Phụ lục II: Bài viết của NGUYỄN HIẾN LÊ


           
CẢM TƯỞNG SAU KHI ĐỌC NƯỚC NON BÌNH ĐỊNH

Văn nhân thi sĩ nào thì cũng thích nhắc đến quê hương của mình và nhà nào cũng đã tả hay vịnh ít nhất là một vài cảnh quê hương của mình; nhưng ghi chép kỹ lưỡng để thành một cuốn địa phương chí thời lại rất ít người làm, mặc dầu biết rằng hễ viết thì rất được độc giả hoan nghênh vì đọc những tác phẩm đó, độc giả có cái thú như lại tận Mỹ Thanh (Bạc Liêu) mà nếm nhãn, tận Tân Châu (Châu Đốc) mà lựa hàng vậy, chúng ta hận rằng sao Tản Đà không viết về Hải Dương, về Hà Tĩnh. Loại ấy đâu khó viết, nhất định là không khó bằng làm một tập thơ, nó mất công thật nhưng thiếu gì bộ biên khảo còn tốn công hơn nó. Vậy thì tại sao các danh sĩ lại ít viết?

Suy đi nghĩ lại, tôi cho có lẽ là tại hồi nhỏ, nỗi cầm bút còn sung túc, ít ai nghĩ đến cái việc ấy - Trừ thi sĩ Đông Hồ, một là vì cho quê hương của mình quen quá rồi, không có gì đáng nói, hai là vì mải làm thơ, viết tiểu thuyết, soạn kịch... để mau nổi danh, còn cái việc viết địa phương chí thì (lúc nào làm mà chả được); rồi tới khi lớn tuổi, muốn làm thì không làm được nữa, hoặc vì bận nhiều việc hoặc vì phải xa quê hương, hoặc vì sức yếu không thăm lại được cảnh cũ để mà tìm tòi, điều tra, ghi chép. Vì vậy mà trong bốn năm chục năm nay, số danh sĩ trong nước có cả trăm mà chỉ có hai nhà cho chúng ta cái thú được đọc về quê hương của họ: Thi sĩ Đông Hồ về Hà Tiên và Thi sĩ Quách Tấn về Bình Định.

Tôi đã chờ mong “Nước Non Bình Định” từ hai năm trước khi đọc mấy hàng quảng cáo không nhớ tên một ấn phẩm nào đó, cho nên trong biến cố đầu xuân vừa rồi, tôi vội đi ba lần mới kiếm được đem về đọc trong những giờ giới nghiêm. Sách đã thú mà đọc trong giờ giới nghiêm còn thú hơn. Dưới đây tôi xin ghi chút cảm tưởng để giới thịêu với độc giả chứ không dám phê bình: tôi có biết chút gì về quê hương của Thi sĩ Quách Tấn đâu mà phê bình.

Cái thú thứ nhất, tôi, như trên đã nói, là được lại tại vườn Mỹ Thanh mà nếm nhãn, vì thi sĩ gia đình chín đời ở ấp Tây Sơn Hạ (nay là Bình Khê), trong nhà trước kia có hai bộ sử chép tay về nhà Tây Sơn và khởi thảo cuốn “Nước Non Bình Định” này từ năm 1958, đến năm 1964 mới hoàn thành.

Cái thú thứ nhì là được thi sĩ dắt từng bước dạo gần hết những cảnh Nước Non Bình Định. Hai chương Địa lý và Thắng cảnh cổ tích chiếm 350 trang trên hai phần ba cuốn sách. Đặc biệt là mục (2) Núi non viết rất kỹ: trong tám chục trang, tác giả đã có tới trên trăm ngọn hình dáng rất kỳ dị, như ngọn Mạ Thiên Sơn đứng phía này thì ngó rất ngạo nghễ, hung tợn, như há miệng mắng trời, nhưng đứng phía khác thì trông lại rất hiền từ (lễ độ), có phía coi như ông Phật ngồi, có phía lại như con hổ nằm, mà từ trên cao nhìn xuống thì lại giống một cánh buồm! (Trang 100)

Có núi hình không kỳ dị, mà sắc thì diễm ảo, như núi Xương Cá (... những buổi trưa nắng gắt ở xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt). Còn những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương thì long lanh lóng lánh như kim cương (Trang 104).
Cảnh bờ biển và cửa biển tác giả tả ít hơn. Tôi vốn ưa cảnh biển, vẫn mơ ước được ai quay phim cho coi hết cả bờ biển Trung Việt, nên được 18 trang của ông vẫn còn thấy thèm, chưa gặp cảnh nào đã làm cho tôi mê hồn như ở Phú Yên.

