Năm 1984



Long Xuyên, 15-01-84

Kính Anh,

Tôi về đây đã non hai mươi ngày. Trước khi về ít ngày, tôi có gởi cho anh một bức thư ngắn mừng anh, châu đã lần lần về Hợp phố, và hình như có chúc Tết trước anh nữa, thư đó anh nhận được chưa? Trong thư tôi quên không dặn anh có viết thư cho tôi thì gởi về Nguyễn Hiến Lê 12/3 Kỳ Đồng, đừng gởi về 92 Tôn Đức Thắng nữa, vì thư ở đây thất lạc nhiều quá. Họ không đủ  sống, làm việc tà tà, mà người trên không dám đuổi, không dám rầy họ nữa. Cứ khoảng một tháng, ở đây có người quen lên xuống, sẽ lấy thư ở Kỳ Đồng đem về cho tôi. Như vậy, có thể hai tháng thư mới tới tay tôi, chậm còn hơn mất. Còn tôi, gởi thư cho các bạn thơ dán cò rồi đợi có ai đi Sài Gòn, nhờ người ta đem bỏ thùng thư trên đó.        

Anh, nhất là chị, đã mạnh như trước chưa, cả tinh thần lẫn thể chất? Châu về Hợp phố đủ chưa? Vậy là năm 1983 anh không vô SàiGòn lần nào cả? Nhưng có nhận được quà không?

Tôi về Long Xuyên này đã bốn năm rồi. Thị xã thay đổi nhiều, trước chợ trời đông đúc lắm, nay bớt rồi, trái lại các cửa hàng của chính phủ mọc thêm nhiều và bắt đầu thịnh, tư nhân khó làm ăn lắm: nhiều tiệm ăn, tiệm cà phê đóng cửa, thuế nặng quá, ngay các hàng quà rong cũng bớt một nửa vì người ta ít tiền mua. Đại đa số sáng ăn cơm nguội, hoặc ăn cháo, ăn khoai lang. Các tiệm thuốc Tây bị dẹp hết rồi, thuốc cũng như gạo, do chính phủ quản lý. Bác sĩ không được làm riêng tại nhà sau giờ làm việc nữa; nhưng được phép làm tư tập thể: 2 –3 người được phường cho một căn nhà để khám bệnh thêm ngoài giờ làm việc, chia nhau ra mà làm, người ngày này, người ngày khác; tiền coi mạch là mười đồng, chích thuốc một đồng, cuối tháng được bao nhiêu thì chính phủ bốn hay ba,  bác sĩ  sáu hay bảy.

Đã gần 15 tháng chạp rồi mà chợ chưa có vẻ gì tấp nập. Khu vườn của tôi cũng tiêu điều hơn trước. Thời đó tôi có hai cây mận, một đỏ, một trắng, đều rất ngon, nay già quá rồi, đã đốn cây đỏ, mé nhánh cây trắng. Xoài cũng chết một cây, sắp chết một cây nữa. Cũng đốn nữa để cưa bửa làm củi. Vấn đề củi thật nan giải; nhà nào có vườn cũng lượm lá cây để chụm.

Mấy hôm trước, tiết tiểu hàn, lạnh quá (đêm 210), tôi rất khó chịu. Mấy hôm nay bớt lạnh, nắng; và sáng hôm nay,  chim đã hót ríu rít, rất vui, nhưng chỉ được độ nửa giờ thôi, rồi đi đâu không biết. Khoảng nửa tháng xuân về, không biết chúng có trở lại nhiều hơn, hót lâu hơn để tôi được vui khi mới thức dây như tôi đã kể với anh năm nào đó không.

Anh có thấy bao nhiêu đắc thất, thăng trầm trong trên nửa thế kỷ của tụi mình như một giấc mộng kê vàng không? Tác giả nào đặt được ngụ ngôn đó thật là thiên tài. Phương Tây tôi không thấy có truyện nào như vậy. Tôi thường nghĩ giá tôi không viết được ít cuốn sách thì đời tôi thật vô nghĩa; nhưng rồi lại nghĩ rồi đây sẽ thấy ngay những cuốn đó cũng vô nghĩa nữa.

