Năm 1980



Nha Trang, 27-01-80

Kính anh

Tôi rất hoan nghênh những ý kiến của anh về Bình Định Tam Hùng.
Tên “Bình Tây Tam Kiệt” hơn Bình Định Tam Hùng. Nhưng chưa thật ổn. Bởi phong trào bình Tây sát tả lúc bấy giờ nổi dậy khắp nơi. Vậy làm sao có “ý” Bình Định nữa thì tuyệt. Nhờ anh sửa dùm những lỗi trong tập. Có nhiều đoạn cần phải thêm đôi chi tiết nữa... Về Võ Trứ tôi sẽ nói thêm vì sao lại dùng rựa quéo để đánh giặc chớ không dùng dáo sào như “thường lệ”. Ra ngoài giêng rộng thời giờ sẽ hay...

Anh vừa ốm mới khỏi mà lại bị làm “quả ba lông của anh Đông Xuyên” thì thật khổ! Lối làm việc của họ thật là ngán! Đâu cũng thế. Nhớ lại câu ca dao thời Bắc thuộc:

Ếch kêu dưới vũng tre ngâm
Ếch kêu mặc ếch tre dầm mặc tre!

Anh bảo người mình đối với Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân... Khoan hồng hơn người Tàu đối với Tần Cối, và anh muốn có một pho tượng Trần Bá Lộc trước mộ Mai Xuân Thưởng để mỗi lần có người đến viếng mộ, đập vào đầu tượng Tần Cối trước khi vào viếng mộ Nhạc Phi. Khi xây lăng Mai Xuân Thưởng, chúng tôi cũng đã có ý ấy. Song nghĩ đến vụ án “ông Tổng đốc Nguyễn Hy  - hiện một văn sỹ đã gọi cha ông ấy (Nguyễn Thân) là Việt gian và nhà văn kia (tôi quên tên) bị tòa án Nam triều phạt về tội “phỉ báng tiền nhân”, chúng tôi đành “bất cảm”, bởi con cháu Trần Bá Lộc chưa bị “mang tội tổ tông”, còn nhiều thế lực trên “hòn ngọc Viễn Đông”, lúc ấy.

Nhắc đến mộ Mai Xuân Thưởng mà chạnh lòng !
Gần 80 năm, mộ nằm trong nơi hẻo lánh với bìm lau. Năm 1958, nhân sĩ huyện Bình Khê cải táng, dời từ Phú Lạc đến núi Ngang (Trinh Tường cách Phú Lạc con sông Côn) và xây lăng dựng bia, trông rất đẹp mắt. Khách du quan thường đến cung chiêm. Nhưng năm 1968 bị mìn giựt đổ nát. Ai là “thủ phạm”? Ông nói gà bà nói vịt, không biết đâu mà tìm ra sự thật. Hiện nay lăng vẫn nằm trong tình trạng “hoang vu”!
Anh sửa chữ “khó” ra chữ “khỏi” (Hai bàn tay trắng khỏi chen lấn vào) thật hay. Để cho thành một tuyệt tôi xin thêm 2 câu nữa:
Lòng mong hưởng phút ngọt ngào
Đêm sâu để giấc chiêm bao phỉnh phờ

Anh chép cho tôi trọn bài Tết Nhi đồng của anh Đông Xuyên.
Tú Xương cũng có một bài dí dỏm không kém bài của Đông Xuyên:

Tết này tục gọi tết chơi trăng
Có phải hay không hỡi chị Hằng
Trên gác ngư ông ngồi chểm chọe
Ngoài đường sư tử múa băng xăng
Ớ! Vui vẻ nhỉ bầy con trẻ
Khéo! Lẳng lơ chi lũ gái măng
Chẳng lẽ người vui mình lại tẻ
Cũng chè cũng rượu cũng lăng nhăng.

Mở bằng “chơi trăng”, bồi bằng “gái măng”, kết thúc bằng “lăng nhăng” thật tay lão luyện.

Anh cho tôi xin luôn bài “Thiên Đường Sắc Nó Đỏ Hay Đen” của anh Giản Chi.
Để cho bớt buồn lắm lúc phải viết thi thoại những bài thơ như bài “Tết Nhi Đồng”, bài “Thiên Đàng” là những “miếng ngon” đó. Anh giảng giải rõ dùm ý “tro giả bụi”, “đỏ hay đen”. Chắc ý tác giả khác ý nghĩ của tôi và chắc “thú vị” hơn... Tôi sẽ dùng cả hai để viết cho sướng tay.

Và đây, bài “Cánh Bèo” của Tản Đà:

Bềnh bồng mặt nước chân mây
Đêm đêm sương tuyết ngày ngày nắng mưa
Ấy ai bến đợi sông chờ
Tình kia sao khéo lững lờ với duyên
Sinh lai chủng đắc tình căn thiển
Sự trăm năm hò hẹn với ai chi?
Bước giang hồ nay ở lại mai đi
Những ly hợp hợp ly mà chán nhỉ!
Vị tất nhân tình giai bạch thủy
Nhẫn tương tâm sự phó hàn uyên
Đầu xanh kia trôi nổi đã bao miền
Thôi trước lạ sau quen đừng ái ngại
Khắp nhân thế là nơi khổ ải
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai
Ai ơi vớt lấy kẻo hoài.

Buồn thấm thía!
Tản Đà lại có câu: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Rẻ nghĩa là còn bán được... Chớ văn của bọn mình thì... Bèo người ta còn mua làm phân xanh... cho nên có câu rằng:

Văn mình xưa đứng ngang bèo
Văn nay xuống dốc bèo trèo lên thang
Mặc ai tham bóng bỏ chàng
Trăm năm chút nghĩa cũ càng dám quên.

Vừa đánh máy xong tập “Lục bát Tứ Tuyệt” thứ 2. Được 100 bài, lấy tên là “Dàn hoa lý” (1). Đợi có người thân tín, sẽ gởi vào tặng anh.

Nghe tin anh dọn về Long Xuyên, lòng tôi bùi ngùi như tiễn người thân đi xa lâu ngày. Tôi nhớ lại những lần dời chỗ ở của tôi: năm 1928 từ Trường Định (cố hương) dời về Phú Phong (quê nhà tôi). Năm 1945 từ Nha Trang dời về Bình Định và gần đây xuýt nữa rời Nha Trang lần thứ hai...! Nỗi buồn lúc sắp đi và lúc ra đi... “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”! Chỗ nằm, chỗ ngồi... cây hoàng lan, chậu mai chiếu thủy, bụi hoa đuôi chồn... Anh Đông Xuyên, anh Giản Chi chắc cũng buồn lắm!
Bọn mình tuổi già mà thân chưa được an, tâm chưa được lạc..., nghĩ cũng đáng thương!
Thôi đành vậy.

Năm Mùi sắp hết, năm Thân sắp đến, kính lời chúc anh chị bước sang năm mới thường được mạnh khỏe. Và mong sao qua năm Thân, xe cộ được dễ dàng để có thể gặp gỡ nhau như mấy năm trước.

(1)  Trong bài thơ cuối tập có câu:
Chung trà hớp vị bình minh
Dàn hoa lý nở ngọt tình cố viên.

Hoa lý đóa nhỏ, sắc nhạt, hương nhạt song xào thịt bò và nấu canh tập tàng thì ý vị vô cùng. Người sống ở thành thị không bao giờ được nếm.

-o0o-



Long Xuyên, 07-02-80

Kính anh Quách Tấn,

Tôi về tới đây hai ngày thì được thư anh, anh canh hay quá.
Về tới nhà, mệt đừ, lại bận dọn dẹp đồ đạc, sách vở, vì tôi chở về đây một mớ sách và vài cái tủ, nên chưa được nghỉ, hãy trả lời vắn tắt thư 27-1 của anh, ra ngoài ngày rảnh sẽ viết dài.
Thư của các bạn văn và độc giả, tôi còn để cả ở Sài Gòn, không đem về đây; nên ăn Tết xong tôi sẽ viết cho Giản Chi và Đông Xuyên, nhờ hai anh ấy chép bài Thiên Đường Sắc Đỏ Hay Đen với mấy bài thơ Trung Thu Kỷ Mùi của Đông Xuyên gửi thẳng ra cho anh. Đ.X làm 3 bài Trung Thu, chứ không phải chỉ có bài đó đâu. Bài nào cũng dí dỏm, nhưng thâm trầm thì không bằng bài của Tú Xương.

Cảm ơn anh đã chép cho tôi bài Cánh Bèo của Tản Đà. Bài Thủy Tiên rất vui, bài Cánh Bèo rất buồn. Cả hai đều hay và đều thuộc thể hát nói, mà tôi thích thể này lắm: nó hơi tự do, hợp với tư tưởng phóng khoáng.

Tôi dọn về Long Xuyên không đến nỗi buồn như anh nghĩ. Vì Long Xuyên cũng là nhà, cũng có đủ những cây như ở Kỳ Đồng, trừ cây đuôi chồn, mà lại nhiều cây ăn trái. Chỉ buồn là ở đây không có bạn văn. Nhưng vài ba tháng tôi lại lên Sài Gòn ít lâu; nếu xe cộ còn được như hiện nay. Hiện nay đã khổ lắm rồi. Mua vé đã khó mà xe 10 chuyến thì 8 chuyến chết ở dọc đường. Chuyến tôi đi nổ bánh ba lần, may mà tới chỗ. Tôi sợ nếu không có gì thay đổi thì cuối 1980, ai ở đâu ở đấy, không có phương tiện di chuyển nữa.

Tôi ở Long Xuyên thì tập Dàn Hoa Lý anh hãy khoan gởi vì làm sao tới thẳng tay tôi được.

Kính.

-o0o-



Long Xuyên, 18-02-80

Kính anh Quách Tấn,

Hôm nay tôi viết thư nhờ hai anh G.C và Đ.X chép lại thơ rồi gởi thẳng cho anh như tôi đã nói trong thư trước mà chắc anh đã nhận được.

Buồn quá, về đây thì bị trĩ, phải nằm suốt ngày. Lại thêm cái mương bèo cám năm nay hết đẹp rồi, anh ơi. Nước cạn, mực nước thấp, lòng mương hẹp lại; Không có bèo cám nữa, nước đục ngầu, tới bày vịt hàng xóm nó cũng không buồn lội. Tiêu điều rồi. Những cái tầm thường như vậy mà mình cũng chỉ được hưởng có một lần thôi ư? Mà những cái xấu xa thì hình như sống dai quá. Chiến tranh, nghèo đói, tham ô chẳng hạn.

Nhưng cũng may cây “mít” trước nhà, năm ngoái nhuần, đáng lẽ thay lá sớm như hai cây “mít” khác ở đầu đường thì đợt tôi về (ngày lập xuân 18 tháng chạp), mới bắt đầu rụng lá.
Tới hôm nay đúng nửa tháng, gần trút hết lá rồi. Trong nửa tháng đó, cô giáo năm ngoái không lại quét lá nữa mà có một giáo sư cũ (ký được dạy lại) dắt hai đứa con nhỏ (9 tuổi, 7 tuổi) lại quét mỗi ngày. Eo ôi tiền củi mỗi ngày 2đ ư? Tôi cứ cắm cổ vào sách vở, đâu có ngờ củi quí như vậy, 2đ = 1000 cũ. Hồi tôi nhỏ 1000 cũ mua được mấy ký lô quế ấy chứ! Lương giáo sư bây giờ chỉ có 60đ, chỉ đủ để mua củi chụm thôi ư?

Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị Việt Nam đâu? Còn đợi gì mà không làm bài hành tả cảnh củi quế đó?

Tôi nằm viết cho anh đây. Xin ngừng bút.

Kính chúc anh chị vui.

Tái bút:
Mỗi buổi sáng tôi ra sân ngắm cây “mít”. Lá nó không thay đều mỗi cành một ít đâu, mà thay trọn từng cành lớn một rồi mới tới cành khác, theo thứ tự ngọn xuống.
Ánh vàng ban mai lấp lánh trên những lá non trên ngọn rồi lần xuống những lá ở thấp. Ngày mai hay mốt thì lá sẽ trút hết, toàn cây sẽ xanh mơn mởn.
Giáo sư đó sẽ làm gì khác để có 2đ mua củi chụm đây?

Cây mận của anh trái có ngọt không? Tôi có hai cây mận đỏ và trắng, đều đặc ruột (rất ít khi có hột) và ngọt. Nhất là cây trắng, dù tôi khiêm tốn tới mấy cũng phải nhận là ngon nhất miền Nam. Có người ở Sài Gòn về bảo nó “ngon quá trời”. Và một người ở nhà tôi một năm bảo đã ăn mận của tôi rồi thì không muốn mua mận chợ nữa, uổng tiền.

-o0o-



Nha Trang, 12-3-80

Kính anh,

Về Bình Định ăn Tết vừa vào thì Châu Hải Kỳ trao bức thư anh gởi lúc trong năm, kế tiếp được thư anh Giản Chi và thư anh nữa.
Tôi vỗ đùi cười lớn: nhất định năm nay sẽ tiếp được nhiều hảo sự, bởi đầu năm nhận được thư mình trông mong, và lời thư tươi vui mà vị thư có phần chua chua nhưng thanh và chíp chắp lại có vị trà Cam Khổ của Bình Định.

Để chia vui cùng anh tôi xin kể chuyện Tết của tôi.
Thức dậy mừng Nguyên Đán, rồi cao hứng gói ít quần áo lên ga lên xe lửa về Bình Định. Ga không có người bán vé, thấy ngõ không đóng và có tàu đợi trước ga, liền cứ vào và lên ngồi nơi toa có hành khách. Đoàn tàu khá dài mà hành khách chỉ năm ba người trên mỗi toa. Dưới sân ga vắng tanh. Người lên toa là người ở Sài Gòn về Ninh Hòa, Tuy Hòa, Qui Nhơn. Lòng tôi hơi ngài ngại... chợt có người bán vé đến, tôi mua một vé “đầu năm”. Vé nơi ga Nha Trang – Qui Nhơn 4đ, nhưng lên tàu phải mua gấp đôi. Không sao, vì vé chợ đen còn mắc hơn nữa. Đầu năm miễn đi song - suốt là tốt. Bảy giờ tàu chạy, mười lăm giờ tàu đến Qui Nhơn. Hành khách xuống lần ở các ga lớn dọc đường. Có khách xuống mà không có khách lên. Thành thử từ Nha Trang đến Qui Nhơn, nhà nước bán được có một vé. Tôi xuống ga với vẻ tự đắc rằng mình đã thuê một chuyến tàu nguyên vẹn để về thăm quê hương một lần với Xuân.

Về Qui Nhơn, định mồng 6 Tết trở vào Nha Trang nhưng gặp cố nhân, rủ nhau đi Quảng Nghĩa. Đủ để gọi là cùng nhau “du xuân” để ôn lại những ngày xa xưa, ngày hoa chưa nở trên tóc vậy.

Kể cũng thú.
Nhưng hao tài. Bởi phải mua vé chợ đen và ăn uống mắc quá! Khi vào lại phải mua vé chợ đen nữa. Lại thêm khi xuống ga Nha Trang bị rút mất chiếc áo ấm, vì nực quá cởi kẹp nơi nách...
Kể cũng không sao vì “tản tài tiêu tai”. Đầu năm tản tài, ông già bà cả cho là tốt, tôi ráng tin là tốt cho đỡ buồn. Anh Đông Hồ mất áo có làm thơ kỷ niệm. Tôi cũng muốn “làm kỷ niệm” song nghĩ không ra tứ gì mới và vui. Không phải bị nàng Thơ phụ rẫy. Hôm đầu năm, nàng có cho tôi mấy vần khai bút:

Bảy mươi hai tuổi tuổi xuân già
Xuân của trời hay xuân của ta
Sóng lụa vờn mây non phủ lụa
Ngòi hoa trổ mộng tóc đơm hoa
Ấp yêu giá ngọc mai vườn cũ
Náo nức tình quê nhạn bến xa
Năm mới trải lòng vui hội mới
Theo làn gió ấm tiếng oanh ca

Về Qui Nhơn ghé thăm C.T, thấy chậu mai nở vàng rực lại khẩu chiếm được bốn câu:

Trời làm háp lúa sùng khoai
Xuân về mừng thấy hoa mai nở vàng
Nâng niu chút nghĩa cũ càng
Phong trần đâu nỡ phụ phàng phong lưu.

Cơn hứng chưa tàn, định viết thư cho anh thì tôi bị cảm; tôi uống thuốc vừa khỏi thì nhà tôi “tiếp tục...” bệnh của tôi, mãi đến nay, ngót nửa tháng rồi, mới bớt bớt. Phần lo chạy thuốc, phần lo nấu ăn, phần lo ẵm cháu, nên không viết lách chi được cả...
Ông già bà cả nói rằng: “Đầu năm đau, cuối năm mạnh”. Ăn thua cú rút...vì thế tôi chắc là từ đây cho đến năm mới sang năm, tôi sẽ gặp nhiều may mắn, nhiều vui tươi và nhà tôi luôn luôn mạnh khoẻ.

Anh cũng bị trĩ? Thế là “đồng bệnh” rồi. Ông nội tôi bị trĩ lúc 60 tuổi, ông thân tôi bị lúc 40 tuổi, tôi bị lúc 20 tuổi. Lũ con tôi bị lúc nên mười! Bệnh di truyền, nan trị, năm 1968 tôi bị mạch lươn phải mổ? Mổ rồi đi cầu không bị lòi... và không ra máu, song nơi hậu môn thường có nước vàng rịn và thường bị ngứa ngáy khó chịu.
Đi vệ sinh thật phiền phức.
Vì vậy có người hỏi tôi về việc làm thơ tôi ví với việc “vệ sinh”. Người ta không hiểu bảo tôi xấc. Sự thật, tôi – có lẽ anh cũng vậy - Đi vệ sinh “thận trọng” vô cùng. Ở đời có 4 “cái cần thiết” mà đối với tôi – có lẽ anh cũng vậy và các người bị bệnh trĩ đều vậy - cái thứ tư, tôi “chăm nom” ghê lắm. “Chỗ ngồi” phải sạch sẽ, nước rửa phải nhiều và sạch, ngày giờ phải “nhàn nhã”. Tôi gọi bệnh này là “bệnh xa xỉ” (maladie de luxe).

Nằm buồn mà nhìn cây cối đâm chồi nẩy lộc kể cũng đỡ buồn. Cây nính của anh dễ thương quá! Nó làm bạn với anh và giúp hai nhà giáo đỡ khổ? Mình đã nghèo mà lại có người nghèo hơn mình! Cái cảnh cô giáo cùng con lượm lá khô ám ảnh tôi luôn... cái cảnh ấy gợi lại những cảnh tương tợ của em, con... và tôi thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và nghĩ đến ngày mai, đôi khi phải ngại ngùng... Cây nính của anh cũng có tình như cây mận của tôi. Ai bảo “hoa thảo vô tình” là chưa sống với cây cối.
Mận thường chua. Cây mận của anh ngọt là do giếng. Cây mận của tôi cũng ngọt lắm song hột lớn, và ngọt là do lâu năm... Sống với cây cối, cây chết đi đem theo một khúc lòng của mình... Tôi nhớ cây mận tôi quá!

Anh muốn có thơ củi quế?
Anh quên bài thơ “Vịnh hai cây bách” của Tô Đông Pha rồi ư?
“Ta gian duy hữu trập long tri”.

Triều Tống cách nay tuy xa song lòng người có quyền thế gần lắm. Đời nay nhân tài lại nhiều. Lý Định, Thư Đản nhiều vạn bội. Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ Việt Nam cũng không thiếu, nhưng chỉ “trập long tri” thôi.