Những cảnh hầm, vực và giếng ở Bình Định thì dưới ngọn bút của thi nhân, sao mà giống cảnh tiên thế! Xin độc giả đọc đoạn tả những cổ thụ, lùm sim, phong lan, rừng ngâu ở Hầm Hô (trang 314), và cảnh giếng tiên (trang 329) xem có thoát khỏi mơ mộng được không?

Cảnh Chùa Linh Phong, cũng gây cho tôi một ấn tượng thú vị vì cảnh đã đẹp mà văn ông lại du dương. Tôi xin trích lại dưới đây mặc dầu là đoạn khá dài:

"Xa tít tận chân trời, đồng lúa bát ngát bao trùm hai mặt Tây và Nam. Lúa non trải sắc xanh mươn mướt, lúa chín trải màu vàng hươm, thoảng ngọn gió đưa, lúa vờn sóng lụa và hết đây lại có đàn cò điểm những điểm trắng rung rinh. Lẫn trong màu sắc của đồng ruộng mênh mông từng chòm từng khoảng nổi lên màu lục đậm của cây, màu xanh xám hoặc đo đỏ của chợ quấn, nhà cửa, chùa đền,..., ẩn hiện dưới bóng cây làn khói.
Nhìn về phía Đông thì điểm xanh lênh láng. Phía Đông Nam thì đầm Thị Nại long lanh, và rừng dương liễu chạy từ cách Thử đến gò Bồi quãng dày quãng thưa, chập chờn trên bãi cát nửa vàng, nửa trắng. Xa xa thành phố Qui  Nhơn thấp thoáng trong sương sóng nửa tỏ, nửa mờ, khi ẩn, khi hiện. Và gió biển thổi vào rừng dương liễu dưới bãi, thổi vào rừng cổ thụ trên non, tiếng nghe rào rào lẫn lộn cùng tiếng sóng vỗ nơi gành xa bãi vắng". (Trang 267).

Đó, cảnh Bình Định như vậy. Tôi tiếc rằng không có một bản đồ tỉ lệ 1 - 25.000 hoặc ít nhất cũng là 1/100.000 để dò từng nơi những chỗ tác giả đã tả.
Trong khi dắt ta thăm cảnh, tác giả kể có đến mấy chục cố sự. Đây là cái thú thứ ba khi tới đâu ta cũng gặp Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Mai Xuân Thưởng,... và cả hai tên Việt gian Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc.

Đây là chỗ Tây Sơn tế cờ, kia là chỗ chém “tướng” (y như Lưu Bang vậy); Mai Xuân Thưởng máu xối ướt cả chiến bào, ngất trên mình ngựa ở nơi này; Nguyễn Ánh khấn trời mà tìm được nước ngọt ở chỗ kia (cái ông Nguyễn Ánh này thật đa sự đi đâu cũng reo rắc những chuyện nước ngọt đến đó). Đồng Sơn, nơi Nguyễn Thân sai chặt đầu mấy trăm nghĩa binh treo hai bên đường, còn xác thì đem phơi trên bãi rác; Bàu Sáu nơi có trận thủy bối, nghĩa quân hết lớp này đến lớp khác xông ra, dùng đao cung chống với súng trường và trọng pháo. Rồi những cổ tích về thành Đồ Bàn, thành Bình Định, về trường thi, về chùa Thập Tháp, ngôi chùa tổ của phái Lâm Tế Trung Việt. Chỗ nào ta cũng thấy phảng phất hình ảnh của người xưa, văng vẳng tiếng nói của người xưa.

Ngoài những truyền thuyết "khó tin rằng có, khó ngờ rằng không" và những truyện "nói không có sách nhưng mách có chứng", tác giả cũng chép lại cho câu chuyện thêm vui: năm sự tích chàng Lía, sự tích bà cố Hỷ, sự tích cha Hồ chú Nhẫn; nực cười nhất là sự tích ông Khổng Lồ gánh núi đi chơi, cao hứng nhìn nước nhìn mây mà để núi lăn cù xuống đất, lần khác đi tát nước bắt cá, chụp hụt một con cá vượt, tức mình dậm chân, núi bẹp thành vũng. Chỗ nào ta cũng thấy vết chân của ông Khổng Lồ để mà mỉm cười vì tinh thần hài hước của đồng bào Bình Định.

