Năm 1982



Nha Trang, ngày 12-01-1982

Kính Anh,

Đưa con đi, vui mừng lẫn buồn thương.

“Đưa con nén khóc để cười
Nắng mai hiu hắt tiết trời đang đông
Con đi mừng đặng gặp chồng
Mái sương đôi bóng muôn trùng theo con.”

Trở về Nha Trang, tôi lại cắm đầu viết. Viết xong về Đông Xuyên, Giản Chi và Mộng Tuyết.
Thơ Giản Chi hay hơn hết.
Thơ Đông Xuyên chất thắng văn.
Thơ Mộng Tuyết cũng như thơ Đông Hồ, văn thắng chất.
Tôi đã gởi 1 bản cho Đông Xuyên, 1 bản cho Giản Chi. Vì không biết Giản Chi còn ở Khánh Hội chăng, nên tôi gởi theo địa chỉ “mới” 51/21 Nguyễn Hữu Cầu, Tân Định.

Còn bài của Mộng Tuyết đã được nhiều người khen, trong đó có cả Vũ Hoàng Chương, chưa ai “dám” nói rõ khuyết điểm. Tôi mới vạch 2 điểm lớn, mà đã e bị giận, nên không “dám” gởi đến “đương sự”. Xin gởi anh xem trước, và nhờ anh quyết định dùm: nên gởi hay không nên gởi. Và mong anh phủ chính cho.
Vì không đánh máy được nhiều bản, nên tôi đề nghị anh Đông Xuyên và anh Giản Chi chuyển hai bản của hai anh ấy trình chính cùng anh.

Bùi Khánh Đản vừa gởi cho tôi một số tác phẩm. Xem qua tôi thấy rất đặc sắc. Khác hẳn thơ của Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Tản Đà...
Ngân Giang cũng là một nhà thơ Đường luật có tài.
Tôi định viết xong hai nhà này thì tạm nghỉ để ăn Tết. Nhưng không thể viết xong trong năm được, bởi thơ Ngân Giang tôi chưa có được bao lăm, phải đợi Bùi Khánh Đản gởi thêm. Lại phải coi kỹ thơ Bùi Khánh Đản...

Năm Nhâm Tuất sắp đến.
Kính chúc chị bước sang năm mới được dồi dào sức khỏe.
Chúc anh bớt khách đến quấy rầy, để có nhiều thì giờ rảnh đặng viết văn và ngắm cảnh...

Tôi vừa nhận được bưu phiếu 100 đô ở Canada gởi về... Có đủ tiền để ăn Tết và “ăn gạo” trong vài tháng.

-o0o-



Sài Gòn, ngày 13-01-1982

Kính gởi anh Quách Tấn,

Thư cuối năm chỉ có thể là thư hỏi thăm nhau, nên tôi mong rằng thư này sẽ tới anh bình an vô sự và trước ngày Nguyên đán.
Năm Dậu này của anh thế mà tốt đấy. Có cỏ cho voi rồi, và cháu đã được xuất ngoại. Tết nên mua mai, thược dược mà chơi đi.

Anh đã được thư Đông Xuyên chép lại 8 bài thơ chưa?
Tôi cho rằng trong số bạn già của tôi, anh là người biết nghệ thuật sống nhất. Anh không phàn nàn, gặp cảnh nào cũng chấp nhận được. Nhờ vậy mà tà dương vẫn vô hạn hảo.

Tôi mới được bài thơ tâm sự của Giản Chi

NÓI ĐỦ MÌNH NGHE

Vì ai nên nỗi cá sa nơm?
“Tế độ” mong gì bọn tá ơm!
Bốn biển dông to, trào bạo lực
Ngàn xưa dân nhỏ phận thờn bơn
Ta không hỏi nữa cơ thành bại
Mình cũng buồn cơ chuyện áo cơm
Thôi, nhớ câu này cha mẹ dặn
“Lành thì cho sạch, rách cho thơm”.

Bài đó câu nào cũng được mà có giọng buồn man mác, khá hay. Anh ấy chưa “đạt” được như anh.
Mới đọc, tôi đã nghĩ, nên đổi câu 5-6-7 ra:

Thôi không hỏi nữa cơ thành bại
Cũng chẳng buồn chi chuyện áo cơm
Rán giữ câu này cha mẹ dặn

Nghĩ vậy rồi thôi. Cũng chẳng hơn gì.
Lên đây 80 ngày, lo việc nhà, mệt tinh thần mà lại nhớ vườn ở Long Xuyên. Xoài đã đâm bông chưa? Mận đã nhiều trái? Cúc đã trổ vàng?
Việc nhà chưa xong, nhưng mai mốt phải về, còn chờ người mua giùm giấy xe - rồi trung tuần tháng giêng lại lên. Vậy thư cho tôi, anh cứ gởi về Kỳ Đồng, cho tới khoảng 20-3-82.
Còn phải thu xếp việc nhà trước khi đi và viết vài bức thư nữa.

Xin chúc anh chị và các cháu một năm mới may mắn hơn năm nay nữa.

Kính.

-o0o-



Sài Gòn, ngày 18-02-1982
Kính Anh,

Thư 12-01 của anh, 20-01 đã tới: rất mau.
Hôm nay 18-02 tôi mới hồi âm: rất trễ. Chỉ vì tôi đau vặt trọn một tháng. Tôi về Long Xuyên từ 20 tháng Chạp (14-01-82), đi đường mệt, chưa kịp nghỉ ngơi thì gặp tiết Đại hàn, thời tiết thay đổi, tôi ho, sổ mũi, bải hoải, uống thuốc tây, thuốc ta, quái gì cũng không hết, suốt ngày bận áo len, quấn khăn quàng cổ, đi vớ, đóng cửa, tạ khách luôn nửa tháng, qua tiết lập xuân mới kha khá. Sức kháng cự của cơ thể mấy năm nay kém rồi, chứ hồi xưa, mùa đông trong này vẫn là mùa tôi thích nhất.