Làm sao có người để gởi tập DÀN HOA LÝ cho anh?
Châu Hải Kỳ ước ao có dịp rủ tôi đến Long Xuyên thăm anh. C.T cũng ước như vậy. Còn tôi thì muốn chớ không ước.
Muốn là được.
Tôi chắc thế nào rồi cũng được, không kíp thì chầy, miễn đừng nhớ cảnh tiên sớm mà hạc vàng phải xuống để khiến bạch vân không du du...

Nằm buồn lấy Úc Viên Thi Thoại ra xem lại. Nhớ anh và Đông Hồ vô cùng.
Anh Đông Hồ ăn nói có duyên quá! Ai ghét ông ấy được?
Nhân đọc bài “Cảnh quạt đề thơ”, tôi nhớ lại lời nói của chị Tương Phố; cùng bà chị nói chuyện về chuyện “tặng thơ trên quạt”, tôi khen rằng tình đẹp quá. Bà chị đáp: "Phải chi Đông Hồ cùng Mộng Tuyết đừng tìm gặp Tương Phố thì đẹp biết mấy!”. Té ra Đông Hồ có gặp Tương Phố. Thế mà không thấy viết ở đâu cả. Kín thật!
Tương Phố đến lúc hoa bạch mai đã cài trên tóc mà còn duyên xuân. Nhà giáo tu hành Thanh Lãng gởi tặng dù và dầu thơm. Bà chị đem khoe với tôi và cười tuếch tác...lại có nhiều ông già “văn nghệ sỹ” nghe tiếng đến để xướng họa...
Nằm nghĩ lại những chuyện xưa, khi bà chị còn ở Nha Trang lòng vừa vui vừa nhớ da diết!
Nha Trang không còn ai là bạn thơ nữa!
Phụng Lữ được đi dạy trở lại và đổi lên Diên Khánh đã gần một năm nay.

Khi gần gần cả thiên thai
Khi xa đến nẻo Chương Đài cũng xa
Đìu hiu lá rụng thu già
Chiêm bao thấp thoáng ven tà áo mây.

Bâng khuâng nhớ ngọc Lam Điền
Con thuyền bỏ đảo lên miền Cửu Long
Bóng chiều ngã ngọn thu phong
Mênh mông tiếng địch trôi dòng nước mây.

Anh về Long Xuyên chắc cũng không có bạn đồng điệu? Không gì chán bằng ngồi nghe chuyện giặc giã, chuyện nghèo đói mà ngày nào nơi nào cũng nói đi nói lại không ngừng! Còn văn chương thì phải nói có lập trường vững chắc...
Sáng ra ngõ đứng nhìn chợ họp. Chiều ra đứng xem chợ tan...lòng không thấy vui mà cũng không thấy buồn...Mấy lúc này , hễ rảnh việc là tôi ra ngõ đứng... có khi đứng lúc trưa... nằm hay nghĩ vơ vẩn, mà đứng lại ít nghĩ... Tôi mới khám phá điều ấy... Để tôi thử trong một thời gian xem đó là “hiện trạng thường” hay chỉ có trong một lúc nào đó thôi...

Chúc anh vạn an.

Kính thăm chị.

-o0o-



Nha Trang, 14-3-80

Kính anh

Suốt mùa đông năm Mậu Ngọ, nhà tôi được bình yên. Tết lại mua được nếp và thịt ở Hợp Tác Xã và có con cháu về đông, nên trong nhà có vẻ xuân lắm. Mưng mửng sáng mồng một, nhìn non sông, lòng tràn trề hy vọng... nên có mấy vần khai bút mở hàng:

Bảy mươi hai tuổi tuổi xuân già
Xuân của trời hay xuân của ta?
Sáng lục vờn mây non phủ lục
Ngòi hoa trổ mộng tóc đơm hoa
Ấp yêu giá ngọc mai vườn cũ
Náo nức tình quê nhạn bến xa
Năm mới trải lòng vui hội mới
Theo làn gió ấm tiếng oanh ca

Rồi nghe có tàu tốc hành đi Qui Nhơn, bèn sắp ít bộ quần áo lên ga...
Ga vắng như chùa trong rừng thẳm! Ra Guichet không có nhân viên. Ngõ ra sân ga không đóng. Tàu đã đậu sẵn... Tôi mạnh dạn lên tàu. Tàu dài hơn tàu ngày thường nhưng trên tàu mỗi gong chỉ lưa thưa năm ba hành khách từ Sài Gòn ra... Tôi có phần e ngại tàu ít khách không chạy... May một ông bán vé tàu đến cho biết rằng tàu sắp chạy. Tôi xin mua vé, vé mua nơi ga chỉ có 4đ (khoảng đường Nha Trang – Qui Nhơn), nhưng trên tàu bán giá gấp đôi. Không hề gì miễn đi được là tốt. Tàu khởi hành lúc 7 giờ rưỡi sáng, 3 giờ chiều đến Qui Nhơn. Trên đoạn đường trên 200 cây số, tôi thấy chỉ có người xuống tàu chớ không có người lên. Ga nào cũng giống hệt cảnh chợ chiều vừa quét dọn xong! Té ra ngày mồng một ai nấy đều ở nhà vui xuân và Sở Hỏa xa chỉ có mình tôi là quí khách. Bước xuống sân ga Qui Nhơn, tôi tự đoán rằng mình đã bỏ 8đ thuê trụm một chuyến xe để về thăm quê hương.
Thật là giàu  mà cũng thật là sang.
Giàu sang mà lại không đài các. Trọng thể mà thật giản dị, bình dân.

Ra cửa ga... Cửa mở rộng và chỉ có một cô đứng gác, và cũng chỉ có một hành khách ra cửa là tôi. Cô ấy xem giấy cười:
- Sao bác không mua ở ga cho đỡ tốn?
Tôi cảm ơn và đáp theo kiểu anh chị tân thời:
- Ba ngày Tết sài sang chút đỉnh cho vui.

Không muốn nghĩ đến cảnh mùa thu năm ngoái “một mình về viếng cố hương”, tôi về nhà người em gái ở Cầu Đôi..., rồi tìm đến thăm cố nhân C.T.
Cảnh nhà thanh đạm. Một chậu hoàng mai mới lác đác nở hoa để bên cạnh chiếc bàn trà phủ khăn trắng... Cố hương ngộ cố tri... Xuân lại càng xuân... Tôi có mấy câu khẩu chiếm

Trời làm háp lúa sùng khoai
Xuân về mừng thấy hoa mai nở vàng
Nâng niu chút nghĩa cũ càng
Phong trần đâu nỡ phụ phàng phong lưu.

Tôi đã định mồng trở vào Nha Trang, sau khi về Phú Phong, Thuận Nghĩa, Trường Định thăm bà con cô bác và mộ ông thân bà thân tôi. Nhưng nhân lúc cao hứng lại rủ C.T cùng mấy người bạn nam nữ đi Quảng Nghĩa thăm lại Hòn Ấn, Hòn Bút. Thành thử đến mồng 8 mới về đến Nha Trang.

Sáng lên xe thì trời lạnh phải bận áo ấm. Từ trưa đến chiều trời nóng như ngày hè. Phải cởi áo ấm, ôm vào lòng (vì không tiện mở va li xe). Khi xuống tàu ở sân ga Nha Trang thì bị một bọn trai có gái có kéo đến, trước có sau có kéo đến lấn hành khách... Tôi bị rớt nón... Tôi vừa giơ tay chụp nón thì chiếc áo ấm kẹp ở nách “thừa hoàng hạc khứ...”. Tôi đành đứng nhìn “bạch vân không du du...”

Tôi nhớ lời ông già bà cả bảo “đầu năm hao tài, cuối năm tiêu tai”, tôi vui vẻ ra khỏi ga và khẽ ngâm:
Đi không chẳng lẽ lại về không
Trong túi còn dư được ít đồng...

Liền dùng số tiền dư ấy thuê xích lô về nhà, làm lập bô trình lên nội tướng “thẩm tường” (trình đủ mọi việc, trừ việc thưởng mai và việc xuân du Quảng Nghĩa phương vì nội tướng cũng như ngoại tướng không ưa thói phong lưu).

Hôm sau Châu Hải Kỳ mang thư anh đến. Chưa kịp phúc thì bị cảm nhức đầu sổ mũi, mất em em 7 ngày. Tôi vừa hết đắng miệng thì nhà tôi lại “nối bệnh” của tôi. Mãi đến nay tôi mới giao lại cái “trọng trách” nấu cơm và giữ cháu. Toan cầm bút để “tận ngã nghĩa vụ” thì tiếp đặng thư anh Giản Chi chuyển bức thư “Cô giáo lượm lá khô của anh”.

Thế là từ hôm anh về Long Xuyên đến nay, tôi nhận được 3 lá thư.
Đó là ba giỏ mận trắng và đỏ của vườn anh. Ngọt pha chua.
Lại có vị đắng mà ngọt của trà Cam khổ Bình Định.
Cây nính đa tình, hai khóm mận nhân đức. Chúng là những con suối nhỏ, cũng với những con suối nhỏ khác hợp thành nguồn an ủi tưới dịu lòng hiu quạnh của nhà văn Long Xuyên.

Tôi ở xa mà hình bóng cây nính, cây mận, hình ảnh hai nhà giáo lượm lá khô với mấy đứa con nhỏ..., bầy vịt trên dòng nước đầy bèo cám, nhà văn gầy gầy, buồn buồn, một mình ngồi ngắm cảnh... thường thấp thoáng trong lòng tôi...
Cảnh trong mơ trái hẳn với cảnh thực trước mắt tôi hàng ngày: trước ngõ, ngay và sát bên sân, chợ họp từ 4 giờ sáng đến 5 – 6 giờ chiều. Người tấp nập, tiếng ồn ào... Lại thêm ngày 3 buổi loa phát thanh giõ vào nhà la hét...

Ngôi nhà 12 Bến Chợ của tôi mới thật là Đại Ẩn Am.
Các bạn đến chơi thấy tôi ung dung ngồi viết văn, khen rằng tôi giỏi chịu đựng. Tôi cười thầm “Nếu không chịu đựng nổi thì theo con lên Nhiễu Giang mà sống cho yên tĩnh”.

Trong cõi ta bà này, mỗi người mang cái nghiệp riêng của mình lại còn đèo thêm cái nghiệp chung của chúng sinh nữa. Nên có ai hoàn toàn sướng đâu. Phật dạy như thế, mình nên tin như thế cho đỡ khổ. Mà mình khổ đã chắc gì khổ hơn hai nhà giáo dưới cây nính của anh.

Đỡ 2đ bạc củi mỗi ngày !
Hai đồng bạc củi mỗi ngày, tức 1000 đồng đốt ra khói mỗi ngày. Giá sáp của Thạch Sùng dùng thay củi chưa chắc đã cao bằng giá củi ngày nay. Củi cũng như bèo ngày nay rất quí. Không thể đem quế và văn chương hạ giới của nhà thơ tiền bối Tản Đà ra sánh được.
Tôi cũng muốn bắt chước Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... song nhớ đến Lý Định, Thư Giản... mà ngại ngùng.

Trong mấy hôm nhức đầu sổ mũi, nằm buồn lấy Úc Viên Thi Thoại ra xem... Nhớ anh và Đông Hồ da diết. Bài tựa của anh cảm động quá! Anh không viết văn, anh chỉ trải lòng mà lòng gói gọn cả tình đối với tác giả và nội dung của tập văn. Văn cũng như thơ phải thành thật mới cảm được lòng người. Văn anh Đông Hồ là một cô gái xuân ở thành thị, biết nghệ thuật làm dáng làm duyên...

Xem bài “Cánh Quạt Đề Thơ” tôi nhớ lại lời Tương Phố  nói với tôi khi nhắc đến mối tình thơ cao đẹp ấy: Phải chi Đông Hồ đừng tìm gặp Tương Phố thì đẹp biết mấy. Gặp mà làm gì?
Té ra hai bên có gặp nhau.
Thế mà có bao giờ Đông Hồ cho bạn biết ! Kín thật.
Đời sống của Đông Hồ thì ngày lập nhà sách Yểm Yểm, phản ảnh đời sống phong lưu đài các của thi nhân. Phải chi lúc này có Đông Hồ thì chúng mình có thêm được một làn gió ấm để sưởi lòng.

Anh về Long Xuyên có nhiều bạn nhưng chắc thiếu tri âm. Ở Nha Trang, tôi cũng bị trơ trọi. Phụng Lữ được mời dạy lại và đi phục vụ tận trên Diên Khánh đã gần một năm nay:

Bâng khuâng nhớ ngọc Lam Điền
Con thuyền lẽo đẽo lên miền Cửu Long (1)
Bóng chiều ngả ngọn thu phong
Mênh mông tiếng địch trôi dòng nước mây

Ngày xuân còn dài, xin kính lời chúc anh chị suốt năm Canh Thân được dồi dào sức khỏe.

Tái bút:
Bệnh trĩ là một bệnh di truyền. Ông nội tôi mắc bệnh lúc 60 tuổi, ông thân tôi mắc bệnh lúc 40 tuổi. Tôi mắc bệnh lúc 22 tuổi. Lũ con tôi lớn lên đều “nối dõi nghiệp nhà” gần hết. Năm 1968, bệnh trĩ của tôi phát mạnh hơn, phải mổ đến 6 lần... Nay đi cầu không bị lòi, không bị ra máu, song nước vàng cứ rỉ rỉ, phải rửa luôn, nếu không thì ngứa ngáy khó chịu. Phải dùng nhiều “công phu” trong việc đi vệ sinh... Trước khi đi, trong khi đi và sau khi đi... đều không được cẩu thả! Chắc anh cũng vậy? Đồng bệnh tương liên...
(1): địa danh trong cõi mộng

-o0o-



Long Xuyên, ngày 04-4-80

Kính Anh,

Bức thư đầu năm (14-3) của anh dài mà hay, vui lẫn buồn, lời đẹp mà ý khoáng đạt, tôi đọc hai lần, nghĩ bụng sau mình, không còn thấy những bức thư như vậy nữa đâu, các thế hệ sau dù ở Đông hay ở Tây, không thể có tâm trạng như chúng mình, họ bặm môi hùng hục với ý thức hệ hoặc quay cuồng, điêu đứng với vật chất. Rồi tôi lại nghĩ với những bức thư của mình giá để lại được thì họ cũng liệng đi, coi làm quái gì. May ra có vài kẻ muốn tìm lại dấu vết của thời cũ, kiếm những bức thư như của mình, anh cũng nên tặng họ trước một bài thơ đi. Đây tôi gợi ý cho anh: nhan đề là “Gởi bạn ba trăm năm sau”. Đồng ý chứ?

Bài thơ khai bút của anh câu nào cũng được, cặp thực đẹp và tưng bừng như xuân. Tôi tin rằng gia đình anh và cả non sông nữa sẽ được “vui hội mới”.
Trong số các bạn văn của tôi, chỉ có anh là Tết vừa rồi được du xuân như vậy. Giản Chi, Đông Xuyên, Bàng Bá Lân (à, anh gặp họ Bàng lần nào không? Thấy nhà thơ đó ra sao?) đều miễn cưỡng ăn Tết cả.

Bốn câu anh tặng C.T cũng thú, câu cuối tự hào mà tin tưởng lắm. Anh mở lá số của anh ra xem, năm nay anh tốt không?

Anh làm tôi nhớ tới lần đầu tiên mà cũng là lần duy nhất tôi ra thăm Qui Nhơn. Tôi chỉ còn nhớ quãng Nha Trang ra Sông Cầu (vì cảnh đẹp lắm), còn từ Sông Cầu ra Qui Nhơn tôi quên rồi, cảnh không có gì đặc biệt, phải không anh? Tôi hơi thích Qui Nhơn vì thành phố đó nhỏ, tĩnh và còn giữ được vài nét cổ hơn Nha Trang, Nha Trang mới quá rồi (ngay từ hồi đó, 1940).

Anh có biết ông Phạm Trung Việt ở Quảng Ngãi (?) viết địa phương chí về xứ Quảng không? Con người đó thích văn chương nhưng không có tài, xuất bản cuốn nào cũng tặng tôi. Làm Ty Thông tin ngoài đó thì phải.

Tôi chưa được thấy hòn Ấn hòn Bút, đoán là cảnh cũng tầm thường thôi. Những cảnh nổi danh được ngâm vịnh nhiều ít khi là cảnh đẹp. Cảnh đẹp ở chỗ ít người lui tới kia. Mà người có lẽ cũng vậy, anh đồng ý không ?

Được du xuân như vậy thì có mất áo ấm cũng không nên buồn, rồi cháu sẽ gởi cái khác về cho. Giản Chi chỉ đi coi chợ sách cũ mà cũng mất cái nón nỉ quý (đại khái vào hạng Fléchet hay Mossan), mất từ năm ngoái.

Chị không nghi ngờ gì anh hết sao, hoàn toàn thỏa mãn vì “lập bồ” của anh sao? Nếu vậy thì anh tài quá tôi phục lăn!

Đúng đấy nhà anh mới xứng đáng là Đại ẩn am, chứ Đại ẩn am của Đông Hồ, chưa xứng. Anh bảo thơ Đông Hồ về sau phản ảnh đời sống phong lưu đài các của ảnh, đúng đấy.
Nhưng tôi nhớ có lần anh nói với Châu Hải Kỳ rằng văn tôi có giọng phong lưu. Đúng không? Nó cũng phản ánh nếp sống phong lưu của tôi chăng? Mà nếp sống của tôi so với nhiều nhà văn cũng có vẻ phong lưu thật. Nhưng có người lại bảo tôi có nếp sống khắc khổ (ascete), vậy thì ai đúng? Hay văn tôi chỉ lưu loát, dễ dàng; đó cũng là một vẻ phong lưu, một điều phong lưu chăng?

Đông Hồ kín đáo thật. Tôi chẳng biết mối tình của ảnh với bà Tương Phố ra sao.
Mà tôi cũng chẳng hiểu lời T.P “Phải chi Đ.H đừng tìm gặp T.P thì đẹp biết mấy!” là nghĩa gì?
Nhưng tôi nhận lời đó đúng. Đừng nên tìm biết rõ cái gì thật đẹp. Mà cũng chỉ nên gặp thoáng qua một lần thôi. Như trong bài “Hoa đào năm trước” tôi đã viết.
Đời sống Đ.H thật nên thơ, sướng. Nên thơ nhất là cái chết của ảnh?
Mới qua giỗ thứ 11 của ảnh. Tôi viết thư hỏi thăm, Mộng Tuyết cho hay giỗ vẫn đông con cháu, họ hàng, bạn bè, môn sinh nữa. Chết rồi cũng vẫn còn sướng. Nhất đấy, không nhà văn nhà thơ nào được vậy đâu. Tôi muốn coi số ảnh mà tiếc thay, anh không biết ngày giờ sinh.

Phụng Lữ đã được dạy học lại ở Diên Khánh (cách Nha Trang bao xa, anh?) cả năm nay không thấy anh nhắc đến nữ sĩ đó. Lên đó, buồn quá, bà ta chịu sao nổi.

Mùa xuân của tôi không được vui như của anh. Mà nhớ lại, mấy chục mùa xuân rồi, tôi chẳng có mùa xuân nào vui cả.
Hai tháng nay bệnh liên miên. Bệnh trĩ của tôi nhẹ thôi, uống rau dấp cá một tháng trời nó xẹp, nhưng không biết xẹp được bao lâu. Bộ tiêu hóa, nhất là ruột vẫn có cái gì không ổn.

