Năm 1983



Kỳ Đồng, ngày 25-1-1983

Kính Anh,

Sao lần nào anh vô cũng hấp tấp vậy? Không ở chơi ba bốn ngày. Tôi có nhiều chuyện nói với anh về các tác phẩm của anh. Mà anh mạnh dạn thật: ngồi xe từ ngoài đó vô, cả ngày, mệt đừ; vô rồi lo chạy công việc, xong lại ra liền, lại ngồi xe cả ngày nữa. Tôi ở Long Xuyên lên, phải nghỉ vài ba ngày là ít, rồi mới đi thăm bạn bè được; về Long Xuyên cũng phải nghỉ vài ba ngày nữa. Nhưng anh năm nay cũng có vẻ yếu, sút hơn mấy năm trước rồi. Tôi còn tệ hơn nữa. Chán nản không muốn làm gì hết.

Mà các bạn thân ở đây, đa số như vậy hết. “Không khí” như déprimant. Bạn bè gặp lại nhau thấy vui vừa vừa thôi. Ít lui tới nhau. Và nói chuyện thì không có gì thú. Ai cũng lo lắng, sầu muộn, gặp những bế tắc không giải nổi. Tâm trạng đó làm sao thay đổi được? Mà không thay đổi được thì mỗi ngày mỗi thêm u uất, đáng lo ở điểm đó. Trốn vào việc viết lách, nhưng viết không có hứng, mà cũng chẳng biết viết cái gì. Không thể trốn vào những cái vui, rượu chè, cờ bạc như thiên hạ được. Anh tìm được lối nào không?

Ngay việc viết thư cho nhau cũng không buồn viết nữa. Thư từ Sài Gòn về Long Xuyên mất nửa tháng, thư ở Pháp về, có lá 3 - 4 tháng không tới. Như vậy còn ai ham viết nữa? Chán nản quá mức!

Lần này tôi ở đây 6 tuần. Giản Chi có đưa cho tôi coi tập Hứng Phấn của anh. Cũng giúp tôi qua được một tuần. Giản Chi đọc trước đã sửa một số lỗi chính tả, hoặc sơ sót. Anh ấy thế nào cũng sẽ có lời nhận định. Tôi đọc sau, chỉ ghi lại ít cảm tưởng gởi anh đọc thôi. Ghi ngay trước khi về Long Xuyên cho mau tới anh.

Tập này anh viết công phu lắm và rất bổ ích cho những người muốn hiểu thơ luật của mình từ mấy thế kỷ nay, giúp cả cho những người muốn làm thơ luật nữa. Nó bổ túc cuốn Thơ Đường luật của anh.

Anh đã khen mấy người (Lam Giang và ông bạn nào anh dắt lại tôi chơi lần trước) là cái bồ chữ. Tôi chưa biết cái bồ chữ của họ ra sao, và cái bồ đó đã giúp ích cho đời được gì không. Đọc Hứng Phấn... tôi thấy chính anh là một bồ chữ, và cái bồ của anh, anh đã biết đem ra dùng. Ở nước mình, chưa ai có công nghiên cứu thơ luật, giới thịêu, phê bình thơ luật nôm như anh, mà sau này cũng sẽ không có ai nữa. Ngoài ra anh có công giới thiệu quê hương của anh (Qui Nhơn và Khánh Hoà - quê hương thứ hai) cho quốc dân: giới thiệu kỹ từ phong cảnh, danh nhân tới thi ca, ca dao...

Đó là hai công lớn của anh, cũng như Đông Hồ có hai công lớn: Phụng sự Việt ngữ, thúc đẩy người ta trau giồi Việt ngữ từ 1924-1925, làm cho văn xuôi miền Nam hóa thanh nhã, “có văn”, như văn xuôi miền Bắc. (So sánh văn anh ấy viết từ 1925 với văn các cây viết đương thời như Nguyễn Chánh Sắt ...thì thấy một trời một vực); Anh ấy lại có công lớn với Hà Tiên, cũng giới thiệu phong cảnh, phong tục, lịch sử (họ Mạc) và Văn học (Chiêu Anh Các).

Đông Hồ và anh phải có một địa vị cao trong Văn học sử nếu tác phẩm của anh in hết được. Không in hết được thì cũng có một địa vị đặc biệt rồi.

Tập Hứng Phấn có nhiều bài đọc thú lắm, như các bài 3, 4, 5, 25 (đã hay mà tài liệu lại quí), 30, 31, 35 (anh phân tích bài Tết Trung Thu của Vị Xuyên thật thấu đáo), 42 (năm nhà thơ đầu thế kỷ: nhận xét của anh đúng).

Bài 50 anh sửa lại đoạn chép giai thoại “bóng ô” (thư Đông Xuyên) như vậy được lắm. Thú vị, không lạc đề mà không có giọng quá đùa của các cụ ngoài Huế.

Bài 48: Lưu Kì Linh. Tôi gặp ông này một lần, anh của Lưu Trọng Lư, thơ mới của Linh kém Lư, thơ luật của Lư tôi không biết có hơn Linh không.

Bài 55. Đọc xong tôi tự hỏi: Mỗi lần anh vô đây, anh có lại thăm nữ sỹ đó không? Anh “tán” (nghĩa gốc là khen, tôi không dùng nghĩa bóng đâu) mấy bài của bà ấy tài đấy.

Bài 56. Anh đặt Ngân Giang, Vũ Hoàng Chương và Bùi Khánh Đản vào một nhóm: rất phải. Vũ có tài hơn hai người kia nhiều, chắc anh có bài riêng về ảnh. Bùi có giọng ngông, nhưng tôi thấy không tự nhiên, không thành thực, mà thơ anh ta không verie, chỉ có một giọng, mau chán. Ngân Giang xúc cảm chân thật hơn.

