Năm 1968



Sài Gòn 03-4-68

Kính gửi Thi sĩ Quách Tấn

Thưa ông,

Bốn bữa trước, tôi vừa đọc xong Nước Non Bình Định, đã đánh dấu mấy chỗ, tính sẽ giới thiệu với độc giả, thì nhận được sách và thư của ông. Quý nhất là giọng trong thư: tôi chưa được gặp ông mà giọng ông tự nhiên, thân mật như biết nhau đã lâu. Cuốn ông cho, tôi sẽ giữ, còn cuốn trước, tôi sẽ gởi cho một đứa cháu ở xa.

Hôm nay bài giới thiệu đã viết xong; Tạp chí lúc này ra không đều, chưa biết bao lâu nữa mới đăng được. Tôi xin ghi sơ các ý chính lại dưới đây:

Phần Núi Non ông viết rất kỹ, tôi theo dõi từng bước, rất mong được thấy Mạ thiên sơn và núi Xương cá.
Cảnh Hầm Hô, Giếng Tiên, chùa Linh Phong ông tả khéo, tôi chắc nhiều ngườI sẽ mê.
Mươi trang lịch sử của ông gọn mà đủ; rải rác trong sách có nhiều cố sự, truyền thuyết và rất nhiều thơ.
Tài liệu rất phong phú, văn tao nhã mà tấm lòng với quê hương thì thật đẹp.

Trong đoạn kết, có mấy hàng này tôi xin chép để ông coi trước:
“Tôi nghĩ dù không có tập Mùa Cổ Điển và tập Mộng Ngân Sơn, một tập chứa nhiều bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất hay mà sau này ai cũng muốn làm tiếp công việc phê bình của Hoài Thanh tất phải nhắc tới, dù không có hai tập đó đi nữa thì nội công phu viết địa phương chí cho Bình Định, thi sĩ cũng xứng đáng là người con của Bình Định rồi.

(…)
Tấm lòng của ông với quê hương thật là đẹp. Quê hương lẽ nào không quý tác phẩm của ông?
Nhưng còn một cái vui mà trong bài thơ tôi không muốn chép ra, để riêng kể với ông, là cái vui khi đọc trang 95 tôi được vào hàng “tri kỷ” của hoa xoài như ông vậy. Từ trước tôi vẫn khen một cây xoài khi nở rộ coi như mâm xôi đậu, mùi hoa của nó ngọt ngọt, chua chua, vì ngọt mà chua nên ngọt mát, nay đọc văn của ông tôi như thấy ông ngồi trước mặt mà cùng cười với tôi.

Ông đã được nếm trà cam khổ chưa? Sao mà quý thế! Ước gì bình an trở lại, tôi có được thăm cảnh để nhắm cho biết cái hương vị.
Chớ ông giải thích chữ Côn trong Sông Côn (trong III) làm cho tôi mỉm cười. Phải ông muốn lập ngôn đấy không? Phải vậy thì cũng là một cái thú của người cầm viết, mà người đọc đoán được thì cũng thú như người viết nữa.
Tôi cũng có điều buồn: điện vua Quang Trung chỉ như một nhà làng trong Nam này thôi. Hết chiến tranh, quốc dân rồi có xây một công trình gì để ghi ơn, xứng đáng với vị anh hùng đó không. - Hàn Mặc Tử thật may mà có mộ đẹp như vậy trong một cảnh đẹp như vậy. Nhưng còn ba danh sĩ khác? Mộ Tản Đà nay còn cái nấm không?
Đó là ít cảm tưởng của tôi. Tôi mong được đọc tiếp Nhân vật Bình Định.
Sách tôi in chẳng có cuốn nào đẹp, mà cũng không biết có cuốn nào ông thích, nên từ trước vẫn do dự, nay thấy ông có giọng thân mật, xin gửi tặng ông cuốn mới nhất của tôi do nhà Tao Đàn xuất bản – nó chẳng hay gì nhưng cũng chứa một tấm lòng với tiếng mẹ đẻ.
Kính chúc ông vạn an và mau cho ra được mấy tác phẩm tiếp.

TB: Tôi không ngờ rằng Bình Định có chà là. Phải datte không?
  
