Năm 1977



Sài Gòn 30-3-1977

Kính gửi anh Quách Tấn,

Hôm từ biệt anh ở đường Trần Quốc Toản về, hôm sau nhà tôi đau (cúm) phải đi bác sĩ, chưa hết thì tôi lại cũng cúm, rồi cả hai đương đau phải về Long Xuyên, nghỉ ngơi, chưa mạnh hẳn đã phải lên Sài Gòn; mệt quá (đi từ 4 giờ sáng, 2 giờ chiều mới tới); tới Sài Gòn lại đau lại; thế là gần hết tháng Giêng.

Người già thời này khổ quá anh ạ. Chị có mạnh không? Chứ anh thì tôi thấy mạnh lắm: Nha Trang – Sài Gòn đi đi về về như đi chợ.

Tết ở Long Xuyên buồn quá. Người ta nghèo rồi. Mà mấy ông bạn già phải lo sản xuất, kẻ nuôi vịt, người nuôi heo, lỗ hết cả. Tương lai thì mù mịt.

Hai tập anh cho, tôi mang về Long Xuyên đọc. Tập Văn Tế đó chắc chắn là tập cuối cùng của Việt Nam. Một tài liệu quý, nghệ thuật của anh không kém các cụ. Nhưng xin thú thực, tôi không ưa thể văn tế. Từ trước tôi chỉ thích hai bài: Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du và bài Tế Các Chiến Sĩ Cần Vương của Đồ Chiểu. À còn bài Tế Trận Vong Chiến Sĩ của Nguyễn Văn Thành nữa. Mùa Hoa 68, nhan đề thật khéo. Tôi nhận thấy điều này lạ: thơ Đường luật của anh càng gần đây càng hồn nhiên hơn; mà thơ lục bát thì ngược lại từ 1976 trở đi, làm nhiều hơn mà cũng đẽo gọt hơn trước. Có chịu ảnh hưởng của Nàng Thơ đấy không?

Thơ lục bát của anh cũng hơn người nhưng xét chung thì thơ thất ngôn và ngũ ngôn tứ tuyệt của anh vẫn trội hơn cả. Rồi mới tới ngũ ngôn bát cú và lục bát.

Anh cho tôi, nhưng không chắc gì sau này con cháu tôi nó giữ được. Anh đã nghĩ nhờ ai giữ chưa? Nếu có người nào chắc chắn hơn gia đình tôi...

Ông Đào Duy Anh đọc Bách Khoa thấy thơ anh làm và thơ anh dịch thơ Nguyễn Du; lại thấy tôi khen bản dịch Quỉ Môn Đạo Trung của anh, ông ấy chép cho tôi bản dịch của ông ấy (ổng dịch tất cả 280 bài của Nguyễn Du) và tự nhận định rằng ông ấy dịch sát hơn, còn anh dịch “thi sĩ” hơn, ý muốn nói ổng dịch theo tinh thần nhà khảo cứu, còn anh theo tinh thần nghệ sĩ.

Tôi chép lại đây bản dịch của ông ấy để anh coi:

Lối đá chân mây vượt quỉ môn
Về Nam khách bỗng muốn tiêu hồn
Gió đông lừa ngựa cây rào rạt
Trăng xế đầu ngàn vượn véo von.
Già trước tuổi rồi, người ngại gặp
Đường dài rét dữ, rượu may còn!
Nhà ai xóm núi còn gài cửa?
Bóng đã cao mà ngủ vẫn ngon.

Lúc này ông ấy đau yến, chỉ nằm đọc Bách Khoa, có cảm tưởng gì thì chép cho tôi, thành thử viết thư cho tôi thường. Tôi thấy ông ấy còn giữ nếp nhà nho, hợp với chúng mình hơn Chế Lan Viên v.v...

Kính chúc anh chị vui

-o0o-


Nha Trang, ngày 05-6-77

Kính anh,

Gần 1 tháng nay, bệnh nhà tôi trở nặng, phải đưa đi nằm bệnh viện. Nằm được 1 tuần hơi đỡ, nhưng không thể nằm lâu, vì người bệnh quá đông, mỗi giường chỉ rộng có 8 tấc mà phải nằm đến 2 người rồi đến 3 người (thay phiên nhau mà nằm nghỉ đỡ lưng).
Vợ chồng già nuôi nhau.

