Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Nói "láo" mà chơi

  • Chu Vương Miện

Nhân đọc bài “Gió đưa cành trúc la đà” của giáo sư Vũ Quốc Thúc đăng tải trên mạng, tôi đọc đi đọc lại trước sau bốn lần, vì thấy bài viết quá tài tình và đặc sắc, bỏ qua thì uổng quá bèn chép thêm một đoạn tiếp theo nối vào, gọi là văn chương có đi có lại, có trên có dưới, có gọi có thưa, và có trước có sau.
Nguyên văn bài ca dao cổ điển như sau:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù bãi cát màn sương
Nhịp chầy Yên Thái, bóng gương Tây hồ.
Bài này, giáo sư Vũ quốc Thúc đã diễn giảng rất rõ ràng, chúng tôi không nhắc lại, dài dòng và mất thì giờ cuả các bạn.
Đến đời nhà Trần thì:
Năm tê trong lúc sang xuân
Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường.
(Trường ca Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy)
Nên cũng không lạ gì sau đó hai câu thơ trên được chuyển thành:
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương.
Câu ca dao từ thành Thăng Long đã khăn gói địu gạo lên đường đi hàng ngàn dậm với đoàn quân nhà Trần đến đất Châu Ô, Châu Rí của đất nước Chăm Pa - trở thành Hoá Châu và Thuận Châu sau này. Trên bẩy trăm năm sau, trong một bài phiếm luận - chỉ được giáo sư Vũ Quốc Thúc cho biết nguồn là ở trên internet; không biết tác giả và link cụ thể.
Hai câu trên của câu ca dao được diễn giải ra theo nghiã đương đại như vầy:
Roi tre vun vút vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tàu.
Phần này cũng đã được giáo sư Vũ Quốc Thúc phân tích rất kỹ và rất rõ, không nhắc lại làm gì nữa. Cũng gần 10 năm nay, tôi rất quan tâm về đoạn bốn chữ (canh gà Thọ Xương) câu này từng được một vị tiến sĩ nguyên giáo sư đại học và kiêm học giả dịch giả Việt Nam đã dịch ra tiếng Anh là  “chicken soup”.
Và cũng đã được quá nhiều báo chí cùng dư luận bàn thảo, chuyện đúng hay sai cũng đã theo thời gian trên mười năm mà nhoà nhạt, nhưng tôi thì không quên, nhân tiện có bài đưa duyên “Gió đưa cành trúc la đà” của giáo sư Vũ Quốc Thúc nên tôi dành một ít thì giờ viết bài này góp vui, góp tiếng với bà con nội ngoại, trong và ngoài nước đọc cho vui, cho đỡ buồn.
***
Thực ra muốn hiểu “một chữ” đôi khi cũng rất là mất thì giờ. Trước khi đi vào phần tìm hiểu nghĩa chính của “Canh gà Thọ Xương” chúng tôi xin được phép luân khởi, mời quí vị độc giả du lịch... tưởng tượng theo tôi qua bên Tàu.
Bản đồ nước Tàu có hình dáng giống con gà, là nước có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất thế giới (người Hán chiếm đại đa số). Thời Đông Châu - cách đây trên 3.000 năm - gồm vô số nước; cách đây 2.500 năm chỉ còn 7 nước (thêm Sở, Ngô, Việt) là 10 quốc gia tự trị. Đến trước Công nguyên  200 năm, nhà Tần thống nhất lãnh thổ quy về một mối; về chủng tộc thì ngoài những sắc dân chính như Hán, Mông, Hồi, Tạng, còn cả  trăm dân tộc thiểu số khác như Miêu, Liêu, Bách Việt… nữa. Dù 3.000 năm trôi qua, dân Tàu vẫn còn “ngôn ngữ bất đồng”, tiếng nói vùng này khác vùng kia; chữ viết vẫn còn trong tình trạng chưa ổn định…
Xin đan cử chữ “Ngưu”: người Hán định cư ở vùng Hoa Bắc, toàn đồi và đất khô ráo, trồng toàn là ngô, khoai, luá mì, luá mạch và cao lương (bo bo), nên ngoài sức người thì còn dùng một gia súc da mầu vàng để kéo cày, bừa nên được gọi là “hoàng ngưu”. Nhưng thời gian về sau, Hán tộc sinh sôi nẩy nở ra nhiều và mang quân xâm lăng về phương Nam, vùng Hoa Hạ là một phần đất của Bách Việt. Người Bách Việt  thời ấy đã biết trồng lúa nước, nhưng vì dân số ít nên bị người Hán đẩy lui về vùng Hoa Nam, vùng đất có nước nên cày bừa vất vả hơn nên họ phải dùng một loại thú khỏe hơn hoàng ngưu và có da mầu đen, gọi là “thuỷ ngưu” hay còn gọi là “thanh ngưu”. Thuỷ và thanh không có nghĩa là “nước” hay mầu “xanh”, nhưng vì hai cách gọi đó có sẵn từ trước nên người Hán dùng luôn. Về sau, người Bách Việt có một bộ phận di chuyển về phương Nam lập ra nước Việt Nam mới gọi là “trâu, bò”, con da vàng cày trên đất khô là con bò, con to khỏe hơn cày dưới nước, da mầu đen là con trâu, chớ với người Hán thì cả hai đều là “ngưu” cả.