Vậy là không ăn Tết, chẳng đi đâu cả. May là có đứa cháu gọi tôi bằng cậu ở Pháp về, cho nên vui được một chút. Có quà của nhà tôi, sách của con tôi, có thể nói là Tết này sang lắm. Nhưng Tết này của dân chúng Long Xuyên nghèo nhất. Dọc theo các bờ sông, bờ rạch ở ngoại ô Long Xuyên, cứ mười nhà, mới có được một hai nhà chưng một cái hoa vạn thọ; cam quít, bưởi, dưa hấu không có. Nghĩa là không ai ăn Tết cả.

Trái lại các cơ quan thì ăn Tết tưng bừng. Từ ngày tiễn ông Táo, người ta chỉ lo mua sắm, và liên hoan. Cơ quan nào cũng liên hoan, mời lẫn nhau, thành thử ngày nào người ta cũng chè chén, tới tới 29 tháng chạp (Riêng Mặt trận Tổ quốc tỉnh mời tới 300 người, khẩu phần mỗi người 30 hay 50 đồng tôi không nhớ!). Và mùng 8 tháng Giêng các cơ quan mới có đủ mặt nhân viên. Người ta cứ nghỉ đại, chẳng cần xin phép trước; có việc gì làm đâu, tới sở ngồi làm gì cho vô ích.
Ăn Tết như vậy là đúng nửa tháng, y như tổng lý ở làng tôi hồi tôi còn nhỏ. Người ta thích C.N.X.H là phải.

Còn ngoài đó ăn Tết ra sao? Anh có độ 100 đô, chắc ăn Tết linh đình chứ? Về Bình Định không? Bạn thơ ngoài đó có họp nhau tiệc tùng không? Bà C.T năm rồi, làm ăn được chút nào không? Châu Hải Kỳ mới về thăm quê, chắc hết tiền, Tết đi trực cho đỡ buồn?

Mấy ngày Tết, tỉnh dậy sớm, đợi nghe tiếng chim hòa tấu như Tết năm trước (1980 hay 1981?) mà thất vọng. Chỉ có một hai con hót thôi. Không đông như trước, mà hót cũng rời rạc ít tiếng rồi bay đi. Ra vườn coi hoa thì mai vàng năm nay nở chậm, mùng một chỉ được hai đóa nở, ít quá, ong không tới. Xoài, mận năm nay cũng ít hoa, không khí không thoang thoảng hương thơm nữa. Vậy ra cái vui hưởng cảnh thiên nhiên cũng không phải dễ gặp. Tạo hóa cũng khắc nghiệt thật.

Rằm tháng Giêng bệnh chưa hết hẳn cũng phải xông pha lên Sài Gòn, vì nhà không có ai coi. (Hôm 20 tháng chạp tụi tôi về Long Xuyên, nhà chỉ có mỗi một đứa cháu coi, ba ngày sau, buổi tối, trong khi nó ở chợ chưa về, thì trộm mở khóa, rạch cửa lưới vào được phòng khách, nhưng nó phải ra tay không vì trong phòng tôi chẳng để một vật gì có giá cả). Trốn khách một tuần, không dám cho bạn hay; và mới vài ngày nay bắt đầu viết thư hồi âm các bạn, khoảng 30 bức, kể cả những bức thư qua Pháp, Mỹ.

Giản Chi là người đầu tiên biết tôi lên, lại chơi liền, đưa tôi hai tập thi thoại số 50, 51 về Đông Xuyên và Giản Chi. Anh đã gởi cho tôi thi thoại 53 về Mộng Tuyết. Anh viết nhiều như vậy kia à? 53 bài, trung bình mỗi bài 4 trang thì cũng trên 200 trang rồi. Mà còn viết nữa. Sẽ tới 300 trang đánh máy chứ? Bằng 600 trang sách in? Phục thật. Phục nhất là anh gõ trên máy đánh chữ, không nháp, không sửa chữa mà đạt tới cái mức không phải sửa chữa! Giản Chi cũng phải khen là giỏi.

Vậy là tôi đọc hai bài Đông Xuyên, Giản Chi và đọc lại bài Mộng Tuyết.
Bài viết Giản Chi hơn cả. Dễ hiểu. Giản Chi có nhiều điều thú vị để nói. Đề tài đó thú.
Kém nhất, gượng gạo nhất là bài về Mộng Tuyết.
Khi nhận bài 50, 51, tôi hỏi ngay Giản Chi: họ Quách nhận định hai bác đúng không? – Đúng, chỉ có một điểm là kể quá nhiều cái vụ các cụ ở Huế mỉa mai ông tham tá Hương chánh hiểu bóng ô là bóng dù.

Đọc xong hai bài rồi, tôi đồng ý với Giản Chi. Anh nhận xét đúng, sâu sắc nữa. (Coi bộ anh tốn công mổ xẻ lắm).
Tôi khen anh  khéo dùng chữ kỹ  (lời lựa kỹ chứ không trang sức như Đông Hồ).
Có lần tôi hỏi Giản Chi: “Bác lấy bút hiệu là Giản Chi, mà tôi thấy thơ văn bác nhiều khi không được “giản”. Một số người khác cũng nghĩ như tôi”.
Anh ấy đáp: “Tôi rất thích một số câu ca dao, lời rất tự nhiên mà tình rất sâu. Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng đạt được cái muốn đó khó lắm”.
Văn xuôi của anh ấy cũng vậy, ít khi giản. Tôi cho là tại bản tính.
Anh khen thơ Giản Chi có giọng triết lý, lời đó cũng đúng. Giản Chi thích Lão, Trang lắm. Tôi thì tôi phục hai ông này, chứ thích thì thích ông Khổng.
Tôi cũng như anh rất thú 2 câu:
Hoa mang hương nhớ lòng xuân vắng
Hoa bưởi mưa chiều rơi ngõ sâu”
Và bài Rời Thần Kinh.

Anh tự hạn chế: chỉ xét thơ Luật thôi. Cho nên độc giả không được thấy một khía cạnh của tâm hồn Giản Chi: lãng mạn, hào hùng trong thơ mới của ảnh. Giọng lãng mạn mà hào hùng đó khó hợp với thơ Luật; ngay Lý Bạch cũng phải dùng cổ phong mà bỏ thể Luật. Và tôi có phần thích giọng đó của Giản Chi hơn giọng Lão, Trang. Nhưng mỗi người một sở thích.