Đọc Tình sử cho đỡ buồn. Bài Hoa đào năm ngoái của Thôi Hộ, Hư Chu (trong Tình sử - 1973) dịch:
Năm ngoái hôm nay trong cửa ấy
Hoa đào cùng ánh mặt ai hồng
Mặt ai, nay biết tìm đâu thấy
Riêng vẫn hoa đào cợt gió đông

Phan Thế Roanh (trong Điển cố - 1954) dịch:

Cửa này hôm trước cũ hôm nay
Mặt ngọc, hoa đào ánh đỏ hây
Mặt ngọc đi đâu mà chả thấy,
Hoa đào cuối gió hãy còn đây

Anh cho bài nào hơn.

Họ Phan này cũng là danh gia đất Bắc: Cha là Phan Mạnh Danh có tiếng, viết được ba bốn cuốn về thơ cổ, có hai người con: Phan Thế Roanh và... (tôi quên tên) đều thích văn thơ, đều có một – hai tác phẩm; anh có viết về gia đình đó không.

Lại chúc anh lần nữa: Từ sang năm lại vô hạn hảo.

Kính.

-o0o-




Long Xuyên, 28-01-84

Kính Anh,

Anh Giản Chi mới gởi cho tôi tập Móc Đọng Tàu Cau và bức thư của anh.
Tôi mừng rằng thư anh đã có giọng vui rồi. Tinh thần vui thì sức khỏe sẽ tăng. Qua năm Giáp Tí anh sẽ bình thường, đi bộ được 4 cây số mà không mệt.

Mươi bữa trước tôi đã gởi thư (viết ở Long Xuyên mà nhờ người bỏ ở Sài Gòn) cho anh (cùng một ngày với thư cho Châu Hải Kỳ). Trước bức đó còn có một, hai bức nữa viết ở Sài Gòn. Anh nhận được đủ không?

Ngày mai có người ở đây lên Sài Gòn, tôi phải trả lời 4 bức nữa nội ngày hôm nay để nhờ người đó đem bỏ ở Sài Gòn nữa.

Vì vậy tôi chỉ viết vắn tắt ít hàng thôi. Ăn Tết xong, đọc xong tập Móc Đọng... sẽ có thư ra.
Anh về ăn Tết ngoài Qui Nhơn chứ? Sang năm vô Sài Gòn như mấy năm trước được chứ?

Kính chúc anh chị ăn một cái Tết thật vui

-o0o-



Long Xuyên, 14-02-84

Kính Anh,

Trước Tết, khi nhận được tập thư và tập Móc Đọng Tàu Cau của anh do Giản Chi đưa lại, tôi đã viết ngay ít hàng báo tin anh hay, anh đã nhận được chưa?

Tập thơ đã đọc xong trong mấy ngày Tết. Tết nào cũng đóng cửa không tiếp khách và đi lang thang trong miền vườn trầu ở bờ sông Hậu Giang để tìm hương xoài, hương cau, hương bưởi, mà nhớ lại hồi mới vô đây (đã 49 năm rồi). Đi chán rồi về nằm đọc sách. Vì mấy chục năm nay, Tết nào tôi cũng buồn: vợ, con, cháu, em... ở xa tít mù. Mà nước nhà thì không yên ổn. Nhớ lại trong đời tôi, chỉ có hai cái Tết là vui nhất, năm 1925 (hay 1926?) và năm 1936. Nhưng thôi, nói chuyện dông dài thì trễ mất, vì chỉ trong mấy giờ nữa có người đi Sài Gòn, cần viết cho xong ít cảm tưởng về tập Móc Đọng Tàu Cau của anh để gởi người ta mang lên bỏ thùng thư trên đó. Không biết bao giờ mới lại có người đi nữa. Từ Tết tới nay, tôi chưa nhận được thư của bạn nào cả. Tôi ngán ông bưu điện quá! Họ liệng thư của mình đi.