Rồi cách đây ba tuần, té ở trong phòng, mặt, ngực đập vào góc bàn nhọn, rách môi, sưng mặt, tức ngực; lăn xuống đất trật gân ở hai cánh tay và một ống chân. Phải lại bệnh viện cho họ khâu lại môi nay đã lành. Nhưng tay chân vẫn còn yếu, ngực còn tức, chẳng đi đâu được, nằm hoài ở võng, nhìn cây mận đỏ thôi.
Hôm qua lại thêm một cái mụt nữa, nằm ngồi khó khăn. Kiếm thuốc dán không đâu bán. Lạ quá, từ khi có xã hội chủ nghĩa, thuốc tây, thuốc tàu đã thiếu, dễ hiểu rồi, mà sao thuốc dân tộc tầm thường như thuốc dán con rắn, thuốc nhà Võ Văn Vân cũng biến mất hết. Có lẽ rồi phải uống trụ sinh, mà tôi ghét thứ này nhất.

Lại buồn về nỗi cái mương của tôi sắp bị xẻ đôi rồi. Nó chỉ có 3, 4 thước chiều rộng mà bị xẻ dôi theo chiều dọc thì còn cái quái gì nữa đâu.
Nó là ranh giới giữa nhà tôi và nhà một điền chủ nhỏ. Điền chủ này phá sản bán lại cho một đồng chí bác sĩ quân y. Đồng chí kinh doanh giỏi lắm, mua nhà, đất rồi cất ngay chuồng gà, chuồng vịt, chuồng heo, đào ao thả cá, và làm một lò bánh mì. Sợ ăn trộm (ăn trộm quá xá), ông ta dựng hàng rào dây kẽm gai xung quanh nhà, hàng rào đó xẻ cái mương của tôi làm hai đấy. Thế là tiêu cái mương. Thời này mà ông bác sĩ kiếm được mấy chục quận dây kẽm gai thì anh thử tưởng tượng!

Nhớ lại năm 1963, Phật giáo lật đổ Diệm rồi, cũng làm tiêu luôn bốn cây dương (phi lao) và cả một khu đất rộng ở trước nhà tôi ở Kỳ Đồng .
Trước đó nhà tôi và nhà bên cạnh có bốn gốc dương, gió lên nó lào xào, kim dương lả tả bay, nên thơ lắm. Từ bốn gốc dương đó đến dãy biệt thự bên kia ngõ là một khu đất trống rộng khoảng 20 thước. Một hôm, Phật giáo đến xin phép tôi chặt 4 gốc dương và cất chùa ngay trên khu đất trống. Họ chuẩn bị tài tình lắm, chỉ trong đêm rằm tháng bảy ta, họ dựng xong sườn chùa và một hai tuần sau xong ngôi chùa; lần lần thay vách ván bằng tường gạch, làm sàn gạch bông... Thế là mất hết cảnh trời đất ở trước nhà tôi, và những ngày lễ, ngày hội, tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng trống, ồn quá trời.
Thế là cách mạng 1963, mất sân và dương, giải phóng, mất mương. Thiên đường đỏ và Nát bàn vàng sao mà giống nhau thế.

Trước kia (1950) ở đây tôi có năm sáu ông bạn vào dạng học thức, giàu sang. Nay người thì chết rồi (Nguyễn Ngọc Thơ), người thì di cư qua Mỹ, qua Pháp, người thì lên Sài Gòn ở, nhà cửa ruộng đất tặng chính phủ hết. Đi qua nhà cũ của họ, thấy nơi thì thành cơ quan, nơi thì vườn hồng thành vườn cải, nơi thì cửa đóng then cài, im ỉm không thấy bóng người.
Chỉ còn hai ông bạn: một ông thầu khoán thất nghiệp, một ông kĩ sư công chánh về hưu, trong Mặt trận tổ quốc. Chẳng có ai để nói chuyện sách vở cả.
Nhà tôi có nhiều họ hàng, bà con họ chất phác lắm. Học trò cũ của tôi còn được mươi người, có người nhớ tình thầy trò lại thăm tôi, Tết cho nải chuối, trái dưa hấu, chục xapôchê..., nhưng họ phải hội họp liên miên, làm thêm đủ mọi việc để có miếng ăn, có người tính chuyện vượt biên, không ai rảnh để nói chuyện lâu cả.
Năm Canh Thân này, xin chúc anh chị “vui hội mới” như trong thơ anh.
Mệt rồi, xin phép anh ngả lưng mới được.

Tái bút:
Đông Xuyên gởi anh thêm bài Trung Thu Tân Sửu 1961 này nữa:

Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Cái Tết Trung Thu Tết dễ yêu
Năm có một đêm trăng sáng nhất,
Trẻ trung khắp nước bóng thêm nhiều
Sắc cây bạch lạp trưng một ngọn
Rốc chén hoàng hoa uống một lèo
Một khắc nghìn vàng xuân quí giá
À, thu thì đáng giá bao nhiêu?
 
-o0o-



Nha Trang , 27-4-80

Kính anh,

Đông Xuyên, Giản Chi, thế nào tôi cũng tìm gặp để khi được nhập làm Cửu Tiên, sẽ biết đường mà nói chuyện cùng Hạ Tiên Cô về hai nhà thơ đó. Còn Bàng Bá Lân thì tôi đã gặp một lần rồi. Tôi đến nhà Bàng cùng Toan Ánh.

Có điều này hơi lạ:
Gặp anh một lần rồi mà vào Sài Gòn mà không ghé thăm không được. Còn Toan Ánh và Bàng Bá Lân, khi gặp tôi, hai anh rất niềm nở, mà sao tôi thấy có gặp lại cũng được, không gặp lại lòng vẫn không thấy thiếu như không gặp anh.
Tôi chưa tìm ra nguyên nhân.

Quả như anh nói, dọc Quốc lộ số 1 từ Nha Trang ra Qui Nhơn, không có cảnh đẹp, trừ những nơi có núi gần biển. Khoảng Phú Yên, Bình Định phong cảnh có vẻ khô khan. Trong Một Tấm Lòng xuất bản năm 1939, tôi có bài thơ Qua Phú Yên tức cảnh, xin chép lại anh xem:

Kìa đảnh Cù Mông nọ Vũng Rò (Vũng Rô)
Con đường thiên lý chạy quanh co
Vườn dừa mé biển tung đuôi phụng
Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò
Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng (1)
Biển Hồ sen nở gió thơm tho (2)
Đá bia tích cũ mây dù lấp
Qua lại còn nghe khách chuyện trò

Tỉnh Quảng Nghĩa có mười cảnh đẹp. Nguyễn Cư Trinh lúc làm quan Quảng Nghĩa có mười bài vịnh gọi là Cẩm Thành Thập Vịnh.
Mười cảnh ấy cũng do ông Nguyễn bắt chước họ Mạc ở Hà Tiên mà đặt ra. Như Thiên Bút phê vân, Thiên Ẩn niêm hà, Long đầu hí thuỷ, Thạch Bích tà huy vân... vân... Rất tiếc ông Phạm Việt Tùng không tả mười cảnh ấy cho bạn đọc thưởng thức vẻ đẹp của nơi mệnh danh là Thành Gấm. Ông ấy cũng không chịu khó sưu tầm 10 bài vịnh của Nguyễn Cư Trinh. Kể cũng khó biết đâu mà tìm.
Tôi không quen ông Phạm Việt Tùng. Tôi không tin rằng ông ấy viết về Quảng Nghĩa về lòng tha thiết yêu quê hương như Đông Hồ viết về Hà Tiên. Cho nên tập văn khô khan, không quyến rũ người đọc. Nhiều người có cảm tưởng như tôi.

Viết địa phương chí cũng như viết truyện ký, phải viết bằng “cây bút trí” chấm vào “bình mực lòng” thì mới làm cho cảnh sống người sống. Bằng viết bằng cây bút của người vẽ địa đồ, của người chép lý lịch, dù đúng từng ly từng tý, cũng không phải là mỹ nghệ phẩm. Phải chăng anh? Theo tôi, phải yêu người yêu cảnh, viết mới hay nổi. Dường anh đã đồng ý rồi.

Hôm trung tuần tháng hai âm lịch tôi về lại Qui Nhơn lần hai vì có chút việc gia đình. Tôi ở đến một tuần nhật, nhưng không gặp C.T. Các bạn thơ ở Qui Nhơn (không phải các văn nhân thi sỹ chuyên nghiệp) mở tiệc đãi tôi. Tôi có một bài tức cảnh:

TIỆC THƠ
Theo bước xuân về thăm cố viên
Tiệc thơ vầy lại thú hoa niên
Tuy không đào lý vườn kim cốc
Sẵn có yên hà xã Bạch Liên (1)
Thoảng thoảng hoa gieo vần ngọc ấm
Xa xa núi vẽ nét my huyền
Thái bình mừng thấy trong ly bạn
Lắm phước mà suy cũng lắm duyên

Trên 20 năm nay, tôi ít thích làm thơ Đường luật. Không biết vì sao từ hôm Tết đến nay tôi lại ngứa nghề trở lại. Từ sau bài khai bút tôi có thêm được 5 bài nữa. Bài trên đây là một và bài mới làm hôm: “mưa dầm nằm nhớ bạn” đây

LÒNG ĐÊM MƯA 
                                    (gởi Lộc Đình)
Thâu đêm rả rích trận mưa dầm
Mưa tạnh, phương trời vẫn tối tăm
Lạnh lẽo canh gà thanh kiếm rỉ
Não nùng tiếng ếch vũng tre ngâm
Đã rời gối mộng không thân bướm
Chẳng thấm ơn sâu cũng ruột tằm
Chan chứa nổi lòng mong gởi bạn
Tờ thơ gói ghém được bao lăm.

Chép cho anh xem luôn một bài nữa:

MỘT SÁNG CUỐI XUÂN
Đông mới vừa qua xuân sắp qua
Cành sương hiu hắt rụng trăng tà
Mơ màng nắng hạ sen hồ vắng
Giục dã vầng đông sóng biển xa
Đêm thức đợi chờ ai? Đỗ Vũ!
Đời như vui vẻ lắm? Sơn ca...
Lòng toan khép kín câu hoa sự
Lành lạnh sương đưa khóm mận già.

Lời xuôi tai, nhưng ý thiển, không có vị trong vị, tiếng đàn ngoài dây tơ.
Nhưng ánh nắng gần hoàng hôn, rực rỡ thế nào được, anh nhỉ?

Văn anh có giọng phong lưu thật đấy.
Văn anh giống anh như hình với bóng.
Nếp phong lưu của anh khác hẳn Đông Hồ. Anh Đông Hồ có vẻ phong lưu của hoa cẩm nhung, hoa thược dược. Vẻ phong lưu của anh là vẻ phong lưu của khóm mai già bên bờ suối, cành khẳng khiu, hoa lác đác. Nhìn vào gốc vào nhánh thì “khắc khổ” như một nhà sư ăn chay trường, song có nhìn xuống mặt suối mới thấy rõ văn thái phong lưu, nhìn lên trên không mới ngửi thấy ám hương phù đỗng.

Tôi rất tiếc Châu Hải Kỳ không tìm gặp anh và hiểu thêm anh trước rồi sẽ viết. Tôi muốn đem những nhận xét của tôi nói với Kỳ, song ngại rằng vẽ người kiểu tôi, người chưa gặp anh, không nhìn thấy “dung mạo”. Thêm nữa Kỳ viết những gì về anh, tôi không được xem. Chỉ biết rằng anh ấy đọc anh rất kỹ và đối với anh thật tận tình.
Tôi sẽ viết một ngày gần đây, con người Nguyễn Hiến Lê. Đó mới khó, người không gần, hoặc gần mà không “tri âm” thì có viết không giống. Tôi muốn viết giống, mũi dài thêm một tí, miệng có rộng hơn một tí... cũng không sao. Giống mà không đúng còn hơn đúng từng ly từng tí mà trông vào có cảm giác là một “plan nhà của một kiến trúc sư”, chớ không phải ngôi nhà trên mặt đất.

Anh đã khen tôi viết về bà Tương Phố.
Bà Tương Phố khi gặp lại tôi sẽ khen tôi viết về anh nếu bà ấy đừng xin Ngọc Hoàng cho tôi thành tiên sớm.
Anh bảo tôi làm bài thơ để “gửi bạn ba trăm năm sau”. Trên đời này, hiện tôi chỉ còn anh là bạn - Chế Lan Viên, Yến Lan tuy còn tại thế, song đối với tôi đã trở thành người “đời xưa” rồi...Tôi có mấy câu:

Người nay còn chửa hiểu mình
Người sau đâu dễ thấu tình người nay
Bụi đường khi phủi đôi tay
Nghìn thu tâm sự dấu dày rêu phong

Cho nên đề bài của anh, “hạ hồi” sẽ “phân giải”.

Anh về Long Xuyên, như vậy, tôi thấy không bằng ở Sài Gòn. Tuổi già mà buồn thật “đáng buồn” lắm. Tôi ráng tìm chút “nắng mùa đông” mà không chắc gì còn hưởng được lâu, vì trời sao thấy nhiều mây và thường mưa bay gió bấc quá!

Về cách “tìm hứng” tôi có phần may mắn hơn anh. Anh cứ gặp rủi hoài! Bệnh trĩ vừa bớt đã chậm hơn trước nhiều và đi thấy mỏi, lưng hết thẳng nhừ. Kỳ vào thăm anh với C.T. Nhà tôi còn yếu hơn tôi thập bội, đi thường bị quị. Song mấy tháng nay, ơn trời nhà tôi ít đau lâu, nên tôi có phần thong thả hơn trước.

Hiện tôi đương viết về luật thơ Đường.
Nhân có mấy người quen ở Qui Nhơn say mê thơ Đường luật mà nắm chưa vững qui tắc, nên tôi viết cho họ đọc. Họ có đọc chăng chẳng biết nhưng lời yêu cầu của họ là động cơ thúc đẩy tôi viết, viết lần lần từ thấp đến cao, may có nói được những gì mình muốn nói lâu nay mà chưa nói được: Thi pháp.
Viết thì không khó lắm vì mới bước vào tầng sơ đẳng, song tìm ví dụ thật gay.

Chúc anh mau lấy lại sứ khoẻ.

Kính thăm chị.

(1) Trong sách Tô Đông Pha dường anh có nói tên nhà sư lập Bạch Liên Thi xã, mà lú lẫn thế nào tôi tìm lại đoạn ấy không ra. Anh cho biết ông sư và trang sách có chuyện Tô Đông Pha vào Bạch Liên Thi Xã chỉ uống rượu chớ không làm thơ.

-o0o-

Sài Gòn 10-6-80

Kính anh,

Tụi tôi lên đây từ 04-5, để sửa nhà (sơ sơ thôi), thăm các bạn, và thăm vài bác sĩ, nhờ họ làm révision qua loa cho tim, phổi, nhất là để trị bệnh trĩ.

Thư 27-4 của anh tới Long Xuyên thì tôi đã đi rồi, cháu ở dưới đó gởi theo lên cho tôi. 18-5 tôi nhận được. Lúc đó tôi đã bắt đầu trị bệnh trĩ, hôm nay vẫn chưa hết, không biết tới 15-6 này tôi phải về L.X thì nó đã hết chưa. Vì vậy hồi âm anh trễ.

Tim, phổi bình thường, còn trĩ thì là trĩ nội, không nhẹ không nặng. Tôi đi Viện y dược học dân tộc ở đường Cách Mạng cũ, viên y sĩ ở đó là độc giả của tôi, nên tận tâm. Trị theo phương pháp nửa Đông, nửa Tây. Ông ta nói có ba cái mụt, 1 lớn 2 nhỏ ở trong sâu, phải nong hậu môn, chích một thứ thuốc dân tộc vào những mụn đó cho nó teo lại rồi tự nó rụng. Mỗi tuần tôi đi hai lần, thứ Hai và thứ Năm. Tới hôm nay tôi đã đi 7 lần rồi. Lần nào cũng đau lắm, toát mồ hôi, có lần tay tôi run lẩy bẩy. Không biết còn phải đi mấy lần nữa. Mà 15-6 này tụi tôi phải đi về L.X rồi. Nghĩ tới nông nỗi mua giấy xe rồi ngồi xe (băng gỗ) suốt 180 cây số (có khi mất 12 giờ) mà ngán quá! Về lần này cuối năm mới lại lên. Và khi thư này tới anh thì tôi đã ở L.X rồi. Vậy anh lại cứ gởi thư cho tôi về dưới đó.

Tôi lên đây, mấy anh bạn văn đều mừng, và anh nào cũng bảo tôi ở trên này vui hơn ở dưới đó. Tôi cũng biết vậy, nhưng tôi phải nghĩ tới nhà tôi. Tôi kể qua tình cảnh gia đình cho anh rõ. Vợ cưới trước của tôi họ Trịnh, năm 1972 qua thăm con và cháu nội ở Paris; tính qua 1 tháng rồi về, nhưng tới nơi con tôi mới cho hay vợ chồng nó ly thân nhau để sẽ xin ly dị. Thế là nhà tôi phải ở lại bên đó săn sóc cho con và cháu (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi). Vợ cưới sau của tôi họ Nguyễn (ở L.X) lên đây săn sóc tôi cũng tưởng 1 tháng rồi về L.X được, không dè phải ở lại tới nay bằng 8 năm trời. Vì khi chúng nó ly dị nhau xong thì Giải phóng đã được 2 năm, bà họ Trịnh không về Sài Gòn được nữa, mà do đó bà họ Nguyễn cũng không về L.X được, cứ phải săn sóc tôi ở đây. Bắt bà ấy ở đây chỉ để lo cơm nước cho tôi luôn 8 năm rồi, lâu quá rồi; năm nay bà ấy đã ngoài 70, phải cho bà ấy nghỉ, về quê hương hưởng nhàn ít năm trước khi chết chứ. Về L.X có họ hàng, con (nuôi), cháu, có bà chị dâu, vừa đông đủ, vui vẻ, vừa có người sai bảo, giúp đỡ; ở trên này có ai đâu. Vì vậy mà tôi cũng phải về theo (còn giữ hộ khẩu ở đây, nhà để cho một đứa cháu công nhân viên coi giùm). Mỗi năm lên đây 2 lần là cùng, mỗi lần độ 1 tháng, cũng lại bắt bà ấy theo nữa. Xe cộ lúc này khó khăn quá, chứ giá như trước thì cũng không ngại. Xét cho cùng thì cái việc bà họ Trịnh phải ở lại Pháp tưởng là rủi, mà bây giờ lại hóa may; vì nếu về năm 1972 (sau khi ở Paris 1 tháng) thì sau 1975 cũng phải xin đi thôi, bà ấy không chịu được đời sống ở đây đâu. Vậy là may cho bà ấy, cho cả tôi, cả hai đứa cháu nội nữa.

Mới xa Sài Gòn có 3 tháng mà lên đây tôi thấy đã thay đổi. Dân nghèo, nghèo quá rồi. Chỉ coi đống rác ở thành phố là biết. Trước kia mỗi ngày hốt rác tới hốt một lần mà rác lúc nào cũng chất đống. Bây giờ ba bốn ngày mới hốt một lần mà rác rất ít.
Cuối năm ngoái mỗi đống rác còn có bảy tám người lớn trẻ em lại moi, lượm đồ phế thải: lon sữa, lon bia (la ve), bọc nylon, giấy vụn, dép mủ hư, vv... Bây giờ lên đây tôi thấy đống rác thu hẹp lại, thấp đi và chỉ có một hai người lượm đồ phế thải, mà cũng chẳng có gì mà lượm.

Chị hốt rác trong khu tôi phàn nàn: bây giờ không còn gì để mà lượm nữa (nhất là lon sữa bò, bán được tiền, không còn nữa) vì nhà nào cũng giữ lại từng cái ve chai, cái bao nylon, miếng giấy để dùng lại hoặc để chụm. Thành thử nghề hốt rác bây giờ hết thời rồi, mà nghề ve chai cũng vậy: cả tuần nay tôi không nghe thấy người rao mua ve chai nữa. Ngay đến rau muống, rau cải, người ta cũng chỉ vặt sơ sơ mấy lá sâu, còn thì dùng tuốt cả cọng già, cả lá úa.

