NHỮNG BỨC THƯ ĐẦM ẤM - Nguyễn Hiến Lê & Quách Tấn


THAY LỜI NÓI ĐẦU


Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của thân phụ tôi (21-12-1992 – 21-12-2002) tôi ngồi đọc lại  những tập thư xưa của các bạn hữu gởi cho thân phụ tôi. Sau các tập thư của Chế Lan Viên, Đông Hồ, Yến Lan, Vũ Hoàng Chương v.v... đến tập thư của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Tập thư gồm trên 100 bức viết từ năm 1966 đến năm 1984. Cuối tập thư có một trang giấy nhỏ của thân phụ tôi đã ghi: Sau này gặp cơ hội tốt nên phổ biến tập thư này.
Lòng tôi bồi hồi xúc động. Phải chăng đây là lời nhắn nhủ của thân phụ tôi.
Tôi bắt đầu đọc k và chọn lọc những bức thư có liên quan đến tình bằng hữu, đến văn học giữa Nguyễn Hiến Lê và thân phụ tôi. Đồng thời tôi cũng sưu tập thêm những bài viết có liên quan đến nội dung các bức thư.
Bản thảo hoàn tất, song khi đọc lại tôi vẫn thấy nội dung còn có một khoảng trống khiến tác phẩm như mới hoàn thành có một nửa. Sau nhiều ngày suy ngẫm tôi mới chợt nhận ra là chỉ mới có phần thư của Nguyễn Hiến Lê mà chưa có phần thư của Quách Tấn.
Trong ba bức ngày 02-6-78 ,13-10-79 và 10-4-81 nhà văn có viết cho nhà thơ là tất cả thư từ nhà văn đều lưu giữ và trước đó đã có ý định gởi lại cho các bằng hữu. Song ý định này chưa thực hiện thì nhà văn đã mất năm 1985. Nhà ở Sài Gòn đã bán. Bà họ Trịnh ở Long Xuyên cũng đã mất. Bà họ Nguyễn đã sang Pháp sống cùng con cháu từ lâu. Không gian vời vợi, xa cách nghìn trùng biết đâu tìm hỏi những ai còn gìn giữ các bức thư có thời gian gần 20 năm?!
Trong một dịp vào Sài Gòn, tôi ghé thăm anh Lê Ngộ Châu, bạn rất thân với nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi được biết là tuy ông Lê Ngộ Châu và ông Nguyễn Q. Thắng được ủy quyền in lại các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê song lại không có các bức thư của bạn bè ông Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên anh chị Lê Ngộ Châu cũng đã cho tôi địa chỉ và số điện thoại của bà Võ thị Kim Liên, cháu gái bà Nguyễn Hiến Lê hiện quản thủ ngôi nhà của ông Nguyễn Hiến Lê tại Long Xuyên.
Tôi vui mừng định đi Long Xuyên ngay thì anh chị Lê Ngộ Châu khuyên tôi nên điện thoại hỏi cô Liên tin tức trước rồi mới đi sau. Qua điện thoại tôi được cô Liên tr lời là chưa hề trông thấy tập thư nào còn để lại trong tủ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên cô Liên có hứa là sẽ tìm lại trong các thùng sách còn lưu trên đầu tủ và khi tìm được sẽ tin cho tôi hay. Vài tháng trôi qua, tôi vẫn không nhận được tin tức gì và sống trong nỗi bồn chồn  mong đợi. Cuối cùng tôi quyết định đi Long Xuyên và trước khi đi tôi điện thoại cho cô Liên. Tiếng cô Liên vang lên trong máy:
