Năm 1975



Sài Gòn, ngày 08-01-75

Kính Ông,

Bức thư tuần trước của tôi lại gặp bức 30-12 của ông ở giữa đường rồi. Tôi chỉ nhớ ít câu tả xuân của Nguyễn Bính thôi nên không chép lại gởi ông được, mà cũng không biết kiếm ở đâu.

Nam Hoa Kinh không có gì nên thơ, phóng khoáng, kỳ tứ, thuần thì có; vậy mà Nhượng Tống dịch sao mà ông khen là nên thơ thì tôi phục ông ấy thật! Chắc phóng tác chứ không phải dịch rồi.

Phiến tê giác của anh tôi có cái may thành được một trong tứ bửu trong nhà ông; hơn nữa nó lại đem cho nhà tôi một bảo vật, tức tập ký sự của ông.

Bốn bài ông viết, bài thứ 3 hay hơn, đẹp hơn cả, ông bảo “đáng để nhánh mận khô đó hàng đầu bảng kê gia bảo” là phải. Cây mận đó có tình với ông quá mà. Nó là bạn, không phải là cây nữa. Truyện đó lạ nhất.
Vườn tôi ở Long Xuyên cũng có mấy cây mận, nhưng chưa được già mấy, nhưng có một cây trái đỏ, tôi cũng mến lắm, và tôi cũng như ông, thích nhìn nhị trắng của nó lả tả rơi xuống sân, không muốn quét chút nào cả, không muốn dẫm lên nữa. Bốn câu thơ trang 6 của ông hợp tình tôi lắm.

Bài hay thứ nhì là bài đầu. Cặp thực và cặp luận bài thơ trang 2/b hay. Bài hồi ký đó, bà nhà đọc chắc vui lắm.

Ông Lê Ngộ Châu không bao giờ quên gởi báo tặng đâu. Chắc họ đã “mượn” của ông rồi đấy, chứ bài đó đăng xong đã lâu (3 kỳ). Tôi đã cho ông Châu hay rồi. Tôi chỉ biết ông Hoàng Văn Đức thôi chứ không quen. Sao họ kỳ cục như vậy nhỉ?

Kính chúc ông bà vui, mạnh.

Tết đừng gởi thiếp cho nhau nhé.

-o0o-


Nha Trang, ngày 02 tháng 3 năm 75

Kính ông,
Hôm trong năm, tôi có nhờ một ông sư đưa vào ông một phong thư kèm theo một bản văn viết về bà Tương Phố và mấy tờ đánh máy lại mấy trang chót bài Trường Xuyên Tứ Bửu. Không tìm ra số nhà ông, ông sư đem đến nhờ Bách Khoa trao lại. Lúc ấy, theo lời bà Châu nói, thì ông vừa ở tòa soạn ra về... Nay chắc thư và tài liệu tôi gởi đó đã đến ông rồi.

Tôi về ăn Tết Qui Nhơn, vào lại Nha Trang hôm mồng 4 tháng giêng. Qui Nhơn cũng như Nha Trang, Tết nhất buồn tẻ. Tất cả, cả đến việc thăm viếng nhau, đều triệt để giảm thiểu. Riêng tôi thì năm nào cũng như năm nào, không hơn không kém. Tôi có bài Nguyên Nhật Ký hứng xin phép ông xem cho vui:

Nắng hảnh trời mai gió ngọt ngào
Tình thơ chợt tỉnh thú chiêm bao
Bạn xa gởi bạn vần tam thượng
Xuân đến mừng xuân chén ngũ giao
Mây ráng dễ đâu tìm ẩn dật
Ao hồ sẵn đó lắng thanh tao
Sáu mươi bảy tuổi duyên còn đượm
Điểm mái sương thu giọt trúc đào.

Mấy ngày Tết trời nắng đẹp. Song rằm tháng giêng thì lại mưa bay gió bấc, cảnh vật tiêu điều như ngày đông. Suốt đêm không trăng, tôi có bài:

NGUYÊN TIÊU CẢM THUẬT

Từ sớm mây mưa ủ bóng chiều
Gió trăng đành phụ tiết nguyên tiêu
Thềm mai rướm lệ hương gầy gõ
Đài sáp ngời thu bút hắt hiu
Mắt nghẹn nhớ thương nghìn dặm liễu
Đời riêng ấm lạnh một cành liêu
Đoàn viên tưởng lại bao xuân cũ
Lai láng trang thơ ngọn thủy triều.

