Năm 1969


Sài Gòn, ngày 13-2-1969

Kính gửi ông Quách Tấn,

Hôm nay ông đã thật bình phục chưa? Có thể vui vẻ ăn Tết được chứ? Tuổi mình bây giờ, ăn Tết nghĩa là nhìn thiên hạ vui, mình cũng vui lây một chút, thế thôi.
Một ông bạn mới cho tôi một cành đào Huế, chỉ phảng phất giống đào Bắc, nhưng cũng hơn đào Đà Lạt nhiều, nên nhớ quê quá. Rồi nhớ thơ Đỗ Phủ:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi.

Thời của Đỗ Phủ thế mà còn sướng hơn thời của mình. Tôi cũng đã gần lão đại rồi mà vẫn chưa được hồi, và bao giờ mới được hồi? Trẻ, đọc thơ tiểu Đỗ thấy thích, già mới thấy thơ lão Đỗ có nhiều tâm sự.

Cách đây non một tháng tôi được gặp ông Đông Hồ, năm nay ông ấy mạnh hơn năm ngoái, mảnh khảnh vậy mà chắc còn thọ lâu. Ông ấy đã đọc cho tôi nghe hai câu thơ “Nước non và Yến quạ” ấy. Hình như ông ấy cũng nhận ý kiến của tôi về cách dùng ba chữ “Ô y hạng” là không đến nỗi hoàn toàn vô lý.
Vâng, xin ông cứ cho tôi góp ý với ông, ông Đông Hồ... cho vui. Sẽ là một giai thoại thú đấy.
Về bài của thi sĩ họ Vũ, tôi cũng đồng ý với ông. Đảo cặp luận lên cặp thực như vậy có phần ép.
Ngay hai câu phá, thừa, đảo cũng không êm nữa. Mạnh thì có mạnh, nhưng mất sự liên lạc tự nhiên, không phải là khai môn kiến sơn hay kiến thạch nữa, mà là kiến sơn rồi mới khai môn.
Tôi nhớ Hàn Dũ trong bài Cảm xúc vì bị đi đày ở Triều Châu, hai câu đầu cũng rất mạnh, mà ý tứ chuyển tiếp rất tự nhiên.

Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên
Mộ trích Triều Châu lộ bát thiên

Thiếu tự nhiên thì mạnh sẽ hết hay.
Vả lại người ta nhớ nhiều, chép nhầm thơ thì có thể nhầm vài chữ, hoặc đưa hai câu một bài khác vào chứ chưa có, mà cũng không thể có trường hợp nào nhầm một cách có phương pháp, gần như cố ý (systématique) như vậy hai câu luận nhầm với hai câu thực, câu thừa nhầm với câu phá.
Rồi chữ tam bách, Vũ quân bảo chỉ có nghĩa là sổ bách, có thể (trỏ) hai trăm năm, 174 năm, nghĩa đó tôi cũng chưa dám tin hẳn. Nếu Tố Như tiên sinh quả có ý muốn nói trên hai trăm năm thì sao không dùng nhị bách dư niên, hoặc sổ bách...
Nhưng “văn chương tự cổ vô bằng cứ”, tôi lại chưa hề làm một bài thơ, chỗ thân, xin thưa với ông vậy thôi, người ngoài sẽ trách tôi là lạm bàn.

Bài dịch của ông công phu lắm, chắc khó có ai dịch hơn, bốn câu sau tôi thấy không bằng bốn câu trước. Thơ của Tố Như tiên sinh, Nôm cũng như Hán, rất nhẹ nhàng, dễ dàng như “hành vân lưu thuỷ” (nói theo Tô Đông Pha), mà cảm xúc triền miên. Nghệ thuật như vậy mới tuyệt.

Kính chúc ông cùng bửu quyến sang năm được mạnh và vui. Nước Non Khánh Hòa in chắc gần xong?

-o0o-


Nha Trang, ngày 02-3-1969

Kính gởi ông Nguyễn Hiến Lê.

Tôi nhận được thư ông từ ngày 16-11-1968 từ lâu, mà vì bị fistule anale trị ở Nha Trang không khỏi, phải ra nhà thương Qui Nhơn nhờ bác sĩ Tân Tây Lan mổ, phải mất hơn một tháng mới bớt, vừa trở về nhà hai hôm nay, nên chậm kính phúc, rất mong lượng thứ.