Về thơ Đông Xuyên, tôi đồng ý với Giản Chi: anh nên lược bỏ mấy cụ ở Huế mỉa mai ông tham tá nọ đi. Có thì vui thật. Nhưng nó hơi lạc đề, mà có vẻ hơi ác.
Tôi cũng nhận như anh rằng bài Tái Ngộ (gởi Giản Chi) rất hay.

Bài về Mộng Tuyết, anh viết “mệt” nhất, phải không? (Còn bài về Giản Chi viết có phần thú nhất?). Chả có gì để nói mà anh kéo được 3 trang đặc, cũng đáng khen.
Nhận xét này của anh cũng hợp với tôi nữa. Mộng Tuyết và cả Đông Hồ, có những câu tách ra thì hay mà đặt vào trong bài thì thiếu mạch lạc, như chắp gượng vào. Đó là tật chung, mà theo tôi, là tật lớn nhất của hai nhà đó: ý rời rạc.

Trang 156, hai dòng anh chê thơ Mộng Tuyết “lểnh loãng” anh hơi kéo dài đấy. Bỏ bớt đi.
Tôi muốn đổi: Bên chú bên bác ra bên em bên anh.

Trang 155, cuối dòng áp chót: Khóm hoàng mai lúc chạng vạng. Tôi thấy hoàng mai lúc sắp tối ở xứ mình có vẻ tiều tụy: cánh hết tươi, héo rồi, (hương không có). Không khoái mắt đâu. Có thể về khuya, dưới ánh trăng nó đẹp hơn, nhưng vừa đẹp vừa thơm nhất là lúc mặt trời mới mọc.
Tôi nhận thấy Mộng Tuyết có tài tả vật hơn Đông Hồ. Như bài Thu nhuốm hồn xuân, bảo màu cúc vàng là màu kén (đúng), và có lần Mộng Tuyết bảo mấy hột sen già, đen ở trong gương sen như con ong rúc đầu vào gương sen đó ló đít ra. Cũng đúng nữa, khéo nhận xét.

Cuối trang 157: Văn hoành công khí. Tôi nhớ chữ “hoành” đọc là “hành”. Anh tra tự điển lại cho chắc.
Trên đó ít hàng: ông Kim Tiêu nói thơ Mộng Tuyết trưởng giả hơn là phong lưu.
Có phải thơ phong lưu là thơ nhã, đẹp, nhưng không lòe loẹt, tô chuốt quá, giản dị nhưng không khắc khổ, phải vậy không? Phải vậy, thì nên nói sao cho rõ hơn một chút, chứ hơi khó hiểu đấy.
Phê bình thì có lúc phải chê. Anh chê thơ Mộng Tuyết đúng mà giọng cũng nhã, không có lí gì cho chị ấy giận được.
Tôi nghĩ anh có thể rút bớt đi, khen ít câu rồi chê cũng vừa đủ thôi (cũng những tật của Đông Hồ mà tài kém), và cho vào chung một bài với Đông Hồ độ 1 trang ở sau những trang viết về Đông Hồ. Tôi muốn gọi ông bà ấy là phái Hà Tiên.
Còn 50 nhà kia là những ai đó.
Và sau còn mấy mươi nhà nữa? hả cụ?

Tôi còn ở Sài Gòn tới cuối đầu Arvil.
Anh mạnh quá, đi Qui Nhơn, đi Sài Gòn như đi chợ. Tôi ngán xê dịch lắm rồi. Nếu gần đây anh lại vô Sài Gòn nữa thì cho tôi hay, tôi chuẩn bị gởi một gói cho Châu Hải Kỳ.
Tôi không có thư cho Châu Hải Kỳ vì không có chuyện gì để nói. Hỏi thăm và chúc Tết thì chả cần.
Ngồi viết hai giờ mỏi lưng quá, càng về cuối thư càng ngoáy tít cho mau xong để đi nằm, cụ ơi.
Quên: bốn câu lục bát anh đưa cháu (ở đầu thư)
Đưa con nén khóc...
Chẳng có gì đáng cho một thi tuyển đâu, nhưng tôi thích vì bình dị mà cảm động.

Tái bút:
Anh cho tôi nhắn Châu Hải Kỳ mấy hàng này: “Tôi mới nhận được thư 09-02 của ảnh, từ Long Xuyên chuyển lên đây. Tôi chưa đọc “Tìm hiểu chính sách giáo dục thực dân...” và tôi cảm ơn ảnh đã trích hai đoạn đó, trong đó họ nói về tôi. Tôi ngán họ đến mức không muốn họ nhắc đến tôi nữa.
Báo tin anh hay: Tô Lệ Hằng – cháu tôi, lại mới được phép Thông tin Văn hóa Sài Gòn cho mang qua Pháp 5 bộ  Trung Triết “để làm tài liệu”, vậy là 2/3 những gì tôi chưa in đã qua được Pháp. Tôi cũng mong một ngày nào tiếp anh ở Long Xuyên. Bận quá, hẹn khi khác viết dài.

-o0o-




Nha Trang, 27-02-82


Kính anh,

Mới ăn Tết xong, xe hào hứng chạy vượt kim qui đến mấy chục thước môt giờ, nên thư anh gởi ngày 20-02 mà 26-02 đã đến nơi đến chốn được vô sự.
Vâng lời anh và anh Giản Chi, tôi sẽ thu gọn “bóng ô” lại cho tròn và viết lại bài về Mộng Tuyết.

Quả như lời anh nói, tôi viết bài về anh Giản Chi hào hứng bao nhiêu thì viết bài về chị Mộng Tuyết nặng nhọc bấy nhiêu, nặng nhọc đến phải nhờ hai ông bạn đến thăm giúp sức.
Tôi không viết từng nhà thơ một. Chỉ có Giản Chi, Đông Xuyên và một ít nhà thơ có thi tài hoặc có đôi ba bài thơ hay mà các sách viết về thơ không nói đến hoặc chỉ nói qua loa, thì tôi mới nói tương đối kỹ. Còn như  Đông Hồ,  Vũ Hoàng Chương... thì chỉ nói đến những gì các sách chưa nói đến, nói ở bài này một ít, ở bài kia một ít vậy thôi. Ngoài anh Giản Chi và anh Đông Xuyên ra, rồi còn tìm thấy nhiều hứng thú khi viết về Ngân Giang. Viết về nhà thơ này, tôi khoái nhất là câu chuyện ngâm thơ mà chết của Đông Hồ; một cái chết nên thơ. Ôm trăng dưới nước mà chết, và ngâm thơ mà chết thì chỉ có nhà thơ mới có cái chết nên thơ như thế. Và chết như thế thật thú vị, thật đáng chết, nên chết... Cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, nhà thơ nói lái tài tình ở Huế, sống gần 90 tuổi, chết được vài giờ, vùng sống dậy, kêu con cháu đọc câu thơ:
Sống chẳng tiếng thơm mà để lại
Chết thời xác thúi sớm chôn đi