Nghèo quá rồi. Đâu làm cách gì mà sống được? Mà không hi vọng gì năm 81, 82 khá hơn. Cứ phải tính trước là còn tệ hơn nữa. Thật thương tâm anh ơi.

Tô Đông Pha phàn nàn đọc 5000 cuốn sách mà không có môt chữ để cứu đói. Ngày nay cũng vậy. Người ta đốn cả cây cao su để chụm vì không có dầu lửa, không có than. Chỉ trông ở mỏ dầu lửa ngoài khơi, may ra nó cứu dân tộc mình được. Nhưng chiến tranh như vậy, ai dại gì bỏ vốn vào để tìm mỏ.

Buồn nhất là trong khi đó vẫn có nhiều kẻ sống phây phây, ăn tô phở 6đ, uống ly cà-phê 5đ, hút điếu thuốc 555 2đ.

Bàng Bá Lân có tật nói về mình nhiều quá mà nói dai, tôi cũng không thích gặp. Toan Ánh có vẻ quê mùa. Lê Văn Siêu cũng vậy. Tôi thấy khoảng từ Đại Lãnh đến Đèo Cả cũng có một cái Vũng Rô nhỏ rất đẹp. Vậy ngoài đó có nhiều nơi mang tên đó, và Rô (anh gọi là Rò) là một danh từ chung? Nghĩa là gì?

Đông Xuyên cũng có một bài thơ ví tàu dừa với đuôi phụng. “Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò” – làm tôi nhớ hồi đầu thế chiến, đi từ Tuy Hòa ra Sông Cầu, tới một chỗ gần Xuân Đài thì phải, xe đương leo dốc, tôi thấy ở trước mặt, đầu dốc, hiện lên những bông bắp, rồi thân một rặng bắp  dựng lần lần lên, và sau cùng là cả một biển mênh mông xanh lơ – Thú quá. Tôi rất ưa cảnh Đại Lãnh (một tiểu vũ trụ: đủ rừng, biển, cánh đồng lúa, hồ sen như anh nói, cảnh thôn quê cả cảnh bán thành thị nữa ở chung quanh ta), cảnh hùng vĩ ở chân Đèo Cả (phía Bắc), cảnh Xuân Đài và cảnh Sông Cầu.

Năm 1973, hiệp định Paris ký rồi, tôi hí hửng hy vọng ít năm sau sẽ thuê một chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi đi từ Sài Gòn ra Huế, Bến Hải, ghé Nha Trang, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, rủ các bạn văn tại những nơi đó đi thăm cảnh. Đó là mộng tôi ấp ủ từ lâu như anh chàng Philip trong truyện “Kiếp người” ấp ủ mộng đi  Tây Ban Nha, Y Pha Nho, Ấn Độ, Mã Lai..., nhỏ hơn mộng của Philip nhiều, vậy mà cũng không thực hiện được như anh chàng đó. Tiếc quá chừng. Tôi mê cảnh ngoài đó lắm, mê biển, mê núi và tôi thấy ai tả núi ở Khánh Hòa hay như anh. Anh còn nợ tôi một gói trà đấy nhé, nhớ không?

Quảng Ngãi có 10 cảnh đẹp của Nguyễn Cư Trinh. Hà Tiên có 10 cảnh đẹp của Mạc Thiên Tích. Hai nhà đó đều muốn sánh cảnh hai nơi đó với cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu đấy. 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên tôi thấy tầm thường, không biết 10 cảnh Quảng Ngãi có hơn không, 10 cảnh Tây Hồ có hơn nữa không.

Phạm Trung Việt tên thật là Phạm Việt Tùng à? Địa phương chí của ông ta tầm thường lắm, mà tái bản mấy lần tôi đoán là nhờ ông ta làm ở Sở Thông tin Quảng Ngãi, có người mua giúp, bán giúp.

Viết địa phương chí, đúng như anh nói, phải có lòng (tôi bảo là có tâm hồn) lại phải có cặp mắt nữa. Phạm Trung Việt thiếu cả hai cái đó. Hai tập Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương của anh, theo tôi, khó có ai viết hơn.

Anh nên vô thăm Giản Chi, Đông Xuyên đi. Giản Chi biết nhiều hơn mà cũng gần chúng mình hơn là Đông Xuyên. Đ.X lúc này mắt mờ, chữ tôi viết nhỏ như vầy, anh ấy không đọc được nữa – Cataracte.

Tôi tiếc là nhà Giản Chi hẹp quá, chỗ tiếp khách lại sát đường xe cộ qua lại nhiều, nên nói chuyện không thú. Nhà Đông Xuyên tĩnh hơn. Nhưng nói thực ra thì chỗ phòng viết của tôi là hơn cả: tĩnh mà lại có cây hoa lá chung quanh.

Anh có để ý phòng tiếp khách của Đông Hồ ở Yểm Yểm thư trang cũng như ở Quỳnh Lâm thư thất (trong Gia Định anh vào đó lần nào chưa) trang hoàng nhiều quá không: tranh tàu, tranh anh ấy vẽ, câu đối, sách vở, bút nghiên... Văn, nhất là thơ anh ấy cũng vậy: dùng rất nhiều chữ thanh nhã, hình ảnh rực rỡ (ít khi độc đáo: orifinal), như chiếc áo gấm lam của anh ấy, đầy hoa.

Anh bảo anh ấy có cái phong lưu của cẩm nhung, thược dược. Đúng lắm. Còn, anh bảo tôi có cái phong lưu của mai, thì tôi chưa biết có đúng không; anh thử hỏi Giản Chi hay Đông Xuyên xem.

Anh nhớ lầm đấy. Trong cuốn Tô Đông Pha, tôi không chép truyện Tô vào Bạch Liên thi xã. Tôi không biết chuyện đó hay là chuyện Đào Tiềm chăng?

Về già thì ai cũng vậy, cảm xúc kém mẫn nhuệ; tài năng kém nhưng khoáng đạt hơn, bình dị hơn, đó cũng là cái đẹp chứ.
Còn cái vị trong vị, cái tiếng đàn ngoài dây tơ thì khó quá anh ơi, may mà được một vài bài thôi, đâu phải hễ muốn là được.
Tôi thấy 2 bài Lòng Đêm Mưa anh gởi tôi, cũng có cái vị trong vị đấy, nếu hiểu theo nghĩa thời cuộc.

Đông Xuyên trong một bài thơ tả Tết, có 2 câu gần y hệt hai câu của Tú Xương, mới đọc tôi tự hỏi sao lại mượn ý của Tú Xương thế này, nhưng nghĩ lại có lẽ anh ấy có dụng ý chăng: cho ta thấy thời nào cũng có bọn dốt như thời Tú Xương. Nếu vậy thì lại được, cũng là ý ở ngoài chữ.

Bài Tiệc Thơ, 4 câu đầu đi một hơi nhẹ nhàng, tự nhiên lại hợp cảnh, được lắm. Câu cuối cũng thú.
Hai câu kết bài Lòng Đêm Mưa tôi cũng thích: bình dị mà thành thực.
Bài Một Sáng Cuối Xuân: 2 câu đầu cũng vậy - tự nhiên

Châu Hải Kỳ, đúng như anh nói, đọc tôi rất kỹ, đối với tôi rất thật tình. Tập anh ấy viết về tôi có bốn năm người đọc rồi, ai cũng khen là có lòng mà người nào cũng nhận xét như anh: chưa vẽ được chân dung của tôi.
Làm sao vẽ được anh ơi. Anh ấy vào đây gặp tôi có 2 buổi, hỏi tôi về gia thế tôi, gia đình tôi, ghi ghi chép chép hết ngày giờ rồi, ăn với tôi mỗi một bữa cơm, biết nhiều về tôi sao được? Văn anh ấy cũng không bằng văn Nguyễn Hữu Ngư.

Thư trước, tôi thúc anh làm bài thơ để gởi “Bạn đọc 300 năm sau” là nói đùa đấy (ví anh với cụ Tố Như) chứ nói cho thật lòng thì phải bỏ bớt một con zéro đi – 30 năm sau thôi.
Ba  mươi năm sau thì chắc có người còn nhớ tụi mình, (bấy giờ họ vào khoảng ba bốn chục tuổi), học trò của mình hay của bạn mình. Tôi nghĩ đến đó thời cuộc tất thay đổi, và họ được đọc những thư mình trao đổi với nhau sẽ thú lắm, sẽ hiểu mình hơn là đọc thơ của anh, văn của tôi. Vì chính trong những bức thư đó, chúng mình mới thật là thành thật, tỏ nỗi lòng của mình. André Maurois viết tiểu sử Victor Hugo, Balzac, G.Sand, nổi danh là không ai viết bằng, chính là nhờ đọc những corespondans của những nhà đó, chứ đâu có nhờ đọc tác phẩm của họ. Châu Hải Kỳ không được ở gần tôi mà cũng không đọc corespond của tôi.
Tôi nhận thấy: tôi có 7 bạn văn, mà chỉ có 3 người viết thư hay và viết nhiều thư cho tôi. Người thứ nhất là Đông Hồ. Ảnh viết tháu ghê lắm, phải quen lắm mới đọc nổi. Cũng nằm mà viết như tôi viết cho anh lúc này đây.

Người thứ nhì là anh. Anh không viết tháu, Giản Chi cũng vậy, có vẻ thận trọng, không phóng bút như Đông Hồ. Người thứ ba là Giản Chi, giống anh về thận trọng, nhưng viết ít thư hơn anh nhiều. Có lẽ tại chúng tôi ở gần nhau. Cũng tại anh ấy bận nhiều việc nhà lắm.

Giản Chi 76 tuổi rồi mà vẫn còn mạnh. Thọ 80 là ít. Đúng đấy. Viết về thơ Đường luật gay nhất là tìm thí dụ. Khi đã tìm xong thí dụ thì công việc kể như xong (lời của Sainte Beuve đấy). Mà tôi nghĩ có cách này: Anh cứ đọc lại hết những bài thơ Đường luật (Hán và Việt) mà anh thích, lượm ra tất cả những câu anh cho là có thể dùng để trích dẫn được, rồi anh classe những câu đó theo từng loại, loại nào cho vào chương nào (có câu dùng chung cho hai chương được).

Kính thăm anh chị vui, mạnh. Gia đình cậu Giao ra sao?

-o0o-



Nha Trang, ngày 25-7-80

Kính anh

Thư đề ngày 10-6-80 của anh (mang con dấu bưu điện ngày 11-6-80) vừa đến tôi ngày hôm qua 24-7-80.
Có lẽ vì thư dài nên người có bổn phận xem thư trước khi phát phải để nhiều thì giờ xem đi xem lại cho được kỹ càng.
Tuy có chậm song cũng hết sức mừng là thư không theo hỏa tiễn liên hợp 37 lên không trung. Thư của chúng mình chứa đựng toàn tâm sự mất đi một bức là mất đi một mảnh lòng gởi cho nhau. Mong quí ông kiểm duyệt thư và các ông phát thư thông cảm.

Đọc thư anh, tôi thêm quí chị.
Vợ Tô Đông Pha chỉ để dành cho chồng một vò rượu mà lưu danh thiên cổ. Chị đối với anh như thế thật đáng ca tụng biết bao! Chính nhờ chị một phần mà anh xây dựng được sự nghiệp lớn lao đó. Ăn cùng anh một bữa cơm, nhìn thái độ của chị, tôi đã đoán biết được nhân phẩm của chị và tình chị đối với anh, trong muôn một. Nay đọc thư anh mới mừng rằng đôi mắt tôi tuy chỉ còn một con, song xem người không đến nỗi “bán diện”.
Anh hay đau yếu, nếu không có chị bên cạnh, e không được “ông Bành Tổ Tống đồng môn”.

Khi Châu Hải Kỳ nói anh vừa viết xong trên 600 trang hồi ký. Tôi sướng quá, vì viết mới mấy tháng nay mà được nhiều như thế, chứng tỏ anh tuy bị hết cảm, đến trĩ... hành hạ, mà không bị giảm bớt sức sáng tác. Bọn mình sống để sáng tác, sáng tác để sống, nếu sức sáng tác không còn thì còn sống cũng như hết sống.
Cũng như anh, tôi chưa hết sống.

Để đáp nghĩa cho 2 ông bạn đồng hương tự nguyện làm đệ tử học thơ luật (2 ông đã đúc dùm bia mộ cho ông thân bà thân tôi và đã thân hành đem bia đến mộ dựng), tôi viết tập “Thư gởi các bạn ham thích làm thơ Đường Luật”, nói về phép làm thơ (nói về nguyên tắc cơ bản). Sách tham khảo thiếu. Viết bằng đánh máy chữ (thói quen bất trị). Không biết “họa cọp nữa có giống cọp” chăng. Song viết rất thú vị, nhớ lại những gì mình đã học và lâu nay đã “quên”. Tôi có cảm giác gặp lại người tình cũ đã xa cách trên vài mươi năm mà không có tin tức... Tôi viết đã được gần trăm trang pelure rồi.

Về việc dựng bia, tôi đã coi ngày vào rằm tháng tư âm lịch, nhưng bị bệnh cúm ngót 1 tháng tròn nên phải dời đến mồng 10 tháng 5. Tôi về Bình Định cùng hai người “học trò thơ” lo công việc xong, ở lại chơi gần nửa tháng, rồi cùng C.T vào Sài Gòn ở chơi từ 02-7-80 đến 07-7-80 mới về Nha Trang. Tôi có đưa T đến thăm Mộng Tuyết. Ra về, T phê bình:
- Nhà Lộc Đình có hoa kiểng, nhà Mộng Tuyết cũng có hoa kiểng, mà vào thăm Lộc Đình rồi ra về mùi hương vướng mãi nơi mái tóc. Còn đến thăm Mộng Tuyết, chỉ có hơi gió mưa phảng phất khi vào cũng như khi ra.

Tôi cho là phê bình đúng. Vì khi mở cửa đón chúng tôi, Mộng Tuyết nói: “Lâu ngày không gặp anh nay gặp anh mừng quá”. Nói “mừng quá” mà vẻ mặt vẫn như “tuyết pha”... Tôi nhớ đến lời anh phê bình một “bà văn sỹ” dọc điếu văn lúc đưa đám anh Đông Hồ...

Trước khi đi thăm Mộng Tuyết, Xung và tôi có đi thăm anh Giản Chi. Chúng tôi đợi từ 9 giờ đến 11 giờ nhưng không gặp, nên gởi lại ít chữ rồi đi về. Sáng hôm sau tôi vừa ra khỏi nhà Xung thì gặp một “ông già còn trẻ” đi xe đạp, nhưng vì đường hẹp nên phải xuống dắt. Tôi đoán chắc là Giản Chi, nên dừng lại... Giản Chi cũng dừng lại... Cả hai đồng gọi tên nhau, rồi đem nhau trở vào nhà Xung nói chuyện bộ ba... Rất tiếc lúc ấy không có C.T... để được nghe phát biểu ý kiến về Giản Chi.

Tôi nhận thấy Giản Chi giản dị và chân thành. Tuy lớn hơn tôi đến 4 tuổi mà khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Anh là cây mai. Tôi chưa tìm ra cây gì để tượng trưng cho cốt cách và tinh thần của “đương sự”.

Chưa đi thăm Đông Xuyên được vì trời mưa luôn.
Buổi chiều trước hôm đi về, nhân trời tạnh, Xung rủ tôi đến Toan Ánh và Phan Khắc Khoan. Thật là một cảnh trời chiều nơi đồng nắng hạn! Nói chuyện cùng hai nhà văn mà không hưởng được chút ít thi vị lúc ra cũng như lúc vào.

Về Nha Trang tiếp tục viết về luật thơ. Nói đến các phép đối ngẫu, tìm trong số thơ Quốc âm còn truyền tụng, không thấy bài nào dùng phép giao cổ đối. Nhân hôm ở Qui Nhơn có đi viếng mộ Hàn Mặc Tử, tôi nghĩ sáng tác một bài mà cặp luận dùng giao cổ đối, rồi nhân hứng còn nồng làm thêm bài Cảm Thuật, cặp trạng dùng phép đối ấy, xin chép anh xem cho vui:

VIẾNG MỘ HÀN MẶC TỬ
Khói sương phảng phất nẻo u huyền
Cỏ ấm lưng gềnh giấc cửu nguyên
Nghiệp vững nghìn thu văn hữu mệnh
Cầm vương chín khúc mối vô duyên (1)
Chờ trăng ba biểu đem tin hạc
Ngăn giọt tùng rơi lệ đỗ quyên
Lòng biển chừng thương tình bốn bạn (2)
Ven mây thấp thoáng bóng du thuyền.

CẢM THUẬT
Cỏ thơm vắng vẻ mộng trì đường
Hiu hắt vườn quê mái tóc sương
Tâm sự không người chung sưởi ấm
Sống còn nhờ bút có văn chương
Run đôi tay kiếm gà Tô Địch
Thấm nửa lòng rau vị Thú Dương (3)
Tình cũ còn xanh đôi khóm trúc
Nghìn sau hòa lệ nước sông Tương (4)

“Chờ trăng ba biểu” đối với “rơi lệ đỗ quyên”, “ngăn giọt tùng” đối với “chờ tin hạc”. “Tâm sự” đối với “văn chương”, hoặc ngược lại “văn chương có bút” đối với “tâm sự không người”. Chỉ là lối tiểu xảo, mà không có dấu vết dụng công, chỉ làm chơi đôi bài làm ví dụ vậy thôi.
Từ hôm Tết đến nay, tôi lại thích làm thơ luật trở lại. Thơ lục bát tạm dừng với tập “Giàn Hoa Lý”.

Thơ Đông Hồ sau này rất chải chuốt. Tôi nhận thấy “văn thắng chất”, trái với thơ của ảnh thời tiền chiến “chất thắng văn”. Khi viết thi thoại, tôi sẽ đưa ý kiến này ra. Không biết có nên chăng hỡi anh?

Tôi còn mắc nợ anh và anh Đông Hồ gói trà Cam Khổ:
Nước non những ước trà Cam Khổ
Én quạ xin tha tội phẩm bình
                        (Đông Hồ)

Năm năm nay tuy được tự do đi lại, song giấy thông hành khó xin và vé mua xe khó, nên tôi chưa có dịp đến Hoài Ân xem coi giống trà khó trồng đó có còn hay không. Có người bảo rằng còn. Tôi hy vọng rằng cái ước muốn nhỏ mọn của chúng ta sẽ được toại.

Mười cảnh của Quảng Nghĩa không đẹp hơn 10 cảnh của Hà Tiên nổi. Hòn “Thiên bút phê vân” nhỏ và giống chiến nón Gò Găng nhuộm xanh lam lô  hơn là ngọn bút. Có lẽ cán bút chôn dưới đất. Khi muốn phê văn thì phải gọi ông khổng lồ đến nhổ lên... Tôi chưa viếng các cảnh khác, nhưng lấy một suy mười, tôi tưởng các cảnh kia cũng chỉ đẹp trong tưởng tượng.

Anh tả cảnh chữa bệnh trĩ của anh, làm tôi nhớ cảnh mổ trĩ của tôi năm 1968. Tôi có ký tác mấy vần phú, có đánh máy lại, xin gởi tặng anh một bản để mua vui.

Bài nói về “Đêm Thu Nghe Quạ Kêu” có chép trong tập kỷ niệm về nhà văn hiện đại của Bàng Bá Lân và trong bộ Thi Nhân Tiền Chiến của ông gì gì Long đó.