Bài 57. Bút Trà nghe nói chết rồi, nghèo khổ lắm, anh biết tin đó không?
Nhân đây, tôi nhớ Bùi Thế Mỹ và vợ là Phương Lan (?). Anh biết Mỹ không? Có làm văn thơ gì không?. Phương Lan quê quán ở Long Xuyên, và về già cũng nghèo lắm. Chắc chết rồi...

Bài 54. Đông Hồ, Lâm Tấn Phác (bộ ngọc) ngọc còn ở trong đá, chứ không phải Phát. Ông bác của Đông Hồ do tên đó mà đặt cho Đông Hồ, tên tự là Trác Chi. Trác trong câu: Ngọc bất trác bất thành khí.
Thật ngẫu nhiên mà đúng với văn thơ Đông Hồ: rất đẽo gọt.

Chúng mình chỉ nên chúc nhau năm Quí Hợi mạnh khoẻ và vui vẻ hơn năm Nhâm Tuất này thôi.

Tôi về Long Xuyên chuyến này, lại 4-5 tháng nữa mới lên. Mỗi lần đi, ngại lắm.

Tái bút:
Bài 7, anh nhận xét thơ Nguyễn Trãi như gạo lứt muối mè. Đúng lắm. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giống thơ Nguyễn Trãi quá, có một số bài không biết chắc là của Nguyễn nào.

Bài 57. Hư Chu (1923-1973) là bạn thân của tôi, chắc anh chưa biết. Khi anh ấy mất, tôi viết ngay một bài đăng trên tờ Bách Khoa số 392 tháng 6.73. Anh có thể hỏi Châu Hải Kỳ xem có số đó không.

Hư Chu quê ở Hành Thiện, Nam Định, một làng nổi tiếng về đỗ đạt thời trước. Gần như trong làng nhà nào cũng có một ông tú, cử nhân cũng nhiều, đại khoa thì có hơi ít.
Hư Chu là con một cụ cử, học tiếng Pháp chỉ tới 2è annéc rồi về nhà học chữ Nho với cha. Khoảng 1950 vô Sài Gòn, viết cho tờ Hằng Ngày Việt Thanh, sau dạy tư về Việt sử ở Sài Gòn cho tới khi chết.
Tác phẩm có: Nam Hải Truyền Kỳ (1952) mà Nhất Linh rất thích, Thơ Nghiên Hoa Mộng (1955) 4 bài, 4 thể văn. Thơ Đường luật (1957), Hiệu đính Văn Đàn Bảo Giám, và dịch một số truyện trong Tình Sử, tập này in vừa xong thì chết).
Hư Chu làm thơ ít, vợ con cũng không giữ được, thơ luật và song thất lục bát... rải rác trong các tác phẩm của ảnh.

Tôi khen bài Duyên Liêu Trai nhất:

Phòng vắng chưa nằm đẫy giấc mơ
Vang cười chợt tỉnh có đâu ngờ!
Nửa trang kì sử hồ lay gối
Bốn mặt thu phần quỉ đọc thơ
Hẹn một đời sau âu cũng vậy
Tình trăm năm cũ lại bây giờ
Kìa ai dong đuốc xa dần mãi?
Eo óc canh gà những ngẩn ngơ.
                                                (Trong bài tựa Nam Hải Truyền Kỳ)

Hư Chu làm thơ kĩ, rất chú trọng đến bố cục (phá, thừa, trạng, luận, kết) và đến nhạc.
Thơ tuy ít mà có nhiều giọng: mơ mộng, buồn nhẹ, dí dỏm, nghiêm trang... Từ tính tình đến thơ văn đều dễ thương hơn Bùi Khánh Đản. Vì chú trọng đến nhạc (bằng trắc) quá, văn xuôi Hư Chu có vẻ cầu kỳ, cổ kính, không tự nhiên, không hợp thời, bọn trẻ không ưa.

-o0o-



Nha Trang, 03-02-83

Kính anh

Thư bảo đảm của anh gửi ngày 27-01-83, đến Nha Trang sáng hôm 02-02-83. Vì đi máy bay nên không đầy một tuần đã tới. Kể cũng có tiến bộ phần nào...

Thư này đến anh chắc kịp Tết.
Kính chúc anh chị sanh năm Quí Hợi đặng dồi dào sức khoẻ và ít gặp chuyện bực mình.
Tôi đã trao thư cho Châu Hải Kỳ rồi.

Đọc những lời nhận xét của anh về tập Hứng Phấn Nâng Hương, tôi rất mừng. Anh, anh Giản Chi và em tôi - Quách Tạo, xem văn thơ bằng cặp mắt của trí và cặp mắt của tâm. Ba nhà đã giúp đỡ nâng đỡ tôi nhiều lắm. Lâu nay nếu không có hai anh và em tôi làm trụ cột tinh thần, nhất định tôi không đủ sức chống lại hoàn cảnh bên ngoài, để cặm cụi viết viết mãi không chán.

Bạn thân và tình nhân là mưa hòa gió thuận, tình gia đình là phân bón, đối với vườn lòng của tôi. Sự nghiệp văn chương của tôi có được ít nhiều, đó là nhờ bạn, nhờ tình, nhờ gia đình một phần lớn. kể ra tôi có phước, có duyên lắm, anh nhỉ?

Vào sài Gòn, tôi muốn nói chuyện với anh nhiều vì có nhiều chuyện tâm tình không tiện viết ra giấy. Song lần nào cũng gặp khách! Khách của anh sao mà nhiều quá!