Rồi chết lại và cũng không sống lại nữa.
Cũng thú. Sống vui, chết thú, hạnh phúc.
Ông nội tôi và ông thân tôi tắm rửa và mặc đồ tiểu liệm vào rồi vui vẻ từ giã con cháu... Tôi cũng ước ao được chết vui như thế.
Nếu quả con người chết rồi mà còn hồn khôn vía dại thì chết vui vẻ như thế chắc hồn vía lấy làm thích thú lắm anh nhỉ?

Hôm Tết tôi về Qui Nhơn ở từ mồng 2 đến mồng 10 mới vào Nha Trang. Được anh em yêu thơ Đường luật tiếp đãi nồng nhiệt. Ai cũng gọi bằng thầy và xưng con. Có nhiều ông đã 65, 67 tuổi cũng gọi thầy, xưng con, tôi ngượng quá, song đông người khó “làm sao được” nên đành chịu... Anh em đến với mình đông quá, sợ bị địa phương hiểu lầm, nên không dám ở thêm “ít hôm” nữa.

Lúc này tôi “đắt hàng” quá anh ơi! Vừa về tới Nha Trang liền được điện tín Bùi Khánh Đản mời vào dự tiệc Thượng Nguyên và cùng anh em (trên vài chục vị thảo luận về thơ Đường luật nghe quen quen mà không biết là ai). Rất may là không có Đông Xuyên và Giản Chi, nên dễ từ chối, lấy cớ đường xa sức yếu.

Vừa rồi, được một bức thư của một nhóm khác gồm 8 vị “yêu mến thơ Đường luật” ở Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận (Cao Mỵ Nhân cầm đầu) nhờ “hướng dẫn”. Tôi lấy cớ tuổi già lẩm cẩm, từ chối nốt.

Đó là Tết, riêng từ mồng 2 tháng giêng đến mồng 2 tháng 2, đúng 1 tháng xuân. Còn Tết chung thì Nha Trang, Qui Nhơn không thua gì Long Xuyên... Tội nghiệp cho Giao buôn chuối và hoa bị lỗ vốn!! Chỉ có tôi là lời: chuối, hoa đã khỏi phải mua mà còn “dư ăn dư đổ”.

Tập thi thoại viết xong rồi (hết hứng). Có người và, sẽ gởi nhờ anh và Giản Chi duyệt nếu hai anh có thì giờ và sức khỏe (gần 180 trang).
Nếu anh có mang tập “Đường Luật”  của tôi theo thì xin anh nhờ Giản Chi nhuận chính cho một lần nữa. Tôi thiếu đức tự tín. Anh xem rồi, tôi yên tâm 8/10. Được Giản Chi xem nữa thì không còn lo sợ lầm đến “ngộ nhân”.

Nghĩ mình tánh nết trái đời
Vợ người đã đẹp văn người lại hay.

Đã trao lời của anh cho Châu Hải Kỳ rồi. C.T bị lỗ to. Tội nghiệp quá! Hết còn thơ thẩn gì được nữa!
Chúc anh ít khách và nhiều sức khỏe.
Chúc chị yên vui. Nhà tôi nhờ có chút ít lộc của con, nên bớt đau ốm. Tôi đi còn thẳng lưng...

Tái bút:
Quả như anh đã nhận thấy: thơ lục bát Giản Chi rất hay. Có nhiều câu thi vị đượm hơn thơ luật nữa đó. Tôi tự hạn chế chỉ nói về thơ luật vì sợ lên cao quá đôi giày của tôi...
Thơ Mộng Tuyết và Đông Hồ tô chuốt nhiều khi thành kiểu cách, chính Kim Tiêu nói “kiểu cách”, tôi sợ “nặng” quá mích lòng nên đổi lại là “trưởng giả”. Anh Đông Xuyên muốn dùng bài thi thoại của tôi làm bài bạt cho tập thi tuyển của ảnh. Yêu cầu Đông Xuyên bỏ bớt những lời của quí cụ Huế, bỏ hết cũng được, chỉ nói qua là câu chuyện được phổ biến nhanh... Tôi đương cố nghỉ xả hơi, chưa “khỏe bớt giữa xuân”.

-o0o-




Sài Gòn ngày 06-4-1982

Kính Anh,

Được thư 27-02 của anh đã lâu rồi, hôm nay mới hồi âm.
Năm Tuất này có lẽ chỉ riêng anh là vui, còn bọn chúng tôi trong này đều có chuyện bất như ý. Giản Chi đương boăn khoăn nên đi hay nên ở. (đi chính thức hoặc bán chính thức): đi thì nhớ quê hương, bạn bè, nhớ cả sách vở nữa. Vì làm sao mang theo được; mà ở thì lẻ loi quá, nhất là tuổi đã 78 rồi, vì vợ, con, cháu đều đi hết. Đông Xuyên thì sức mỗi ngày mỗi yếu, mà con và cháu, còn vài ba người chưa yên phận. Tôi thì chỉ được mỗi một điều vui, một đứa cháu ở Pháp về thăm và đem đi cho được một ít tập (được chính phủ cho phép); ngoài ra toàn là chuyện bực mình: nhà Kỳ Đồng này không có ai coi, vợ chồng tôi phải lên ở đây từ sau Tết, có thể còn ở một hai tháng nữa; bực mình nhất là chuyện này: một điện tín đứa cháu nói trên đánh từ Paris về cho hay trước ngày nào đó sẽ về thăm tôi, ông Bưu điện không phát, nghi ngờ gì đó, rồi cho điều tra kín xem ngày đó cháu có về thật không, hay là dùng ám hiệu gì đó. Nhưng cháu về thật. Và tôi đã phải dặn bà con ở ngoại quốc đừng bao giờ đánh điện tín về Long Xuyên nữa. Không khí ở đó gần như ở ngoài anh rồi. Thế thì ở còn thú gì nữa.
Vì lẽ đó mà tôi không muốn viết thư nữa. (À quên còn bạn Vương Hồng Sển – năm nay 81 tuổi, đau từ Tết tới nay mới hết, nên không ra chơi tôi mỗi tuần được. Anh ấy đau thì lại càng viết gấp, y như sợ chết mà không làm xong công việc đã định, cái nghiệp của bọn cầm bút như vậy?)