- Tôi đã tìm được xấp thư của nhà thơ Quách Tấn gởi cho nhà văn Nguyễn Hiến Lê  rồi. Nhiều lắm. Xin mời ông xuống Long Xuyên.
Chao ơi! Mừng thật là mừng!! Vui thật là vui!!
Ngay tối hôm đó tôi lên tàu hỏa vào Sài Gòn. Mờ sáng, vừa đến sân ga, tôi vội đáp xe đò đi Long Xuyên. Xế trưa thì tôi tìm được nhà cô Liên.
Cầm tập thư trên tay, nhìn nét chữ thân thương của thân phụ, tôi không cầm được nước mắt.
Đặt tập thư lên bàn thờ nghi ngút khói hương, trước di ảnh của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi khấn lời cảm tạ và quỳ lạy để tỏ lòng biết ơn và quý trọng một người bạn văn chương, một tri kỷ của thân phụ tôi.
Cô Liên, thật ra là bà Liên, người đã gìn giữ ngôi nhà và nhang đèn cho nhà văn Nguyễn Hiến Lê, người đã có công trong việc tìm ra tập thư của thân phụ tôi, là một người đàn bà rất kính yêu sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bà đã gìn giữ các tác phẩm của nhà văn lớn này cùng với ngôi nhà  là một di tích văn học. Tình cảm của bà đối với gia đình chúng tôi thật là thân thiết, chân thành.
Tôi giã từ Long Xuyên với tấm lòng vui sướng nhưng vẫn có chút bùi ngùi. Nơi đây tôi đã tìm lại được quý vật, đã nhìn thấy ngôi nhà thân thương của một  nhà văn học có tầm c lớn. Và được quen biết bà Võ thị Kim Liên, người đàn bà đôn hậu, nhiều tình nghĩa văn chương.
Toàn bộ hai tập thư gồm trên 200 bức. Thời gian viết từ năm 1966 đến năm 1984. Tập thư của nhà văn Nguyễn Hiến Lê có đủ từ năm 1966 đến 1984. (Nơi bức thư ngày 18.3.1981 mất trang đầu). Tập thư của nhà thơ Quách Tấn thiếu trọn năm 1966, 1967 và năm 1984.
Mở đầu và khép lại “Những Bức Thư Đầm Ấm “là hai bức thư của nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết ngày 09-4-1966 và 11-12-1984. Trong 200 bức thư tôi chỉ chọn 170  bức là vì các bức không chọn chỉ là những bức thư  thăm viếng xã giao không có một liên quan gì đến văn học. Những bức thư được chọn đều được giữ nguyên văn.
Trong các bức thư có nhắc đến các tác phẩm đã và chưa xuất bản, các bài báo đăng trên báo chí trước đây mà độc gi phải mất công tìm kiếm nên tôi có thêm phần phụ lục.
Khi nhà văn Nguyễn Hiến Lê mất, nhà thơ Quách Tấn có bài "Khóc Lộc Đình", cặp trạng viết:
Còn đâu những bức thư đầm ấm
Che bớt phong sương lúc trở trời.