Tôi đọc 2 lần bài Tựa của anh vì nó hợp ý tôi quá. Năm năm trước tôi cũng làm công việc anh làm: lựa những bài văn của tôi mà tôi thích. Lựa xong, chép 2 bản, rồi cho một ông bạn hay (chớ không đưa cho anh ta coi); tập đó nhan đề là: Để Tôi Đọc Lại. Anh bạn hỏi: Sao không đề là Văn Tuyển của Nguyễn Hiến Lê (do chính tác giả tuyển). Tôi cũng đáp đại ý như anh: trong số những bài có nhiều bài chẳng hay gì nhưng tôi thích thì tôi chép lại để tôi đọc lại. Chứ hi vọng gì in được mà mong có độc giả. Vả lại, bài tôi thích không chắc độc giả đã thích; mỗi độc giả có một sở thích riêng nữa; mà chính tôi lúc này tôi thích, lúc khác tôi lại không thích, thế thì gọi là văn tuyển sao được. Một điểm nữa giống anh, anh sắp theo thứ tự thời gian, tôi cũng vậy.
Anh đã biết tôi rồi: tôi đọc ít thơ luật lắm, không làm thơ cũng chẳng nhớ luật thơ, càng không thích những luật chi li, gò bó của thơ; cho nên đọc thơ luật cũng giống như đọc các thể thơ khác, hễ bình dị, chân thành, cảm xúc được là tôi quí. Tôi lại dốt điển, rất sợ những điển ít thông dụng, thành thử công việc nhận định thơ anh, anh Giản Chi làm thì hợp nhất, và chắc anh ấy đã ghi cảm tưởng cho anh rồi. Tôi xin anh coi những hàng tôi chép dưới đây chỉ được mỗi một điều là chân thành thôi.

Tôi nghĩ Nguyễn Thuyên là người đầu tiên làm thơ luật bằng tiếng Việt, mà anh là người cuối cùng làm thơ luật bằng tiếng Việt. Trên năm thế kỷ chưa nhỉ? Sau anh chắc còn vài người nữa dùng thơ luật, nhưng không chuyên, không đáng kể.

Tôi đọc thơ ít, nhưng đoán rằng ở nước mình, từ Nguyễn Thuyên tới nay, anh là nhà thơ luật dùng nhiều điển nhất, vô địch đấy. Giản Chi, Đông Xuyên, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương về điểm đó không bằng 1/10 anh đâu, một phần vì anh làm nhiều nữa.

Như tôi đã có lần thưa, những bài tôi thích là những bài giản dị, tự nhiên mà cảm xúc mạnh. Như bài Về thăm nhà cảm tác, Canh khuya tỉnh giấc, Đá vọng phu, Lữ cảm, Đêm thu nghe quạ kêu, Trời đông, Trơ trọi...
(À, anh trả đời công chức từ 1944 để theo kháng chiến? Tôi mãi 9/45 mới trả).
Từ thời kháng chiến, thơ anh, xét chung, bình dị hơn thời trước, có lẽ vì thời cuộc. Tôi thích Lánh cư, Lại tản cư, 4 câu đầu bài Thân lữ thứ, Rũ Phú Nhiêu, Đời An Lão, Nhớ Tản Đà, Xí xóa, Điều trúc canh tác, Gươm mài hận, Đêm giường bệnh, Tướng tá, Đăng quang, Viếng lăng Mai Xuân Thưởng, (À! Sao anh không có bài thơ luật về Tây Sơn, mà chỉ có văn tế? – Ông em Kiến Đạo thơ hay không?). Phần này còn nhiều bài nữa, cảm động, buồn man mác.