Và gặp cảnh nào tác giả cũng dẫn hoặc là câu hò, câu hát, hoặc là một bài thơ, từ thơ chữ Hán của người xưa tới thơ mới, cũ của thi sĩ hiện đại: Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Mộng Tuyết và dĩ nhiên của tác giả và người thân của tác giả nữa, do đó gợi cho ta cái cảm giác như được nghe nhạc đệm trong một phim tài liệu, lúc thì bi hùng:
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Đỏ lòm bìa sách máu là son
                                    (Mai Xuân Thưởng)

lúc thì u hận:
Không một mối trăng ngà rung muôn lá
Không một làn mây bạc vẩn chân trời
Thành Đồ Bàn cũng  thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe...
                                                (Chế Lan Viên)
lúc thì tình tứ:
Con chiền chiện
Nó liệng trên cao,
Nó kêu làm sao tằng lăng tíu líu;
Em còn lịu địu không nỡ dứt tình,
Chờ khi thanh vắng một mình
Đón anh em hỏi: phụ tình tại ai.
                                                (Bài hò)

lúc thì nhẹ nhàng như ngọn gió hây hẩy bên sông:
Bác ở bên ông Tờ đưa khách,
Tôi lệ thường cắp sách ngày hai
Trần ai tri kỷ là ai?
Non xanh nước biếc hôm mai bạn bằng...
                                    (Một nhà giáo vô danh tặng một ông lái đò)

Thi sĩ mà viết về quê hương thì vị nào cũng vung tay chép thơ, chính vì vậy mà tôi thích được đọc địa phương chí của họ.

Sau cùng tôi còn được một cái thú nữa không phải không đáng kể: cái thú tưởng tượng được nếm cái vị của trà Cam Khổ mà tác giả khen hơn là cả trà Vũ-di-Sơn, trà Trảm Mã, uống vào rồi thì cuống họng ngọt và thơm đến hàng giờ, thứ trà tự nhiên chứ không trồng được, xưa dùng để tiến vua và đã làm cho một kẻ mất đầu vì sơ ý để cho khỉ trên núi kéo xuống phá hết. Không ngờ nước mình lại có thứ trà quý như vậy. Nhưng độc giả nào không ưa trà mà thích rượu thì có món thịt bò thưng (do chính nhà Tây Sơn bày ra), món ốc um và năm sáu thứ cá ngon nữa.

Các vị học giả chắc chưa dám dùng ngay một số tài liệu lịch sử trong sách (có người cho rằng Nguyễn Lữ là anh  Nguyễn Huệ, và theo đạo Hồi Hồi...) nhưng chính tác giả cũng đã tự nhận rằng nhớ đâu chép đấy và sẽ sẵn lòng chờ các bậc cao minh hơn chỉ giáo.

Nhưng người hơi khó tánh tất mong tác phẩm được trình bày hoàn mỹ hơn (điều này, chính nhà xuất bản cũng đã có lời cáo lỗi); mong thu ngắn đoạn này, bỏ bớt đoạn kia, hoặc viết thêm về mục nọ, và riêng tôi, tôi cũng muốn được biết thêm về sự phát triển của hát bội ở Bình Định, về nhạc võ Tây Sơn, về con cháu nữ kiệt Bùi Thị Xuân cả về các đồng bào thiểu số và nhất là mong có một bảng kê các nhân danh, địa danh trong sách để dễ tra kiếm). Nhưng tôi chắc ai cũng phải nhận rằng trong mươi năm nay Nước Non Bình Định là cuốn địa phương chí có giá trị nhất.
Tác giả còn hứa sẽ cho in tiếp cuốn nhân vật Bình Định và bộ địa phương chí lúc đó mới gọi là đủ.

Tôi nghĩ dù không có tập Mùa Cổ Điển, và tập Mộng Ngân Sơn, một tập chứa nhiều bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất hay, mà sau này ai có muốn làm tiếp công việc phê bình của Hoài Thanh tất phải nhắc tới, dù không có hai tập đó đi nữa, thì chỉ nội công phu viết địa phương chí cho Bình Định, thi sĩ cũng xứng đáng là người con của Bình Định rồi.

Trong đặc san Sử Địa về Quang Trung (9 – 10) có bài của ông về Tây Sơn (1), ông dẫn hai câu thơ của cụ Sào Nam:

Đành rằng công đâu may khỏi tội,
Bao nhiêu chữ đó bấy nhiêu tâm.

để mong độc giả hiểu nỗi lòng của ông vì quê hương mà viết, (viết thuộc lòng, nghe sao viết vậy), trong lúc không thể làm khác được, mà tuổi đã cao, không thể chờ đợi thêm được nữa.

Tôi lại nghe nói ông giao tác phẩm cho nhà xuất bản từ tháng 5 năm 1966, đến tháng 12 năm 1967 mới in xong, trong mười chín tháng đó ông trông chờ từng ngày một, và khi nhận được sách ông bùi ngùi thành mấy câu thơ:

Một năm bảy tháng trong thai,
Lòng mong thấy mặt ngày dài hơn năm.
Nước non biền biệt tri âm
“Bao nhiêu chữ bấy nhiêu tâm”... ngại ngùng.