Xuân sang, trong người thấy tăng sức khỏe. Định đánh máy lại đôi bản thảo, mà ông ăn trộm túng tiền tiêu Tết, lẻn vào nhà mượn bàn máy đánh chữ của tôi lúc nào không cho tôi biết trước! Bàn máy được tặng từ 1958. Tình nghĩa với nhau ngót 16 năm, máy mất đi vừa tiếc vừa nhớ. Ông ăn trộm thật không biết thương kẻ nghèo tiền mà nhiều tình...

Năm chưa cũ, kính chúc ông và bửu quyến an hảo.

-o0o-


Nha Trang, ngày 09 tháng 3 năm 1975

Kính ông,

Viết thư hôm Chủ nhật 02-3, chưa kịp gởi thì thứ Hai này 03-3, tiếp được thư ông.
Tôi sung sướng hết sức.

Viết văn cũng như làm thơ, tôi viết do hứng. Nhưng không bao giờ dám cẩu thả. Tuy vậy không bao giờ dám tin rằng được, nên lúc nào cũng cần đôi mắt và tấm lòng của bạn thân yêu.

Hương Vườn Cũ được ông khuyên. Trong Vườn Hoa Thơ cũng được ông khuyên như vậy là tôi yên tâm. Sách có ra đời được càng quí, không ra đời được cũng không sao. Có một người đọc với đôi mắt sâu sắc và tấm lòng rộng rãi như ông là đủ rồi.
Vậy xin ông giữ dùm Trong Vườn Hoa Thơ và Hương Vườn Cũ tại nơi ông. Khi nào có người tin cậy, tôi sẽ nhờ đến lấy về Nha Trang. Cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký không in đâu, vì các ông “cầm quyền” ở đó cũng như ở các nơi khác đặt vấn đề  “ăn khách” hơn đặt vấn đề văn chương.

Tôi xin chân thành cảm tạ những lời chỉ điểm của ông. Chắc ông đã vui lòng sửa dùm những chỗ sai trong bản thảo. Tôi sẽ viết lại những bài cần viết lại trong 2 tập.
Bài “Hoài Niệm Tương Phố” tôi xếp vào chương “Tình Thầy Bạn” trong tập Hồi ký “Bóng Ngày Qua”. Chương Tình Thầy Bạn đã viết xong phần những người quá cố. Trong phần này có 7 người nổi danh trên Tao Đàn: Sào Nam, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đông Hồ, Thúc Giạ, Tương Phố. Về Hàn Mặc Tử và Bích Khê, tôi viết dài phải in làm hai tập riêng. Tôi muốn in chung bài viết về 5 vị còn lại thành 1 tập chừng 100 hay 150 trang đánh máy. Nếu như cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký nhận in thì tôi sẽ lo đánh máy gởi vào. Khi nào có dịp thuận tiện, kính mời ông dạm thử! Tôi hơi ngại...

Thi Vũ định xuất bản tập Lữ Đường Thi trích dịch của tôi. Phần dịch nghĩa đen và chú thích cùng lời giới thiệu in bản vỗ bên này gởi sang Pháp in kỹ lại. Tôi e tốn quá, giá sách phải cao, bán không chạy. Tố Như Thi bán chạy quá. Ở Nha Trang và Qui Nhơn nhiều người tìm không có nữa.

Về chữ “thôi” và chữ “xao” ông giảng như thế rất ý vị. Song tôi vẫn thích chữ “xao”. Đứng về mặt âm hưởng thì chữ “thôi” hơn. Vì khó phân hơn kém nên Giả Đảo mới thức suốt đêm: Mỹ nhân rầy thật! và vua Thuấn sướng thật!

Tôi xin phép ông thêm vào bài 2 chương ở trang 209, những lời ông nói cùng một thanh niên về ông Caldwell cho đủ cổ kim.

Về bộ “Lịch Sử Thế Giới” của ông thời Ngô Đình xảy ra một vụ cười ra nước mắt: một giáo sư dùng sách ông dạy ở trung học Võ Tánh, bị chánh quyền bắt giam mấy tháng rồi thải hồi. Tên vị giáo sư, tôi không nhớ. Tôi sẽ hỏi lại ông bạn Bùi Văn Cao là người biết rõ vụ ấy, rồi sẽ tin ông hay. Lúc ấy vì không biết rõ “phong trào”... lại nhè diễn thuyết về Hàn Mặc Tử tại Sài Gòn (1954) nên tôi bị Vũ Hạnh đả kích. Rõ là mang tơi chữa lửa! Kể cũng vui...