Tôi sẽ tìm bài Xuân Bắc Việt của Nguyễn Bính khi viết thi thoại. Tôi đợi tìm được nhiều thơ hay rồi sẽ viết.

Bài Trung Thu của Tú Xương câu 2 “Phải vậy hay chăng hỡi chị Hằng”, giọng ỡm ờ và lẳng lơ hơn câu tôi chép “Có phải hay chăng hỡi chị Hằng”.

Ngân Giang, thơ Đường luật, giọng êm và nhẹ nhàng lắm. Tiếc là tôi chỉ được đọc chớ không chép. Ngân Giang, Vũ Hoàng Chương, Bùi Khánh Đản có một giọng điệu phảng phất giống nhau. Có phải chăng anh?

Tú Xương gởi Sào Nam (đúng là gởi cho Sào Nam do ông (quên mất tên) đem sang qua Trung Quốc). Tôi nghe hai câu là “Người xa, xa quá! Nhớ ta không? Ông Tú gởi đến 2 bài. Cả hai đều tuyệt hay, hay độc đáo.
Bức thư anh có nhiều nhận xét rất đúng, rất cần cho người viết sử sau này.

Chúc anh chị yên vui.

(1) Anh nói 30 năm sau (300 năm bớt 1 con zéro) mà tôi lại chắc đến nghìn thu... trong khi bảo “nghìn thu... rêu phong”. Có mâu thuẫn không anh?
(2) Hàn Mặc Tử có nhiều mối tình mà không có mối tình nào trọn vẹn. Mộng Cầm và Tử yêu nhau nhưng Cầm đi lấy chồng khi Tử mang bệnh, và chối tình H.M.T khi Châu Hải Kỳ đến phỏng vấn thời Ngô Đình Diệm. Mai Đình yêu Tử nhưng Tử không yêu Mai. Tử yêu Thương Thương, nhưng T.T mới 12 tuổi chưa biết gì yêu đương...
(3) Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và tôi là 4 bạn thân. Anh em Bình Định gọi là Bàn Thành Tứ Hữu.
(4) “Chỉ hiềm cơm ghé độn rau”, tức là mới có nửa bụng, thêm nữa còn ở thành thị...

-o0o-



Long Xuyên, 03-8-80

Kính gửi anh Quách Tấn,

Cách đây khoảng nửa tháng, hồi tôi còn ở Sài Gòn trị bệnh trĩ, tôi có gửi một bức thư khá dài cho anh, trong đó có hỏi anh – bài anh viết về Genèse, bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” đăng ở báo nào? Anh đã viết xong thi thoại về thơ Trung Hoa chưa? Tôi bàn thêm về câu hai bài thơ của Tản Đà: “Phải vậy hay không, hỡi chị Hằng?” mà tôi cho là có giọng ỡm ờ, lẳng lơ,...

Thư đó anh nhận được không hay thất lạc rồi? Xin anh cho biết.
Mong thư anh. Thấy vắng lâu, sợ anh hay chị đau. Cậu Giao lúc này ra sao, có xin về Nha Trang được không? Ở Long Xuyên nhiều người đi kinh tế mới, làm ăn thất bại mấy năm... đành phải trở về thị xã. Chính quyền cũng để yên, vì hiểu hoàn cảnh của họ. Kinh tế mới muốn cho thành công thì chính quyền phải xây cất nhà cửa, chợ, nhà thương, đào kênh, đào giếng, làm đường,...rồi giúp đỡ người ta vài năm, chứ như bây giờ thì thất bại là đương nhiên, không thể trách người ta được.

Một ông bạn học cũ của tôi ở trung học Hà Nội, nay làm betem và traduet cho nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, năm ngoái hỏi tôi có muốn dịch một danh tác nào của Anh, Pháp thì cho biết, gởi bản tiếng Anh hay Pháp ra cho nhà xuất bản xem, họ bằng lòng thì sẽ ký contrat với tôi.

Tôi đáp rằng, hiện tôi bận nhiều việc: viết Kinh Dịch rồi hồi ký nên không có thì giờ (một lý do nữa, không nói ra, là tôi không thích lối kiểm duyệt của các ông ấy (3 người đọc), và lối bắt viết bài tựa sao cho hợp ý các ông ấy).

Năm nay anh bạn cũ đó lại bảo: không dịch được thì có tác phẩm văn học nào tôi đã in rồi muốn tái bản, gởi ra cho nhà xuất bản coi, nếu được thì sửa lại, viết lại bài tựa, nhà xuất bản sẽ tính cho. Tôi đáp: tôi chỉ thấy cuốn Cổ Văn Trung Quốc là nên in lại, nhưng viết lại bài tựa thì tôi không viết, vì không biết viết ra sao, mà cuốn đó có in, phải sắp chữ lại ở Chợ Lớn và tôi phải lên Sài Gòn chầu chực 5-6 tháng để sửa ấn cảo; Lúc này tôi ở Long Xuyên, không thể lên Sài Gòn lâu được.

Để xem họ tính ra sao. Tôi chỉ muốn sống như con dế trong ngụ ngôn của Horien thôi.
Bệnh trĩ của tôi nhẹ hơn của anh nhiều. Viện Y Học Dân Tộc chích một thứ thuốc do họ chế tạo, 7-8 lần trong một tháng, nó teo lại rồi rụng. Đau lắm, nhưng công hiệu.

Kính thăm anh chị vui mạnh.

-o0o-



Nha Trang, 19-8-80

Kính anh

Châu Hải Kỳ vừa đem thư anh xuống tôi.
Bức thư anh gởi tại Sài Gòn đã đến tôi, và tôi đã hồi âm. Thư hồi âm gởi lên Long Xuyên. Chắc là đã đến, hoặc sẽ đến, bởi các nhà có nhiệm vụ phải đọc thư trước khi giao cho destinataire, vẫn biết bọn mình nói chuyện với nhau chỉ nói về việc gia đình và việc văn chương thôi. Có hơi buồn một tí, một tí thôi, là quí ông ấy “ngâm” thư mình lâu quá! Như thư vừa rồi, gởi từ tháng 6.80 mà mãi đến tháng 8.80 mới tới!!
Bài nói về nguyên nhân sáng tác “Đêm thu nghe quạ kêu”, Bàng Bá Lân đã cho in trọn trong tập hai “Nhà thơ hiện đại” và Nguyễn Tấn Long đã trích đưa vào Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, tập trung để anh khỏi mất công tìm, tôi xin đánh máy lại gởi anh xem. Chắc anh cần để viết gì đây chớ không phải để biết cho vui?

Thú thật là tôi làm thơ không đến nỗi “khổ công” như Dã Đảo, Vương Duy, Trần Hậu Sơn...Nhiều khi làm rất nhanh. Song sự thai nghén của thơ có phần lâu. Ngoài bài “Đêm thu nghe quạ kêu” tôi còn nhiều bài khác mà cảm xúc như bài “Ấp ủ”, “Búng chân”, trong Mộng Ngân Sơn.

Sự dụng điển của tôi, ai cũng tưởng tôi moi đầu moi óc ra để tìm điển. Trên thực tế không phải thế. Chính điển tích đã tìm tôi để “phò tá”. Lắm khi chúng giúp mình nên thơ mà mình không biết. Sau một thời gian lâu, hoặc có người nhắc hoặc khi tôi đọc lại mới nhận thấy điển! Như bài “Đêm thu nghe quạ kêu”, đã cố bỏ điển trong cặp luận cũ, sửa lại cặp luận mới, Nay xét lại cặp luận mới cũng không thoát khỏi điển!
Câu:
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc

Biết đâu trí lại chẳng nhớ, khi hứng cảnh, câu:
Cơ trung tức cẩm Tần Xuyên nữ
Bích sa như yên cách song ngữ

Trong bài Ô Dạ Đề của Lý Bạch. Và câu: “Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng”. Biết đâu màu vàng do trăng chiếu kia lại chẳng có màu vàng của “kim tỉnh ngô đồng diệp lạc thu” pha lẫn vào?

Lại bài thơ “Nhớ Em” trong Mộng Ngân Sơn là một bài tức cảnh, một bài ngẫu tác, không hề mảy may có ý dùng điển. Thế mà gần đây một ông bạn già là Trần Thúc Lâm nhắc đến mới nhớ điển Tích Linh (Tích Linh tại nguyên, huynh đệ cập nạn) và điển “Tử Kinh” (Tử Kinh hoa huynh đệ hoà, tử kinh chiếc, huynh đệ tuyệt)...
Tôi đã bị linh mục Thích - Chủ bút báo Vì Chúa thời Pháp thuộc chê khéo là “mắc bệnh hay chữ”, khi phê bình Mùa Cổ Điển.
Tôi nghĩ điển cũng như bạn quí. Cũng như tình nhân, đa đa ích thiện...Phải chăng anh?

Phụng Lữ thôi dạy học rồi. Sắp đưa gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh. Nữ sỹ có hỏi thăm địa chỉ anh ở Long Xuyên “phòng có dịp ghé vấn an”.

Hôm tháng 7.80 nếu mua vé xe dễ dàng C.T và tôi đã đi Long Xuyên rồi. Đến Sài Gòn mà vắng anh chúng tôi (phải nói là chúng tôi vì cả hai có chung cảm giác) thấy thiếu nhiều lắm. C.T bảo là “như ngày Tết thiếu hoa”.

Tôi đã viết gần xong tập Thi Pháp Nhập Môn quyển 1 dày 150 trang đánh máy. Mới học làm thơ dùng cũng tàm tạm đủ. Tập 2 sẽ nói về thơ, tập 1 mới nói về nguyên tắc cơ bản. Tôi viết thành từng bức thư cho bớt vẻ “giáo khoa”. Học ôn lại những điều mình đã học kể cũng vui vui.

“Bình Định Tam Hùng” đổi lại là “Linh Phong Tam Kiệt”. Linh Phong là một khu của đảng Cần Vương Bình Định, ở Bình Khê.
Anh viết Hồi Ký đã được trên 700 trang, thật là “ông già gân”.

Sống để viết và viết để sống. Khi hết viết được thì phải xin Ngọc Hoàng Thượng Đế sai hạc xuống gấp, kẻo buồn chết mất. Thiên hạ thấy tôi vừa giữ cháu, vừa viết văn, cho tôi là một “tên kỳ cục”. Có kẻ lại cho là “làm việc vô ích”. Có kẻ có tinh thần cách mạng lại tiếc sao tôi không xung phong viết bài cho “thông tin để truyền bá tư tưởng Mác Lê”...tôi không biết sao mà trả lời.

Giao ở Nhiễu Giang thỉnh thoảng mới về thăm nhà vài ngày.

Chúc anh chị an hảo.

Tái bút:
Châu Hải Kỳ bị đau bao tử. Hoàn cảnh có phần... không được như ý. Hai vợ chồng đều làm việc, có lương, được mua gạo và thực phẩm, vật dụng nhà nước, song vì con nhiều nên không khỏi thiếu hụt. Tôi không dám nói: “Tội nghiệp” vì tôi đã không lương còn phải ăn gạo chợ, nhưng “thiên địa khoan”.

-o0o-



Long Xuyên, 07-9-80

Kính anh,

Gửi trên 40 bức thư, hơn một tháng sau không thấy một bức về, nghĩ bụng: “Quái! bộ các cụ ấy vượt biên cả rồi sao? Cả cụ Vương Hồng Sển gần 80 tuổi ư? Cả ba cụ Quách Tấn, Giản Chi, Đông Xuyên ư?”.

Rồi một buổi sáng nắng vàng, người đưa thư đem lại cho một xấp đúng 10 bức, có bức từ Cần Thơ lên (có 60 cây số) mà mất 30 ngày; có hai bức ở Nha Trang một bức 70 ngày, một bức 28 ngày (bức của anh); các bức ở Sài Gòn thì mất từ 14 đến 18 ngày. Vậy là người đưa thư gom lại (trong một tháng?) để đưa cho mình một lúc, cho tiện. Mình chẳng mất mát gì mà đỡ công cho người (lúc này lương không đủ ăn, ai cũng đói), cho nên không buồn gì cả mà còn cảm ơn rằng thư đã tới đủ.

Tôi nói ai cũng đói: một giáo sư đại học Hà Nội vào bảo ngoài đó ăn độn 90% và “khổ hơn con heo trong này” (!). Đúng, bi đát thật, nhưng đúng. Anh đã vô coi musée ông ta lần nào chưa?
Anh nghĩ coi: dù mình nghèo tới mấy mà nuôi heo, thì cũng phải cho nó đủ ăn, dư ăn rồi nó mới lên cân mà bán được tiền để nuôi lại mình chứ!

Và một giáo viên kỹ thuật ở Bắc vô, giảng bài cho học sinh mà nói lí nhí trong miệng, học sinh xin thầy giảng lớn tiếng cho một chút, thầy đáp: “lương tôi như vậy thì tôi chỉ giảng được như vậy thôi. Khi nào lương tôi tăng, tôi đủ ăn, tôi có sức thì mới giảng lớn được”.

Long Xuyên này đã dũng cảm xung phong thay đổi chính sách: tăng giá xe đò Long Xuyên – Sài Gòn từ 4đ lên 20đ; tăng giá điện lên từ vài hào lên 1đ8, để có tiền mua thêm nhu yếu phẩm với giá cao rồi bán lại cho công nhân viên với giá thấp. Một vài xí nghiệp sẽ dùng chính sách chia lời cho công nhân viên như công ty Đánh cá biển Côn Sơn (họ lời quá, thuyền trưởng được chia 2000đ, thuỷ thủ 1500đ mỗi tháng!). Ở đây cũng như mọi nơi khác trong này, bây giờ ngụy được làm thêm tại nhà (10đ - 15đ một lần coi mắt), giáo viên ngụy được dạy thêm ở nhà (có người được thêm 500đ mỗi tháng); nghe nói dược sỹ ngụy được mở tiệm thuốc trở lại, nhưng chưa thấy ai mở vì không có thuốc để bán? (Anh cho biết cậu Giao còn làm ruộng hay về Nha Trang rồi).
Tôi rất mong thí nghiệm ở Long Xuyên có kết quả tốt, rồi các tỉnh khác bắt chước. Ngoài anh có thay đổi gì không?

Vâng, tôi đã viết xong tập Hồi ký, đương sửa lại, 700 trang. Viết không hứng thú chút nào cả.
Tôi lại quá tham lam, thêm nhiều mục về tình hình xã hội trước năm 1945, hai cuộc kháng Pháp, Mĩ của mình,... rồi chuyện nhà, chuyện viết văn... tất cả xen kẽ nhau, chẳng ra hình thức gì hết.
Nhớ tới đâu tôi viết tới đấy, viết tới đoạn phần sau mới nhớ lại một việc phải thêm vô phần trước, thêm hoài, đặc cả lề, phải dán thêm “cánh bướm” vào; bây giờ vẫn mỗi ngày mỗi thêm trong khi sửa lại. Như vậy người ngoài đọc chắc khó khăn, mà chép lại thì tôi không đủ kiên nhẫn. Với lại chủ ý của tôi chỉ là để cho vợ con đọc thôi; thêm một hai đứa cháu nữa, để chúng biết qua về thời đại trước, khi chúng chưa sinh.

Anh dựng được bia cho hai Bác (bia chữ Hán hay Quốc ngữ? Ngoài năm sinh, năm tử, có thêm hàng chữ gì không?); còn tôi thì mộ của mẹ tôi đã thất lạc (mặc dầu ở ngay quê của người), mộ của cha tôi phải dời lên một nghĩa địa chung (mặc dầu ở trong ruộng sân nhà), chẳng có bia gì cả. Vì vậy một phần mà tôi không muốn ra thăm quê hương. Giản Chi, Đông Xuyên cũng vậy.
Tôi nhớ lại câu:
“Vị qui tam xích thổ
Nan bảo bách niên thân
Kí quĩ tam xích thổ
Nan bảo bách niên phần”

Mẹ tôi mất mới có 40 năm mà nay đã mất mộ rồi, vì có lệnh phải dời mộ đi mà em tôi ở Hải Phòng không biết, bà con ở Hà Nội cũng không biết. (Mộ ở cách Hà Nội độ 6 cây số thôi).

Lời cô C.T phê bình Mộng Tuyết bóng bảy, hay (đúng là nhà thơ) và cũng đúng nữa. Gần đây tôi thấy chị Mộng Tuyết buồn gì đó, phàn nàn rằng sách, bút của anh Đông Hồ không biết giao cho ai giữ. Con cháu anh Đông Hồ đi hết rồi, trừ Yểm Yểm. Chị ấy ở Sài Gòn với một người cháu và Yểm Yểm, mà Y.Y tinh thần có lúc không quân bình.
Cảnh ai cũng buồn hết anh ơi
Bệnh của cô C.T đã hết hẳn chưa?

Tôi cũng không biết ví Giản Chi với cây gì được. Tôi được coi một tấm hình của anh ấy hồi đầu thế chiến (?) và tôi bảo đùa: “Có vẻ Lương Sơn Bạc quá”.
Anh ấy ít làm thơ, thơ có nhiều giọng, nhiều thể, bài nào cũng có tâm sự, đa số là buồn, có bài có giọng hùng. Cảm xúc chân thành, hình ảnh có khi mới mẻ, và đôi khi dùng những điển tôi không hiểu. Tôi thích thơ anh ấy hơn thơ Đông Xuyên và Đông Hồ.

Tôi chẳng biết gì về thơ, cứ theo ý kiến hẹp hòi của tôi mà xét, nói chung tôi thích những bài như bài Tú Xương gởi cụ Phan Sào Nam, bài Thu Điếu của Yên Đỗ nhất, bình dị, hàm súc, cảm động, tự nhiên. Nghĩa là tôi chỉ thấy một vài vẻ đẹp của thơ thôi, chứ không nhận định được hết các vẻ; rồi cứ thành thực mà trình bày với bạn.
Tôi nói tôi dốt về thơ là thực tình đấy, không nói nhũn đâu.
Như phép giao cổ đối, bây giờ mới được nghe anh giải đáp. Tôi cũng cho là tiểu xảo, và chắc xuất hiện sau thơ luật.

Tôi không hiểu ba biểu (chờ trăng ba biểu) là gì; Cũng không hiểu là gì (Run đôi tay kiếm gà Tô Địch); Cũng không hiểu Bình Định sao gọi là Bàn Thành? (vì tên cổ Đồ Bàn từ thời Chiêm Thành chăng?).

Bài Viếng Mộ Hàn Mặc Tử cặp thực rất đúng với Hàn. Không thể dùng để vịnh một nhà nào khác được. Hai câu kết cũng thú: quả là cảnh từ mộ nhìn ra. Tôi thấy Hàn hồi sống cực khổ nhất, nhưng chết rồi sướng nhất, được chôn ở chỗ đó.

Đông Hồ chết sướng nhất (ngâm thơ về Hai Bà Trưng rồi ngả trong tay học trò, mê man 7 – 8 giờ rồi tắt thở); chết rồi cũng rất sướng: năm nào ngày giỗ, con, cháu, họ hàng, bạn bè, học trò cũng tới cúng. Mộ của anh ấy xây đẹp lắm, chỉ hận là không biết bao giờ mới đưa về núi Tô Châu ở Hà Tiên được.

Anh nhận xét thơ Đông Hồ đúng. Thơ hồi trẻ của anh ấy, tôi quên đi đấy: tập thơ Đông Hồ của anh ấy “chất thắng văn” thật. Anh cứ việc chép lại ngại gì. Thơ anh ấy không hay nhưng công anh ấy với văn học miền Nam - với văn học tout court - lớn đấy.

Tôi một lần được thoáng thấy cô Mai Đình (bạn của Hàn Mặc Tử) khi ở đường Huỳnh Tịnh Của, khoảng năm 1944 (?). Cô ấy là bạn học của nhà tôi hiện ở bên Pháp. Người nhỏ, giản dị, hơi bẽn lẽn, không có vẻ “tân thời”.