Tấm lòng của ông với quê hương thật là đẹp! Quê hương lẽ nào không quí tác phẩm của ông?

===================


XTRẦM HƯƠNG

Tôi cũng ham đi nơi này nơi khác để biết non sông gấm vóc của mình, nhưng tôi phải thú thật rằng ngay những nơi tôi đặt chân tới, tôi cũng chẳng biết chút xíu gì cả.
Xin lấy thí dụ tỉnh Khánh Hòa.Tôi đã ra chơi ngoài đó hai lần, trước và sau thế chiến, mỗi lần ở lại vài ba ngày. Tôi đã đi chơi Tháp Bà, Hòn Chồng, viện Pasteur, viện Hải học, vài ngôi chùa và giáo đường ở Nha Trang, đã leo đèo Rù Rì, tắm ở bãi biển Đại Lãnh nước trong như ngọc bích, nhưng bây giờ đọc Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, tôi mới thấy thắng cảnh cùng cổ tích ở Khánh Hòa mười phần tôi chưa coi được một.

Đúng như Vương An Thạch đã nói trong bài "Đi Chơi Núi Bao Thiền", ch phẳng và gần thì kẻ đến chơi nhiều, chổ hiểm mà xa thì kẻ đến chơi ít. Mà những cảnh kỳ vĩ phi thường ở trong đời thì lại thường ở những chổ hiểm  và xa ít người tới.
Những cảnh kỳ vĩ ở Khánh Hòa đều cách xa quốc lộ I và nhờ thi sĩ Quách Tấn  tôi mới được biết tên. Chẳng hạn, núi Mẹ bồng con (Hòn Mu tử) ở quận Khánh Dương có nhiều tảng đá hình thể lạ lùng: rổ may với sợi chỉ thòng xuống đất, cối và chày, sàng, chổi, con nghĩa khuyển nằm trông con gà cồ đang lẩn quẩn bên cối xay, lại thêm một bàn cờ tiên đang dàn quân nhưng mất đâu một con tốt … rồi Chữ Mta (đọc là Cử Mơ Ta) lầm lì và dữ, có trầm hương, voi trắng và chim đại bàng to lớn đến nỗi có thể tha được một con bò con, loại chim mà tôi cứ tưởng là từ trước chỉ có ở Ấn Độ và các quốc gia A Rập; rồi Hòn Bà ở Ninh Hòa, chim chóc nhiều như lá, đủ loại, con thì như trái ớt chín, con thì như lá chuối non v.v...

Một cảnh kỳ quái là cảnh thác Võng : một dây rừng lớn bằng bắp vế, giăng ngang sà sà trên mặt một thác nước chảy rất mạnh. Nước thác đánh tung giây lên cao rồi rơi xuống, lại tung lên rớt xuống, tưởng chừng như có các vị thần nào vô hình nào chơi cái nhảy giây quanh năm suốt tháng, ghe thuyền qua lại phải canh cho đúng lúc để lướt nhanh qua, chậm tay một chút sẽ bị giây quật, ghe không vỡ cũng chìm.

Còn cả trăm cảnh lạ khác nữa: núi, thác, hang, hố… và tôi chắc ngay những người sinh trưởng ở Khánh Hòa cũng vị tất đã được nghe tả chứ đừng nói là tới thăm. Cảnh nào tác giả cũng tả tỉ mỉ, dẫn sự tích truyền thuyết hoặc thơ để cho câu chuyện được thêm hứng thú.

Ngay những cảnh ở thị trấn Nha Trang, tôi cũng phải thú thật rằng mặc dù đã coi nhiều lần mà nay đọc Xứ Trầm Hương mới thực sự là được "thấy". Trước kia tôi cho ngọn đồi Tháp Bà kém xa ngọn núi Sam ở Châu Đốc, mà Hòn Chồng cũng kém Hòn Phụ tử ở Hà Tiên. Nay được đọc những đoạn thi sĩ Quách Tấn t cảnh đêm giao thừa ở Tháp Bà và dẫn thơ của người xưa lẫn người nay vịnh Hòn Chồng, tôi mới nhận ra cái đp của Nha Trang. Giá tôi được đọc trước khi đi du lịch thì cái thú của tôi đã tăng lên gấp mấy.