Tái bút: Nốt nguyệt. Nốt là sóng là thuyền. Tiếng Huế, Quảng Trị, Quảng Bình không biết viết là Nôót hay Nôóc, nên viết “nốt” theo giọng Bình Định... chính tả, tôi “ưa” trật lắm. Có nhớ khoa thi Hội, cử ông làm chánh chủ khảo thì tuyệt.

-o0o-


Sài Gòn ngày 12-3-1975.

Kính ông

Tôi đã nhận được thư ngày 2 và 03-3 của ông.
Hai bài thơ xuân của ông năm nay lai láng tình xuân. Tôi xin mừng ông năm nay vui suốt năm. Tôi từ Tết đến nay không mạnh, nhỏ tuổi hơn ông mà sức kém ông xa. Dáng đi của ông thẳng, ngay mà vững, tôi chắc ông thọ lắm.

Ý của ông hay đấy: gom năm bài Vở Sào Nam, Tản Đà, Đông Hồ, Thúc Giạ, Tương Phố làm một, thành tập “thầy và bạn”. Ông nên làm đi. Từ trước tới nay, tôi mới thấy ông là nhận định được đúng thiên tài, văn tài của cụ Sào Nam, các người khác chỉ chú ý đến đời cách mạng của cụ thôi, và tôi cũng mới chỉ thấy một người - một ông giáo hồi hưu - nhận định được bộ Kinh Dịch của cụ. Tôi so bộ đó với mấy bộ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức dịch ra tiếng Pháp và mấy bộ tiếng Việt gần đây nữa, thấy không bộ nào có thể so sánh với bộ của cụ, và những kẻ nào đã đọc bộ của cụ rồi mà còn viết thêm thì cũng quả là cả gan.

Ông viết thì cứ viết, chứ đòi hỏi cơ sở Trương Vĩnh Ký có in không rồi mới viết thì không nên.
Vì tôi biết ông Ngô Trọng Hiếu. Ông ấy có nhiều thiện chí quá, nhiều tới nỗi phải là bậc thần nhân mới thực hiện hết được, mà cốt của ông ấy đại khái cũng phàm phu như chúng mình nên 10 thiện chí may lắm ông ấy mới thực hiện được 2, 3. Tôi xin kể chuyện này ông nghe. Ông Hư Chu là bạn của ông H. và của tôi. Khi ông Hư Chu mất, tôi soạn lại bản thảo “Khảo về thơ Đường luật” của ông ấy, chỉnh đốn lại rồi đưa cho ông Hiếu, hỏi có thể xuất bản được không. Ông ấy bảo cuốn sách đó quý lắm, thế nào cũng phải xuất bản, mà ông ấy - vì là bạn thân - sẽ đổi tựa cho nữa.

Bà Hư Chu và mấy người con (nhà nghèo) mừng lắm. Nhưng từ đó đến nay trên một năm, gần năm rưỡi rồi, tôi nhắc ông H. 3 lần, con ông Hư Chu cũng nhắc 3 lần nữa mà vẫn chưa thấy gì cả. Thôi, chúng tôi không nhắc nữa.

Vậy nếu tôi hỏi ông ta có thể in cuốn “Thầy và bạn” không thì chắc ông ta cũng hăng hái bảo “in chứ, viết về 5 nhà đó thì quí lắm” vân, vân...; nhưng khi ông viết xong, gởi cho ông ấy thì có khỏi như cuốn “Khảo về thơ Đường Luật” của Hư Chu không, tôi không dám bảo đảm. Cho nên tôi nghĩ, ông còn mạnh, còn hứng thì cứ viết, viết xong đưa ông ta hay một nhà nào khác, nếu thực tâm họ muốn in ngay thì tốt, không thì rút về.

Thực không ngờ, một giáo sư bị liên lụy vì bộ “Lịch sử thế giới” của tôi. Đọc thư ông tôi hơi bùi ngùi. Xin ông kiếm giùm địa chỉ ông ấy cho tôi. (Nhân tiện xin nhắc ông, trong một thư trước tôi hỏi ông: cụ Tăng Bạt Hổ mất tại nhà một ông bạn, mà ở tỉnh nào, làng nào? Ông nhận được thư đó không, chưa thấy hồi âm).

Trở lại vụ “Lịch sử thế giới”. Hồi đó một thanh niên mới ra làm giáo sư ở Huế (sau này thành hội viên trong Hội đồng thành phố Huế) vô Sài Gòn thăm tôi, cho hay bộ sử đó bị cấm, bảo tôi sao không xin Bộ Giáo dục bỏ lệnh đó đi vì... vì... Tôi đáp: “Mặc họ, họ muốn làm gì thì làm. Tôi không thèm xin xỏ gì cả”. Sau này cậu ấy nói với một người quen tôi: “Tôi phục ông Lê từ hồi đó”. Nhiều khi mình cũng nên tin ở số. Hồi đó họ “rình” tôi dữ lắm. Tôi chẳng hay gì cả.