Bài “Đêm thu nghe quạ kêu” trước kia đã bị Phan Chương Dân tiên sinh ngầy hai lần. Một lần trước khi Mùa Cổ Điển ra đời (ngầy miệng và nhắn lời ngầy qua giáo sư Nguyễn Đình). Một lần nữa trên tờ Sông Hương, sau khi Mùa Cổ Điển ra đời. Nay được anh Đông Hồ ngầy một lần nữa. Thật là thú. Sau khi ngầy xong, anh Đông Hồ có gửi cho tôi hai câu thơ rất ý vị:

Nước non khao khát trà Cam khổ
Yến quạ dung tha tội phẩm bình

Bài “Đêm thu nghe quạ kêu” có một “tiểu sử”, tôi đã viết cho Bàng Bá Lân rõ (Bàng quân có in bức thư ấy trong quyển Văn Thi Sĩ Hiện Đại tập 2). Lúc nào sức khỏe bình phục, tôi sẽ viết thêm về “sự được ngầy” của Chương Dân tiên sinh và của Đông Hồ thi huynh, để làm giai thoại. Xin phép ông cho tôi đem những ý kiến của ông vào bài giai thoại cho thêm vui...

Vừa rồi Vũ Hoàng Chương có nói đến bài “Độc Tiểu Thanh Ký” của Nguyễn Du (Tân Văn số 8). Vũ huynh có nhắc đến tôi. Song vì ngồi chưa được và viết còn run, nên không thể góp vui cùng Vũ huynh được. Vũ huynh đảo lộn các câu thơ như thế, tôi nhận thấy không được ổn lắm... mặc dù Vũ huynh đã giải thích rõ ràng... Vì cặp:
Chi phấn hữu thần lân tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
 nói rõ thân thế và sự nghiệp của Tiểu Thanh lại ngậm ý than thở...  Như thế là đúng địa vị câu thực. Câu:
Cổ kim hận sự thiên nan vãn
Phong nhã kỳ oan ngã tự cư

là thừa ý câu trên. Nếu đem lên trạng thì mạch không liền. Thêm nữa “điếu người” sao lại nói đến mình vội thế (ngã tự cư). Mong được ông cho biết tôn ý.

Kính chúc ông cùng bửu quyến sang năm Kỷ Dậu được thêm sức khỏe.

-o0o-


Nha Trang, ngày 11-7-1969

Thưa ông,
Tôi ra Qui Nhơn mổ mạch lươn lần thứ hai từ hôm 12-4-69 mới về Nha Trang gần một tháng nay. Năm ba hôm nữa phải trở ra để bác sĩ khám lại.

Vì được tin anh Đông Hồ mất trong khi ngọa bệnh, thành chỉ đánh điện tín vào chia buồn cùng chị Mộng Tuyết. Thật lỗi đạo bạn bè quá! Tôi có làm một bài thơ điếu, mãi hôm nay mới chép gửi cho chị Mộng Tuyết xem: 
Nghe tin anh mất lúc tôi đau
Giường bệnh đêm đêm nén lệ sầu
Yến quạ thiết tha lời gấm vóc
Phương mai ấp ủ giá vàng châu
Tương giang trúc lã đìu hiu sóng
Hoàng Hạc thơ phong quạnh quẽ lầu
Lòng dãi nước non tìm bóng mộng
Non còn xanh đó nước còn sâu...

Hôm nay nằm nhớ Đông Hồ quá sức, không cầm được nước mắt. Bạn không có mấy người, mà cứ lần lần mòn mi... Nghĩ thật buồn!

Tôi đã viết xong Xứ Trầm Hương và đã nạp cho Hòa thượng Thích Trí Thủ để xuất bản giùm. Có ra đời được sớm cũng đến Tết ta. Viết văn mà không có tiền in thật giảm hứng thú nhiều quá!

Trong bài Tựa tôi xin phép nhắc tên ông. Vì chính nhờ lời ông khuyên “nên viết kỹ lại” sau khi đọc “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” mà tôi viết “Xứ Trầm Hương” chắc ông không nỡ phiền trách.
Tập này cũng dày như tập “Nước Non Bình Định.

Quyển “Non nước Khánh Hòa” của ông Tư đã ra rồi. Ông ấy trích một số bài ca trong “Đôi nét về tỉnh Khánh Hòa” rồi sửa lại một ít câu mà không nói tên tác giả cũng không nói xuất xứ. Những bài ấy không phải ca dao. Đó là những bài của anh em cách mạng “Việt Nam Ái Quốc Đảng” ở Nha Trang soạn để tuyên truyền thời Pháp thuộc. Rất ít người biết. Anh em ở Nha Trang muốn nêu điểm ấy lên báo, song tôi cản, vì ông Tư có quen biết với tôi. Huống nữa không phải điểm quan trọng. Tích Vọng Phu ông ấy lấy tích Bình Định vì không biết rằng Khánh Hòa cũng có một tích rất ly kỳ lý thú, tích “ngậm ngãi tìm trầm” tôi có dẫn trong Xứ Trầm Hương. Trông sao Xứ Trầm Hương ra đời sớm sớm để đáp tấm lòng chiếu cố của ông và quý bạn. Trong Xứ Trầm Hương, bờ biển nói cũng ít. Vì tôi không đi ghe tàu được thành “khó tả quá”. Người Thượng, tôi cũng không nói được, vì thiếu tài liệu. Đành cam phụ lời nhắc nhở của ông. Đáng tiếc lắm.