Hằng ngày tôi e anh mệt vì khách hơn mệt vì viết? Anh nói chuyện không khoẻ bằng tôi. Tôi có thể ngồi nói chuyện 3 tiếng đồng hồ không mỏi. Nhưng câu chuyện phải là chuyện văn chương, chớ chuyện đời thì chừng 15 phút đã muốn ngủ... Anh Giản Chi nói chuyện cũng dẻo lắm. Hôm tôi vào Sài Gòn ảnh tiếp tôi từ 3 giờ đến 5 giờ chiều, nói chuyện thao thao bất tuyệt. Ảnh lớn hơn anh em mình đến 8,9 tuổi mà sức khoẻ tốt hơn nhiều lắm.

Anh có hỏi về hai “bồ chữ” Lam Giang và Hồ Yêm (tức là ông... hôm nọ đó). “Bồ” thật sự, vì L.G xem đâu nhớ đó mà lại ham đọc sách (lúc thanh niên), còn Hồ Yêm là một con mọt sách, “gặm sách” từ lúc còn đi học ở Qui Nhơn cho đến khi làm việc Nam triều, làm việc với các chánh phủ Cộng Hoà, chánh phủ Cách Mạng, đến lúc về hưu... vẫn “gặm sách” không ngừng... L.G thu vào nhiều mà phát ra không mấy. Còn H.Y thì bảo: “chả người làm sẵn, mình ăn chẳng sướng hơn nai lưng ra làm chả đãi người khác hay sao?”. Cho nên không viết mặc dù viết thạo lắm (tôi còn giữ một ít đoạn văn, một ít bài thơ của anh ta viết cho vui). Tôi không gặp Hồ Yêm từ năm 1965. Sau 17 năm mới gặp lại. Anh ấy đã 72 tuổi rồi. Tai nặng. Trước kia ít nói nhiều cười. Bây giờ hay nói lại ít cười! Vì tuổi hay vì thời cuộc? Có một điểm không thay đổi nơi anh ấy là vẫn “gặm sách”.

Thơ Hư Chu, như bài Duyên Liêu Trai, dễ thương quá. Làm sao có thêm được ít bài để viết “thi thoại” cho sướng tay.
Tên của Đông Hồ vì lót chữ Tấn, nên tôi tưởng là Phát. Viết sai tên của ảnh, chắc ảnh đã sắm sẵn roi để chờ tôi thừa hoàng hạc đến thăm ảnh, ảnh sẽ trót cho ít roi...

Tết anh ăn Tết ở Long Xuyên. Tôi ăn Tết Nha Trang một nửa, về ăn thêm nửa ở Qui Nhơn. Còn đi được cứ đi cũng như còn viết được cứ viết. Viết cho vui, đi cho vui, vui tuổi già để cầm xuân ở nán lại cùng anh, anh Giản Chi và tôi. Không biết anh Đông Xuyên còn muốn xuân ở lại với anh chăng? Hay là “những e xuân biết ngỏ lời, duyên xuân chẳng thấm đến người tuổi cao” ?

-o0o-




Long Xuyên, 10-4-83

Kính anh,

Tôi đã được thư của anh và cảm ơn anh đã chuyển giùm thư của tôi cho anh C.H.K.
Hồi Hư Chu mới mất, tôi có lại nhà chị ất hỏi bản thảo, nhất là tập thơ của anh ấy, chị ấy có giữ không, tôi coi xem có gì in được không?
Chị ấy chẳng biết gì về bản thảo của chồng cả, mà tụi con thì còn nhỏ. Mà hình như Hư Chu cũng tài tử lắm, chẳng giữ kĩ bản thảo đâu.
Vì vậy tôi không biết Hư Chu có còn những bài nào hay không. Trong cuốn Nam Hải truyền kì (tiểu thuyết) và cuốn tình sử (dịch), có ít bài thơ, khéo thì khéo, nhưng không thể dùng được.

Thời tiết nóng quá. 35 độ trong bóng mát. Đêm ngủ không được. Ngày ăn không ngon. Chẳng làm được gì cả.

Tinh thần anh ra sao?Vẫn gõ đều đều đấy chứ? Mỗi ngày được hai trang không?
Có tin chính phủ hạn chế số cadeau mình được phép nhận của thân nhân. Tôi thì không lo, từ trước vợ con vẫn gửi vừa đủ dùng cho tôi thôi, chắc là còn thấp hơn số chính phủ quyết định cho phép nữa. Nhưng cũng là triệu chứng đời sống sẽ khó khăn rồi.

Anh bao giờ lại vô thăm Hòn Ngọc? Tôi thì chắc đầu mùa mưa mới lên được.

Kính thăm anh chị và chúc anh chị vạn an.

-o0o-




Nha Trang , 19-4-83

Kính anh,

Anh Châu Hải Kỳ đã chuyển thư anh đến tôi rồi. Thôi đành viết sơ sài về anh Hư Chu với câu than “văn chương vô mệnh”.

Từ hôm ở Sài Gòn về đến tháng 2 âm lịch, bệnh cúm “bắt tình” với tôi. Không đau không ốm chi cả. Trong người cứ cảm thấy ớn ớn lạnh phải luôn luôn mặc áo laine. Không biết có phải sợ chị em bà Kiều đi tảo mộ chăng mà từ đầu tháng 3 âm đến nay, tôi hồi xuân trở lại và bắt đầu lóc cóc và viết thư.. .
Ngót 60 thiều quang, tuy sức khoẻ không được “xuân xanh”, nhưng tối 30 pháo nổ và sáng mồng một chợ nghỉ nhóm tôi vẫn có thơ.