-o0o-



Nha Trang, Rằm tháng 3 Mậu Thân (12-4-68)

Kính gửi ông Nguyễn Hiến Lê

Thưa ông,
Nhận được thư ông và tập Xây Dựng Văn Hóa, sáng hôm nay, lòng tôi vui sướng cực độ. Vui sướng nhất là được cùng ông “thưởng thức hương vị hoa xoài” và được ông “đồng ý” về tánh chất nước sông Côn.
Thú vị quá!
Vạn cảm. Vạn cảm.
Rồi mở đọc Xây Dựng Văn Hóa, lòng thích thú tràn trề! Tôi có cảm giác tôi đương đọc tôi, nhất là phần nguyên tắc…(cá tính, dân tộc tính…). Tôi chợt nghĩ dại: ”Phải chi trước đây tác giả sống ở Bình Định để cùng mình đi an trí cho vui”. Tôi nghĩ vậy là vì có những tư tưởng những quan niệm giống ông mà thời kháng chiến chống Pháp ở Bình Định tôi luôn luôn bị lao đao!
Lâu nay tôi thấy tôi cô độc.

Đọc ông tôi thấy ấm áp quá chừng!
Thật là vui mà cũng thật thích thú!
Khi lòng hoan lạc không ưng nằm nhà, mặc dù sách mới xem có 2/3 quyển. Thấy trời chiều nắng dịu, tôi bèn gấp sách, đi lang thang…Tình cờ gặp ông Võ Mỹ là người ở gần nơi sản xuẩt trà Cam Khổ. Võ Mỹ cho biết thứ trà ấy không trồng được, chết lần hết. Lâu nay bom đạn ở Hoài Ân lại nổ liên miên, không biết những gốc còn sống mấy năm trên, lúc này có còn xanh tốt chăng. Tôi hy vọng rằng giống quý, trờI không ghét. Và nếu vật còn thì không bao giờ phụ lòng tri kỷ.
          Tôi mới nghe nói chớ chưa được nếm. Vì khi nhỏ nghe ông nội tôi và ông thân tôi nói chuyện, rồi để bụng. Lớn lên đi làm ăn xa… Đến lúc trở lại tỉnh nhà thì binh lửa liên tiếp…, không còn bụng dạ nghĩ đến “nếm thử”. Nay ông ước có ”dăm cánh” tôi cảm động quá …và mong sao sẽ có ngày được cùng ông thưởng thức hương vị trà Cam Khổ tỉnh nhà.

          Còn chà là ở Bình Định là chà là núi. Cây, lá, buồng giống như chà là Tàu, song không cao lớn bằng.Trái lại nhỏ chỉ bằng ngón tay út và đen nhánh như hạt huyền chớ không phải màu nâu nâu như chà là Tàu. Mùi thơm vị thanh hơn chà là Tàu.
       Nói đến chà là Bình Định và chà là Tàu, tôi liên tưởng đến các nhà nho phong lưu thanh nhã và các ông phú thương Trung Hoa núng na núng nính ở Chợ Lớn.
         Tôi ước ao tình thế chóng ổn định để mờI ông cùng anh Đông Hồ, anh Lãng Nhân đi chơi Bình Định một chuyến.

         Ông nhắc đến Tản Đà lòng tôi bùi ngùi!
         Buổi sinh tiền tiên sinh nói cùng Nguyễn Tuân làm sao khi tạ thế, được nằm nơi núi Hàm Rồng nhìn xuống cầu sắt. Trong một bức thư gởi cho tôi vào khoảng 1959 – 40  tiên sinh cũng có nói đến lòng ao ước ấy.
         Năm 1941, Nguyễn Tiến Lãng ngồi ghế án sát Khánh Hòa, tôi có đưa thư cho xem. Họ Nguyễn khấn: ”Nếu được ra làm quan ở Thanh Hóa thì nguyện thực hiện cho kỳ được lòng ước muốn của tiên sinh”.
         Năm 1944, họ Nguyễn được đổi ra làm bố chánh Thanh Hóa.Tôi có viết thư nhắc. Nguyễn quân đáp rằng ”không dám quên và xin cố gắng”. Nhưng rồi quốc biến liên tiếp…Mấy mươi năm nay, mỗi lần nghĩ đến nơi an nghỉ nghìn thu của tiên sinh là mỗI lần tôi tủi:

Hàm Rồng nắm cỏ chưa tròn mộng
Khê Thượng nguồn thơ mãi quặn tình.
                                                                               (Nhớ Tản Đà - Mùa Cổ Điển)

Tản Đà - tiên sinh ước nằm ở Hàm Rồng, Hàn Mặc Tử ước nằm ở Đèo Son (Qui Nhơn).