Anh đã thăm cảnh Hà Tiên chưa? Hồi Đông Hồ còn sống, tôi có ý hòa bình trở lại, thuê một chiếc xe hơi, rủ ba bốn bạn văn đi Long Xuyên chơi, vòng một vòng dãy Thất Sơn rồi ra Hà Tiên, để Đông Hồ dắt đi thăm thập cảnh, giảng cho nghe lịch sử Hà Tiên, cổ sự và nhân vật. Sau chuyến đó sẽ tổ chức một chuyến ra miền Trung thăm Nha Trang, kéo anh ra Qui Nhơn, rồi Quảng Ngãi, Quảng Nam, Tourane, Cửa Tùng (cửa này đẹp không anh?), cuối cùng là Huế. Mộng tầm thường quá mà lúc đó mình dư tiền. Vậy mà năm 1975 thành mộng hão. Buồn không anh?

Uổng quá khi anh vô Sài Gòn thì tôi lại về đây rồi, nếu không tôi rủ anh đi thăm Giản Chi, Đông Xuyên và cái musée của Vương Hồng Sển.

Cùng một lúc với thư anh, tôi nhận được thư Giản Chi. Giản Chi cũng nhắc đến anh, bảo “người dễ thương lắm, khác hẳn với họ Đào (Duy Anh) ở chỗ không một chút thô phù”, “mới gặp lần đầu anh ấy đã xử thân, nói hết tình cảnh gia đình và nỗi niềm tâm sự”.

Anh có đọc cho anh ấy nghe hai câu:
Tà dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn
Không? Riêng anh, thì hoàng hôn đâu đã cận, còn ở xa, xa lắm mà. Tôi thấy sức sống của anh mạnh lắm. Tôi nhỏ tuổi hơn cả, kém Giản Chi 6 tuổi mà cơ thể đã rệu rạo rồi, hạng bét.

Tôi vô tình mang lỗi sửa thơ Tú Xương mất rồi. Tôi đọc bài Trung Thu anh chép cho, mà sao cứ nhớ câu 2 là: “Phải vậy hay không...”
Còn bài gởi cụ Sào Nam, tôi không nhớ đọc từ hồi nào, trong cuốn nào, mà cứ nhớ câu cuối là “Người xa xa có...”
Bậy quá!

Đọc thơ Ngân Giang được 1, 2 bài đã mấy chục năm rồi, không nhớ giọng thơ ra sao, chỉ nhớ là hay. Thơ Bùi Khánh Đản, đọc một vài bài thì thú, có chút chán đời, ngông ngông, lời chuốt, nhưng đọc nhiều thì thấy cùng một giọng đó cả, kém Vũ Hoàng Chương xa.

Bài Đau Mạch Lươn của anh, giá tách riêng 4 câu : “Đục khoét tuy chia nhiều túi.... Gặm lần đến xương”, thì ai cũng tưởng anh vịnh bọn quan lại thời đó! Anh tàn nhẫn quá!
“Lại đọc kiếm hiệp, rút được thần phương, dùng nội lực trị ngoại thương”. Thiệt ư? Hay anh lại mỉa Kim Dung đấy?
Câu “Tuổi sáu mươi lòng chưa muốn già”: Anh thì tôi chắc 8 năm nữa, tuổi 80 cũng chưa muốn già.
Con người sung sướng thật!

Kính chúc anh chị vui.

-o0o-



Long Xuyên, 28-9-80

Kính Anh

Bốn hôm trước bưu tá đem lại cho tôi một lần 7-8 bức thư với hai giấy báo thư bảo đảm gởi từ Nha Trang, tôi đoán ngay là thư của anh và Châu Hải Kỳ.

Lúc này vật giá ở đây lên vùn vụt, vá một cái ruột bánh xe đạp phải vài ba đồng, mà phụ cấp xe đạp của các bưu tá chỉ có 3đ một tháng, nên các bạn ấy phải tiết kiệm, bớt dùng xe, nửa tháng đi phát thư một lần, đỡ hư vỏ ruột; nhờ vậy mà mình được cái thú đọc một lúc cả chục bức thư, mà qua được nửa ngày trong kiếp phù du. Đã không trách các bạn ấy mà còn cảm ơn đã giữ kỹ cả tháng hộ mình, không để thất lạc một bức nào cả.

Đem giấy báo và giấy chứng minh nhân dân ra bưu điện lãnh thư, cô thư ký bảo trên chứng minh, địa chỉ của tôi ở Sài Gòn, nên phải xin thêm giấy chứng nhận của phường xã tại đây thì mới phát được. Tôi vô phòng cô thủ trưởng trình bày rằng chỉ là thư, không phải gói đồ, xin thông cảm cho, và họ thông cảm.
Chỉ vì lâu quá không được tin anh và Châu Hải Kỳ nên vội vàng viết thư hỏi nguyên do mà làm mất thì giờ của hai anh ra bưu điện; nhưng cũng nhờ vậy mà được đọc hai bức thư lý thú, nhất là được hai tài liệu quí của anh về bài thơ Đêm Thu Nghe Quạ Kêu. Anh đoán đúng, tôi xin xuất xứ hai bài đó để ghi trong tập Hồi kí.

Giá có dịp tái bản Đắc Nhân Tâm (kiếp sau) thì tôi sẽ xin phép anh trích đoạn đầu thư 19-8 của anh để độc giả được đọc thêm một gương đắc nhân tâm nữa. Ngay “các nhà có nhiệm vụ phải đọc thư trước khi giao...”, đọc đoạn đó cũng phải mỉm cười mà cảm thông với anh; thì ai còn nỡ trách anh nữa. Nhưng này tôi ngại thư anh viết hay như vậy, gặp thư nào của anh, các nhà ấy cũng đọc cho vui thì mất thì giờ của họ quá. Mỗi bức, đọc kỹ mất 20 – 30 phút chứ ít đâu.

Tôi biết rằng anh làm thơ mau, có vậy mới được trên ngàn bài (2.000, kể cả dịch?); tôi cũng biết rằng anh viết văn rất nhiều – có thể bảo anh “fécond và consciencieux” nhất trong số các nhà thơ Việt Nam đầu thế kỉ tới nay (Điểm đó hình như chưa ai để ý tới, tôi phải nêu ra mới được), nhưng tôi không thể tưởng tượng rằng, anh đã mất 20.000 trang bản thảo như Toan Ánh mới cho tôi hay, khi kể việc anh lại chơi anh ta. Vậy số bản thảo của anh từ khi mới cầm bút đến nay (đã in và chưa in) tới 30.000 trang là ít chứ? Tôi không làm thơ, chỉ viết văn và dịch thôi mà số trang đã in và chưa in cũng chỉ trên 20.000 trang , nhiều lắm là 25.000 thôi.
Anh thật “consciencieux” hơn tôi nhiều.

Sự hiểu biết về thơ cổ, sự thuộc điển của anh, tôi thấy Đông Xuyên, Giản Chi kém anh xa. Giản Chi không chuyên làm thơ, cho nên chỉ có độ 100 bài thôi, Đông Xuyên chuyên làm thơ, có lẽ bắt đầu cùng một thời với anh, cũng được Tản Đà khuyến khích ngay từ buổi đầu, nhưng anh ấy có thói không chịu đọc sách, bảo thi nhân cần gì phải đọc nhiều, lại rất oán thơ mới, trước kia không bao giờ chịu đọc thơ mới (nay hơi ân hận).

Tôi quen anh trên 12 năm rồi đấy nhỉ? Lần lần tôi hiểu anh thêm mỗi ngày một chút. Bây giờ tôi không chắc đã hiểu rõ anh, nhưng thấy anh có nhiều đức quí: Khiêm tốn, kín đáo (ngoài đức chuyên cần đã nói, ngoài đức săn sóc vợ con, thành thực với bạn, liêm khiết,....

Gặp Bàng Bá Lân, Toan Ánh một hai lần gần như tôi hiểu ngay hai bạn đó rồi và sau không hiểu gì thêm nhiều nữa. Còn anh thì mỗi ngày mỗi hiểu thêm một chút: thú vị.
Nhưng làm sao mà anh để họ thu mất 20.000 trang bản thảo của anh? Còn bản đánh máy nào khác không? Hai bản đánh máy anh gởi cho tôi về bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” đây, anh còn giữ bản nào cho anh không? Rồi sau anh sẽ giao cho ai giữ? Cậu Giao?

Mộng Tuyết mới viết thư cho tôi, phàn nàn lúc này thắc mắc, lo lắng nhiều (đúng như trước tôi đã nói với anh) vì nhà rộng quá, nhiều sách quá, làm sao bán nhà đó, kiếm nhà khác nhỏ hơn để có tiền tiêu, làm sao trút bớt cái nợ sách đi được.

Tôi không phải lo như chị ấy vì nhà nhỏ, sách ít hơn, và tôi tính phó mặc cho con cháu làm gì thì làm; còn thì còn, mất thì mất, cái gì rồi cũng sẽ tan như mây khói hết. Bây giờ chỉ biết viết lăng nhăng cho qua ngày, đỡ buồn, thế thôi. Anh biết cái vui nhất của tôi lúc này là gì không? Là đêm nằm xuống, 15 phút sau ngủ được, và ngủ mỗi đêm được 5 – 6 giờ, sáng dậy thấy không uể oải. Muốn được như vậy tôi không đọc sách buổi tối nữa (mỏi mắt, muỗi đốt) đi bách bộ trong vườn và thở bằng bụng.

(Đương viết thì được thư Đông Xuyên. Đoán chắc thế nào Đông Xuyên cũng đọc một vài bài thơ Nôm – Hán ảnh mới làm - Tạm ngưng bút, mở ra đọc đã)... Đúng: 2 bài thơ nôm, 1 bài thơ Hán. Thư mở đầu: “Mọi chuyện là của người ta, không dính dáng đến mình. Không phải con sáo, không biết hót; không phải con ong, không biết đốt. Nằm im, thú hơn!” Nói vậy mà trong một bài thơ Nôm, nhà thơ vẫn “đốt”:
Cuốn rèm, ngồi ngắm tranh mây chó,
Mở máy, nắm nghe chuyện b...l...

Anh bảo “điển cũng như bạn quí, cũng như tình nhân, đa đa ích thiện” – Tôi được biết thêm một nét của anh nữa: tình nhân, đa đa ích thiện. Tôi thì tôi thấy cái đó “rộn” lắm, thú thực chưa bao giờ ham cả. Mà ngay thơ của anh, gặp nhiều điển không hiểu, tôi cũng kỳ thị. Đó là tật của tôi. Anh thứ cho chứ.

Phụng Lữ đưa cả gia đình vào Sài Gòn? Việc đó khó khăn lắm mà. Phải mua nhà, phải xin hộ khẩu...Cô ấy giỏi quá vậy !

Mà nghe Mộng Tuyết nói thì cả C.T cũng muốn di cư vô Thành phố? Núi biển miền trung đẹp mê hồn như vậy mà bỏ đi vô Sài Gòn.

Thi pháp nhập môn 1 được 150 trang, mau thật. Tập 2 chắc dài hơn? Viết theo thể gửi thơ, nên đấy. Khi nào xong anh cho tôi coi, nếu có dịp. Tôi ở xa dưới này, e khó có dịp lắm.

C.T thật hết bệnh chưa? Cô ấy có lối so sánh thi vị mà bất ngờ.

Tập Hồi Kí của tôi, tôi viết vì một bổn phận. Không thấy hứng và cũng chỉ để vợ con đọc thôi. Viết khó khăn: 700 trang, thêm bớt hoài, đặc cả lề, dán thêm nhiều miếng giấy nhỏ như cánh bướm. Mất non một năm, đâu phải là nhanh.

Còn nửa tháng nữa, trong này tới maximum a la crue. Sau cả tháng mưa gió liên miên, nước không lên; kế nắng luôn 6 ngày, oi bức quá chừng; rồi mới mưa được hai trận ban đêm, mực nước trong mương của tôi lên khoảng 2 tấc. Dù sao tôi cũng đoán rằng nước năm nay sẽ không lớn, cây trong vườn tôi không chết.

Hôm trung thu, ngày nắng chang chang, trời xanh ngắt, mà đêm thì mây kéo tới, rồi mưa đổ, ánh trăng lờ mờ như cảnh âm phủ. Giá ông trời đổi ngược lại: ngày mưa, đêm trăng tỏ đi thì phải thú cho thi nhân không.

Kính chúc anh chị vui.
(Thư này cùng gởi một ngày với thư cho CHK)

Tái bút:
Câu thơ: “Có phải hay không hỡi chị Hằng”, anh nhớ đúng, tôi nhớ sai. Nhớ như tôi thì ý gắt hơn, không nhã. Còn câu “Người xa xa có nhớ ta không”, tra lại Văn Đàn Bảo Giám thì tôi nhớ đúng. Mà tôi thích câu đó hơn. “Người xa xa quá nhớ ta không”, cũng vì câu này gắt quá, câu kia có vẻ mông lung, buồn man mác hơn.

-o0o-



Nha Trang , 03-10-80

Kính anh

Thư ngày 07-9-80 của anh đến hôm cuối tháng. Trong khoảng thượng tuần hay trung tuần tháng 9, tôi có gửi cho anh một thư bảo đảm số 227...( Coi lại không phải tháng 9 mà là tháng 8, ngày 19-8-80. Con dấu bưu điện lợt quá, phải nhờ kính hiển vi mới thấy lờ mờ). Trong thư có hai bài nói về Đêm Thu Nghe Quạ Kêu và Điển Ô Y Hạng. Nếu thư ấy không bị vào tay kẻ khác thì chắc đã đến tay anh rồi.

Tôi có người bà con làm lớn ở bưu điện. Tôi có phàn nàn cùng người ấy về việc mất thư và thư đến chậm. Người ấy bảo lỗi không phải tại bưu điện mà tại “chỗ” khác... Tôi hiểu là “chỗ” nào và chắc anh cũng hiểu chán! Thật đáng chán. Tôi gởi cho C.T 10 bức thư từ đầu năm Kỷ Mùi đến đầu năm Canh Thân, thế mà xuân về bị trách là “không một lời hỏi thăm”! Không có Thị Mầu mà oan không thua bà Thị Kính! Nơi anh, thư dồn đống rồi phát một lần, kể cũng còn nhân đức chán. Ở thành thị còn thế, ở nhà quê thì sao?
Anh bảo tại đồng lương.
Không đúng... cũng đúng. Nhưng mới đúng có nửa. Thật đúng là tại đồng “lương tâm”.
Còn về việc nuôi heo... Nuôi heo phải cho ăn no để mập bán nhiều tiền, chớ thịt người ai mua mà anh cũng muốn cho lên cân? Ăn mập thêm dửng mỡ như tôi chẳng hạn, có ích gì cho ăn no?

Cũng vị sợ tôi ăn no dửng mỡ nên ăn trộm cạy cửa vào phòng ăn dọn sạch sẽ tủ chén bát và lấy thêm một số quần áo. Trong đó có bộ đồ “ăn nói” của tôi. Giá trị cũng... đủ ăn cho gia đình trong 3-4 tháng.

Năm nay tôi gặp toàn cái rủi. Con cháu nhỏ bị huyết dận chạy chữa ngót một tháng trời. Kế bị ăn trộm, “tái kế” nhà tôi khái huyết trở lại... Ơn trời nay đã qua khỏi rồi... Riêng tôi bị bệnh cúm từ hôm tháng tư âm lịch, chữa ngót một tháng, thuốc “lô canh” có, thuốc “rin” có mà mãi nay vẫn còn sổ mũi nước... Sức khoẻ xuống nhiều. Đi xa phải vịn vai giai nhân mà đi thẳng lưng được. Tuy vậy tinh thần vẫn khoẻ. Trong lúc nhà có việc, thân không được an, mà vẫn viết xong được 150 trang pelure đánh máy tập “Thư gửi các bạn ham làm thơ Đường luật”.

Tôi viết tập này là để đền ơn hai ông bạn đồng hương “nghiện” làm thơ Đường luật. Hai ông này làm thơ đã “kinh niên” mà chưa “thuộc” các qui tắc của luật thi. Vì hai ông đã giúp tôi dựng xong bia mộ cho song thân tôi mà bao nhiêu năm nay tôi không xây được. Không biết lấy gì đền ơn cho xứng đáng, tôi viết tạm gọi là “Thi pháp nhập môn” này. Lòng tạ lòng. Tôi có đem lời anh nói về luật thơ Đường vào tập. Chưa xin phép mà đã “làm càn”, anh có đánh đòn chắc chỉ đánh bằng roi mót.

Bia khắc chữ quốc ngữ. Vì bia chỉ 4x6 nên chỉ khắc tên, ngày sanh ngày vãng, mà thôi. Hai ông bà nằm song song, nên chỉ dựng một tấm bia ở chân song mộ.

Dãy gò có mộ song thân tôi, nằm giữa hai cánh đồng. Không kíp thì chày thế nào rồi cũng bị phá bằng để mở rộng diện tích canh tác cho thêm rộng và cho vuông vức. Chừng ấy chắc tôi đã được sự vụ lệnh đi phục vụ Hà Tiên Cô rồi, còn ai biết mộ song thân tôi ở đâu mà lo việc cải táng... Nếu sau này con cháu có nghĩ đến ông đến bà...thì có bia giúp chúng khỏi lộn...

Chết là hết. Biết vậy mà sao hễ nghĩ đến người quá cố, lòng bùi ngùi... càng kiếm cách làm khuây, càng thêm ảo não!

C.T lúc này, vì phải lo chạy ăn cho gia đình nhiều quá nên già và đen hơn lúc vào thăm anh. Đứa con gái đầu học sư phạm, vừa ra trường dạy gần nhà, bà ta cũng đỡ lo một phần. Còn đứa con trai thứ hai học trường kiến trúc ở Thủ Đức. Thỉnh thoảng bà ta vào thăm... Bệnh cũ không khỏi hẳn. Vết mổ thỉnh thoảng làm mủ trở lại, phải dùng trụ sinh...

Anh không chuyên về thơ, song nhận thức về thơ rất tinh vi rất sâu sắc. Tôi nhận thấy phần đông các nhà thơ nhận thức thơ cạn cợt vô cùng. Họ chỉ thấy cái hay trong thơ của họ và của bạn bè họ mà thôi. Tôi rất ghét thói đó. Thơ của bạn mà không hay thì nếu vị mích lòng không chê, nhất định không khen dù là khen lấy lệ.

Thơ Giản Chi già giặn lắm, hơn Đông Xuyên.
Tôi đương nghiền ngẫm thơ của Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Bùi Khánh Đản, Ngân Giang, Vũ Hân, Giản Chi, Đông Xuyên... Tôi nhận thấy chỉ có mấy nhà đó là những nhà “thơ Đường luật”. Cụ Thúc Giạ làm thơ nhiều, mà ít câu “chịu khó” nằm trong lòng tôi quá!

Lạ nhất là người mình ưa Đường, Tống mà thơ ít chịu ảnh hưởng Đường Tống! Lại không ai có giọng Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Tôi sẽ bắt đầu viết về các nhà thơ trên, khi nào tôi tìm thấy rõ tánh cách riêng biệt của thơ họ.

Luật thơ Đường ban đầu không có gì rắc rối, 8 bệnh của Thẳm Ước chỉ có trong Ngũ ngôn cổ phong (vì đời Thẳm Ước chưa có luật thơ). Sau khi luật thơ có rồi thì người ta tìm thấy rất nhiều bệnh phải tránh ngoài 8 bệnh kia. (8 bệnh kia khi vào thơ luật cũng đổi “căn” đổi “trạng” nhưng tất cả những “rắc rối” đó do người sau cả).