                        ĐIỂM SỔ BÌNH SINH
Chờ xuân tạm gác thú tam dư
Điểm sổ bình sinh bút tuế trừ
Năm chục lửa than nghề chữa chín (1)
Bảy tư mày tóc nết còn hư
Xa làng gối đọng mây Tần Lĩnh
Gần chợ lòng vương sáo Tử Tư
Hoa nở ngày mai trang lịch mới
Nước non tình cũ vẫn klhư khư.

                        HĂM LĂM XUÂN NỮA
Hăm lăm xuân nữa tuổi tròn trăm
Một mối văn chương nối nghiệp tằm
Lòng gởi nghìn thu câu đắc thất
Song vầy chín chục bóng quang âm
Nương dâu trãi lục dâng màu gấm
Rừng gió ngưng sương lắng giọt trầm (2)
Chi ngại khói mây chìm viễn vọng
Thanh bình mai mận ngát phương tâm

Nha Trang lúc này vật giá leo thang. Có lẽ là tình trạng chung. Quà lãnh lại bị hạn chế, chưa biết ngày mai có đẹp hơn ngày nay.
Hôm mùng 4 Tết tôi có về Bình Định.
Đâu đâu cũng như nhau cả: người có tiền tiêu tiền như nước, người không tiền vẫn phải thắt bao tử đến mức tối đa. C.T sạt nghiệp! Cảnh buôn thúng bán bưng, thật tủi nhục trăm bề. Nhưng biết làm sao được.

Năm nay tôi định viết cho xong hoặc tập Đường Luật thư 2, hoặc tập hồi ký Bóng Ngày Qua. Song bút chưa thấy hứng. Để khỏi mất thì giờ, tôi lại tiếp tục viết tập thi thoại Hứng Phấn Nâng Hương. Thơ trong tập này ít hay nhiều dở, song nghĩ đến câu “aimez ce que vous ne verrez jamais deux fois” và “tuy không là gấm là hoa, chỉ thêu tâm sự vẫn là văn chương” nên “nhiễu điều phủ lấy giá gương”.

Không biết anh Vương Hồng Sển đã hay tin anh Mạc Như Tòng đã mất hay chưa? Chắc chưa. Vậy khi nào anh có gặp xin tin dùm cho ảnh biết rằng anh Tòng mất hôm 04-4-83. Tôi mới vừa hay ít hôm nay.

Viết đến đây trực nhớ lại là anh ở Long Xuyên làm sao gặp anh Vương mà nhờ...? Chưa “già” mà đã lẩm cẩm!

Chúc anh an hảo.

Kính lời thăm chị và chúc chị dồi dào sức khoẻ.
Nhà tôi lúc này ít đau “thường xuyên” chắc sợ không tiền mua thuốc.

(1) Tôi được Tản Đà tiên sinh cho nhập tịch làm thơ năm 1932 đến 1982 đúng 50 tuổi thơ.
(2) Cây gió sanh trầm, ở Nha Trang mọc từng rừng.


-o0o-




Long Xuyên, 01-7-83

Kính anh,

Tôi theo lệ thường, vừa rồi tôi lên Sài Gòn một tháng, hỏi thăm anh Giản Chi thì hay từ Tết anh chưa vô. Về đây mới nhận được thư 19-4-83 của anh. Vậy là thư đi mất 2 tháng 10 ngày.

Chuyến đi lên thành phố lần này không vui, vì không có gia đình nào vui. Hai ông bạn học cũ chết vợ. Bạn văn thì một ông sắp đi đoàn tụ gia đình ở Canada. Bàng Bá Lân gần như bại một chân, đi phải chống gậy. Buồn nhất là tin anh Trương Văn Chình (cùng soạn với tôi cuốn Khảo Luận Về Ngữ Pháp Việt Nam) mất ở Pháp. Anh ấy qua Pháp chưa được 11 tháng thì mất sau khi giải phẩu cái prostate.
Chết vì yếu quá, vô thuốc mê mạnh quá. Rồi lại được tin vợ một bạn thân ở Paris cũng chết. Thêm tin buồn nữa là anh bị vận hạn. Tôi viết thư hỏi Kỳ ngay mà chưa được hồi âm. Nhưng tôi chắc là chỉ qua loa thôi, nay anh đã thảnh thơi rồi.
Thấy hai bài thơ đầu năm của anh vui lắm mà. Anh vẫn ham sống đến trăm tuổi. Tôi ngại quá. Dù cho sống mà vẫn mạnh, tinh thần vẫn sáng suốt, nhưng các bạn cũ thưa lần thì biết thư từ, chuyện trò với ai. Tôi đếm trên ngón tay: ở Sài Gòn tôi chỉ còn 5 bạn thân với hai bạn hơi thân.

Rồi còn nông nỗi này nữa, làm gì cho hết ngày, anh? Anh có chương trình khá dài là ba tập phải viết: Đường Luật 2, Hồi KýHứng Phấn Nâng Hương. Tôi cho rằng ba năm anh sẽ viết xong, rồi sau đó, còn trên 20 năm nữa, anh làm gì?

Tôi thì mới viết xong tập cuối cùng: Sử Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, sửa lại bản thảo. Thế là xong. Qua 1984 không có gì để làm nữa. Buồn chết đi chứ, vui nổi gì mà sống đến trăm tuổi.

Khi nào viết thư cho họ Vương, tôi sẽ cho ảnh hay Mạc Như Tòng chết 04-4-83. Ông này là ai vậy?
Vương năm nay còn mạnh, mà vẫn như anh, gõ suốt ngày - gõ hồi kí. Đã được cả ngàn trang rồi, và còn có thể viết được hai năm nữa... Kể ra sức làm việc của các đại ca (Quách và Vương) - danh sĩ phương Tây cũng không sánh kịp.
Bản thảo của anh còn gởi đến đây chứ? À, Giản Chi cho tôi hay có viết ít trang góp ý với anh vài nhận xét về các điển anh dùng trong Thơ Đường Luật Hứng Phấn Nâng Hương, đợi gặp anh sẽ đưa.