Hai đoạn tả cảnh đó đều dài ba bốn trang, tôi chỉ xin trích dẫn ra đây ít hàng tả cảnh trên.
"Khí  trời đương lạnh tự nhiên thấy ấm. Một khí ấm đặc biệt, dìu dịu thưng thưng, trong trong lại mát mát, lại phảng phất một mùi hương thanh thanh: hương trầm, hương kỳ nam từ rừng sâu đưa đến, hay hương nhang hương hoa từ trong nhà chùa bay ra? (…) Núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những cây muồng hòe ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, đầy đặc cả đom đóm (…). Tựa như bao nhiêu sao trên trời sa xuống đọng nơi cây cối. Ánh vàng làm chúa tể thay bóng tối đêm ba mươi (…) Từ cầu Hà Ra qua đến Xóm Bóng, du khách có cảm giác đi ngang qua một rừng sao. Nhưng rừng sao ở đây không đứng yên mà luôn luôn cử động, hễ vùng này sáng thì vùng kia tắt, vùng này tắt thì vùng kia liền sáng, cứ sáng tắt ,tắt sáng…luân phiên liên tục, không mau không chậm,đều đặng nhịp nhàng.
(…) Và trên tầng ánh sáng khi tắt khi hừng, bốn ngọn tháp nửa quyến cây xanh nổi bật trên nền trời cao, uy nghiêm nhưng hiền hậu.
Những ngọn đèn lồng ngũ sắc dăng trên cành cây những ngọn huyền đăng treo trước chân tháp, chập chờn trong bóng lá, rọi vào cảnh vật, ch tỏ ch mờ, nơi thưa nơi nhặt, vui vẻ nhưng rụt rè, như cô gái quê mặc áo mới ra chào khách. (trang178-180)

Cảnh thiên nhiên cũng như thiếu nữ: dù tầm thường đến đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng vẻ đó chỉ hiện lên một lúc nào thôi; và phải là hàng nghệ sĩ có tình riêng với non sông mới nhận ra được, cũng như phải yêu một thiếu nữ nào mới nhận ra cái duyên kín của nàng.

Thi sĩ Quách Tấn  coi Xứ Trầm Hương là  “nghĩa mẫu” của mình, yêu đất Khánh Hòa như yêu Bình Định, quê hương của ông, nên mới thấy được hết những vẻ đẹp của Khánh Hòa, hơn nữa, còn tô điểm thêm cho non nước Khánh Hòa. Đọc những trang 354, 355, đoạn ông tả cái thú uống nước dừa, độc giả sẽ thấy tôi dùng chữ "tô điểm" đó không phải là quá đáng. Ông có dẫn một câu của Lưu Vũ Tích, đại ý rằng: "Non không tại cao, có tiên thì nổi danh. Nước không tại sâu, có rồng thì hóa linh". Và tôi muốn thêm: "Nhưng non nước đều phải nhờ ngọn bút của nghệ sĩ thì danh mới truyền rộng".

Trong Lời Thưa, tác giả bảo Xứ Trầm Hương không phải là một tập địa phương chí, mà chỉ là một tập du ký, Sự thực đó cũng là một tập địa phương chí (dày 480 trang) ghi chép về lịch sử, địa lý, cổ tích, danh nhân, kinh tế, thổ sản (trầm, yến sào, cát, đều nổi tiếng trong nước). Cũng công phu như bất kỳ một cuốn địa phương chí nào từ trước tới nay; nhưng nhờ lòng yêu thiên nhiên, nhờ tâm hồn nghệ sĩ và ngọn bút của ông mà chúng ta có cảm tưởng được đọc một tập địa phương chí hơn là một tập du ký. Phần tả cảnh thiên nhiên và cổ tích chiếm non 300 trang, gần hai phần ba tác phẩm.

Đã ngoài lục tuần mà thi sĩ vẫn cặm cụi, âm thầm ghi ơn của non sông, chẳng bù với những cơ quan này nọ luôn luôn hô hào trở về nguồn, phát huy văn hóa truyền thống… mà mười mấy năm nay chẳng làm gì được cho quê hương cả, người ta có dư phương tiện, chỉ cần định một kế hoạch là trong một vài năm có đủ một địa phương chí, quay được một phim tài liệu cho mỗi miền, ghi lại những di tích, truyền thuyết nếp sống, phong tục chẳng bao lâu nữa sẽ mai một vì la chiến tranh, vì đợt sống mới và cũng vì những người già cả sẽ lần lượt khuất bóng hết. Công việc đó có lợi cho văn hóa, giáo dục biết bao: thanh niên có biết cái lạ cái đẹp của quê hương rồi mới yêu quê hương được. Tôi mong tới cái ngày được thấy trên màn vô tuyến truyền hình Việt Nam những cảnh mà ông Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư, Phạm Trung Việt, Thái Văn Kiểm, Huỳnh Minh... đã tả trong các sách. Tôi chắc chắn khán giả sẽ thích thú hơn là coi phim du lịch scandinavie mới chiếu hồi đầu xuân.