Ngày nay mới thật nhận thấy vị đắng cay của đời người.
Tuy vậy vẫn tự phấn đấu để khỏi sa vào hố buồn thương, để giữ được niềm an vui cho thân tâm trong lúc biến.

Nhà tôi nay đã đỡ nhiều, lại có con cháu về thăm. Tôi rảnh rang, viết thư thăm anh.
Châu Hải Kỳ hôm tuần trước có đến. Kỳ cũng chả sướng chi. Làm việc quá sức, không còn thì giờ, không còn tâm trí để nghĩ đến văn chương.
Có lẽ chỉ có anh cùng tôi, nghiệp quá nặng, nên cứ mãi bị “thứ rẻ hơn bèo” này đeo đuổi không thôi! Viết để làm gì? Chẳng biết để làm gì, song hễ có thì giờ rảnh là viết. Chắc lúc này anh vẫn một mình ngồi trên gác với cây bút tập giấy, như mọi lúc tôi vào thăm? Tôi vừa hoàn tất tập thơ lục bát “Vận Liên Chi” và 1 tập thi thoại Những Bức Thư Thơ (tập II). Nghỉ dưỡng sức ít lâu rồi sẽ viết nữa...

Viết thì dễ mà tìm người để gởi giữ dùm thật khó. Không đủ sức, không đủ giấy để đánh máy làm nhiều bản... Âu đành phó cho rủi may .

Anh có nhớ trọn bài thơ Đường nghĩ tác về chuyện Tu Cổ Phạm Thơ chăng? Tôi chỉ nhớ có 2 câu:

Bất tri thiên hạ sỹ
Chỉ phạ cố nhân hàn

Nếu anh thuộc, xin chép dùm toàn thiên và tên tác giả.
Người ta đua nhau đi tìm cái mới, mình lại đi tìm cái cũ. Thật là lạc hậu! Không biết kẻ “thức thiệt” có cười là điên rồ, là gàn chăng?
Buồn quá nói chuyện nhảm cho đỡ buồn. Phải chi lúc này còn anh Đông Hồ để có thêm nơi để gởi thư nói chuyện nhảm, tạm gọi là chuyện của đám “già chưa chịu chết”.
Trong lúc viết thi thoại, tôi có dịch một ít thơ Đường, xin gởi vào trình chính
Kính chúc anh an hảo. Kính lời thăm chị.

-o0o-



Sài Gòn, ngày 05-7-1977

Kính Anh,

Đúng một tháng mới hồi âm cho anh. Chị hôm nay thật mạnh chưa? Anh nuôi chị được như vậy, chắc chị cảm động lắm. Cái cảnh một giường 8 tấc mà 3 người, sao mà bi đát thế! Tôi vẫn thường nói: không thời nào người già khổ như bây giờ. Mà tiếc cái thời xưa. Trời cũng khéo sắp đặt: chị hay đau thì anh mạnh; tôi hay đau thì nhờ trời nhà tôi mạnh. Nếu cả hai cùng đau cả, thôi đừng nghĩ tới nữa. Anh có nhắn ông bạn của chúng mình ở Paris gởi thuốc về cho không? Mỗi năm được gởi cadeau 2 kí lô (làm 2 lần, mỗi lần 1 kí lô) đấy.

Có ai mà vui được anh. Giản Chi hết dạy học rồi, vợ cũng đau, con đi cải tạo như con anh (à, cậu ấy có tin sắp được về không) mà bầy cháu cũng đông. Rồi sẽ túng thiếu hết. Châu Hải Kỳ đừng nên phàn nàn. Vì buồn mà chúng mình đều cặm cụi viết – có vậy mới đỡ đau mà sống thêm được. Mà biết viết gì bây giờ? Thì anh cứ làm thơ, dịch thơ, viết thi thoại, hồi ký; tôi cứ viết về triết Trung Hoa. Chẳng ai chê mình lẩm cẩm. Mà cái tuổi của mình được phép lẩm cẩm.

Pelure bây giờ 10.000đ cũ một rame. Tôi sắp phải dùng những trang cũ, viết vào mặt sau vậy.