Tết vừa rồi tôi được vinh dự Nguyễn Hàm, chủ nhiệm tờ Giác Ngộ, về Long Xuyên với vợ bé và con nhỏ, ghé thăm tôi cho hay ông anh, Xung, vẫn ở với anh ta - Hàm, và làm một công nghiệp nhỏ nào đó để sống, đời không vất vả như trước nữa. Hàm dẫn điển “ngủ đẩu mê” của Đào Tiềm để kể tâm sự.  Có tâm sự của Đào, con người đó đáng quí thật!

Hai bài thơ của anh, tôi thích bài sau hơn, và thích câu 8 hơn hết. Anh có thể dùng bút hiệu Phương Tâm được đấy.
Anh nói đúng: không nhà thơ nào số tốt như Đông Hồ. Sống thì phong lưu, nổi danh sớm, chết thì thật đẹp như anh đã biết (Lương Khải Siêu bảo, học giả chết ở giảng đường như viên tướng chết ở sa trường). Vinh dự ngang nhau mà sướng hơn nhiều. Rồi bây giờ, Mộng Tuyết lại hốt cốt chồng, chở cùng với cỗ quan tài về chôn ở núi Tô Châu, nhìn xuống hồ Đông, mộ bia có một đôi câu đối chữ Nôm. Ấy là chưa kể Đông Hồ mới nằm xuống, vợ con lo xuất bản hết những bản thảo còn lại của anh ấy!

Cảnh C.T bi đát tới nỗi đó ư? Con trai đã học xong môn kiến trúc chưa? Coi tướng thì tôi không thấy vất vả lắm mà!
Nhưng có điều để an ủi là thời này đa số phụ nữ Việt Nam rất khổ mà cũng rất đảm đang, là cái cột chống đỡ gia đình. Dân tộc mình còn được vẻ vang đến ngày nay, thực là nhờ công của phụ nữ.
Khắp thế giới đều khổ vì nạn kinh tế không có thuốc chữa, vì người ta chỉ lo sản xuất vũ khí thôi.

Rồi thêm cái nạn robot nữa. Cả thế giới có 100.000 robot thì Nhật hiện có 80.000. Một robot thay được 4 người thợ. Sau này nó sẽ thay được 10 người thợ. Nạn thất nghiệp ở Nhật nặng nhất. Rồi các nước khác cũng như vậy. Các nước nhược tiểu chúng mình phải lo tự lực cánh sinh, không trông cậy gì vào các nước “tiến bộ” được. Họ cứu họ chưa xong mà!

Chúc anh chị an vui, Nhớ cho tin liền nhé.

Tôi nhận thấy thư đừng đề tên người gởi thì lại mau tới.

-o0o-



Nha Trang, 28-7-1983

Kính anh,

Thư anh gởi ngày 17-7-83 đến Nha Trang ngày 23-7 và đến tôi ngày 27-7. Đi mấy chặng đường mà chỉ không đầy một “tháng thiếu” đã đến thì kể cũng đáng mừng.

Tôi nay là một con nhộng không bị luộc nhưng không còn kén. Tất cả bản thảo, bản cảo, tài liệu, sách quí xưa và cũ... đều từ giã tôi. Tất cả tác phẩm của tôi:
§     14 tập thơ sáng tác trên nghìn bài.
§     3 tập thơ dịch gần 250 bài.
§     1 tập văn biền ngẫu (văn tế, bi lý).
§     20 tập văn xuôi.
Mới xuất bản được 5 tập thơ sáng tác, 1 tập thơ dịch và 5 tập văn xuôi.
Thơ ra được 5 tập rồi, cũng tạm đủ.

Những tập văn xuôi còn tại cảo:
§     Bóng Ngày Qua trên dưới 2000 trang
§     Hương Vườn Cũ gần 450 trang
§     Trong Vườn Hoa Thơ trên 350 trang
Là những tập chứa đựng nhiều tài liệu khá cần thiết trong việc nghiên cứu thơ văn cận  cổ. Nếu mất đi thì thật đáng tiếc hơn tất cả các tập văn xuôi khác của tôi.

Tôi có gởi cho anh Giản Chi một bản kê đầy đủ các tác phẩm soạn trong 50 năm (1932 – 1982). Tôi nhờ ảnh khi nào anh xuống Sài Gòn trao anh xem để vui hay buồn giùm cho tôi.
Tôi có bài cảm tác:
Tai ách khi không mắc giữa đàng
Vườn xưa mai mận phút thành hoang
Cưu đành chiếm trọn công ô thước
Tằm cũng mang chung nghiệp dã tràng
Đôi nhánh thu gầy treo viễn mộng
Nửa rèm trăng xế đọng hàn quang
Tình chung non nước chừng soi thấu
Chẳng lẽ cao xanh nỡ phụ phàng.

Sức khỏe tôi cũng như trí nhớ giảm nhiều quá. Nay không còn đi thẳng lưng và không còn có thể “lốc cốc” cả ngày được (mà máy đánh chữ đâu còn nữa để lốc cốc). Nhưng lòng vẫn giữ được bình tĩnh. Lòng cố tỉnh.

Tội nghiệp nhà tôi.

Những tưởng vun thu phòng lúc thiếu
Ai ngờ ky cóp cũng như không !

Nên buồn sanh bệnh! Bệnh lại không tiền uống thuốc nên nay chỉ còn da bọc xương!
Các bạn văn ở Nam như anh cho biết cũng không “hanh thông” gì hơn tôi. Chúng mình có thể than rằng “lão bất phùng thời”.