         Cùng gia đình Tử, tôi đã đưa di cốt bạn về được Gành Ráng (gần Đèo Son), cảnh lại đẹp hơn Đèo Son, lòng tôi yên vui về phần bạn. Còn phần thầy không biết kiếp này có lo xong? Lắm lúc thật là buồn.
         Còn về phần Tây Sơn: đó là sự cố gắng vượt bậc của một số nhân sỹ Bình Khê. Chánh quyền không giúp đỡ mảy may! Thế mà Ngô Đình Diệm khi ra thăm Bình Định lại còn tỏ ý bất bình viên quận trưởng sao lại để cho xây cất!

         Đồng thời cùng đền Tây Sơn, anh em Bình Khê xây được lăng anh hùng Mai Xuân Thưởng.
        Hai công tác đáng lẽ chánh quyền Bình Định phải đảm đương lấy song cũng như đền Tây Sơn, lăng Mai anh hùng cũng chỉ là một nhóm người lo liệu.
        Tôi là người địa phương nhưng ở xa và nghèo, không góp công góp của được, nên lãnh viết hai bài bi ký và bốn bài văn (có trong N.N Bình Định) để tỏ lòng sùng bái tiền nhân.
         Đó là lối đơn thành của người Bình Khê. Nghe đâu chánh quyền Bình Định định đúc tượng vua Quang Trung tại Quy Nhơn.Tin đồn đã ba năm nay, mà mãi chưa thấy gì hết. Lúc này việc gì không có lợi trước mắt và sờ mó được thì ít ai muốn làm. Nên tượng vua Quang Trung chắc còn lâu mới có.
        Hôm Tết tôi về Bình Định định tìm thêm tài liệu để viết quyển nhân vật Bình Định nhưng gặp binh biến đầu xuân, đành phải chờ đợi ”hòa bình trở lại”.
        Tôi ở nơi cô lậu, thiếu bạn thiếu sách, nên việc sáng tác thật khó khăn. Không nỡ để thì giờ trôi xuôi, tôi bày ra viết hồi ký.

        Những sách của ông, tôi chỉ đọc được bộ Văn học sử Trung Quốc và tập Sống Đẹp. Tôi mến phục ông từ khi đọc Văn học sử Trung Quốc. Lúc Phạm Công Thiện còn ở Nha Trang (1958-64) tôi cùng Thiện thường nói về ông. Và mới đây vào Sài Gòn, gặp Đông Hồ, tôi cũng có hỏi thăm và nghe ông được bình yên, tôi mừng.
        Tôi có quan niệm rằng con người viết văn làm thơ, trước khi chấm bút vào mực, phải chấm vào máu mình, thì lời mình thốt ra mới có giá trị.
         Thời tiền chiến tôi thấy có Hoài Thanh. Thời hậu chiến tôi thấy có ông.
          Chắc còn nhiều người khác mà tôi không được biết vì trước kia cũng như bây giờ tôi sống xa nơi văn vật quá.

Đọc thư ông và sách ông, cao hứng quá, tôi viết lung tung từ lúc bên láng giềng mở đài B.B.C đến bây giờ súng giới nghiêm đã báo hiệu.Tôi xin dừng bút và cầu chúc ông thâm tâm an lạc.

Tái bút:
-Xin gửi tặng ông Đôi Nét Về Tỉnh Khánh Hòa. Đó là một bài ”diễn thuyết” nói cho anh chị em công chức nghe năm 1962.Tôi định viết kỹ lại khi có thì giờ.
-Nếu ông còn sẵn  Cổ Văn Trung Quốc xin gửi cho một tập. Xin cảm ơn trước.