Không, tôi không nhớ bài thơ Đường đó. Anh nghĩ sao giống tôi thế: lúc này nhớ Đông Hồ quá, có anh ấy thì mỗi tuần đi thăm nhau cũng qua được một buổi.
Bài Tống Lương Lục của anh dịch, chữ bập bênh theo tôi hơn chữ chới với. Câu cuối anh dịch hay. Bài Tống Nguyên Mại, dịch hay. Bài Phù Dung Lầu Tống Tân Tiệm dịch hay mà giữ được nguyên thể. Bài Kim Lũ Y, chưa thú. Tiết Phụ Ngâm: hay. Bài này dễ dịch. Còn bài Vịnh Minh Phi Thôn thì chắc chắn anh cũng chưa vừa ý.

Anh có gặp Châu Hải Kỳ cho tôi nhắn hỏi: đã nhận đủ 2 bức thư tôi trả lời về Chiến Tranh Và Hòa Bình chưa? Và thuốc nghệ, chuối, gạo nếp lứt có công hiệu không? Tôi cũng đương đau bao tử đây; Nếu công hiệu thì tôi cũng sẽ uống.

Kính anh chị vui

-o0o-


Nha Trang, ngày 19-8-77

Kính gởi anh Nguyễn Hiến Lê

Được thư anh, rất mừng: Thơ ngũ luật của tôi không đến nỗi tệ.
Quả như lời anh nói: “Thơ ngũ luật đối với thất luật thời thiếu, đối với ngũ tuyệt thời thừa”. Tài lớn như Lý Thái Bạch mà vẫn ít thấy bài ngũ luật nào “thêm 1 chữ thì thừa, bớt 1 chữ thì thiếu”. Người xưa (quên tên) nói :”Thơ ngũ luật là 40 ông hiền ngồi chung chiếu, lẫn 1 tục tử vào là hỏng cả toàn thiên”. Vì vậy trước kia, tôi thường tránh ngũ luật. Từ 1972 về sau, “liều mạng già”, múa tung bút. Không ngờ lại được anh khen. Anh là người duy nhất khen y thơ ngũ ngôn bát cú của tôi, từ trước đến nay. Anh đã “vừa mắt” thì tôi xin đề tặng anh tập “Tràng hạt ngũ ngôn” và nhờ anh viết dùm vào trang sau nhan đề sách :”Tặng anh Nguyễn Hiến Lê”. Ráng viết chữ cho đẹp nhé.

Lâu nay tôi nghĩ rằng tự chú thích thơ mình là có ý khinh thường độc giả, nên “viết đã cầm, đắn đo chẳng viết”. Nay xin nghe lời khuyên của anh, tôi sẽ “chú thích sơ sài” cho có lệ chỉ riêng mình hiểu rõ. Xin thưa anh mấy chỗ anh hỏi:
- Khói lang dịch chữ lang yên (lang yên đồn tức)
- Soi: doi đất, doi phù sa ở ven sông (Hà Châu)
- Người tìm Tống: Văn Thiên Trường, tác giả câu:

Mãn địa lô ba hòa ngã lão
Cựu gia yến tử vị thùy phi

- Bí phi: Bật Phi, nữ thần bến Lạc Phố.
- Chích mác: chếch mác: nghiêng lệch dở dang.

Trong thơ văn, thỉnh thoảng tôi dùng những thổ âm. Bà Tương Phố trước đây thường “rên” tôi điều đó. Nhưng tánh nào tật nấy...

Mấy lâu nay tôi vẫn làm thơ, nhưng không làm thơ luật, thơ tuyệt thất ngũ, mà làm thơ lục bát. Năm 1972, 73, 74, tôi thích ngũ ngôn vì “ỷ già”. Từ 1975 đến nay tôi đổi thể vì gặp được một hồng phấn tri âm rất nghề về lục bát. Để theo cho kịp tôi phải ráng dụng công. Tôi sẽ gom góp tất cả những bài khá thú đánh máy thành tập gởi vào anh xem.

Tập Bóng Ngày Qua còn phần “vợ con, bạn bằng”, “tình nhỏ tình lớn”. Phần này viết thú lắm vì có rất nhiều kỷ niệm nên thơ. Song lúc này hết hứng viết. Trước nhà bị chợ Tân Lập dồn mùi “thơ thi xã của Cao Chu Thần” đã khó chịu lắm rồi, mà hiện nay lại còn thêm ống loa phát thanh đặt trên nóc chợ dõ ngay miệng vào nhà nữa... Nên cả ngày cả tai lẫn mũi phải “tích cực đề kháng” mới khỏi “qui khứ lai hề”. Đó là trở ngại lớn nhất trong việc sáng tác của tôi. “Nhàn duyên náo cũng duyên”. Tránh làm sao cho khỏi nghiệp!