Thời thống nhất, đại khái cũng như thời trên. Nhiều tâm sự. Nhưng chắc anh đã bỏ nhiều bài. Từ Khúc đường quanh, bài nào cũng cảm động, chỉ bài cuối là vui.

Tôi viết vắn tắt bấy nhiêu thôi để kịp đưa người ta (còn phải viết 2 bức nữa).

Trong tập có vài chỗ đánh máy lầm, vài lỗi chánh tả, và vài chữ tôi không hiểu, chẳng hạn:
Lóng lánh nẻo vàng, gieo bến nguyệt (tr.12 Đêm Thu)
Say dáng Cô Tô gối nổi thuyền (tr 67)
Thơ ăn ai đó, hòng đem trẻ (tr.20)
Triều dây tâm sự hỏi (sao?) cùng? (tr. 275)...

Tôi xin cảm ơn anh, nhất là được anh “thân tặng”, nhưng tôi có giúp gì được anh trong đó đâu? Chỉ an ủi và tin chắc anh được “Châu về Hợp phố”, thế thôi. Đã vui lên rồi, thì sức khỏe anh chị cũng tăng chứ, và còn cô C.T, lúc này ra sao, cho tôi gởi lời thăm.

-o0o-



Long Xuyên, 22-4-84

Kính Anh,

Tôi nhận được ngày 12-4 thư ngày 12-3 của anh. Đúng một tháng: nhanh.

Từ Tết, nóng kinh khủng, có ngày 340, mùa hè nóng thì tai tôi ù, ăn không được, ngủ không được. Suốt ngày chỉ có buổi sáng sớm là mát. Tôi ra sân, khoảng 6 giờ sáng, đứng dưới hai gốc mai chiếu thủy, làm thâm hô hấp.

Hai gốc mai đó, nhà tôi trồng xuống đất, chứ không ở trong chậu, cắt xén nó thành 4 tầng, mặt trên là lá xanh non, có cả trăm cành nhỏ, từ những kẽ lá mọc nơi những chùm 5 - 6 cái bông, 5 cánh trắng - mà anh đã biết -  chùm nào cũng rũ xuống đất, thành một lớp hoa trắng ở dưới một lớp lá xanh.

Mỗi ngày nở không biết mấy trăm bông và rụng cũng không biết mấy trăm bông. Mặt đất đầy những ngôi sao trắng. Hương thơm ngát mà mát tỏa khắp sân.

Như vậy trong hai tháng.

Làm 30 hô hấp và 30 cử động hai cánh tay nữa ở gần hai gốc đó thấy tỉnh táo nhẹ người bằng tắm nước lạnh. Tôi gọi thứ đó là tắm hương mai.

Mới bốn hôm nay, khí hậu dễ chịu rồi. Ngày đầu mưa dông một trận lớn, thật hả. Ngày thứ nhì mưa một trận vừa vừa nữa. Ngày thứ ba lại một trận mưa dông lớn, xoài rụng lộp độp, ở thị xã nhiều cây đổ, có trẻ đi lượm xoài, bị điện giật chết. Ngày hôm nay, thứ tư, lại mưa vừa vừa. Mà ngày nào cũng mưa vào buổi chiều. Tối nhiệt độ còn 280, ngủ dễ dàng rồi.

Trong những lúc nằm võng, tôi nghĩ liên miên. Thơ luật bằng tiếng Nôm do Nguyễn Thuyên đời Trần làm trước hết. Hồi đó là thế kỷ 13 hay 14. Tôi đoán là tới cuối thế kỷ này nó sẽ chết, như vậy là thọ được 6 - 7 thế kỷ.

Trần Trọng Kim, khi Nho giáo tàn tạ rồi mới “vẽ lại cái bản đồ” của nó. Thơ luật cũng tới lúc hấp hối mới có người viết kĩ để chỉ cách làm nó, tức anh. (Hư Chu không viết kĩ, đủ như anh). Anh có công với nó cũng như Trần Trọng Kim có công với Nho giáo. Và tôi  viết cho anh Giản Chi, bảo thơ Nôm luật của mình bắt đầu từ Nguyễn Thuyên, tận cùng với Trường Xuyên.