Kính chúc ông bà an lạc.

-o0o-

Nha Trang, ngày 16-3-75

Kính ông,

Lúc này quý ngài làm bưu điện rất tử tế, nên thơ từ đi có phần nhanh hơn linh quy nhiều. Nhờ vậy mà thư ông gởi ngày 12-3 đến ngày 15-3 đã đến.

Tôi xin lĩnh ý ông viết (đánh máy lại thì đúng hơn) 5 nhà thơ “Thầy Bạn” và sẽ lấy tên là “Năm sao cuối trời” (tên Thi Vũ đặt). Hoặc “Năm cánh hoàng mai”. Vì trong 5 vị có 1 “hạ tiên cô” nên không dùng tên “Ngũ phụng” được. Phải chi được 8 vị để làm hội “bát tiên” thì thú quá. Hàn Mặc Tử và Bích Khê, tôi để đứng chung cùng Chế Lan Viên và Yến Lan, thành bộ “tứ hữu”. Nhưng đó là ý muốn, mà trước tình hình hiện tại, không biết có đủ bình tĩnh để ngồi viết chăng? “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Mong sao lòng trời vui theo lòng người.

Tôi thấy bắt đầu hơi lo. Con cháu ở Sài Gòn có, ở Qui Nhơn có. Con đường quốc lộ số 1 lại có nhiều cầu cống... Nếu đường giao thông bị nghẽn thì buồn lắm. Thêm bản thảo đựng một tủ đầy, tập hồi ký “Bóng Ngày Qua” lại quá dày (trên 2.000 trang pelure), nếu vạn nhất có di tản, không biết làm sao đây? Thời kháng chiến đã mất bao nhiêu tài liệu, bao nhiêu tác phẩm rồi. Nếu trời lại ghét lần thứ hai nữa thì thật nên làm hòa thượng lắm.
Nhưng “đàn bà muốn là trời muốn” mà tôi nhận thấy đàn bà ít ghét tôi, nên chắc trời cũng không nỡ ghét? Chắc ông đồng ý?

Về nơi mất của cụ Tăng Bạt Hổ, tôi đợi thư ông Võ Như Nguyện, nên chậm phúc đáp. Ông Võ Như Nguyện là con cụ Võ Bá Hạp. Ông Nguyện hứa sẽ viết kỹ “cái chết” của cụ Tăng cho tôi. Tôi đã có thư nhắc, mà mãi nay vẫn chưa thấy hồi âm. E ông ấy đã vào Sài Gòn rồi cũng có. Nay xin kể sơ qua cho ông nghe về việc chôn cất cụ Tăng:

Cụ Tăng mất ngày 19-7 năm Đinh Mùi (27-8-1907) tại Huế (1), nơi nhà cụ Võ Bá Hạp. Cụ Võ không dám cho người ngoài biết. Nhưng làm sao đưa đi chôn? Cụ đánh liều đến tri dinh, ông phòng thành (quên tên mà chỉ nhớ mày mạy chức vụ). Ông này cùng cụ Võ là 2 kẻ đối địch vì một bên theo Pháp, 1 bên chống Pháp, tuy vậy vẫn nể nhau. Cụ Võ đợi đêm đến mới tìm đến dinh ông phòng thành. Ông này rất ngạc nhiên vì xưa nay cụ chưa hề đến, dù 2 bên ở cách nhau không bao xa. Cụ Võ ung dung nói:
- Tôi đến rủ quan lớn đi theo giặc. Nếu quan lớn chê giặc không theo thì tôi xin giúp quan lớn thăng quan tiến chức.
- Tôi không hiểu được ý cụ. Xin chỉ giáo rõ ràng cho.
- Chí sỹ Tăng Bạt Hổ mất tại nhà tôi. Tôi không có phương tiện để đưa ma cho yên ổn, nên đến xin quan lớn cho mượn chiếc thuyền đưa ra khỏi vùng kiểm soát. Nếu quan lớn không nhận lời xin thì đưa tôi và thi hài chí sỹ đến nhà cầm quyền...
Ông phòng thành nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp:
- Tôi cho cụ mượn thuyền và tôi sẽ đi hộ tống thì mới chắc khỏi gặp trở ngại.