-o0o-
                
Sài Gòn, ngày 22-4-68

Kính gởi ông QuáchTấn

Thưa ông,
Tôi cũng sẽ kể chuyện lung tung để ông đỡ buồn đây,

Tôi nghĩ phong cảnh đẹp mà không có di tích của danh nhân thì cũng không thú, vì trước cảnh mình không có lòng hoài cảm, cảm xúc không đậm. Nước mình rất nhiều cảnh đẹp mà rất ít nơi có di tích, có thì cũng không biết bảo tồn, không biết nhắc nhở cho du khách chú ý vào, nhất là thiếu di tích của danh sĩ. Điều đó tôi rất hận; tới Hà Tiên mà không thấy di tích của Chiêu Anh Các, cũng không có một tấm bia cho biết Chiêu Anh Các hồi xưa ở đây, thì kém thú nhiều lắm.

Thư trước tôi nói chưa hết ý. Cái việc ông xây mộ cho Hàn Mặc Tử, là việc tốt đối với bạn, mà cũng thật là tốt cho những du khách sau này nữa. Đã trên 25 năm nay, có lần tôi ghé Qui Nhơn được nửa buổi, chỉ vừa kịp lại Gành Ráng rồi trở về. Lần đó, tôi chỉ ngó qua nhà nghỉ mát của Bảo Đại, không thấy có cảnh gì đẹp lắm. Lần sau có ra, tôi sẽ được ngắm thêm ngôi mộ của Hàn Mặc Tử và cảm xúc của tôi tất nhiều hơn. Tôi nghĩ sau này, khi nào ông qui tiên, cũng nằm nghỉ ở chỗ đó, để thêm hoài cảm cho du khách. Có lần nói chuyện với Đông Hồ, ông ấy đã định rồi: núi Tô Châu ở Hà Tiên.
Trà Cam khổ khi nào bình an mà kiếm được, nếu còn, thì xin ông cho mỗi bạn văn: Đông Hồ, Lãng Nhân, tôi... độ dăm cánh thôi, đủ để biết hương vị. Có ít mới quí.

Tôi đã được ghé Nha Trang hai lần, mỗi lần ở vài ba ngày chỉ được coi những cảnh trong thành phố, chưa ra ngoài. Có ra Hòn Chồng. Nay đọc ba bài thơ ông chép lại, tưởng tượng mà thấy cảnh thú hơn, tiếc rằng hồi đó chẳng biết có ba bài đó để mà ngâm trong khi nghe sóng vỗ.

Ông nên viết kỹ hơn mà cho đăng báo đi. Từ 1962 đến nay mà Tòa Hành chánh Khánh Hòa vẫn chưa soạn xong Địa phương chí? Chưa có địa phương chí thì họ cũng nên tạm in một tập Guide touristique giới thiệu những thắng cảnh với du khách. Như Hòn Chồng, nên in cả ba bài thơ trên.
Vâng, bình an trở lại, nếu ông Đông Hồ, ông Lãng Nhân và tôi mà cùng ra thăm được Bình Định thì thú lắm. Có ông ở Khánh Hòa và Bình Định rồi. Sẽ kéo Võ Phiến ra Tourane nữa. Để hôm nào gặp Đông Hồ tôi sẽ nói. Nhưng tôi sợ lúc yếu rồi, Đông Hồ và tôi không đủ sức mà đi. Có Lãng Nhân là còn mạnh.

Hồi trẻ tôi có cái mộng đi hết con đường quốc lộ từ Nam Quan tới Cà Mau, ghi chép thắng cảnh và di tích lịch sử mỗi nơi rồi viết một cuốn tựa như Si Versailles était conté của Sacha Guitry (tôi chưa được đọc, không biết có in thành sách không, hay chỉ là phim). Công việc đó thích lắm, con đường đó là con đường vinh quang của dân tộc, mà cũng là con đường đẹp nhất nữa. Bây giờ thì đành bỏ mộng đó rồi, chỉ còn mong đọc địa phương chí của hết thảy các tỉnh trên đường đó để mà tưởng tượng thôi. Huế mà tôi cũng chưa biết nữa, ông ạ. Vẫn cứ mong bình an rồi mới đi (chứ đi bây giờ mà không dám ra xa châu thành thì chán lắm), bây giờ chưa bình an thì Huế đã tan tành.