Chế Lan Viên tình đối với tôi, trước sao sau vậy. Nhưng thơ thì khác xưa xa quá. Chế có tặng tôi 2 tập thơ mới nhất. Tôi không thích vì khung trời bị thu hẹp và bài dài câu dài, chỉ đọc được chớ quá khó ngâm nga.

Kính chúc anh mạnh giỏi.
Kính lời thăm chị.
Chúng tôi mấy tháng nay ơn trời được bình an.

-o0o-



Sài Gòn, 10-10-1977

Kính Anh,

Từ đầu năm, không thấy anh vô đây thăm cậu đi học tập. Cậu ấy còn ở chỗ cũ không, có hy vọng sắp về chưa? Trong này người ta đã cho về một số, nhưng chỉ ở Sài Gòn ít tháng rồi phải xin hồi hương làm ruộng hoặc xin đi một miền kinh tế mới. Những gia đình đó vui vui được một chút. Nhưng cũng có tin chính quyền sẽ dùng  một số kỹ thuật gia. Có thì cũng còn lâu, phải tỏ ra có thiện chí để được phục hồi quyền công dân đã.

Chị lúc này mạnh hẳn chưa? Theo Châu Hải Kỳ, thì anh ngày nào cũng đều đều “mổ” (đánh máy) - hồi ký phải không? – và mỗi tuần đi coi hát bóng vài lần. Như vậy thì tôi phục anh quá. Anh là người “đạt” nhất trong số bạn già của tôi đấy.

Đào Duy Anh “bi” hơn anh nhiều. Ông ta năm nay 74 tuổi ta – hơn anh 6 tuổi – năm ngoái bị đau 2 tháng; đầu năm nay lại phải nằm dưỡng đường 2 tháng nữa; bây giờ chỉ nghĩ tới chuyện chuẩn bị cho cuộc “grand départ” (chữ của ổng): thuê người đánh máy một bản thảo “Dịch Kinh Thi” làm 2 bản: 1 bản gửi chính phủ quản lý giùm, 1 bản để ở nhà; đem bán kí lô tất cả các sách và báo không đọc tới nữa; lựa một ít sách cho các con, nhưng có 3 bộ lớn nhất: Lỗ Tấn toàn tập, Lénine toàn tập (chữ Pháp), không người con nào nhận cả vì không có chỗ chứa. Như vậy để cho rảnh thân. Và sang năm, nếu mạnh “Nam du” một chuyến cuối cùng, vài tháng rồi về Hà Nội chờ cuộc “tiêu dao du” (cũng chữ của ổng). Ông ấy có vẻ quí bọn mình và mến miền Nam này lắm, còn muốn vô ở hẳn trong này nữa, nhưng ngại đau ốm, xa con cháu, không có ai săn sóc.

Đọc thư ông ấy, tôi buồn cả một buổi. Vì tôi cũng một tâm trạng đó: đương soạn các sách báo cũ bán “ve chai” – 700 tới 1.000đ cũ một kílo; giữ lại ít cuốn để lại cho con cháu (trong số đó có bộ Histoire de la civillisation 33 cuốn của Will Dumont), còn bao nhiêu bán dần, với tặng các bạn trẻ nào đọc tiếng Pháp, Anh, Trung Hoa được.

Không biết anh đã nghĩ đến việc đó chưa? Quên, tôi cũng đương sắp lại bản thảo chưa in và có lẽ cũng nhờ chính quyền quản lý cho một số. Anh có định như vậy không?

Hình như Đào Duy Anh không nghĩ tới việc viết hồi ký. Tôi cũng chưa nghĩ tới. Tập hồi ký của anh viết đến đâu rồi. Khi nào xong, tôi muốn được đọc.
Nhân soạn báo cũ, tôi tìm những bài tôi viết về anh mà không tìm được những bài này: 1. Điểm cuốn Xứ Trầm Hương; 2. Tố Như Thi; 2. Nói về bệnh glaucome của anh (Mục lục Bách Khoa không ghi). Anh nhớ ở số báo nào. Xin anh chỉ giùm.