Năm nay Long Xuyên mất mùa xoài. Vườn tôi có 3 gốc, mọi năm mỗi gốc trung bình từ 150 đến 200 trái, mà có trái hai đợi, đợt sau ít hơn. Năm nay chỉ có một đợt, mà cây nhiều nhất được 60 – 70 trái, còn 2 cây kia chỉ 30 – 40 trái. Cho nên xoài mắc ghê gớm. Một trái xoài cát lớn: 30 đồng (15.000 hồi trước!), mà người ta vẫn mua để cúng. Họ làm cách nào mà có nhiều tiền vậy? Ở ngoài anh, có mất mùa xoài không?

Anh, anh Giản Chi, anh Đông Xuyên nữa thuộc về lớp người cổ, viết thư cho bạn mà rất nắn nót, thận trọng. (Tôi không biết mỗi bức 2 trang lớn, anh viết mất mấy giờ?) – Vương Hồng Sển viết cho tôi đểu dùng máy đánh chữ và thư nào cũng chỉ một trang lớn hơn 30 hàng thôi. Thư nào, câu cuối chúc tôi cũng viết tay và kí tay.

Nội điểm nay cũng biết các anh thọ hơn tôi nhiều, > 90?

Đông Hồ với tôi thuộc vào lớp sau, ẩu, cứ viết phứa đi. Tôi, đầu thư còn viết chậm chậm, được một hai trang rồi, mỏi lưng, ngoáy cho mau xong. Đông Hồ thì luôn luôn nằm mà viết, viết rất tháu, cho nên khó đọc nhất.

Thơ ngũ ngôn luật của anh hay, anh nên truyền đi. Tám câu của anh, 2 câu: 5 – 6: Vận chuyển... Đoàn viên... được lắm. Mà hai câu cuối cũng khoáng đạt: được.
Bốn câu lục bát của ông Quách Tạo cũng thú. Chắc ông ta phải có vài tập thơ luật chứ? Anh xét ra sao?

Cô C.T chắc mấy năm nay vào một hạn xấu. Nếu có số thì nhờ người đoán xem bao giờ qua được. Người con ở Kiến trúc ra bây giờ làm gì, ở đâu? Hàm ghé thăm tôi, tôi cũng nghĩ là một công hai việc: việc thăm gia đình vợ bé, việc xem tôi ra sao, còn mạnh không, sao mà im hơi lặng tiếng? rồi một việc gì nữa tôi không biết.

Tôi mong đọc Bóng Ngày Qua của anh.

Tôi lâu nay không nhận được tin của Châu Hải Kỳ. Anh ta lúc này làm gì? Về hưu rồi, có cách sinh nhai không?

Mấy tháng trước tôi vẫn nghĩ vụ đó không có gì cả thì hễ qua rồi, anh chị lại mạnh, vui như trước.
Bây giờ tôi thấy anh còn vui hơn trước nữa.

Xin mừng anh chị

-o0o-




Sài Gòn, 06-7-84

Kính Anh,

Tôi lên đây đã trên nửa tháng, để trị bệnh. Mất một tuần rọi phổi, đo tâm đồ, rồi bác sĩ mới định bệnh xong: Viêm khí quản, phổi yếu và ảnh  hưởng tới tim, nên khi nào yếu mà nghẹt thở thì nhịp tim hóa loạn.

Uống thuốc được một tuần rồi, chưa thấy bớt nhiều. Ăn vẫn kém, ngủ ít và chẳng muốn vận động, chỉ nằm suốt ngày, bạn bè ít tiếp và không dám tiếp lâu.
Chắc cũng còn lâu, khi nào thật mạnh rồi, tôi mới về Long Xuyên.