Đọc Xứ Trầm Hương tôi còn có cảm tưởng này, Nha Trang nhờ khí hậu mát mẻ, cuộc sống d chịu, có nhiều thắng cảnh cổ tích, có biển có núi nên thích hợp với hạng người hoạt động về văn hóa. Hiện nay đã có viện Pasteur, viện Hải học, viện Phật học, chỉ còn thêm một viện Đại học, một thư viện, một nhà in lớn là sẽ trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng của xứ sở….

Nguyễn Hiến Lê
(Trích trong  Văn số 150 ngày 15/3/70)

============================

 

THI SĨ QUÁCH TẤN: HAI TẬP THƠ VÀ MỘT CHỨNG BỆNH


Tôi nghe người ta thường nói là h làm thơ hay thì viết văn không hay và người ta dẫn ra trường hợp Tản Đà. Lời đó không luôn luôn đúng. Trái lại theo tôi h làm thơ hay thì viết văn dễ cũng hay. K thuật thơ và văn không khác nhau bao nhiêu, mà k thuật không phải là điều quan trọng: quan trọng là cái tài, là cảm xúc, tư tưởng, tức cá tính của người cầm bút. Trong văn học sử không thiếu gì người nổi tiếng cả về thơ lẫn văn như Trung Hoa có Lý Bạch, Hàn Dũ, Tô Đông Pha… nước ta có Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… Thời Nam Phong  nhiều người thích cả văn lẫn thơ của Đông Hồ; tới thời Văn Hóa và Ngày Nay, văn và thơ Xuân Diệu đều được hoan nghênh bởi giới thanh niên và năm năm nay, từ khi thi sĩ Quách Tấn cho ra 2 cuốn Nước Non Bình Định, Xứ Trầm Hương thì văn của ông cũng được nhiều người thưởng thức cả già lẫn trẻ.

Tôi đã có dịp giới thiệu hai tập ấy với độc giả rồi trên tạp chí Văn mấy năm trước.
Hôm nay xin giới thiệu hai tập thơ, một tập thơ dịch, một tập sáng tác mới xuất bản trong mấy tháng gần đây.

Tập đầu nhan đề là Giọt Trăng gồm 60 bài ngũ ngôn tuyệt cú. Thể đó d làm: không cần đối, muốn bỏ niêm cũng được, còn vần thì tùy ý ba hay hai; nhưng khó hay: tình, ý, cảnh phải được lọc đã, cho còn thoang thoảng thôi, rồi chắt lại để thu gọn trong 20 chữ. Cho nên nó hợp với tuổi già hơn, mà phái tân học ít người biết thưởng thức.

Tôi xin dẫn vài bài:

Ao Trưa

Bờ ao cọng cỏ chỉ
Lả lướt ngọn nồm đưa
Con chuồn chuồn điểm nước
Mong dừng chân nghỉ trưa.

Chép Thơ

Thơ không người thưởng thức
Mình chép riêng mình ngâm
Con bướm tìm hương lại
Vô tâm mà hữu tâm.

Say Nắng

Vườn rộng tiếng chim thưa
Bướm vàng say nắng trưa
Chờn vờn chân muốn đậu
Vòi mướp gió đong đưa.

Có cái giọng một ông lão nhàn tản, khoáng đạt mà nghệ sĩ.
Cả khi khóc con, giọng tuy ấm ức mà vẫn âm thầm, nhưng thấm thía, không nói mà chính là nói nhiều.

Khóc Con (IV)
Không nói, lòng đau khổ
Nói, không nói được gì
Canh tàn nằm nuốt lệ
Thời loạn kiếp nam nhi.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc lúc này đọc bài Khóc Con (III), chắc cũng thấy chua xót:
Mừng tre già măng mọc
Ai ngờ tre khóc măng
Nuốt lệ nhìn di ảnh
Đêm hè cơn gió băng.

Quách Tấn làm tất cả 12 bài khóc con trai, trong tập chỉ in 6 bài, bài nào cũng là tiếng thổn thức của thời đại, của đất nước.

Giọt Trăng xuất bản từ đầu năm (tháng 3/1973), hiện không bán ở Việt Nam mà hình như  cũng không bán ở Pháp. Ông Thi Vũ, giám đốc nhà xuất bản Rừng Trúc ở Paris, cũng là Giám đốc nhà in VOV (25 Rue Jaffeux, 92230 Gennevilliers), vốn là một thi sĩ, vì yêu thơ và quí Quách Tấn nên in toàn trên giấy tuyết đào để tặng các bạn văn. Bìa là một phần bức họa cổ Nhật Nguyệt, thế kỷ thứ XIV, vẽ một cảnh trăng trên núi,chỉ dùng màu xanh trên nền tím. Riêng hai mươi bản đặc biệt, in trên lụa bồi, ban đêm để dưới ánh đẽn ống, coi linh lung tưởng chừng có một giọt trăng lạc vào phòng, thật huyền ảo. Vì không có chữ Việt, ông Thi Vũ phải dùng một kiểu chữ của Đức, sắp được bài nào vỗ bài đó rồi mới điểm những dấu (sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã ) lên, sau cùng chụp hình rồi mới in. Từ trước đến nay tôi chưa thấy ở Việt Nam hay ở ngoại quốc có cuốn nào mà in công phu như vậy. Người nào chơi sách mà được một bản đặc biệt cuốn đó, chắc sẽ quý như vàng.