Chúc ông vạn an.

Tái bút:
Viết thư xong chưa có người gởi đi bỏ bưu điện, lại nhớ Đông Hồ, lấy Trinh Trắng  ra ngâm chợt cảm hứng làm được một bài nữa. Xin chép ông nhàn lãm:

Ba mươi năm lẻ kính yêu nhau
Bỗng gác Quỳnh Lâm tạt bến dâu
Nhớ mái trăng non: còn thấy đó
Nhặt ngôi sao rụng... biết tìm đâu!
Chung trà Cam Khổ thơ phong hẹn
Đỉnh khói trầm hương gió quyện sầu
Thao thức đêm đêm hồn dõi mộng
Đình Vương lầu Hạc bút gieo châu.

“Nhớ mái trăng non”, “Nhặt ngôi sao lạc” là chữ trong hai bài “Tháng Ba” và “Chuỗi Ngọc” của Đông Hồ. Mượn được một cách tự nhiên, thật vừa cảm thương vừa thích thú.

-o0o-


Sài Gòn 20-7-69

Kính gửi ông Quách Tấn,

Sao mà bệnh đó của ông không dứt? Tại bác sĩ dở hay sao? Mỗi lần trị, mệt sức lắm.  tôi mong rằng lần này sẽ hết hẳn.

Xứ Trầm Hương còn 500 trang thì ông làm việc mạnh đấy, ngay người trẻ cũng ít ai hơn.
Nhiều người cứ tưởng viết về một địa phương thì phải theo cái lối Đại Nam Nhất Thống Chí  hoặc Monographis của Pháp. Tôi nghĩ nhất định không phải như vậy. công việc đó để cho các nhà Sử, Địa hoặc các công chức. Bọn nhà văn chúng ta không cần phải theo họ, nếu không có đủ tài liệu; chúng ta có thể biết rõ cái gì thì viết, viết cho hay, còn những cái khác bỏ được.

Trong số mươi cuốn tôi đã đọc về loại đó, chỉ có cuốn Nước Non Bình Định là văn hay. Có lẽ không nên gọi nó là Địa phương chí, mà coi nó như một loại nửa biên khảo nửa du ký. Và tôi thích như vậy hơn, như vậy sách mới đáng đọc lại, chứ không phải chỉ để tra tài liệu. Cho nên tôi mong cuốn Xứ Trầm Hương sớm ra để đọc. Ông Nguyễn Đình Tư thiên về tài liệu quá rồi.

Hôm đưa đám ông Đông Hồ tôi có gặp ông Nam Cường, hỏi thăm Nước Non Bình Định bán được bao nhiêu, ông ấy lắc đầu. Lạ quá, tại sao cuốn như vậy bán không được, mà cuốn về Quảng Ngãi của Phạm Trung Việt lại tái bản? Tại rất ít người biết  đọc văn?

Vũ Hoàng Chương, Đông Xuyên cũng làm thơ điếu Đông Hồ, nhưng hai bài của ông cảm động hơn, rõ là tự đáy lòng ra. Bài trên, câu 8:
Non còn xanh đó nước còn sâu...

Giọng tự nhiên, bình dị mà cảm tôi rất nhiều. Bài dưới, xét toàn thể, tôi thấy hơn bài trên, hai câu 3 + 4 thích lắm, nhưng hai câu kết không bằng bài trên.
Được ông nhắc tới tên trong bài Tựa Xứ Trầm Hương, là giữ được một kỷ niệm đáng quý của ông đấy. Xin đa tạ ông.

Chúc ông thật mạnh.

-o0o-


Nha Trang, ngày 24-11-1969

Kính gửi ông Nguyễn Hiến Lê.

Thưa ông,

Nhận được hai tập Văn Học Trung Quốc Hiện Đại, xin đa tạ thịnh tình, và thành thật tỏ tấc lòng cùng ông:
Tôi bắt đầu “làm quen” cùng ông nơi bộ “Trung Quốc Văn Học Sử”. Tôi nói riêng cùng Phạm Công Thiện: “Khó có người hơn”. Rồi đọc quyển “Cổ văn Trung Quốc”, tôi tự nhủ: “Đọc đã nhiều, hiểu lại thâm. Sao lại có người gồm cả chiều sâu chiều rộng một lượt?”. Đến nay đọc “Văn Học Trung Quốc Hiện Đại”, tôi thở dài: “Khoan nói đến chuyện hiểu và viết. Nội việc đọc sách đọc báo cũng không có mấy người theo kịp!”.
Tôi hết sức cảm phục.

Tôi không “ghê” những sách dịch và viết khác của ông, mặc dù rất có giá trị về lượng cũng như về phẩm. Vì hiện thời hoặc sau này còn có người làm được.
Những bộ sách về Trung Hoa, tôi không tin rằng có người đủ sức làm, đủ gan làm. Trước kia, tôi phục ông Quỳnh, cụ Tố bao nhiêu, ngày nay tôi phục ông bấy nhiêu.

Bộ Văn học sử nước nhà chưa có. Ước ao ông gia công để cho con em có được một bài kim chỉ nam. Mấy bộ sách đã ra đời thiếu nhiều mà cũng sai nhiều. Về Cổ Văn Học Sử cũng chưa có quyển nào đáng làm cây đuốc soi đường cho đám hậu sinh.

Tôi bất tài lại thêm ở trong nơi thiếu thầy, thiếu bạn, thiếu sách nên đành chờ trông những bậc thiện chí, thiện năng như ông.
Tập san Văn sắp cho ra một số đặc biệt về Đông Hồ. Theo lời yêu cầu của tòa soạn tôi có viết lại những kỷ niệm về Đông Hồ. Tôi có chép hai bài thơ điếu vào đó. Theo lời ông, tôi đã sửa lại câu kết bài thứ hai. Câu cũ:
Thao thức đêm đêm hồn dõi mộng
Đình vương lầu hạc bút gieo châu
 Nay sửa là:
Non nước từ đây mơ tiếng hạc
Tóc sương thờ thn nguyệt canh thâu

Tập “Xứ Trầm Hương”, nhờ Hòa thượng Trí Thủ giới thiệu, Lá Bối nhận xuất bản. Đã bắt đầu in, chắc Tết có sách làm quà xuân gởi tặng tri âm.

Kính chúc ông an hảo.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 07-12-1969

Kính gửi Thi sĩ Quách Tấn,

Thưa ông,
Được hai bậc đàn anh khen, ông và ông Vi Huyền Đắc, tôi thật vui lòng và xin tỏ ít nỗi niềm.

Hán học của tôi là thứ tự học, sơ sót nhiều lắm. Mỗi lần viết một cuốn về Trung Hoa thấy mệt quá, và in rồi thì cuốn nào cũng thấy có nhiều lỗi, lỗi nặng nữa, ấy là đã thận trọng, gặp chỗ bí, hỏi các bạn rồi – như ông Giản Chi chẳng hạn. Độc giả từ trước tới nay chưa ai nỡ nặng lời chê, chắc cũng lượng tình cho rằng tôi thành tâm, thế thôi.
Cứ viết xong một cuốn về Trung Hoa, tôi lại tự nhủ như: “Thôi đấy, cuốn này là cuốn chót đấy, mệt quá rồi, mệt khi viết, mệt cả khi sửa ấn cảo”. Vậy mà ít năm sau lại viết nữa: Như có một cái nghiệp. Cái nghiệp đâu trớ trêu: nhè tôi, kẻ kém Hán tự mà túm lấy, không buông tha cho.

Sau bộ Văn Học Trung Quốc Hiện Đại này, tôi cũng lại tính viết một bộ sử Trung Quốc nữa; nhưng ông ạ, mấy tháng này sức suy, thiếu máu nhiều, chắc tôi bỏ thôi.

Đại đức Từ Mẫn (Lá Bối) có cho tôi hay sẽ ráng in xong Xứ Trầm Hương trước Tết. Nhà Lá Bối cẩn thận lắm, chắc lần này ông sẽ vừa ý hơn lần trước (Nhà Nam Cường). Tôi nghĩ sách không cần tránh được mọi khuyết điểm, mà cần có ưu điểm, và nhất định là cuốn Xứ Trầm Hương sẽ có nhiều ưu điểm. Ông chỉ nên, trong bài Tựa, tự nhận trước những khuyết điểm là đủ rồi. Tôi cũng đã gởi một bài ngắn cho Tân Văn về Đông Hồ; bài đó viết lúc bận việc và đau, chỉ được điểm này: thành thực.

Xin cảm ơn ông và kính chúc ông vạn an.

TB: Bệnh trĩ của ông hết hẳn rồi chứ?