Anh Giản Chi đã đưa tôi tập “Hứng Phấn Nâng Hương 2”. (Tập thơ trước của anh, anh Giản Chi đưa tôi coi hồi ở Long Xuyên, tôi đã trả lại anh Giản Chi, để anh ấy giữ, và đã chép ít cảm tưởng gởi anh (T.X), anh nhận được rồi chứ?

Mắt tôi lúc này, một con bị cataracte, mờ rồi, hôm nào mưa mà không có điện, đọc Hứng Phấn Nâng Hương 2, mệt mắt lắm, vì trời tối mà giấy lại vàng, chữ đánh máy có đôi chỗ mờ.
Nhưng tôi cũng đã đọc xong và ghi ngay cảm tưởng, kẻo để lâu quên mất. Kí tính tôi lúc này kém lắm.

Tập này anh viết công phu lắm, những người đọc “Đường Luật, Nói Về Thi Pháp”, nên đọc tập này, để bổ túc.
Coi mục lục tác phẩm của anh, tôi ghi ở trang cuối: Thật siêng năng và phong phú. Riêng về việc dạy làm thơ luật, anh có tới 4 tập!

Đã có lần tôi nói với Giản Chi, không biết đã viết cho anh (T.X) chưa: Người có công đầu với thơ Nôm luật là Nguyễn Thuyên, thế kỉ 13, hay 14 (?), tới cuối thế kỷ này, chắc thơ luật sẽ chết luôn ở Việt Nam (nếu còn vài người làm thì cũng không hay), như vậy là thơ đó sống được 6 - 7 thế kỷ. Trước khi nó chết mới được anh phân tích kĩ nó, chỉ dạy cách làm nó, ghi chép rất nhiều về những bài thơ hay và phê bình cũng kĩ; anh là người có công cuối cùng với nó.

Lạ lùng thật ! Khi nó gần chết, nó mới được một người hiểu kĩ nó và nhớ tiếc nó.
Ấy là tôi chưa kể cái công sáng tác thơ luật của anh. Trên 10 tập ! Không ai hơn được. Tiếc rằng còn tại cảo nhiều quá.

Đọc những bài anh viết về ông Tạo, tôi mới hiểu qua về ông ấy. Một nhà mà hai anh em thân với nhau, hiểu nhau, xứng với nhau như vậy, hiếm đấy. Mà tư cách cùng cao cả. Thật là nhờ di truyền và công dạy dỗ của hai cụ.

Tôi chẳng góp được ý gì với anh cả. Những chỗ cần phải sửa thì anh Giản Chi đã làm rồi. Tôi chỉ sửa thêm ít lỗi chính tả anh ấy bỏ sót thôi.
Tôi nghĩ bài 31 anh nên cho vào một tập khác, không nên để trong tập “Hứng phấn nâng hương” này.
Một số bài khác như bài 37, 38... cũng chỉ nên cho vào loại giai thoại trong làng thơ thôi.

Kính chúc anh chị vạn an, lúc nào cũng vui vẻ.
Anh nhận được thư trước và thư về tập thơ thất tuyệt này, xin cho biết. Gởi về Kỳ Đồng.

Tái bút:
Tập Hứng Phấn II này tôi cũng đưa cho anh Giản Chi rồi. Tôi muốn đưa hết những tập bản thảo của anh nhờ anh ấy giữ vì ảnh chắc còn sống lâu hơn tôi và có con trai biết chữ Hán.

Ông Tạo được mấy người con, có người nào xuất sắc về văn thơ không anh?

-o0o-



Kỳ Đồng, 14-8-84

Kính Anh,
           
Mới cách đây 4 - 5 ngày, sáng tôi nhận được tập Nhà Tây Sơn, trên 10 bài Hứng Phấn Nâng Hương và một bức thư chung cho tôi và Giản Chi, với một bức cho Giản Chi, do một cặp vợ chồng trẻ đem lại (không ngờ là cháu Cúc). Rồi tôi lại nhận được một bức thư chung nữa cho tôi và Giản Chi do một cụ già đem lại. Xin thưa anh rõ kẻo anh mong.