Cuốn thứ nhì là cuốn Tố Như Thi mới phát hành ít tuần nay, do nhà An Tiêm xuất bản ở Sài Gòn. Ông giám đốc nhà An Tiêm cũng là một người rất yêu cái Đẹp. lần này nhờ Thi Vũ trình bày bìa. Bìa Giọt Trăng cổ kính bao nhiêu thì bìa Tố Như Thi mới mẻ bấy nhiêu: Mấy ngón tay tháp bút của một mỹ nhân đặt nhẹ trên một trang giấy trắng. Sách in 3.000 bản toàn giấy tốt, dày, có phần hơi dày quá nữa, cũng đáng kể vào loại sách quí. Trong tình trạng xuất bản bi đát như lúc này, nhà An Tiêm phải quý Tố Như và Quách Tấn lắm mới dám in sách như vậy.

Nguyễn Du lưu lại cho chúng ta ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên làm từ 1786 đến 1795, Nam Trung từ 1805 đến 1808 và Bắc Hành trong hai năm đi sứ 1813-1814. Nghe nói tất cả gồm trên 200 bài, đại đa số là thơ Luật. Thơ chữ Hán của cụ cũng bình dị, tự nhiên mà cũng buồn man mác như thơ nôm của cụ, mà chứa  tâm sự nhiều hơn.
Đời cụ sao mà long đong thế. Mới đậu tam trường 19 tuổi thì gặp tai biến dồn dập. Gia đình mỗi ngày một suy sụp, anh em ly tán, cụ phải về ở nhờ quê vợ tại Thái Bình. Trong 10 năm ăn gởi nằm nhờ, biết bao tủi nhục; phải giữ ngu dại để người ta khỏi ganh ghét, phải kiêng nể mọi người để được toàn mạng. Không có một đồng một chữ mà đau ốm liên miên, “đành nằm chờ chết với văn chương”.

Sau cụ về quê nhà ở Hà Tĩnh thì nhà bị phá, gia sản bị tịch thu, lại bị nhốt ngục bốn tháng.
Mãi đến năm 1402, ba mươi bảy tuổi mới ra làm quan với nhà Nguyễn, nhưng thường bất mãn, có khi bị quở trách, khinh khi nữa. Và gần như lúc nào cũng bị hai con ma bệnh và nghèo ám ảnh. Làm quan thì thanh liêm mà gia đình mười mấy miệng ăn, cho nên đàn con luôn luôn gào đói:
Thập khẩu đề cơ Hoàng lĩnh bắc

Và đứa nào đứa nấy xanh như lá rau:
Thập khẩu hài nhi thái săc đồng.

Đói tới cái mức suốt ngày bếp lạnh, phải hái hoa cúc ăn đỡ, như Tô Đông Pha ngày xưa ở Mật Châu:
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xa

Bọn cầm bút chúng ta ngày nay có phải ăn cháo thì cũng có niềm an ủi đấy.
Ai muốn hiểu Nguyễn Du nhất là các giáo sư dạy về Nguyễn Du, đều phải đọc ba tập thơ đó, Nghe nói ở ngoài Bắc, người ta đã dịch ra rồi từ bảy tám năm trước. Ở trong Nam chúng ta thì bản dịch của Quách Tấn là bản đầu tiên. Ông lựa trong ba tập được 72 bài, nhờ bạn chép chữ Hán (để làm bản km) còn ông thì phiên âm chú giải, dịch nghĩa rồi dịch thành thơ luật, một số dịch thành lục bát, hoặc lục bát gián thất.

Ông làm việc rất cẩn trọng, chẳng hạn câu cuối bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu:
Hải giác thiên nhai tam thập niên

Có người cắt nghĩa rằng “ở nơi góc bể chân trời 30 năm". Nghĩa đó sai vì bài đó làm khi Nguyễn Du lánh về quê vợ, chỉ ở đó nhiều lắm là 10 năm làm gì tới 30 năm. Ông sửa lại “tam thập niên” đó phải giảng là Ba Mươi Tuổi.