Từ ngày bị vận hạn đến giờ, tôi không gặp Châu Hải Kỳ. Thiên hạ lúc này nuôi gà, nuôi heo, anh ta lại nuôi thỏ! Nhà văn Võ Hồng cũng thế. Hiện nay ở Nha Trang tôi không còn ai có thể gọi là bạn. Ở xa chỉ còn anh và anh Giản Chi.

Lúc này càng thấy rõ tình C.T sâu vô để. Ăn chay niệm Phật và khóc suốt thời gian tôi bị gian nan! Con trai sắp thi ra trường trong vài tháng nữa. Học giỏi, mong được đậu cao để đền đáp mẹ.

1973 bị hư một mắt. 1983 bị mang ách giữa đàng! Vận hạn!

Bàn máy bút máy đều không còn nên phải dùng bút của lũ cháu sắp để vẽ! Vui gượng thật sự.

Chúc anh chị an hảo.
-o0o-




Long Xuyên, 27-8-1983

Kính anh,

Tôi đã nhận được thư 28-7 của anh, cũng không tới một tháng, nhanh đấy. Thư của họ Bàng, họ Vương ở Phú Nhuận, Gia Định về đây có khi mất ba tháng!

Anh cặm cụi và đều đều viết liên tiếp nửa thế kỷ, điều đó không ai hơn anh được. Cái kén của anh dầy thật. Tôi tin rằng ai cũng phải nhận anh hiền như con nhộng, và trước cuối năm kén sẽ trở về với anh. Anh cũng nên tin như vậy đi. Qua năm anh sẽ vui.

Tôi nhớ năm ngoái anh bảo nhờ trời, mấy năm nghèo thì chị không đau thường như trước. Lần này chị chỉ phải ưu tư có khoảng nửa tháng mà sao sút mau như vậy; tôi mong rằng chị đã hết lo thì sức khoẻ sẽ bình phục.

Ngay từ khi gặp lần đầu, tôi đã thấy cô C.T là người thành thực, trung hậu; hình như tôi đã nói như vậy trong một bức thư nào từ lâu rồi. Còn bà Phụng (?), thì chưa gặp lần nào, cũng chưa trông thấy nét chữ, chỉ đọc thơ thôi, tôi đã thấy là sắc sảo quá. Anh biết tôi thích sự hồn nhiên. Bà ấy lâu lâu có về thăm ngoài đó không? Được tin của anh không?

Tôi mừng rằng cậu em học ở Kiến Trúc năm nay ra trường, chắc đậu cao, điều đó an ủi C.T, chứ chưa chắc đã giúp được gì cho nhà. Coi tướng tôi thấy không có vẻ gì vất vả, mà sao long đong thế!

Ở ngoài anh đã có lệnh dời hết các ngôi mộ ra khỏi thị xã không? Ở TP.HCM, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đã dời được nhiều rồi. Ở Long Xuyên này cũng chuẩn bị dời, để giữa năm 84 thì xong. Nhà tôi phải dời 3-4 ngôi, không biết sẽ tốn mấy ngàn một ngôi.

Mộng Tuyết đã dời mộ Đông Hồ về núi Tô Châu, chôn gần mộ tổ tiên, trên một chỗ nhìn xuống Hồ Đông, nghe nói cảnh đẹp lắm. Mộng Tuyết được nhiều người giúp đỡ, nên được phép chở cả cái quan tài bọc kẽm về Hà Tiên; chứ người khác thì phải phá quan tài, chỉ được đem cốt đi thôi.Tại mộ mới, cũng dựng bia khắc hai câu đối nôm của Giản Chi làm. Chắc tốn kém nhiều.

Đông Hồ tốt phước quá, đám ma linh đình, người đi đưa rất đông. Chỉ trong hai năm sau, bao nhiêu tác phẩm còn lại đều được in hết. Rồi bây giờ được nằm ở trên núi nhìn xuống hồ. M.T sẽ tìm hoàng lan để trồng bên mộ nữa. Các nhà thơ từ đầu thế kỉ đến nay tôi chắc chỉ có Hàn Mặc Tử được như vậy.

Mươi bữa nay mưa ngâu. Trời u ám. Sân lầy lội. Mỗi tuần ba ngày không có điện, tôi phải ra nằm võng ở hiên để đọc sách cũ. Nếu mưa lớn, hắt, thì phải vào giường nằm khoèo.

Đàn vịt 5 con, tháng trước còn nắng, cứ cách 3-4 giờ, chúng lại từ sân sau quạc quạc, lạch bạch chạy ra sân trước, tắm dưới mương, hụp lặn rồi lên bờ rỉa lông, xong rồi lại quạc quạc, lạch bạch rút về vườn sau, mỗi ngày ba bốn lần như vậy. Từ khi mưa ngâu, chúng cũng ủ rũ, không rủ nhau đi tắm nữa.

Kính chị mau vui trở lại và bình phục, chúc anh tin tưởng.

-o0o-



Nha Trang, 10-9-83

Kính anh,

Dùng giấy loại để viết thư như thế này thật vô lễ. Nhưng trước hoàn cảnh hiện tại của tôi, chắc chắn là anh đã tha thứ rồi.

Buồn lắm anh ơi! Trong mấy tháng nay bao nhiêu chuyện không may xảy đến cho gia đình tôi: vợ đau, cháu đau, con đau, đứa ở đau, lại cháu đau... Bệnh viện, lương y, bác sỹ... một mình tôi và đứa con trai nửa mạnh nửa yếu lo chạy cả thuốc lẫn tiền. Nếu cảnh nhà tôi là một sân khấu thật sự thì cũng khá nhộn, lắm người xem. Đây lại là một “hý trường giả” nên không bán vé được! Cười ra nước mắt!