Tôi ở đây đã tháng rưỡi, uống thuốc Tây, thuốc Bắc mà không thấy khá, cứ trị được chứng này nó lại sanh chứng khác. Rốt cuộc tôi bây giờ ăn vẫn kém, ngủ kém, ngại vận động, cứ suốt ngày nằm dài, phải tạ khách vì nói chuyện lâu thì mệt, ù tai, thở hổn hể; bệnh trĩ lại tái phát, ho, loạn nhịp tim... bết quá!

Không biết tôi còn phải trị bao lâu nữa.
Nhà tôi thì cũng phải đi Y dược học dân tộc để họ trị cho chứng huyết áp cao. Không biết họ trị được không. Nhà thì không có ai mà hai vợ chồng đồng đau, thật lúng túng. Bà ấy lại lo bị glaucome nữa! Bệnh glaucome của anh khi mới phát ra sao?

Đau thì đau, tôi cũng ráng đọc cho hết những tập của anh, nếu không thì không yên lòng.

Về những bài Hứng Phấn... tôi chẳng thêm ý gì cả, nên nương tay với họ một chút, đừng đập thêm nữa, vì ở trên đã đập họ nhiều quá rồi.

Tập Nhà Tây Sơn này viết kỹ lắm, nhất là:
§  Nguồn gốc Tây Sơn – Chương 1, 2
§  Anh hùng nghĩa sĩ phò tá Tây Sơn – Chương 4
§  Cảnh nứt rạn trong nhà Tây Sơn viết rất rõ – Chương 10
§  Quang Trung đại phá quân Thanh đọc thấy hồi hộp, khoái – Chương 13
§  Trần Quang Diệu chiếm Bình Định – Chương 20
§  Đối với nhà Tây Sơn – Chương cuối
§  Một đặc điểm nữa là có nhiều bản đồ. Người viết có flamme.

Cảm tưởng của tôi là: họ Quách ở Bình Định gần được như họ Tô ở Tứ Xuyên (Trung Hoa). Họ Tô có bốn người nổi tiếng: Cha, hai con trai và một con gái (tiểu muội). Họ Quách cũng có 4 nhà văn, nhà thơ: anh, ông Tạo, cậu Giao, và cô Hoa - hồi đó anh có cho tôi đọc thơ.

Về tập Nhà Tây Sơn, tôi có đánh dấu bằng bút chì những chỗ đánh máy lầm, sót, chép lầm chữ Hán và những chỗ sai chánh tả.

Ngoài ra, tôi góp ý với anh mấy điểm này:
Bài tựa anh vẫn giữ trọn những ý của anh, nhưng để cậu Giao viết, ký tên thì hơn.
Có nhiều bản đồ anh vẽ xong mà không để tên. Ví dụ: huyện Tuy Viễn, Sông Côn, mà tôi không kiếm ra được Sông Côn.
Trước khi Nhạc ra quân có bài: Cáo với quốc dân hoặc bài Hịch kể tội chúa Nguyễn không? Bài đó nhờ ông giáo Hiến làm mà.
Cần giải thích một số chữ như “thao càn” trang 98 hàng 18.
Có hai bài văn tế dài rồi, trang 100 - 103 có thể khỏi phải chép hai bài ngắn nữa ở trang 103 -104.
Trang cuối anh chê nhà Nguyễn đúng đấy, nhưng...

Một nhà có 4 người có văn tài, hiếm đấy. (À, ông Tạo sao mà chịu cô độc quá vậy; vợ mù trên 40 năm mà không có bạn khác? Sống một mình 30 năm nay. Lúc này về hưu sao không vào Nha Trang sống với anh cho bớt hiu quạnh?).
Anh thấy thư này nét bút của tôi yếu, loạn rồi, mà viết sai nhiều phải sửa đi sửa lại, trí óc kém rồi.