Xin chúc anh chị vui.
TB: Giấy pelure tồi như vậy mà 5.000đ cũ một rame đấy. Mà không dễ gì kiếm được.

-o0o-


Nha Trang, ngày 27-10-77

Kính anh,

Viết thư cho anh mà dùng máy đánh chữ thì thực là 1 tội lỗi đáng đánh đòn. Nhưng xin đánh nhè nhẹ, bởi cây bút máy, ân tình ngót 15 năm nay, vừa rồi bị rơi gãy ngòi; những cây bút học trò của lũ cháu, chưa quen tay, viết không ra chữ: sử dụng chúng, tôi có cảm giác ngồi nói chuyện cùng một người lạ, lời lẽ bị ấp a ấp úng rất buồn cười. Bởi thế phải dùng đến cô tình nhân thứ hai này để chuyển lòng đến anh.

Lâu nay tôi vẫn thường. Nhà tôi thì cứ đau đi đau lại mãi. Thiếu thuốc, thiếu chất bổ cần thiết, nhà tôi lúc này yếu hơn năm ngoái nhiều. Lại thêm nhớ con, nhớ cháu, thành ra không mong trẻ trở lại được. Cách đây hai tháng, người em ruột nhà tôi làm bác sỹ tâm thần học tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, được phép về đem nhà tôi ra ngoài đó chữa, song Công an địa phương không cấp giấy phép thông hành cho nhà tôi vì “thiếu tiêu chuẩn”. Do đó nên phải đợi... Tôi thay thế nhà tôi lo việc nội trợ.

Công việc bếp núc giặt giũ không có gì đáng gọi là cực. Vì vậy nên, như lời Châu Hải Kỳ nói, tôi vẫn “cốc cốc” đều đều. Hai năm trước làm được gần trăm bài lục bát. Ba tháng đầu năm nay, soạn thêm được 1 tập thi thoại thứ 4 (Những Bức Thư Thơ tập II). Nhưng rồi cụt hứng, vì đài phát thanh bắt ống loa tại nóc chợ mới Nha Trang trỏ miệng ngay vào nhà tôi, mỗi ngày 3 buổi, hai tai bị làm việc đến đuối cả sức, khiến trí óc phải xin tạm nghỉ giả hạn. Anh Châu Hải Kỳ xuống thăm tôi, mới ngồi không đầy 15 phút, phải xin lỗi rút lui, vì không chịu nổi tiếng loa. Sáng từ 5 giờ đến 7 giờ. Trưa từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30. Chiều từ 4 giờ rưỡi đến 10 giờ rưỡi. Nếu không có sức chịu đựng thì e phải điên. Song không lẽ chịu thua ống loa vô tình, tôi bèn tập trung tư tưởng vào việc đọc kiếm hiệp và làm thơ. Tôi đọc được 3 bộ kiếm hiệp của Kim Dung, dày đến mấy chục quyển. Tên sách là gì, tôi không nhớ, chuyện hay dở ra sao, tôi không nhớ, chỉ nhớ rằng mình có đọc và đọc rất chăm. Còn thơ thì trong 3 năm nay, tôi chuyên về thể lục bát. Và trong gần 1 tháng nay, tôi chuyên về thể tứ tuyệt (cũng lục bát) và đã làm được trên 30 bài. Có đôi bài nghe không đến nỗi nhảm nhí. Khởi đầu là một bài khẩu chiếm để mua vui với một ông bạn “xin cho biết địa chỉ”:

Gái thời bến nước mười hai
Mười hai Bến Chợ làm trai là mình
Dòng đời dù lắm linh đinh
Con đò xưa vẫn nặng tình cây đa.

Tập lục tứ tuyệt này tôi lấy tên là Bụi Phấn. Khi làm xong và lựa được 100 bài kha khá, sẽ đánh máy gởi hầu anh.

Đó là cái thú ban ngày. Còn ban đêm thì thỉnh thoảng 1 tuần vài lần đi xem chiếu bóng. Cũng như xem truyện kiếm hiệp, xem chỉ để mà xem. Có khi 1 tuồng xem đến 2, 3 lần mà vẫn thấy mới.