Nay tất cả con cháu đã khỏi. Riêng nhà tôi mỗi ngày mỗi nặng thêm. Nghĩ chết lúc này tốn kém lắm nên bả ráng về Qui Nhơn nhờ người em rể điều trị. Người này là một ông lang có nhà thuốc lớn. Người vợ lúc nhỏ được nhà tôi nuôi nấng cho đến lúc có chồng, tình rất thân... Nhà tôi vì vậy cực chẳng đã, chúng tôi mới làm phiền... Nhà tôi về Qui Nhơn hơn mười hôm rồi, bệnh có phần đỡ...

Tuổi già của tôi đã cận hoàng hôn rồi!

Nghe lời anh Giản Chi, “hư tâm tiếp vật”, mà lắm đêm nằm không ngủ được, buồn thấm tận đáy lòng! Muốn viết lách cho vui, mà bao nhiêu sách vở, bao nhiêu tài liệu... đều “dư thừa hoàng hạc khứ”, thêm nỗi lâu nay viết bằng máy đánh chữ đã quen, nay cầm cây bút viết không nên câu nên cán chi cả. Viết để sống, mà viết không được thì nằm làm thơ, để được chắc chắn rằng trước khi chết mình còn thơ.

Mấy tháng nay, tôi làm được trên mười lăm bài thơ. Xin chép một bài trình anh nhã chính:
Tuổi trời đã xế bóng tang du
Lạnh thấm từng cơn lá rụng thu
Có việc chớ mong nhờ kẻ trí
Sa cơ đành chịu gánh phần ngu
Gá duyên bình thuỷ mây theo sóng
Giữ nếp phong tao én dệt mù
Lắm lúc hư tâm ngồi đối cảnh
Vườn hoa nhân thế bướm Trang chu
            Câu kết sửa lại:
Lắm lúc hư tâm nhìn thế sự
Hạc huyền Tô Thức bướm Trang chu.

Trước đây (sau khi được thư anh) tôi có gởi đến Long Xuyên 1 bức thư. Thư gởi một lần cùng thư Giản Chi. Thư Giản Chi đã đến Khánh Hội bình yên, chắc thư anh cũng không bị “kỹ thuật trục trặc” và cũng đã đến nơi đến chốn rồi! Thư lúc này thường bị thất lạc và bị đi đường vất vả nên tới rất chậm. Thư tôi gởi về Qui Nhơn và Qui Nhơn gởi vào, chỉ trên 200km, mà nhiều khi gởi lúc trăng mới hé lưỡi gà mà đến cũng lúc trăng lưỡi gà mới hé! Lắm lúc hết muốn viết thư mà cũng không còn cái thú mong thư! Bên mình lại không bạn! Thiếu thốn đủ cách!

Anh Đông Xuyên không biết có được mạnh giỏi chăng? Lâu lắm rồi tôi không gởi thư mà cũng không nhận được thư của ảnh. Hiện nay tôi chỉ còn ba bạn thơ từ qua lại không e ngại là anh, anh Giản Chi và Nguyễn Đống ở Bình Khê...

Kính chúc anh chị an hảo.

-o0o-




Long Xuyên, ngày 01-10-83

Kính anh,

Tôi mới nhận được thư 10.9 của anh, hôm nay có người sắp đi Sài Gòn, nên viết thư nhờ họ mang lên trên đó bỏ thùng thư, cho nó mau tới. Thư anh tới tôi như vậy là mau đấy, chỉ chưa đầy ba tuần.

Thư bạn ở Sài Gòn về đây cũng thường thường là 1 tháng, có khi ba tháng! Ở đâu cũng vậy, ai cũng phàn nàn rằng thư đi chậm quá. Mới qua năm nay là có hiện tượng đó, không hiểu tại sao. Thành thử ai cũng ngán viết thư. Lúc buồn thì viết, trước kia còn có cái vui là bạn chia buồn với mình, nay thì không mong được vậy nữa vì thư không chắc tới được, mà có may mắn lắm 3 tháng, 4 tháng, có khi 6 tháng mới có hồi âm, “nguội” lắm rồi. Bây giờ viết chỉ là để giãi nỗi lòng trên giấy đấy thôi.

Từ chiều qua tới sáng nay, mưa từng cơn lớn, rồi rỉ rả hằng giờ; rồi lại đổ một cơn lớn rồi lại rỉ rả, cứ như vậy liên tiếp, có thể trọn hôm nay, ngày mai nữa vẫn chưa hết.
Thư anh càng làm cho tôi buồn thêm. Trong mấy tháng nay gia đình tôi cũng như gia đình anh, hết người này đau tới người khác đau: nhà tôi khi không huyết áp từ 12 (maximum) nhảy vọt lên 18 rồi 22! Cả nhà hoảng hồn, 2-3 ngày sau xuống 12, may quá. Rồi nột đứa cháu nhà tôi bị sốt xuất huyết hơn một tuần, may mà nhẹ, chỉ tốn độ 2.500đ tiền thuốc thôi. Còn tôi thì hai tháng liên tiếp các bệnh vặt cứ thay phiên nhau xuất hiện: Cảm, ho, tức ngực, tiêu chảy, bón, mất ngủ, hết một lượt lại trở lại cũng những bệnh đó. Cứ ăn cơm được vài ngày thì lại phải ăn cháo vài ba ngày, mới khoảng hai tuần nay là yên.

