Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Đêm phố Hoài

  • Mai Lĩnh
Phố cổ Hội An về đêm đẹp lạ thường. Nét riêng nổi bật nhất là sự thân thiện, dễ chịu với cảm giác yên bình hiếm thấy ở những đô thị du lịch khác. Âm thanh, ánh sáng không thừa thãi, phí phạm; mọi thứ vừa đủ, vừa cho phố đêm lung linh và lòng người lắng dịu. Những nhà hàng, tiệm cà phê không ồn ào, kể cả những chỗ đông người tụ tập, chợ đêm… không khí vẫn nhẹ nhàng, cư xử thân mật nhưng vẫn tôn trọng sự riêng tư của du khách.

Nhiều người vẫn ước ao có dịp lưu lại Hội An vào một đêm rằm để chiêm ngắm hình ảnh phố cổ lung linh dưới anh nến và mà sắc đèn lồng. Thực ra, 365 đêm mỗi năm, bạn vẫn có thể thưởng ngoạn nét đẹp riêng của Hoài Phố và cảm nhận nó với chút tâm tư hoài cổ hoặc thả lỏng tâm hồn cho thời gian trôi chậm lại.

Khoảng sân trước ngôi nhà đầu đường bờ sông (gần chùa Cầu) biến thành sân khấu biểu diễn những vũ điệu dân gian ba miền, những tiết mục nghệ thuật dựa vào động tác biểu diễn và giai điệu âm nhạc để khán giả có thể thưởng thức dù không hiểu được tiếng Việt. Khán giả đứng, ngồi giữa lòng đường, bao quanh sân khấu. Người lớn, trẻ em… cả người địa phương và du khách thuộc nhiều quốc tịch say sưa theo dõi, không ai nói chuyện riêng, không có tiếng huýt sáo ngoài những tràng pháo tay sau mỗi tiết mục.

Nhiều du khách nước ngoài dạo phố đêm đã bị sân khấu này níu chân suốt gần hai tiếng đồng hồ của chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” này.









Dọc bờ sông Hoài, lề đường Bạch Đằng về đêm là những hàng ăn bình dân, bán những món ăn bình dân, quen thuộc của người xứ Quảng.






Bắp luộc, một đặc sản trứ danh ở Hội An, xưa chỉ có theo mùa nhưng nay sẵn có quanh năm. Sẽ rất đáng tiếc nếu khách du lịch đến Hội An chỉ biết tìm những món cao lầu, mì Quảng và các loại bánh nổi tiếng bán trong nhà hàng mà không thưởng thức các món bình dân, bán lề đường như ốc gạo, đậu hũ, chè bắp, chè xí mà, bắp luộc và những món đặc sản khác như hến xúc, bánh đập… Trong ảnh, một hàng bán bắp luộc trên xe đạp.

Khu phố bán hàng mỹ nghệ, tranh ảnh nghệ thuật, đè lồng được trưng bày khéo léo tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng thưởng ngoạn. Ngoài đường, những chiếc lồng đèn giăng ngang xua đi cảm giác u tịch của khu phố cổ nhưng không có những hộp đèn quảng cáo khoa trương như những đô thị thương mại khác.




Người nước ngoài không chỉ là khách du lịch đến Hội An, cũng có người đến rồi trở lại cư ngụ, kinh doanh những món hàng hiệu quốc tế ngay trong lòng phố cổ.




Mọi con đường nội ô phố cổ đều cấm các loại xe có động cơ, phương tiện di chuyển nhanh nhất cho du khách là xích lô. Khách du lịch nước ngoài rất mê loại phương tiện độc đáo này.

Một người Hội An nói vui, “Ban đêm ở đây, ra đường gặp người ngoại quốc nhiều hơn người Việt”. Trong ảnh là hai gia đình đến từ Đông Âu đang dạo phố đêm.


Ai bảo người châu Âu không ăn hàng vặt? Điều đó có thể đúng khi họ ở nhà, những xe bán trái cây, khoai, sắn… ở Hội An có sức hấp dẫn khiến ông Tây, bà Đầm cũng mê. Trong ảnh là một xe bán chuối chiên trên đường phố.



Đường trong phố cổ rất hẹp nên không thể trồng cây lớn cho bóng mát, người dân Hội An có cách riêng để phủ màu xanh khắp phố. Họ trồng các loại cây leo, phủ xanh mái nhà. Ánh sáng chiếu sáng vừa đủ cho nhu cầu, nhưng cái hay nhất là âm thanh cũng vừa đủ, không có cảnh “tranh nhau” giữa các chiếc loa hay con người phải hét vào tai nhau mới nghe được. Khách bộ hành đi khắp phố cổ, đến đâu cũng nghe văng vẳng những làn điệu dân ca hoặc những giai điệu êm dịu phát từ hệ thống loa công cộng đặt dọc đường. Không có tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ các nhà hàng, quán cà phê hay các cửa tiệm trong khu phố. Trong ảnh, một quan cà phê góc phố ở Hội An.



Hai mươi hai giờ, cuộc sống vẫn sinh động trong khu phố nhỏ này; không náo nhiệt như Sài Gòn, nhưng không “ngủ sớm” như cố đô Huế.




Bên bờ sông Hoài, một em bé vẫn đốt những ngọn nến nhỏ trong hoa đăng chờ bán cho khách mua thả xuống dòng nước với những ước nguyện riêng tư của họ.




Và ở một góc phố bên kia sông, cạnh chợ đêm Nguyễn Hoàng, bà cụ này vẫn lặng lẽ ngồi bán những con tò he làm bằng đất nung.