Cái chuyện Thái Bạch ôm trăng mà chết thì các học giả Trung Hoa đã cho là chuyện bịa. Quách Mạt Nhược nghiên cứu kỹ đời Thái Bạch, bảo thi hào đó chết bệnh.
Cái chết của Đông Hồ thì có thực: đương ngâm thơ về Hai Bà Trưng thì té xỉu trong tay môn sinh.
Lương Khải Siêu nói đại ý rằng: nhà học giả chết ở giảng đường thì như danh tướng chết ở sa trường.
Đông Hồ chết ở giảng đường mà trong khi ngâm thơ thì thật trong lịch sử văn học Trung Hoa và Việt Nam mới có anh ấy. Đáng là trích tiên đấy chứ?
Chuyện cụ Nguyễn Khoa Vy chết rồi vài giờ sau sống lại ngâm hai câu thơ rồi mới chết luôn, huyền bí quá, tôi không hiểu nổi. Tôi ngờ rằng cụ mới mê đi, còn thoi thóp một chút, chứ chưa chết hẳn đâu.
Còn cái chết của hai cụ nhà, tôi cũng mong anh được như thế, mà anh cũng nên chúc tôi được như thế.

Lạ thật! Thời này thơ luật bỗng nhiên được thêm sinh khí, số người dùng nó lại tăng lên, hiện tượng đó anh giảng nổi không? Đáng ghi trong Thi Thoại của anh.
Tập thi thoại của anh, có ai vào cứ gửi cho tôi coi. Còn Giản Chi thì tôi không dám chắc anh ấy có bình tĩnh để đọc không, có thì giờ để đọc không. Tôi có đưa thư của anh cho anh ấy coi. Ảnh không nói gì cả.

Tập Đường luật của anh, tôi để ở Long Xuyên, không biết mấy tháng nữa sẽ về; khi về tôi sẽ làm theo ý anh, có ai lên đây, tôi sẽ gởi lên đưa cho Giản Chi.
Hồi Đông Hồ mới mất, tôi bảo chị Mộng Tuyết: “Không ai biết kĩ đời anh bằng chị, chị nên viết đời của anh đi, để cho người sau được biết”. Chị ấy đáp: “Hễ cầm bút lên, nước mắt lại ứa ra, không viết được”.
Mười hai năm sau, nhân một ngày giỗ Đông Hồ, thấy chị ấy làm một bài thơ nhắc đời Đông Hồ, tôi bảo: “Bây giờ, nỗi buồn đã nguôi, chị có thể viết được rồi, nên viết về đời anh đi”. Chị ấy hỏi tôi nên viết ra sao. Tôi bảo nhớ gì viết nấy, theo thứ tự thời gian.
Hơn một năm nay không biết chị ấy viết được gì chưa? Tôi không muốn hỏi, sợ mất lòng. Người ta mà muốn thì mình chẳng phải nhắc, người ta không muốn thì nhắc hai lần đã là quá nhiều rồi.

À cái ông Sung hay Xung mà trước anh khen lắm, nay ra sao, để tôi biết qua loa. Giả dối, hay không chịu được cảnh nghèo. Không chịu được cảnh nghèo nữa, thì là chuyện thường, mình không nên trách.
Chúc anh lưng thẳng hoài, chị mạnh khỏe.

Tái bút:
Thư từ anh cứ gởi về Kỳ Đồng.
Tối nào anh đi coi hát bóng, nhờ anh ghé Châu Hải Kỳ đưa giùm bức thư này cho tôi. Cảm ơn anh.
Nếu anh vô đây (mà bây giờ chắc vài ba tháng vô một lần chứ?) anh ghé tôi (dù tôi không còn ở đây), tôi gởi anh một gói cho họ Châu.
Cậu Giao được về ở hẳn Nha Trang chưa?

-o0o-




Nha Trang, ngày 14-4-1982

Kính Anh,

Thư anh, tôi đã chuyển cho Châu Hải Kỳ rồi.
Hôm 27-3-82, tưởng anh sẽ có ở Long Xuyên chiều 01-4-82, nên tôi gởi lên đó 1 bức thư. Không có gì quan trọng, chỉ 1 bản phó bức thư tôi gởi cho Bùi Khánh Đản để phản đối việc họ Bùi tự ý để tôi vào “tập đoàn tác giả” bài Thi Hội Nguyên Tiêu mà không hỏi ý kiến tôi.
Tất cả 17 người. Trừ Bùi Khánh Đản và Tôn Nữ Hỷ Khương là tôi quen biết sơ, còn bao nhiêu tôi chưa hề biết tên biết mặt !! Tôi xin gởi thêm một bản nữa, anh xem cho đỡ buồn. Anh Giản Chi đã nhận được 1 bản rồi. Giản Chi cho là phải, song báo “có điều là lời quá nghiêm và họ giận đấy”.

Tôi cũng biết trước rằng họ giận. Nhưng nghĩ kỹ thà bị giận còn hơn bị hậu quả không hay có thể xảy đến trong lúc “tiếng gió tiếng hạc đều là tiếng binh”, còn hơn là bị anh em tưởng lầm, khi xem bài thơ tập thể kia tôi đã trở thành một chiếc trống thủng... Kêu bạch bạch dồn tai...

Một phong trào làm thơ Đường luật đương nổi dậy khắp Nam Bắc !! Khổ quá anh ơi! Tây Thi đã chết rồi thì nên chôn luôn chớ không nên ướp đá để cho thiên hạ... sợ...