Còn nhà tôi bên Pháp thì hai năm nay chỉ lo trị mắt, mổ cataracte rồi thì mổ glaucome, hết glaucome thì bị một bệnh kì dị: cornée ở mắt sưng, phải lại banque des yeux xin một con mắt, lấy cornée của nó làm greffe vào mắt của mình, lắm chuyện lắm và tốn không biết bao nhiêu tiền, nay thì tạm yên.

Tôi mừng rằng chị về Qui Nhơn trị, đã có phần đỡ, tôi mong rằng anh được thư này thì chị đã bình phục.
Tôi không nhớ lá số của anh và hình như nó cũng không đúng lắm; anh thử coi lại xem năm nay nó có xấu không. Tôi đoán cảnh anh lúc này chỉ là tiểu hạn thôi, qua năm thì lại như thường.
Được thư trước nữa của anh (thư 28-7, tới tôi 10-8), tôi đã trả lời liền, bỏ chung trong thư cho họ Châu, nhờ anh ta giao lại anh, thư đó tới chưa? Trong thư tôi bảo anh cứ yên tâm, từ nay tới cuối năm, người ta xét xong vụ của anh, biết anh trong trắng thì sẽ trả lại anh những vật niêm phong (?) đó; nếu chưa trả thì sang năm anh cứ thẳng thắn xin người ta xét lại cho và tôi chắc người ta sẽ trả, chứ giữ làm gì?

Bài thơ của anh, câu hai “Lạnh thấm từng cơn lá rụng thu” rất thấm thía, cặp luận cô đọng, tình, cảnh đều hay, hai câu kết sửa lại hay hơn trước. “Hư tâm tiếp vật”, lời khuyên đó rất đúng. Nhưng anh ra sao chứ tôi thấy chỉ hư tâm được một lúc thôi, rồi lại bị “vật” nó làm cho mình bị bận tâm. Mình không phải là hạng người tu hành được. Những lúc viết thư như vầy là hư tâm đấy.
Viết xong, kiếm một cuốn sách cũ nào đọc lại, cũng là một cách để khỏi phải tiếp vật, mà tâm tạm “hư” được nữa.

Hồi này tôi đoc lại ba tiểu thuyết của ba nhà văn Đông Âu émigré Pháp thời sau thế chiến 1 và đầu thế chiến 2, thấy nỗi sầu của họ, cảnh của họ bi đát quá. Cả thế giới, từ nửa thế kỷ nay biết bao bi kịch. Tới tuổi mình và ở thời này đọc mới thấy thấm thía.
Nào phải chỉ anh là tuổi già đã cận hoàng hôn. G.C cũng vậy, tôi thì từ 1980, khi về đây, cũng tự cho là cận hoàng hôn rồi. Tôi định năm nay và sang năm làm xong vài việc vặt trong nhà rồi đợi hoàng hôn nó xuống. G.C chắc cũng vậy, năm nay đã ít đi thăm Đông Xuyên. Còn Đông Xuyên thì mấy năm nay không đi đâu hết, vì vài con rể vẫn chưa được yên.

Vương Hồng Sển năm ngoái đau khá nhiều, năm nay 82 tuổi, mạnh lại, vẫn viết hồi ký, nhưng không mong gì xuất bản được. Vì người ta cho hay ngay ở Mỹ, nơi có nửa triệu Việt kiều mà sách mới chỉ dám in 500 bản thôi, bán lây lất mấy năm mới hết. Tình hình như vậy thì ai mà không chán. Đợi tới cuối thế kỷ xem sao. Lúc đó thì chúng mình đã ở trời khác từ lâu rồi. Bàng Bá Lân năm ngoái cũng bị bệnh, nay gần hết, đi khó khăn, rất chậm, không dám đi chơi nữa. Và tình hình kinh tế chắc cũng tối tăm.

Xin chúc chị bình phục và chúc anh hi vọng ở sang năm chắc chắn sẽ vui hơn.

-o0o-




Kỳ Đồng, 24-12-83

Kính anh,

Non hai tháng nay bận tíu tít, mà mệt nữa, vì nhà tôi, qua Paris ở với con từ 4-1972, nay mới về thăm tôi: gần 12 năm. Còn mạnh khỏe hơn tôi, con và cháu nội bên đó đều bình thường.
Nhà tôi lại trở về Paris rồi, không biết bao giờ mới về thăm tôi nữa.
Tôi được anh Giản Chi cho hay đã nhận được hai bức thư của anh: bức trước bảo châu đã lần lần về Hợp Phố; bức sau mới nhận được vài hôm nay, rất dài, 4 trang đặc, chép lại 4 –5 bài thơ, nét chữ tươi đẹp, giọng vui vẻ (tôi không đọc, chỉ biết đại khái như vậy thôi).

Thế là đúng như lời tôi đoán và mong: cứ yên tâm đợi tới cuối năm, người ta thấy lòng anh ngay thẳng, tất sẽ trả lại anh hết.

Vậy là Tết này anh lại vui vẻ thưởng xuân được rồi. Lại có thể ngâm câu “Tà dương vô hạn hảo”, vì qua được một năm xấu rồi thì những năm còn lại của đại vận 10 năm, sẽ không có gì đáng ngại nữa.

Chị lúc này thật mạnh không? Về Nha Trang chưa? Cô C.T hết lo cho anh rồi; tình cảnh khá hơn không?

Xin anh từ nay viết thư thì cứ gởi về 12/3c Kỳ Đồng. Đừng đề về Long Xuyên, dưới đó họ ỉm thư của tôi, rồi khi nào có người ở Long Xuyên lên thì sẽ đem về cho tôi. Anh nhắn giùm anh Châu Hải Kỳ như vậy.

Thân kính

TB.: Ngày mai tôi về Long Xuyên lại 4, 5 tháng nữa mới lên đây.