Năm 1972



Sài Gòn, ngày 04-02-1972

Kính ông,
Sáng nay hai ông bạn lại bàn việc “chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới”. Họ tranh luận thật hăng. Tuổi họ cũng suýt soát tuổi tôi mà sao họ mạnh thế, hăng thế! Họ về rồi thì tôi được thư của ông. Đọc xong tôi càng thấy tôi xa họ quá mà gần ông quá!

Tôi tuổi Tân Hợi, năm nay cũng té cầu thang, trật gân mất ba tuần; rồi bác sĩ bảo động mạch của tôi bắt đầu cứng. Bệnh đó không trị hết được vì là bệnh già, ngày nào cũng phải uống thuốc cho đến hết đời. Trong bốn giai đoạn của đạo Phật, tôi đã đến giai đoạn thứ ba: cũng là thường tình.

Điều này tôi cũng giống ông nữa: tuổi này tôi thấy lòng mình dịu hẳn xuống tuy giọt lệ vẫn như sương, nhưng tình đối với gia đình, bạn bè có đậm hơn.
Chúng mình vẫn phải viết chứ, không viết thì buồn chịu sao nổi, nhưng lúc nào vui thì viết, không cần cho xong. Như vậy tâm hồn thư thái mà chắc còn sống được mươi năm nữa. Ở ngoài đó, ông còn ra biển ngắm mây nước được, tôi ở đây không muốn ra khỏi nhà nữa; chỉ lâu lâu về Long Xuyên nằm dài dưới bóng xoài, bóng mận nửa tháng thôi. Mà Long Xuyên bây giờ cũng ồn lắm.

Huyết áp của ông 18/10 hơi cao đấy, nhưng không đáng ngại vì écent 18-10: normal. Qua giêng, tâm hồn thanh thản, sẽ xuống Long Xuyên. Bà nhà đã hoàn toàn bình phục rồi chứ.

Kính thư.

-o0o-


Nha Trang, ngày 09-10-72

Kính ông,
Anh Châu Hải Kỳ đương sưu tầm tài liệu để viết về một số văn sỹ và thi nhân hiện đại. Anh Kỳ đến hỏi tôi xin một ít mẩu chuyện về ông... Để giúp ông bạn được “nhiều bột”, tôi có giới thiệu chị Mộng Tuyết và cho biết địa chỉ của ông...Chắc anh Kỳ đã được ông và chị Mộng Tuyết giúp tài liệu.
Chúng tôi tuy ở trong một thị xã không mấy rộng song vài ba tháng mới gặp nhau một lần. Vì tôi ít “xuất gia” còn anh Kỳ thì phải đi dạy học và giúp vợ lo việc nhà bận rộn suốt tuần.

Đời nhà văn, nhà thơ tỉnh nhỏ “chật hẹp” và lẻ loi lắm.
Trong mấy tháng nay tôi không viết lách chi được cả. Để khỏi tiếc thì giờ, tôi lục lại những thơ làm từ 1932 đến nay mà chưa xuất bản, chọn lọc và sửa chữa lại đôi chút, rồi dồn lại, đánh máy được ba tập:

1.      Giọt Trăng: gồm 100 ngũ tuyệt làm từ 1966 đến fuillet 1972.
2.      Nhánh Lục: gồm trên 200 bài lục bát và song thất lục bát (trường, đoản) làm từ 1940 đến nay.
3.      Tiếng Vàng Khô: gồm 135 bài thất ngôn bát cú thời tiền chiến và kháng chiến chưa in vào Một Tấm LòngMùa Cổ Điển, cùng những bài mới làm từ 1956 đến nay.
Thi Vũ ở Paris sẽ lựa 52 bài ngũ tuyệt in vào dịp Tết Kỷ Sửu. Còn lại để đó chờ thiện duyên.

Hoàn tất ba tập thơ rồi, mà hứng vẫn chưa thấy trở lại. Ngày ngày chỉ vui cùng bầy chim én mới làm quen.
Trước kia hiên nhà tôi đầy se sẻ. Hai năm nay, cây mận trăm tuổi ở trước sân chết. Se sẻ mất chỗ nghỉ trưa, lại thêm bị bầy tắc kè ở bên đình Xương Huân di cư sang, cắn phá, nên bay đi hết. Trong nhà có phần vắng vẻ. Gần ba tháng nay, chim én (én cỏ sắc huyền) đua nhau bay vào nhà. Ban đầu vài ba con, mỗi ngày một thêm nhiều, có khi đến mười con một lần. Sáng sớm và chiều mát, hễ cửa phòng khách mở là chúng bay vào, liệng qua liệng lại lẹ làng nhẹ nhàng năm mười vòng, tiếng kêu lách tách như tiếng máy chữ do bàn tay giai nhân điều khiển, rồi bay vào phòng ăn, vào phòng ngủ, liệng qua liệng lại vài ba vòng rồi bay đi...

Vợ đi vắng... Khách ít tới... Nhờ chim én mà tôi không cảm thấy cô đơn.
Hôm nay ông Lâm Kinh ở Đà Lạt xuống tặng một bụi phong lan Hồng Hạc vừa nở. Ngồi vui cùng lan, cùng én, chợt nhớ đến Đông Hồ, đến ông ...nên có thư này vậy.

Kính chúc bình an.

Tái bút: Giấy viết thư và bì thư đây là của Thi Vũ ở Pháp gửi về cho gần một năm rồi. Nay mới đem ra dùng, chớ không phải nay đã giàu nên sang.

-o0o-


Sài Gòn 02-11-72

Kính ông,
Tôi được thư ông non ba tuần rồi mà hôm nay mới hồi âm được, vì nay năm vận hạn, tôi bị cúm nặng, hết diarrhée thì biến chứng ra nấc cụt (hoquet) cả tuần, suốt ngày và đêm (già mà bị chứng đó ai cũng ngại); may mà hôm nay đã hết, nhưng khi cơ thể yếu thì các bệnh vặt cũ nó kế tiếp nhau quấy rầy mình (như bệnh nhức răng, bệnh trĩ); thành thử có bình phục hẳn thì có lẽ cũng phải cả tháng nữa.

Tuổi già buồn thật! Nhất là lúc đau mới thấy cô độc mà mọi sự là phù du hết. Nằm giường bệnh tôi cũng được cái vui nghe mấy con chim (không biết tên là gì) hót ở xa xa, và bầy chim sẻ ríu rít mỗi buổi sáng ở ngay cửa sổ, có khi chúng bay vào phòng tôi, ngó nghiêng ngó ngửa, chíp chíp một lát rồi bay vù ra. Không được bằng bầy chim sẻ của ông, nhưng ở Sài Gòn mà được nhự vậy, cũng làm cho biết bao bạn văn ganh tị rồi.

Từ mười mấy năm nay, đứa con trai duy nhất của tôi ở Pháp, năm nay nhà tôi lại qua bên đó với nó, có lẽ còn lâu mới về cho nên trong lúc đau, càng thấy cô đơn. Hình như nhà văn nào cũng cô đơn và không sợ cô đơn, phải vậy không ông ?
Chắc tôi phải nghĩ viết vài ba tháng, và cũng chỉ viết vài ba năm nữa thôi.

Kính chúc ông vạn an.