Lời thơ đôn hậu, ý thơ chân tình, gói trọn tấm lòng của kẻ tri âm khóc người tri k, hiểu nhau qua văn chương, thương nhau qua cuộc đời.
Cho nên nhan của tập thư này  tôi lấy tên là "NHỮNG BỨC THƯ ĐẦM ẤM".
Cuối cùng tôi xin cảm ơn anh chị Lê Ngộ Châu, bà Võ thị Kim Liên, những người đã giúp tôi góp chút duyên lành cho mạch thư hương được xuyên suốt giữa nhà văn Nguyễn Hiến Lê và nhà thơ Quách Tấn.
Nha Trang Trung Thu năm Nhâm Ngọ (2003)


QUÁCH GIAO


_______________________________________________________

NHỮNG BỨC THƯ ĐẦM ẤM


Sài Gòn 09-4-66
Kính gửi Thi sĩ Quách Tấn
Từ trước tôi vẫn thích cái vẻ cổ kính, trang nhã, điêu luyện và cái nhạc trong thơ của ông; trong tập “Đọng Bóng Chiều” này, vẻ cổ kính còn hơn cả trong tập “Mùa Cổ Điển”.
Những bài Song chiều, Kem phấn, Rót hương, Buồn thương, Tháng ba gió lạnh, Nửa mộng, Đối cảnh, Bên sông, Qua xuân, Lặng lẽ… đều có những câu tuyệt thú, đủ tình, cảnh và nhạc. Tôi xin trân trọng cảm ơn ông: Tủ sách của tôi thêm được một tác phẩm quý nữa. Sau này chắc không còn ai có cái giọng như ông đâu.
Tôi vốn mến cảnh Trung Việt. Từ mấy năm nay vẫn mong cuốn “Nước non Bình Định” của ông. Cảnh Bình Định mà được ông tả thì mới thật là xứng. Chắc nội năm nay nó ra mắt độc giả chứ?
Xin kính chúc ông được vạn an.
-o0o-


Sài Gòn ngày 02-3-1967
Kính gửi Thi sĩ Quách Tấn
Năm trước ông đã cho thơ, năm nay ông lại cho thơ. Thơ ngũ ngôn mà tuyệt cú thì khó hơn thơ thất ngôn nhiều; mà trong tập "Mộng Ngân Sơn" này cũng có những bài tôi rất thích như Chiều tiễn biệt, Bến đò xưa, Nhớ em, Đơn giản, Nghe chim huýt cô, Búng chân, nhất là hai câu cuối bài Cánh hoa tím, bài Chiều thơ, bài Trang khuya.
Tôi không chắc đã hiểu ý ông, nhưng gởi Phạm Công Thiện mà viết: "Lịu địu bóng nhàn vân" thì tôi thấy thú quá.
Ngay bài Tựa của ông, tôi cũng thích rồi:
“Đời mới tịch dương, còn đủ sức còn cố gắng”.
Không rõ ngày nay còn có được nhiều người thích lối viết trong bài đó không.
Thấy rao “Nước Non Bình Định” sắp ra, tôi mừng lắm. Yêu thì không gì bằng yêu quê hương, cho nên viết về quê hương thì không gì thú bằng và vì thú mà dễ hay.
Ông được viết về Bình Định, ông Đông Hồ được viết về Hà Tiên; còn tôi thì chắc không bao giờ được viết về Sơn Tây cả. Xa quê hương từ năm 25 tuổi và bây giờ…
Xin đa tạ ông và kính chúc ông một buổi tịch dương dài và êm đềm như trời mùa hè ở đồng quê. Trong tập thơ này tôi thấy ông ghi nhiều cảnh bình dị ở thôn quê Việt Nam đó cũng là một cái thú nữa.
Kính
-o0o-


Nha Trang, Xuân Mậu Thân
Kính gởi Ông Nguyễn Hiến Lê
Thưa ông,
Năm mới, kính lời chúc ông nhiều sức khỏe và nhiều văn hay.
Tập Nước Non Bình Định vừa in xong (giao từ 25-5-66 mãi đến 25-12-67, thúc giục lắm mới in rồi!)
Kính gởi tặng ông một bản xem cho vui.
Đành chẳng công đâu may khỏi tội
Bao nhiêu chữ đó bấy nhiêu tâm
                                                           (Sào Nam)
Vì không trông coi được, nên sách in sai sót nhiều và sắp đặt không được phân minh. Nhà xuất bản có lời cáo lỗi, song lòng vẫn không được vui. Không đủ khả năng để tự xuất bản sách mình, kể cũng tội cho lòng vậy.
Khi nhận được sách, tôi bùi ngùi viết mấy câu, xin phép ông nhàn lãm:

Một năm bảy tháng trong thai
Lòng mong thấy mặt ngày dài hơn năm
Nước non biền biệt tri âm
“Bao nhiêu chữ bấy nhiêu tâm”… ngại ngùng!

Kính bút
-o0o-

Đọc tiếp thư từ nhà văn và nhà thơ trò chuyện trong các năm sau: