điểm, ban ngày thì gà gáy không rõ ràng, nên ngài cho dân đinh ở trực ngay điếm canh suốt ngày đêm, hễ đúng canh mà gà không gáy thì... người gáy, cho nó có vẻ lãng mạn (romantic). Rồi để giúp cho các giáo sư Anh ngữ, Pháp ngữ chuyển dịch câu ca dao này ra tiếng nước ngoài dễ dàng, Đào tiên sinh chỉ thị, ngay ở làng Thọ Cương mở vài quán phở gà, cháo gà, canh miến gà và giải thích thật rõ ràng như hai với hai là bốn vậy.
(Canh đây muốn hiểu là giờ con gà gáy, hoặc con gà... người gáy, hoặc tô canh gân gà, canh miến gà đều được cả, chứng tỏ miền Nam tự do hơn miền Bắc của vua Lê và chúa Trịnh).

Sau này khi người Việt dẫn dắt nhau vào đất Thuỷ Chân Lạp thì lại được thu vén gọn gàng hơn:

Gió đưa bụi chuối sau hè
Đụng sơ một chút chẳng nhè có con.
Nếu câu chuyện phiếm này chỉ có chừng đó thì cũng khoẻ, nhưng đằng này lâu lâu lại xuất hiện câu ca dao kiểu “đầu gà đít vịt”:
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Câu này chỉ có người cõi Trên hoặc người cõi Dưới mới có thể nghe được, hoặc không thì cũng chỉ có thần Thiên Lý Nhĩ trên Trời nghe đặng mà thôi, vì Thiên Mụ là một ngôi chùa ở đất Thuận Hoá (Huế ngày nay) còn làng Thọ Xương canh gà ở mãi tận Thăng Long (Hà Nội bây giờ) khoảng cách chim bay cũng trên 500 cây số, làm cách nào mà nghe cho đặng?!
_______________________________________________

Mời đọc tiếp:

Kỳ 5: Khép lại chuyện... Canh Gà.