Tôi nhận thấy bệnh thơ cũng như bệnh người, tất cả nằm sẵn trong thơ dở cũng như trong người yếu, chớ không phải do các nhà thi học các nhà thông thái đặt ra. Các vị này chỉ phát kiến ra thôi...Biết rõ bệnh trạng, bệnh căn, thì chữa không khó lắm, trừ khi “thiên thư đã định phận”, nghĩa là quá kém đó thôi.

Bài Viếng Mộ Hàn Mặc Tử là bài tôi thích nhất từ 5 năm nay. Phép “giao cổ đối” ít ai dùng. Trong thơ Quốc Âm truyền tụng từ xưa đến nay, tôi không tìm thấy bài nào. Nhân viết về luật thơ, tôi mới làm để làm ví dụ mà thôi.

“Ba biểu” tức “hoa biểu”.  “Nguyệt minh ba biểu hạc qui trì” (Thơ khóc Văn Thiên Tường).
“Gà Tô Dịch” mượn tích “Tô Dịch hễ gà gáy dậy múa kiếm”.

Bình Định mà gọi là “Bàn Thành” là do chữ Xà Bàn hay Đồ Bàn Thành mà ra, chữ thường dùng ở Bình Định (thường hơn là Xà Bàn hay Đồ Thành).

Theo anh tả, tôi e cô Mai Đình của anh không phải là Mai Đình của Hàn Mặc Tử vì năm 1944, Mai Đình của Hàn Mặc Tử đâu còn “bẻn lẻn”, đâu còn “giản dị”... Cô ấy hiện là vợ ông chủ nhà băng ở Sài Gòn. Cô ấy ra Bắc từ năm 1946, có gặp Vũ Hoàng Chương một lần...

Anh có biết Vũ Hân chăng? Ít học. Thơ nhiều câu hay. Bị bệnh phong thấp, đi đứng khó khăn, nói năng khó khăn, dung mạo không đẹp. Thế mà được giai nhân yêu “rất đông đảo”. Năm 1956 cưới bà vợ trẻ đẹp, con nhà giàu, học hành khá (đậu tú tài bán phần), ăn ở với nhau được hai con. Nay Hân bị mù... Có thư vào cho tôi biết là bị vợ con hắt hủi, phải sống trong cảnh cơ hàn. (Hân còn nhỏ tuổi, chừng 55, 57 tuổi thôi). Thi nhân ít người khoảng cuối đời được vui sướng!

Anh có quen với Bút Trà chăng? Hôm vào Sài Gòn tôi và C.T có đến thăm. Thật không ngờ! Thiếu ăn thiếu mặc!! Chao ôi! Sao thế? C.T hỏi tôi. Tôi không biết sao mà trả lời, cũng không dám hỏi bạn (Bút Trà lớn hơn tôi trên một giáp).

Tôi rất tiếc không biết vẽ. Nếu vẽ được tôi vẽ chân dung quí anh Lộc Đình, Đông Hồ, Giản Chi,Tương Phố, Hàn Mặc Tử, Vũ Hân, Phan Văn Dật, Vũ Hoàng Chương, thành một đồ “bát tiên quá thời đại” treo trong nhà cho có bạn. Hơi tiếc thêm một điều nữa là bà Tương Phố sanh sau Hà Tiên Cô mà lại “làm chị” tiên cô sớm quá. Có vẽ phải xem ảnh lúc giọt lệ sông Tương mới ra đời. Vũ Hân hơi hơi giống Lý Tiết Quày...

Câu Trung Thu: “Phải vậy hay không...” hay hơn câu: “Có phải hay không...” Tôi thích vì nó có “giọng Bình Định” lắm. Nó thật thà mà thật thà một cách nhõng nhẽo... ý vị.

Làm sao gởi tập Đường luật vào nhờ anh xem và góp ý kiến?
Ở Nha Trang, thiếu sách thiếu bạn, viết kiểu “múa gậy vườn hoang” nhất định lầm lỗi nhiều. Viết văn mà như viết thư! Cho nên mới lấy tên sách là “Thư gởi các bạn ham làm thơ Đường luật”, viết từng bước rời, cả thảy 26 bức, mỗi bức dài 12 trang, ngắn 4 trang pelure đánh máy.

Chúc anh vạn an.

Kính thăm chị.

Tái bút:
Phụng Lữ vào Sài Gòn rồi. Nha Trang hết bạn thơ. Tôi cũng muốn vào Sài Gòn, song chưa học được phép tịch cốc. Vài năm nay mới tập “Giản Cố”, mỗi ngày mỗi giảm thêm; giảm đến khi lên Thú Dương, thì e không tịch cũng phải tịch. Mới tìm được tập Một Tấm Lòng. Đánh máy lại, muốn gởi vào anh 1 bản để xem chi tiết... Nhưng gởi Bưu điện sợ thất lạc. Có người vào sẽ gởi với tập Đường luật cho tiện.

-o0o-



Long Xuyên, 29-10-80

Kính Anh,

Được thư 03-10 của anh từ 6 ngày nay, và bị cảm cũng 6 ngày nay, hiện chưa hết, vẫn còn chảy nước mũi. Thời tiết lúc này ở miền Hậu Giang khiến ai cũng đau: nước bắt đầu rút (năm nay lụt trung bình), gió bấc bắt đầu thổi, mưa rồi nắng, nắng rồi mưa, khó chịu lắm.

Tôi tính 10-11-80 sẽ lên Sài Gòn 3  tuần (ở trên đó có mấy bạn già mong), nên trả lời vắn tắt thư của anh, kẻo lên trên đó bận việc một tháng nữa cũng chưa viết được.

Lúc này anh Giản Chi đau (cả 2 vợ chồng), việc nhà lại bề bộn, thư có giọng buồn lắm. Trong số các bạn, tôi thấy Đông Hồ về già sướng nhất, Giản Chi về già khổ nhất. Anh tuy không nhàn nhã gì, nhưng giọng thư vẫn vui. Có lẽ nhờ tâm hồn, anh vẫn ngâm được câu “Tà dương vô hạn hảo”. Và cũng nhờ anh hí hoáy “gõ” suốt ngày được, chưa xong “Những bức thư về luật thơ Đường”, đã tính bắt đầu nhận xét về thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương rồi. Điểm đó, anh hơn Giản Chi, Giản Chi làm biếng viết. Anh cứ viết đi, viết cho hết ngày đi.

Giản Chi bảo “ phải hay không hỡi chị Hằng” và “Người xa xa nhớ ta không” là giọng thơ Tú Xương, làm thơ tự nhiên như nói chuyện: , . Tôi thấy anh ấy nhận xét tinh đấy. Ảnh còn bảo: “Phải vậy hay không” là giọng người Nam, không phải là giọng người Bắc. Cũng đúng nữa. Tôi vào đây lâu quá rồi – 45 năm – quên giọng Bắc nhiều, nói gần như người Nam. Đông Hồ có lần trách tôi viết theo giọng Nam quá. Chẳng hạn: thật thà thì tôi viết là thiệt thà, Ảnh bảo “thiệt” nên để dùng với nghĩa thiệt hại. Tôi nhận đó là tật của tôi, nhưng lại làm biếng sửa (làm biếng cũng là tiếng Nam nữa).

Trong thư trước tôi đã cho anh hay tôi nhận được 2 tài liệu về Ô y hạng; anh nhận được thư đó chưa?

Anh hỏi ông bà con làm lớn ở Bưu điện đó xem 10 bức anh gởi cho C.T đều mất thì là tại “chỗ” nào? Nếu có thể được, anh lại hỏi luôn giùm tôi: “Hai gói quà ở bên Pháp gởi bảo đảm về cho tôi, mở ra thì đều mất mấy món” (đương viết thì nhảy mũi – cũng tiếng Nam nữa - nước mũi lại chảy ra) - hỏi họ, họ bảo: “Nó tới đây thì đã vậy rồi, bác không nhận thì để trả về Pháp”. Như vậy thì khiếu nại ở đâu? Hay là phải coi đó là một thứ “mãi lộ”?

Cô C.T đảm thật ! Mà con cái học khá đấy. Đáng mừng cho cô ấy. Tôi chưa gặp mặt cô Phụng Lữ nhưng đọc thơ, tôi tưởng tượng con người ấy trái ngược hẳn với C.T. C.T tôi thấy đôn hậu lắm, gặp lần đầu tôi không ngờ được là thơ hay quá.
Tôi chưa được biết thơ Vũ Hân và Phan Văn Dật, cũng chưa biết chút gì về đời hai ông ấy cả, ngoài điều anh cho biết.

Tôi cũng không quen ông bà Bút Trà. Trong thư anh nhắc tới vụ lại thăm Bút Trà, chắc là bà Bút Trà? Tôi có nghe tiếng họ, có đọc ít trang của bà B.T, chưa gặp mặt.

Nghe nói vợ Bùi Thế Mỹ (bà Phương Lan?) bây giờ thay đổi hẳn, y như một “bà già trầu”, không còn chút vẻ nữ sĩ nào cả. Biết bao người thiếu ăn, thiếu mặc, anh ơi. Chúng mình vào hạng có phước lắm đấy.

Đông Xuyên đau nhiều: nước tiểu đục như sữa. Tay run run. Chuyến này lên Sài Gòn, tôi sẽ đi thăm.

Tôi không nhớ đã nói bậy nói bạ (ngoài Bắc bảo là nói lếu nói láo) gì về luật thơ Đường, mà anh tính dẫn lời tôi trong bản thảo của anh đấy? Nói về thơ là nói riêng với anh, với Giản Chi thôi, chứ tôi biết khu vực đó không phải của tôi, bước vào thì vấp, bêu đầu.

Anh dựng bia mộ cho hai cụ giản dị như vậy là phải. Mộ má tôi thất lạc rồi (ở Hà Đông), mộ ba tôi còn nhưng đã phải dời vào một nghĩa trang chung cho cả mấy làng, chứ không còn ở ruộng nhà nữa. Còn nhiều ngôi khác đã bị bạt nấm.
Con cháu tôi ở cả nước ngoài. Tôi chưa biết chết rồi nên chôn hay nên thiêu. Chôn thì ở Long Xuyên này, chỗ nào mùa nước cũng lụt, thiêu thì ở Long Xuyên không có lò thiêu. Nhưng tôi không buồn về điều đó. Biết đó là luật trời rồi.

Kính chúc anh chị vui.

-o0o-



Nha Trang, 11-11-80

Kính anh,

Thư ngày 28.9.80 của anh đến tôi vào hạ tuần tháng 10-80. Chưa kịp hồi âm thì tôi vào Sài Gòn. Tôi đi cùng Chức Thành.
Thành bị bệnh mũi tái phát, định vào xin nằm bệnh viện mổ lại, song bác sĩ bảo không thể mổ lần 2, nên phải trở về Qui Nhơn điều trị.

Tôi vào lãnh quà ở Pháp gởi về. Quà của chị Bạch Lãng, bạn chị Mộng Tuyết, gởi tặng. Chị bạn không thạo “địa hình, địa vật”, không biết rằng hãng Imex của du học sinh yêu nước, không có chi nhánh ở Nha Trang nên gởi quà cho hãng ấy (Quà nặng dưới 1 kg, gởi Bưu điện bằng máy bay, đến đã mau mà người lãnh khỏi phải vào Sài Gòn). Tôi phải lo chạy xin thông hành, nhờ mua vé xe, vừa mất nhiều thì giờ vừa tốn kém... Cũng nhờ có C.T cùng đi, nên cũng đỡ tốn kém... Cũng nhờ có C.T cùng đi, nên cũng đỡ buồn.

Tôi có đến thăm anh Giản Chi. Rủi nhằm lúc ảnh đương dọn nhà nên không chuyện trò được nhiều. Ảnh đã hứa cho tôi mượn tập Toàn Đường Thi Thoại, song bận rộn quá, chưa tìm ra sách. Khi nào gặp, nhờ anh nhắc dùm. Tập ấy sẽ giúp tôi được nhiều việc lắm...

Hôm ấy tôi có mang theo tập Luật Thơ Đường, tôi vừa soạn xong, tôi định nhờ anh Giản Chi và anh nhuận chính. Song anh ở “quá xa”, anh Chi lại không được rảnh, nên đành phải mang về. Chờ dịp tốt. Được anh khen, tôi rất mừng. Tôi không có đức tự tín. Phải có “appui moral”.

Em tôi là Quách Tạo bảo rằng tôi mang mặc cảm tự ty.
Không biết có đúng không. Riêng tôi, tôi tự thấy mình thua sút bạn bè đủ mọi mặt. Cho nên thường sanh rụt rè. Tôi rất tin lời phán đoán của anh. Lâu nay anh đã giúp tôi nhiều lắm... Anh là appui moral của tôi.
Tôi nói: “Tình nhân cũng như bạn thân, đa đa ích thiện”. “Thiện” về mặt văn chương... Chớ... quả như lời anh nói, “rộn lắm, mệt lắm”...

Tôi coi họ là những cơn gió ấm, những cơn mưa ngọt làm cho vườn hồn nở sắc hương. Liên Tâm đã đưa tôi đi từ Một Tấm Lòng “già trước tuổi”, đến Mùa Cổ Điển “đầy nhựa sống”, sang Đọng Bóng Chiều có sương có ráng của mùa thu và có gió lạnh của mùa xuân... Chức Thành đã làm cho vườn lòng tôi bị khô cằn vì 10 năm chiến tranh với Pháp, trở nên “màu mỡ” và sản xuất được một số thơ có tình và mấy tập thi thoại Những Bức Thư Thơ, Trong Vườn Hoa Thơ... Phụng Lữ đã làm cho tôi mạnh dạn sử dụng thể thơ lục bát và soạn thêm được 3 tập thơ Nửa Rừng Trăng Lạnh, Trăng Hoàng Hôn và Giàn Hoa Lý...
Phụng Lữ không có ở Nha Trang.
Chỉ còn Chức Thành, 25 năm rồi, vẫn trước sao sau vậy.

Tịch  Dương cảnh đẹp vô ngần.
Riêng thương tấc bóng đã gần hoàng hôn.

Anh viết hồi ký mà cũng phải sửa chữa. Như thế thật là thận trọng. Tôi chỉ viết theo “trào lưu cơn hứng”, “Ý nghĩ vậy viết vậy; văn ra sao thì sao”. Làm thế nào để chúng minh trao hồi ký cho nhau xem? Lắm lúc nhớ anh lắm.

Nghe anh Giản Chi nói tháng 11-80 anh lên Sài Gòn, Chức Thành cũng như tôi muốn ở nán đợi. Song sợ ngày dài mà túi không được nặng...nên đành ngâm bài “Qui Cố Viên” của Đào Tiềm. Suýt nữa quên chuyện này: Không phải tôi bị mất 20.000 trang bản thảo, mà bị mất chừng ấy sách và báo chí tích trữ ngót 20 năm...! Gặp anh tôi không cho biết, vì... tiếc quá... Nói nghẹn lời ! Bản thảo của tôi, tôi cũng chưa biết giao cho ai! Vùng kinh tế mới, còn mới quá không chắc có đủ sức gìn giữ những vật không sanh sản được gì. Lắm lúc nghĩ thật buồn. Đành vậy.

Chúc anh an hảo.

Kính lời thăm chị.

-o0o-



Nha Trang, 23-11-80

Kính anh

Thư anh viết tại Long Xuyên ngày 29-10-80 đến tôi ngày 22-11-80.
Trước đây chừng 1 tuần, tôi có viết gởi về Kỳ Đồng cho anh 1 bức thư phúc đáp, bức thư anh gởi trong tháng 9-80. Tôi viết gởi địa chỉ Sài Gòn là vì biết rằng anh sẽ có ở Sài Gòn trước khi thư tôi tới. Nay xin tin anh biết.

Tôi dọn đến ở ngôi nhà đường Bến Chợ từ 1938. Trên 40 năm trời, kẻ trộm bảo nhau đừng thèm vào nhà tôi, vì vào rồi ra không thì thất thể diện, còn lấy cho có lệ thì ngoài mấy chồng sách cổ không có gì cầm cho khỏi “uổng tay”... Vì vậy cho nên tôi không được hân hạnh đón tiếp quí vị “đi buôn không vốn” ấy. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay tôi rất được quí vị ấy hạ cố. Tôi bị hạ cố đã 4, 5 lần gì rồi. Một lần cạy cửa lấy chén đĩa và mấy bộ áo quần của tôi, một lần lấy mấy bộ đồ bà ba mới may của nhà tôi, một lần mới lấy chiếc bình thủy, tôi phát hiện... quí vị bỏ lại “chiến lợi phẩm” nhảy qua rào thoát thân. Vừa rồi, tôi để quên kính mắt nơi bàn viết cạnh cửa sổ, đêm đến quí vị cạy cửa sổ, mượn mất cặp kính của tôi!

Mua kính thường, hay đau mắt, mua kính tốt người bán kính bảo khi trúng số sẽ mua cho tiện. Nên mấy hôm nay phải tạm nghĩ “dưỡng lão”. Nay viết thư cho anh, đành viết “thuộc lòng”.
Anh xem có rõ chăng? Hay là “cua bò sáng trăng” lắm?
Nói viết thuộc lòng, chớ sự thật vẫn thấy nét. Đọc thư anh, tôi vẫn đọc “thuộc lòng” theo kiểu thầy sãi tụng kinh, nghĩa là hi hí đôi mắt. Thấy nét và nhận ra chữ. Chỉ có một, chớ nếu còn đủ hai con thì có lẽ gần như mang kính. Đó là ức đoán chớ có còn đủ hai con đâu mà biết.

Đông Xuyên đau bệnh gì mà lạ vậy? Lúc này đau sơ sơ còn không thuốc uống, huống hồ đau bệnh nặng? Vì không biết địa chỉ nên hôm trước tôi không đi thăm được !
Hôm tôi đến thăm Giản Chi thì nhằm lúc ảnh đương dọn nhà... Ơn trời cho ảnh nhiều sức khoẻ hơn anh và tôi... Anh cũng hay đau ốm quá!
Nếu tôi được rời rộng đồng tiền để bồi dưỡng và để muốn “phong lưu” thì được “phong lưu”, tôi chắc còn kéo dài “bóng tịch dương” ít ra cũng mươi năm nữa... Tôi buồn nhiều hơn lo...nhưng hể đút đầu vào văn chương, hoặc có người thân yêu để nói chuyện thì buồn “tạm biệt” ngay.

Qua văn chương mà anh “xem tướng” Phụng Lữ và Chức Thành như thế thì đúng là “quỉ cốc”. Văn là người. Văn hai bà bạn ấy phản ảnh tâm hồn và phong cách hai bà hết sức trung thành. Nhưng cả hai tôi nhận thấy “văn căn” không ăn sâu vào tâm hồn nên mới mấy năm nay, mà hoa đã không sanh mà lá đã dầu dầu héo úa! Đúng hơn là họ đọc sách ít quá! Rễ dù ăn sâu mấy mà phân nước của sách vở không có thì cũng khó mà nảy nở... P.L vào Sài Gòn được chẳng khác con cá lớn bơi ra được nơi hồ rộng vực sâu. Nếp sống của P.L đã theo hẳn nếp sống của phụ nữ sanh trưởng ở thành phố lớn... Bà ta làm hiệu trưởng trường Đồng Khánh - Huế nhiều năm liên tiếp và mới vào Nha Trang từ niên khoá 1974-1975, làm thanh tra trung học. Cách mạng cho nghỉ việc năm 1976 và mời ra dạy lại từ đầu niên khoá 1978-1980. Không chịu cực nổi, mặt dù được biệt đãi, phải xin thôi...