Về những bản thảo, tôi chưa tìm ra cách giải quyết ổn thỏa. Làm sao đánh máy cho hết, vì Bóng Ngày Qua dày trên dưới 2.000 trang. Còn những tập văn xuôi khác, nhất là các tập thi thoại, đều dày từ 200 đến 500 trang. Lúc này tôi nhận thấy sức đã yếu hơn mọi năm nhiều quá. Ngồi đánh máy độ mươi trang thì mỏi lưng, tim đập mạnh. Vì không biết thế giới bên kia có vui hơn thế giới bên này chăng, nên tôi thấy cần phải dưỡng sức để khỏi mang gói lên đường gấp... Đó cũng là lý do thứ hai mà tôi tạm ngưng “mổ” vậy.

Anh và Đào quân tính việc “phó thác” đám con tinh thần như thế kể cũng tiện lắm. Tôi không dám nghĩ đến biện pháp đó vì bên tai văng vẳng câu trong Bằng Hữu Kim Ký của cụ Nguyễn Đôn Phục:
Thảm là thảm gà nuôi con vịt, chít chiu nào kẻ nâng niu
Thương là thương cá bỏ giỏ cua, hiếp đáp nhiều bề tủi hổ.

Ngày xuân còn dài... và duyên may còn lắm. Chắc thế nào rồi cũng tìm được tri âm.
Từ hôm đầu năm đến nay, gia đình tôi được phép thăm cháu một lần. Vì lần này, cách đây 2 tháng, đường từ Sài Gòn lên đến trại, xa và khó đi, nên chỉ một mình con dâu tôi đi mà thôi. Cháu vẫn mạnh giỏi và được tiếng khen là tiến bộ. Nhớ anh và các bạn quen ở Sài Gòn lắm. Nếu thần tài gõ cửa thì thế nào cũng Nam du. Trời không phụ người muốn đi thăm bạn, nên thế nào cũng có người tìm mua sách cũ. Tôi bán đã nhiều rồi, bán kílô, rẻ hơn “văn chương hạ giới” của Tản Đà tiên sinh.

Những bài anh viết về tôi hầu hết ở trong Bách Khoa. Không biết tôi còn giữ những số có những bài ấy chăng, hay chúng đã “tiêu dao du” theo các bạn rồi. Tôi sẽ tìm xem. Có 2 bức thư của anh viết cho tôi nói về Nước Non Bình Định (có nhiều điểm không có trong các bài đăng báo của anh), tôi cất kỹ, mà vừa rồi soạn thư cũ ra xem, chỉ còn có phong bì ngoài đề “có ý kiến về N.N.B. Đ”! Không biết thư lạc ngõ nào. Tất cả thư của bạn nói về văn chương và tâm sự, tôi đều giữ kỹ, giữ cả phong bì. Không biết sau khi mình làm người xưa rồi, những gì mình gìn giữ có cùng quả đất mãi quay quanh mặt trời chăng?

Lúc này thấy có sản xuất một thứ pelure nội hóa, tuy hẩm nhưng khá bền. Tôi mới thấy một vài ông bạn dùng viết thư. Không biết mua ở đâu.
Kính chúc anh chị an hảo.

-o0o-


Nha Trang ngày 11.11.1977

Kính anh,

Nhà tôi vừa khoẻ, tôi chuẩn bị đi Sài Gòn dự đám cưới đứa cháu đích tôn (cử hành vào ngày 28-11-77). Rủi thay, thình lình bệnh nhà tôi tái phát, phải đưa đi bệnh viện. Bệnh viện thiếu chỗ nằm, mỗi ngày hai buổi phải đến để bác sĩ theo dõi và tiêm kim.
Dâu, con đều phải lo phụng sự Quốc Gia, ngày ba buổi, sáng, chiều và tối. Việc gia đình một mình tôi gánh vác. Phần nuôi đau phần làm bếp, tôi đành gác việc đi dự lễ cưới của cháu, để ở nhà lo cho tốt nghĩa vụ của một người thân.

Rõ là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Ông Thánh ngày xưa nói đúng thật.
Vì thế ông Thánh ngày xưa nói đúng, nên tôi đành phó mọi sự cho trời, để lòng có thể hưởng được đôi chút an lạc:

Đêm nay sao sáng đầy trời

Chuông chùa buông nhẹ lưng đồi phong lan

Đương cơn sấm biển mưa ngàn
Tấm thân được chút an nhàn dễ đâu!!