Trong 4 bài văn tế của ông ở cuối Nước Non Bình Định, bài tế vua Quang Trung của ông hay nhất.
Xin gởi tặng ông Cổ văn Trung Quốc. Họ in xấu quá, nhưng thời này được họ in cho cũng là may lắm rồi. Tôi không dám đòi hỏi gì nhà xuất bản, ngay cả nhà in nữa. Cái gì cũng phải đợi hết chiến tranh đã. Nước Non Bình Định chắc là bán chạy. Ông bạn tôi, Giản Chi, đọc cũng thấy thú lắm.
Kính chúc ông vạn an.

-o0o-

Nha Trang, ngày 15-5-68

Kính gửi Ông Nguyễn Hiến Lê

Thưa ông,
Nhận được sách “Cổ Văn Trung Quốc” và đọc kỹ “Cảm tưởng sau khi đọc Nước Non Bình Định”, xin cảm tạ thịnh tình.
Lần tái bản, xin sửa chữa những chỗ sai sót theo lời chỉ giáo của quí bạn hảo tâm.
Nay để tạ lòng tri âm, xin thưa qua về hát bội, nhạc võ và các môn võ Bình Định.
Trong chương trình sáng tác, tôi đã ghi những vấn đề đó. Tôi định sau khi hoàn thành “Nhân vật Bình Định” sẽ viết tiếp Võ Bình Định và Hát Bội Bình Định.
Nhạc võ là một trong bốn môn võ sở trường của người Bình Định: côn, quyền, kiếm, cổ.

Nhạc võ tức là cổ.
Kiếm cổ rất thịnh thời Tây Sơn. Qua đời Nguyễn, 2 môn này suy. Môn cổ biến thành một trò phụ trong những cuộc hát bội. Ngày xưa dùng trống chầu, sau vì không còn ai luyện nổi (không dám luyện vì cấm) các bài võ để đủ sức đánh trống chầu, nên phải dùng trống chiến.
Người đánh trống phải giỏi võ và có sức mạnh. Có 8 bài võ về đánh trống như: tập hợp, xuất phát, đăng hành, xuất trận, giáp chiến, truy kích thu binh, khải hoàn...
Vì trống trận Tây Sơn bỏ nên các bài võ cũng ít người thuộc.
Những tay võ nghệ có văn học, hiện nay đã qui tiên hết. Tôi đương lo không biết hỏi ai để viết cho khỏi bị “họa hổ bất thành”.

Hát bội cũng thế. Hiện chỉ còn một số bạn hát có tài nhưng ít học.
Trước đây tôi “ỷ” có ông cậu là Đoàn Phong và ông bạn là Diệp Trường Phát tục gọi là Tàu Sáu là hai tay “tổ võ” Bình Định, và ông bạn già là tú tài Lâm Thúc Mậu, thầy trống siêu đẳng, thông thạo bài bản điệu bộ,,, như cổ nhân. Quý ông ấy mấy năm nay rủ nhau về cõi âm hết... Tìm cho ra người đủ khả năng để thỉnh giáo thật gay go... Chưa biết vua Quang Trung và cụ Đào Tấn có linh thiêng giúp tôi toại nguyện hay chăng chẳng biết.
Trong Nước Non Bình Định in sai nhiều quá, tôi chỉ đính chính một số ít thôi. Hòn Mò O tên là Mạ thiên sơn (núi Mắng Trời), họ in lộn là Hạ.

Kính chúc ông vạn an và mong chóng hòa bình để cùng nếm trà Cam khổ.