Giản Chi lúc này bị bệnh ngứa, lâu không qua tôi, mà tôi thì không đi ra khỏi nhà, đi một khúc độ vài trăm thước là mệt rồi! Tôi đợi khi nào anh ấy qua sẽ đưa cả 3 lá thư, tập Hứng Phấn bổ túc và tập Nhà Tây Sơn để anh ấy coi rồi giữ luôn.

Kính chúc anh chị vui vẻ.

Mừng rằng cậu Giao hoàn thành một tác phẩm có giá trị. Chỉ buồn một nỗi là bao giờ mới in được? Còn 4 -5 tập nữa chứ?
Anh nghĩ lầm rồi, Giản Chi và tôi được anh nhắc tới trong những bài của anh thì vui và vinh hạnh nữa, sao anh lại phải xin lỗi? Như vậy đâu phải là chỗ bạn thân ?


-o0o-



Kỳ Đồng, 11-12-84

Kính Anh,
           
Tôi mới nhận được thư 20-11 của anh.
Anh lại đau con mắt kia nữa? Phải bệnh glaucome không? Tôi nhớ hồi đó, có một người khuyên anh mổ con mắt đau rồi thì nên mổ luôn con mắt lành đi, vì thế nào nó cũng bị lây. Đã trên 10 năm rồi, bây giờ nó mới bị lây sao?

Nếu thực là glaucome thì càng mổ sớm càng tốt. Nha Trang không có người mổ được thì vào Sài Gòn, không thiếu gì thầy mổ, họ làm trong 15 phút là xong, nhưng phải theo dõi cả nửa tháng mới biết kết quả chắc chắn không.

Nhà tôi cũng bị glaucome (đông y gọi là một thứ thiên đầu thống), mổ hơi trễ nên chỉ cứu được từ một phần ba đến một phần hai con mắt đau thôi. Nằm ở bệnh viện St Paul, không tốn kém bao nhiêu. Nhà tôi xin mổ luôn con mắt kia, họ coi rồi bảo phải đợi khi nào nó nhức thì tức tốc lại họ, họ mổ cho, có thể cứu được 8, 9 phần 10.
Thuốc Bắc có thể trị được. Anh còn nhớ toa thuốc một độc giả ở Châu Đốc đăng trên Bách Khoa thời đó không? Chủ yếu là bổ âm. Một đông y sĩ ở đây bảo tôi cũng đã chữa được cho một người rồi. Phải uống chừng hai mươi thang thuốc, mỗi thang năm trăm đến sáu trăm đồng.
Ông lang ở Qui Nhơn có kinh nghiệm không? Tới nay trị cho anh được non hai mươi ngày rồi đấy. Bệnh sắp hết chưa?

Riêng phần tôi thì suy nhược toàn bộ: cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết, thần kinh... đều suy hết. Ông lang bảo phải uống chừng một trăm thang! Tôi uống được ba mươi - bốn mươi thang rồi, lại châm cứu nữa, cũng đỡ hơn một phần. Chủ yếu, theo các bạn là phải nghỉ ngơi hoàn toàn; đọc sách tiêu khiển thôi, nghỉ viết, không suy nghĩ nữa,... Nhưng như vậy thì biết làm gì cho hết ngày anh? Học đánh cờ chéo với con nít, hay đánh đáo, đánh bi với chúng?

Khoảng nửa tháng nữa chúng tôi về Long Xuyên, chưa biết bao giờ mới lại lên. Chúc anh mau mạnh, chị vui vể.

Giản Chi cũng tính chú thích xong 108 bài thơ của Vương Duy rồi thì nghỉ. Bọn mình nên nghỉ cả đi. Già yếu quá rồi. Chỉ Vương Hồng Sển là mạnh thôi!
Kính.

TB.: Thư xin cứ gởi về Kỳ Đồng.