Còn về việc ông Xung... nói ra thật đau lòng. Quen thân nhau 25 năm trời... Xa nhau đã là một điều đau đớn, huống hồ còn mở miệng nói “xấu” nhau! Tôi nghe người quen thân với tôi nói về Xung rất nhiều từ ngày Hàm làm lớn (Hàm em Xung), nhưng tôi không tin. Kỳ vừa rồi được người chí thân của Xung... tiếp đến mấy người có uy tín..., cảnh giác tôi... tiếp C.T cho biết thái độ bất chính của Xung... tôi mới dám tin... và lặng lẽ xa... sợ Giản Chi bị lầm như tôi, nên tôi đã khuyên nên “viễn chi...”. Lắm lúc nhớ và buồn da diết !! Trừ anh và Giản Chi, tôi không hở môi với ai cả... với Giản Chi tôi chỉ đề nghị đừng gần chứ không nói cho nguyên nhân.

Khi nào có người vào tôi sẽ gởi tập thi thoại vào anh xem. Còn tập Luật Đường nếu để ở Long Xuyên thì anh để yên đó cho nghỉ đau căng.

Giản Chi nên “xuất giá tùng phụ” thì hơn. Còn anh thì đừng “tùng Long Xuyên” mà nên “hồi Sài Gòn” vì không khí Sài Gòn ít bụi bặm hơn Long Xuyên. Tính Nha Trang gần biển mà bụi bay còn nghịt thành phố, huống hồ Long Xuyên ở cách biển đến hàng trăm cây số.

Xin mừng cho anh là được yên tâm về một số bản thảo. Tác phẩm là con tinh thần... Đứa nào làm Bành Tổ được thì mừng cho đứa đó...

Tôi có viết chuyện Đông Hồ ngâm thơ Ngân Giang rồi ngất trong tay học trò... Viết trong thi thoại... và cho là “một cái chết nên thơ”.
Còn cụ Nguuyễn Khoa Vy thì chắc là “chưa chết hẳn” chớ đã chết hẳn thì còn sống lại làm sao được... Nhưng ngâm thơ rồi “chết hẳn” cũng thú vị. Chúc anh và tôi cũng sẽ được như thế.

Thơ chị Mộng Tuyết lúc này giả tạo quá! Thơ cũng như người, đã già rồi còn “chưng diện” làm gì... Ngày kỵ là ngày buồn thương sao lại bày tiệc sanh nhật! Cho nên bài thơ của Mộng Tuyết về ngày kỵ Đông Hồ vừa rồi... là một vòng hoa ny lông đặt trước bàn thờ cẩm thạch. Đọc bài ấy tôi bực... nhưng mãi nay mới nói riêng với anh... Những đám tang theo lễ Tàu, thổi kèn Tây... Con trưởng đội mũ rơm áo gai, tay chống ba ton đi chõ lui, miệng phì phà điếu xì gà... bốc khói... Thiên hạ trầm trồ khen “đám tang lớn”. Mình (anh và tôi) chịu không nổi phải khóc ba tiếng, cười ba tiếng để điếu...

Lâu nay tôi không được thơ Đông Xuyên. Anh ấy buồn gặp thơ ai cũng họa, gặp đề gì cũng làm thơ không cần chọn, cho nên lắm khi sa vào chỗ tầm thường. Khi sửa lại bản “thoại” viết về Đông Xuyên tôi bớt những chi tiết về bài “Buổi Chiều Sang Đò” và thêm ý trên vào cho “có khen có chê”. Không biết ảnh có giận chăng?

Tôi có gởi nơi Vương Hồng Sển 21 quyển tuồng. Tôi cho ảnh mượn xem trong ít lâu... Nếu ảnh còn trẻ thì tôi gởi cho anh xem giữ dùm vài ba mươi năm nữa đợi lũ chắt tôi lớn lên sẽ đem về... Nhưng ảnh đã 81 tuổi rồi, Hội bàn đào đương chờ... sợ khi ảnh lên lưng hạc... bỏ sách lại không người chăm nom... Ảnh có đến chơi, nhờ anh nói sao cho khéo về việc ấy giùm tôi nhé. Anh Giản Chi cho biết rằng Vương ông sensible lắm, nên tôi sợ... lỡ lời...
Giao bị mổ ruột dư, về Nha Trang trị bệnh lâu nay. Nay C.A buộc lên Nhiễu Giang trở lại, cháu đi được hơn tuần nay.

Tôi không được khỏe. Ăn vào bụng khó chịu, hơi nằng nặng anh ách, đói thì xót xa... chân đi hơi run. Và lưng không còn giữ vững khí tiết “bất năng khuất” ngồi lâu đã thấy mỏi. Nghĩ ông Trần Tu 72 tuổi mới cưới vợ, tôi hơn có 1 tuổi mà thận yếu thì phi lý quá, anh nhỉ? Nói bá láp cho đỡ buồn. Anh tha tội.

Chúc anh chị an khang.

Tái bút:
Thơ lục bát của Giản Chi hay lắm. Sức truyền cảm có phần hơn thơ Đường luật. Khi viết thi thoại, tôi không có mắt, nếu có cũng nói đến, mặc dù chỉ tự hạn “chỉ nói đến luật thi”. Ăn thịt gà mà có thịt vịt nữa càng thú, miễn vịt đừng lấn gà là được.