Cũng xin nói thêm, ba con sông cùng phát nguyên vùng Thanh Tạng, từ dẫy núi Thiên Sơn, ngay chỗ phát nguyên chẩy theo chiều bắc-nam qua Na Sa, Cẩm Hồng đến tỉnh Vân Nam thì gọi là Lan Thương Giang, đến điạ đầu Miến Điện, Lão Qua thì đổi thành Mê Kông qua Miên, Thái chẩy vào Nam Việt thì đổi thành Cửu Long. Hoàng Hà mới đầu chẩy theo chiều bắc-nam, qua Cam Túc thì chuyển thành đông-tây, chẩy xuyên qua Hà Bắc Hà Nam, giữa Hoa Bắc và Hoa Hạ nên người Hán gọi sông là “hà”, còn Dương tử giang thì chẩy theo chiều đông-tây qua tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam biên giới giữa hai vùng Hoa Hạ và Hoa Nam, vì thuộc đất của người Bách Việt nên sông gọi là “giang” (người Hán cũng vẫn giữ y như vậy, để khi nào người Bách Việt đòi thì trả lại chẳng?!)
***
Bây giờ xin trở lại chủ đề “Cành trúc la đà”. Kinh đô Thăng Long xưa có một nét đặc thù là gồm có ba mươi sáu phố phường, mỗi một phố có nét riêng và mỗi phố chỉ chuyên mua bán một món hàng nào đó thôi (trước năm 1954). Ví dụ phố Hàng Khay bán khay, bát điã; phố Hàng Bông bán bông, vải vóc; phố Hàng Hòm bán các cỡ hòm (thùng, rương, va li...) gỗ lớn nhỏ; phố Hàng Than bán than, củi v.v… Ngoài ra những thôn ấp chung quanh kinh đô cũng có phần na ná như vậy. Như làng Yên Thái thì chuyên là nghề giấy, lúc nào cũng nghe tiếng chầy giã bột giấy; làng Cổ Nhuế (theo nhà văn Hồ Hữu Tường trong tác phẩm Phi Lạc Sang Tàu) thì đa số dân chúng sống bằng nghề hốt phân; có làng chuyên trồng hoa đào bán tết, có làng chuyên nghề nhuộm vải; hay như làng Vòng chuyên làm cốm; xuống phía Hải Dương như huyện Cẩm Giàng chuyên làm bánh đậu xanh, bánh khảo; người Ninh Giang thì chuyên bánh gai…
***
Đêm năm canh, ngày sáu khắc. Canh một bắt đầu vào khoảng 6-7 giờ tối, thời gian có khi bắt đầu là 6 giờ, nhưng có khi lại đổi thành 7 giờ, tuỳ theo lịch, giờ Tý canh ba là khoảng từ 11 đến 1 giờ đêm , đêm chia ra làm 5 canh.
Canh một dọn cưả dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba thêu thuà.
Một người bình thường một đêm chỉ ngủ có ba canh (canh ba, canh tư và canh năm) từ 11 giờ cho tới 5 giờ sáng, trong làng xã xưa có đặt điếm canh để tuần đinh canh gác, thường thì tập trung ít nhất là ba người, nhiều thì năm người, trong làng xã có chuyện gì xẩy ra thì đánh trống ngũ liên (cứ 5 tiếng một: thùng thùng, thùng, thùng thùng), điệu trống này nôm na là “trống gọi” và cứ mỗi một canh (2 giờ) tuần đinh thay phiên gác cũng đáng trống báo sang canh (canh 1 thì đánh 1 tiếng trống, canh 2 đánh hai tiếng…).
Còn ban ngày thì có sáu khắc, dân làng tự hiểu chớ không ai đánh trống báo hiệu. Trường hợp con gà thì cứ rạng đông, hé ánh mặt trời thì gà gáy vài ba lần rồi thôi, nó còn phải đi kiếm ăn chớ không có “ở không” mà gáy mãi. Nói “canh gà” là cách nói văn chương “huê dạng” nghe cho hay thôi (dù đôi khi ban trưa, ban chiều cũng có tiếng gà gáy!). Nhưng nói là “canh gà” thì không không chính xác, vì canh giờ phải cố định, nghe tiếng trống thì bà con biết giờ giấc, chớ gà gáy tào lao theo hứng, hay gáy để ve gái, hoặc gáy để khiêu khích gà khác đá chơi thì đau có giờ giấc gì?!
Có thể hình dung ra cảnh một khách ngoại quốc đến du lịch xứ mình, hướng dẫn viên là một ngươì trẻ tuổi, lịch lãm dẫn du khách đi chơi, thời gian có thể là chín, mười giờ sáng, đi qua mấy con đê, đường làng hay bên hồ Tây… gió thổi nhẹ, lá trúc phất phơ, chợt nghe tiếng chuông từ chùa Trấn Võ thong thả ngân nga từng tiếng khiến lòng người thư thái. Hướng dẫn viên du lịch bèn... “nổ”:
- Đây là làng Thọ Xương, chuyên nuôi gà đẻ, ấp trứng để bán gà con, bán gà mái dầu, gà mái tơ… đặc biệt là có mấy quán phở gà dai, quán cháo “gà đi bộ” và tuyệt chiêu đặc sản là canh miến gà - thường gọi tắt là canh gà! Ăn một bát thì đòi ăn bát nữa. Ăn một lần thì nhớ suốt đời.
Đây là ý nghĩ khôi hài của người viết cho vui mà thôi. Kính mong quý vị trưởng thượng độc giả, có vị nào nguyên quán ở làng Thọ Xương - chính gốc Bà Lang Trọc Hà Nội - vui lòng lên tiếng mau mau kẻo làng Thọ Xương cũng đi theo làng Khán Xuân của cụ bà thi hào Hồ Xuân Hương “chìm” xuống đáy hồ Tây mất dạng luôn!
_______________________________________________

Đọc thêm:

Kỳ 5: Khép lại chuyện... Canh Gà.