Đoạn 2 cụ bàn kế hoạch đưa thi hài chí sỹ xuống thuyền. Đặt thi hài lên 1 chiếc cáng, nói rằng người bệnh đem đến nhà lương y. Khiêng thẳng cáng lên thuyền và để y người chết trong cáng. Qua khỏi vùng kiểm soát thì khiêng cáng lên bờ... Đi đêm...

Sau đó không có việc gì xảy ra. Cụ Võ và ông phòng thành, ai lo phận sự nấy như trước... Cho đến ngày Pháp ra khỏi Việt Nam, triều Nguyễn chấm dứt, chỉ cụ Sào Nam và cụ Võ biết mồ cụ Tăng ở đâu mà thôi. Mãi sau năm 1945 cụ Võ mới nói rõ cho con cháu biết phần mộ cụ Tăng, ngày mất và những gì đã xảy ra...

Theo chỗ tôi nghe biết thì cụ Tăng mất về bệnh kiết (lỵ) năm 1907. Nhưng Lam Giang bảo rằng năm đó là năm “chết giả” cũng như mấy lần chết giả trước kia, để lừa thực dân Pháp chớ cụ thật chết năm 1914 chết trong ngục ở Huế (Trong tập Hùng Khí Tây Sơn có nói). Lam Giang vốn giỏi về sử. Tôi không biết năm 1914, và việc chết giả cùng chết trong ngục, có tài liệu để chứng minh chăng. Tánh Lam Giang vốn tự phụ, tự ái quá, nên tôi không muốn hỏi kỹ, mặc dù là chỗ quen thân.

Tôi đã hỏi tên ông giáo bị lụy về sự thật trình bày trong Thế Giới Sử của ông. Ông Bùi Văn Cao không còn nhớ họ mà chỉ nhớ tên, song ông nhớ tên đến 3 ông giáo bị bắt 1 lần mà 1 ông dùng Thế Giới Sử dạy, còn 2 ông thấy sách hay mượn đọc... Ba ông ấy là Phi, Tuệ dạy trường công lập Võ Tánh và Dự dạy trường tư thục Bồ Đề. Không biết ông nào là “thủ phạm”, ông Tuệ hay ông Phi... bị buộc tội “chống Công giáo”. Ông đứng bắt là “nhà chánh trị” Nguyễn Trân, tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa. Năm ấy là năm 1955 hay 56, “người nhớ” không nhớ rõ. Lúc ấy nếu ông ở Nha Trang chắc không tránh khỏi được “chiếu cố” (2).

Thi Vũ nghe tin máy đánh chữ của tôi bị mất, có gởi về 2 câu “hoài niệm”

Chữ đánh mười năm vần điệu dậy
Nghĩa đời một sớm phỗng chân bay

Tôi cảm xúc làm một bài thơ ngũ luật:

Mười lăm năm ân tình  (1959-74)
Nét chữ thắm ngàn xanh
Tứ cuộn dòng mây ráng
Tay dòn nhịp én oanh
Bỗng hồng bay khuất dấu
Thường cuốc gọi dần canh
Thế loạn đành chung chịu
Riêng lòng mong sắt đinh.

Chúc ông chóng lấy lại sức khỏe. Toa thuốc rượu của vua Minh Mạng tốt quá. Tôi uống thấy có hiệu quả lắm. Nếu ông uống rượu được tôi sẽ gởi toa ấy vào. Mỗi bữa ăn chỉ uống 1 ly nhỏ. Ngủ ngon, trong người khoan khoái. Nếu còn trẻ thì thể nào cũng có con thêm.

(1)  Tôi quên là Bao Vinh hay An Cựu hay...? Cho nên phải nói trùm là Huế. Vì ông Nguyện có nói rõ địa điểm lúc cụ Tăng mất và cho biết rõ tên ông phòng thành (?) nên phải hỏi lại.
(2)  Quyển Lịch Sử Thế Giới của ông có một “cuộc đời” đáng ghi vào lịch sử. Tôi sẽ đề nghị Châu Hải Kỳ viết thêm vào tập viết về ông cho vui...

-o0o-


Nha Trang, ngày 01.11.75

Kính ông
Vừa hoàn tất một thơ, xin gởi vào ông nhàn lãm:

MỘT ĐIỂM HỒNG

Mấy chục năm qua bút chạm lòng
Trở bàn tay lại có thua không
Công linh chẳng nỡ cười Tinh Vệ
Tâm sự sao đành phó Chúc Dung
Nhặt nét hương tàn ao gió lạnh
Ủ hàng lệ nóng vách rêu phong
Từ đây bạn tác thương mà hỏi
Ngọn nến song khuya một điểm hồng.