-o0o-




Kỳ Đồng, 30-5-1982

Kính Anh,

Ngoài anh có gió biển chắc anh không thấy nóng. Trong này mấy hôm nay nóng quá. Nhiệt kế chỉ 30, 310, còn thấp hơn tháng trước mà lại nóng hơn tháng trước. Nóng vì hầm, étouffant như trong lò. Nhiệt kế không đo được cái hầm, không đo được sự thiếu gió. Hầm, oi, bức, pháp ngữ chỉ có mỗi một chữ étouffant. Ở xứ lạnh, từ ngữ về sự nóng nghèo nàn hơn xứ nóng.
Nóng quá. Mấy tối nay tôi thấy sự cúp điện đáng hoan nghênh (trong này mỗi tuần 1 ngày, ở ngoài anh mỗi tuần mấy ngày, ở tỉnh nhỏ ngoài Bắc nghe nói mỗi tuần 6 ngày). Gặp đúng lúc trăng thượng tuần 7 - 8 giờ tối rọi vào giữa phòng tôi. Tôi giải chiếu xuống gạch, ở trần, nằm dài ngắm trăng. Trăng đúng là bạc, không thế dùng tiếng nào khác để tả được. Vài ngôi sao khiêm tốn - nghĩa là không lấp lánh - đúng là vàng, nhưng vàng mờ vì trăng sáng quá. Thỉnh thoảng một đám mây gòn trôi nhẹ qua. Gió chỉ đủ để đẩy mây, không đủ để rung lá.
Thi sĩ Trung Hoa cho trăng đẹp nhất khi ẩn hiện sau đám mây. Đẹp thật, nhưng đẹp nhất thì không chắc. Tôi thấy trăng đẹp nhất khi nó đầy mà vằng vặc. Tôi nhớ một đêm rằm tháng hai ở trên rạch Bình Thủy (Cần Thơ). Trăng bạc mà sóng cũng bạc, nhấp nhô, nhấp nhô. Tàu dừa cũng tráng bạc, phe phẩy, phe phẩy. Chiếc ghe của tôi trôi theo dòng, hai bên bờ tiếng đàn kìm văng vẳng, khi gần tắt thì lại bắt được tiếng đàn ở trước mặt, như vậy trên một quãng dài hai cây số. Đêm đó tôi thực thấy rạo rực trong lòng, muốn có Hằng Nga xuất hiện để tôi ôm chặt trong lòng. Truyện Lý Bạch chết đuối vì muốn ôm trăng chỉ là một truyện bịa. Nhưng anh chàng nào mà bịa ra truyện đó cũng vào hạng thi sĩ như Lý chứ không kém. Bịa mà ai cũng tin, còn hơn là sự thực nữa. Sự thực là Lý chết bệnh. Như vậy mới là tài tình. Trong đời có lẽ anh quí nhất là Hàn Mặc Tử. Anh đã thấy ai bịa một truyện về Hàn mà đáng tin không?

Chín giờ tối, tắm rồi mới lên giường. Ở trần, quạt liền tay. Mà mồ hôi vẫn vã ra, ngủ chập chờn. Năm giờ đúng dậy, làm mấy cử động tay chân và hô hấp, rồi đi tắm. Bảy giờ ăn sáng xong rồi lại ở trần, quạt. Tôi đang ở trần viết thư cho anh và Châu Hải Kỳ đây. Thư hai anh cùng viết ngày 14-4 và cùng tới tôi một lúc. Tôi chắc thư hôm nay tôi viết cho hai anh cũng sẽ tới cùng một lúc.

Đọc thư anh, tôi đoán rằng anh bắt đầu yếu bao tử chứ chưa loét (ulcère) bao tử đâu. Không sao. Kiêng cử ít lâu thì sẽ hết.
Đoàn Thêm mấy năm trước cũng như anh, suốt một tháng nhịn cơm chỉ ăn cháo nhừ (nếu là cháo gạo nếp thì càng tốt), kiêng đồ chua, cay, rau sống, trái cây chua. Tha hồ ăn thịt nạc, ít mỡ thôi (chỉ khổ là thịt lúc này đắt quá); và nếu sáng nào cũng ăn xôi hay cơm nếp thì càng tốt. Như vậy một tháng, hết luôn tới bây giờ.
Khi nào anh thấy ợ chua, xót ruột thì kiếm một thứ thuốc antiacid như Gélusil uống một viên là hết. Gélusin năm ngoái tôi nhờ anh đem ra cho Châu Hải Kỳ 50 viên, không biết còn không. Anh lại xin anh ấy vài viên uống thử xem. Thấy công hiệu thì gởi mua ở Sài Gòn 2đ một viên, lúc nào cũng có. Anh có thể bảo cháu ở ngoại quốc gởi về cho anh 100 viên, uống được cả năm. Đừng uống bicarbonate de soude vì nó chua.
Khi nào anh thây đau dữ dội ở dưới mỏ ác (sternum) nhất là vào lúc đói, đau tới run tay, toát mồ hôi thì bao tử ấy loét rồi. Lúc đó, tôi sẽ chỉ anh một thứ thuốc mới chế tạo đượ 2 năm nay, trị hết hẳn được... Còn những thứ antiacid và pansement chỉ hết tạm thời thôi.

Tôi còn ở đây hết Juin, có thể hết Juilli. Thư anh cứ gởi về đây.
À nhớ ăn xong thì nằm nghỉ, đừng vận động, viết lách. Bớt lo nghĩ đi.
Buồn cho cậu Giao. Bị  “đày” vô  kỳ hạn hay sao? Tội gì đâu? Tôi mong rằng cô C.T năm nay khá hơn năm ngoái. Chắc tiểu hạn năm ngoái xấu lắm. Tôi gởi trả anh phó bản bức thư cho Bùi Khánh Đản, vì đã có 1 bản rồi (bản anh gởi về Long Xuyên).

Kính chúc anh chị vui
Anh tính bao giờ mới vô Sài Gòn?

-o0o-




Nha Trang, ngày 03-10-1982

Kính Anh,

Mấy tháng nay, trong người tôi dường như có gì thay đổi: buồn không ra buồn, vui cũng không ra vui, tâm muốn nghỉ ngơi, trí lại hay nghĩ ngợi, mà nghĩ gì cũng chẳng ra trò gì cả! Lắm lúc muốn viết thư nói chuyện tầm khào cùng anh và anh Giản Chi, nhưng rồi lại không viết...
Không viết lách được gì cả!

Vừa được thư và thơ anh Giản Chi
Đọc bài Giản Chi dịch bài Thu Chí của Tố Như, lòng thấy vui trở lại.
Vội viết thư cho Giản Chi.
Rồi viết thư cho anh

Xin mượn câu của người xưa thường viết lúc đầu năm mà viết to lên giấy:
Minh niên khai thần bút
Vạn sự đại cát xương

Tôi viết xong tập thi thoại “Hứng Phấn Nâng Hương”. Đợi mãi mà không có người tâm phúc để gởi vào anh duyệt. Trong tập có nói đến bài thơ xuân in trên cánh thiếp Tết Ất Mùi (1955) của Đông Hồ:
Da ngọc ngà phô giấy nõn nường

Vũ Hoàng Chương họa lại:
Xuân mới ba mươi sáu nõn nường

Bài Đông Hồ vịnh quyển sách.
Bài Vũ Hoàng Chương vịnh Bạch Mai.
Nhưng 2 chữ “nõn nường” không biết có phải 2 ông bạn quá cố dùng theo nghĩa “mới” do 2 ông bạn “sáng chế” đồng nghĩa với “nõn nà” hay tinh nghịch dùng theo nghĩa “cổ truyền” của 2 chữ ấy.