Nhưng cũng có điểm tôi còn ngờ, chứ chưa dám quyết.

Bài Thăng Long Cầm Giả Ca, ông chú thích Giám hồ là Hoàn Kiếm. Từ trước tôi cứ tưởng Giám hồ là cái hồ trước Quốc Tử giám (Khổng Miếu ) Hà Nội; hồi tôi lớn lên hồ đó chưa lấp hết.
Việc dịch ra thơ mới công phu nhất. Ông dịch sát có khoảng mươi bài đọc thú ngang đọc nguyên tác. Tôi xin cử bài:

Quỷ Môn Đạo Trung

Quỷ môn thạch kỉnh xuất vân côn
Chinh khách nam qui dục đoạn hồn
Thụ thụ đông phong xuy tống mã
Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề vôn
Trung tuần lão thái phùng nhân lãn
Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn
Sơn ổ hà gia đại tham thụy
Nhật cao do tự yểm sài môn.

Trong Đường Quỷ Môn

Đường Qu Môn quan mây ngút xông
Về Nam chinh khách tái tê lòng
Gió dồn chân ngựa cây xao xác
Trăng rụng đầu non vượn não nùng
Lười việc đón đưa già trước tuổi
Đỡ cơn giá rét rượu đầy chung
Nhà ai góc núi sao ham giấc
Nắng giọi hiên chưa mở cánh bồng.

Tôi muốn trích thêm ít bài nữa, nhưng giấy đắt quá, tòa báo nào cũng ngại.
Trong một năm giữa lúc củi quế gạo châu này, cho ra được hai tập thơ (sáng tác và dịch) tập nào cũng hay, cũng đẹp, thật là một điều hiếm thấy.

Quách Tấn khoảng 65 tuổi. Mấy năm gần đây ông đã chẳng nghỉ ngơi mà còn âm thầm sáng tác mạnh hơn thời trẻ nhiều. Ông còn ba tập thơ và trên 10 tập văn chưa in, trong số này có ba tập thi thoại Trong Vườn Hoa Thơ, Hương Vườn Cũ, Những Bức Thư Thơ, một tập về “lịch trình tiến triển thơ Đường luật” nhan đề là Giọng Hàn Thuyên, Tôi tin chắc những tập ấy có nhiều giai thoại, nhận xét, phê bình lý thú và bạn nào yêu thơ cũng mong sớm được đọc, nhưng tình hình kinh tế như vậy, ai là người dám hy sinh như Thi Vũ với An Tiêm?

Nghe nói mấy năm nay ông viết bộ Hồi Ký: Bóng Ngày Qua (kể lại cuộc đời của ông, chép truyện các bạn văn của ông…) đã được trên ngàn trang rồi, mà còn nữa… Đáng phục ông già này thật.
Nhưng đang viết d thì ông phải ngưng lại. Mấy tháng trước ông bị một chứng mà y sĩ nhãn khoa cho là đáng ngại nhất: chứng glaucome cấp tính. Huyết áp ở một con mắt tăng lên trầm trọng, nhức nhối vô cùng, không sao ngủ được, ông phải vô Sài Gòn mổ; bây giờ hết nhức, nhưng con mắt đó kể như lòa rồi, bác sĩ cấm ngặt đọc sách, viết lách, suy nghĩ.

Khi báo tin cho tôi, giọng ông dí dm như một triết nhân:
Tôi nay đã thành người “ nhất mục thập hàng” và phải “ bế môn tạ khách”, “bế sương tích thư" để dưỡng bệnh. Tôi có bài thơ tức sự, xin chép để ông cười cho vui:

Duyên văn chương đương thắm
Thân già bng đảo điên
                                      Một đêm đầu nhức nhối
Suốt tháng bệnh triền miên
Thành nửa cụ  Đình Chiểu
Không hai chàng Vân Tiên
Trên đường hoa chỉ thoáng
Những bán diện thuyền quyên
                                                                        (Ngày 20 tháng 8/1973)

Bệnh Glaucome là bệnh khó trị nhất, h một con mắt bị rồi thì gần như chắc chắn rằng con kia sẽ bị nốt. Có bác sĩ khuyên nên mổ trước mắt kia đi, có bác sĩ can, bảo đợi nó bị rồi mới mổ. Một Đông y sĩ bảo có thể trị được (chứ chưa chắc) mà phải trị lâu 5, 6, tháng và mỗi thang thuốc tới 10.000 đồng vì mỗi chỉ tê giác cũng phải 6.000 đồng rồi.

Nghĩ vậy tôi càng thấy hai tập Giọt Trăng và Tố Như Thi ra đúng lúc này an ủi ông được nhiều lắm, nhiều lắm.