Tôi ở gần chợ. Chợ nhóm từ 3 giờ sáng đến 4, 5 giờ chiều. Tiếng chợ như tiếng sóng. Đúng như lời các văn nhân thi nhân nói trong sách vở. Nhưng tiếng chợ không làm cho tôi phải “thiền định” bằng tiếng đài phát thanh, mỗi ngày trên 10 giờ, theo ống loa bắt trên nóc chợ chỏ ngay vào nhà... Lỗ tai tôi đã bùng không còn nhận được tiếng chim khuya trên mây thẳm như khi trước:

Chuyện đời đã điếc (1) hai tai
Ngày thêm ba buổi nghe đài phát thanh
Chờ khi bóng nguyệt xế mành
Trải lòng đón chút an lành trời cho (2).

Mái đầu dầu đã hết xanh
Trước sau lòng vẫn nặng tình với thơ (3)
Ơn trên có xét cho nhờ
Yên vui chỉ đợi sau giờ phát thanh.

Nói cho phải, cũng nhờ có thơ mà giữ cho lòng khỏi vẩn đục, và thỉnh thoảng hưởng được những phút thanh thoát:

Mưa rồi trời lại thêm trong
Giàn hoa thiên lý cánh ong dập dìu
Lưa thưa rụng giọt nắng chiều
Áo phơi (4) gió nhẹ ít nhiều hương bay

Bụi đường đã vắng ngựa xe
Bức mành rủ thấp còn e gió lồng
Ngồi nhen bếp lửa sưởi lòng
Hoa thêm mấy nụ nở hồng trong sương.

Thôi xin tạm ngừng để lo việc nội trợ...

Chắc anh vỗ đùi khen:
- Lão già tốt.
Không biết anh có thể tốt hơn tôi chăng?

Sửa lại:           (1).. đã chát
                        (2)...an lành trong mơ
                        (3)... đời vẫn một mình
                        (4)... áo hoang...
                                                có hơn chăng? Thơ làm xong cất kỹ.


-o0o-

Sài Gòn ngày 13-11-1977

Kính anh,

Tôi mới nhận được tức thì bức thư ngày 11-11 của anh do một cậu em nào đem lại. Bức thư đó là một bức ngắn nhất mà hay nhất của anh. Mấy vần thơ đã hay mà lời văn cũng hay, nhất là ba hàng cuối. Nhưng buồn quá anh ạ.

Không, tôi không thể “tốt” hơn anh được. Tôi không “vỗ đùi” khen đâu, mà hơi bùi ngùi. Và tôi hiểu tại sao anh suốt đời vùi đầu vào việc trước tác, lóc cóc với cái máy đánh chữ như vậy.

Ai mà không bị cái nạn loa đó; nhà tôi trước kia cũng có một cái ở bên hông, bây giờ dời qua trước mặt, cách phòng viết của tôi trước kia khoảng 20 mét, bây giờ khoảng mươi mét. Nhưng xưa mỗi ngày bị một giờ thôi, bây giờ khoảng một tuần mới bị một vài giờ. Thần kinh tôi vốn yếu, mất ngủ, đau bao tử, không thể nào chịu nổi như anh đâu. Mà cũng may là cả hai nhà tôi đều mạnh hơn tôi, tôi không vất vả như anh.

Anh chị nên kiếm một ngôi chùa nào gần nhà, cứ sáng lên chùa, tối về nhà; nhà để cho con cháu trông, hoặc cứ khóa cửa lại. Như vậy mới chịu nổi anh ạ.

Mấy câu anh sửa lại đều hay hơn trước. Tôi cho rằng nhà thơ, nhà văn nào cũng cô độc vì một tâm sự nào đó, không cô độc thì thơ văn không hay. Nên câu: “Trước sau lòng vẫn nặng tình với thơ”, tôi muốn đọc là: “Trước sau đời vẫn một mình với thơ” nhưng chữ “đời” này non.

Tôi mong rằng hôm nay chị đã về nhà được rồi. Bệnh chị vẫn là bệnh cũ từ mấy năm trước? Anh nên nghe tôi, kiếm một cảnh chùa, mỗi ngày đi bộ mấy cây số, càng thêm khỏe. Tôi ở đây muốn đi bộ lắm, nhưng ra đường là thấy ngán rồi. Không có dòng sông, cánh đồng, ngọn đồi để mà thơ thẩn.

Kính,