-o0o-

Sài Gòn, ngày 25-5-68

Kính gởi ông Quách Tấn,

Thưa ông,
Ông thực nhã nhặn. Lỗi ở tôi đấy. Ông đã đính chính chữ Mạ thiên sơn rồi mà tôi làm biếng, không dò bản đính chính. Tôi làm việc còn nhiều sơ sót quá. Bài đó còn một lỗi in sai: trà cam phổ. Không nhớ là tại tôi sửa vội hay nhà in bỏ sót.
Bình Định nhiều điều đáng nói quá. Trong một cuốn không làm sao chép hết được. Nếu ông có thì giờ nghiên cứu được môn võ và môn hát bội mà viết thành một tập riêng thì càng quý, nếu không thì tôi nghĩ trong lần tái bản Nước Non Bình Định ông thêm vô vài trang cho mỗi môn, tưởng cũng tạm đủ rồi.
Công việc nhiều quá, một mình làm sao cho hết được, được tới đâu hay tới đó. Làm cho quê hương được bấy nhiêu, nhiều đấy chứ. Còn thì nghỉ ngơi và làm thơ, chẳng ai dám trách.
Kính chúc ông vạn an. Không biết chúng mình còn chịu bao nhiêu cuộc tấn công nữa. Cầu Trời cho tất cả các người quen biết đều vô sự cả.

-o0o-

Nha Trang, Rằm tháng chín Mậu Thân (05-11-1968)

Kính gởi Ông Nguyễn Hiến Lê.

Hôm nay đương nằm nghĩ đến ông, anh Đông Hồ, anh Lãng Nhân thì được bức thư của Thi Vũ ở Berlin gửi về. Trong thư có một đoạn nói về Nước Non Bình Định. Trong đoạn ấy có câu: “Bài của Nguyễn Hiến Lê viết rất nồng hậu và chí tình. Em đọc và mừng khôn xiết. Đời bạc bẽo nhưng đây đó vẫn còn những tâm hồn trinh nguyên”.
Tôi cảm động, vội viết mấy hàng này gởi cho ông.

Hiện theo lời khuyên của ông, tôi đương sửa lại “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa”. Đã viết xong 2/3. Dày độ 2/3 Nước Non Bình Định. Nhà in Hoa Sen Nha Trang nhận xuất bản.
Kính chúc ông vạn an.
-o0o-


Sài Gòn, ngày 16-11-1968

Kính gởi ông Quách Tấn,

Viết văn có hai cái thú: diễn được ý của mình và gặp được người đồng thanh hiểu được lòng mình. Ngoài ra còn có gì nữa đâu. Tôi đã đọc cuốn Tiếng Kêu Trầm Thống của ông Thi Vũ, ông ấy nhiệt tình lắm, tâm hồn đáng quý. Không biết bao giờ ông ấy mới về nước?
Nhà in Hoa Sen cũng đáng mến nữa đấy. Tôi đã giới thiệu hai cuốn Địa phương chí đều viết công phu, cho một nhà xuất bản lớn ở Sài Gòn, họ từ chối cả hai. Không phải họ sợ lỗ vốn đâu (họ không thiếu gì tiền, mà họ cũng đã xuất bản nhiều cuốn rất khó bán); chỉ tại họ không thích loại đó thế thôi.

Lạ quá, tại sao người ta không thích cái loại đó nhỉ? Ngay đến chính quyền cũng không thích, ngay đến các nhà báo cũng ít ai chịu đọc. Quê hương mà họ không chịu tìm hiểu thì họ tìm hiểu cái gì?
Tôi nghe nói ông Nguyễn Đình Tư ở Nha Trang cũng đương cho in một cuốn về Khánh Hòa. Vậy là qua 1969, tôi sẽ được đọc hai cuốn về Khánh Hòa. Cuốn của ông dày như vậy thì cũng là khá đầy đủ, mà chắc chắn viết hay hơn. Tôi xin mừng ông.

Mấy chục năm trước hồi mới đọc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, rồi đây mới đọc bài của Đông Hồ trong Bách Khoa, tôi đều nghĩ rằng hai vị đó nghiêm quá, chứ  “Ô y hạng” chỉ là một lối mượn chữ - chứ không phải dùng sai điển – giá viết văn xuôi, cho ba chữ đó vào một cặp ngoặc kép thì chẳng ai trách vào đâu được cả; nhưng trong bài thơ, chẳng cần vậy (đặt vào ngoặc kép), thế thôi. Tôi chẳng biết gì về cách thức luật lệ thơ, nghĩ vậy mà không biết đúng không.
Ông vẫn mạnh đấy chứ? Kính chúc ông vui.

-o0o-