Còn C.T vì gánh gia đình quá nặng (mẹ già, em dại, chồng bệnh, con thơ) nên phải đem hết sức lao động ra tranh đấu với cơm áo! Lúc này anh gặp sẽ thấy khác năm trên nhiều lắm... Ở trong hoàn cảnh này cũng hết muốn nghĩ đến văn chương!
Chung quanh mình, người nào cũng có những tình cảnh đáng thương.

Anh nhận xét về luật thơ Đường rất đúng (Trong Trung Hoa văn học sử lược). Tôi lấy hẳn ý anh đem vào tập Luật thơ Đường của tôi.

Tôi thấy còn nhiều vấn đề cần phải viết lắm. Về nhà Tây Sơn, tuy “thiên hạ” đã viết nhiều, song còn nhiều chuyện đáng viết lắm. Tuồng hát Đào Tấn cũng thế. Nhân vật Bình Định cũng chưa ai làm sống. Có hai nhà viết rồi là Bùi Văn Lăng và Đặng Quí Địch, song tôi thấy đó là những bản lý lịch mà thôi. Lại có nhiều nhà thơ lớn mà ít ai để ý như Tương An, Phạm Thái. Có nhiều huyền thoại rất hay chưa ai sưu tập..., nhiều cuộc tình duyên rất nên thơ chưa ai chép v.v... Những “vấn đề” tôi đã nghĩ đến từ lâu, nhưng mãi đến nay mới thấy cần viết, bởi không thấy ai để ý, và mặc dù biết rằng viết để “chẳng ai xem..”.

Viết để sống. Vậy sống đến đâu viết đến đấy, cũng chả cần nôn. Phải không anh?
Về chính tả, anh Tạ Linh Nha phục anh cũng như anh ấy phục anh về văn phạm. Tôi về hai “vị” này thật đáng đánh đòn.

Anh Giản Chi nói về câu thơ “có phải hay không...”, đúng đấy. Anh và tôi thích câu “phải vậy hay không...” là vì nó giống giọng “của mình”.
Còn bài “Ta nhớ người xa...”, anh có nhớ đủ 8 câu chăng, và anh có hiểu trọn ý nghĩa cả 8 câu chăng? Tôi có đủ song e không đúng nguyên văn nên nghĩa còn “lúng túng”:

Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa quá... nhớ ta không
Sao đương vui vẻ ra buồn bã (1)
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng (2)
Lúc nhớ nhớ gì trong mộng tưởng
Khi riêng riêng cả mối tình chung
Tương tư há phải là trai gái (3)
Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng.

Bài anh có giống thế chăng. Khi nào rảnh anh cho biết ý nghĩa từng câu theo anh hiểu, nhiều người giải nghĩa tôi nghe vẫn ngượng ngập. Tôi chịu chứ không giảng nghĩa sao cho xuôi tai được.

Anh đương yếu lại bận lo công việc, tôi viết thư cho anh vì ngồi không buồn quá, Anh đừng sợ tôi trông mà phải cố gắng trả lời. Về Long Xuyên nghỉ ngơi cho thật khỏe rồi sẽ cầm bút...

Kính chúc anh chị an hảo.

(1)  Có chỗ chép: Cũng vì vui quá ra buồn bã
(2)  Có chỗ chép: Vì mới quen nhau hóa lạ lùng
(3)  Có chỗ chép:  Tương tư lọ phải là mưa gió

Cũng khó hiểu như mấy câu trên

-o0o-



Nha Trang, 24-11-80

Kính Anh,

Nghe nói xe lửa mấy hôm nay không chạy vì đường bị lụt làm hư và hầm xe bị đá lở... Như thế thư chắc cũng chưa đi được, nên viết thêm cho vui.

Theo lời anh tôi có hỏi thăm ông bưu điện. Ông ấy bảo: “Làm sao tôi biết được?”, chí lý. Bởi thư mất và đồ đạc mất chứ ông ấy có mất đâu mà ông ấy biết. Anh mất có nhiều chăng, chớ tôi mất bộn bộn. Quà của cậu học trò cũ, học kỹ sư ở Pháp, đậu rồi được việc làm nên ở luôn bên đó. Cậu ta được tin tôi răng sếu ăn cơm ghé hơi khó, nên gởi quà về tặng. Gởi cho người thân ở Sài Gòn nhờ trao lại... Người thân ấy đi lãnh, thấy thùng đồ quá nhẹ, mở ra kiểm lại trước mặt người phát hàng, mười phần chỉ còn ba! Xin làm biên bản...vân vân... và vân vân... Rút cuộc: ông già ở hang Ngu công thời Chiến quốc là tấm gương đời nào cũng sáng tỏ. Chúng mình nên nghe lời Đức Khổng về chuyện mất cũng cho nhẹ tấm lòng.

Mấy lâu nay, nàng thơ có lẽ lo chạy gạo hay sao mà chờ mãi không thấy đến. Vì vậy nên gượng gạo mua vui ít vần mà chỉ còn là sáp. Tuy vậy vẫn chép cho anh xem:

CHẠY THUỐC
Thương vợ, thương con phải chạy quàng
Nhìn toa bác sĩ trí hoang mang
Chợ trời thuốc có tiền không có
Túng nước chùa sang miễu cũng sang
Đành bó cái khôn vì cái khó
Bởi xưa ham sách chẳng ham vàng
Bên đường vắng khách dừng chân tạm
Nửa mẫu vườn ai nỡ bỏ hoang

ĐI CHỢ
Chợ cóc bên nhà vốn đã lâu
Mon men đi chợ mới lần đầu
Mình không phải Mán thua chi Mán
Gạo tưởng là châu đắt quá châu
Theo thuở theo thì coi chẳng dễ
Sanh voi sanh cỏ ngại gì đâu
Ít tiền thời tới hàng rau vậy
Kẻ cắp trề môi: - quân tử Tàu

Anh Giản Chi đọc được nhiều sách quí nên kiến thức rộng, học lực cao. Tôi học lóm nhiều hơn học thầy và học sách, nên cái vốn học thức không thể đem ra “kinh doanh” lớn được.
Anh có soạn một quyển dạy cách viết văn? Tôi chưa được xem quyển ấy. Ở Quy Nhơn và Nha Trang có nhiều sinh viên Đại học đến hỏi tôi để mượn đọc. Các cậu ấy bảo rằng thày học ca tụng sách ấy lắm và khuyên nên tìm đọc. Đắc Nhân TâmQuẳng Gánh Lo Đi cũng là hai tập văn được đám “khả úy” chiếu cố. Đám này lại là đám nhẹ túi. Cho nên tôi không thể “móc ngoặc” cùng anh để kiếm tiền “cà phê cà pháo”.

Thư anh cho biết đã nhận được bài về Ô y hạng, đã tới tôi rồi.
Nhắc đến Ô Y Hạng, chạnh nhớ Đông Hồ. Quả như lời anh nói, Đông Hồ càng về già đời càng sướng. Cái chết của anh ấy cũng sướng. Tôi đã chứng kiến được ba người “chết đẹp”: ông nội tôi, ông Yersin, và ông thân tôi. Cả ba đều biết giờ vĩnh biệt của mình, sai tắm gội, mặc quần áo mới, nằm nói chuyện vui vẻ, rồi chào mà đi. Vì vậy cho nên hễ nhớ đến bà thân tôi thì tôi khóc, còn nhớ đến ông thân tôi thì tôi nghe văng vẳng bên tai lời người thường nói cùng mấy ông cậu tôi: “Chết là đi du lịch dài ngày...”. Tôi ước sau này cũng được đi “du lịch” một cách thú vị như thế. Năm tôi 60 tuổi, thiên hạ đồn tôi chết một lần. Hôm tháng 5 âm năm nay, lại một lần đồn nữa. Thế là tôi được hai lần “tử nhi bất tử” rồi. Đúng 12 năm chắc còn 12 năm nữa mới sự “bất quá tam”.
Buồn quá, nói bá láp mãi. Anh có mỏi mắt lắm chăng? Xin tạm nghỉ vậy.

-o0o-



Long Xuyên ngày 20-12-80

Kính Anh,

Tôi ở Sài Gòn lần này trên một tháng, từ 09-11 đến 12-12. Không vui: cảnh bạn già nào cũng buồn. Người thì như Đông Xuyên đau, chỉ đi loanh quanh trong xóm thôi nhưng tinh thần còn tốt; người thì lo cho con cháu như Giản Chi; người thì sắp đi hoặc chờ cơ hội để đi như Trương Văn Chình. Gặp nhau thì mừng rỡ, nhưng nói chuyện một lát thì ai đấy đều than thở tương lai hắc ám quá.

Không vui lại thêm đau: nửa tháng bị bệnh nhức khớp xương bả vai, châm cứu, uống thuốc vừa hết thì phải về Long Xuyên. Dậy từ 4 giờ sáng, 6 giờ đến bến xe Phú Lâm, đợi tới 11 giờ mới có xe, xe chạy từ 11 giờ đến 17 giờ mới đến Long Xuyên. Mệt đừ. Thế là tới nhà lại đau nữa: cảm, sổ mũi, ho. Hôm nay vẫn còn khật khừ, chưa ra khỏi nhà.

Xin thưa anh hay ngay kẻo quên: Giản Chi đã tìm được Toàn Đường Thi Thoại, đã gởi anh Xung, anh Xung không cho anh hay sao? Có ai vào Sài Gòn, anh nhờ người ta đem ra cho.

Anh có phước đấy: gặp được ba tri kỷ trong nữ giới, ba nàng muses, nối tiếp nhau dẫn dụ thúc đẩy anh sáng tác. Trong hồi kí của anh chắc họ chiếm một địa vị quan trọng. Hồi kí của anh có nhiều điều lý thú: Bàn Thành Tứ Hữu kia cũng đủ chiếm cả trăm trang rồi.

Hồi kí của tôi không hấp dẫn đâu: đời văn của tôi khô khan, khắc khổ, tôi chép chỉ để cho con cháu biết ông cha chúng đã làm gì, thế thôi (nhưng chắc chúng chẳng đọc đâu); ngoài ra tôi chép về tổ tiên tôi, gia đình tôi, xã hội Việt Nam từ sau Thế chiến thứ nhất đến nay, và về 2 cuộc chiến tranh Việt Pháp, Việt Mỹ; chép nhiều điều như vậy cho nên chỉ có thể nói phớt qua, ghi vài nét chính, không đi sâu vào chi tiết.

Tôi viết chủ ý cho người thân trong nhà đọc, tuyệt nhiên không có ý  xuất bản, nhớ đâu chép đấy, không sửa câu văn. Tôi nói rằng đã phải sửa nhiều là sửa nội dung: có những điều viết rồi sau thấy sai, có những điều thiếu sót, phải thêm, thêm nhiều lắm, thêm ở ngoài lề, thêm vào một mảnh giấy riêng, dán vào lề..., mất công ở chỗ đó.

Tôi cứ theo thứ tự thời gian, nên về việc viết văn của tôi, tôi chép rải rác trong toàn bộ, chỗ ít trang, chỗ một hai chương; muốn trao đổi với anh thì phải trích tất cả những chỗ đó ra, rồi nối lại, chép lại, công việc này ngán lắm.

Về các bạn văn, tôi chép sơ sài thôi, và tôi làm newsi về những bài báo tôi viết về họ. Không thể chép kĩ được. Họ đông lắm.

Chỉ có 3 điểm này là tôi chép khá kĩ: có gì đưa đẩy tôi vào nghề viết văn - tại sao tôi viết được nhiều – và cái cách tôi làm việc. Đó là những câu hỏi mà nhiều bạn và nhiều độc giả thúc tôi viết. Chẳng có gì đặc biệt, nhưng họ thúc thì tôi viết.

Sách báo tích trữ ngót 20 năm mà sao bị mất? Người ta tịch thu ư? Hay anh tự ý giao cho họ? Thôi đừng nên tiếc. Con cháu chẳng ai đọc những thứ đó đâu. Anh còn thì anh quí chúng. Anh thất lộc rồi thì chúng là giấy hút thuốc. Sách báo của tôi, tôi không muốn bán vì chúng là bạn của tôi, nhưng khi chết, ai muốn làm gì thì làm. Chị Mộng Tuyết cũng đương tìm người mua để bán đi cho nhà đỡ chật.

Từ 1977 đến nay, không nhà nào không bị ăn cắp, ăn trộm. Đó là một nét đặc biệt. Anh bị người ngoài lấy. Chúng  tôi bị ngay cháu chắt trong nhà, con bạn bè lấy trộm: mình tin họ, thương họ cho họ ở nhờ, và họ tha hồ lục lọi, ăn cắp vặt. Nghèo quá, họ phải làm vậy. Cũng có kẻ không nghèo mà tham. Phải vậy thì mới thành “bình sản” được chứ. Mình coi đó như một món thuế mình phải đóng cho “văn minh” vì bình sản là văn minh chứ gì?

Các bạn trẻ sinh viên đó, muốn tìm cuốn Luyện văn của tôi? Bộ đó 3 cuốn, chỉ cuốn 1 là họ hiểu được. Hết rồi, còn đâu nữa.
Tôi thích bộ Hương Sắc Trong Vườn Văn, và cuốn Cổ Văn Trung Quốc hơn. Hai cuốn này cao hơn. Bọn cựu sinh viên văn khoa, nay dạy ở Trung học cũng tìm 2 cuốn đó, nhưng cũng hết rồi. Đắc Nhân TâmQuẳng Gánh Lo Đi ở chợ trời vẫn còn, giá phải 20đ một quyển.

Cụ ông và bác trai bên anh kiếp trước tu hay sao mà “chết đẹp” như vậy nhỉ? Tôi cũng ước ao như vậy lắm, chỉ mong chết mau, không làm phiền đến người chung quanh.
Ông bạn Tạ Linh Nha sao mà quí hóa vậy? Đọc sách tôi kỹ quá vậy, để ý tới văn phạm và chính tả. Ông ấy quá khen đấy. Ở nước mình, có lẽ chỉ có Lê Ngọc Trụ là chính tả vững nhất. (Ông ấy chết năm ngoái rồi). Tôi viết còn sai, mỗi cuốn 200 trang, còn sai vài ba chữ (không kể lỗi in: coquille). Chứng cớ là có lần anh sửa cho tôi chữ: cái phảng để phát cỏ, bảo phải viết phãng, và anh sửa đúng.

Chúng mình bây giờ buồn thì viết cho qua ngày, được bao nhiêu thì được, thích gì viết nấy. Chứ tuổi này rồi mà muốn ôm hết cả việc đời sao nổi? Còn biết bao điều muốn chép, biết bao ước muốn, có sống thêm một kiếp nữa, cũng chưa làm xong, vì càng sống thì càng thấy vấn đề mới phải viết. Một ông bạn già của tôi 77 tuổi rồi mà muốn làm lại bộ Từ điển Trung Hoa sắp theo lối riêng, một bộ từ điển chữ Nôm rồi lại muốn hiệu đính tất cả các truyện bằng thơ của cổ nhân nữa! Tiếc thay! ông ấy sống đã 77 năm, mới cho in được mỗi một tập mỏng (Tự điển Danh từ triết học)!

Bài từ của cụ Tú Xương trong Văn Đàn Bảo Giám, Hư Chu hiệu đính (Mai Lâm in năm 1968), chép như sau:

Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa nhớ ta không?
Sao đương vui vẻ ra buồn bã
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng
Lúc nhớ như cùng trong mộng tưởng
Khi riêng riêng cả đến tình chung
Tương tư chẳng lọ là mưa gió
Một ngọn đèn xanh, trống điểm thùng.

Mấy câu anh không hiểu nghĩa thì tôi cũng bí, mà tôi chắc mọi người đều bí. Tâm tình riêng của các cụ (Phan và Trần). Các cụ nói úp úp mở mở thì làm sao mình biết được.
Câu 3 tôi đoán là cụ Tú tả lúc sực nhớ bạn mà buồn.
Câu 4: tôi đoán là cụ muốn nói mới gặp cụ Phan ở Trung ra, mới quen nhau, hiểu nhau thì cụ Phan đã phải qua Trung Hoa ngay.
Câu 7: tôi cho là trai gái hay hơn mưa gió.
Tôi cũng thích ngọn đèn xanh hơn là đèn khuya.

Ấy đấy, mới có mấy chục năm, ở vào thời đại có máy in mà một bài ngắn như vậy đã có mấy version, không biết version nào đúng. Nói chi đến Truyện Kiều dài mấy ngàn câu sao đi chép lại từ 150 năm nay!

Nói đến chuyện hiệu đính Kiều tôi ngán quá, bàn cãi cả thế kỷ cũng không xong.
Bài thơ Chạy Thuốc của anh, cặp thực được đấy chứ. Cặp luận cũng chỉnh, nhưng ý đó anh đã diễn nhiều lần rồi. Câu 8 có ý vị. Câu 8 bài Đi Chợ không bằng.

Ông Trương Văn Chình chỉ cho tôi môn thuốc bổ rẻ tiền và rất công hiệu này của cụ Lãn Ông: cơm rượu (ngoài Bắc gọi là rượu nếp) làm bằng gạo lứt, ăn với chuối già (ngoài Bắc gọi là chuối tiêu) lột vỏ rồi cũng cho vào với cơm rượu cho nó lên men như rượu. Mỗi ngày ăn ½ chén ăn cơm với 1 quả chuối. Một tháng lên từ 5 đến 10 kilô (ông Chình đã thấy vậy). Tôi không dám thí nghiệm vì loét bao tử không dám ăn cơm rượu.

Bệnh glaucome của anh, khi nào vô Sài Gòn, anh nên lại nhà bác sĩ Tiến trị mắt. 152 hay 158 Phan Đình Phùng cũ, sát vách tòa soạn Bách Khoa cũ. Ông ta có máy đo tension mắt cho anh - 10đ một countlation - Giỏi mà có lương tâm.

Giản Chi học chữ Nho tới 15 tuỏi, đậu khóa sinh rồi, chuẩn bị thi Hương thì thi Hương bãi bỏ, mới qua học chữ Pháp, đậu Diplôme mention bien. Văn thơ Trung Hoa anh ấy biết nhiều vì thích môn đó, tôi cho rằng trong Nam này không ai hơn (ngoài Bắc thì tôi không biết, nghe nói còn ít cụ 80 tuổi, nhưng tuổi đó các cụ cũng quên nhiều hoặc lẩm cẩm rồi).

Thực là duyên tiền định mà chúng tôi gặp nhau năm 1967 - 1968. Nhờ biết nhau nên tôi mới khuyến khích, thúc anh ấy viết về Triết học và Văn học Trung Quốc, chứ anh ấy chỉ thích sống theo Lão Trang chứ không kiên nhẫn biên khảo, và nhờ anh ấy hợp tác mà tôi mới vững tiến vào khu vực cổ học Trung Quốc.

Nếu không có anh ấy thì tôi đã hướng về công việc khác rồi, chứ không thể kiếm ai để có thể hợp tác được về môn đó, mà một mình viết thì e lầm lỗi, nhất là mệt nhọc lắm. Sự hợp tác của chúng tôi thật có lợi.

Khi xuất bản cuốn “Tương lai ở trong tay ta” (tôi dùng những kinh nghiệm sống của tôi để chỉ ra một lối sống cho thanh niên), tặng anh ấy một bản, anh ấy bảo tôi:
“Nhờ đọc cuốn đó của bác mà tôi bỗng hiểu 2 câu thơ sau này của một thi sĩ đời Thanh:

Nhân sự tự sinh kim nhật ý
Hàn hoa chỉ tác khí niên hương

Mà anh ấy tự dịch là:
Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ
Mai già lưu lại chút hương xưa

Anh Giản Chi và Đông Xuyên viết thư, chữ luôn luôn chân phương, Đông Hồ và tôi luôn luôn viết tháu.