Khi viết thi thoại thì quên nghĩ đến “cái cũ”. Nay ngồi đọc lại, đâm ra thắc mắc, chạy hỏi các bạn quen, tuổi “ngũ thập niên tiền nhị thập tam”, ai nấy đều cười:
- Già mà vẫn chưa quên “thử vật”, hèn chi ông Trần Tu đợi đến 73 tuổi mới đỗ trạng v.v... Không biết ở Bắc và Nam, anh chị em có biết “nõn nường” (đọc đúng là noõn nường) và “lõ lường” (thường đọc là lỗ lường) là tiếng “cổ thổ âm” dùng gọi linga và yoni chăng? Ở Trung nhất là Khánh Hòa và Quảng Nghĩa còn chỗ thờ 2 “dụng cụ” ấy. (Trong Xứ Trầm Hương, tôi có nói về chỗ thờ lỗ lường).

Tôi e Đông Hồ dùng “nõn nường” thay “nõn nà”, bởi có chữ “giấy” ở trước, còn Vũ Hoàng Chương dùng “nõn nường” để cụ thể hóa chữ “xuân” (tam thập lục cung đô thị xuân), hầu biến “cung triết học” thành “cung đế vương: bạch mai là hoa trắng. Hoa trắng là bạch huê, mà bạch huê là mỹ hiệu của Yoni, mà Yoni: nõn nường cho nên người Trung, nhất là Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nghĩa, hễ ai nói đến 2 chữ “bạch huê”, 2 chữ “nõn nường” là các cô trinh nữ đều đỏ mặt...

Xin nói thêm cho vui:
Noõn nường và lỗ lường khi xưa là hai. Bên nữ bên nam xứng đôi vừa lứa. Nhưng sau “noõn” đọc “nõn”, “lõ” đọc “lỗ”, thì nam bị thiến, lần lần “nõn nường” và “lỗ lường” trở thành “song nga”.
Anh nghĩ sao về 2 chữ ấy?

Ở Nha Trang không ai rảnh để nói chuyện tầm phào. Buồn vô cùng! Châu Hải Kỳ lúc này tâm trí bận rộn, nói chuyện văn chương không còn mặn mà như xưa. Đi đâu cũng nghe nói chuyện Ba Lan, A Phú Hãn, Do Thái... cũng nghe nói chuyện kinh tế, leo thang xuống... trụt thang lên... Chán ơi là chán! Muốn đi xa chơi, lại đánh số chót không trúng. Vé xe giá chợ đen lại quá cao... Đành “đi ra rồi lại đi vô...”
Buồn quá, ba hoa cho vui. Có điều thất thố, mong anh lượng thứ.

Chúc anh an lạc.

Chúc chị dồi dào sức khỏe.

Tôi vẫn thường. Nhà tôi lúc này ít đau hơn trước. Giao ở lì Nha Trang. C.T cụt vốn, bán nhà Q.N không được... chưa biết làm sao để sống?! Ối, trời sanh voi sanh cỏ... lo gì...

-o0o-



Long Xuyên, ngày 26-10-1982

Kính Anh,

Tôi mới được thư 03-10 của anh, ở Sài Gòn chuyển về.
Tôi cũng như anh, qua năm nay thấy chán ngán, không muốn viết thư cho bạn, rán viết lách thì viết được mà không thấy hứng. Ở tuổi mình, ở thời này làm gì có chuyện “thần bút” được. Hạng như tôi, viết cốt cho xuôi, người ta hiểu được mà không đến nỗi nhạt như nước ốc, được vậy là may rồi, thần bút sao được.
Mà chẳng phải chỉ riêng anh với tôi có tâm trạng chán ngán. Các bạn của mình đều như vậy, đều ít viết thư. Chỉ những chuyện buồn, không đáng viết.

Vương Hồng Sển đau 4 - 5 tháng, rán viết được hồi kí về cô Ba Trà 289 trang. Than thở, mỗi tháng tiêu mất 5.000đ chịu sao thấu. Mà tôi coi bộ điệu của ảnh có thể sống 90, 100 chưa biết chừng (năm nay 81 rồi), hết cơn đau, lại xách ba toong đi dạo Sài Gòn như trước, có ít đi thôi.

Lê Ngộ Châu vui vì có 3 - 4 đứa con ở Mĩ, lại có 2 đứa nữa cũng sắp được đi. Sắp nghĩa là cũng phải 1 năm nữa.
Ngoài đó người ta còn vui đấy nên đem chuyện Ba Lan, A Phú Hãn, Do Thái nói với nhau. Ở đây không để ý tới những chuyện đó nữa. Làm cách nào kiếm đủ ăn, đó mới là điều quan trọng.

Bây giờ mới trả lời anh về hai chữ nõn nường trong bài thơ của Đông Hồ. Tôi chắc rằng cả Đông Hồ lẫn Vũ Hoàng Chương đều không hiểu nghĩa của hai chữ đó đâu. Tôi cũng không hiểu mà chính các nhà soạn Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) cũng không hiểu, cho nghĩa là quí đẹp, thế thôi.
Ở ngoài Bắc cũng còn vài nơi thờ cái linga và cái yoni. Có thể những nơi đó, nõn nường và lỗ lường còn có nghĩa đó. Còn bọn ở xa, không hiểu phong tục thì không biết. Tôi từ trước chỉ hiểu rằng nõn nường có ý péjorratif thôi, chứ không biết nó chỉ cái vật đó; mà vì tôi thấy nó péjorratif nên không thích bài thơ đó của Đông Hồ. Trước sau tôi được vài chục bài thơ luật của Đông Hồ, chỉ thích ba bốn bài mà trong số đó có hai bài vịnh tượng Hai Bà Trưng.

Tội nghiệp cô C.T, con trai ra trường kiến trúc chưa? Sẽ đi ở đâu?

Kính chúc anh chị vui.

Mong rằng vợ chồng cậu Giao đủ sống và cậu ấy lạc quan được như anh.